Chân tướng Philatô



Bài dưới đây là bản dịch của một công trình khảo cứu nhằm khám phá những điều mới lạ về vai trò của Philatô trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, nguyên tác bằng Anh ngữ (Essay on Ponce Pilate) của Linh mục Ngô Anh Lân SJ, Dòng Tên. Theo quan niệm thông thường, Philatô là một Tổng trấn không có định kiến, muốn tha Chúa Giêsu nhưng lại sợ phật lòng người Do-thái. Nội dung bài nầy, trái lại, sẽ cho chúng ta một cái nhìn mới về Philatô, một Tổng trấn nhiều mưu mô thủ đoạn, muốn làm tất cả những gì có thể mang lợi lộc, danh vọng cho bản thân, kể cả ra lệnh lưu đày hoặc xử tử người vô tội. Điều thú vị là tác giả đã dựa vào lịch sử, tạo nên một khung cảnh thời gian và không gian thích hợp để đưa Philatô vào, trình bày Philatô như một nhân vật lịch sử cần phải có. Ở phần kết, tác giả chẳng những không kết tội hay lên án, trái lại đã mở ra cho Philatô một lối thoát cực kỳ khoan dung và nhân hậu. Người dịch Hoàng Đình Cảnh

Ngày tháng cuối đời

Tỗng trấn Philatô
Vị Tổng trấn xứ Juđêa là Pontiô Philatô đã về hưu và sống chuỗi ngày cuối đời trong thất vọng cay đắng. Các nhà chính trị La-mã biết quá rõ về ông qua thành tích tàn ác và tham nhũng nổi bật của ông. Trong cuộc đời làm chính trị, Philatô đã tính toán chi li, vận dụng mọi mưu kế nhằm thủ lợi cho bản thân. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông đã đột ngột chấm dứt sau khi xảy ra cuộc thảm sát ở Samaria là phần đất dưới quyền ông cai trị. Hơn thế nữa, La-mã triệu hồi ông về nước vì ông bị tố giác đã biển thủ tiền bạc của Đền thờ và thâm lạm ngân sách của dự án dẫn thủy vào vùng đất chung quanh Giêrusalem. Tình hình chính trị La-mã đã thay đổi nhiều trong những năm ông trấn nhậm xứ Juđêa, vì thế bạn bè cũ và những móc nối thế lực ở thủ đô cũng đành bó tay, không có phương cách gì giúp ông trở lại ngôi vị tổng trấn hoặc nắm bất cứ một chức vụ gì trong guồng máy của đế quốc La-mã. Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày ông rời Juđêa trở về cố hương chờ đợi, thế mà giờ đây tham vọng chính trị của ông chỉ còn là một giấc mơ đắng cay.

Trong những năm tháng cuối đời thầm lặng bất đắc dĩ đó, Philatô bỗng nổi tính tò mò đặc biệt muốn khám phá phong trào suy tôn Giêsu Nazaret đang lan rộng trên toàn lãnh thổ đế quốc. Thêm vào đó ông cảm thấy bối rối vì người ta thường nhắc đến cái chết của nhà lãnh tụ phong trào nầy đã xảy ra dưới thời ông làm Tổng trấn xứ Palestin. Tuy nhiên, về phần ông, Philatô chỉ nhớ mang máng về phiên tòa đặc biệt xử tử hình một người Do-thái vô danh có tên là Giêsu Nazaret trong số biết bao nhiêu vụ tử hình do ông ra lệnh.

Ký ức hồi sinh

Sáng nay, vị Tổng trấn hồi hưu, như thường lệ, sửa soạn đi thăm mấy vườn cây ô-liu nằm trên các triền đồi thoai thoải. Bỗng nhiên ký ức về những năm tháng nắm quyền, những chiến dịch diệt trừ phản loạn cùng với nỗi cay đắng của tham vọng chính trị bất thành, tất cả đổ xô về với ông tạo nên một cơn đau tim dữ dội. Ông ngã nhoài nằm sóng sượt trên miếng sân kế bên hồ bơi trong khu biệt thự sang trọng của ông. Nhìn khuôn mặt dăn dúm của ông khó mà đoán được đó là nụ cười xót xa cho sự nghiệp chính trị của mình hay là do cơn đau trong cơ thể tạo nên. Philatô nhanh chóng lịm vào cơn mê. Gia nhân và đám nô tì biết giờ chết của chủ mình đã gần kề. Lang y thoa dầu lên mặt ông mong làm dịu bớt cơn đau và làm giản dần các thớ thịt đang co lại, nhưng nét nhăn nhó vẫn chai lỳ như đã đóng băng trên khuôn mặt của ông. Nhìn bề ngoài, dường như ông không còn đủ sức ra dấu nữa. Hơi thở của ông càng lúc càng yếu dần. Tuy nhiên, tận trong thâm tâm, Philatô biết rằng giờ chết đang tiến đến giúp cho tâm trí ông thêm sáng suốt. Dù thân xác không còn khả năng giao cảm với ngoại giới nhưng nội tâm ông bỗng bừng lên một mãnh lực mới phi thường mà đã từ lâu ông chưa hề có. Ông khám phá ra rằng cuộc xử án tử hình cái người Do-thái tầm thường đó, Giêsu Nazaret, lại là một biến cố trọng đại nhất trong đời ông. Nét nhăn nhó trên khuôn mặt ông bây giờ trông giống hệt nét mặt đểu cáng của ông ngày trước khi ông ngạo nghễ chất vấn Đức Giêsu: “Chân lý là gì?”

Thủ đoạn và xảo thuật

Trong giờ phút cô đơn cùng cực nầy, Philatô có thể hồi tưởng một cách rõ rệt từng cảnh tượng, sống lại cái bầu không khí bất thường mà ông phải xử trí hằng năm trong mỗi dịp lễ Vượt Qua ở phần đất Juđêa. Giống như những năm trước, năm đó ông cũng phải hiện diện ở Giêrusalem để điều động quân binh đồn trú chung quanh Đền thờ và các nơi công cộng trong thành phố. Vì người Do-thái có nhiều tập tục quá phức tạp và ông lại không muốn quân binh của ông đụng chạm với đám người hành hương, do đó ông thường ra lệnh cho đám người Do-thái canh giữ Đền thờ tháp tùng các toán quân binh của ông. Philatô hiểu được và cố duy trì mối tương quan kỳ lạ nhưng cần thiết cho sự cọng sinh giữa ông và nhóm thủ lãnh Đền thờ. Ông miễn cưỡng thỏa hiệp với nhóm tư tế Do-thái của Đền thờ để có thể nắm được quyền kiểm soát đoàn người hành hương cuồng bái nầy.

Trên nguyên tắc, nhóm Do-thái thủ lãnh Đền thờ phải tùng phục quyền bính của ông, nhưng khổ nỗi họ lại còn là tai mắt của một số chính trị gia đầy thế lực ở thủ đô La-mã nữa. Việc tiến thân của ông trên chính trường còn tùy thuộc vào các bản phúc trình không chính thức của nhóm thủ lãnh nầy đệ trình lên hoàng đế La-mã. Philatô không chịu nổi thái độ trịch thượng ngụy trang dưới hình thức tôn giáo mà nhóm nầy thường biểu lộ. Ông luôn luôn muốn tìm cơ hội làm nhục bọn đồng minh đáng ghét và cuồng tín nầy. Lại nữa, kể từ ngày được bổ nhiệm làm Tổng trấn Juđêa, ông lại đâm ra ghiền một sở thích đặc biệt là mong được làm quan tòa ngồi xử các vụ đại hình mà bị cáo là người Do-thái. Sở thích nầy không phải là ở chỗ dùng quyền uy để mặc tình phóng thích hay xử tử tội nhân, mà là sử dụng khả năng lèo lái cảm tính tôn giáo và quốc gia của nhóm thủ lãnh Do-thái và đám tay chân của họ. Philatô thích biểu lộ uy quyền của mình mỗi khi nhóm thủ lãnh đem tội nhân đến cho ông lên án và ban lệnh xử tử. Tuy rằng bọn thủ lãnh đền thờ là tai mắt của hoàng đế, nhưng tại pháp đình nầy ông vẫn có thể dàn dựng để bắt họ phải thần phục. Niềm khoái lạc của ông là được nhìn thấy các đối thủ chính trị quy hàng dưới chiếc đũa thần của ông. Họ phải quỵ ngã dưới câu thần chú của một trò chơi đã được tính toán kỹ lưỡng: xảo thuật của một nhạc trưởng thiện nghệ.

Đấu trí trên người vô tội

Buổi sáng trước ngày lễ Vượt Qua hôm đó, nhóm thủ lãnh Đền thờ dẫn đến nộp cho Philatô một người Do-thái tên là Giêsu người xứ Nazaret. Một mặt thì Philatô chẳng thấy hứng thú gì dính dáng vào việc tranh chấp thuộc lãnh vực tôn giáo trong nội bộ người Do-thái, mặt khác thì đây là cơ hội hiếm có để ông dùng đám đông người Juđêa và thủ lãnh của họ làm trò đùa tiêu khiển.

Sau khi tra hỏi qua loa, Philatô thấy tội nhân nầy chẳng có gì là mối đe dọa lớn lao cho đế quốc. Ông nhanh chóng nhận ra một điều là các thủ lãnh Đền thờ đã biến cuộc tranh chấp tôn giáo mà ông không mấy hứng thú nầy thành một tội đại hình gán cho ông thầy giảng quê mùa khó hiểu đó. Ông phân vân không biết có phải là bọn thủ lãnh Do-thái muốn dùng cuộc xử án tôn giáo

nầy để gài bẫy hại ông hay không. Tuy nhiên, Philatô không thể nào để vuột mất cơ hội quý báu chế diễu các thủ lãnh Juđêa để thỏa mãn khoái cảm mới có của ông. Ông quyết định dùng cơ hội nầy để cho họ thấy rõ ai là người có quyền tối thượng ở cái xứ Palestin nầy.

Philatô ra ngoài pháp đình để gặp Caipha và nhóm thuộc hạ vì các thủ lãnh Do-thái không muốn bước vào ngôi nhà ngoại giáo, tránh khỏi bị ô uế để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua. Tại tiền đường pháp đình, Philatô hỏi họ: “Các ngươi cáo buộc người nầy về tội gì?” Caipha và bọn thủ hạ đồng thanh thưa: “Nếu hắn không phải là một tội phạm đại hình thì chúng tôi đã không nộp cho ông.” Đến đây, Philatô không thể chờ thêm để xuất chiêu tỏ lộ cơ trí của mình nữa. Ông nói: “Các ngươi hãy đem ông ta đi mà xử theo bộ luật Torah của các ngươi.” Quá khích động, các thủ lãnh Do-thái đáp lại ngay tức thì: “Chúng tôi không có quyền xử tử bất kỳ ai.” Philatô cố không để lộ sự khoái trá đã được giấu kín khi nghe bọn họ chối bỏ bộ luật Torah của họ. Ông để ý thấy chỉ có Caipha là không đáp chung với toàn nhóm. Caipha thì nhận ra được mánh khóe trong câu nói của Philatô nhưng lại không đủ nhanh trí để ngăn chận đám thủ hạ khỏi rơi vào bẫy sập của Philatô. Cả Philatô và Caipha đều nghe biết các thủ lãnh Do-thái đã vô hiệu hóa bộ luật của họ. Các thủ lãnh Đền thờ đã thu hồi hiệu lực của bộ luật Torah và đã đem bộ luật của tổ tiên do Thiên Chúa ban cho để đầu phục bộ luật của đế quốc La-mã. Philatô khoái trá nhận ra khuôn mặt của Caipha xám ngắt vì xấu hổ và tức giận, vì đám thủ hạ của y đã ngang nhiên xác nhận thái độ phạm thượng trong câu trả lời bộp chộp nông nổi của chúng.

“Chân lý là gì ?”

Philatô trở vào pháp đình, trí tò mò cao độ thúc đẩy ông tìm hiểu thêm về tù nhân nầy. Thoạt nhìn, Philatô chẳng thấy nơi tù nhân Giêsu có gì nổi bật hay khác thường cả. Ông tự hỏi tại sao Caipha và đồng bọn lại quá chú tâm trong việc tiêu diệt người tù nầy. Ông cho điệu Đức Giêsu đến trước mặt ông. Sau vài câu hỏi thông thường, ông quả quyết điều nhận xét lúc ban đầu của ông về người Do-thái nầy là đúng. Cái ông Giêsu Nazaret nầy mà các thủ lãnh Do-thái đã làm rùm beng, cũng chẳng khác chi các người Do-thái quê mùa lạc hậu khác dưới quyền cai trị của ông. Ông nhìn thêm một lần nữa mà cũng chẳng thấy phạm nhân nầy có gì đáng nói. Ông nghĩ: Mình chắc cũng chẳng muốn có hạng người nầy làm nô lệ trong nhà. Tuy nhiên, Philatô muốn kết thúc cho xong trò chơi biểu diễn quyền lực trên các đồng minh cọng sinh Do-thái. Ông lấy ngón tay trỏ khều vào chiếc áo tả tơi trên mình Chúa Giêsu rồi nhạo báng hỏi: “Ông có phải là vua dân Do-thái không ?” Chúa Giêsu trả lời: “Ông tự ý nói thế hay có ai đã nói với ông về tôi ?” Philatô đáp: “Ta đâu phải là người Do-thái. Dân chúng ông và các thủ lãnh đã nộp ông cho ta. Ông đã phạm tội gì?” Chúa Giêsu trả lời nhưng Philatô không nghe vì ông đang bị chính tư tưởng của ông chi phối. Ông tự hỏi: Mình mà là người Do-thái ư ? Hy vọng là không ! Cái thứ văn minh ấy của người Do-thái mà lại cho là ngang hàng với đế quốc La-mã sao ? Mình đang mong chờ được hoàng đế bổ nhiệm đến một nơi xa, rời khỏi cái chốn tồi tệ nầy. Mình ước mơ được đáo nhậm ở một trong các thành phố hoa lệ của Hy-lạp, sát ngay bên trung tâm của đế quốc. Nhìn thấy tù nhân nầy bỗng làm Philatô bừng tỉnh khỏi giấc mộng tham vọng và đưa ông trở về thực tại phũ phàng. Với giọng gay gắt vì bị cắt đứt giấc mộng quyền lực, Philatô nóng nảy hỏi tội nhân: “Vậy ra ông là vua ư ?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng, tôi là vua, và vì thế mà tôi sinh ra và đến thế gian nầy để làm chứng cho chân lý. Những ai thuộc về chân lý thì lắng nghe tiếng tôi.” Nghe những lời đó, Philatô càng thêm bực tức, liền ngắt lời tù nhân bằng một câu hỏi chiếu lệ: “Chân lý là gì ?” với nét mặt hiu hiu tự đắc trong khi bước ra ngoài pháp đình. Ông nghĩ Caipha và đồng bọn đắc ý tưởng rằng đã nộp cho pháp đình một tên nhà quê vô gia cư để có thể dạy cho mình một bài học về chân lý ! Ông nắm chặt nắm đấm và lẩm bẩm: Này Caipha, ta không cần biết ngươi muốn bày trò gì, nhưng ta sẽ cho ngươi biết ai là người thắng cuộc.

Ván bài chót

Ra ngoài gặp các thủ lãnh và đầu mục Do-thái, ông bảo họ: “Ta chẳng thấy người nầy có tội tình gì. Nhưng các ngươi có thói quen xin ta tha một phạm nhân trong ngày lễ Vượt Qua, vậy các ngươi có muốn ta tha Vua dân Do-thái không ?” Đúng như Philatô đã hoạch định trong đầu, các thủ lãnh Do-thái và đồng bọn chẳng còn muốn dây dưa với Chúa Giêsu. Hơn nữa dân chúng đang thất vọng với Chúa Giêsu vì Ngài đã chẳng biết lợi dụng sự khích động cao độ của họ khi họ rước Ngài vào thành thánh Giêrusalem, để kêu gọi nổi dậy chống ách thống trị của La-mã. Họ cảm thấy Chúa Giêsu đã chẳng đáp ứng được nguyện vọng của họ, vì thế, lòng thương yêu và ngưỡng mộ của họ đối với Chúa Giêsu đã biến thành tức giận và hận thù. Do đó, họ kêu gào tha Baraba. Philatô nhận ra dân chúng đang bị khích động cực độ. Ông cũng chẳng muốn biết gì thêm về tù nhân nầy nữa. Ông chỉ muốn kết thúc ván bài kín đáo của ông. Philatô quyết định tống một cú đấm tối hậu vào đám thủ lãnh Đền thờ. Ông ra lệnh đánh đòn Chúa Giêsu rồi dùng Ngài để nhạo báng toàn bộ dân Do-thái và đặc biệt là bọn thủ lãnh.

Phủ nhận Thiên Chúa

Một lần nữa, Philatô lại ra ngoài đẩ gặp các thủ lãnh và dân chúng Do-thái. Philatô chỉ cho dân chúng thấy Chúa Giêsu. Ông cho họ thấy một người mà ông nghĩ chẳng xứng đáng làm nô lệ cho ông, một người đã bị ông hành hạ sỉ nhục, rồi nói: “Nầy là vua của các ngươi!” Đám thủ lãnh đồng thanh gầm lên: “Đem nó đi ! Đem nó đi ! Đóng đinh nó đi !” Philatô nhận ra thời cơ đã chín mùi để lật con bài tẩy của ông. Ông biết rằng nếu khéo lèo lái sự biến động đúng hướng, ông có thể làm cho dân chúng đang bị khích động cao độ đó chối bỏ Đức Giavê Thiên Chúa của họ. Philatô chờ đợi giây phút chiến thắng tối hậu nầy đã từ lâu. Đám đông dân chúng càng lâu càng la to hơn: “Đóng đinh nó ! Đóng đinh nó !” Philatô giơ tay ra dấu cho họ yên lặng, đoạn ngạo nghễ chỉ vào Chúa Giêsu đã bị đánh đập và biến dạng, hỏi đám thủ lãnh để họ nói thay cho dân chúng: “Ta đóng đinh vua của các ngươi sao ?” Các thượng tế trả lời: “Chúng tôi chẳng có vua nào khác ngoài Hoàng đế Xê-da.” Philatô mỉm cười lộ vẻ vô cùng thỏa mãn, đoạn trao Chúa Giêsu cho họ đem đi đóng đinh. Ông biết ông vừa thắng thêm ván bài nữa. Ông đã khôn khéo lèo lái làm cho các thượng tế công khai xưng rằng Xê-da là vua của họ. Ông đã làm cho họ phủ nhận Đức Giavê là Đấng đang trị vì Do-thái, Đấng mà tổ tiên của họ hằng tôn thờ. Ông đã kích thích họ lớn tiếng công khai xưng tụng không phải Chúa Giêsu cũng không phải Đức Giavê mà Hoàng đế Xê-da mới chính là vua của họ, ngay trong chính ngày lễ Vượt Qua ! Philatô đã dẫn dụ cho dân chúng, nhất là đám thủ lãnh Đền thờ, công khai nói lời lộng ngôn phạm thượng đến Đức Giavê.

Chọn lựa cuối cùng

Nhịp thở của vị cựu Tổng trấn xứ Juđêa đang yếu dần đến độ khó mà nhận ra. Hơi ấm của thân thể giảm dần, mà nhanh nhất là ở phần tứ chi. Tuy nằm chờ chết nhưng Philatô thấy mình đang quay trở lại pháp đình Giêrusalem. Lão nhận ra tức thì chiếc ghế chánh án mà trước kia lão thường ngồi để kín đáo dàn dựng ván bài hại người của lão. Một sức mạnh vô hình thúc giục lão bước lên và ngồi vào chiếc ghế xử án đó. Lão mệt nhọc bước lên từng bậc cấp và gieo mình vào lòng ghế. Trong giây phút thập tử nhất sinh nầy lão có cảm tưởng như có hai lựa chọn rõ rệt cho lão:

Một phía là Giêsu Nazaret, người mà lão ra lệnh đóng đinh mấy năm về trước. Chúa Giêsu đang đứng trước mặt lão, phía sau Ngài có muôn vàn người hiện diện. Những người đứng sau Ngài là hạng người mà lão đã phát lưu theo sách lược chính trị chung, hoặc trừ khử họ nhằm thỏa mãn khoái lạc thầm kín trong việc biểu dương quyền lực của lão. Giờ đây tất cả họ đang mặc áo choàng sáng chói và đang đưa tay mời lão nhập vào đội ngũ của họ.

Phía bên kia là một chiếc áo ngự bào màu tím thẩm uy nghi hấp dẫn, có các đường viền dát kim tuyến lộng lẫy. Chiếc áo ngự bào tím thẩm nầy thật dài và thân áo quyện hẳn vào một màn tối mênh mông vô định.

Lần đầu tiên trong đời, Philatô có một nhận định rõ rệt về điều mà lão được mời gọi: lão phải lựa chọn hoặc đứng vào hàng ngũ của Đấng Đã Chịu Đóng Đinh, hoặc nắm thật chắc chiếc áo ngự bào màu tím vương giả kia. Nói cách khác, lão phải lựa chọn hoặc về với Chúa Giêsu Kitô, hoặc buông mình cho bóng tối muôn đời bao phủ...