TIA SÁNG

Không có nhà cửa không phải là nghèo, không có nghề nghiệp mới là nghèo.

NHỮNG KẺ ĂN KHÔNG NGỒI RỒI, LẠI TƯỞNG MÌNH LÀM ĐƯỢC MỌI CHUYỆN.

Bà Tracy.

Thật là lạ lùng, những kẻ lười biếng, nhất là trong kỳ nghỉ hè, họ ăn nói dễ dàng và tưởng tượng phong phú. Đọc báo, họ tìm ra một giải pháp cho mọi vấn đề kinh tế... Họ có thể tu bổ một tủ kính, họ biết thiết kế nhà ga điện, và nếu giao cho họ, họ sẽ tổ chức điều hành theo một cách khác. Trong lúc chờ đợi, họ đi dạo tay xỏ vào túi; đôi chân mệt mỏi, họ chỉ mong tán chuyện gẫu. Tôi có chuyện gì không? Nhưng đã bao nhiêu lần, chẳng làm nên một chuyện gì, tôi lại tuyên bố vung vít, giỏi hơn cả những kẻ đã phải lao đao vất vả...

Lạy Chúa, xin cho con biết dùng trí tưởng tượng của mình để phục vụ công việc của con...

THƯ GIÃN:

1. XƯNG TỘI DÙM.

Một đứa trẻ vào toà giải tội, sau khi xưng hết tội của mình, nó hỏi vị Linh mục :

Thưa Cha con cũng có thể xưng tội cho em gái con được không ?

Vị Linh mục thắc mắc :

Tại sao con bé không tự đến xưng tội của nó ?

Thưa Cha nó bị bệnh không đến được:

Nhưng làm sao con biết tội của nó được ?

Ồ, biết chứ cha, con biết rõ những lời nó nói, những việc nó làm, vì anh em con sống chung một nhà với nhau mà.

2. MỘT CÁCH XÉT MÌNH.

Một người đàn ông nọ lúc xưng tội đã kể với một vị Linh mục rằng : ông ta chẳng cần phải vất vả mỗi khi xét mình xưng tội, và ông ta giải thích :

Phương pháp của con là thế này. Khi nào muốn xưng tội con chỉ cần chọc cho vợ con nó nóng giận điên tiết lên. Tức khắc bà ấy trả đũa con bằng một tràng những tật xấu và tội mà con đã phạm từ xưa đến nay, con chỉ cần lọc ra nhưng tội nào chưa xưng rồi đi xưng, thật dễ dàng !

3. PHÂN NHỎ

Một người khách nước ngoài hỏi người hướng dẫn viên du lịch.

Khách: Nếu tôi té xuống hố này, cô có thể đem tôi lên được không?!

Hướng dẫn viên: Chuyện nhỏ thôi! Con bò mà té xuống đây, tôi vẫn còn đem lên được!

Khách: Đem lên bằng cách nào?

Hướng dẫn viên: À... thì... phân nhỏ nó ra!!!

4. LÝ DO

Hai bà nói chuyện:

- Chán quá bà ạ, ông nhà tôi say khướt suốt mấy ngày tết.

- Còn ông nhà tôi chỉ có mấy ngày Tết là không có bạn nhậu đến rủ, và cũng chẳng dám rủ ai đi lai rai.

- Bà dùng biện pháp nào hay vậy?

- Có dùng biện pháp nào đâu, nhà nào cũng đông con, đến nhà rủ đi tiền lì xì nhiều hơn tiền nhậu, nên chẳng ông nào dám đến nhà nhau.


CHUYỆN HAY Ý ĐẸP :

HỘT GIỐNG CHỨA ĐỰNG NGUYÊN TẮC SINH TỒN

Một giáo sư thực vật học, tay cầm một hột giống nhỏ màu nâu và nói với cả lớp rằng:

-Tôi biết rõ hợp chất của hột giống này. Nó gồm có hydro, carbone và nitro. Tôi biết đúng tỉ lệ và có thể tạo một hột giống trông y như hột giống này.

Một học sinh đứng lên hỏi:

-Nếu đem hột giống thầy chế tạo đó gieo xuống đất, nó có thể mọc lên không?

Giáo sư trả lời:

-Nếu tôi đem hột giống của tôi thì không có kết quả gì, những phần tử của nó sẽ bị tan rã vào đất. Nhưng nếu tôi đem hột giống mà Thiên Chúa làm ra, nó sẽ mọc lên thành cây, vì nó chứa đựng nguyên tắc nhiệm mầu mà chúng ta gọi là nguyên tắc sinh tồn.

Hột giống là một cái gì chứa đựng sự sống. Con người có thể với tài giỏi khoa học, tạo ra những hột giống hoặc tạo ra những robot, song không thể nào tạo ra sự sống được. Quyền sống chết chỉ duy nhất ở trong tay Thượng Đế mà thôi

CHUYỆN NGỤ NGÔN:

LUẬT

Được bầu làm thủ lĩnh của các thú rừng, sói liền thảo ra một bộ luật trong đó suy định con thú nào săn được mồi thì đều phải mang con mồi tập trung tại kho để chia đều cho mọi con thú, để chúng không bị đói đến mức ăn thịt nhau. Các con thú còn đang nghĩ, thì một con lừa lên tiếng:

- Thủ lĩnh sói tự nghĩ ra một ý kiến nghe ra rất hay và còn tỏ ra thương yêu nhau hơn nữa. Thế nhưng ngài sói ơi! Sao ngài lại mang con mồi mà ngài bắt được cất biến vào hang riêng của ngài thế? Hẳn là ngài sẽ mang nó ra để ở chỗ tập trung các thức ăn công cộng cho mọi người cùng hưởng chứ ?

Lời tố cáo này làm sói tím mặt và vội phải tuyên bố huỷ bỏ ngay luật này.

hẹn bạn trên đỉnh thành công

Theo bản tiếng Anh : See you at the top

của Zig Ziglar

Biên soạn

ĐC. NGÔ QUANG KIỆT

Quí cha :

VŨ SỬU DƯƠNG ĐÌNH TẢO LÊ XUÂN TÂN

NGUYỄN VĂN DIỄM


1. ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ BẠN ĐẠT ĐƯỢC ƯỚC MƠ

Muốn thành công trọn vẹn cả về sức khoẻ, tiền bạc và hạnh phúc ắt phải có sự lương thiện, thanh danh, niềm tin, liêm chính, tình yêu và trung tín làm nền tảng. Càng lên cao, bạn càng thấy rõ rằng chỉ cần vi phạm một điều thôi, lập tức, bạn sẽ chỉ được hưởng phần rơi rớt so với phần thưởng lớn lao mà lẽ ra cuộc đời đã phải cống hiến cho mình. Nếu bạn bất lương, lừa đảo, trí trá, bạn vẫn có thể kiếm được tiền nhưng chắc chắn bạn sẽ chẳng có mấy bạn bè đích thực và tâm hồn bạn rất khó được bình an. Mà như vậy, đâu phải là thành công (câu thành ngữ: Bạn leo cao nhất bằng cách đứng ngay tại chỗ thật sâu sắc). Người hái ra tiền mà sức cùng lực kiệt thì đâu đã thành công thực sự. Ông giám đốc ngồi trên chót vót mà xa cách gia đình đâu phải thành công. Không đem gia đình theo được, ông sẽ bỏ cho ai?

Càng sống lâu, càng tiếp xúc với nhiều người công thành danh toại, tôi càng xác tín thêm rằng, những viên đá tảng chính là những vũ khí mũi nhọn trong kho vũ khí thành công. Nếu ta thành tín thì lúc khẩn cấp hay trong cơn đại hoạn, những người quen biết, những người chi phối sức khoẻ, tiền bạc và hạnh phúc của ta sẽ mau mắn ra tay. Tận tình giúp đỡ ta ngay.

2. năng lực quan trọng tín thành không có không xong.

Ước gì tôi có thể chỉ cho bạn thấy thực tại của bao người tôi từng gặp gỡ. Họ đáng kính, có cá tính, có tài năng thậm chí xuất sắc nữa ấy mà chỉ một bước nữa là phải đối diện với chủ nợ và hai bước nữa là ra trước vành móng ngựa rồi. Lúc nào họ cũng mánh mung và lừa gạt. Họ không xây nhiều và xây cao vì không có nền móng. Những người khác thì có móng nền hẳn hỏi nhưng rút cuộc chỉ sống trong tầng hầm giả, chỉ xây được vọn vẹn có một túp lều tranh. Sở dĩ thế, vì họ đã không tuân thủ những bước cần thiết, không sử dụng tài năng sẵn có để đạt tới cuộc sống phong phú hơn. Nhiều người không nhận thức được rằng: Cơ may đích thực dẫn tới thành công ở trong chúng ta chứ không ở trong công việc. Và bạn có thể dễ dàng lên tới đỉnh bằng cách xuống tận đáy mọi sự rồi từ từ leo lên từ bậc một. Họ không ý thức được rằng thành công và hạnh phúc không phải chuyện rủi may mà là vấn đề lựa chọn. Thật vậy, rồi bạn sẽ thấy là chính bạn lựa chọn những gì mình muốn.

Bạn hãy kể ra những gì bạn muốn thành, muốn làm hoặc muốn có thử xem. Tất nhiên bản liệt kê này, được bổ túc thêm hoài. Lúc đầu, có lẽ bạn chỉ muốn có thêm bạn thiết, muốn tăng tiến bản thân, có thêm sức khoẻ, bạn tiền, hạnh phúc, được an toàn và có nhiều thì giờ rảnh rỗi có cơ hội thăng tiến và tâm hồn thảnh thơi, được đối xử công bình và nhiều khả năng để giúp ích thế nhân hơn.

Trang sau là những nấc thanh dành riêng cho bạn, đưa bạn lên tới đỉnh thành công, trên đó, những gì bạn muốn đã được ghi ngay trên cánh cửa tương lai của bạn.

Chúng tôi sẽ sử dụng thường xuyên những nấc thang naỳ hầu giúp bạn luôn đi đúng đường. Có lẽ bạn chẳng cần người khác nói cho biết mình cần có những đức tính, những phẩm chất nào mới đạt được điều mình muốn đâu. Nhưng là con người, ai chả có lúc cần được nhắc nhở, phải không bạn?

Có lẽ bạn còn muốn nhiều điều nữa, nhưng tôi tin có được những điều trên, hẳn cuộc sống bạn cũng đã phong phú và đáng quí lắm rồi. Đã đành, bạn chưa thể sở đắc tất cả những mơ ước đó ngay một lúc được nhưng không sao, những điều tốt đẹp ấy luôn có sẵn đó và bạn có thể hưởng nếm chúng dồi dào hơn bạn tưởng nhiều.

Tôi nhắc lại: Chúng ta có sẵn đó, nhưng nếu muốn thành một vận động viên cử tạ, bạn phải rèn luyện bắp thịt ra sao thì muốn mở cửa kho tàng, chọn ra những gì đáng ước muốn và quí giá thì bạn cũng phải có sẵn hoặc phải rèn luyện một số đức tính như vậy.



Tình yêu-hôn nhân-gia đình

ĐẮP CHĂN BÔNG VẪN LẠNH LÙNG

"Xúc động trước khổ nhục kế của anh, chị vẫn yêu dù biết anh đã có vợ."


Cô y tá rút bút: Họ và tên chồng?. Duyên cúi mặt, ấp úng, lí nhí không thành tiếng. Cô y tá hiểu ngay. Khinh khỉnh nở một nụ cười: Con ngoài giá thú phải không?.

Duyên nhục nhã cúi đầu. Đứa con trong bụng quẫy mạnh một cái như đòi ra gấp. Xong thủ tục, cô ngoan ngoãn leo lên bàn đẻ. Trước ánh mắt nghiêm khắc của các bà đỡ. Duyên chỉ biết cắn răng quằn quại chứ không dám kêu la trong cơn vượt cạn mồ côi.

Cô tin bức chân dung anh tự hoạ:

Tốt nghiệp đại học Tổng hợp khoa Sử, tìm một việc làm vừa phù hợp, lại có thu nhập cao đối với Duyên quả là khó. Gần nhà cô thuê có một sân chơi tennis luôn luôn đông khách. Một lần mẹ ở dưới quê lên thăm con gái, gợi ý: Này Duyên, hay xin mấy chú bên đó, mở một quán nước nhỏ để con ngồi bán tạm?.

Duyên đành phải chấp nhận. Cô không thể cứ sống bám vào những đồng tiền ít ỏi gia đình gửi lên hàng tháng, khi cả ba mẹ cô đều đã già rồi.

Đó là mở đầu sự quen biết của cô với Quang, anh chàng huấn luyện viên kiêm qủan lý sân tennis.

Quang cao to, đẹp trai, ngoại trừ một khiếm khuyết: anh đã có vợ, một con. Anh tiết lộ điều đó từ buổi chuyện trò đầu tiên. Ngoài hai ngày cuối tuần, sân tennis chỉ đông vào sáng sớm và chiều tối, đủ thời gian để anh vào quán cô tránh nắng và làm cô mủi lòng về những bất hạnh gia đình.

Vợ anh, người đàn bà hãnh tiến, thấy chồng kém cỏi hơn ông giám đốc mà chị đang là thư ký. Từ lâu, anh đã phát hiện ra chị vẫn thường ngoài giờ với ông ta, nhưng nín nhịn chịu đựng vì con. Chị còn dạy con xem thường, cãi lại lời bố nó. Nhà cửa đối với anh chẳng còn là tổ ấm. Hết giờ làm việc, anh chỉ muốn lang thang nhậu nhẹt rồi về lăn ra ngủ vùi.

Duyên tin anh tuyệt đối với sự ngây thơ của mối tình đầu. Thông cảm. Tiếp đến là mến. Thương và. Yêu. Yêu để bù đắp cho anh những mất mát. Yêu để căn hộ độc thân cô thuê trong chung cư gần sân tennis, trở thành tổ ấm mà anh bảo là vợ anh không cho anh được.

Những tiếng xì xào gọi cô là đồ cướp chồng chỉ làm cô tự hào vì mình đủ bản lĩnh hy sinh, để mang đến cho anh cảm giác hạnh phúc đích thực.

Cảnh già nhân ngãi non vợ chồng.

Mấy tháng sau, cô báo tin mình có thai. Anh phản ứng ngay lập tức: Ngốc quá, sao em không đề phòng?. Cô ngạc nhiên : sao anh bảo anh sẽ hạnh phúc nếu có con?. Anh nhăn mặt: Đó là sau lúc anh đã dứt khoát với vợ. Còn bây giờ thì chỉ tổ là mọi việc rối tung lên.

Cô muốn anh ly dị gấp để kịp đón đứa con ra đời. Anh lấy cớ thủ tục nhiêu khê, nhờ chưa xong mà chuyện lộ ra, không khéo mất việc ở sân tennis chứ chẳng chơi. Nếu cô thực lòng yêu và lo cho anh thì hãy phá thai.

Duyên không chấp nhận. Cô vẫn hy vọng đứa con sẽ là sợi dây buộc chặt anh vào với cô, thuộc về cô hoàn toàn.

Sự thật không như cô vẫn tưởng.

Từ ngày không thuyết phục được Duyên, thái độ của anh đối với cô lạnh nhạt hẳn. Trước kia, hầu như ngày nào anh cũng giúp cô dẹp quán, mang hàng về. Từ ngày dư luận xì xầm về cái bụng của cô, thỉnh thoảng anh mới ghé vào căn hộ cô.

Hạnh phúc mặn nồng đã thay bằng những cuộc tranh cãi liên miên. Cô thuyết phục anh nhanh chóng dứt khoát, anh thì tìm kế hoãn binh. Cô tha thiết: Em không muốn con em sinh ra không có bố. Anh bảo: Thì anh cũng có muốn thế đâu!. Bây giờ em đổi ý vẫn chưa muộn, đi đẻ co-vắc cũng được mà.

Cô tròn mắt nhìn anh, sửng sốt. Cô không ngờ người mình đem lòng yêu thương, bất chấp miệng đời, lại muốn cô giết đi đứa con đã đầy đủ hình hài. Mà nó lại là con anh!

Duyên đến khu nhà anh ở, lân la dò hỏi. Vợ anh quả là thư ký, nhưng không lẳng lơ như anh nói. Trong mắt hàng xóm, đó là một phụ nữ tháo vát chung thủy, dù phong phanh biết tin chồng mèo mỡ, và là người mẹ biết nuôi dạy con.

Cô hoang mang bấm số điện thoại nhà anh. Đầu dây bên kia, một giọng phụ nữ êm ái: Dạ, nhà em có nhà. Tiếng gọi Mình ơi! Ra nghe điện thoại dùm em, sao mà âu yếm, khác hẳn lời anh từng mô tả: Vợ anh không bao giờ tôn trọng chồng, kể cả việc tiếp điện thoại bạn bè.

Lộ mặt gã đàn ông sở khanh

Em hết chuyện nói với anh rồi hay sao mà cứ gặp nhau là hối anh ly dị? Phải có thời gian chứ. Mà có gì đâu. Hạnh phúc của chúng mình chẳng lẽ chỉ có thể phụ thuộc vào một tờ giấy hay sao?.

Cô tức uất người. Cô đã chịu đựng tất cả, chính là nhắm đến tờ hôn thú mà anh gọi là tờ giấy ấy đấy.

Nếu nó không liên quan đến hạnh phúc, thì tại sao anh xem tờ giấy ấy với vợ anh quan trọng đến nỗi không chịu xé đi? Chẳng lẽ cô chỉ được có thứ hạnh phúc mãi mãi nằm ngoài tờ giấy ấy hay sao? Hay chỉ là cái bóng mờ anh mang ra, bảo với cô đó là hình thật, mà cô đã ngây thơ tin tưởng?

Giữa họ chưa bao giờ có kỷ niệm của hai người yêu nhau, chỉ có những lần ân ái mà thôi. Cô chỉ biết cho và chưa bao giờ được nhận nơi anh cái gì ngoài những lời hứa. Sao đến giờ này cô mới chịu hiểu ra?

Dưới bức chân dung của một người đàn ông bất hạnh cần được cảm thông, bây giờ cô mới nhận ra những dấu hiệu của dòng họ sở.

cô sinh được một thằng bé rất kháu. Sáng đó, anh bước vào nhà cô. Không hỏi han gì đến cơn vượt cạn, anh hờ hững đến thăm như một người khách. Tệ hơn nữa, không đợi cô qua khỏi những cơn đau đớn thể xác sau sinh nở, anh đã đòi quan hệ.

Giờ thì cô phải chua xót chấp nhận rằng cô đối với anh ta chẳng qua chỉ là một thứ công cụ bằng xương thịt sống, phục vụ cho được dục vọng của anh ta mà thôi. Mọi chuyện đều đã lỡ. Chính cô gây ra, cô phải tự gánh chịu. Chỉ thương đứa con, nó có tội tình gì đâu!

CHUYỆN CỔ TÍCH DÀNH CHO NGƯỜI LỚN - NGUYỄN NHẬT ÁNH :

CON RUỒI

Con ruồi nhỏ, nhỏ xíu. Vậy mà cái nhỏ xíu đó đôi khi lại là nguyên nhân của những việc tầy đình. Rất có thể hai vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị nhau chỉ bởi một con ruồi. Ai mà lường trước được những việc thần kỳ đó!

Tôi ốm. Điều đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra cho những người khoẻ mạnh. Và vợ tôi pha cho tôi một ly sữa. Tôi nốc một hơi cạn đến nửa ly và phát hiện ra trong ly có một con ruồi. Con ruồi đen bập bềnh trong ly sữa trắng, đẹp kinh khủng!

Thế là mọi chuyện bắt đầu.

Tôi vốn rất kỵ ruồi, cũng như gián, chuột, nói chung là kỵ tất thảy các thứ dơ bẩn đó. Tôi đang nằm mà nghe tiếng chuột bò sột soạt trong bếp là tôi không tài nào nhắm mắt được. Thế nào tôi cũng vùng dậy lùng sục, đuổi đánh cho kỳ được. Bằng không thì cứ gọi là thức trắng đêm.

Vậy mà bây giờ, một trong những thứ tôi sợ nhất lại nhảy tót vào ly sữa tôi đang uống, và đã uống, nói trắng ra là nhảy tót vào mồm tôi. Biết đâu ngoài con ruồi chết tiệt trong ly kia, tôi lại chẳng đã nuốt một con khác vào bụng. Mới nghĩ đến đó, tôi đã phát nôn.

Thấy tôi khạc nhổ luôn mồm, vợ tôi bước lại, lo lắng hỏi:

- Sao vậy anh?

Tôi hất đầu về phía ly sữa đặt trên bàn:

- Có người chết trôi kia kìa!

Vợ tôi cần ly sữa lên:

- Chết rồi! Ở đâu ra vậy cà?

- Còn ở đâu ra nữa! Tôi nhấm nhắng Chứ không phải em nhặt con ruồi bỏ vào ly cho anh à!

Vợ tôi nhăn mặt:

- Anh đừng có nói oan cho em! Chắc là nó mới sa vào!

- Hừ, mới sa hay sa từ hồi nào, có trời mà biết!

Vì tôi đang ốm nên vợ tôi không muốn cãi cọ, cô ta nhận lỗi:

- Chắc là do em bất cẩn. Thôi để em pha cho anh ly khác.

Tôi vẫn chưa nguội giận:

- Em có pha ly khác thì anh cũng đã nuốt con ruồi vào bụng rồi!

Vợ tôi trố mắt:

- Nó còn trong ly kia mà!

- Nhưng mà có tới hai con lận. Anh uống một con rồi.

- Anh thấy sao anh còn uống!

- Ai mà thấy!

- Không thấy sao anh biết có hai con?

Tôi tặc lưỡi:

- Sao lại không biết? Uống vô khỏi cổ họng, nghe nó cộm cộm là biết liền.

Vợ tôi bán tín bán nghi. Nhưng vì tôi đang ốm, một lần nữa cô ta sẵn sàng nhận khuyết điểm:

- Thôi, lỗi là do em bất cẩn! Để em...

Tôi là chúa ghét cái kiểu nhận lỗi dễ dàng như vậy. Do đó, tôi nóng nảy cắt ngang:

- Hừ, bất cẩn, bất cẩn! Sao mà em cứ bất cẩn cả đời vậy?

Vợ tôi giật mình:

- Anh bảo sao? Em làm gì mà anh gọi là bất cẩn cả đời?

- Chứ không phải sao?

- Không phải!

À, lại còn bướng bỉnh! Tôi nheo mắt:

- Chứ hôm trước ai ủi cháy cái quần của anh?

- Thì có làm phải có sai sót chứ? Anh giỏi sao anh chẳng ủi lấy mà cứ đùn cho em!

- Ái chà chà, cô nói với chồng cô bằng cái giọng như thế hả? Cô nói với người ốm như thế hả? Cô bảo tôi lười chảy thây chứ gì? Cô so sánh tôi với khúc gỗ phải không? Ái chà chà...

Thấy tôi kết tội ghê quá, vợ tôi hoang mang:

- Em đâu có nói vậy!

- Không nói thì cũng như nói! Cô tưởng cô giỏi lắm phỏng? Thế tháng vừa rồi ai làm cháy một lúc hai cái bóng đèn, tháng trước nữa ai phơi quần áo bị đánh cắp mà không hay? Cô trả lời xem!

Vợ tôi nhún vai:

- Anh lôi những chuyện cổ tích ấy ra làm gì? Hừ, anh làm như anh không bất cẩn bao giờ vậy! Anh có muốn tôi kể ra không? Tháng trước ai mở vòi nước quên tắt để cho nước chảy ngập nhà? Anh hay tôi? Rồi trước đó nữa, ai làm mất chìa khoá tủ, phải cạy tủ ra mới lấy được đồ đạc?

Tôi khoát tay:

- Nhưng đó là những chuyện nhỏ nhặt! Còn cô, năm ngoái cô lấy mấy trăm ngàn bạc cho bạn bè mượn bị nó gạt mất, sao cô không kể luôn ra?

- Chứ còn anh, sao anh không kể chuyện anh đi coi bóng đá bị mất xe đạp? Rồi năm ngoái, ai nhậu xỉn bị lột mất đồng hồ?

Cứ như thế, như có ma xui quỉ khiến, hai vợ chồng thi nhau lôi tuột những chuyện đời xửa đời xưa của nhau ra và thay nhau lên án đối phương, không làm sao dừng lại được. Tôi quên phắt là tôi đang ốm. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi mải mê vận dụng trí nhớ vào việc lùng sục những khuyết điểm tầng tầng lớp lớp của nhau. Và thật lạ lùng, có những chuyện tưởng đã chìm lấp từ lâu dưới lớp bụi thời gian, tưởng không tài nào nhớ nổi, thế mà bây giờ chúng lại hiện về rõ mồn một và chen nhau tuôn ra cửa miệng. Từ việc tôi ngủ quên tắt ra-dô đến việc vợ tôi mua phải cá ươn, từ việc tôi bỏ đi chơi ba ngày liền không về nhà đến việc vợ tôi đi dự sinh nhật bạn đến mười hai giờ khuya vv... và vv..., chúng tôi thẳng tay quậy đục ngầu quá khứ của nhau và vẽ lên trước mặt mình một bức tranh khủng khiếp về đối tượng.

Trời ơi! Thế mà trước nay tôi vẫn sống chung với con người tệ hại đó! Thật không thể tưởng tượng nổi! Tôi cay đắng nhủ thầm và bùng dậy quyết tâm phá vỡ cuộc sống đen tối đó. Tôi đập tay xuống bàn, kết thúc cuộc tranh cãi:

- Thôi, tra khảo hành hạ nhau thế đủ rồi! Tóm lại là tôi hiểu rằng tôi không thể sống chung với cô được nữa! Tôi ngán đến tận cổ rồi!

Vợ tôi lạnh lùng:

- Tuỳ anh!

Câu đáp cộc lốc của vợ không khác gì dầu đổ vào lửa. Tôi nghiến răng:

- Được rồi! Cô chờ đấy! Tôi làm đơn xin ly hôn ngay bây giờ!

Tôi lập tức ngồi vào bàn và bắt đầu viết đơn. Ngòi bút chạy nhoáng nhoàng trên giấy với tốc độ 100km/giờ.

Viết và ký tên mình xong, tôi đẩy tờ đơn đến trước mặt vợ. Cô ta cầm bút ký rẹt một cái, thậm chí không thèm liếc qua xem tờ đơn viết những gì.

Thế là xong! Tôi tặc lưỡi và thở ra, không hiểu là thở phào hay thở dài. Cuộc đời cứ như xi-nê-ma, nhưng biết làm thế nào được!

Ký tên xong, vợ tôi đứng lên và cầm lấy ly sữa.

- Cô định làm gì đấy?

- Đem đổ đi chứ làm gì!

- Không được! Để ly sữa đấy cho tôi! Tôi phải vớt con ruồi ra, gói lại, đem đến toà án làm bằng cớ!

Đặt ly sữa xuống bàn, vợ tôi lẳng lặng đi vào phòng ngủ, đóng sập cửa lại. Trong khi đó, tôi hì hục lấy muỗng vớt con ruồi ra.

Tôi ngắm con ruồi nằm bẹp dí trên đầu muỗng và có cảm giác là lạ. Tôi đưa con ruồi lên sát mắt, lấy tay khảy nhẹ và điếng hồn nhận ra đó là một mẩu lá trà.