Lời ngỏ của quan Tổng trấn Philatô cùng các tín hữu Chúa Giêsu Kyrixitô.

Xin chào các Bạn và xin được tự giới thiệu: Tôi là quan tổng trấn Philatô.

Lẽ dĩ nhiên các Bạn biết đến tôi không phải qua gặp gỡ, hay đọc những gì do tôi viết. Nhưng kể từ khi Phúc âm viết về Chúa Giêsu của các Bạn, tên tôi được viết trong đó. Và nhất là từ khi Giáo hội Công giáo phổ biến kinh Tin Kính.

Hầu như ít là hằng tuần vào ngày Chúa Nhật, khắp nơi trên hoàn vũ đều đọc lên tên tôi khi tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa: Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập gía vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô!

Tôi được biết đến và trở thành nhân chứng lịch sử trong niềm tin đạo giáo của các Bạn, hay là người bị kết án khinh ghét?

Tôi là người Rôma thuộc dòng tộc quan lại thời đó, được cử làm Tổng trấn đại diện cho hoàng đế Roma, ở vùng miền đất Giudea bên Do Thái trong đế quốc Roma, vào thời gian từ năm 26 đến năm 36 sau Chúa giáng sinh.

Tôi sinh ra thuộc gia đình khá gỉa quyền qúi bên Roma, nên con đường công danh sự nghiệp của tôi rất thênh thang. Từ một sĩ quan trong binh nghiệp tôi được Hoàng đế cất nhắc lên hàng công chức cao cấp. Và được Hoàng đế tin tưởng sai đi làm đại diện cho ngài ở các vùng tỉnh trong đế quốc Roma thời bấy giờ.

Các Bạn tín hữu Công giáo nhận xét thẩm định về tôi rất khác nhau: người thì cho rằng tôi là một người tử tế, có tâm địa hoà nhã.

Người khác lại cho rằng, tôi là một người tham nhũng, bướng bỉnh, có tâm địa xấu xa nham hiểm, chỉ biết đến quyền thế!

Có những người kết luận rằng: cuộc đời của tôi kết thúc trong cô đơn, sau cùng chết vì tự tử! Nhưng có những người khác lại nghĩ rằng: Tôi được phúc tử vì đạo. Bằng chứng là các tín hữu Chúa Kitô thuộc giáo hội Cốp bên Ai cập mừng kính tôn vinh tôi như một vị Thánh vào ngày 19.06. hằng năm mà!

Nhưng đời sống tôi từ khi tôi không còn là Tổng trấn toàn quyền bên xứ Giudea nước Do Thái, và những gì xảy ra sau này cho cuộc đời tôi, tôi không muốn đề cập đến.

Tôi trở nên quen thuộc. Vâng, thành nổi tiếng được nhiều người từ hơn hai nghìn năm nay biết đến, qua vụ xử án Chúa Giêsu Kyrixitô thành Na-da-réth xứ Do Thái của các Bạn. Ông Giêsu như các Bạn qủa quyết là Ðấng Thiên sai, vị Vua lòng con người, và Vị cứu thế mà các Bạn tôn thờ kính yêu.

Khi suy ngắm 14, hay có nơi 15 chặng đàng Thánh gía Chúa Giêsu Kitô, ngay nơi thứ nhất các Bạn đã đọc: Quan Philatô luận giết Ðức Chúa Giêsu.

Các Bạn cho rằng tôi đã kết án giết Chúa Giêsu của các Bạn. Tôi không cãi chối phủ nhận điều các Bạn qủa quyết. Nhưng bản án giết Chúa Giêsu đã được sắp đặt tuyên án do các nhà chức trách trong đạo Do Thái thời đó muốn như vậy, trước khi họ điệu giao nộp Ông Giêsu đến cho tôi. Họ đưa ra án lệnh và biểu quyết phải hành quyết Ông Giêsu. Tôi chỉ là người thi hành án lệnh đã ra. Vì chỉ người Roma thời lúc đó ở nơi đó mới có quyền thị thực và thi hành lệnh án luật pháp, như tử hình hay giam giữ thôi.

Cá nhân tôi, tôi tin Ông Giêsu của các Bạn là người vô tội. Tôi cố tìm cách để tha bổng Ông Giêsu. Nhưng tôi tự nghĩ, nếu tôi tha bổng Ông Giêsu, có lẽ tôi sẽ bị kiện cáo thưa tới Hoàng đế bên Roma, và tôi sẽ bị thất sủng không được làm quan tổng trấn thay cho Hoàng đế nữa.

Nói tắt, tôi có thể bị cách chức, bị cho về vườn, biết đâu có thể cả mạng sống tôi bị liên lụy tù tội nữa cũng nên chăng!!!

Vì thế, tôi lưỡng lực do dự không biết phải quyết định thế nào trong trường hợp này!

Ông Giêsu bị kiện cáo vì chính Ông đã tự nhận là: “Vua người Do Thái“. Và như thế, có thể gây ra nguy cơ rối loạn về chính trị cho thực dân đế quốc Roma lúc đó.

Nghe luận cứ họ đưa ra tố cáo như thế, nhưng khi đối diện với Ông Giêsu, tôi nhận thấy, vẻ bên ngoài của Ông ta gợi lên tấm lòng thương cảm. Và đồng thời từ trong tâm hồn Ông ta chiếu tỏa ra một chiều kích to lớn cao cả. Phải, nhân cách của một con người vĩ đại. Chính điều này gây ấn tượng rất mạnh nơi tôi.

Tôi cảm thấy điều gì cao cả nơi Ông Giêsu. Nhưng Ông ta đang đứng trước tôi chỉ là một tội nhân, một người yếu thế bị trói, không có quyền lực gì cả. Ðang khi tôi là một ông quan tổng trấn có đầy đủ mọi quyền hành đang xét xử Ông. Hai hình ảnh này qúa trái ngược tương phản nhau.

Tôi phải thành thật thú nhận, chính sự yếu kém không quyền hành của Ông Giêsu đã cũng cố tăng cường quyền hành sức mạnh của tôi. Những lời Ông Giêsu đã nói lên điều đó. Ông nói: Ông là Vua, nhưng không phải là một vị Vua ở trần gian để thống trị, và nước của Ông cũng không thuộc về trần gian. Ông chỉ muốn rao giảng làm chứng cho sự thật. Khi nghe Ông nói đến sự thật, tôi đứng phắt dậy và hỏi ngay: Sự thật là gì vậy? Ông muốn nói đến sự thật trong lãnh vực nào vậy?

Ông Giêsu muốn đề cập đến Thiên Chúa, người đã trao cho Ông tòan quyền trên trời dưới đất. Và Ông chỉ muốn làm chứng về Thiên Chúa đó, để mọi người biết nước của Thiên Chúa là nước tình yêu.

Những ý nghĩ suy luận này qúa xa lạ với tôi. Tôi là một chính trị gia thực tế không thiên về tưởng tượng hay ý thức hệ nào.

Nhưng phải chăng những suy nghĩ như thế không thành nguy hiểm cho đế quốc Roma sao? Và nếu tôi dùng quyền hành tha bổng cho Ông Giêsu, chính tôi cũng đứng về phía Ông ta, cùng công nhận điều mong muốn của Ông. Và như thế, có thể tôi trở thành kẻ tin Ông Giêsu, như các Bạn có thể nói như thế! Không đâu, tôi không làm chuyện đó đâu, quyền lợi của tôi trên hết.

Với tôi hoàng đế là trên hết. Phải chăng hoàng đế không phải là hiện thân của Thần thánh trong hình hài một con người sao?

Thật ra, tôi muốn rảnh tay với vụ việc Ông Giêsu. Nhưng sự sợ hãi càng lúc càng tăng thêm, khi đám đông dân chúng to tiếng tố cáo dữ dội hơn rằng: Ông Giêsu tự nhận mình là con Thiên Chúa.. Rồi thêm vào đó mạnh mẽ hơn, khi Ông Giêsu nói với tôi rằng: quyền hành của tôi, sau cùng cũng do từ Thiên Chúa ban xuống cho.

Ðám đông dân chúng thấy tôi do dự, họ lại càng to tiếng tố cáo ngược lại tôi: Nếu tôi tha cho Ông Giêsu, tôi không phải là bạn của Hoàng đế nữa! Lời cáo buộc này càng làm tôi bối rối sợ hãi, và đã làm tôi đi đến quyết định y án cho hành quyết Ông Giêsu.

Ðám đông thay đổi chiến thuật tố cáo Ông Giêsu lần nữa. Họ nói: Ông Giêsu tự nhận mình là Vua, như thế Ông Giêsu phủ nhận chối bỏ hoàng đế. Và họ chỉ biết hoàng đế bên Roma là vua của họ thôi. Ngoài ra không ai cả!

Với chiến thuật và luận điệu đó, họ đã đạt được mục đích họ mong muốn: họ bắt tôi phải chấp nhận bản án tử hình cho Ông Giêsu, mà họ đã sắp đặt!

Tôi bị thúc thủ và phải chấp nhận thi hành bản án tử hình giết Ông Giêsu của các Bạn, đóng đinh vào thập gía.

Sau khi đã hành quyết đóng đinh Ông Giêsu vào thập gía, những người lãnh đạo dân còn yêu sách với tôi đòi sửa đổi bản án viết trên thập gía của Ông Giêsu. Lần này thì tôi cứng rắn, không nhượng bộ chấp nhận lời yêu cầu của họ: Ðiều gì ta đã viết, cứ viết như vậy, không được sửa đổi!

Bản viết trên đầu thập gía Ông Giêsu tôi truyền viết dòng chữ:“ INRI - Giêsu Nadaréth, Vua dân Do Thái“.

Những dòng chữ này nói lên lý do tại sao Ông Giêsu lòng tin của các Bạn bị hành quyết đóng đinh vào thập gía. Và những chữ này cũng qủa quyết: Người bị đóng đinh đây rất có ý nghĩa cho mọi người. Ông ta muốn cảm hóa con người tin theo Ông ta, và cùng với Ông ta bước vào sự sống trong nước Thiên Chúa

Một hiệu qủa hay một sự lạ đã xảy ra lúc đó. Số là người lính của tôi có nhiệm vụ canh gác chỗ thập gía Ông Giêsu, là nhân chứng trong suốt thời gian Ông Giêsu bị đóng đinh còn treo trên thập gía, đã đấm ngực ăn năn tin vào Ông Giêsu là con Thiên Chúa, khi anh ta chứng kiến cảnh trời đất lay chuyển vào giờ Ông Giêsu gục đầu tắt thở chết.

Và cũng chính một tên phạm trộm cắp nguy hiểm cùng bị lên án hành quyết đóng đinh vào thập giá bên cạnh với Ông Giêsu, đã ăn năn hối lỗi, tin nhận Ông Giêsu là con Thiên Chúa. Và Ông Giêsu đã ban ân đức cứu độ cho tên này: Hôm nay anh sẽ về thiên đàng với Ta!

Có lẽ các Bạn sẽ hỏi tôi : Còn ông thì sao?

Vâng, tôi có những suy nghĩ lo lắng khác.

Thân nhân, đồ đệ Ông Giêsu đến xin được tháo gỡ xác Ông Giêsu đã chết xuống khỏi thập và đem đi mai táng. Tôi cho phép họ được làm chuyện này. Xác Ông ta được chôn kín trong một ngôi mộ có lính canh gác nơi cửa mồ. Nhưng sau đó, tôi lại nghe nói một sự khác lạ xảy ra: Ông Giêsu, người bị đóng đinh vào thập gía, đã chết cùng được chôn táng trong mồ dưới đất ba ngày đã chỗi dậy sống lại, và hiện ra với các môn sinh đồ đệ của Ông!

Khi nghe thế, tôi chỉ rụt cổ so vai làm thinh... Ðời sống tôi vẫn tiếp tục trôi đi với công việc hằng ngày của một công chức cao cấp làm quan tổng trấn vùng tỉnh lẻ xa thủ đô đế quốc Roma!

Dẫu vậy trong thâm tâm, tôi vẫn hằng nghĩ nhớ lại biến cố vụ án, cái chết của Ông Giêsu: tôi nghĩ tôi đã có liên quan, phải, tôi có trách nhiệm về cái chết của Ông Giêsu...

Nhưng người tín hữu các Bạn lại xưng tụng: Nhờ cái chết của Chúa Giêsu, trần gian được cứu rỗi! Như thế, tôi không phải chỉ là dụng cụ dự phần vào cái chết của Ông Giêsu. Nhưng còn là dụng cụ đóng góp vào công cuộc cứu rỗi cho các Bạn, phải, cho hết mọi người trên trần gian!

Tôi cũng nghe trong đêm thứ bảy tuần thánh vào dịp lễ mừng kỷ niệm Ông Giêsu của các Bạn sống lại, Giáo hội Công giáo các Bạn hát ca tụng:“ O felix culpa, quae talem ac tantum meruit habere Redemptorem! - Ôi! Tội hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Ðấng cứu tinh cao cả dường này!“ ( Exultet).

Như vậy, tôi có được phép hy vọng, tình yêu của Ðấng cứu chuộc bao bọc cho tội lỗi của tôi không?

Niềm hy vọng đã vươn lên trong màn đêm u tối của một tâm hồn tội lỗi!

Cám ơn các Bạn đã luôn đọc nhắc nhớ đến tên tôi cách trang trọng trong các Thánh lễ, trong nghi lễ Rửa tội, trong lúc tuyên xưng đức tin qua kinh Tin Kính của Giáo Hội Công giáo các Bạn.

Chúc các Bạn luôn giữ vững niềm tin vào Vua Giêsu đã thắng sự chết và đã sống lại của các Bạn!

Thân ái chào các Bạn.

Pontius Pilatus, Cựu Toàn quyền đế quốc Roma.

Lm. Nguyễn ngọc Long phóng tác/Khaiphá/LongXuyên