Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII– B

(Mc 10, 17-30)

Mục đích và nghĩa cuộc đời là một tiến trình tìm kiếm và khám phá đồng thời thực hiện cho tới chết, như bánh xe cuộc đời không bao giờ dừng lại. Tiến trình này cần phải rất khôn ngoan.

Chuyện kể rằng : Ngày nọ, triết gia Diogene của Hy lạp đã đến giữa chợ Athene và dựng một căn lều có treo một bảng lớn với hàng chữ như sau: "Tại đây có bán sự khôn ngoan". Một bậc khoa cử, tình cờ đi qua căn lều, đọc được lời rao báo, cười thầm trong bụng. Nhưng muốn biết đằng sau căn lều ấy có những gì, ông sai người đầy tớ mang tiền đến dò hỏi mua cho bằng được cái mà người bán gọi là "Sự khôn ngoan".

Người đầy tớ ra đi, làm theo lời dặn của chủ, anh đưa cho Diogene ba cắc bạc và nói rằng chủ của anh muốn có sự khôn ngoan. Cầm lấy ba cắc bạc bỏ vào túi, triết gia nói với người đầy tớ một cách long trọng như sau, hãy về đọc lại cho chủ anh nghe câu nầy: "Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích" .

Vị khoa bảng thành Athene vô cùng thích thú về lời khôn ngoan này. Ông đã cho viết trước cửa nhà, như khuôn vàng thước ngọc, để chính ông suy niệm mỗi ngày và tất cả những ai qua lại trước nhà ông đều có thể đọc thấy câu trên.

Chàng thanh niên trong đoạn Tin Mừng hôm nay trạc tuổi từ 18 đến 35. Ý thức rõ về tôn giáo của mình với những khả năng, ước muốn, tương quan với xã hội anh đang sống. Có thể anh đã có một nghề, một công việc ổn định, đã lập gia đình, nhận thức rõ về quyền lợi, bổn phận và trách nhiệm, xứng tầm với anh. Có thể anh đã thành công về mặt xã hội, hoàn thiện bản thân qua việc tuân giữ lề luật tôn giáo. Anh cảm thấy việc xác định ý nghĩa và mục đích cuộc đời là điều khẩn thiết phải làm để định hướng cho cuộc đời anh. Những câu hỏi được đặt ra : Sống để làm gì, đâu là ý nghĩa và mục đích của đời người, cụ thể hơn anh tìm đến, gặp, hỏi Chúa Giêsu : "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời? " (Mc 10, 17)

Tiền bạc, của cải anh đang thủ đắc xem ra không phải là sự quí nhất của con người, vì anh đã có trong tay tất cả mà chưa thỏa mãn. Có những thứ khác như văn hóa, tài năng, trí phán đoán mà người xưa gọi là Sự Khôn Ngoan, tài sản quí giá hơn mọi thứ mà con người có thể sở hữu được. Salômôn, một vị vua khôn ngoan vô tiền khoáng hậu trong giấc mơ kì diệu, đã xin Thiên Chúa ban cho mình Sự Khôn Ngoan hơn là được giàu có, ông nói : "Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không" (Kn 7,8). Chúa Giêsu chính là Đấng Khôn Ngoan, có được Chúa Giêsu là có được Thiên Chúa là nguồn mạch sự khôn ngoan.

Sự sống đời đời là điều chàng thanh niên trong Tin Mừng cũng như chúng ta ngày hôm nay đang tìm kiếm. Nhưng tự chúng ta không thể có được, phải cậy nhờ vào Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Chàng thanh niên đã chạy đến với Chúa Giêsu quỳ gối để xin Chúa chỉ cho anh việc phải làm để được sống đời đời, chứng tỏ là anh biết chắc sự giàu có của anh không làm thỏa mãn, nhất là không bảo đảm cho anh, khiến anh đi tìm kiếm một thứ hạnh phúc cao hơn, có giá trị bền vững hơn là của cải vật chất, nên anh đã tìm đến với Chúa Giêsu. Nỗ lực tìm kiếm với thiện ý là một chuyện, phấn đấu để đạt được lại là một chuyện khác.

Những cản trở như, giũ bỏ sự giàu có bên ngoài để làm giàu trong tâm hồn, từ bỏ của cải ở dưới đất để đổi lấy kho tàng trên trời là sự sống đời đời. Trước một đòi hỏi quyết liệt của Chúa Giêsu, một sự đánh đổi, một chọn lựa khó khăn, chàng thanh niên sa sầm nét mắt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải (x. Mc 10, 22).

Chúa Giêsu đưa mắt nhìn theo anh với đầy vẻ luyến tiếc, thở dài và tuyên bố : "Người giầu có vào Nước Thiên Chúa thật khó biết bao… con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa" (x. Mc 10, 23-25). Các môn đệ nghe Chúa nói cảm thấy sốc vô cùng, Phêrô con người bộc trực không chịu nổi, bèn thưa : "Thưa Thày, phần chúng con đã bỏ mọi sư mà theo Thày! Chúng con sẽ được gì? " (Mc 10, 28). Nhờ câu hỏi của Phêrô, các ông được Chúa chỉ cho thấy sự giàu có của Nước Trời khác với sự giàu có của thế gian, tài sản của Nước Trời không phải là tài sản mà thế gian tìm kiếm, sự sống đời này và đời sau, ý nghĩa và cùng đích cuộc đời.

Thiên Chúa là Đấng làm chủ vũ trụ sẽ không chịu thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẽ trả lại cho lòng quảng đại của con người gấp trăm ngàn lân những gì họ đã quảng đại với Chúa và với anh em: "Ai bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa ruộng đất… vì Thày và vì Tin Mừng thì sẽ được trả loại gấp trăm ngay bây giờ cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu" (Mc 10, 29-30). Đó là điều không phải ai cũng nhận ra, có người nhận ra nhưng ngại ngùng đáp trả, vì Chúa ban cho họ gấp trăm cùng với ngược đãi bắt bớ. Ai nhận ra và dám đánh đổi sự giàu có vật chất ở đời này để có được sự giàu có theo kiểu Chúa ban, đó là kẻ khôn ngoan.

Như chúng ta đã nói ở trên, có được Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa là được chính Thiên Chúa, có Chúa là có tất cả, và điều đó quý giá hơn mọi trân châu bảo ngọc trên trần gian này, vì không có một thứ vàng bạc châu báu nào có thể sánh vì với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, và vâng nghe sự hướng dẫn của Đức Khôn Ngoan để được sống đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

VĨNH CỬU VÀ TẠM THỜI

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVIII - B

(Mc 10, 17 – 30)

Thế giới ngày hôm nay có đầy sự hấp dẫn, khiến người ta thích những gì là tạm bợ, và không thích những gì là bền vững.

Trong cuộc gặp gỡ các chủng sinh, khấn sinh và tập sinh tại hội trường Phaolô VI, Đức Thánh Cha Phanxicô kể, ngài đã nghe một chủng sinh, một chủng sinh tốt lành nói rằng anh muốn phục vụ Đức Kitô, nhưng chỉ 10 năm thôi, và rồi anh sẽ nghĩ đến việc bắt đầu một cuộc sống khác... và ngài kết luận, thật nguy hiểm! Tuy tạm thời, nhưng điều này thật nguy hiểm bởi vì ta không đánh cược đời mình một lần cho tất cả. Tôi kết hôn chừng nào còn yêu; tôi sẽ là một nữ tu nhưng chỉ trong một "thời gian ngắn" thôi, trong "một khoảng thời gian nào đó" và tôi sẽ tính tiếp, tôi không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào. Thế này thì không phải với Đức Giêsu! Đúng là cái thứ văn hóa tạm thời, nó không làm cho chúng ta nên tốt đẹp: bởi vì đưa ra một lựa chọn dứt khoát ngày nay thật là khó. Chúng ta là những nạn nhân của nền văn hóa tạm thời này.

Cái tạm thời đã cản trở chàng thanh niên

Chành thanh niên trong Tin Mừng là ai? Là con nhà giàu có. Nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì anh ta là một thiếu gia. Nhưng một thiếu gia có lối sống gương mẫu, không bồ bịch lăng nhăng, không đua đòi ăn diện. Anh rất thành tâm thiện chí tuân giữ cả Mười Giới Răn một cách nghiêm túc từ thủa nhỏ, không ai chê trách được điều gì. Tắt một lời, anh là người hết sức gương mẫu trong việc chu toàn các đòi hỏi của Mười Điều Răn.

Hơn thế nữa, anh còn là một người nhiệt huyết và cầu tiến, không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, nên anh thao thức đi tìm kiếm con đường trọn lành, để hoàn thiện. Chính vì những đức tính đó mà anh được Chúa Giêsu đem lòng thương mến. Người còn muốn mời gọi anh tiến xa thêm một bước nữa trên đường hoàn thiện. Đó là đem bán tất cả của cải là cái tạm thời và đem bố thí cho người nghèo để được kho tàng trên trời là cái vĩnh cửu, rồi đến theo Chúa Giêsu làm môn đệ của Người. Tin Mừng cho biết: "Anh sù nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải" (Mc 10,22). Vậy là, cái tạm thời đã rào cản anh.

Vượt qua rào cản

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giêsu là Đấng mà anh gọi là nhân lành. Đức Giêsu đã chỉ cho anh : "Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó" (Mc 10,17). Bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao ?Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đây là một rào cản anh phải vượt qua, trở nên nghèo vì người nghèo. Vì chính lúc nghèo như thế, "anh có một kho báu trên trời" (Mc 10, 21). Kho báu đó đang hiện diện ngay trước mặt anh. Thế nên, Đức Giêsu mới nói : "Rồi đến theo Ta" (Mc 10,21). Đức Giêsu là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là "sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,24). "Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan ? Nếu biết Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan : "Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không" (Kn 7, 8). Chàng thanh niên chưa vượt qua được rào cản về tài sản, nên anh mới kinh ngạc về đề nghị và lời mời gọi của Đức Giêsu.Nguyên nhân khiến anh chấp nhận mãi mãi “thiếu một điều”,là do chính của cải, tài sản mà anh đang có.

Chọn chung kết

Chàng thanh niên giàu có không muốn bỏ cái tạm bợ là sự giàu sang để đi theo Chúa Giêsu, sự giàu sang và của cải là một cản trở làm cho hành trình tiến về nước Thiên Chúa trở nên khó khăn. Chính Chúa tuyên bố : "Những người giầu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao" (Mc 10, 23). Chúa biết khó, nhưng Người vẫn mời gọi chúng ta từ bỏ, vì Nước Trời có giá trị lớn lao, đòi hỏi con người phải trả giá. Vì chưng giữ đạo không chỉ dừng lại ở chỗ ăn ngay ở lành, chu toàn các đòi hỏi của luân lý, không làm điều xấu…mà quan trọng hơn, đó còn là tin nhận và dấn bước theo một con người, người đó là Đức Giêsu Kitô. Nói khác đi, sự hoàn thiện theo Tin Mừng hệ tại ở điều này: bước theo Chúa Kitô để làm môn đệ của Người.

Thực ra, tiền bạc không phải là một sự dữ. "Có của" không đương nhiên là xấu, thái độ khi "có của" mới xác định giá trị con người. Giáo hội từng có những vị thánh xuất thân từ ngai vàng như vua Louis nước Pháp, vua Stêphan nước Hungari. Giữa đống tiền của, họ vẫn lắng nghe tiếng Chúa và dấn thân cho người nghèo.

Của cái là phúc lành của Thiên Chúa như sách Châm ngôn viết : "Chính phúc lành của Đức Chúa cho ta được giầu sang" (Cn10, 22) ; "Chúa bắt phải nghèo và cho giầu có" (1Sm 2,7). Người giầu cũng không bị kết án vì có nhiều tiền của. Chính Đức Giêsu cũng giao du với những người giầu sang quyền quí như Giakêu, Nicôđêmô, Matthêu v.v…

Như vậy, tiền bạc và sự giầu sang không phải là đối tượng nguyền rủa. Đức Giêsu muốn chúng ta dùng nó làm bàn đạp để bước lên bậc hoàn thiện chiếm được nước trời có Chúa làm gia nghiệp đời ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ