Sài Gòn 14/05/2005 - Trong vài ngày qua, Quốc hội Việt Nam đang bàn thảo sôi nổi về việc có nên thông qua Luật giáo dục sửa đổi hay không vì Luật giáo dục hiện hành cần đến 15 nghị định hướng dẫn nhưng đã sáu năm qua hiện nay cũng chỉ có 7 nghị định được ban hành làm cho nền giáo dục khập khểnh. Có ý kiến e rằng bây giờ thông qua Luật sửa đổi nhưng bản thân nó lại không hoàn chỉnh thì vài năm sau lại phải đem ra sửa thì sự nghiệp giáo dục nước nhà vẫn phải đi con đường khập khểnh, bộ luật này do một vài vị trong Bộ Giáo dục và đào tạo soạn thảo.

22g45, các phòng học vẫn sáng trưng đèn


Trong khi đó, trên khắp các trang báo đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề dạy và học. Thậm chí trên tờ Tuổi Trẻ có hẳn loạt bài viết “Đi học khổ quá, ai ơi”. Đó là những bài viết về những lớp học sáng đèn đến 23 giờ đêm, học trò lớp 9 và lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp phải rời nhà từ 5 giờ sáng, nghỉ trưa từ 11g30 đến 13g, chiều học đến 17 giờ và tối thì từ 18g đến 23g. Các em bị ép học cả ngày thứ Bảy, Chúa Nhật và thậm chí cả ngày lễ! Nhà trường thì chạy theo thành tích, không chỉ muốn các em đậu tú tài mà còn lập thành tích xem trường mình có tỉ lệ đậu đại học là bao nhiêu phần trăm để so sánh với trường khác bất chấp những hệ quả xấu đang từng ngày từng giờ hiển hiện ở học đường. Một giáo viên tâm sự: “Những lớp học ôn thi tốt nghiệp vất vả chẳng kém gì lớp học bình thường. Có em vừa ngủ gục vừa học, có em mặt hướng lên bảng mà mắt lơ láo xa xôi. Tôi đã từng bảo một em về để ngủ và nghỉ ngơi lấy sức thì em khóc và bảo rằng: ‘Em không dám ngủ nữa, vì hễ ngủ lại nằm mơ thấy rớt tốt nghiệp’. Thầy ngơ ngác, trò bơ phờ. Mỗi năm, cứ đến mùa thi tốt nghiệp thì cô bạn đồng nghiệp của tôi, vốn là một GV chuyên trị 12, lại sụt mất ít nhất 3kg! Thật lòng chúng tôi cũng chẳng muốn thế. Nhưng không ôn luyện kỹ, thậm chí không trả bài như học trò lớp 1, không nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ ấy vào thì các em sẽ không làm bài được”

Trò tranh thủ ngủ trên đường đến trường
Còn chương trình dạy học thể hiện qua sách giáo khoa được một bài viết bình luận là SGK dành cho nhà bác học. Trong đó, một giáo viên THCS nói nửa đùa nửa thật: “Bạn có bao giờ đọc qua các sách giáo khoa không? Đó là loại sách dành để đào tạo... những nhà bác học trong độ tuổi còn mê ăn và đái dầm!”. Với những dẫn chứng bằng các các câu hỏi được trích dẫn trong SGK Tự nhiên xã hội lớp 5, NXB Giáo Dục 2004: “Nêu tình trạng môi trường không khí và nguồn nước nơi em sinh sống?”; “Trình bày một thí nghiệm chứng tỏ rằng một vật bị thay đổi vị trí khi nhận được năng lượng?”; “Em hãy nêu những sự kiện lịch sử tiêu biểu trong thời kỳ 1858-1945. Thử lập sơ đồ để thể hiện điều này”. Bài viết cho biết đây chỉ là một số trong rất nhiều câu hỏi thuộc rất nhiều lĩnh vực của đời sống được trích từ SGK cho học sinh lớp 5. Người lớn chúng ta cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất ba câu hỏi trên, trong khi các em bé trong những giờ học ít ỏi của mình phải trả lời số lượng câu hỏi gấp nhiều lần số đó? Vấn đề không chỉ là học thuộc mà phải hiểu. Nhưng ngay cả học thuộc còn khó nói chi đến hiểu.

Giáo viên HỒNG ÁNH, một GV văn ở Đồng bằng sông Cửu Long, có bài viết tự sự như sau về chương trình học: “Chương trình văn 12 có tổng cộng đến 28 vấn đề/ tác phẩm / tác giả (ấy là chưa tính đến hai bài lý luận văn học dài sòng sọc!). Để làm bài thi đạt điểm trung bình trở lên, HS cần học thuộc lòng số lượng kiến thức lên đến hơn 56 trang A4. Xin khẳng định đây chỉ là những kiến thức tối thiểu mà HS cần học thuộc lòng, chưa kể đến cách hành văn, các kỹ năng và khối lượng kiến thức bổ trợ cần thiết nhất để HS đạt điểm cao hơn. Nếu tính bình quân một môn cần 50 trang thì sáu môn sẽ có 300 trang kiến thức thuộc lòng. Đáng lý con số này đã được giải quyết trong năm học. Nhưng với tình trạng trong năm HS 12 học đủ môn với các môn học thuộc lòng hàng chục trang sách như giáo dục công dân, sử, địa, kỹ thuật... thì việc học trước quên sau là tất yếu. Chưa kể phần kiến thức đầu học kỳ I do bắt đầu sớm quá nên các em gần như đã quên, GV lại phải vất vả làm lại từ đầu”. Giáo viên này cho biết thêm: “Trường bạn đậu bao nhiêu phần trăm? Lớp bạn bao nhiêu em dưới trung bình? Môn bạn dạy có bao nhiêu em khá, giỏi?...” là những câu hỏi luôn đè nặng lên người thầy để làm áp lực họ nhồi nhét bài vở cho học sinh, bởi vậy mới có chuyện thi tốt nghiệp mà đa số các trường học sinh đậu toàn trên 90%.

Còn đây là tâm sự của một giáo viên dạy học môn lịch sử: “Cách dạy phổ biến vẫn là áp đặt máy móc, truyền thụ một chiều. Cách học vẫn là học vẹt, thuộc lòng mà không hiểu. Bởi chính người dạy nhiều khi cũng không cần thiết yêu cầu học sinh phải hiểu. Đề thi thì kiểm tra sự ghi nhớ chi li, máy móc đến mức một trận đánh phải nhớ ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, thu bao nhiêu vũ khí, phương tiện chiến tranh… Có một thực tế hết sức phi lý là điểm số môn lịch sử của học sinh thường rất cao nhưng kiến thức lịch sử thì ngược lại. Xin nêu một dẫn chứng: kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2002-2003, môn lịch sử của TP.HCM có tỉ lệ học sinh đạt trung bình trở lên là 97,98%, trong đó có tới 88,30% đạt loại giỏi! Lẽ ra với một tỉ lệ giỏi cao như vậy thì kiến thức lịch sử của con em chúng ta phải giỏi giang lắm chứ, cớ sao mà phải băn khoăn? Ấy vậy mà đáng lo thực! Thực tế là học xong, thi xong thì chữ thầy lại trả cho thầy, chỉ còn nỗi khiếp sợ đeo bám người học. Nỗi ám ảnh bởi ngày tháng, các con số kéo theo sự ác cảm với môn học”.

Nói chung, chương trình nặng, không hoàn chỉnh, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cách dạy, cách học, dạy thêm, học thêm cùng với áp lực thành tích đã làm hỏng đi một thế hệ học trò nữa và không biết đến bao giờ thì những người quản lý giáo dục mới chịu đi học tập cách làm giáo dục ở nước ngoài như đề nghị của một giáo sư nên học cách làm giáo dục ở Thái Lan, một đất nước lân cận có những điểm tương đống.

Làm Giáo dục mà làm cho có thì: hỡi ôi, con em chúng ta được học như thế thì đến bao giờ Việt Nam mới phát triển, xã hội Việt Nam đến bao giờ mới xoá hết các vấn nạn?

Trích luợc từ báo chí quốc nội.