Những viên bi đất

Trước đây có lần tôi đọc được mẫu truyện tiếng Anh rất hay có nhan đề "Clay Balls" và đã chuyễn ngữ nhưng tôi không biết tác giả. Câu truyện như sau:

Một người đàn ông đang lục lọi những hang động dọc theo bờ biển. Trong một hang, ông ta tìm thấy một túi xách bằng vải, trong đó chứa những viên bi bằng đất. Dường như ai đó đã vo tròn những cục đất sét rồi phơi nắng cho cứng lại. Những viên bi này không tròn trịa lắm nhưng chúng gợi ý tò mò nên ông ta xách cái túi ra khỏi hang.

Trong lúc thả bộ dọc theo bờ biển, ông ta lấy từng viên bi rồi dùng hết sức mình ném ra thật xa ngoài biển khơi. Ông ta lơ đãng làm việc này cho tới khi một viên bi rớt xuống trúng một hòn đá và bể ra; trong đó ông ta nhìn thấy một viên đá quý rất đẹp.

Hồi hộp, ông ta đập bể những viên bi còn lại, mỗi viên chứa một viên đá quý, một kho tàng nho nhỏ. Ông ta đã tìm được hằng ngàn đô la giá trị từ những viên đá trang sức này trong số khoảng 20 viên bi còn lại.

Rồi ông bỗng cảm thấy tiếc nuối. Ông đã lang thang trên bờ biển khá lâu. Ông đã ném vào những lớp sóng biển khoảng 50 hay 60 kho tàng nho nhỏ này. Thay vì kiếm được hằng chục ngàn đô la thì ông đã ném đi và chỉ còn kiếm được ngàn đô la mà thôi.

Đối với con người cũng vậy. Chúng ta nhìn một người nào đó, và có khi chúng ta nhìn chính mình, chỉ qua cái vỏ bên ngoài thì điều đó không mang lại cho chúng ta một nhận xét đúng đắn nào cả. Khi cái vỏ bề ngoài không đẹp, không hào nhoáng thì chúng ta dễ đánh giá thấp hơn. Chúng ta cho rằng người đó kém quan trong, không giá trị bằng những người đẹp hơn, hào nhoáng hơn, có địa vị hơn, hay giàu hơn… Chúng ta đã không bỏ thời gian để tìm biết cái ‘kho tàng’ ẩn dấu bên trong con người ấy.

Trong mỗi người chúng ta đều có một ‘kho tàng’. Nếu chúng ta chịu bỏ thời gian để tìm biết ai đó, hoặc nếu chúng ta xin Chúa soi sáng cho chúng ta để chúng ta có thể nhìn người đó theo cách mà Ngài nhìn con người, chúng ta sẽ thấy cái vỏ đất sét bị lột ra và báu vật sẽ hiện ra sáng chói.

Chúng ta hãy cầu nguyện để đến đoạn chót của cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ không phải tiếc nuối vì chúng ta đã vứt bỏ đi những kho tàng của tình bằng hữu chỉ vì những báu vật ẩn dấu trong cái vỏ đất sét ấy mà chúng ta đã không thấy được. Xin Chúa soi sáng để chúng ta có thể nhìn thấy giá trị thực nơi con người theo cách mà Chúa nhìn nơi loài người.

Tôi xin cảm tạ Chúa đã cho tôi có được báu vật là tình bằng hữu với các bạn. Xin cám ơn các bạn đã nhìn qua cái vỏ đất sét của tôi.


Nội dung của bài viết ngắn trên đây thực ra không có gì mới mẻ lắm. Tôi nghĩ rằng có người trong chúng ta có thể thốt lên: “Biết rồi - khổ lắm - nói mãi”. Quả thực chúng ta biết rồi, nhưng vẫn phải ‘nói mãi’. Phải chăng chúng ta biết mà không làm theo, hoặc không làm theo bao nhiêu? Tác giả của bài viết dường như chỉ gói ghém vào tình bằng hữu. Phải chăng tình bằng hữu chỉ là một nét của tình yêu tha nhân mà Thiên Chúa đã dạy chúng ta: “Yêu người”.

Khi chúng ta làm đúng lời Chúa dạy, chúng ta yêu người thì đương nhiên chúng ta sẽ yêu bằng hữu, sẽ có bằng hữu, sẽ tha thứ cho bằng hữu và sẽ được bằng hữu tha thứ khi chúng ta có lỗi với nhau.

Trong cuộc sống đạo thì không những chúng ta là bằng hữu, mà còn là đạo hữu. Nếu thành thực xét mình, liệu chúng ta có dám quả quyết rằng chúng ta đã thực sự ‘sống hòa thuận và hiệp nhất’. Tôi nghĩ nếu chúng ta có làm sứt mẻ tình đạo hữu, tình bằng hữu, chúng ta chẳng nên tiếc nuối những gì đẹp đã qua đi, đã mất đi, mà nên hàn gắn, nên sống đẹp với những gì còn lại, như người đàn ông chẳng nên tiếc nuối những viên đá quý đã vứt vào biển khơi, mà chỉ nên trân trọng, hoặc đầu tư và kiếm lời từ những viên đá quý còn lại.

Lại nữa, nếu có ai có trách nhiệm với chúng ta mà nhắc nhở chúng ta nên hàn gắn những đổ vỡ, những mất mát, thì chúng ta nên hân hoan đón nhận, thay vì cố giữ những mặc cảm để rồi chúng ta có những phản ứng tiêu cực đối với những lời nhắc nhở.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nhân cái tốt của bài viết trên đây trong xã hội loài người, không chỉ với bằng hữu mà còn với đồng bào.