Con sư tử vĩ đại, một hư cấu về Thánh Phaolô(tiếp theo)

Tâm hồn Hillel ngập tràn say sưa hân hoan. Mọi loài đều nhẩy mừng trong Chúa và nhìn nhận Người, ngoại trừ con người. Mọi loài đều mặc nhiên vâng phục lệnh truyền dù nhỏ nhoi nhất của Người, ngoại trừ con người. Mọi loài đều sống trong sự mỹ, ngoại trừ con người.Con người là kẻ ngoài vòng pháp luật, là kẻ phản loạn, là khuôn hình méo mó làm trái đất khiếp run, là giọng nói tồi tệ làm cho nhạc dạo Eden im bặt, là bàn tay thô bạo giơ lên khiếm nhã phạm thượng. Con người là loài khuyển mã hạ cấp, một thứ cùi hủi tinh thần so với gương sáng Thiên Giới. Nó là đứa làm đục nước trong, phá hoại rừng già, giết hại thụ tạo vô tội, là kẻ dám thách thức Thiên Chúa. Nó là kẻ sát hại thánh nhân và tiên tri, vì các vị này nói tới những điều nó không muốn nghe, vì nó quen sống trong tối tăm tinh thần.

Hillel thích nghĩ tốt cho đồng loại mình vì ông vốn là người biết cảm thông và thường suy nghĩ đến các thống khổ và thế bối rối lưỡng nan của con người, nhưng nhiều lúc ông thấy con người không đáng sống. Mỗi lúc phải đối diện với cái ý nghĩ đầy ảm ấy, như buổi chiều hôm nay chẳng hạn, ông lại nghĩ đến các lời tiên tri liên quan tới Đấng Được Xức Dầu và không khỏi nhớ lại lời Isaia tiên báo về Người: “Người sẽ giải phóng dân Người khỏi tội lỗi của họ”.

Một số người thuộc phe Xa-đốc, mà ông quen biết và thường mời tới nhà chơi, hay cười nhạo mỗi lần ông thú nhận, dĩ nhiên sau một vài ly rượu nho, rằng mình “cảm” thấy như có một điều gì thần thánh đã xẩy ra trên thế giới, một biến cố mạnh mẽ nào đó đã diễn ra và sẽ thay đổi bộ mặt lịch sử và tái sinh khí hóa con người bằng Lời Thiên Chúa. Họ bảo ông: “chẳng qua tại anh sống kép kín đó thôi. Chứ thế giới này vững như đá với quyền lực La Mã. Đó là một thực tại, một thực tại được cố định hóa trong không gian, chỉ người khùng mới bác bỏ thực tại ấy. Bạn ạ, bạn hãy bỏ các vì tinh tú đi, bỏ cả cái lối giải thích kiểu Kabbalah đi, cả các tiên tri nữa, cái thứ tiên tri nặc mùi phân, quần áo lông dê và mồ hôi ấy đi. Thời họ là thời đơn giản. Thế giới ngày nay phức tạp và văn minh hơn nhiều. Thế giới này đầy rẫy những thành phố vĩ đại, đầy rẫy thương mại, nghệ thuật và khoa học. Con người ngày nay tân tiến, là công dân của thế giới La Mã. Họ biết hết những điều cần biết. Họ không còn là nạn nhân của những huyền sử, hy vọng hão huyền. Họ biết rõ tinh tú là chi. Họ hiểu rõ vật chất là gì. Họ biết rõ thế đứng của họ trong vũ trụ. Họ không còn mê tín nữa, cùng lắm chỉ qua loa thôi, như người La Mã chẳng hạn. Họ không còn khiếp đảm trước các hiện tượng tự nhiên nữa, vì họ đã hiểu thấu chúng. Họ có các đại học, các học đường với những bậc thầy khôn ngoan. Ít thiếu nữ Do Thái nào ngày nay còn mơ tưởng sinh hạ ra Đấng Được Xức Dầu nữa, vì họ hiểu rõ chả làm gì có Đấng Được Xức Dầu. Điều ấy chỉ có trong đầu mấy ông ngây thơ già lão thuở xưa. Ta vẫn còn kính trọng sự khôn ngoan của mấy ông già đó nhưng nhất định ta không để họ bước vào các thư viện và trường học của ta. Vì sự khôn ngoan ấy là sự khôn ngoan của những con người ngây thơ, không hiểu biết chút gì về các đô thị và hế giới huyên náo ngày nay.

“Một trinh nữ sẽ hạ sinh”, nhưng ngày nay không còn ai nhắc đến điều ấy, ngoài một số ông Biệt Phái già nua trong số bạn bè của Hillel. Mà có nhắc đến, thì họ cũng nhắc đến như một biến cố hết sức xa xăm trong thời gian, tựa như một mối hy vọng huyền nhiệm nào đó. Hillel cảm thấy lẻ loi. Tuy nhiên, đêm đêm, ông vẫn cảm thấy chắc chắn có một biến cố nào đó đang xẩy ra trên thế giới và sáng thế đang nín thở chờ đợi.

Có lần Hillel nói với một người bạn lớn tuổi ở Tarsus mà ông rất kính trọng, một người tuy còng lưng vì năm tháng nhưng tâm hồn hết sức trẻ trung: “Tôi có nghe người em gái họ ở Giêrusalem, cô ta vốn kết duyên với một viên bách quản La Mã vạm vỡ. Anh ta là người tốt; tôi từng dùng cơm tại nhà anh ta. Anh ta rất sủng ái em họ tôi và kính trọng cô ta đến độ, xin thú thực, nhiều người coi anh ta không còn là đàn ông, nhưng riêng tôi, tôi không bao giờ cho rằng khinh thường phụ nữ lại là điều chứng tỏ mình nam giới. Xét về nhiều phương diện, anh ta rất khôn ngoan và khôn khéo, và ngược với ý nghĩ thông thường vẫn coi người La Mã là quái vật, anh ta rất tốt bụng và có tính hài hước”. Hillel nói một cách e dè vì ông bạn già tỏ ra hoài nghi quan điểm khuếch đại của ông đối với những tên La Mã thống trị Đất Thánh của tổ tiên.

Hillel nói tiếp: “Anh ta hơi dị đoan một chút. Cưới Hannah sáu năm rồi mà chưa có được một mụn con trai, dù hai vợ chồng đã có 4 mụn con gái rất xinh, mà chính tôi ước ao cũng chẳng được. Đó là nỗi buồn duy nhất của Hannah, dù Aulus, tên anh ta, xem ra rất dễ tính và chịu đựng. Tuy nhiên, cách nay 4 năm, sau ngày đông chí, lúc người La Mã đang cử hành lễ Saturnalia ngay tại Giêrusalem, thì Hannah hạ sinh đứa cháu trai. Lúc ấy, Aulus đang an ủi mấy tên lính của mình phải trực canh trên tháp Giêrusalem, không được tham dự đêm lễ hội cuối cùng mà theo Aulus là ngày vui nhất. Đêm ấy trời rất đẹp, và khi nhìn về hướng Bethlehem, quê hương Vua David, Aulus thấy mọi vì sao đều xuất hiện rõ mồn một”.

Hillel liếc nhìn ông bạn cố tri lúc ấy đang đưa ly cho gia nhân rót thêm rượu, mặt tỏ ra chán nản. Đúng hơn, ông ta đang ngáp dài.

“Một người đưa tin tới báo cho Aulus biết đứa con trai đầu của anh ta vừa sinh ra. Thế là Aulus lập tức khui rượu đãi thuộc cấp đang rầu rĩ và cho phép họ tiệc tùng suốt buổi ngay tại đồn canh. Khi đang uống tới tuần rượu thứ ba, Aulus lại quay nhìn về hướng Bethlehem, và nhận ra một hiện tượng vô cùng kỳ diệu”.

Ông khách “phang” cho một câu: “thì tại anh ta say chứ gì, tôi biết mấy tên La Mã này lắm. Chúng luôn say mèm”.

Hillel hơi phật lòng. “Há Vua David đã chẳng nói ‘dầu làm mặt mày sáng láng, rượu làm tâm hồn sảng khóai’ đó hay sao?”. Nhà vua coi chúng là ơn phúc của Thiên Chúa, những ơn phúc ta không nên từ khước. Aulus là một người chừng mực. Tôi chỉ thấy anh ta say có năm lần”.

Vị khách vặn lại. “Trong Sách Thánh đã có những lời thề hứa từ bỏ say sưa. Noe là một điển hình. Liệu ông bạn của anh có biết gì về Noe hay không?”

Hillel đáp: “tôi đâu có đề cập tới Noe. Aulus nhìn về phía bầu trời trong lạnh của Bethlehem và anh ta thấy một hiện tượng hết sức kỳ diệu. Giữa rừng sao lấp lánh là một ngôi sao mà người ta chưa bao giờ nhìn thấy, sáng láng và vĩ đại như vừng trăng tròn, nhấp nháy liên hồi, quay vòng và rực rỡ với ánh sáng mầu trắng, di động một cách đầy ý thức”.

“Cái anh chàng Aulus của anh đúng là xỉn rồi. Nếu không thì anh ta quả đã chứng kiến điều mà các nhà thiên văn học quen gọi tân tinh (nova) là cái chắc. Đó là một hiện tượng chẳng bất thường gì”.

“Không anh ạ. Ngôi sao này lạ lắm, kéo dài có mấy bữa rồi biến đi, mà biến đi cái rụp như thể đã làm xong nhiệm vụ. Đúng ra, ngay đêm đầu tiên, nó đã hết di chuyển, rồi dừng lại một chỗ và yên vị ở đó ít lâu, lấp lánh, sáng láng và sau cùng biến dạng nhanh như lúc xuất hiện. Tôi nghe người ta bảo ánh sáng của nó còn sáng hơn cả ánh trăng rằm và phủ lên địa cầu một vẻ gì đó hết sức kính sợ”.

Nhưng ông bạn qúy nhún vai: “Tôi có nhiều họ hàng ở Giêrusalem mà nào có ai thấy ngôi sao đó đâu”.

Hillel quay qua ông bạn “Lúc ấy đã khuya lắm rồi. Vả lại đâu có ai rảnh rỗi mà nhìn lên trời để ngắm sao?”

“Cái đó cũng đúng”, ông bạn đành đồng ý.

Hillel tiếp: “Aulus xác tín rằng một vị anh hùng vĩ đại đã sinh ra, một dũng sĩ cao cả, dù anh ta vẫn hồ nghi chuyện ấy không thể xẩy ra tại Bethlehem được, một thị trấn nghèo nàn chợ nhỏ. Khi được chồng kể lại, Hannah cho rằng đó là điềm báo tin con trai họ sinh ra”.

Ông khách lơ đãng nhìn lên trần nhà, thở dài: “Phụ nữ lắm tưởng tượng! Em họ anh dám cho là mình sinh ra Đấng Được Xức Dầu lắm ạ!”

“Đâu có, Hannah không có tham vọng như thế đâu, cô ta vốn tin vào một vị tiên tri”.

Ông khách nói khích: “Ở Giêrusalem và Bethlehem đêm ấy, thiếu gì trẻ sơ sinh ra đời, đứa nào là tiên tri, đưa nào là anh hùng đây?”

Hillel ngẩng lên bảo: “Tôi cũng không biết, nhưng khi được thư Hannah, một niềm vui khôn tả xâm chiếm trọn tâm hồn tôi, điều ấy làm tôi không hiểu nổi, như thể có một thiên thần nào đó tác động tới tôi”.

Ông khách tắc miệng và lắc đầu” Hillel ben Borush ạ, tôi từng được cha và ông anh cho hay anh lúc nào cũng là một cậu bé đầy huyền bí, và anh tìm hiểu mọi nét khôn ngoan của khoa chú giải Kabbalah. Tôi thì tôi cho đó là một sai lầm. Anh tha lỗi cho, chứ thực ra chỉ những tâm trí nào bình thản và vô tư mới nên nghiên cứu Kabbalah, tâm trí ấy phải lạnh lùng, tư lự, có khi phải biết hoài nghi và chắc chắn đúng lúc, một thứ chắc chắn không thuộc cảm giới và dễ chịu ảnh hưởng người khác”.

Hillel cảm thấy rất giận vì câu truyện của mình không gây được chú ý nào. Ông cũng cảm thấy mình ngu ngơ và thề là sẽ không kể truyện này cho ai nữa. Tuy nhiên, không vì thế mà ông quên ngôi sao kia. Đến người thân quen, ông cũng không viết hay kể về biến cố ấy, sợ lại vỡ mộng nữa…

Nhưng không thể chối cãi việc từ xưa đến nay vẫn có lời tiên tri nói tới Đấng Được Xức Dầu, xuất thân từ Nhà Đavít, sẽ ra đời tại Bethlehem. Tuy nhiên, nếu đúng như thế, thì tại sao lại không có tiếng loa thiên thần, không kèn đàn hát từ trời cao khi ngôi sao kia xuất hiện, và nhất là địa cầu vẫn không một mảy may nhẩy mừng hớn hở! Đấng Được Xức Dầu không thể sinh ra trong tối tăm, vì ngai của Người trên Sion cao thẳm, như lời tiên tri thường tiên báo. Người là Vua các vua, không thể hạ sinh như một thường dân hèn mọn. Đàng khác, kể từ ngày ấy, chả còn dấu hiệu chi khác xuất hiện.

Dù thế, Hillel cũng không thể nào quên được vì sao kia. Niềm vui khôn tả từ ngày nhận được thư Hannah vẫn còn nguyên vẹn trong ông, ngay lúc này, lúc ông đang cầu nguyện trong thửa vườn thanh vắng. Rất có thể đó chỉ một ảo tưởng, một thứ ảo giác của mấy tên lính say mèm tại đồn canh La Mã hay hoài mong nóng bỏng của một bà mẹ muốn con trai đầu của mình được Trời Cao ghi chép. Bất chấp tất cả những điều ấy, trái tim bướng bỉnh và nhiệt tình của ông vẫn không chối từ được biến cố ấy, chính ông cũng không hiểu tại sao. Có lẽ theo ông, ảo tưởng xác nhận niềm vui bao giờ cũng đẹp hơn là thực tại bác bỏ nó, mà cũng có thể là sự hiện hữu của niềm vui đã xác nhận sự thật của nó.

Còn đang nghĩ lan man như thế, Hillel bỗng nghe một tiếng la lớn phát ra từ trong nhà. Một tiếng la có giọng ra lệnh, sắc và đầy thẩm quyền. Ông nhận ngay ra tiếng la của cậu con trai. Tiếng la ấy khiến ông nhớ tới cha ông, một người đầy quyền uy, ít thỏa hiệp và hết sức cương nghị, hay dạy đời, ít khi hoài nghi, rất ghét do dự. Ông tự nhủ: chả lẽ cha ông đã tái sinh trong đứa con mới sinh tên Saul. Ông vội xua đuổi ý nghĩ ấy. Nhưng kể cũng khoái khi tưởng tượng mình có thể phát đít cái linh hồn từng gây khiếp đảm cho hết vợ con lẫn người làm trong nhà lúc còn ở kiếp trước! Nói cho cùng thì cũng công bằng thôi. Ông quay trở lại với việc cầu nguyện. Lời Đavít xưa được ông âu yếm cất cao: “Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con! Sớm mai con sẽ đi tìm Chúa, linh hồn con khao khát Chúa, thân xác con mong chờ Chúa trên mảnh đất khô cằn này, nơi không có một giọt nước. Để thấy quyền lực và vinh quang của Chúa, như con đã được thấy Chúa nơi cung thánh! Vì lòng nhân hậu đầy yêu thương của Chúa tốt hơn chính sự sống, miệng lưỡi con ca ngợi Chúa, và sẽ chúng tụng Chúa mọi ngày sống của con. Con sẽ nâng tay lên nhân danh Chúa!”.

Ông dõi nhìn dẫy núi đàng xa, xa tận cuối thung lũng kia, đang như những quái vật khổng lồ, đủ hình đủ dạng, bước những bước hãi hùng, vượt núi vượt đồi, biến sông Cydnus thành một thứ đại lộ bốc lửa. Hillel từng ngắm cảnh này không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng lúc nào nó cũng đem lại cho ông một linh cảm, một nỗi sợ vô hình, một niềm hoài nhớ nặng chĩu tâm hồn.

Rồi ông nghe tiếng Deborah truyện gẫu với bè bạn Hy Lạp và La Mã. Giọng nàng hoạt bát và rền vui, giọng nói của một đứa trẻ hạnh phúc và tự mãn. Ông nhẹ lắc đầu tỏ ý không tán thành, tuy nhiên giọng nói ấy vốn an ủi ông xưa nay, mà chính ông cũng không hiểu tại sao. Ông nhìn xuống chân dẫy núi và thấy Tarsus bên dòng sông rực sáng, một thành phố hợp thành nhiều mảnh mầu vàng pha lẫn mầu đỏ thẫm. Ông không sinh ra tại thành phố này, nhưng đã cùng cha mẹ tới đây lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, ông yêu nó hơn yêu Giêrusalem, cái kinh thành mạo phạm, tha hóa, xa đọa, một lãnh thổ không những bị chiếm cứ bởi những kẻ chiến thắng quân sự mà còn tệ hơn nữa. bị chính những đứa con từng hủy diệt trái tim mình vì lòng tham, vì lòng bất trung chiếm hữu…

Hillel vô tình thốt ra: “Ôi Giêrusalem, ta khóc thương ngươi xiết bao” và lững thững bước vào nhà, lòng đầy một nỗi buồn man mác.

“Này Deborah, tôi đoan chắc một ảnh vẩy của Delphi sẽ làm chị mang thai một cháu trai”, ông nghe một thiếu phụ La Mã nói với vợ như vậy. Deborah đáp: “em sẽ đeo nó gần trái tim em… Có điều nó phải đẹp hơn thằng anh nó mới được”.

Phóng tác theo Taylor Caldwell, The Great Lion of God, Fontana Books, 1973