DÂN SỐ VÀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI (2)

1.3. Chính sách dân số

Điểm qua thông tin về tình hình dân số thế giới thì chúng ta thấy rõ là tỷ suất sinh sản và mật độ dân số thế giới không đồng đều. Có nhiều nghịch lý trong vấn đề kìm hãm, khuyến khích tăng giảm dân số. Nơi thì sợ dân số bùng nổ, nơi thì lại sợ dân số già nua. Nơi này thì hạn chế sinh sản bằng những biện pháp cứng rắn; nơi khác thì lại khuyến khích sinh đẻ với nhiều ưu đãi. Chúng ta có thể nói rằng những chính sách dân số không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung của toàn thể thế giới và tương lai của cả nhân loại. Các nhà lãnh đạo các nước phải lo lắng để đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Người ta lo sợ rằng với cái đà tăng dân số như những thập niên gần đây, thì không biết thế giới này có đủ chỗ cho con người ở không, thế giới có sản xuất đủ lương thực cho hàng tỷ miệng ăn không. Những lo lắng của con người trước vấn đề gia tăng dân số không phải là không có cơ sở, nhưng những cơ sở đó đến nay không vững chắc. Cho đến hôm nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, vấn đề lương thực không còn là vấn đề đáng lo lắng nữa. [1] Vấn đề hôm nay đang làm con người bận tâm là ý thức của mỗi người đối với vận mệnh của đất nước mình, với tương lai của nhân loại. Sự đói khát không phải là do thiếu lương thực nhưng là do phân bổ không đồng đều. [2]

1.3.1. Bắt buộc

Trong cuộc sống vẫn có những nghịch lý mà nhiều lúc chúng ta không thể hiểu được. Về chính sách dân số, thì không hẳn là không hiểu được, cái nghịch lý đó có thể được lý giải khi phân tích tỉ mỉ những khía cạnh của dân số. Sự chênh lệch về dân số có liên quan đến các vấn đề khác như văn hóa, thể chế chính trị và chiến lược phát triển kinh tế. Sự gia tăng dân số nhanh chóng làm cho các quốc gia phải lo lắng, nếu không muốn đối diện với các vấn đề xã hội khác, thì phải hành động ngay bằng kế hoạch hóa gia đình. Nhưng việc hạn chế sinh sản với những biện pháp bất hợp lý và vô luân thì lại gây hậu quả nghiêm trọng cho sự ổn định của thế giới. Thông thường, những nơi nào mà người ta muốn có đông con thì những biện pháp nhẹ không đi đến đâu cả, do đó nhà nước phải dùng biện pháp mạnh. Biện pháp hạn chế sinh sản ở Việt Nam không nghiêm ngặt như ở Trung Quốc, nhưng ngay bây giờ đã có những vấn đề nảy sinh từ biện pháp đó, chúng ta thấy rõ là sự chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh đã đến mức báo động. [3] Rồi đây, với sự chênh lệch này, sẽ nảy sinh bao nhiêu vấn đề nhức nhối khác.[4]

1.3.2. Khuyến khích

Ở trên chúng ta thấy được một số hạn chế trong việc làm chậm tốc độ gia tăng dân số bằng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình không thích đáng. Những nơi người ta không muốn có con thì nhà nước lại khuyến khích. Dù khuyến khích thì người ta vẫn không muốn sinh thêm con cái. [5] Tỉ suất sinh sản tự nhiên không đồng đều sẽ ảnh hưởng đến nhiều lãnh vực khác của đời sống không chỉ là một quốc gia mà là cả hoàn cầu.

Hầu như các nước Châu Âu đều khuyến khích người dân sinh con thêm, nhưng người dân lại không đáp ứng lời kêu gọi của các chính phủ mặc dù chính phủ có những chính sách rất ưu đãi cho những người sinh con. [7] Việc dân số sút giảm được ví như một thảm họa khủng khiếp. Sau năm 2050, dân số thế giới sẽ giảm mạnh ở các nước đang phát triển hơn là quốc gia phát triển. [7] Người ta đã chẳng lạ gì với xu hướng dân số ở Châu Âu, nơi mà tỷ lệ sinh đã giảm từ nhiều năm nay. Đứng trước việc giảm dân số, thiếu lao động, tổng thống Nga đã gọi tình trạng này là "khủng hoảng quốc gia". [8]

Tình trạng này cũng sẽ diễn ra với các nước Châu Á khác mặc dù họ không hề áp dụng các chương trình hạn chế sinh đẻ nghiêm nhặt như Trung Quốc. Nhà xã hội học Ben Wattenberg đã nói rằng: "Chưa bao giờ trong suốt 650 năm qua, tỷ lệ sinh đẻ lại giảm nhiều như vậy, nhanh đến như vậy, dài đến như vậy và ở nhiều nơi đến vậy". [9] Ông gọi hiện tượng giảm dân số này là “trận tsunami của dân số”. [10]

1.3.3. Trào lưu mới

Các quốc gia thường có những chính sách vĩ mô đối với vấn đề dân số. Còn đối với người dân thì lại không tính đến những khía cạnh xã hội của việc tăng hay giảm dân số. Những người nghèo thường sinh đẻ nhiều, trong khi đó người giàu có điều kiện lại sinh đẻ ít. Xét một bình diện nào đó, việc sinh nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tâm thức của con người ở mỗi nền văn hóa. Có nơi, người ta quan niệm con cái là phúc lộc trời ban; nhưng có nơi, người ta lại cho rằng con cái là một gắng nặng cho bản thân. Để thảnh thơi, người ta trút bỏ gánh nặng đi bằng cách không sinh con hoặc sinh con ít. Lối sống công nghiệp hóa và đô thị hóa cũng sẽ tác động lên việc giảm dân số:
“Con người ở khắp mọi nơi hiện đang đổ về các thành phố và dự đoán đến năm 2007, một nửa dân số thế giới sẽ sống ở thành phố. Chi phí để nuôi một đứa trẻ ở thành phố rất đắt đỏ. Từ năm 1970-2000, dân số đô thị ở Nigeria đã tăng từ 14% lên 44%, Hàn Quốc tăng từ 28% lên 84%. Chính vì vậy, song song với dân số thành thị tăng là tỷ lệ sinh giảm.” [11]

Chủ nghĩa thực dụng và tự do đang ảnh hưởng rất lớn lên suy nghĩ của nhiều người nhất là những người trẻ. Khi những khuynh hướng này đi vào nếp nghĩ của người ta thì người ta sẽ sống ích kỷ hơn, khép mình hơn và không muốn vướng bận về chuyện sinh nặng đẻ đau và cực nhọc nuôi dưỡng con cái, thay vào đó là thích thư thả, du lịch… Hiện nay, có một số quốc gia dùng những chính sách hạn chế sinh sản cứng rắn, nhưng rồi đây, dù có khuyến khích thì người ta cũng không thích lập gia đình và không thích có con cái. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác nữa làm cho dân số thế giới giảm là:

“Nguyên nhân khác là công việc. Số lượng phụ nữ biết chữ và đi học đã làm giảm tỷ lệ sinh. Ngoài ra còn là tình trạng ly hôn, phá thai, kết hôn muộn. Các biện pháp tránh thai đã tăng đáng kể 1 thập kỷ qua. Theo số liệu của LHQ, 62% phụ nữ kết hôn hoặc sống cùng đàn ông nhưng không kết hôn trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng các biện pháp tránh thai. Ở những nước như Ấn Độ, căn bệnh HIV lại là nguyên nhân giảm dân số. Tại Nga, vì tỷ lệ nghiện rượu, sức khỏe yếu và ô nhiễm công nghiệp cao nên việc sinh con khó khăn hơn. Sự giầu có đang làm giảm nhiệt tình đối với việc sinh nở, chính vì vậy mà Wattenberg cho rằng: ‘Chủ nghĩa tư bản là biện pháp tránh thai tốt nhất’.” [12]

Chú thích
[1] Xc. Nhóm Biên soạn, Đạo đức Sinh học Bioethics (Lưu hành nội bộ, 2003), tr. 229-230.
[2] Xc. Ibidem.
[3] Mất cân bằng giới tính: Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[4]Ibidem.
[5] La Giang, Sinh con ở Châu Âu, những ưu đãi, truy cập ngày 21/11/2007; http://nhipsong.timnhanh.com/tinh_yeu/gia_dinh/20071010/35A59188/.
[6] Ibidem.
[7] Hải Phong, Thế giới vắng bóng trẻ em, Tsunami của dân số, truy cập ngày 21/11/2007; http://www.mofa.gov.vn/quocte/13,05/hoso13,05.htm.
[8] Ibidem.
[9] Ibidem.
[10] Ibidem.
[11] Ibidem.
[12] Ibidem.