TIA SÁNG

Không phải nghề nghiệp làm danh giá con người mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp. (Louis Pasteur)

NHÌN CÁCH BẠN SỐNG, NGƯỜI TA KHÔNG THỂ TIN LÀ THIÊN CHÚA HỨA BAN NIỀM VUI CHO MỘT MÌNH BẠN.

Bernanos.

Nietzsche bảo rằng: nhìn cách sống của người Kitô hữu thì không thể bảo là họ đã được cứu độ, và ông đã nhạo báng giá trị của Tin Mừng... Nhìn tôi, phải chăng người ta có cảm tưởng là đứng trước một con người, bất chấp mọi hoàn cảnh, luôn sống vui mừng, vì biết mình được Chúa yêu thương? Thất bại, bệnh tật, chết chóc, những điều bất trắc, người Kitô hữu vẫn phải chịu như bao người khác; nhưng tôi có phản ứng khác với người ngoại chăng? Trước những cái bất ngờ trong ngày (gặp một người dửng dưng, hay vu oan, cà phê lạt lẽo, cơm không chín...). Khuôn mặt tôi có những phản ứng nào?

Lạy Chúa, con sẽ sống ngày hôm nay vui vẻ hơn...!


THƯ GIÃN:

1. QUEN CHẶT

- Thưa sếp! Có người đến cảm ơn về việc giúp đỡ...

- Cảm ơn quái gì! Xong xuôi rồi cứ chặt làm ba phần, tôi lấy một!

- Thưa sếp! Chặt không được ạ, bố đứa bé đi lạc hôm qua đến, chứ không phải....


2. CHỪA

- Tao không hiểu tại sao đàn ông luôn bảo đàn bà là kẻ lắm chuyện thế?

- Có gì đâu, đó là câu duy nhất mà đàn bà mình chừa lại.



3. AI TÀI HƠN?

Con của hai luật sư khoe với nhau:

- Mày xem bố tao có tài hôn? Ông X tham ô 9 tỉ đồng, nhờ bố tao nói có 1 giờ mà ổng chỉ bị có 2 năm tù treo.

- Nhằm nhò gì, ông Y buôn lậu tới 2 ký heroin, nhờ bố tao nói có một câu, mà ổng khỏi phải ở tù ngày nào.

- Bố mày nói câu gì mà tài thế?

- Câu ngắn tôi: Đề nghị tử hình...


4. CUỘC ĐIỀU TRA LÝ THÚ.

Một bạn trẻ đến tham khảo ý kiến cha sở xem Ngài có đồng ý với mình về cô bạn anh ta muốn cứơi không. Cha sở lấy bút và tờ giấy trắng ra và chàng bắt đầu kể :

Thưa Cha, cô ta không giàu lắm.

Vị Linh mục ghi một con số không.

Thế nhưng cô ấy biết chơi đàn phong cầm !

Vị Linh mục lại ghi tiếp một con số không.

Và cô nàng rất đẹp Cha ơi !

Lại một con zêrô nữa

Việc bếp núc cô ta rất khá thưa Cha.

Vị Linh mục đặt bút ghi con số không thứ tư.

Mà nàng lại thông minh cơ chứ !

Con số zêrô thứ năm.

Tính tình nàng khỏi chê, vui vẻ dịu dàng.

Cũng là con số zêrô bên cạnh cácon zerô trước.

Cuối cùng cô ấy là người sống đạo rất tốt.

Lúc ấy vị Linh mục ghi con số một đằng trước sáu con số không này. Ngài chỉ vào tờ giấy và nói với chàng thanh niên :

Cô ấy đáng giá một triệu, cưới ngay đi con ơi.

5. QUÊN MANG KÍNH VỀ TRỜI.

Mấy ngày sau khi ông nội của bé Lan chết, con bé tìm thấy ở góc nhà đôi kính trắng của ông, nó mếu máo la lên :

Oi ông nội về trời mà quên mang theo kính, ở trên ấy làm sao mà ông thấy đường nổi cơ chứ !

Má Lan hết lời an ủi con. Sau đó một thời gian, được má dẫn đi thăm một người bà con đang hấp hối trên giường bệnh, Lan phấn khởi hỏi người bệnh :

Bác ơi, Bác sắp được lên trời phải không ạ ?

Người bệnh thều thào đáp lại :

Phải nếu đẹp lòng Chúa.

Mọi người hiện diện hết sức ngạc nhiên khi thấy Lan rút trong túi áo ra đôi kính trắng rồi nghe nó nói thật ngây thơ:

Bác làm ơn giúp Chúa chuyển kính này cho ông nội của cháu. Ông đi về trển mà quên mang kính theo.



CHUYỆN HAY Ý ĐẸP :

KINH THÁNH LÀ KIM CHỈ NAM CỦA CUỘC SỐNG

Một thanh niên ra tỉnh làm việc kiếm ăn. Một người bạn tiễn chân anh, nhắn nhủ:

- Nầy anh, hãy nhớ rằng anh sắp ra khơi đầy nguy hiểm.

Anh đáp:

- Phải, tôi biết thế lắm.

Đoạn, anh móc trong túi ra cuốn Thánh kinh giơ cao lên cho bạn thấy, rồi nói tiếp:

- Nhưng tôi sẽ cầm cái địa bàn nầy để vững tay lái và đúng hướng.

* Phao Lô khuyên Timôthê: Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.(II Ti 3:14-17). (MV).

CHUYỆN NGỤ NGÔN:

HAI ĐỨA TRẺ LUẬN VỀ MẶT TRỜI

Khổng Tử du hành về phương Đông, trên đường đi gặp hai đứa trẻ đang tranh cãi rất hăng. Khổng Tử lấy làm lạ, bèn hỏi chúng tranh cãi về cái gì.

Một đứa trẻ nói: "Tôi cho rằng khi Mặt trời mới mọc thì gần chúng ta, khi đến giữa trưa thì tương đối xa rồi. Còn cậu này lại cho là Mặt Trời khi mới mọc thì xa, còn đến giữa trưa thì gần hơn".

Đứa bé ấy nói: "Mặt trời khi mới mọc to như cái tán của cỗ xe; khi đến giữa trưa, thì chỉ nhỏ bằng chiếc mâm chiếc bát mà thôi. Đó chẳng phải là khi xa thì thấy nhỏ, khi gần thì thấy to hay sao?"

Đứa trẻ kia nói: "Khi Mặt Trời mới mọc, trời còn mát mẻ; đến giữa trưa thì nóng như nước sôi. Đó chẳng phải là gần thì thấy nóng mà xa thì thấy mát hay sao?"

Khổng Tử nghe xong, không phân xử được ai đúng ai sai .

Hai đứa trẻ thấy Khổng Tử không giải quyết nổi vấn đề ấy, liền cười rằng: " Người ta bảo ông học rộng tài cao lắm cơ mà".

NGHỆ THUẬT SỐNG:

1. SÁU BƯỚC THÔI LÀ TỚI ĐÍCH RỒI

Tôi chắc chắn những điều tốt đẹp kể trên đang chờ bạn, nhưng tôi còn tin chắc hơn nữa rằng nếu thực sự ước muốn những điều đó, bạn phải bước sáu bước đặc biệt mới đạt tới. Bạn buộc phải hiểu rõ như vậy vì như người chơi gôn, nếu không đưa bóng qua đủ các lỗ tất sẽ bị loại thì bạn cũng sẽ bị loại nếu bỏ qua bất cứ bước nào. Dick Gardner, bạn thân của tôi và cũng là chuyên viên bán đấu giá lỗi lạc gọi sáu bước này là những con dốc và đã đưa ra những ví dụ cụ thể như sau. Một chàng trai vừa được giới thiệu với một mỹ nhân trẻ đẹp, đã tìm cách hôn nàng, tất sẽ mất hết cơ may trở nên người cầu hôn nghiêm chỉnh.

Chàng sinh viên muốn chuyển thẳng môn đại số cơ bản sang hình học ắt sẽ thấy rối như mớ bòng bong. Một thương gia vừa được giới thiệu với khách hành tương lai đã lăm le thảo ngay đơn đặt hàng chẳng những sẽ không bán được hàng mà còn mất luôn thân chủ nữa. Kẻ cầu hôn, chàng sinh viên và người buôn bán hấp tấp ấy thất bại là lẽ đương nhiên. Giả như họ chịu khó bước hết mọi bước hẳn họ đã có cơ thành công lớn. Đã đành, có nhiều người bước lẹ hơn người khác, song nếu bạn chịu khó bước đủ sáu bước, chắc chắn, bạn sẽ đạt được những gì mình thực sự mong muốn.

Khi bắt đầu leo thang lên đỉnh thành công thì:

Bậc đầu tiên là phát triển một hình ảnh lành mạnh về chính bản thân mình.

Bậc thức hai là nhận ra giá trị và năng lực của người khác, đồng thời ý thức được nhu cầu sống hiệu quả và cộng tác với họ.

Bậc thứ ba là dứt khoát xác định mục tiêu. Muốn xây nhà, phải có đồ án. Muốn xây dựng cuộc sống, đồ án và mục đích lại càng quan trọng.

Bậc thứ bốn và thứ năm là phải có thái độ tinh thần nghiêm túc và sẵn sàng làm việc.

Khi đọc hẹn nhau trên đỉnh thành công, bạn sẽ thấy mình thực sự được hưởng giá đặc biệt, chứ không phải trả giá đắt đâu. Sở dĩ tôi nói thế vì so với giá của thất bại thì giá của thành công rẻ hơn nhiều. Cứ đem những thất bại so với những thành công trong đời tất bạn sẽ thấy. Tuy nhiên, bạn phải tích cực làm việc chứ đừng ảo tưởng, còn công việc là hình khổ hay niềm vui thì tuỳ ở việc bạn điều chỉnh nhận thức.

Bậc thứ sáu là bạn phải nhiệt tình ước muốn.

Nếu bạn đã có sẵn mọi đức tính cần yếu để thành công thì thực may mắn. Nếu bạn đã có chút công danh, niềm tin, liêm chính, lương thiện, tình yêu và trung tín, nếu bạn thấy ít nhiều hài lòng về bản thân cũng như bạn hữu. Nếu bạn đã có một mục tiêu, có thái độ tinh thần khá nghiêm túc, đã từng làm việc và có những ước mơ, thì giờ bạn chỉ cần đem ra sử dụng, những cái có sẵn đó và để cho các đức tính ấy có cơ hội triển nở nữa thôi, và càng sử dụng, chúng lại càng cần thiết hơn. Tóm lại muốn thành công, tốn kém chẳng bao nhiêu chỉ cần dồn hết tâm lực là xong.

Hai câu chuyện sau sẽ giúp bạn thấy rõ điều đó.

* Một đôi tình nhân lạc vào miền quê. Gặp một bác nông dân, họ liền ngừng xe lại hỏi:

- Thưa bác, đường này đi về đâu ạ? Bác nông dân đáp ngay:

- Nếu các cháu đi đúng hướng thì con đường này sẽ dẫn tới bất cứ nơi nào các cháu muốn.

(Có lẽ bạn đã đi đúng đường, nhưng nếu còn ngơ ngác nhìn tức là bạn vẫn đứng yên tại chỗ).

* Một uỷ viên quản trị thương mại phải làm việc thêm tại nhà để chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng hôm sau. Đứa con trai năm tuổi cứ chốc chốc lại đến cắt ngang ý nghĩ của ông. Chợt thấy tờ báo buổi chiều có in hình bản đồ thế giới, ông bèn xé vụn ra rồi bảo cậu bé xếp lại cho đúng. Ông tưởng cậu bé phải cặm cụi hàng giờ lâu mới xong nào dè chỉ 3 phút sau, cậu bé đã hí hửng khoe mình đã xếp xong rồi. Ông ngạc nhiên hỏi con làm cách nào nhanh thế thì cậu bé đáp: Ồ mặt sau có in hình người nên con đã lật ngược lại để xếp. Khi hình người đã đâu vào đó rồi thì thế giới cũng đúng ngay boong. Chẳng cần nói thêm nhiều, khi bản thân bạn đã ổn định thì thế giới của bạn tất cũng ổn định thôi.

Suy nghĩ:

Bạn cần leo hết các bậc thang để lên tới đỉnh thành công nhưng đừng xây tổ trên các bậc thang đó. Người ta vẫn nói: Có hai cách leo cây sồi, một là leo lên cây, hai là chỉ ngồi trên một trái sồi. Quyển sách này được viết ra để giúp bạn leo cây sồi chứ không phải để ngồi trên một trái sồi đâu.

CHUYỆN CỔ TÍCH DÀNH CHO NGƯỜI LỚN - NGUYỄN NHẬT ÁNH :

NHÂN VẬT NỮ CỦA TÔI

Đăng được một truyện ngắn trên báo, điều đó không phải dễ. Bài viết của bạn trước hết phải được biên tập viên phụ trách văn nghệ thông qua. Sau đó còn phải tới tay trưởng ban biên tập. Sau khi vị này đồng ý, bạn phải còn chờ xem cái đầu của vị tổng biên tập gật hay là lắc. Đến khi tác phẩm của bạn đã in ra trên giấy trắng mực đen rồi, còn phải đợi xem người đọc có tiếp nhận không đã, khi đó thì nó sẽ đích thị là một tác phẩm văn học hoặc sẽ chỉ là một món hàng thủ công kém chất lượng và không ai tiêu dùng. Đó là một chặng đường dài dằng dặc và cam go cho những ai muốn trở thành nhà văn.

Nhưng đối với với tôi những thử thách trên đây không phải là không vượt qua được. Cái cửa ải khắc nghiệt nhất, cái vật cản đáng ngán nhất chắn ngang nẻo đường văn học của tôi, oái oăm thay, lại là vợ tôi. Tại sao à? Thì đây!

Tôi nghĩ ra một cốt truyện hấp dẫn, thế là tôi ngồi vào bàn viết. Tôi viết say sưa đến nỗi khi vợ tôi cầm lên đôi đũa thì tôi vẫn còn cầm trong tay cây viết. Tuy nhiên vợ tôi rất là tuyệt vời. Cô ta sẵn lòng ăn cơm một mình và trong khi ăn tuyệt đối giữ im lặng cho chồng làm việc. Tôi viết được ba trang. Ăn cơm xong, vợ tôi lại gần tôi để xem tôi viết những gì. Thấy có ghi chú ý, tôi càng ra bộ quan trọng, ngòi viết sột soạt một cách bay bướm và đầy trí tuệ. Vợ tôi đặt tay lên vai tôi:

- Thôi, anh nghỉ một chút đi, rồi...

Đang nói, vợ tôi đột nhiên ngừng bặt. Tôi ngó lên và bắt gặp nét mặt cau có của cô ta. Lập tức tôi sờ lên cánh tay vợ tôi và hỏi giọng bối rối:

- Em sao vậy?

Không để ý đến cử chỉ âu yếm của tôi, cô ta trợn mắt:

- Hạnh nào đây?

Tôi ngơ ngác:

- Hạnh nào là Hạnh nào? Em nói gì anh không hiểu!

- Thôi đừng làm bộ! Giọng vợ tôi rít lên the thé Cô Hạnh nào ở trong truyện anh đây nè! Phải cô Hạnh làm chung cơ quan với anh không?

Tôi nhăn nhó:

- Em đừng nói oan cho anh. Đó là một cái tên ngẫu nhiên anh nghĩ ra, chẳng dính dáng gì đến ai cả.

- Làm sao mà chẳng dính dáng được! Anh dẹp ngay cái tên này cho tôi! Thiếu gì tên không đặt mà cứ phải là tên Hạnh.

Để được việc mình và để chiều vợ, tôi gạch ngay tên Hạnh và thế vào đó là Cúc.

- Cúc nào? Vợ tôi tiếp tục hoạnh hoẹ Con Cúc ở cạnh nhà phải không?

- Trời ơi là trời! Tôi vò đầu Thiếu gì người tên Cúc mà sao em cứ...

- Bỏ ngay! Vợ tôi phán, không để tôi nói hết câu.

Thế là Cúc biến thành Lan.

- Không được! Con Lan thợ may chứ gì!

Ngay lập tức, tên Lan bị xoá đi. Nhân vật của tôi mang tên mới: Tuyết.

- Dẹp con Tuyết bán bún riêu này đi! Anh đừng hòng léng phéng!

Cuối cùng tôi phải thay Tuyết bằng Thuý, tức là tên vợ tôi.

- Thuý nào đây?

Tôi cười chiến thắng:

- Thuý là em chứ còn ai vô đây!

Nhưng vợ tôi có vẻ thờ ơ với tên của mình. Cô ta bóp trán và đột ngột hét lên:

- A, anh đừng hòng đánh lừa tôi. Nhỏ Thuý ở hiệu sách quốc doanh phải không?

- Trời ơi, anh có biết tên cô ta hồi nào đâu? Sao em...

Vợ tôi khoát tay:

- Không có sao em sao anh gì hết! Anh xoá ngay tên này cho tôi!

Tôi xoá ngay. Và bắt đầu nghĩ ngợi, cố tìm một cái tên không giống ai. Rốt cuộc tôi đã tìm ra:

- Nguyễn Thị Trầu, em bằng lòng chưa?

Vợ tôi nhíu mày. Cô ta hơi gục gặc đầu khiến tôi thấp thỏm mừng thầm. Nhưng hình như cô ta không muốn cho tôi mừng:

- À, ý anh muốn nhắc tới con nhỏ xinh xinh ở cách nhà mình năm căn chớ gì?

Tôi gần như phát điên:

- Thiệt anh không biết nói sao nữa! Anh có đời nào biết con nhỏ mà em nói đâu! Cô ta tên Trầu hay tên Trẩu làm sao anh biết được!

Vợ tôi vẫn khăng khăng:

- Anh đừng có giả bộ ngây thơ! Cô ta không phải tên Trầu, nhưng cái dây trầu bà leo trước nhà cô ta ai mà không biết. Dẹp ngay, trầu với lại triếc! Thiệt tôi chưa thấy ai lăng nhăng như anh!

Để khỏi bị vợ đánh giá là lăng nhăng, tôi sửa Trầu thành Trấu. Thực là vạn bất đắc dĩ, con gái gì mà tên Trấu, nghe chẳng êm tai chút nào.

Nhưng vợ tôi vẫn khó dễ tới cùng:

- À, bây giờ anh lại nhớ đến con nhỏ chà gạo ở đầu đường hả?

Tôi phải đối:

- Chà gạo thì ra cám chớ đâu có ra trấu!

- Thì trấu với cám đâu khác gì nhau, anh đừng có qua mặt tôi!

Tôi đành phải bấm bụng cho nhân vật nữ đáng yêu của tôi mang tên Trậu. Nếu là Dậu thì còn hy vọng giống nhân vật của Ngô Tất Tố, còn Trậu thì trong lịch sử văn học nước nhà chưa có ai dám mang tên này. Nhưng mặc, thà Trậu còn hơn là không được ra đời.

Vợ tôi bằng lòng với tên này lắm. Cô ta cười tươi như hoa trong khi tôi buồn phiền không kể xiết. Khi tả cô Trậu, tôi cố gắng tả giống hệt vợ tôi để cô ta khó có thể bắt bẻ tôi được nữa. Nhưng vợ tôi đâu có chịu:

- Anh tả ai vậy? Mắt đen huyền là mắt đứa nào?

- Mắt em chứ mắt ai!

- Mắt em đâu có đen, anh đừng giỡn mặt! Mắt em màu xám, còn mắt đen là mắt nhỏ Tuyết! Còn mặt trái xoan là mặt ai?

- Thì em chớ ai!

- Bậy! Mặt em là mặt trái quít, mặt trái xoan là mặt nhỏ Hạnh. Còn đây nữa, mũi dọc dừa, môi trái tim, tóc mây... những thứ này đâu phải của em, anh đừng có mà gán ghép bậy bạ. Dẹp ngay cái trò này đi! Anh định mượn văn chương để ám chỉ cô này cô nọ hả?

Trước một người vợ như thế, tôi chỉ biết thở dài:

- Nhưng tả như thế nào, đặt tên gì em cũng không chịu thì anh biết làm sao bây giờ?

- Bộ anh viết truyện không có người nữ không được hả? Vợ tôi bắt đầu đi vào lý luận văn học.

- Truyện anh viết về may vá, sinh đẻ mà không có người nữ sao được. Chẳng lẽ để cho những người đàn ông đẻ à?

- Thì đừng có đẻ nữa! Ai kêu anh viết chuyện đó vô đây! Còn không thì anh dẹp cái chuyện văn chương thơ phú của anh lại. Tôi không muốn thấy bất cứ một bóng dáng của cô nào trong truyện của anh.

Cuối cùng, tôi đành phải buồn rầu xếp những trang văn chương thơ phú của tôi lại, bởi vì tôi không thể chọn những nhân vật nam của tôi đẻ bậy bạ được. Còn nhân vật nữ thì vợ tôi cấm xuất hiện. Vợ tôi ghen với cả những người đàn bà đã có bầu, ghen với cả cái cây mọc trước nhà một cô gái nào đó trong khi tôi không hề biết cô gái đó là ai.

Bạn đọc thân mến! Nếu các bạn đã yêu tôi qua câu chuyện đau khổ này thì mong các bạn đừng lấy làm buồn phiền nếu tôi không trở thành nhà văn.


Và trong trường hợp đó, truyện ngắn này được coi như là truyện ngắn cuối cùng của tôi, tôi xin gởi lời chào vĩnh biệt các bạn. Còn trong vạn nhất, nếu như các bạn còn gặp lại tôi trên trang báo này lần thứ hai thì điều đó có nghĩa là vợ tôi đã bỏ cái tính ghen bóng ghen gió và trở thành một con người đáng yêu bậc nhất. Lúc ấy, các bạn hãy mừng cho tôi.