TRAO ĐỔI VỚI UBND HUYỆN TÁNH LINH, TỈNH BÌNH THUẬN

CHÚNG TÔI… THẤT VỌNG!

Sau loạt bài về đất rừng Tánh Linh – Bình Thuận, chúng tôi chờ đợi sự phản hồi nhưng mãi 15 tuần sau bài thứ nhất “Nước mắt người mở đất”, mới có trả lời của UBND huyện Tánh Linh đăng trên Văn nghệ trẻ, số 44 ra ngày 04 /11/2007. Trái với sự nhận định ban đầu của chúng tôi là sự kiện này sẽ nổ ra một cuộc tranh luận, thu hút sự tham gia của nhiều tri thức, học giả lớn, những nhà văn hoá, nhà sử học và các nhà làm luật… Về việc đúng sai của địa phương trong việc dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, đã sử dụng ổn định, bị chính quyền lấy để giao cho người khác. Thế nhưng địa phương… không muốn, đã chấm dứt bằng một sự trả lời “dĩ hoà vi quý”. Như vậy bất lợi cho xã hội và người dân.

PHÉP VUA THUA LỆ LÀNG

Nhiều lần nghĩ lại bài viết của mình đăng trên VNT về sự kiện mất rừng ở Tánh Linh, Bình Thuận, thú thật tôi cứ mong tin của mình là… sai sự thật. Vì sao vậy? Vì sự thật quá khủng khiếp, quá tàn nhẫn. Tôi mong một sự thật tốt đẹp hơn, trái với những điều tôi viết. Tôi mong không có chuyện cán bộ lâm trường Tánh Linh đang tâm huỷ hoại vô số cây trồng của dân. Tôi mong chuyện cán bộ trong chính quyền huyện đang sở hữu hàng cục ha cao su nhưng lại chỉ huy cưỡng chế phá nhà dân để lấy đất theo lệnh của UBND huyện… chỉ là điều bịa đặt. Lạy trời! Thà tôi viết sai sự thật, bị pháp luật trừng trị còn hơn có một sự thật đau lòng là hàng vạn ha rừng đại ngàn bị biến mất trong một thời gian ngắn. Thà tôi bị “tai nạn nghề nghiệp” nghiêm trọng… phải ngồi tù còn hơn là có một sự thật nghiệt ngã hàng trăm ha cây trồng của dân bị chính quyền huyện và lâm trường Tánh Linh tàn phá để lấy đất. Thà là…

Nhưng thông tin của thôi trên văn nghệ trẻ lại rất chính xác, thậm chí tôi chỉ mới viết một phần rất nhỏ của sự thật. Có hai tình tiết nhỏ được “trao đổi lại” (từ dùng trong bài trả lời của UBND huyện Tánh Linh). Một là trường hợp 25 ha đất của ba hộ trong gia đình ông Đào Lập Công. UBND huyện Tánh Linh phải dùng đến 665 từ để “trao đổi lại” nhưng cuối cùng vẫn thừa nhận đất ông Công “lấn chiếm” trước 1990 đến năm 2005 đơn vị chủ rừng mới phát hiện lập biên bản…

Như vậy là chủ rừng… ngủ quên. Năm 2005 thức dậy mới biết ông Công đã “lấn chiếm” 25 ha đất lâm nghiệp từ 16 năm trước. Nhưng đất đã sử dụng qua hai mùa rẩy thì không thể gọi là “lấn chiếm” nữa huống hồ là 16 năm? Lẽ ra chủ rừng phải phát hiện ngay khi mới bị lấn chiếm. Ít nhất là sau một hai tháng, khi mới bị lấn chiếm năm bảy trăm m2 2 là phải phát hiện, và khởi tố. Nhưng… diện tích lấn chiếm đến 25 ha và 16 năm sau mới phát hiện thì không nên gọi là lấn chiếm nữa mà đó là sự công khai minh bạch và ổn định rồi.

Theo quy định về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại điều 50 luật đất đai năm 2003 (có thu tiền sử dụng đất) là.. đất sử dụng ổn định khôg tranh chấp từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày luật này có hiệu lực (01/17/2004) phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… Lẽ nào đất ông Công sử sụng ổn định trước 15 năm khi luật đất đai có hiệu lực, không trái với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương lại bị thi hồi?

Hai là tình tiết 204 ha đất của quan chức nào đó trong UBND tỉnh và UBND xã Gia Huynh đã… tế nhị không tên người sử dụng nay UBND huyện Tánh Linh giải thích rằng :“Trong danh sách có ghi UBND tỉnh nhưng thực tế là cán bộ sở NN và PTNT bảy người và một người là cán bộ dân tộc miền Núi tỉnh : 8 người/ 204,6 ha”. Giải thích như vậy thật khó thuyết phục. Trên VNT số 31 ra ngày 05/08/2007 ghi cụ thể:

1. UBND tỉnh có 204 ha nhưng… không có tên người sử dụng đất. 2. 6 cán bô Chi cục Lâm nghiệp và một cán bộ sở Nông nghiệp và PTNT được giao 199,96 ha gồm … mỗi người có 24,28 ha riêng ông Đinh Văn Tài có 54,28 ha. Như vậy làm sao mà lẫn lộn quan chức trong UBND tỉnh với sở NN và PTNT được?

Những vấn đề khác mà VNT đề cập trong 5 số báo như việc hàng trăm ha cây trồng của dân hai huyện Tánh Linh và Đức Linh, bị chính quyền huyện và Lâm trường Tánh Linh huỷ hoại; hàng trăm ha đất được người có chức quyền giao cho doanh nghiệp gây thất thu lớn cho ngân sách; hàng vạn ha rừng bị mất trong thời gian ngắn; việc Lâm trường Tánh Linh giao cho Chủ tịch xã Gia Huynh (cũ) 300 ha rừng giàu để làm dự án 327; rồi ngày 02/04/2004 UBND tỉnh có công văn 1111/UBND-NL giao 1.135 ha rừng IIA, IIB, IIIA1… cho Lâm trường Tánh Linh “phải giữ bằng được” nhưng… chưa đầy một năm sau đã cơ bản… hết rừng… đã không được nhắc đến trong bài trả lời nói trên. Trả lời của UBND huyện Tánh Linh còn nói rằng “việc xử lý đất lấn chiếm trái phép, dựng chòi trái phép là… thực thi pháp luật. Chủ trương của huyện là kiên quyết thu hồi đất lấn chiếm …”. Chúng tôi cho rằng luật pháp quốc gia nào, chế độ nào cũng bao hàm sự nhân đạo. Luật pháp của ta cũng vậy, thể hiện ở điều luật trích dẫn trên. Thế mà đất sử dụng ổn định được luật pháp thừa nhận thì huyện lai… kiên quyết thu hồi, kiên quyết phá bỏ. Như vậy, là “phép vua thua lệ làng” chăng?

ĐIỀN THỔ VẤN CỔ NHÂN

Gia Huynh là vùng đất giàu tiềm năng, người từ nhiều tỉnh thành về đây đều mang tư tưởng đi khai phá miền đất mới. Họ thực sự cần đất nên tự khai phá hoặc sang nhượng đất để làm ăn mong đổi đời. Không ai bỏ xứ đến đây chỉ mong chính quyền cấp đất theo kiểu “há miệng chờ sung”. Người đến đây mà không có đất là rất hiếm, đó là những người làm biếng hoặc không có khả năng làm chủ mà chỉ muốn làm mướn, khi cần thì “nhổ neo”.

Ngày 18 và 19/06/2007 trong cuộc đối thoại tại xã Gia Huynh các hộ Đào lập Công, Phan Thị Liên, Trần thị Nhung… đã cho Chủ tịch tỉnh biết đất của họ bị lấy đi cho người khác đã bị bán hết rồi. Mà không thể có nhiều người không có đất như thế. Xã Gia Huynh xấp xỉ 1.000 hộ dân, mấy năm qua đã có hàng trăm hộ được cấp đất, nay lại dựng lên danh sách 265 hộ không có đất nữa. Chẳng lẽ tỷ lệ người không có đất lại cao đến thế, từ 40% trở lên.

Trong bài trả lời VNT Chủ tịch huyên cho biết để có được danh sách 265 người không có đất này địa phương đã rất… công phu “thực hiện một quy trình khép kín từ thôn xóm lên”. Nhưng… dù sao thì trên 40% dân Gia Huynh không có đất là điều không thể tin. Ngay cả tỷ lệ ấy là 10% cũng không ai tin. Nhưng chính quyền muốn cấp đất cho họ thì sử dụng quỹ đất chưa sử dụng mà cấp. Ơ đây quỹ đất chưa sử dụng là rất lớn lại để dành cho nhà giàu (doanh nghiệp), rồi lấy đất của người “cận” nghèo cấp cho người nghèo, lấy của người siêng năng, cần mẫn cho người lười biếng để họ bán lấy tiền bài bạc, nhậu nhẹt, sắm xe… Vậy mà huyện và tỉnh nghe theo? Cũng trong cuộc đối thoại, cô Nguyễn Thị Hậu đã làm cho mọi người xúc động rằng ”Tôi, con chưa đầy tuổi đã ẵm đứa nhỏ, dắt đứa lớn theo đi khai hoang. Lam lũ cực khổ nhiều năm mới tạo được 3,7 ha đất. Khi cây đã bén, no ấm đến gần thi chính quyền lấy mất để giao cho người lười lao động nhưng giỏi bài bạc bói toán…”. Không phải chỉ vợ chồng cô Hậu mà những ai có đất cũng đều cực nhọc như vậy cả nhưng chính quyền lấy đất người này giao cho người khác là gieo thù chuốc oán giữa họ. Người xưa nói “Hối hôn điền thổ vạn cổ chi thù” không phải là vô cớ.

Chúng tôi đưa chuyện đất đai ở Gia Huynh trao đổi với các cựu lãnh đạo tỉnh, được coi là cổ nhân, trưởng lão, các cụ đều nói giống nhau rằng việc để mất hàng vạn ha rừng trong một thời gian ngắn là chuyện “động trời” thì chính quyền làm thinh. Còn đất đai người dân sử dụng ổn định lại xới lên, làm ầm ĩ. Khi rừng mất, người dân đã đi tiên phong tạo nên hệ sinh thái mới có giá trị che phủ vừa đưa lại sản phẩm cho xã hội, hàng ngàn hộ dân không chỉ tự xoá đói mà còn hứa hẹn sẽ giàu lên nhanh, lẽ ra chính quuyền phải mừng cho dân, khuyến khích họ làm giàu nhanh hơn, ai sử dụng bao nhiêu đất thì công nhận cho họ bấy nhiêu, thà yêu cầu họ nộp tiền sử dụng đất thật cao, thậm chí… phải nộp phạt vì “tội” lấn chiếm đất Lâm nghiệp,chắc chắn họ vẫn chấp nhận. Một trưởng lão nói “nên hình dung chuyện đất đai ỏ Tánh Linh như chuyện cô gái con nhà giàu yêu một anh nông dân nhưng cha mẹ lại ép gả cho một anh con nhà giàu khác. Cô gái cùng người yêu đành phải bỏ trốn. Khi tìm được thì cô đã… có thai nhưng cha mẹ vẫn bắt phá thai để lấy anh con nhà giàu mà cô không yêu”.

HÌNH SỰ HÓA

Cứ cho là người dân có lỗi lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng chính quyền không để cho họ sử dụng mà lại giao cho doanh nghiệp hoặc cho người khác thì ích gì? Mà chắc chắn là doanh nghiệp hay những người lười biếng – tức người không có đất kia, sử dụng đất sẽ không hiệu quả bằng chính những người đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để tạo ra nó. Giao đất cho doanh nghiệp thu tiền không đáng kể trong khi người có đất bị thu hồi sẵn sàng nộp tiền cao theo yêu cầu của chính quyền để được sử dụng đất của họ.

Sau khi thanh tra chính phủ về làm việc từ 1 – 3/8/2007 đến nay đã có sáu người dân Gia Huynh bị bắt về tội “vi phạm về tội sử dụng đất theo điều 173 bộ luật hình sự”. Phải chăng đã có sự… hiểu nhầm? Điều luật nói trên là đối với trường hợp lợi dụng chức quyền để thu hồi đất, giao đất trái pháp luật. Còn người sử dụng đất nếu sai, cùng lắm là thu hồi không thể hình sự hoá. Trong số bị bắt giam có ông Trần Văn Thế là người đứng tên với ông Võ Trung trong các đơn tố cáo những người có thẩm quyền để mất rừng, huỷ hoại cây trồng thu hồi đất, giao đất sai… Người dân đặt câu hỏi phải chăng bắt ông Thế và một loạt người là nhằm “dìm” đấu tranh, tố cáo?

Đáng tiếc, Viện trưởng VKSND tỉnh không can thiệp lại trả lời thiếu thuyết phục rằng ông Thế đã lấn chiếm đất… từ tám năm trước, nhiều lần yêu cầu nhưng không trả.

Người dân không trả đất không có nghĩa là họ phạm tội. Nhưng đất “lấn chiếm” đã sử dụng tám năm rồi thì áp dụng điều luật nào để thu hồi? Còn thời hiệu để khởi tố … đã hết từ lâu, liệu bắt giam như vậy có trái luật? Mà hàng ngàn người “vi phạm” chứ đâu phải chỉ sáu người?

Ngày 15/03/2007 ông Võ Trung và ông Trần Văn Thế có đơn tố cáo việc Lâm trường Tánh Linh giao 300 ha rừng giàu cho cựu chủ tịch xã Gia Huynh là dự án 327, ông này đã chia đất cho các quan chức trong huyện, sau đó có người đã bán được 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra có 14,5 ha rừng IIB bị một số quan chức biến thành vườn của mình mà VNT đã từng đề cập. Qua xác minh, tố cáo của ông Trung và ông Thế là có căn cứ, ngày 16/10/2007 Chánh Thanh tra tỉnh đã có công văn chuyển cơ quan diều tra làm rõ. Ngày 26/10/2007Chủ tịch UBND tỉnh cũng có công văn gửi Công an tỉnh để điều tra rõ việc cố làm trái trong quá trình giao đất lâm nghiệp của Lâm trường Tánh Linh. Tuy thế dư luận lại lo ngại có thể mọi việc lại… chìm xuống bởi vì sai phạm không chỉ riêng Lâm trường Tánh Linh.