“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”

Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa C

NỘI DUNG

I.Tia sáng:

* ĐỨC TÍNH

* GIẢI PHÁP DUY NHẤT

II.Thư giãn:

2. MAY CHO NÓ

3. THỬ CÒI

4. PHẢN ỨNG

5. NHẦM LẪN

6. KHÔNG TRÚNG

7. DẤU PHẨY

III.Nhật ký truyền giáo của Lm.Piô Ngô Phúc Hậu:

* NHỚ VỀ NĂM CĂN

IV.Chuyện ngụ ngôn:

* BAO GIỜ NẢY MẦM

V.Hẹn bạn trên đỉnh thành công:

* ÐẶC ÐIỂM CỦA CÁC MỤC TIÊU

VI.Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình:

* VIỆC NHÀ MỘT YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ÐẾN HẠNH PHÚC

I. TIA SÁNG :

* Có đức tính mà vô trật tự chỉ là đức tính kỳ cục.

KHI KHÔNG CÓ THỜI GIỜ ÐỂ SUY NGHĨ, THÌ GIẢI PHÁP DUY NHẤT LÀ LÚC NÀO CŨNG SUY NGHĨ. Buckminster Fuller.

Lúc nào cũng suy nghĩ có nghĩa là: mở lòng đón nhận những dấu hiệu, những tư tưởng đến với ta, đẩy nó vào tiềm thức, rồi tin tưởng vào cuộc sống: dù tôi ngủ hay thức dậy, hạt giống tư tưởng vẫn đâm chồi và mọc lên, mà tôi không cần lo lắng gì đến nó. Ngừng suy nghĩ, đôi khi cũng cần thiết cho việc suy tư.

II. THƯ GIÃN:

2. MAY CHO NÓ

Người vợ kể chuyện với chồng:

- Hôm qua em vào vườn bách thú chơi, một chuyện khủng khiếp đã xảy ra. Có một con sư tử chẳng biết làm thế nào đã ra khỏi chuồng. Em đã đối mặt với nó, đúng lúc nó chuẩn bị nhảy xổ vào người em thì...

Người chồng hôi hộp:

- Thì sao?

-... Thì người nuôi dạy thú kịp thời vào dẫn nó đi...

Người chồng thở hắt kết luận:

- Vậy là may cho nó đấy!

3. THỬ CÒI

Viên cảnh sát đuổi kịp chiếc xe ôtô, ra hiệu cho xe dừng lại:

- Anh có nghe thấy tiếng còi của tôi không?

- Dạ có ạ.

- Vậy tại sao anh không dừng xe?

- Dạ, tôi cứ tưởng ông đang... thử còi ạ!

4. PHẢN ỨNG

Một sĩ quan giảng bài hỏi một tân binh trong giờ lên lớp:

- Giả như anh đang ở trên xe buýt mà gặp một sĩ quan vừa lên xe thì anh làm gì?

- Tôi sẽ lập tức nhảy xuống khỏi xe ạ!

5. NHẦM LẪN

Ca sĩ người Ý nổi tiếng En-ri-cô Ca-ru-dô đi biểu diễn ở Mỹ. Một hôm chiếc ô tô chở ông ra đi bị hỏng dọc đường. Ông ta vào một trang trại khi người lái xe hì hục chữa xe. Gặp ông chủ, Ca-ru-dô giới thiệu:

- Xin chào ông, tôi là Ca-ru-dô.

- Lạy chúa thật là tuyệt diệu - Trang chủ kêu lên thích thú - Tôi không bao giờ nghĩ là có ngày tôi lại gặp được ông. Bà nó ơi, bà tưởng tượng xem. Trước mắt chúng ta là chàng Ca-ru-dô Rô-bin-sơn, người ở một mình trên đảo trong chuyện mà chúng ta đã đọc bao lần.

6. KHÔNG TRÚNG

- Bố ơi! Sao mọi người lại hét, mắng mỏ chú kia?

- À, vì chú ấy ném đá vào trọng tài.

- Nhưng mà chú ấy có ném trúng đâu?

- Ấy, chính vì thế mà họ mắng chú ta!

7. DẤU PHẨY

Có một anh nông dân làm đơn lên xã xin được giết thịt con bò của mình. Quan trên vì muốn bảo vệ sức kéo, cấm giết thịt trâu bò, đã phê vào đơn "Bò cày không được giết thịt"

Về nhà, anh nông dân được người ta mách bèn thêm vào một dấu phẩy: "Bò cày không được, giết thịt" rồi đem bò ra mổ.

Nghe tin, trên cho người xuống kiểm tra hạch hỏi, anh ta đem trình lá đơn có lời phê của chủ tịch xã, giấy trắng mực đen rành rành nên anh nông dân được bình yên.

III. NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO :

NHỚ VỀ NĂM CĂN

Cái Keo ….1973

Hôm nay mình đi thăm bà con để tìm hiểu "nhân tình thế thái". Vợ chồng anh M, đóng một cái đáy nho nhỏ sát mí bờ sông. Họ đến đây với hai bàn tay trắng. Họ vay tiền để sắm dụng cụ làm ăn.

- Anh chị vay bao nhiêu để đóng cái đáy này ?

- Mười ngàn. Cái đáy nhỏ xíu à. Mỗi ngày kiếm được chừng một ngàn, đủ sống qua ngày.

- Người ta cho anh đóng tiền lời một tháng bao nhiêu ?

- Cứ mỗi ngày đưa cho người ta ba trăm đồng.

- Mỗi ngày ba trăm đồng. Ba muơi ngày thành ra chín ngàn đồng. Như vậy là anh chị chịu lời chín mươi phân một tháng. Chưa từng có trên thế giới !

Trên đường trở về nhà, mình băn khoăn suy nghĩ về vấn đề xã hội tại miền cuối Việt này. Tại sao chủ nợ lại đang tâm cho vay ăn lời chín mươi phân ? Và tại sao chủ nợ siết cổ như vậy, mà con nợ vẫn sống tỉnh queo ?

Mình phân tích sự kiện theo phuơng pháp kinh viện: TẠI SAO ? ĐỂ LÀM GÌ ?.. Và cuối cùng mình khám phá đuợc bí ẩn này như sau.

1. Ở Năm Căn dễ sống lắm. Xách cái xuồng đi quăng chài chừng ba tiếng đồng hồ cũng kiếm được vài chục ký tôm. Chỉ cần một cái xuồng be bảy vô rừng bắt vọp, ốc len, ba khía cũng dư sức nuôi năm miệng ăn. Với mười ngàn đồng tiền vốn mà mỗi ngày kiếm được trên dưới một ngàn đồng. Như vậy có nghĩa là : một vốn đẻ ra ba lời/1 tháng. Nói cách khác, đó là doanh nghiệp có lãi suất ba trăm phần trăm/1 tháng.

2. Cho vay lấy lời chín mươi phân chưa phải là bóc lột, vì để có được số lời đó chủ nợ phải đi đòi ba mươi lần mỗi tháng. Nhiều khi phải năn nỉ ỉ ôi. Lắm lúc phải chửi thô tục mới thấy tiền từ trong túi con nợ lòi ra. Mà tiền công chửi thì vô giá ! Ấy là chưa kể con nợ có thể trốn đi truớc khi thanh toán số tiền vốn. Họ chỉ để lại một cơ ngơi gồm : cái chòi rách và cái chổi cùn.. công bằng xã hội ơi ! Thế nào là bốc lột ? Thế nào là công bằng ?

*****

Năm Căn,... 1976

Hôm nay mình trở lại Năm Căn cùng với một lô những ông bạn tò mò. Trước hết chúng mình đến thăm ông Tư Đức. Giáo điểm Năm Căn đã đóng cửa được một năm rồi mà trên vách ván nhà ông Tư vẫn còn những câu Phúc Âm in đậm nét phấn. Hạt giống Tin Mừng đã gieo xuống mảnh đất này từ năm năm qua, hôm nay vẫn còn đó, bất chấp nắng hạn. Nhưng rồi ngày mai, ngày mốt và nếu thời gian cứ chồng chất, thì số phận của hạt giống sẽ ra sao? Mình gởi gắm Năm Căn cho Chúa Thánh Thần.

Buổi chiều, tụi mình vô thăm rẫy. Dưa hấu và dưa hấu. Vô nhà nào cũng thấy một mâm dưa hấu.

- Ăn đi ông cha. Ăn hết mới được về.

- Chắc tôi chết quá !

- Còn một nồi cháo vịt nữa. Thấy bóng ông cha ở bên đó, thì bên này tôi bắt đầu mần vịt. Gặp ông cha, tôi mừng hết biết. Tưởng không bao giờ còn gặp lại ông nữa.

Chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ, tụi mình phải thanh toán hết ba nồi cháo vịt và hàng chục mâm dưa hấu. Người Năm Căn như thế đó. Ăn cho "chết" để có tình. Uống cho "chết" để làm anh em. Chất phác, cuồng nhiệt và dễ thương.

*****

Cái Rắn, 25.11.1995

Sáng nay mình đi làm lễ giỗ ở Rạch Ruộng. Chiều về đi làm lễ giáp tuần cho bà Năm Hơn. Lễ xong mình ở lại tâm tình với tang quyến. Chuỵên buồn quá !

Bà Năm Hơn đi thăm con ở Năm Căn. Hai giờ khuya ngày 20.11.1995 bà giục con đưa bà ra vàm Ông Do để đón tàu về Cái Rắn.

- Còn sớm quá mẹ ạ !

- Vừa rồi đấy !

Mẹ con giằng co một hồi. Chiếc xuồng be mười đưa bà Năm ra vàm, theo nhịp chèo uể oải của đứa con gái đang hờn giỗi. Đêm 28, ánh sao mờ nhạt khiến đêm đã tối lại càng tối hơn. Nước ròng chảy siết, đổ ra vàm cuồn cuộn như thác.

- Tới vàm rồi. Mẹ ngồi vững nghe. Nước đạp dữ lắm đó. Chỗ này có nhiều người chết chìm.. Chúa ơi ! Xuồng tấp vô hàng đấy rồi mẹ ơi ! Bớ bà con ơi ! mẹ ơi ! Mẹ ơi !

Bà Năm lặng lẽ chìm xuống dòng sông lạnh. Tiếng con bà gào lên thảm thiết xé toạc màn đêm yên tĩnh. Vài chục ánh đèn pin loé lên một cách tuyệt vọng. Ba giờ ba mươi sáng ngày 21.11.1995

- Bốn mươi tám giờ nữa xác mới nổi lên. Sông Cửa Lớn dữ dằn lắm, chẳng mò được đâu. Đành chờ thôi. Một người đàn ông đứng tuổi góp ý chắc nịch như thế.

Những chàng trai to bè và thô nhám lặng lẽ rời khỏi căn trại đáy. Vàm Ông Do chỉ còn lại đêm tối rùng rợn và tiếng khóc tuyệt vọng.

Sau câu chuyện buồn, người ta thi nhau ca tụng tấm lòng vàng của người Năm Căn.

- Bà con Vàm Ông Do quyên được 590.000 đồng. Còn dư 390.000 đồng đưa cho thân nhân đem về Cái Rắn.

Chủ hàng đáy nấu cơm nuôi những người đi kiếm xác. Đãi cơm luôn cả thân nhân ở trên này xuống. Việc của mình mà người ta lo hết trơn.

- Dân chính ấp Hàng Vịnh và Chữ Thập đỏ thị trấn Năm Căn đứng ra lo giùm mình từ đầu đến cuối. Nào là bổ người đi kiếm xác. Nào là quyên tiền.. Họ tốt thiệt tình !

- Nếu một sự cố tương tự xảy ra ở Cái Rắn này, thì nhắm chừng họ đạo Cái Rắn có thể làm được như bà con ở Năm Căn không? Mình hỏi thử mọi người như thế. Người ta chỉ cười trừ. Thảo nào ngày xưa Chúa đã phải thốt lên những lời cay đắng :

"Tôi chưa thấy một niềm tin nào như thế trong dân tộc Ít-ra-en'.

"Tại sao chỉ có một người này trở lại tôn vinh Thiên Chúa ? Mà người này lại là người ngoại".

Bị xúc động bởi những tấm lòng vàng ấy, mình bèn viết một lá thư ngỏ gửi về mảnh đất Năm Căn yêu dấu.

Năm Căn yêu dấu ơi !

Ta biết Năm Căn từ đầu năm 1971. Nhưng mãi tới ngày 24 tháng 5 năm ấy ta mới thực sự đặt chân lên đất Năm Căn. Ta yêu Năm Căn tử thuở ấy. Nhưng Năm Căn lúc ấy còn xơ xác lắm. Một nhạc sĩ nào đó đã sáng tác tại chỗ một bài ca lấy tựa đề "Năm Căn, nơi lưu đày". Anh chàng nghệ sĩ ôm cây đàn ghi-ta, đu đưa cái đầu trọc lóc, than khóc cho thân phận éo le của mình. Anh than khóc vào đúng một đêm Noel. Đêm Noel năm ấy không bừng sáng dưới ánh đèn muôn sắc, mà chập chờn dưới ánh hoả châu giăng mắc.

Cũng đúng thôi. Vì Năm Căn lúc ấy là Năm Căn của thời chiến. Chiến tranh siết lấy Năm Căn như một sợi dây thòng lọng. Rừng Năm Căn bị cày lên bởi pháo 41 và 105. Đước Năm Căn bị phang xơ xác bởi đại liên 50 và 60. Người Năm Căn nghèo te tua như cánh rừng bị bỏ thuốc khai quang. Nhưng ta vẫn yêu Năm Căn và muốn mãi mãi là người Năm Căn.

Thế rồi ngày 14.6.1975 ta phải miễn cưỡng giã từ Năm Căn với bao nhiêu là thương tiếc. Thân xác ra đi, nhưng lòng ta vẫn ở đó. Ta đã thấy rừng Đước Năm Căn biến thành rẫy bí, rẫy khoai.. bạt ngàn. Rồi ta lại thấy rẫy rừng biến thành vuông tôm mênh mông. Ta đã thấy Năm Căn giàu lên như diều gặp gió với những tiệm vàng và tiệm đồng hồ san sát bên nhau, với những cô gái vàng đeo đỏ người. Ta cũng đã thấy những tháng ngày chợ Năm Căn ế ẩm như nồi cháo thiu, vì tôm chết và chết không ngừng. Hôm nay, sau cái chết cuả bà Năm Hơn, lòng ta lại rộn lên lòng thương mến Năm Căn. Ta muốn đến tận vàm Ông Do để nói lên lòng biết ơn và cảm mến đối với nhân dân, chính quyền và Chi Hội Chữ Thập đỏ Năm Căn. Ta muốn siết tay người chủ hàng đáy có tấm lòng nhân ái còn lớn hơn cả dòng sông Cửa Lớn.

Năm Căn ơi ! Hẹn ngày tái ngộ nhé !

Lm. PIÔ NGÔ PHÚC HẬU - Trích trong “Nhật ký truyền giáo” -

IV. TRUYỆN NGỤ NGÔN:

BAO GIỜ NẢY MẦM

Một người hàng ngày ăn vừng (mè) sống mãi phát chán, một hôm đem rang vừng lên ăn và thấy rất ngon. Anh ta nghĩ : "Rõ ràng đem vừng rang lên ăn bùi và thơm ngon hơn nhiều. Nếu đem hạt vừng rang lên trồng, hẳn sẽ mọc lên cây vừng rang có hạt cũng thơm ngon như vậy !"

Nói rồi anh ta mang tất cả vừng có trong nhà đem rang rồi mang ra ruộng gieo. Từ đó, anh ta chờ đợi mãi cây vừng rang mọc và cho đến bây giờ anh ta vẫn đang chờ !

V. HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG:

ÐẶC ÐIỂM CỦA CÁC MỤC TIÊU

THỨ NHẤT - MỤC TIÊU PHẢI XỨNG ÐÁNG

Lúc xác lập mục tiêu là lúc tiếng lòng bạn réo gọi: "Tiến lên, tiến lên!". Và chân trời bắt đầu rộng mở trước mắt bạn.

Ðể có hiệu quả, các mục tiêu phải xứng đáng (lớn) vì mục tiêu xứng đáng mới kích thích ta cố gắng hoàn thành. Những mục tiêu tầm thường và không phải ganh đua mấy chẳng kích thích nổi ai. Thật vậy, những mục tiêu như trả tiền mua nhà mua xe, mưu sinh hằng ngày không có gì phấn khởi cả. Chỉ khi nào phải dốc hết sức mình bạn mới thấy phấn khởi thực sự, mà điều này chỉ có được khi có mục tiêu xứng đáng.

Trong giới thể thao, người ta vốn biết là một lực sĩ thi đấu tốt hơn trong những cuộc tranh tài gay go. Các cầu thủ đánh Golf, quần vợt, túc cầu, các võ sĩ... thường không thích tham dự những trận đấu nghèo nàn và tầm thường. Ðây chính là một trong những lý do gây "lộn xộn" trong giới thể thao. Trên chính trường cũng giống như vậy. Nếu mục tiêu nhắm tới "đáng giá" và là một cuộc "tranh tài" thực sự, tất bạn phải dồn hết nỗ lực vào đó. Nhờ vậy sẽ thấy phấn khởi và chính sự phấn khởi này sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả nhất và giúp bạn thành công.

Khi đã nỗ lực hết sức để đạt được kết quả tối đa, bạn có thể ngủ yên sau khi tự nhủ: "Hôm nay mình đã cố gắng tối đa". Thật phấn khởi khi biết mình không làm việc luống công. Bạn cần nhìn đời như một cuộc chơi lớn và hào hứng, để hoạch định những mục tiêu cao cả, một nhà thông thái từng nói: "Ðừng đặt ra những kế hoạch nhỏ vì chúng không đủ sức đánh động lòng người".

Cách bạn nhìn đời sẽ xác định hầu hết những thành quả bạn đạt được trên đời. Cùng một thanh sắt, nếu dùng để chặt củi, chỉ đáng giá 1 đô la, đem rèn thành móng ngựa sẽ đáng giá khoảng 50 đô la, và tinh luyện thành thép tốt để làm dây thiều cho các đồng hồ đeo tay cực tốt sẽ đáng giá 250.000 đô la.

Cách bạn nhìn thanh sắt đã tạo nên khác biệt, và các bạn nhìn chính mình cũng như tương lai mình cũng sẽ tạo nên khác biệt. Bạn cần một mục tiêu lớn. Dù là ai thì bạn cũng cần có một mục tiêu lớn. Dĩ nhiên, kích thước mục tiêu tuỳ từng mỗi người. T. Washington đã nói: "Bạn nên đo lường mức độ thành công bằng chính những trở ngại phải thắng vượt để đạt đến mục tiêu".

Theo bản tiếng Anh: See you at the top của Zig Ziglar

Biên soạn: ÐC.NGÔ QUANG KIỆT - Quí cha: VŨ SỬU - DƯƠNG ÐÌNH TẢO - LÊ XUÂN TÂN - NGUYỄN VĂN DIỄM

VI. TÌNH YÊU - HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH:

VIỆC NHÀ MỘT YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ÐẾN HẠNH PHÚC

Bước vào cuộc sống gia đình, đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị nhiều điều từ chuyện cưới xin đến chuyện mua sắm vật dụng, trang bị cho các tổ ấm nho nhỏ. Họ đến với nhau vì tình yêu nên cũng rất háo hức khi bước vào cuộc hôn nhân với nhiều suy nghĩ đẹp. Khi yêu, nhất là mối tình đầu của lứa tuổi đôi mươi, chẳng mấy ai nghĩ đến những vấn đề nho nhỏ của cuộc sống chung. Tuy nhiên, khi bắt đầu đời sống vợ chồng, mỗi người mới bắt đầu khám phá ra người kia trong trăm ngàn chi tiết và sự kiện của đời sống. Nhiều sự phát hiện mà họ không ngờ tới. Chỉ nội vấn đề phân công việc nhà giữa hai người cũng là cả một vấn đề.

Ngày xưa, việc tề gia nội trợ là việc của người phụ nữ. Lo việc nhà từ săn sóc con cái đến cơm nước bao giờ cũng là nữ giới. Nam giới đã có chuyện đại sự. Chế độ phong kiến đã qui định ràng buộc nên với thân phận nhỏ bé, phụ nữ đành chấp nhận. Bên cạnh việc lo chu đáo nhà cửa trong ngoài, có bà vợ lại còn đảm đang hơn lo tất mọi việc cho chồng ăn học mong có ngày "võng anh đi trước võng nàng theo sau". Họ tần tảo sớm khuya đứng sau lưng người chồng âm thầm khép nép lo mọi sự:

"Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông" (Trần Tế Xương).

Ðảm đang - đó là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay người phụ nữ không thể quán xuyến tất cả mọi việc khi mà họ còn phải trực tiếp bước ra xã hội làm việc tương đương nam giới. Họ cần phải được tôn trọng và thông cảm từ phía người chồng. Có người đàn ông rất gương mẫu. Khi công việc ở cơ quan kết thúc, về nhà họ đã chia sẻ cùng vợ những công việc "không tên", không nề hà bất cứ việc gì từ giặt đồ, nấu cơm. Có ông còn đỡ đần hầu hết việc nhà để tạo điều kiện cho vợ tham gia vào công tác trong xã hội và có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Nhưng thực tế của cuộc sống của thế kỷ XX và sắp bước sang thế kỷ XXI này, vẫn có những tư tưởng phong kiến hẹp hòi còn tồn tại trong vô khối người đàn ông. Họ luôn quan niệm việc nhà là việc của đàn bà. Có ông chồng cũng chẳng làm nên "vương tướng" gì vậy mà cũng chẳng chịu động tay chân giúp vợ. Với những trường hợp như vậy, gánh nặng và áp lực công việc trên vai người phụ nữ thật nặng nề. Vừa xong công việc cơ quan về nhà lại túi bụi với chuyện bếp núc con cái. Chẳng mấy khi họ có được thời gian dành riêng (không vướng bận) cho bản thân mình. Nhiều người phụ nữ xấu đi, già đi cũng vì như vậy. Nhiều buổi cãi cọ giữa đôi vợ chồng cũng chỉ vì anh chàng làm biếng.

Ở một số người phụ nữ lớn tuổi, tư tưởng nữ làm việc nhà vẫn còn tồn tại ở họ rất dai dẳng, nhất là các bà mẹ chồng. Có bà mẹ thấy con trai giặt đồ cho vợ, đã bực mình mắng con: "Làm như vậy, nó (vợ) sẽ leo lên đầu mày ngồi đó". Làm dâu trong một gia đình mà mẹ chồng không thông cảm với con dâu thì cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi vợ chồng. Có cô con dâu phải gánh hết mọi việc trong nhà quá nặng nề đành phải bỏ về nhà mẹ đẻ, hạnh phúc rất bấp bênh...

Thông cảm và chia sẻ - đó là điều đôi vợ chồng hạnh phúc cần có. Ðể giải phóng người phụ nữ khỏi áp lực việc nhà, trước tiên giới nữ cần phải thông cảm cho nhau trước. Mỗi thời đại phải có suy nghĩ và hành động phù hợp.

Riêng đối với nam giới đừng để mình mang tiếng ngược đãi phụ nữ. Người đàn ông để người phụ nữ ra xã hội làm việc hỗ trợ kinh tế cho chồng lại chất lên vai họ gánh nặng việc nhà thì đó cũng là một hình thức ngược đãi phụ nữ. Cần phải có sự phân công việc nhà hợp lý giữa vợ và chồng.

Bích Vân (An Giang số 1188, ngày 20/12/1995, trang 7)

Người sưu tập