Kinh nghiệm Thống Nhất đất nước kiểu Ðức



Từ năm 1975, Việt Nam đã chấm dứt cảnh Nam-Bắc phân tranh, cảnh nồi da xáo thịt, cảnh anh em đồng bào ruột thịt đâm chém lẫn nhau trong suốt hai mươi năm trời! Ðó là điều may mắn cho dân tộc Việt Nam.

Nhân chuyến công du các nước Âu Châu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến gặp gỡ và nói chuyện với các kiều bào ở Thụy Sỹ tại thành phố Genève vào ngày 27.01.2007, ông đã khẳng định là nhà nước Việt Nam chủ trương đoàn kết dân tộc và bỏ quên mọi khác biệt trong quá khứ.

Chẳng những vậy, ngày nay đất nước Việt Nam đã hội nhập vào đời sống văn minh và hoàn cầu hóa của nhân loại, mở cửa giao lưu với mọi dân tộc trên khắp thế giới, không phân biệt văn hóa, sắc dân, màu da, tôn giáo hay chính trị. Ðó thực sự là một hướng đi đúng đắn, được đồng bào đồng tình ủng hộ.

Thế nhưng, chúng ta thử ném tầm mắt ra khỏi biên giới đất nước chúng ta và nhìn sang Ðức Quốc, một quốc gia nằm giữa lòng Âu Châu, đang chuẩn bị mừng ngày thống nhất đất nước thứ 17 của họ, để xem người Ðức – Ðông cũng như Tây – đã thống nhất đất nước họ như thế nào !

Tóm lược biến cố chia cắt nước Ðức

Vào 30.01.1933, khi chế độ Ðức Quốc Xã, do Adolf Hitler (1889-1945) thành lập và lãnh đạo, lên nắm chính quyền một cách hợp pháp, đã chủ trương thù địch chủng tộc và gây hấn chống lại tất cả mọi quốc gia khác. Ðó là nguyên nhân gây ra cuộc thế chiến thứ hai, kéo dài sáu năm trời đầy máu lửa : 1939-1945 ! Cuối cùng, chế độc tài man rợ Ðức Quốc Xã hoàn toàn bị tiêu diệt và nước Ðức phải trải qua một giai đoạn đen tối và đau thương nhất trong lịch sử : Ðán ông từ 17 tới 60 tuổi bị bắt làm tù binh, nguyên ở Nga 2 triêu lính Ðức bị lọt vào tay Hống quân; trong nước chỉ còn đàn bà và trẻ con; 1/3 đất nước bị chia cắt cho Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước cùng chung biên giới với Ðức. Số còn lại được đặt dưới sự quản trị của tứ cường đồng minh – Hoa kỳ, Anh, Pháp và Liên Sô - và được chia ra làm bốn miền chiếm đóng: Miền Bắc do quân Anh và Mỹ chiếm đóng; Miền Trung do quân Pháp chiếm đóng; Miền Nam do quân Mỹ chiếm đóng; Miền Ðông do quân Liên Sô chiếm đóng. Ðặc biệt thủ đô Bá Linh lại nằm giữa lòng Ðông Ðức do Liên Số chiếm đóng, cũng được chia làm bốn. Ba phần phía tây Bá Linh do Mỹ, Pháp và Anh chiếm đóng, hợp thành Tây Bá Linh và phía Ðông Bá Linh thuộc quyền Liên Sô bị tách riêng ra.

Cũng thế, ba miền Bắc, Trung và Nam Ðức do Mỹ, Pháp và Anh chiếm đóng, họp thành Tây Ðức, tức Cộng Hòa Liên Bang Ðức với dân số vào khoảng 60 triệu người, và ngoài lãnh vực quân sự ra, mọi tổ chức hành chánh đều độc lập và do một chính phủ người Ðức điều hành, đặt thủ đô tại Bonn. Ðứng đầu tân Nội Các là Thủ tướng Konrad Adenauer, một người công giáo rất thanh liêm và đạo đức (hiện đang có tin đồn sẽ lập án phong chân phước cho ông), và đương nhiên thuộc khối quân sự Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO. Trong khi đó, phía Ðông Ðức, tức Cộng Hòa Dân Chủ Ðức với dân số vào khoảng 17 triệu người, lấy Ðông Bá Linh làm thủ đô, cũng tương tự như thế : Phương diện quân sự thuộc khối Warschau (Warszawa) và hoàn toàn do Liên Sô điều khiển, còn chính phủ dân sự theo chế độ cộng sản, do người Ðức điều hành. Ðứng đầu chế độ Ðông Ðức là ông Walter Ulricht, vừa là Tổng Bí thư đảng cộng sản Ðông Ðức vừa là Chủ tịch nhà nước.

Ðể bạo vệ chế độ và nhất là để theo dõi và kiểm soát chặt chẽ mọi sinh hoạt của người dân, nhà nước Ðông Ðức đã thiết lập bộ công an mật vụ Stasi - viết tắt chữ Staatssicherheit - một cách qui mô rộng lớn, do tướng Erich Mielke, một sĩ quan quá khích và ác nghiệt, làm bộ trưởng. Ðể có thể tưởng tượng được công việc theo dõi nhân dân của bộ máy Stasi như thế nào, thì người ta chỉ cần biết rằng nếu đưa xếp hàng tất cả những cặp hồ sơ được bộ Stasi ghi chép về từng người dân Ðông Ðức của họ, người ta sẽ có được một đường dài 80 km liên tiếp.

Tiếp đến, để ngăn chặn hàng ngàn người dân Ðông Ðức mỗi ngày trốn sang Tây Ðức, vào ngày 13.08.1961 nhà độc tài Walter Ulricht đã ra lệnh cho xây bức tường Bá Linh, chi phí lên tới hàng tỷ Ðức kim DM. Công trình xây cất được giao phó cho Erich Honecker, người đồng chí thân tín nhất của ông điều khiển. Bức tường dài 165 km bằng bê-tông cốt sắt, gồm có 18.200 trụ bê tông kiên cố với những tháp canh có súng tự động gài chằng chịt; 150 tấn dây kẽm gai và đủ thứ mìn được chôn dày đặc suốt dọc bức tường. Ngay trong ngày khởi công xây bức trường, đã có 1500 người dân Ðông Bá Linh vượt chạy trốn sang Tây Bá Linh. Người Ðức gọi bức tường đó là « Schandmauer », bức tường ô nhục.

Trong suốt 28 năm đã có 980 người dân Ðông Ðức bị thiệt mạng, hoặc do mìn, súng tự động hay quân đội biên phòng Ðông Ðức bắn chết khi đang tìm cách vượt biên, đó là chưa kể những người bị bắt sống và bị tống giam đang khi tìm cách trốn sang Tây Bá Linh.

Nhưng vào năm 1989, đúng 28 năm hay 10.680 ngày hiện diện một cách vô lý và trơ trẽn, bức tường đã bị toàn dân Ðông Bá Linh san bằng bằng xà-beng, búa, cần cẩu, v.v…. Vâng, bắt đầu năm 1989 tại các thành phố lớn của Ðông Ðức, như : Ðông Bá Linh, Leipzig, Dresden, v.v…, hằng ngày hàng người đã thi nhau đổ ra đường phố biểu tình với một khẩu hiệu duy nhất « Wir sinh das Volk » - chúng tôi là nhân dân ! Họ yêu cầu được tự do dân chủ!

Ngay trong ngày 7.10.1989, khi chế độ Ðông Ðức đang rầm rộ kỷ niệm ngày khai sinh chế độ thứ 40, với sự hiện diện của ông Michail Gorbatschow, Tổng Bí thư đảng cộng sản và Chủ tịch nhà nước Liên Sô, và Erich Honecker, vừa là Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nhà nước của Ðông Ðức, còn cố chấp tuyên bố rằng bức tường Bá Linh và chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa của Ðông Ðức còn tồn tại một trăm năm nữa, thì trên các đường phố hàng trăm ngàn người dân vẫn ôn hòa biểu tình đòi tự do dân chủ, bất chấp mọi đe dọa của công an đang sẵn sàng nhả đạn vào đám đông. Trước tình hình đó, ông Michail Gorbatschow, một người đã chủ trưởng phải mở cửa (Glasnost) và canh tân đổi mới chế độ (Perestroika) tại Liên Sô, đã nói một câu bất hủ bằng tiếng Ðức, như muốn cảnh cáo Erich Honecker và tập đoàn Ðông Ðức : « Wer zu spät kommt, straft das Leben » : Ai đến quá chậm sẽ bị đời trừng phạt, hay rõ ràng hơn : Ai đến quá trể, sẽ mất mạng !

Ðặc biệt nhất là vào ngày 4.11.1989, trên một triệu người dân Ðông Bá Linh đã tuôn ra tràn ngập các đường phố thủ đô đòi được tự do dân chủ. Và quả thực : « Vox populi, vox Dei » : Tiếng dân là tiếng Trời ! Thời gian tiếp sau đó, toàn thể bộ chính trị trung ương đã phải từ chức, Chủ tịch nhà nước Erich Honecker phải từ chức, quốc hội bị giải tán, v.v… Toàn dân Ðông Ðức tổ chức bầu cử lại các vị dân biểu của họ vào quốc hội một cách tự do và dân chủ. Ðồng thời một chính phủ Ðông Ðức mới không thuộc đảng cộng sản, được thành lập, do Thủ tướng Lothar de Maizière lãnh đạo.

Và đúng một năm sau đó, tức vào ngày 3.10.1990, cả tân chính phủ lẫn quốc hội của Ðông Ðức đã nhất trí tuyên bố giải tán chế độ Ðông Ðức và biểu quyết sát nhập vào Tây Ðức, tức CHLB Ðức, dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Helmut Kohl, một người công giáo và là đảng trưởng đảng Thiên Chúa Giáo CDU. Dĩ nhiên, công cuộc thống nhất đã được tứ cường Mỹ, Anh, Pháp và Liên Sô, đồng ý chấp thuận.

Cách thức thống nhất đất nước

Như vừa nói trên, công cuộc thống nhất đất nước của người Ðức là con đường hoàn toàn dân chủ và hài hòa. Trước hết do chính người dân Ðông Ðức trực tiếp khởi xướng qua các cuộc tuần hành và biểu tình một cách ôn hòa. Tiếp đến, cả hai quốc hội của hai miền Tây và Ðông Ðức biểu quyết một cách dân chủ và tự do, cũng như bằng những văn kiện chính thức, được hai bộ trưởng Nội Vụ của hai chính phủ giữa hai miền ký kết. Ở đây, chúng ta có thể đưa ra một vài dẫn chứng cụ thể về những nét đặc thù trong tiến trình thống nhất ôn hòa của người Ðức :

1. Bất bạo động

Trước hết qua chế độ độc tài Ðức Quốc Xã, nhiều người trên thế giới vẫn cho rằng người Ðức thuộc giống người máu lạnh, khô khan, độc ác, nếu không nói là man rợ. Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không phải thế. Tự bản chất, người Ðức vốn trầm tư, ít nói, hợp lý, kỷ luật và cần cù chăm chỉ, nhưng tâm hồn họ lại rất nhân từ và rộng rãi, yêu thơ nhạc, yêu triết học, rất cao thượng và có lòng thương người.

Ðó là những đức tính đặc thù đã được họ thể hiện một cách rõ rệt qua công cuộc thống nhất đất nước của họ trước đây 17 năm. Chính phủ Tây Ðức đã không lợi dụng tình thế rối ren, tan rã của chế độ độc tài Ðông Ðức, để đem quân đội và xe tăng rầm rộ kéo sang Ðông Ðức thị uy, càn quét và chiếm đóng một cách hiếu chiến như những kẻ thắng trận. Trái lại họ vẫn luôn tôn trọng sự quyết định tự do của người dân Ðông Ðức bằng các cuộc bầu cử, tôn trọng các nhà lãnh đạo cộng sản Ðông Ðức bằng các hiệp định được ký kết một cách tự do dân chủ giữa hai bên. Và thay vì đưa xe tăng thiết giáp, chính phủ Tây Ðức đã đổ hàng tỷ DM sang đầu tư mở các hãng xưởng kỷ nghệ kiếm công ăn việc làm cho người dân Ðông Ðức, và kiến thiết, tân tạo các cở sở hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm !

Và sau khi hoàn toàn thông nhất đất nước, đảng cộng sản vẫn được tự do ra tranh cử, chứ không hề bị cấm đoán hay bị kỳ thị, mặc dù trong suốt 40 năm cầm quyền họ đã gây ra bao đau thương mất mát cho 17 triệu người công dân của họ bằng một chế độ hà khắc kềm kẹp, đến nỗi so với Tây Ðức, một cường quốc kinh tế phồn thịnh vào hàng nhất nhì thế giới, thì Ðông Ðức chỉ là một quốc gia chậm tiến lạc hậu và nghèo nàn.

Ở đây, một điều đáng ghi nhận là ở Ðông Ðức, khi đảng cộng sản còn cầm quyền, trong mỗi lần bầu cử các quan chức nhà nước - từ Chủ tịch nước cho đến các dân biểu – đều được số phiếu tối đa : 97, 98%, nhưng nay qua các cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, đảng cộng sản chỉ được 3, 4 hay 5% là tối đa.

2. Không trả thù

Mặc dù chế độ Ðông Ðức đã phạm nhiều tội ác đối với dân tộc Ðức, nhưng sau khi thống nhất hai miền Ðông Tây, chính phủ CHLB Ðức do đảng Thiên Chúa Giáo CDU lãnh đạo, đã hoàn toàn chủ trương đoàn kết dân tộc, chứ không hề có thái độ trả thù.

Vâng, chính phủ cũng như 60 triệu người dân Tây Ðức luôn đầy tinh thần dân tộc, họ luôn nhìn nhận 17 triệu dân Ðông Ðức là những người đồng bào ruột thịt của họ, chứ họ không hề coi chính quyền cộng sản Ðông Ðức là là kẻ thù, là bọn ngụy quân ngụy quyền. Vì thế, trong khắp nước Ðức không hề có lấy một trại giam cầm để bắt các sĩ quan quân đội hay các quan chức trong chính phủ Ðông Ðức phải học tập cải tạo. Trái lại, không những không hề có vấn đề ruồng bố bắt bớ, nhưng chính phủ Tây Ðức còn trọng vọng, tuyển dụng và kêu mời sự cộng tác của tất cả các quan chức và quân đội của Ðông Ðức vào bộ máy nhà nước. Trong thực tế, đã có 50.000 sĩ quan và binh lính Ðông Ðức cũ đã ở lại trong quân đội của CHLB Ðức, cũng như một số công an và quan chức trong các ban ngành khác đã tiếp tục phục vụ trong chính phủ của một nước Ðức thống nhất. Còn những sĩ quan quân đội và quan chức Ðông Ðức cũ tự ý về hưu thì vẫn được lãnh lương hưu theo qui chế của chế độ Ðông Ðức trước đó.

Dĩ nhiên, sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc không có nghĩa là không đưa ra trước ánh sáng công lý những tội ác và những bất công của các quan chức chế độ Ðông Ðức cũ đối với các đồng bào của họ. Nhưng vấn đề phán xét vá phân xử các tội ác và bất công đó chỉ giới hạn trong phạm vi dân sự thuần túy, chứ không lan sang phạm vi chính trị.

Ở đây, chúng ta có thể trưng dẫn một vài ví dụ điển hình, chẳng hạn: Chủ tịch nhà nước Ðông Ðức Erich Honecker đã phải ra đứng trước vành móng ngựa, nhưng không vì ông là Tổng Bí thư và Chủ tịch chế độ cộng sản Ðông Ðức, nhưng vì ông đã tham ô hối lộ. Vâng, dựa theo tiền lương chính thức của một Chủ tịch nước, thì làm sao ông lại có được một gia tài khếch sù như thế : 3, 4 biệt thự nghỉ mát ở khắp nơi, hàng chục chiếc xe hơi sang trọng đủ loại, nhất là ông đã ra lệnh bắn các người đồng bào Ðông Ðức khi vượt biên sang Tây Ðức. Nhưng sau vài lần phải trả lời trước công lý, thì vào ngày 19.5.1994, Erich Honecker đã được tòa án Ðức lấy lý do sức khõe để thả tự do và cho phép ông đi đoàn tụ với gia định đang sinh sống tại Chí Lợi ở Nam Mỹ. Tiếp sau đó, các vụ xét xử một vài quan chức của Ðông Ðức khác cũng vì các tội hình sự họ đã phạm, chứ không phải vì chính trị.

Nhưng trong các vụ án xét xử một số quan chức Ðông Ðức có những tội ác hình sự nặng nề đặc biệt, đáng ghi nhận nhất là vụ xử trùm mật vụ chế độ Ðông Ðức Markus Wolf (1923-2006), một người được người Ðức mệnh danh là « der Mann ohne Gesicht » - Một người không có mặt. Ông đã từng huấn luyện các gián điệp trong suốt 40 năm trời và tung sang Tây Ðức hoạt động. Trong số các gián điệp đó, có Günter Guilaume, người từ năm 1972 đã lọt được vào giữa trung tâm quyền hành của Tây Ðức và làm đến chức cố vấn cá nhân cho chính Thủ tướng Willy Brandt. Nhưng vào ngày 24.4.1974 thì y bị lộ tẩy và ngày 6.5.1974 Thủ tướng W. Brandt phải từ chức.

Khi ông Markus wolf bị đưa ra tòa và bị tố cáo là phản bội tổ quốc, ông đã khẳng khái phản cung : « Tôi không hề phản bội dân tộc Ðức, tôi chỉ phục vụ dân tộc tôi dưới một thể chế khác thể chế các ông. Hơn nữa, xét cho cùng, những người cộng sản chúng tôi chỉ thua các ông một nước cờ chính trị mà thôi ».

Vì CHLB Ðức là một quốc gia tự do dân chủ theo pháp trị, nghĩa là mọi sinh hoạt xã hội đều được đặt nền tảng trên một luật pháp hoàn toàn công bằng, hợp lý và độc lập; bộ máy nhà nước được điều hành dựa trên sự công minh của pháp luật : Người có công được trọng thưởng, kẻ có tội sẽ bị luật pháp phê phán, chứ không có vấn đề phân biệt, bao che, không hề chịu bất cứ áp lực ngoại tại nào. Cũng vì thế, ông Markus Wolf, cựu trùm mật vụ Ðông Ðức, xét về phương diện chính trị, hoàn toàn vô tội. Nhưng ông bị xử mấy năm tù, vì những tội hình sự khác, như : hối lộ, ra lệnh bắn chết các công dân Ðông Ðức khi vượt biên sang Tây Ðức, v.v…Tương tự như thế, một số các quan chức khác của Ðông Ðức cũng bị xét xử vì các tội hình sự, như hối lộ và đàn áp dân chúng của họ.

Nhưng một điểm đặc biệt trong các phiên tòa xét xử các quan chức chế độ Ðông Ðức cũ - từ Erich Honecker, Chủ tịch nước; Erich Mielke, bộ trưởng Stasi; trùm mật vụ Markus Wolf cho đến một vài thành viên của bộ chính trị trung ương – là các quan tòa đã dựa trên chính bộ luật hình sự của chế độ cộng sản Ðông Ðức để xét xử các phạm nhân, chứ không phải dựa trên luật pháp Tây Ðức.

3. Cách thức giải quyết các tài sản chế độ

Ðể giải quyết một cách công bằng và hợp lý các vấn đề thuộc lãnh vực kinh tế, như các động sản và bất động sản của chế độ Ðông Ðức, chính phủ Tây Ðức đã thành lập một Cơ quan Tài chánh Treuhand.

Trước hết, Cơ quan Treuhand có bổn phận quản lý số tiền khổng lồ vào khoảng 4 tỷ DM mà chính phủ cũng như nhân dân Tây Ðức hàng năm đóng góp để kiến thiết lại Ðông Ðức.

Tiếp đến, Cơ quan Treuhand trưng dụng tất cả các động sản và bất động sản, như tiền bạc, các cơ sở, các dinh thự và đất đai công cộng của chế độ cũ để lại, vào số tài sản quốc gia. Tuyệt đối cơ quan Treuhand không được phép đả động đến các cơ sở hay tài sản tư của dân chúng, như : tài sản của các tôn giáo, của các đoàn thể có pháp nhân, của các đảng phái chính trị, của các công ty tư nhân hay của các công dân thường. Cả đảng cộng sản cũng nằm trong qui chế đó, nghĩa là những tài sản nào thuộc của riêng đảng cộng sản thì đảng vẫn có quyền làm chủ, chỉ những gì thuộc nhà nước thì họ phải trả lại mà thôi. Chẳng những Cơ quan Treuhand tôn trọng tuyệt đối tài sản của dân chúng như thế, họ còn bồi thường và trả lại cho các tư nhân số tài sản mà chế độ Ðông Ðức đã chiếm đoạt hay trịch thu bất công trong suốt 40 năm trước đó. Tất cả đều được phân giải và xét xử một cách thấu tình đạt lý, một cách hoàn toàn công bằng và dân chủ.

Kết luận

Cũng như để phê phán trình độ văn hóa, trình độ trí thức hiểu biết và tính cách nhân bản của một người, người ta không chỉ dựa theo lời nói của người đó, nhưng trước hết phải nhìn đến toàn diện tư cách sống, thái xử thế của người đó trong mọi trạng huống khác nhau của cuộc sống. Cũng vậy, để phê phán trình độ văn minh tiến bộ, trình độ dân chủ và nhân bản, v.v… của một dân tộc, người ta không chỉ dựa theo những gì ghi trên Luật pháp, nhưng trước tiên cần phải quan sát đường lối chính trị cũng như các chính sách và cách thức thi hành các chính sách đó trong cuộc sống cụ thể của dân tộc đó, liệu có tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do nền tảng của con người hay không !

Vây, nhìn lại tiến trình thống nhất đất nước của người Ðức, người ta có thể đánh giá và nhận ra được trình độ văn minh và dân chủ cao độ của họ. Trước kết quả đáng hãnh diện đó của người dân Ðức, người ta phải công nhận sự nổ lực dân chủ hóa của toàn dân Ðức nói chung và của đảng Thiên Chúa Giáo Thống Nhất nói riêng, sau chế độ độc tài Ðức Quốc Xã vào năm 1945. Ðảng Thiên Chúa Giáo do hai đảng CDU (Christlich-Demokratische Union) và CSU (Christlic-Soziale Union) hợp lại, do cố Thủ tướng Konrad Adenauer và các đồng chí của ông sáng lập vào năm 1946, sau khi chế độ độc tài dã man của Hitler bị tiêu diệt.

Dĩ nhiên, đảng Thiên Chúa Giáo Thống Nhất không phải là một đảng chính trị của các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành ở Ðức hay nhân danh các Giáo Hội đó. Nhưng là một đảng do những người tín hữu thuộc Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành thành lập, với chủ trương một đường lối chính trị nhân bản theo tinh thần bác ái và hòa giải của Kitô Giáo mà thôi, đúng như lời Ðức Kitô đã dạy. « Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu các con » (Ga 15,12) và : «Các con hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét bỏ các con; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và cầu nguyện cho kẻ vu khống các con » (Lc 13,27). Và đường lối chính trị đầy tinh thần bác ái hòa giải Kitô Giáo đó đã được hiện thực hóa một cách cụ thể trong công cuộc thống nhất đất nước của người Ðức.

Tài liệu tham khảo :

- Helmut Schmidt, Auf dem Weg zur deutsche Einheit, Rowohlt Taschenbuch Verlag, Hamburg 2006.

- Dieter Hein, Deutsche Geschichte in Daten, C.H.Beck Verlag, München 2005.