CHÚA GIÊSU RA TRƯỚC TÒA TỔNG TRẤN PHILATÔ



Sau khi lên án Chúa Giêsu xong, lập tức Hội đồng và một số đông người Do-thái điệu Chúa Giêsu đến đồn Antonia để xin Tổng trấn Philatô xét xử ngay. Đáng lý, bản án họ đã xét xử Chúa ở Hội đồng bây giờ thành bản cáo trạng tội đệ trình Philatô mới đúng. Nhưng làm sao xin nổi Tổng trấn Roma lên án tử hình vì lý do tôn giáo thuần túy, nhất là những cớ tôn giáo lờ mờ như vậy nầy ? Họ phải quay ngược môi miệng, tố ba thứ tội thuộc chính trị : xui dân làm loạn, cấm nộp thuế cho hoàng đế, tự xưng vương.

Đích thị là một vụ án chính trị đại hình. Nhưng tội thì phải có chứng cớ. Tội xui dân làm loạn hoặc cấm dân nộp thuế cho hoàng đế Roma chắc phải gây ra một náo loạn mà Philatô phải biết tới hoặc ít ra những tên mật vụ biết hoặc ít nữa phải có chứng cứ rõ ràng, hơn nữa Philatô thừa biết dân Do-thái ghét cay đắng Roma làm sao có chuyện dân chúng đi nộp một người “ái quốc”. Thế thì chắc đám dân chúng này ghét “Giêsu” mới tới tố cáo tội hoặc là mưu mô của nhóm trí thức Do-thái muốn làm cho Philatô trở nên lố bịch khi xét xử và lên án một người ngớ ngẩn tự xưng “mình là vua”.

Nghĩ như thế, Philatô khinh khỉnh hỏi Chúa Giêsu : “Ông là Vua Do-thái ư ?”. Rồi nghe Chúa Giêsu tự xưng mình là vua mà lại không có “một tấc đất” ở trần gian nầy, Philatô cho Chúa là một kẻ gàn dở, vô hại, ông ta nói với dân Do-thái : “Ta không thấy nơi người nầy một lý do gì để khép án” (Gioan 19,38). Dĩ nhiên ông phải tha.

Các Thượng tế và luật sĩ nhao nhao lên tố tội Chúa Giêsu như trước và đòi giết. Bản tính nhu nhược và do dự, Philatô không biết xử cách nào cho ổn. Hơn nữa, ông biết rõ dân chúng Do-thái bị ông trị tội thẳng tay nhưng chúng có thể làm cho ông mất chức : chúng cử phái đoán tới Roma đút lót tiền cho quan quyền thế lực ở đó kêu nài Hoàng đế tội lỗi của ông… Ông nghĩ tới vua Hêrôđê, giao cho Hêrôđê xét xử vụ này. Nhưng trước mặt Philatô, đại diện cho quyền lực thế gian, Chúa Giêsu trả lời, còn trước mặt Hêrôđê, Ngài yên lặng tức là Ngài không thừa nhận quyền hành của Hêrôđê, cái con người mà Ngài gọi là “con cáo” để tố tội lỗi của ông. Để khỏi mất thể diện, Hêrôđê chê Chúa là người dại dột, cho mặc áo trắng rồi trả về Philatô.

Thất bại, ông nghĩ tới giải pháp thứ hai : cho đánh đòn Chúa Giêsu để thỏa mãn lòng dân ghen ghét Ngài rồi tha. Nhưng ông vụt nghĩ tới một diệu kế có lẽ giúp ông thoát khỏi vụ rắc rối nầy chăng ? Ông bắt dân chúng đi tới một quyết định đạo đức thực sự : tha Chúa Giêsu vô tội hay tha Baraba, một người nổi loạn can án giết người ? – Dân chúng đưa ông tới chân tường : tha Baraba, giết Giêsu.

Lệnh ông đã ra “sẽ cho đánh đòn Chúa Giêsu”, ông không rút lại. Luật pháp Do-thái hạn định chỉ được phạt tội nhân không quá 40 roi, nên thường người ta chỉ đánh 39 roi cho chắc. Luật Roma xem hình phạt đóng đinh trên thập giá và đánh đòn mang hình thức ô nhục, không xứng đáng với người tự do, nên các hình phạt đó ra cho người nô lệ và dân bị trị. Đã là nô lệ thì làm gì được pháp luật che chở : Đòn cứ đánh tha hồ tùy ý định của Quan án hoặc sức khỏe của lý hình. Vì thế, Chúa Giêsu phải chịu một trận đòn hết sức tàn ác : thân thể trần truồng, bị căng ôm lấy cột lớn, hứng chịu tất cả mọi đòn đánh bằng xích sắt, dây da đầu có hòn chì hoặc khúc xương cừu và gậy gỗ. Chịu trận đòn dở sống dở chết xong, Chúa còn chịu đội mão gai bằng gai táo và đứng làm đối tượng cho quân lính chơi trò “vua”. Khảo sát tấm khăn liệm ở Thành Turin, bác sĩ Barbet cho biết thân thể Chúa bị đòn vọt khắp nơi : hai vai, lưng, ngực, phần dưới lưng, đùi, bắp chân, lằn roi đầu chì còn ghi rõ trên chân, những hạt chì đâm sâu vào bắp thịt, máu tuôn ra linh láng, mặt mày sưng húp.

Nhìn thân hình tàn tạ, máu me như vậy, ai mà không thương, ai mà không động lòng trắc ẩn ? Philatô đoán vậy nên ông đưa Chúa ra cho dân chúng Do-thái xem : người này đâu là người nữa !! (Ecce homo). Các Thượng tế và luật sĩ xúi dân hô lên : hãy đóng đinh nó ! Philatô nói giỗi : Tụi bay hãy đem đi mà đóng đinh ! Dân chúng gào thét to : Chúng tôi có luật, và chiếu luật theo luật đó thì nó phải chết, vì nó dám cho mình là Con Thiên Chúa.

Nghe đám quần chúng thét “Nó dám cho mình là Con Thiên Chúa”, Philatô liên tưởng tới các thần trong các truyện thần thoại Hy-lạp, phải chăng Vị Giêsu đây là một vị thần, nên Philatô đưa Chúa vào hỏi : “Ông bởi đâu đến ?” (Gioan 19,9). Chúa yên lặng không đáp, Philatô tức giận, nói rằng : “Ông không biết ta có quyền tha ông và đóng đinh ông sao ?” – Chúa đáp : “Ông chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho; bởi vậy, kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn” (Gioan 19, 10-11).

Đến giây phút này, Philatô đã nhận ra Chúa không phải là người gàn dở nữa, ông nóng lòng tha Chúa ngay nhưng khi đưa ra hỏi ý dân, dân chúng gào thét “đóng đinh” và đe dọa tố ông lên hoàng đế Cêsarê tội Philatô tha một người tự xưng vương. Tổng trấn nhu nhược này khiếp sợ lời đe dọa của dân chúng, rửa tay phân phô mình vô tội và giao Chúa cho dân chúng đem đi đóng đinh.

Đóng đinh người vô tội, làm khổ người thánh thiện, hầu như không có luật pháp nào cho phép. Nhưng các chính nhân thường hay bị xã hội ngược đãi, giết chết và may ra mới được người sau minh oan, truy tặng. Luật pháp lên án các Ngài thường nhân danh đạo đức, tôn giáo, phong tục mà thực ra là những tập tục, những định kiến chẳng ăn nhằm gì tới bản thể của đạo đức, tôn giáo.

Thí dụ vụ ném đá chết thánh Stêphanô. Chính Phaolô đã nhúng tay vào và hơn thế nữa khi ngài đi thành Đamas để bách hại người theo Chúa Giêsu, Phaolô nhân danh tôn giáo, nhân danh truyền thống để làm, ngài đâu có biết mình sai lầm cho tới khi Chúa “quật ngã ngài” trước cửa thành.

Trong vụ án Chúa Giêsu, hành động của các thượng tế, luật sĩ và một số dân chúng khác hành động của Phaolô. Một bên vì ngay thẳng (bonne foi), Phaolô hành động; một bên cố tình gây ra, cố tình gian dối để gây ra án mạng. Tổng trấn Philatô biết Chúa vô tội mà không đem thân thế và sự nghiệp ra để bênh vực lẽ phải, ông không tránh được tội. Nhưng có nhiều người hơn được Philatô không hay còn tệ hơn, còn không biết “rửa tay” phân bua mình vô tội, trái lại đi hùa bè với tội lỗi ? Cảnh trắng bôi thành đen, vu oan giá họa để bảo vệ chức vị, quyền lợi hại người ngay chính không phải là hiếm.

Tội ác của các thượng tế, luật sĩ, dân chúng Do-thái và Philatô đối với Chúa Giêsu không phải là tội riêng của nhóm đó mà thôi mà còn là tội chung của một số đông nhân loại, của tôi, của anh nữa nếu bao lâu ta còn sống trong tội lỗi, còn loại trừ Chúa Giêsu.