Ngày Lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả 24.6.2015, Đức Cha Giuse đến dâng thánh lễ tạ ơn mừng 50 năm thành lập giáo xứ Tánh Linh. Cùng đồng tế có 68 linh mục, đông đảo tu sĩ chủng sinh quý khách xa gần và bà con giáo dân Tánh Linh chung lời tạ ơn.

Hình ảnh

Mừng kim khánh thành lập, giáo xứ đã tổ chức Năm Thánh, mọi thành phần dân Chúa cùng sống tâm tình tạ ơn. Hạt giống Nước Trời được gieo xuống đất và lớn lên từng ngày. Hồng ân Thiên Chúa diệu vợi tuôn tràn để sức sống Nước Trời nở rộ trên miền đất mới màu mỡ suốt hành trình nửa thế kỷ. Giờ đây, Tánh Linh là một xứ đạo phát triển mọi mặt. Có thành quả hiện tại như những bó lúa nặng hạt, thế hệ sau ghi nhớ công ơn những thế hệ trước đã gieo trong vất vả và vun trồng trong nắng mưa và cũng đong đầy niềm vui hạnh phúc.

Khởi đầu thánh lễ, cha quản xứ FX Nguyễn Quang Minh dâng lời chào mừng và cám ơn. Tiếp theo ông chủ tịch HĐGX đọc lược sử giáo xứ, bó hoa tươi thắm dâng kính Đức Cha bày tỏ lòng biết ơn chân thành.

Đức Cha Giuse khởi đầu thánh lễ với chào chúc bình an của Chúa Kitô. Ngài ngỏ lời với cộng đoàn: giáo xứ Tánh Linh hôm nay chính thức tròn 50 tuổi. 50 tuổi so với các giáo xứ kỳ cựu thì chưa thấm vào đâu nhưng ít ra so với giáo xứ lân cận trên trục lộ gần đây như là Đồng Kho, như là Gia Huynh thì con số 50 quả là con số đáng trân trọng, con số khai mở một mùa xuân mới. Nếu như trong đời người “tam thập nhi lập”, 30 tuổi là có thể tiến lên dựng lập một gia đình mới. Thì ở đây, 50 tuổi của một giáo xứ đã là một thời kỳ có thể nhìn giáo xứ như là vươn vai trưởng thành sánh vai cùng với các giáo xứ lớn trong giáo phận. Chính giáo xứ Tánh Linh trong thời gian vừa qua cũng đã khai sinh ra giáo xứ Gia Huynh. Có được một người con trưởng thành như thế, đó là niềm vui của giáo xứ Tánh Linh chúng ta. Tạ ơn Chúa đã luôn luôn tháp tùng vào ơn thánh của Ngài trong hành trình của giáo xứ 50 năm qua kể từ lúc thành lập và còn xa hơn nữa trên một thế kỷ từ khi hạt giống đức tin được gieo mầm tại nơi Tánh Linh đây rồi đồng thời cũng dâng lời cầu nguyện cho tương lai của giáo xứ luôn luôn được phát triển trong tinh thần là những chứng nhân của Đức Kitô theo gương của thánh Gioan Baotixita bổn mạng giáo xứ và nhất là trong tinh thần năm nay, năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha khởi đi từ lời nguyện nhập lễ hôm nay, Thánh Gioan “chuẩn bị dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô” và gợi lên 3 ý tưởng: Thánh Gioan chuẩn bị bằng lời, bằng cái chết và đi đến cùng sứ mạng cao cả.

Trong phụng vụ hiện hành có ba lễ sinh nhật. Một là sinh nhật của Đấng Cứu Thế, hai là lễ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria và ba chính là lễ sinh nhật của Thánh Gioan Baotixita. Cả ba lễ đều liên quan đến ơn cứu độ. Thánh Gioan Baotixita có lễ sinh nhật là bởi vì Ngài được thanh tẩy khỏi tội tổ tông truyền ngay từ trong lòng mẹ. Vì vậy, đây là một lễ đặc biệt. Đặc biệt như trang Tin Mừng kể, ngày Ngài sinh ra đã làm cho họ hàng chan chứa niềm vui và chuyện kể lan truyền trên khắp vùng đồi núi Giuđêa. Phúc âm ghi lại như thế, nhưng đây là một lễ đặc biệt, không hẳn chỉ dừng lại ở niềm vui như vậy, mà như lời nguyện của chính thánh lễ hôm nay, niềm vui được xưng tụng Ngài là Đấng đến để chuẩn bị dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Thiết nghỉ đó chính là một nhiệm vụ, một sứ vụ rất đặc biệt, nhưng Thánh Gioan Baotixita đã chuẩn bị như thế nào?

Thánh Gioan Baotixita đã chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Thế trước hết bằng chính lời rao giảng chân lý của Ngài.

Bài giảng đầu tiên, Thánh Gioan Baotixita khi xuất hiện trước dân chúng, Ngài đã lớn tiếng kêu gọi hãy sám hối, hãy sám hối. Đây chính là sứ điệp đầu tiên Thánh Gioan để lại cho dân chúng ở đó và cũng là chính lời chân lý lời quan trọng nhất ở trong sứ điệp của Ngài khi thi hành sứ vụ. Hãy sám hối nhưng sám hối theo quan điểm của Thánh Gioan ở đây là một lòng sám hối sẵn sàng mở ra, xin thanh tẩy tất cả những lỗi điệu, xin tẩy cho sạch tất cả những tội lụy và sẵn sàng mở ra. Cùng với lời kêu gọi sám hối Ngài đã đưa ra những hình ảnh cụ thể: quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho bằng, hố sâu lấp cho đầy, núi cao phải bạt xuống. Rõ ràng đây là những hình ảnh cụ thể gắn liền với kinh nghiệm của dân Chúa một thời. Ở đó, một tấm lòng trong trắng được gợi mở qua những hình ảnh mà ta cũng có thể nắm bắt được để rồi họ sẵn sàng đón nhận lấy sứ điệp. Sứ điệp mà Thánh Gioan đã tâm huyết bởi vì đã gắn liền với sứ mạng của Ngài. Ngài không chỉ nói bằng lời suông mà còn bằng chính đời sống, một đời sống khổ hạnh trong sa mạc, nào là mặc áo bằng lông lạc đà, nào là thức ăn chỉ là cào cào, châu chấu, nào là thức uống cũng chỉ là sương sa với mật ong rừng… rõ ràng những thực phẩm tự nhiên ấy vốn dành cho những bậc tu hành trong sa mạc thuở nào đã trở thành thực phẩm của ăn thức uống cho Đấng đã nêu lên sứ điệp sám hối chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Đây, người ta gặp thấy cả một kết quả, rất nhiều người tìm đến với thánh Gioan. Dân chúng, biệt phái, lính tráng cũng tìm đến để thỉnh vấn Ngài, xin Ngài cho biết việc Ngài làm như là một vị thầy thuốc kê toa cho tất cả mọi người. Thánh Gioan đã đem lại một kết quả ngoạn mục là giúp họ tiếp nhận sứ điệp sám hối và giúp họ hoán cải cuộc đời. Đây là hình ảnh của một vị rao giảng rất thức thời không phải chỉ là của thuở quá khứ nhưng còn đẹp cho đến hôm nay. Hội Thánh Công Giáo gọi Ngài là thánh Gioan Tiền Hô. Tiền Hô đi trước Đấng Cứu Thế hô vang trong sa mạc.

Thánh Gioan Baotixita đã chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Thế bằng chính cái chết của Ngài. Trong bài đọc thứ hai, chúng ta cũng gặp thấy kết quả phép rửa do Thánh Gioan thực hiện. Tất nhiên đây là phép rửa sám hối nhằm thanh tẩy và cũng với mục đích chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Cứu Thế. Nhưng, điều quan trọng là Thánh Gioan Tẩy Giả đã cử hành nghi thức và mời gọi: “tôi rửa anh em trong nước nhưng Đấng đến sau tôi sẽ cử hành phép rửa anh em trong Thánh Thần”. Sẽ có một Đấng đến sau tôi nhưng từng có trước tôi, thậm chí bản thân tôi không đáng xách dép cho Ngài. Thánh Gioan bằng tất cả trái tim khiêm tốn của mình đã đi xa hơn nữa để giới thiệu Đấng Cứu Thế cho tất cả những ai thành tâm thiện chí. Sứ điệp giới thiệu của Ngài là “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian”. Thánh Augustino đã nói: thánh Gioan Tiền Hô được ví như là “tiếng hô”. Tiếng âm thanh vang lên. Âm thanh mà không có nội dung thì chỉ là tiếng ồn, nhưng âm thanh có nội dung chính là Ngôi Lời là lời của Thiên Chúa hội nhập vào thì lúc bấy giờ âm thanh mới trở thành sứ điệp cho người ta. Thánh Gioan Tẩy Giả khiêm tốn cử hành và Ngài rút lui để cho Đấng Cứu Thế được đón nhận và lớn lên trong tâm hồn của mọi người: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại”.

Thánh Gioan Baotixita đã chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách đi đến cùng sứ mạng. Ngài chấp nhận dừng lại trong ranh giới của Cựu Ước để giới thiệu Đấng Cứu Thế, nhân vật chính của thời Tân Ước là Đấng khai mở thời Tân Ước. Ngài chấp nhận dừng lại ở trong nghi thức thanh tẩy mang sắc màu Do Thái để rồi chiêm ngưỡng Đấng Cứu Thế đến cử hành Bí Tích Rửa Tội trong Thánh Thần. Và nhất là cuối đời, Ngài sẵn sàng bảo vệ lẽ phải, công bình và đón nhận vào mình cái chết để bảo vệ công lý.

Cuối thánh lễ, Đức Cha cùng quý cha chụp hình lưu niệm. Mọi người chia sẻ bữa tiệc trong niềm vui rộn rã.

Hai chữ Tánh Linh có nguồn gốc từ tiếng Chăm “Play T’nao Linh” nghĩa là bàu nước thiêng theo tâm linh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Gọi là bàu nước vì đây là một vùng trũng, một thung lũng hình lòng chảo xung quanh có núi bao bọc.

Xa xưa Tánh Linh là khu rừng rậm hoang vu, rất nhiều thú dữ, nằm trong phần đất huyện Tuy Định (năm 1854 đổi thành huyện Tuy Lý) thuộc phủ Hàm Thuận. Năm Thành Thái thứ 13 (1901), huyện Tánh Linh chính thức thành lập gồm 2 tổng: Cam Thắng, Ngân Chữ từ huyện Tuy Lý tách ra và thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng. Năm Thành Thái thứ 16 (1904), Tánh Linh được trích thêm tổng Nông Tang của huyện Tuy Lý, lãnh coi 3 tổng, 17 thôn sách và chuyển về phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận thống hạt. Thời ấy huyện Tánh Linh khá rộng, bao gồm cả vùng Đờ-răng, B’lao,Di Linh. Đến năm Khải Định thứ 5 (1920), người Pháp mới tách vùng cao nguyên này khỏi huyện Tánh Linh và tỉnh Bình Thuận để tái lập tỉnh Đồng Nai Thượng.

Cơ cấu dân cư Tánh Linh mang nét đặc thù của một vùng đang trên con đường khai phá, xây dựng. Dân bản địa xa xưa ở Tánh Linh là các dân tộc Rai, Cơ Ho, Châu Ro, Mạ, Chăm. Một bộ phận người Chăm lập làng định cư ở đây khá sớm. Còn người Kinh tới Tánh Linh lẻ tẻ từ thời vua Gia Long và thời Nguyễn Thông đưa dân Nam bộ ra Bình Thuận tị địa, sau đó là những người đi phu, làm gỗ thời Pháp thuộc. Đầu thập niên 30, thế kỉ 20 họ quy tụ thành ấp Lạc Hóa gồm 16 gia đình bên cạnh ấp người Chăm. Một số khác sống ở Sông Phan, Sông Dinh, Suối Kiết, Bà Tá, Gia Huynh, mỗi nơi vài gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Trước và sau năm 1945, dân số Tánh Linh mức độ 1.000 hộ với khoảng 4.000 khẩu.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, dân số Tánh Linh đông dần lên. Những năm 1958-1959, khoảng trên 20.000 dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên... được chính quyền Cụ Ngô Đình Diệm đưa vào Tánh Linh lập ra các khu dinh điền Bắc Núi, Tề Lễ, Đa Prim, Mê Pu, Sùng Nhơn, Gia An, Võ Xu, Khắc Cầu (Tà Pao).

Sau biến cố 1975, thực hiện chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, hơn 10.000 người từ Phan Thiết, Hàm Thuận, Hàm Tân đã đến Tánh Linh khai khẩn đất hoang, phát triển sản xuất lập các xã mới Đức Thuận, Đức Bình ( nay thuộc giáo họ Giuse, Giáo xứ Tánh Linh ), đặc điểm quy tụ dân cư nói trên đã tạo cho Tánh Linh bản sắc truyền thống đa dạng, phong phú với nhiều phong tục, tập quán khac nhau... nhất là trong lãnh vực tôn giáo, cách riêng Đạo Công Giáo.

Vào năm 1927, một người Công Giáo, công chức kiểm lâm người Quảng Trị, đước Chính phủ bảo hộ Pháp bổ nhiệm đến huyện Tánh Linh, là một trong những gia đình người kinh đầu tiên đến sinh nhai tại miền này.

Vị công chức này là ông Phêrô Nguyễn Văn Hiên, là người Công Giáo nhiệt thành, sốt sáng, phúc hậu, đơn độc chỉ có một gia đình Công Giáo, nơi quê xa đất lạ, thế mà từ khi gia đình ông này đến đây, mỗi ngày tối sáng xóm giềng đều được nghe tiếng kinh nguyện hôm mai. Thánh đường gần nhất là nhà thờ Lạc Đạo, Phan Thiết, cách xa gần 100 cây số, quanh năm trong gia đình thay nhau đi lễ, nhất là hai lễ trọng, lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. Gần 20 năm trôi qua, đến cuối năm 1956, một gia đình Công Giáo khác cũng người Quảng Trị đến lập nghiệp tại Tánh Linh là gia đình ông Simon Lê Quang Tưởng.

Năm 1958 các địa điểm dinh-điền được thành lập tại hai quận: Tánh Linh và Hoài Đức, rất đông người Công Giáo được đưa vào các dinh-điền, những nơi này có đủ điều kiện thành lập giáo xứ, có nhà thờ đầy đủ, như các địa điểm dinh-điền Gia An, Huy Khiêm, Mêpu, Quan Hà.

Tại xứ Tánh Linh số giáo dân cũng tăng dần lên, đa số là cán bộ, công chức, binh lính và số dân miền Trung vào lập nghiệp. Trong thời gian này tại Tỉnh Bình Tuy, ông Tỉnh Trưởng và ông Phó Tỉnh Trưởng đều là Công Giáo, thường quan tâm đến số đồng bào, cán bộ công chức binh lính, thấy họ ước ao có một nhà nguyện để có nơi tụ họp nhau thờ phượng Chúa vào mỗi ngày Chúa Nhật. Trong hoàn cảnh thuận tiện này, giáo dân hiệp nhau xin Chính quyền giúp đỡ để dựng một nhà thờ. Mọi người đều phấn khởi hăng hái hưởng ứng đóng góp công sức, tiền bạc. Ngày dựng nhà thờ nhằm lễ Thánh Gioan Tẩy Giả ngày 24 tháng 6 năm 1958, là ngày hân hoan phấn khởi, rất đông người tham gia, cả những anh chị em phật giáo, người dân tộc, người Chăm đến giúp công. Ngôi nhà thờ cột vách bằng gỗ, mái lợp tôn, bề ngang 6 thước, bề dài 10 thước, tháp cao 10 thước từ mặt đất đến thánh giá, hoàn thành vào cuối năm 1958. Đây là Ngôi nhà thờ đầu tiên tại huyện Tánh Linh.

Có nhà thờ nhưng không có Cha xứ,vì thế, trong thời gian này, có các Cha Thuỷ, Cha Báu ở Vinh Tân, thường hay lên Tánh Linh, thăm giáo dân, đốc thúc việc xây cất nhà thờ. Về sau khoảng vào cuối năm 1959, mỗi tháng vài lần Cha Kim ở Gia An đến dâng thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Sau khi Cha Kim đổi đi thì Cha Long đến Gia An cũng tiếp tục như vậy.

Đến năm 1963, Cha Long phá dỡ ngôi nhà thờ cũ bằng gỗ, lợp tôn và xây dựng lại nhà thờ vách xây lợp ngói, dài hơn, rộng hơn, đẹp hơn. Từ lúc nhà thờ được hoàn thành và thời gian sau, sự sinh hoạt và số giáo dân cứ ở mức độ cầm chừng cho đến cuối năm 1965.

Theo kỷ yếu Giáo Phận Nha Trang và kỷ yếu Giáo Phận Phan Thiết, thì Giáo xứ Tánh Linh được thành lập năm 1965, thuộc Giáo Phận Nha Trang. Đa số giáo dân là người gốc Quảng Nam (Tam Kỳ, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc). Do cuộc chiến tranh, đồng bao hai dinh điền Quan Hà, Huy Khiêm tản cư về quận lỵ Tánh Linh, cộng thêm 7 gia đình tại quận lỵ gốc Quảng Trị Lúc ấy Cha F.x Hoàng Kim Điền xứ Huy Khiêm trở thành quản xứ Tánh Linh tiên khởi.

Lúc đầu mới thành lập, số giáo dân độ khoảng 500 người. Cha Phan xicô Xa vi ê Hoàng Kim Điền làm Quản Xứ đầu tiên. Từ năm 1965 đến năm 1973, rồi đến Cha Giuse Nguyễn Quốc Hải, từ năm 1973 đến đầu năm 1975. Tiếp đến là Cha Vinh Sơn Nguyễn Đạo Quán, từ năm 1975 đến tháng 10 năm 1983. Từ tháng 10.1983 - 1987, nhà thờ bị đóng cửa. Năm 1987 nhà thờ được mở cửa trở lại, hàng tuần có Cha F.X Đinh Tân Thời, quản xứ Gia An đến cử hành thánh lễ. Đến năm 1990 Cha Giuse Nguyễn Văn Lừng về nhận chức quản xứ. từ năm 1992 đến năm 1998, Cha Phaolô Nguyễn Văn Ngụ làm quản xứ. Thời gian này, Cha cùng với giáo xứ xây dựng nhà thờ này. Năm 1998 đến năm 2003, Cha Phêrô Đinh Đình Chiến làm quản xứ. Từ năm 2003 đến ngày 29 tháng 1 năm 2005. Cha Phaolô Hoàng Kim Tốt làm quản xứ. Ngày 31/1/2005, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Phó Giáo Phận Phan Thiết, đưa Cha Phanxicô, Xaviê Nguyễn Quang Minh đến nhà thờ Tánh Linh để nhận chức quản xứ.

Hiện nay, giáo xứ Tánh Linh nay đã có 4 linh mục; 4 đại chủng sinh; 9 nữ tu. Kế đến, còn có 1 bác sĩ; 6 giáo viên cấp 3; 19 giáo viên cấp 2; 14 giáo viên tiểu học. Ngoài ra, còn có 20 sinh viên đã tốt nghiệp đại học đang đi làm ở các tỉnh thành; và hiện tại còn có 45 em sinh viên đang theo học ở các trường đại học sư phạm; kinh tế, nông lâm; nhạc viện; quản trị; bách khoa và công nghệ…Hầu hết, các con em đều xuất phát từ huynh trưởng, giáo lý viên và giúp lễ, ca đoàn trong giáo xứ.Từ 500 giáo dân khi mới thành lập này Giáo xứ có 896 gia đình và 2.730 giáo dân (Tư liệu từ Gx Tánh Linh).

Nhìn lại hành trình 50 năm, có được thành quả hôm nay như những bó lúa nặng hạt để không bao giờ quên ơn những người đã gieo trong gian truân, trồng trong vất vả. Nhìn lại hành trình 50 năm, như là một nhắc nhớ về cội nguồn “con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Nhờ đó mà mọi thành viên trong Giáo xứ luôn tâm niệm rằng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Hiệp ý tạ ơn với cộng đoàn Giáo Xứ Tánh Linh và nguyện xin Thiên Chúa giàu tình thương ban phúc lành cho mọi người gần xa đã góp công góp của, góp cảm tình và mọi thứ giúp đỡ khác vào việc xây dựng những công trình phục vụ lợi ích chung, nhất là những công trình nhằm phát triển chiều kích thiêng liêng.