Nhận định của Michael Paul Gallagher



Thuở nhỏ, mỗi khi gần đến Lễ Giáng sinh, tôi lại nao nức đợi chờ được làm hang đá, được kết đèn ngôi sao, và lúc đặt bộ tượng sinh nhật vào trong hang đá, thế nào tôi cũng giành lấy phần được sắp hàng cho tượng ba vua phương đông đến chầu Chúa Hài nhi. Và trong ba vua này phải có một ông tây đen, râu dài đến ngực. Diện mạo và y phục những vị này gợi óc tò mò và thích thú của tôi hơn tượng các người chăn chiên.

Sự yêu thích đó, sau này tôi mới khám phá ra, chỉ là tiếng vang vọng của một thời kỳ lịch sử dài lâu, trong đó nhiều bộ óc tưởng tượng phong phú đã sáng tạo nên những hình ảnh sống động của các bậc vua chúa đến từ phương đông xa lạ kia.

Hình ảnh ba vua qua các thời đại



Thật vậy, hình ảnh Giáng sinh đầu tiên còn dấu vết trong những hang toại đạo -- nơi giáo hữu thời sơ khai ẩn núp để tránh sự bách hại của bạo chúa – chính là hình ảnh các vị vua phương đông đó. Mãi sau này mới thấy bóng dáng những người mục đồng, nhưng hình ảnh của họ không được phổ biến lắm nơi các nghệ sĩ tạo hình thời bấy giờ.

Những thế kỷ đầu tiên sau Chúa giáng sinh đã dệt nên những lớp truyền kỳ bao quanh câu chuyện thuật lại trong Tin Mừng Thánh Matthêu về các vị đạo sĩ này. Lúc ban đầu, các nghệ sĩ đã mô tả họ là những nhà chiêm tinh, đầu đội mũ nhọn theo kiểu người Phrysian, và không giới hạn ở số ba vị mà thôi, vì Phúc Âm không nói rõ là bao nhiêu. Có những nghệ sĩ đã tăng số lên tới 12 vị. Tuy nhiên, vì sách Tin Mừng có nêu ra ba lễ vật họ mang theo, nên sau này con số được ổn định chỉ còn ba vị, và trong một bức họa kết bằng kiếng mầu ở Ravenna (nước Ý) vào thế kỷ thứ 6, lần đầu tiên ta được biết tên ba ngài là Gaspar, Melchior và Balthazar.
Tranh ba vua tại Ravenna (kiếng ghép)


Cũng trong khoảng thời gian đó, các nghệ sĩ quay qua mô tả họ là vua, có lẽ dựa theo Thánh vịnh 72 đề cập đến việc các vua chúa Ả Rập mang lễ vật dâng tiến Chúa. Một thí dụ điển hình là bức họa tạc trên đá tại nhà thờ chính tòa Autun (nước Pháp) mô tả ba vị đang nằm ngủ trên giường, đắp chung một tấm mền rộng, trên đầu đội vương miện. Một thiên thần đánh thức họ, tay chỉ lên ngôi sao. Một trong ba vị hai mắt mở lớn tỏ vẻ ngạc nhiên, vị thứ hai nửa thức nửa ngủ, còn vị thứ ba đang ngủ say sưa. Bức khắc họa đó dường như muốn gợi lên ba giai đoạn thức tỉnh về tâm linh, là một đề tài rất phổ biến ở thời kỳ Trung cổ.

Chỉ bắt đầu từ thế kỷ 12, các vị vua/đạo sĩ kia mới có cá tính riêng biệt, được mô tả là tượng trưng cho ba giai đoạn của đời người, hoặc tượng trưng cho các chủng tộc và các đại lục trên thế giới.

Có một truyện truyền kỳ lý thú vào thời kỳ này kể lại rằng ba vị, sau một thời gian dài chia tay, lại gặp nhau năm 54 trong một thánh lễ Giáng sinh cử hành tại Armenia, ông nào cũng đều trên 100 tuổi, và cả ba đều qua đời rất bình yên chỉ sau đó vài hôm. Thi thể ba ngài được đưa tới mai táng ở Milan (Ý). Nhưng năm 1164, thành phố này bị tàn phá vì nạn cướp bóc, nhà thờ chính tòa Cologne (Đức) xin được thu thập di thể của ba vị đem về lưu giữ trong một mồ thánh rất lộng lẫy. Khoảng cuối thời Trung cổ, theo một cuốn sách nguyện ở Cologne cho biết, thì Thánh Tôma lúc còn ở Ấn độ đã phong ba vị làm giám mục. Vậy là mũ mão của họ lại một phen nữa làm nhức đầu các nhà nghệ sĩ.

Đó là những chuyện truyền kỳ và chuyện nghệ thuật. Còn các nhà văn tôn giáo thì lại miêu tả các vị đó dưới những cái nhìn khác nhau. Thánh Bêđa (c.672-737) là một trong những người đã gán ý nghĩa cho các lễ vật ba ông mang theo để dâng lên Chúa: vàng chỉ vương quyền, nhũ hương chỉ thiên tính, còn mộc dược là một lời tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa.

Vài thế kỷ sau, Thánh Bênađô (1090-1153) lại nêu ra một lời giải thích rất thực tế: vàng để làm tiền chi dụng cho gia đình Chúa nghèo nàn, nhũ hương để tẩy mùi hôi hám trong chuồng bò, còn mộc dược là một loại thuốc thảo mộc để trị bệnh cho con nít.

Ở thế kỷ 20, một số nhà văn đã dùng lối so sánh đối chọi để nói lên cảm nghĩ của họ, như ta thấy trong các thi phẩm của hai nhà văn đã được giải Nobel. T.S. Eliot gợi lên một cuộc hành trình đầy gian khổ của ba nhà đạo sĩ để đổi lấy một đổi thay đắt giá: “Sự giáng sinh này cũng giống như sự chết cho chúng tôi.” Nhưng đối với nhà thơ Miguel Angel Asturias người xứ Guatemala, thì “vị vua da trắng kia” dâng vàng là để:

“Ngay từ trong nôi

Người đã nhìn thấy kẻ thù hung ác

Cùng sinh ra với Người

Là nấm mồ vàng bạc…”



Một ý nghĩa mới cho thời đại chúng ta



Điểm qua những sáng tạo theo óc tưởng tượng và các lời giải thích như vậy trong quá khứ, ta thấy chẳng cần gì phải e dè mà không dám đưa ra một lời giải thích khác về câu chuyện ba nhà đạo sĩ cho hợp với thời đại chúng ta. Đó không phải đơn thuần chỉ là một câu chuyện truyền kỳ làm thích thú trẻ thơ, mà còn có ý nghĩa hơn nhiều, và ta còn có thể dựa theo đó, xếp đặt một lịch trình dấn thân cho lớp giáo dân đã trưởng thành.

Các đạo sĩ đã khởi hành đi tìm Chúa khi nhìn thấy một vì sao. Mỗi người chúng ta cũng phải đi tìm và trung thành với ánh sáng ta đã nhìn thấy. Trong thời đại chúng ta, ánh sáng đó ta cảm nghiệm được trong tiếng kêu gào của những người bị áp bức, trong những bất công của lịch sử đang kêu đòi công lý. Đối với mỗi cá nhân và trong hoàn cảnh lặng lẽ hơn, ta cũng thấy được ánh sáng ấy khi nhận thức được ta sống ở trần gian là để theo đuổi mục đích chứ không phải sống không chủ định.

Các đạo sĩ đã không đi riêng lẻ một mình. Là một người Công giáo cũng vậy, có nghĩa là cùng đi với người khác. Và quả thực, Đức Tin sẽ triển nở mới mẻ hơn khi được hỗ trợ từ bạn bè cũng đang đi tìm ánh sáng như ta.

Ở Jerusalem, các đạo sĩ đã gặp phải bạo vương Herod. Vậy ai là Herod ngày nay? Đó là những kẻ độc tài. Những kẻ nắm quyền bính trong tay mà lừa lọc. Những nhà cầm quyền làm ra vẻ chuộng đạo nhưng thực ra lòng muốn giết Chúa. Và trong thế giới giầu có của ta hôm nay, Herod vẫn còn sống và mặc những hình thức tinh tế hơn, trong lối sống làm cho Chúa phải chết một lần nữa, hoặc dữ dằn hơn, trong cái vương quốc thương mại đã rất thành công khi lấy cắp hết cả ý nghĩa đích thực của ngày lễ Giáng sinh. Vậy là muốn làm một tín hữu Công giáo chân chính ngày nay, ta cần đương đầu với cả một bè lũ Herod mới.

Sau khi gặp Herod, các đạo sĩ lại tìm thấy ngôi sao của họ, lòng tràn ngập niềm vui, như Matthêu đã ghi lại. Và họ vào nhà, gặp được Chúa Giêsu và Đức Maria. Đâu là chỗ ta sẽ gặp Chúa hôm nay? Đâu là giáo hội đích thực mà ta hiệp thông được? Có nhiều câu trả lời: trong im lặng, trong đau thương, trong các nhiệm tích, trong lúc học hỏi nơi kẻ nghèo nàn, trong sự đoàn kết, trong tất cả cuộc chiến đấu khắc kỷ, tập đức để giành lấy Nước Trời.

Một trong những mục tiêu của ba đạo sĩ là dâng lễ vật. Đó cũng là một biểu tượng về mục đích cuộc đời chúng ta ở trần gian: Mỗi người đều có một quà tặng để đem đến cho thế giới, cho người khác. Mỗi cuộc sống được Chúa ban cho là để lại đem cho đi.

Làm sao các đạo sĩ nhận ra được bộ mặt thật của Herod? Họ có được một giấc mơ. Giấc mơ của ta thế nào? Có thể có nghĩa là lòng can đảm chống lại lối sống giả tạo, lối theo đạo chỉ còn là những thực hành trống rỗng sao cho có hình thức mà thôi.

Các đạo sĩ đã trở về bằng con “đường khác”. Câu đơn giản này là một lời phát biểu đầy ý nghĩa về cuộc lữ hành của người Công giáo ở trần gian. Tìm thấy Chúa đưa ta đến cách sống một cuộc sống khác đi. Quả thực đó là một con đường khác: đường lên Nước Trời.

Câu chuyện về ba nhà đạo sĩ là câu chuyện về sự đối đầu giữa hai loại vương quyền, một bên là uy quyền kiểu Herod với lòng ích kỷ và sự chết, còn bên kia là cách phục vụ quên mình và thí mạng sống của Chúa Cứu thế.

Trong thế giới ngày nay, mặc dầy ý nghĩa biểu tượng của nhiều sự việc đã đổi thay, nhưng ta vẫn còn khám phá ra được cảm hứng sâu xa và dồi dào, trong câu chuyện truyền kỳ và nghệ thuật cổ xưa về những vị đạo sĩ đến từ phương Đông xa lạ mà Tin Mừng của Thánh Matthêu đã trình thuật.