Vai trò cơ bản của triết học trong cuộc sống

«Non vitae sed scolae discimus» - (chúng ta không học vì cuộc sống, nhưng học vì nhà trường). Đó là lời phàn nàn mà Lucius Annaeus Seneca (4-65), triết gia và thi sĩ người Ý, đã viết trong thư thứ 106 trong tổng số 124 lá thư mà ông đã gửi cho người bạn thân là Lucilius. Những lá thư này Seneca đã viết ra trong ba năm cuối đời tại một miền quê vùng Nomentum gần Roma. Đây là nơi ông đã chọn làm nơi hưu dưỡng sau khi rút lui khỏi chính trường với những chức vụ: trước hết là thầy giáo và sau đó là vị cố vấn thân cận nhất của hoàng đế Nê-rô.

Triết gia Lucius A. Seneca
Dĩ nhiên, những lá thư đó không phải là một công trình nghiên cứu triết học, cũng không phải là một cuốn sách khái luận về triết học luân lý, đánh dấu những hoạt động thời danh của một triết gia và một chính trị gia Seneca. Các «Epistulae morales ad Lucilium» - Thư gửi Lucilius, đề cập đến triết học như là một sự trợ giúp và như một hình thức sống thực tiễn, nghĩa là đề cập đến những suy tư về sự hạnh phúc và những thành quả của con người. Trong đó Seneca nhận ra sự «lợi ích» của triết học và trong đó ông đánh giá triết học trong toàn diện ngôi nhà lịch sử triết học vĩ đại: «Triết học dạy cho con người hành động, chứ không phải dạy con người phát ngôn.»

Điều đó cho thấy rằng Seneca hoàn toàn hòa mình vào trong dòng chảy của triết học phái Khắc Kỷ mà ông từng công nhận là khuynh hướng triết học của mình. Theo Seneca, nếu người ta chạy theo triết học chỉ vì thuần túy ham muốn hiểu biết, nghĩa là nếu triết học chỉ có tác dụng là làm cho một người trở thành một «nhà trí thức», chứ không phài trở thành một «người đức độ», thì người ta đã sử dụng triết học không đúng chỗ. Nói cách khác, người ta đã xử sự đối với triết học cũng như với tất cả những của cải «trần thế», như sự giàu sang, danh vọng, sức khỏe, sự đau xót hay nỗi vui sướng: Theo học thuyết của phái Khắc Kỷ, thì tự bản chất, «Adiaphora», «những điều phiếm định» đó là trung lập và chỉ qua cách thức sử dụng chúng, mới làm cho chúng có tác dụng tích cực hay tiêu cực, khuyến khích hay ngăn cản con người trên con đường đạt tới các nhân đức và sự hạnh phúc.

Sự phẩm định luân lý về các sự việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của tác nhân đối với các việc đó và các cách thức sử dụng chúng. Một sự sử dụng phù hợp với đạo đức sẽ làm cho con người «thoát khỏi mọi lo lắng ưu phiền và tâm hồn luôn được thanh thản an bình», nghĩa là giúp cho con người đạt tới hạnh phúc của mình. Ngược lại, một sự sử dụng lệch lạc «tự dối mình» là một «điều xấu xa», trái với đạo đức.

«Sự tự dối mình» trong hành động của con người hệ ở chỗ, là cho rằng sự giới hạn – và qua đó cả tính cách nghiêm trọng – của chính sự hiện hữu và thời gian sống của mình bị loại bỏ. Như thế, thời gian sống bị mất mát vào sự nông cạn hời hợt, vào điều chóng qua và vào điều gây ra sự xáo trộn. Nếu con người để lòng băn khoăn lo lắng cho những «Adiaphora», thì con người đánh mất vận may có thể giúp mình đạt được một «cuộc sống hạnh phúc vui vẻ». Tiếp đến, các tham vọng vô độ của con người sẽ tăng lên mãi, đến nỗi vượt ra khỏi sự kiểm soát, thay vì để cho tinh thần tìm gặp được an bình. Và như thế, con đường dẫn tới sự minh triết hoàn toàn bị chặn đứng.

Vậy, điều quan trọng ở đây là quan điểm nội tâm chứ không phải những chiếm hữu bên ngoài. Vì thế, đối với Seneca, không phải việc tuyên truyền quảng bá sự nghèo khó bên ngoài được coi như một lý tưởng; nhưng chính sự «nghèo khó nội tâm» chân chính mới là sự «khiêm tốn giản dị», một điều kiện cần thiết thúc bách tìm kiếm sự minh triết.

«Chỉ có nhân đức mới tạo nên niềm vui bền lâu và thanh thản». Vâng, theo Seneca, một cuộc sống đạo hạnh thành công nhờ có những đức tính ổn định và hợp lý. Nhờ thế, nội tâm con người được giải thoát khỏi những ảnh hưởng của thế giới ngoại cảnh và cảm thấy mình lại được hòa nhịp vào trong trật tự của thế giới thần linh, một điều sẽ đưa đến niềm an bình cho tâm hồn và cảm giác hạnh phúc: «Người thiện tâm biết chấp nhận thì được định mệnh dìu dắt hướng dẫn, còn kẻ chống đối bất mãn thì bị định mệnh cưỡng bách lôi kéo theo». Điều đó cho thấy rằng những dữ kiện thuộc định mệnh sẽ mất hết những tính chất mù quáng, độc đoán và bất định của chúng và tâm hồn con người – được giải thoát khỏi khuynh hướng «bệnh hoạn» thôi thúc chiều theo những điều vô giá trị - lại bước đi trên con đường của lý trí, của nhân đức và của «cuộc sống hạnh phúc».

Con đường của lý trí đó hệ ở việc biết đặt mình vào trong trật tự của vũ trụ, một trật tự mà lý trí nhìn nhận như việc hiện thực của Logos thần linh. Trật tự của thiên nhiên xét như toàn thể, đã được hình thành một cách hữu lý, và trong trật tự của thiên nhiên xét như toàn thể đó, con người đức hạnh tự thích ứng một cách có suy tư và chủ động («secundum naturam vivere»). Trước tiên, Seneca đã thẳng thắn loại bỏ điều đặc thù, điều bị phân tán, điều nông cạn hời hợt và điều bị giới hạn. Tiếp đến, ông đã đạt được «sự nhất quán» «sự trung thành với chính mình», qua đó ông có đủ nghị lực để đối mặt với những hoàn cảnh đột xuất của định mệnh hay những đam mê và cảm xúc cuồng loạn, bất khả kiểm soát («apathia»).

Sự tự hoàn thiện chính mình của con người được biểu lộ qua một «tình trạng tâm hồn trong sáng, thanh thản và tin tưởng» (Forschner). Tiêu chuẩn quyết định không nằm ở trong nhật kỳ bên ngoài, nhưng ở trong sự đánh giá nội tại đúng đắn của lý trí: «Con số các năm tháng cuộc đời thuộc về những điều bên ngoài. Còn việc tôi sống lâu như thế nào lại tùy thuộc vào chính tôi. Nhưng bao lâu tôi sống, thì bổn phận của tôi là phải sống một cách xứng đáng».

Như vậy, cuộc sống không bị điều khiển bởi hiệu quả của một sự hiểu biết trung lập, nhưng «sống có nghĩa là tranh đấu», nghĩa là một sự trau dồi liên tục các tư cách và thái độ của mình. Dĩ nhiên, trên con đường đó, con người không hề là một chiến sĩ lẻ loi đơn độc, nhưng tiến trình sự hoàn thiện trong suốt cả cuộc sống được thành hình có tính cách liên đới bằng đối thoại: Tương quan của Seneca với bạn ông là Lucilius không phải là tương quan của một vị thầy giáo chủ động với người học trò thụ động, nhưng là sự tương quan đem lại lợi ích và thích thú cho cả hai bên: Một bên là nhà triết học và là vị thầy của sự minh triết, còn một bên khác là người học giả và là vị thủ hiến đầy năng động của miền Sizilien, thuộc Nam Ý.

Qua đó, con đường tiến tới đức hạnh là một con đường liên đới giữa con người với con người và không được hoàn tất trong một sự «tự luyện» lẻ loi. Theo Seneca, nhờ những cuộc gặp gỡ với những người đạo hạnh khác, con đường nhân đức càng được động viên một cách đặc biệt. Như vậy, trong sự tìm đạt hạnh phúc của con người, lý tưởng hoàn thiện được kiện toàn nhờ vào khuynh hướng tự nhiên của con người hướng chiều về sự thân hữu với người khác. Trong đó không một yếu tố nào trong hai yếu tố đó bị sao nhãng bỏ quên, hầu để theo đuổi yếu tố còn lại một cách đam mê.

Trước nội dung của ý nghĩa cấu thành tình bạn hữu và tâm giao cá nhân, Seneca lấy làm tiếc cho sự xa cách về không gian cũng như thời gian giữa ông và bạn ông là Lucilius. Để có thể cân bằng được phần nào sự thiếu hụt đi «lời nói sống động»«sự sống chung», Seneca đã nẩy sinh ra những ý kiến về sự việc nối lại sự giao tiếp giữa ông và Lucilius, và không phải qua một văn tự nặc danh, nhưng dưới hình thức những lá thư đầy tính cách cá nhân. Ngoài ra, còn là một sự thực hành sự kiên trì bền chí qua một cách thức sống đầy khôn ngoan trí thức, đó hằng ngày đọc đều đặn một lá thư.

Qua phương cách này, Seneca đã không chỉ hành động như thế với Lucilius người bạn đầy bận rộn xưa kia của ông, nhưng cả đối với các độc giả ngày nay nữa. Thật vậy, khi phân tích một thời đại đầy rộn ràng hiếu động và hời hợt nông cạn như thời đại chúng ta hôm nay, chúng ta nhận thấy điều đó trực tiếp cho thấy rằng có liên hệ với hoàn cảnh chúng ta. Tiếp đến, chúng ta tìm gặp trong «Epistulae morales ad Lucilium» một bản phác họa về sự khó khăn cụ thể, một bản sắc cá nhân, cần phải được chấp nhận, và như thế gây nên một cảm giác là mình hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự khắc nghiệt của thời gian. Ngày nay, ai lại không cảm nhận được rằng ngày giờ đã trôi qua trong sự hấp tấp hối hả của các biến cố dồn dập của cuộc sống? Đồng thời chúng ta lại cảm thấy thiếu chắc chắn trong tư duy, khi tự hỏi hạnh phúc là gì và những gì có liên quan đến sự may mắn trong việc tổ chức một cuộc sống thành đạt.

Qua đó, chúng ta nhận thấy được rằng, Seneca cũng đã nói cho cả thời đại chúng ta hôm nay nữa. Đối mặt với tất cả những khuynh hướng tìm cách tổ chức và đánh giá hạnh phúc con người qua thương mại và tuyên truyền, Seneca đã nhắc nhủ con người ngày nay: «Anh hãy tập biết sống vui vẻ». Thật vậy, việc muốn sống vui vẻ, người ta cần phải tập luyện. Dĩ nhiên, khi nói thế, Seneca không muốn đưa ra một «giáo trình», một «khoa học», nhưng ông chỉ muốn nhấn mạnh đến sự coi trọng nỗi khao khát tìm kiếm hạnh phúc của con người. Chính điều đó đã khiến ông bị chỉ trích phê bình, là đã sử dụng một thứ ngôn ngữ La-tinh bình dân thô thiển (Quintilian) hay chỉ là một nhà tư tưởng thiếu hệ thống (Hegel). Tuy nhiên, ông cũng gặt hái được sự đồng tình nơi các học giả Kitô giáo, như: Hieronymus, Augustinus, Erasmus Von Rotterdam hay Ignatius Von Loyola.

_________________

Sách tham khảo:

Lucius Annaeus Seneca: «Dialoge. Briefe an Lucilius», übers. und hg. Otto Apelt, 2 Bände (= Lucius Annaeus Seneca. Philosophisches Schriffen, Bände 3-4), Felix Meiner Verlag, Hamburg 1993. (Teil I: Briefe 1-81; Teil II: Briefe 82-124).