Bài nói chuyện của Gioan Lê Quang Vinh trong Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Tây Bắc Phú Thọ 2018.

I. THẾ GIỚI PHẲNG NGHĨA LÀ GÌ?

“Thế giới phẳng” (Tiếng Anh: The world is flat) là tên một tác phẩm của Thomas Friedman - một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times. Năm 2005,cuốn sách này được trao giải thưởng “cuốn sách hay nhất” trong năm.

Hiện nay "thế giới phẳng" đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước.

Nói một cách đơn giản, trong thời đại này, mọi biên giới có thể bị xóa sạch, và tất cả có thể được trình bày trên một bề mặt phẳng, rất phẳng. Màn hình máy tính, màn hình điện thoại thông minh cũng trình bày mọi thứ dưới dạng “phẳng”.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG THỜI ĐẠI INTERNET

Khi sử dụng Internet, nhận thông tin và giao tiếp quá dễ dàng qua Internet, người trẻ có thể có nhiều lợi ích trong việc thu thập kiến thức, học tập, có bạn bè mới và cũng học hỏi nhiều về giáo lý, tăng cường đời sống đức tin. Nhưng đồng thời, các thiết bị số cũng làm cho chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách đố trong mọi lãnh vực của đời sống, trong đó có lãnh vựe sống đức tin.

1. Thông tin sai lạc

Internet là nguồn cung cấp thông tin vô tận vì ai cũng có thể đưa tin qua vô số những trang mạng khác nhau. Và vì ai cũng có thể đưa thông tin nên thật giả cứ trộn lẫn vào nhau, chúng ta không tài nào phân biệt được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng ”tin giả” dựa trên ”chiến thuật con rắn” như trong trình thuật Kinh Thánh về việc con rắn lý luận để cám dỗ bà Evà. Tên cám dỗ có vẻ đáng tín nhiệm và nhắm tới một sự quyến rũ đi thẳng vào tâm hồn con người, với những lý lẽ giả tạo nhưng có sức thu hút. Từ sự kiện đó, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng không có sự thông tin ngụy tạo nào là ”vô thưởng vô phạt”, vì thế nếu chúng ta tin những gì là sai trái, giả tạo, sẽ tạo nên những hậu quả bi thảm và tai hại.

2. Cám dỗ phạm tội

Trước kia người ta cũng đọc sách, coi phim xấu, và đó là những cám dỗ dẫn đến tội lỗi nghiêm trọng. Nhưng có lẽ trước kia tìm sách, phim như thế không dễ. Còn bây giờ phim ảnh, sách bào xấu tràn lan. Những phim ảnh, truyện kể xấu trên Internet làm cho các bạn trẻ mất giờ, mất nhân cách và mất sự bình an trong tâm hồn. Nếu cứ mải mê tìm đọc và xem những trang web đen thì chẳng bao lâu các bạn sẽ lơ là với đời sống đức tin và không còn thấy được sức thu hút từ các hoạt động tông đồ. Tại sao thế? Lý do đơn giản là sự mặc cảm và sự chai đá được hình thành dần dần trong tâm hồn.

3. Chia trí, lơ là việc đạo đức

Một cô nàng đi Lễ mà cứ cúi mặt xuống. Nhìn sang, người ta thấy cô đang nhìn màn hình điện thoại kẹp vào tay. Một chàng trai đi Lễ mà cứ nhắn tin. Khi được hỏi tại sao đi Lễ mà cứ mải mê nhắn tin, chàng trả lời tỉnh bơ: “Nhắn công việc chứ có phải chơi đâu”. Quá nhiều cuốn hút từ màn hình phẳng làm cho người ta không còn tâm trí đâu mà chú ý đến các lễ nghi phụng vụ, sốt sắng cầu nguyện hay chuyên tâm vào việc tông đồ. Bạn cứ tưởng tượng một gia đình mà trong đó mỗi người dán mắt vào một màn hình thì đến giờ kinh tối sẽ thế nào, và khi nghe chuông nhà thờ mọi người sẽ phản ứng ra sao?

III SỐNG ĐỨC TIN TRONG THỜI ĐẠI INTERNET

1. Sống đức Tin với Internet

Chúng ta đang sống trong năm thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Khi suy ngắm về cuộc đời các ngài, chúng ta nhận thấy điểm chung này: là các ngài chết cho một đức tin mà các ngài đã ôm ấp trong suốt cuộc sống của mình. Chẳng ai chết cho điều mình không sống trước đó. Hành động anh hùng không chỉ là chết cho đức tin mà còn là sống cho đức tin.

Sống đức tin thế nào trong thế giới phẳng này? Các bạn đã nghe các Cha dạy bảo, và đã từng sống đức tin trọn vẹn. Chúng ta nói thêm một chút về việc sống đức tin…

2. Loan báo Tin Mừng bằng Internet

Sống đức tin mà không loan báo Tin Mừng là chưa sống đức tin trọn vẹn. Chúng ta vẫn thường nghe lời khẳng định của Thánh Công Đồng Vatican: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo”. Thế thì bản chất mỗi Kitô hữu phải là truyền giáo.

Đức Thánh Cha dùng Tweeter để giao tiếp với các bạn trẻ, để loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Các bạn hãy vào trang Phanxicô.vn để xem và bắt chước ngài.

Trong bài trả lời phỏng vấn của Vietcatholic, Đức Cha Anphong của chúng ta với tư cách là Chủ tịch UBLBTM của HĐGMVN đã quả quyết như sau: “cho đến nay, dù phải chịu nhiều khốn khó, giáo dân Việt Nam vẫn “giữ đạo” tốt, nghĩa là dự lễ, xưng tội, hành hương, lễ lạc rất đông và “hoành tráng” nữa. Nhưng đó mới chỉ là bề mặt, thực chất lòng tin của bà con thì chưa chắc được sâu sắc như cha ông chúng ta thời tử đạo, vẫn mang tính cầu khấn, van vái xin ơn ! Bên cạnh việc “sống đạo” cho bản thân, mọi tín hữu cần phải có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng cho hơn 80 triệu đồng bào chưa biết Chúa. Nếu mỗi người Công Giáo sống đạo tốt và dẫn đưa được ít là một người đến với Chúa thì Giáo Hội tại Việt Nam sẽ khác hơn nhiều”.

Đức Cha nói tiếp: “Để làm được việc ấy, tôi xin lặp lại ý tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được xem như kim chỉ nam: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”. Nếu thiếu nhiệt huyết thì dù có mọi phương thế trong tay cũng chẳng đem lại kết quả. Phương pháp mới thì hiện nay có rất nhiều, chẳng hạn những phát minh của ngành công nghệ thông tin như internet, facebook, instagram, truyền hình kỹ thuật số…”

Chúng ta có nhiệt huyết rồi, không có nhiệt huyết thì các bạn không hăng hái và hăm hở đến đây. Nhiệt huyết chính là lòng say mê mà Đức Thánh Cha nói đến. Sáng nay Đức Cha Anphong hỏi các bạn “Ai đã từng nói về Chúa Giêsu cho người bạn không cùng tôn giáo?”, chúng ta rất vui vì hầu hết các bạn đều đưa tay lên cao, chứng tỏ các bạn có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng.Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói truyền giáo là lòng say mê yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta có say mê yêu mến Chúa Giêsu chưa?

Các bạn xòe hai bàn tay ra. Trên đầu ngón tay các bạn thấy gì? Hoa tay? Chai tay? Màu sắc? Tôi xin bạn viết lên mỗi đầu ngón tay một mẫu tự nhé. S-A-Y-M-Ê-G-I-Ê-S-U.

Chúng ta cũng có phương pháp mới đó là Internet. Các bạn vào Internet, lên Facebook để làm gì? Thường chúng ta trình bày gương mặt đẹp của mình, trình bày đồ ăn thức uống… Chúng ta đẹp vì chúng ta được Thiên Chúa tạo thành. Nhưng có lẽ chúng ta nên bớt nói về chính mình một chút, mà hãy trình bày một hình ảnh đẹp của Hội Thánh, một hình ảnh đẹp của mục tử, một chương trình hay của giáo xứ, để người ta nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa mà ca tụng Ngài.

Có lẽ chúng ta chỉ còn thiếu cách trình bày. Cách trình bày mới là trình bày như thế nào? Thưa đó là trình bày vừa tầm người nghe và trình bày với tất cả lòng yêu mến của mình. Hãy nói bằng ngôn ngữ của thời đại mà là ngôn ngữ đẹp, hãy thổi vào ngôn ngữ đó lời yêu thương và hãy nói làm sao để họ thấy bóng dáng Tin Mừng trong ngôn ngữ của chúng ta.

Chúng ta trình bày về Chúa, về Hội Thánh, không phải để “chiêu dụ người ta theo Đạo”. Việc người ta theo Chúa là việc của Chúa, còn bổn phận chúng ta là dùng mọi phương thế để làm cho Thiên Chúa được người ta biết đến và yêu mến.

Nào bạn ơi, từ nay trước khi đặt tay lên bày phím máy tính, ipad hay điện thoại, bạn hãy nhìn lướt 10 ngón tay mình và hãy thầm nhủ: Tôi say mê Giêsu. Say mê Giêsu, tôi không xem, không đọc những cái linh tinh, mất giờ và làm Giêsu buồn. Say mê Giêsu, tôi không làm anh chị em buồn qua bàn phím với 10 ngón tay tôi. Say mê Giêsu, tôi trình bày Giêsu và tình yêu của Người qua mười ngón tay tôi.

Gioan Lê Quang Vinh