VỤ ĐẤT TÁNH LINH GIẢI QUYẾT RA SAO?

BÌNH THUẬN -- Còn nhớ sau giải phóng, ở Tánh Linh vẫn ngút ngàn rừng. Có thể nói rừng ở đây không thua kém rừng Tây Nguyên hay Việt Bắc. Không ai có thể ngờ đến bây giờ hàng vạn ha rừng đã bị triệt hạ hết. Mà công đầu trong việt phá rừng, để mất rừng là chính quyền địa phương các cấp và các Lâm trường, các ban quản lý rừng thể hiện qua loạt bài về đất rừng Tánh Linh trong VNT gần đây.

Ví dụ trong bút ký “ngày xưa rừng Bình Thuận” (VNT ngày 9/9/2007) tác giả Trần Mỹ cho biết một sự kiện hết sức quan trọng đó là quyết định số 09 ngày 5/2/2001 của UBND tình Bình Thuận đã đưa gần 65 ha rừng vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch ba loại rừng ra khỏi rừng của Tỉnh, góp phần xoá sổ hàng chục vạn ha rừng trong cả Tỉnh, riêng Lâm trường Tánh Linh và rừng Biển Lạc bị mất gần ba vạn ha từng trong khoảng thời gian không dài. Nhưng điều đáng nói là các cơ quan có thẩm quyền và những cá nhân có trách nhiệm vẫn… bình an vô sự. Khi hàng vạn ha rừng chỉ còn là đất trống đồi trọc, người dân ở mọi miền đất nước di cư về đây khai hoang và sử dụng ổn định, bỗng nhiên từ năm 2005 Lâm trường Tánh Linh giở giấy được giao đất do UBND tỉnh cấp năm 2002 ra đòi đất.

Báo, đài địa phương và dư luận trong tỉnh cho rằng người dân lấn chiếm đất nên phải thu hồi lại… Nói qua thì thấy đơn giản, tưởng hợp lý nhưng ngẫm lại, thấy có cái gì đó không ổn, rất ngang trái.

Khi người dân đến lấn chiếm không ai bị ngăn cấm, không một tổ chức nào đứng ra nhận là đất của mình để cấm họ lấn chiếm? Những người lấn chiếm không một ai bị nhắc nhở, xử phạt hành chính hay khởi tố gì cả, đợi đến khi “gạo đã thành cơm rồi” mới giằng miếng ăn của họ. Mà cho dù là họ có lỗi đi nữa thì chính quyền cũng phải xử sự cho có văn hoá, có nhân đạo chứ? Chẳng lẽ không có giải pháp gì hay hơn là ủi phá, cưa, chặt hết cây trồng của họ để lấy đất? Trong bài “nước mắt người mở đất” tác giả viết: “nông dân thì không riêng quốc gia nào, hễ thấy đất vô chủ mà có khả năng canh tác thì họ khai khẩn. Có lẽ đó cũng là một thứ bản năng sinh tồn… Lịch sử mọi cánh đồng, mọi vùng quê đều hình thành như thế”.

Đúng như vậy. Nếu Lâm Trường Tánh Linh là chủ đất thì tại sao cứ để mọi người tự do lấn chiếm mà không có phản ứng gì?

Tác giả cho rằng: “việc giải quyết tranh chấp đất nên dựa trên thực tế, ai có nhu cầu và có công khai phá, thì công nhận quyền sử dụng đất cho người đó mới đúng. Phải thấy việc cấp giấy CNQSDĐ cho Lâm trường Tánh Linh là không phù hợp, cần điều chỉnh lại. Người được giao đất nhưng không sử dụng đất thì nên thu hồi (theo điểm a khoảng 6 điều 38 luật đất đai năm 2003) để giao cho người có nhu cầu sử dụng. Nếu chính quyền công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân có đất “lấn chiếm” thì vừa đúng đạo lý, vừa hợp quy luật tự nhiên mà lại đúng với quy định của pháp luật.

Thú thật là tôi thử tìm một lập luận để bác bỏ lập luận trên của tác giả “nước mắt người mở đất” nhưng… đành chịu. Viết như vậy là… quá đúng, không thể bắt bẻ được. Tôi cũng đọc thật kỹ “thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh” của tác giả Nguyễn Phan Kôn. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của hai tác giả nói trên.

Bài trả lời của UBND huyện Tánh Linh do Chủ tịch Phạm Ngọc Ký cho thấy chính quyển địa phương có hai sự ngộ nhận. Đó là khi cho rằng: “nếu giao đất cho chính những người lấn chiếm thì không thể được”. Ý địa phương nghĩ như vậy là nhà nước bị thiệt? Phải thấy rằng Nhà nước chỉ quản lý đất đai chứ không trực tiếp sử dụng đất đai nên không sợ bị thiệt. Nếu vì lý do nào đó mà Nhà nước thu hồi đất của ai đó thì cũng để giao cho tổ chức cá nhân khác sử dụng mà thôi.

Tuy nhiên lý do để thu hồi là phải căn cứ quy định tại điều 38 Luật đất đai năm 2003. Trường họp ở Tánh Linh, cứ tạm coi người có đất là vi phạm, đất do lấn chiếm mà có nhưng họ đang trồng cao su lại thu hồi giao cho người khác, tổ chức khác cũng để trồng cao su là không hợp lý.

Theo phân tích của tác giả Trần Mỹ trong bài “trao đổi với UBND huyện Tánh Linh” đăng trên VNT số 46 và tác giả Nguyễn Phan Kôn trong “thư ngỏ gửi ông Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh” thì nếu giao đất cho chính những người bị coi là lấn chiếm mới là có lợi nhất. Nhà nước vừa thu được tiền sử dụng đất vừa thu được nhiều loại thuế khác liên quan. Mà như vậy thì không bị khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp…

Hai là chính quyền ngộ nhận tưởng những người không có đất là… chấp hành tốt. Không phải thế ! Trong khi hàng ngàn người cùng “lấn chiếm”, hàng vạn ha đất trống đồi trọc không còn một tất đất bỏ hoang vậy thì việc ai đó chấp hành tốt không lấn chiếm liệu có ý nghĩa gì? Nhưng hoàn toàn không có chuyện chấp hành tốt. Bà con ở đây cho biết những người không có đất, đúng là họ không lấn chiếm cho họ nhưng lại đi làm thuê lấn chiếm cho nhiều người. Như vậy, những người không có đất không phải là do… chấp hành tốt mà chính là do họ không có nhu cầu sử dụng đất.

Tôi tán thành ý kiến của hai tác giả Trần Mỹ và Nguyễn Phan Kôn là ai lấn chiếm và đang trực tiếp sử dụng bao nhiêu thì để yên cho họ bấy nhiêu. Nếu giao quyền sử dụng đất hợp pháp cho họ thì Nhà nước thu được tiền sử sụng đất thậm chí còn “phạt” thêm tiền “lấn chiếm”. Nếu gọi là giao khoán hoặc cho thuê lâu dài thì nhà nước lại phải bồi thường tiền công khai khá. (nhưng không phải chỉ có 500.000 đ như chính quyền hỗ trợ vừa qua mà ít ra cũng phải… gấp 10 lần như thế).

Quả thật không còn cách giải quyết nào đúng hơn, nhân bản và nhân đạo hơn thế nữa. Ngược lại không ai nỡ thu hồi đất của người có nhu cầu sử dụng đất và sử dụng đất có hiệu quả cao để giao cho người có ít nhu cầu, sử dụng đất kém hiệu quả. Không ai tán thành quan điểm thu hồi đất theo kiểu tước đoạt thành quả lao động của ngưởi siêng năng cần cù để giao cho người ngồi mát hưởng. Không ai tha thứ cho hành động chặt phá dùng máy ủi huỷ hoại hàng trăm ha cây cao su để lấy đất cho người khác.

Theo tác giả Nguyễn Phan Kôn trong thư ngỏ nói trên thì nghị định 135 hướng dẫn giao khoán đất cho hộ nghèo để góp phần xoá đói giảm nghèo nhưng Chính quyền và Lâm trường dùng đất này giao cho người thân của mình. Việc này bị báo chí phát hiện, lãnh đạo Chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật biết nhưng không ai bị thu hồi, không ai bị khởi tố. Theo báo cáo ngáy 19/8/2006 của UBND xã Gia Huynh thì có 35 cán bộ và UBND chiếm trên 965 ha đất, (bình quân mỗi người sử sụng 27,5 ha) thì không ai bị khởi tố tội tham nhũng. UBND tỉnh có văn bản số 741/UBND ngày 27/3/2002 chỉ đạo hai huyện Tánh Linh và Đức Linh dùng 12.000 ha đất lâm nghiệp ở khu vực Biển Lạc được Chính phủ cho chuyển sang đất nông nghiệp để giao cho nông dân nhưng chính quyền của hai huyện đã đồng tình… giao cho các doanh nghiệp và thân nhân của mình để hưởng lợi.

Báo Bình Thuận, Đài Truyền hình Bình Thuận đã từng lên tiếng vụ này nhưng… kết quả bị chìm xuống không một quan chức nào bị… nhắc nhở phê bình về tội trục lợi. Trong khi 6 hộ nông dân ở Gia Huynh thật sự cần đất và sử dụng bình quân 8,5 ha / hộ thì bị khởi tố bắt giam, theo điều 137 Bộ luật Hình sự tội vi phạm các quy định về sử sụng đất. Tại sao luật pháp lại dễ dãi với người này mà khe khắt với người kia?

Trong bài “trao đổi với UBND huyện Tánh Linh”, tác giả Trần Mỹ đặt câu hỏi “thời hiệu để khởi tố từ lâu liệu bắt giam như vậy có trái luật? Mà hàng ngàn người vi phạm chứ đâu phải chỉ có 6 người này?” Đúng là như thế thật. Hàng ngàn người cả cán bộ, chính quyến, công an, kiểm lâm sở Nông Nghiệp & PTNT, cả UBND tỉnh và nông dân cùng sử dụng đất ở đây thì tại sao chỉ có 6 nông dân là bị khởi tố bắt giam? Nhưng tội “vi phạm các quy định về quyền sử dụng đất” là thuộc tội ít nghiêm trọng, theo quy định tại điều 23 Bộ Luật Hình Sự, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong phạm vi 5 năm là hết thời hiệu. Trong khi ông Nguyễn Trọng Hân đất đã sử dụng 14 năm (1993) ông Trần Anh Lợi, ông Trần Văn Thế, bà Phan Thị Liên, bà Nguyễn Thị Nhung và ông Huỳnh Đức Hùng đất đều sử dụng trước năm 2000 (8 năm), hết thời hiệu từ 3 năm đến 9 năm rồi mà họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị bắt giam như vậy rõ ràng là không bình thường.

Tôi cho rằng vấn đất đai ở Tánh Linh không có gì phức tạp nhưng quá trình qiải quyết cho thấy đã vượt tầm nhận thức của lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Thuận. Tôi đề nghị Báo VNT nên trình vấn đề này lên Quốc hội vì liên quan đến đời sống của hàng ngàn hộ dân, liên quan đến chính sách đất đai của Đảng và đặc biệt là một kho tài nguyên hàng vạn ha đất nếu được đấu giá quyền sử dụng đất thì sẽ thu về cho ngân sách một khoản không nhỏ nhưng chính quyền lại giao cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân gây thất thu lớn cho ngân sách.

Nếu không thì chính quyền địa phương cùng với Báo VNT tổ chức một cuộc toạ đàm (cần mời Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện một số Uỷ ban của Quốc hội, một số nhà khoa học, nhà văn hoá, luật gia, luật sư có uy tín…) để đóng góp trí tuệ, tìm ra cách tốt nhất cho vấn đề xử lý đất đai ở Tánh Linh (Bình Thuận).