THƯ NGỎ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH UBND HUYỆN TÁNH LINH

Tôi ở cách huyện Tánh Linh khoảng một trăm cây số, không biết xã Gia Huynh ở chỗ nào, bao nhiêu hộ dân? Có vài ba lần tôi đến Tánh Linh nhưng cũng chỉ quẩn quanh thị trấn rồi về. Nhưng tôi là bạn đọc thường xuyên của báo Văn nghệ Trẻ, những bài viết xung quanh viêc thu hồi đất ở Tánh Linh tôi đọc không sót bài nào. Ngày 4- 11- 2007 báo Văn nghệ Trẻ số 44, có đăng bài: “nhân loạt bài về rừng Tánh Linh của tác giả Trần Mỹ: UBND huyện Tánh Linh trả lời”(dưới ghi: thay mặt UBND huyện Tánh Linh. Chủ tịch Phạm Ngọc Chính đã ký). Tôi xin hoan nghênh UBND huyện Tánh Linh, đã có bài hồi âm loạt bài đăng trên báo Văn nghệ Trẻ, để bạn đọc có thể hiểu thêm quan điểm của tỉnh của huyện hiểu rõ đúng sai từ hai phía. Thưa ông Chủ tịch! bài viết cuả ông trên Văn Nghệ Trẻ, có nhiều chỗ tôi thấy mù mờ quá. Ví dụ : Một – việc của ông Đào Lập Công, ông viết, “ông Công lấn chiếm thời điểm 1990...” vậy mà mãi đến “năm 2005 các cơ quan chức năng mới phát hiện và xác định được thì đương sự bỏ trốn không lập biên bản được!” lạ thật! Nhà ông Công ở Gia Huynh, vợ con ông ở Gia Huynh, vậy ông trốn đi ngả nào? “lấn chiếm” đất lấn chiếm đến 25 ha mà người ta không thấy ông trồng gì cả? Vô lý quá! Bỏ công sức lấn chiếm” ngần ấy đất để ngắm chơi chăng? Hay à ông đã trồng trỉa kín đất rồi, nhưng không muốn người ta sờ mó nên ông dùng phép “úm ba la” để thành đất trống??? Hai – từ các quan chức từ tỉnh đến huyện và các ngành “chiếm dụng đất”… Ở chỗ này, tôi căn cứ vào bản báo cáo của UBND xã Gia Huynh ngày 19-8-2006, đăng trên Văn nghệ Trẻ số 31 (558) ngày 5-8-2007 ghi rõ 4 đối tượng chiếm đất:

1-UBND tỉnh 204 ha, nhưng không có tên người sử dụng. 2-Cán bộ chi cục Lâm nghiệp và một cán bộ sở Nông Nghiệp & PTNT! 7 người (có họ, tên và diện tích cho mỗi người) cộng là 199,96 ha. 3-UBND huyện, Hạt kiểm lâm và các cơ quan, ngành của huyện: 361 ha (gồm 10 vị có danh sách tên họ từng người và diện tích cho mỗi người) 4-Lâm trường Tánh Linh: có 10 người nhận 230 ha. Tôi rất lấy làm lạ là ông nói nghe không lọt lổ tai. Không biết UBND xã Gia Huynh từ Thiên Đình xuống hay sao mà dám báo cáo là UBDN tỉnh chiếm 204 ha đất? Vậy mà không có búa rìu nào dơ lên (dù rất khẽ) với UBND xã? Thưa ông Chủ tịch, dù ông có ra sức phủ sạch cho đối tượng 1 (UBND tỉnh) thì cái mùi đất Tánh Linh vẫn bám riết lấy họ. Nhưng khi ra sức phủ sạch bụi cho UBND tỉnh thì ông lại hất bụi dơ ấy cho Sở Nông Nghiệp & PTNT. Ông quên rằng: chi cục Lâm nghiệp và Sở Nông Nghiệp & PTNT là hàng đối tượng thứ hai trong danh sách. Vậy lẽ gì ông đem đối tượng I dồn hết cho đối tượng II? Liệu họ có dám… liều mình…? Bởi vì 7 người của họ phải chịu 199 ha rồi, làm sao họ dám… Liều mình. Theo báo cáo của xã Gia Huynh thì: tổng số đất giao cho 35 người trong danh sách là: 965,46 ha. - Có 1 người: 68 ha - Có 1 người: 54 ha - Có 1 người: 52 ha - Có 6 người, mỗi người 30 ha - Có 2 người, mỗi người 27 ha - Có 1 người: 25 ha Có 6 người, mỗi người 24,28 ha. Vậy là có 18 người được giao đất từ 24,28 đến 68ha. Chứ không phải 16 người giao từ 22 đến 54 ha. Thưa ông Chủ tịch, ông cho rằng: “toàn bộ số cán bộ có nhận khoáng đất ớ Lâm trường Tánh Linh là trên 36 người sử dụng 618,8 ha”! Vậy, thì nói sao về bản báo cáo của xã Gia Huynh đã trình trước Tỉnh uỷ Bình Thuận là: “UBND tỉnh và 35 cán bộ đã chiếm tới 965,40 ha”. Ông bảo “số cán bộ nhận khoán…”. Tôi thì nói trắng ra là số cán bộ ấy và cả UBND tỉnh là “lấn chiếm đất” chứ không phải là nhận khoán. Tôi xin ngược lại thời gian một chút khi có chương trình 135 ra đời, là dùng một số diện tích đất Lâm nghiệp giao khoán cho người nghèo, hộ nghèo nhằm thực hiện chủ trương xoá đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước. Nhận được chủ trương này với số diện tích lớn, Lâm trường và huyện Tánh Linh không triển khai giao cho hộ nghèo, mà đem giao cho cán bộ công chức của lâm nghiệp và huyện, còn lại giao cho con em, họ hàng của cán bộ, công chức của hai cơ quan này. Khi báo chí phanh phui ra, tỉnh có chủ trương kiểm điểm và sửa sai nhưng làm qua loa không triệt để. Đến bây giờ ông Chủ tịch huyện đổ tội cho họ là “nhận khoán không đúng đối tượng”? vậy thì ai giao khoán cho họ? Chính những người giao khoán cho họ mới là thủ phạm chứ? Sao bây giờ chỉ đổ tội cho những người nhận khoán? Đúng là “miệng quan có gang, có thép” Tôi nghĩ rằng mọi vấn đề dù phức tạp đến đâu nếu ta nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật với dân thì việc gì giải quyết cũng “dễ ợt” còn chúng ta quanh co không dám nói thẳng nói thật thì việc dù nhỏ cũng thành phức tạp, rắc rối, khó gỡ. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu…”. Nhưng ở đây việc khó vạn lần lại bị dân phản đối? Tôi nghĩ thu hồi đất Lâm nghiệp bị lấn chiếm chỉ phù hợp khi nó mới xảy ra. Không chỉ thu hồi mà phải truy tố trước pháp luật để giáo dục, răn đe kẻ khác. Nhưng khi hàng vạn ha đất Lâm nghiệp đã biến thành vườn cây, thành đất canh tác của dân thì việc thu hồi là phải cân nhắc, bàn bạc ở một bình diện rộng. Chính quyền đã để mất gần hết rừng rồi, đừng gây mất lòng dân nữa. Phải cân nhắc thật kỹ. Nếu bây giờ mà thu hồi thì đúng hay không và áp dụng luật nào? Bởi vì đất lấn chiếm đã quá lâu, hàng vạn ha đất lấn chiếm đã được sử dụng ổn định. Nếu áp dụng luật đât đai năm 2003 là không được. Bây giờ sức người đã… biến sỏi đá thành cơm rồi, nếu thu hồi thì được gì, mất gì, lòng dân có yên không? Kinh nghiệm gần 60 năm theo đảng cho tôi thấy dân ta tốt lắm, kể cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong hoà bình xây dựng đất nước. Mỗi khi Đảng, Nhà Nước có chủ trương đúng sẽ đi vào lòng dân. Trẻ già trai gái đều làm theo chủ trương của Đảng. Tính mạng họ không tiếc thì ruộng vườn nhà cửa có sá gì? Việc thu hồi đất Lâm nghiệp bị lấn chiếm ở Tánh Linh nếu đó là chủ trương đúng của Đảng thì tôi dám chắc dân sẽ đồng tình. Thế nhưng nó chưa thuyết phục được tôi mà dân thì phản đối quyết liệt. Nếu thu hồi để phục hồi rừng thì không thể. Mà thu hồi để giao lại cho các doanh nghiệp tư nhân hoặc những người không có đất thì… có lẽ không nên. Sẽ lợi bất cập hại. Như tác giả bài trên Văn nghệ Trẻ phân tích tôi thấy có lý. Các doanh nghiệp tư nhân chẳng qua cũng là những thường dân nào đó, nhờ có người nâng đỡ lập doanh nghiệp rồi làm đơn xin nhận đất. Hàng trăm ha đất tập trung vào tay một người bình thường thì chắc chắn hiệu quả sử dụng đất sẽ kém hơn sự tồn tại vốn có của nó trong tay hàng chục người dân đã tạo ra nó. Nếu thu hồi để giao cho những người không có đất tức là những người không có nhu cầu (những người này… thích làm thuê hơn là làm chủ vì họ không có khả năng quản lý và không có vốn) thì sớm muộn họ cũng bán. Rồi vấn đề hỗ trợ công khai phá và cây trồng vật kiến trúc trên đất? Suy đi tính lại việc thu hồi đất của người bị coi là “lấn chiếm” để giao cho hai đối tượng kia không những phức tạp, tốn kém cho chính quyền các cấp mà thu tiền sử dụng đất của họ chắc chắn không đủ để hỗ trợ cho người bị thu hồi. Chính quyền muốn gọi là cho thuê, cho nhận khoáng hay giao đất có thu tiền sử dụng đất gì đó cũng được, vẫn tốt hơn vì không xáo trộn quyền sử dụng đất. Không tốn công tổn của không gây phức tạp cho chính quyền. Cây trồng của dân tiếp tục phát triển thuận lợi, không phải cưa chặt, ủi phá đi như thực tế đã diễn ra mà Nhà Nước lại thu được một khoảng ngân sách không nhỏ từ hàng ngàn hàng vạn ha đất ấy.

Tôi không biết ngày ra quân thu hồi đất ở Gia Huynh là ngày nào nhưng một đêm ngồi xem truyền hình, tôi thấy đài truyền hình Bình Thuận đưa lên màn hình những chiếc máy ủi như những khối sắt khổng lồ lầm lủi ủi phá những cây đào mang trái chín đỏ tươi, những cây cao su xanh mượt lần lượt ngã gục trước những lưỡi be hung ác của máy ủi. Lòng tôi thắt lại, nước mắt ứa ra. Tôi khóc! Tội cho bà con quá! Làm một vườn đào, một vườn cao su mất không ít tiền đâu? Vậy mà khi sắp được ăn thì mất sạch? Họ biết lấy gì mà trả nợ? Sao lại đẩy người dân đến bước đường cùng?

Thu hồi đất kiểu đó không phải làm cho dân trắng tay mà là chặt cả hai tay, hai chân của họ, thế mà ông Chủ tịch bảo là họ không trắng tay, vì thu hồi rồi khoán lại đất cho họ canh tác. Xin lỗi ông Chủ tịch! Chỉ có một chi tiết nhỏ mà ông Chủ tịch không dám nhìn thẳng, không dám nói thẳng thì thuyết phục được ai đây? Ông nghĩ lại xem những ngày các vị ủi phá vườn tược của dân, có ai nói rằng: “ủi phá để rồi khoán lại cho dân đâu?”. Mà sau này dân ùn ùn kéo trước cổng UBND tỉnh, một số kéo vào thành phố Hồ Chí Minh, số kéo ra Hà Nội kêu cứu. Thấy thế các vị mới cho dừng cuộc tàn phá đó. Tiếp đến là ông Chủ tịch tỉnh cũng phải ra đối thoại với dân. Rồi thanh tra Chính phủ vào, sau đó mới có cái chỉ thị 38 gượng gạo ra đời, mới nói đến chuyện khoán cho ngưòi bị thu hồi đất và người không có đất? Nếu ngay từ đầu đã có chủ trương giao khoán thì tại sao không để nguyên vườn cây mà lại ủi phá đi, còn đất trống mới giao khoán? Tại điểm 7 chỉ thị 38 của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận ghi rõ:UBND huyện Tánh Linh tiếp tục xử lý cán bộ Đảng viên công chức,viên chức vi phạm… làm đến đâu công khai đến đấy…? Xin hỏi ông Chủ tịch những quan chức ăn 300 ha đất trong dự án 327 và biến 14,5 ha rừng giàu thành rừng cây của mình như cựu Bí Thư huyện uỷ Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Trương Văn Trưởng, cựu Chủ tịch xã Phạm Thái Vinh… việc Giám đốc Lâm trường Bùi Văn Thu tự ý giao 170 ha đất cho doanh nghiệp Hữu Trí và để mất trên 1.135 ha rừng được UBND tỉnh giao tháng 4-2004… đã được xử lý đến đâu mà trong bài “trao đổi” trên báo Văn nghệ Trẻ không thấy ông đả động gì? Chuyện đất đai ở Gia Huynh – Tánh Linh, chắc còn dài còn phức tạp như chuyện “nhận khoán không đúng đối tượng” chưa làm tận gốc, còn tránh né… ông Chủ tịch cũng nói phớt qua, chưa thoả đáng. Nhưng tôi xin dừng tại đây, khi có dịp tôi sẽ viết tiếp. Điều cuối cùng tôi xin khẳng định lại rằng tôi hoàn toàn phản đối việc thu hồi đất một cách vừa thiếu khoa học, vừa chưa đúng lòng dân… của chính quyền.

Phan Thiết ngày 26 tháng 11 năm 2007