Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (CGKPV) tại Việt nam vừa cho phát hành hai cuốn sách giá trị, “Bốn Sách Tin Mừng” (BSTM) và “Đối Chiếu Bốn Sách Tin Mừng” (ĐCBSTM). Sách BSTM in bìa mỏng, giấy trắng, còn ĐCBSTM in bìa cứng, chữ mạ vàng, trông không thua gì các sách ấn hành tại ngoại quốc. Cầm sách trong tay, phải tạ ơn Chúa và cảm phục công trình của những người phiên dịch. Ai đã từng làm công tác dịch thuật đều biết đây là là một công việc công phu và vất vả. Dịch Thánh Kinh lại là một việc đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức hơn. Đây không phải là một việc làm ngẫu hứng của một cá nhân nhưng là một công trình tập thể, của nhiều chuyên viên về Kinh Thánh, thần học, khảo cổ, văn hóa, mục vụ, ngữ học, văn chương, âm nhạc …Việc này đòi hỏi cá nhân những người tham gia, cộng tác làm việc trong Nhóm Phiên Dịch phải chấp nhận những nguyên tắc làm việc chung. Theo nguyên tắc này, công việc cá nhân đôi khi tưởng được dễ dàng vì có thêm người cộng tác, hóa ra khó khăn hơn vì phải quên ý riêng của mình để làm việc trong tinh thần dân chủ và tôn trọng khả năng của người đối tác, của cả nhóm để có thể hình thành một công trình chung có ích lợi cao nhất, tốt nhất cho tập thể và cộng đồng dân Chúa khi sử dụng bản dịch. Làm việc cá nhân cứ theo ý mình suy là đúng, nghĩ là hay và rồi thì in ấn, phát hành. Trái lại, khi làm việc chung tuy có điều tốt là được học hỏi thêm điều hay ý lạ nơi những người cùng làm việc, nhưng nhiều khi phải hy sinh điều mình đã từng nghĩ là đúng, những điều mình xác tín đã ở với mình bao nhiêu năm, thậm chí suốt đời.
Cũng như các sách tôn giáo in và được phát hành trong nước, các sách của CGKPV phải có giấy phép của chính quyền, và hẳn nhiên giáo quyền xác nhận, cho phép. Dưới hàng chữ Nihil Obstat và Imprimatur có thêm ghi chú:
- 1.Việc cho Nihil Obstat và Imprimatur Bản Dịch Đối Chiếu Bốn Sách Tin Mừng là xác nhận nội dung không có gì sai lạc về đức tin và phong hóa. Điều đó không có nghĩa là đồng ý hoàn toàn với những nội dung cũng như cách dịch đã được diễn tả.
- 2. Việc cho Nihil Obstat và Imprimatur Bốn Sách Tin Mừng (với phần chú giải) không có nghĩa là bản dịch này được dùng trong phụng vụ.
- a) Chưa có bộ bài đọc mới, chính thức trong thánh lễ, có lẽ một phần vì không có ngân quỹ, một phần vì chưa hay không có ban chuyên môn để thẩm định.
b) Bản dịch của nhóm CGKPV không (chưa) được đưa vào phụng vụ, ấy là vì chưa có sự đồng nhất quan điểm giữa các cơ quan có thẩm quyền và nhóm.
Tuy thế, những vấn đề này có lẽ phức tạp hơn những lời ra tiếng vào trên mặt nổi. Mặc dù bản dịch sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ dành cho các nam nữ tu sĩ dùng trong các giờ Kinh Nguyện cũng như các sách Tin Mừng Cựu và Tân Ước đã được sử dụng từ trong nước cho đến hải ngoại, cộng đồng dân Chúa, giáo xứ cộng đoàn, các trang báo điện tử, mạng lưới toàn cầu của người Việt Nam đa số sử dụng bản dịch của Nhóm CGKPV từ nhiều năm nay; nhưng đồng thời, cũng đã nghe đây đó, được đọc một số bài vở viết về Nhóm và các bản dịch của Nhóm trên một số tạp chí đạo đời. Nhiều tác giả ít nhiều đã từng phê phán Nhóm, phê bình từ bản dịch Kinh Nguyện đến Lễ Quy Rôma (thực ra là của Ủy ban Phụng Tự), rồi đến cả toàn bộ bản dịch Kinh Thánh.
Nói cho đúng, trong bất cứ công việc nào, dù của cá nhân hay công trình của tập thể, vẫn rất cần những phê bình nhận xét giúp cho công trình hoàn thiện. Hơn nữa, đây là bản dịch Thánh Kinh, mà Lời Chúa thì bất diệt thiên thu nhưng lại sống động nơi con người và qua thời gian, văn hoá, quốc gia; hẳn người phiên dịch đều biết những nguyên tắc này để hoàn chỉnh hơn theo thời gian. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin được nêu lên một số vấn đề, và mong những vị có trách nhiệm cùng bàn bạc đi đến quyết định đem lại những gì tốt nhất cho Giáo Hội Việt Nam.
MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ NHÓM CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
Kinh nghiệm của các tổ chức dịch thuật có uy tín trên thế giới như United Bible Societies (UBS) và International Commission on English in the Liturgy (ICEL) cũng gặp nhiều vấn đề, và việc đón nhận phê bình luôn mang lại nhiều ích lợi. Nếu không thế thì chẳng cần phải có nhiều bản dịch, hoặc phải dịch đi dịch lại nhiều lần. Tuy nhiên, nhìn lại việc phê bình Nhóm CGKPV hình như chỉ dựa trên một số nhận định cá nhân, mang nhiều cảm tính. Theo dư luận và báo chí, chúng tôi ghi nhận được những phê bình như sau:
- 1. Nhóm CGKPV kiêu ngạo, tự cho mình là hay. Ai mà kiêu ngạo thì có giỏi mấy chăng nữa thiên hạ thường không ưa. Tuy nhiên, phải cẩn trọng trong nhận định này, vì giả dụ người dịch có kiêu ngạo đi chăng nữa, thì đây không phải là tiêu chuẩn để đánh giá bản dịch. Cần có tiêu chuẩn đánh giá khác hơn là dựa trên tính cách cá nhân người dịch. Hơn nữa, nhận định phê bình cần phải xem xét cẩn thận hơn là gán cho hai tiếng “kiêu ngạo” chung chung: một người thợ điện có thể giỏi lắp ráp điện nhà, nhưng không thể vì thế mà anh ta phê phán người kỹ sư điện kiêu ngạo, khi anh ta trình bày sơ đồ, hệ thống điện, mặc dù có thể anh kỹ sư không rành bắt dây điện trong nhà bằng người thợ điện.
- 2. Nhóm CGKPV làm việc đòi tác quyền. Đây cũng không thể dùng làm tiêu chí để đánh giá, nhận định một bản dịch. Hơn nữa, việc đòi tác quyền trong một bối cảnh nào đó nên làm rõ ràng và tuân theo chặt chẽ. Sống trong xã hội ít coi trọng giá trị lao động trí óc, coi việc sao chép, photocopy tài liệu, software là chuyện bình thường, chúng ta dễ vô tình lỗi đức công bằng mà cứ thản nhiên cho là mình khôn ngoan, mua hàng giá rẻ. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này.
- 3. Các bản dịch có nhiều điểm sai, có sai sót: đây mới đúng là tiêu chuẩn để đánh giá bản dịch. Dịch thiếu sót, bỏ chữ thì dễ đối chiếu, điều này chắc khó xảy ra. Dịch sai mới là vấn đề quan trọng, cần được xem xét đến nơi đến chốn, nhất là dịch Lời Chúa. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt giữa sai sót và cảm nhận thẩm mỹ. Chẳng hạn có người phê bình về việc Nhóm dịch kinh Sáng Danh. Họ cho rằng kinh Sáng Danh như chúng ta vẫn thường quen đọc là hay quá rồi, việc chi mà phải dịch lại, “Sáng Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng Sáng Danh Thánh Thần Thiên Chúa. Tự muôn đời như chính hiện nay, và luôn mãi thiên thu vạn đại, Amen.” Người phê bình cho là bản dịch mới sử dụng nhiều Hán ngữ, khó hiểu…Lời phê bình thoạt nghe cũng có lý, nhưng suy đi nghĩ lại, đó chỉ là vì chúng ta đã quá quen với kinh Sáng Danh đọc theo lối cũ. Đưa hai bản cho một người tân tòng, bảo họ đọc và học thuộc lòng, kinh nghiệm cho thấy đa số họ thích bản dịch mới hơn bản cũ, vì tuy thêm vài chữ thiên thu vạn đại, nhưng bản dịch mới đọc xuôi hơn, dễ nhớ hơn. Lại nữa, bản dịch cũ dùng những cụm từ có trước vô cùng, hằng có, đời đời chẳng cùng nghe cũng khó hiểu. Nghiệm ra đây là vấn đề thuộc thẩm mỹ nhiều hơn; và nếu là người tân tòng lần đầu học kinh, họ thường thích bản kinh mới hơn.
- 4. Nhóm CGKPV khăng khăng theo ý mình, không chịu sửa đổi. Chúng tôi không có chi tiết về những điều đóng góp sửa đổi, nhưng có được đọc qua các bản dịch, bản giải thích cách dịch và cách làm việc của Nhóm phiên dịch Nghi Thức Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Tự (trong quá khứ có một số thành viên thuộc CGKPV, có cách làm việc giống nhau), trộm nghĩ không biết đóng góp vấn đề có cụ thể, có đúng không, hay cũng chỉ là những nhận định cảm tính giống như vấn đề kinh Sáng Danh ở trên. Điều này rất phức tạp, cần đóng góp thật cụ thể, không chỉ nhận xét chung chung, để rồi cuối cùng nếu vấn đề tranh cãi không đi đạt được kết luận, thì cần dùng lá phiếu để chấp nhận đa số tương đối. Khi có kết luận rồi, không hẳn phe thiểu số sai, nhưng đây chỉ là vấn đề giữa hai cái đúng, và tuân theo quyết định của đa số mà thôi.
Trở lại cách làm việc của Nhóm CGKPV, theo các bài viết của một số các thành viên viết và đăng tải trên một số cơ quan truyền thông thì được biết: nhóm bao gồm một số linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ có khả năng chuyên môn, nếu không nói là một số thành phần ưu tú đã được đào tạo tại ngoại quốc cũng như trong nước, và có trình độ nhất định. Việc Nhóm đã tập hợp được nhiều cá nhân có trình độ chuyên môn về Thánh Kinh, Thần Học, Ngôn Ngữ, Âm Nhạc, Mục Vụ, cùng làm việc hơn 30 năm qua là một thành quả đáng được khâm phục và trân trọng. Nhóm đã cống hiến, cho ra đời những công trình tập thể rất có giá trị. Chúng ta cũng không thể vì một số sai sót (chắc chắn phải có trong bất cứ công trình cá nhân hay tập thể nào) để coi thường hoặc vội vã phê phán. Có thể có những điểm dị biệt mà vị phê bình nào đó thấy không thể chấp nhận được, nhưng không thể vì thế mà chủ quan đánh giá một công trình tập thể được. Hơn nữa, khi nhìn lại quá trình làm việc của Nhóm, khách quan mà nhận định, phải đồng ý rằng, ngay từ thuở ban đầu cho đến hiện nay, công việc dịch thuật chuyên môn về Kinh Thánh của Nhóm có thể nói chỉ nhằm mục đích phục vụ Giáo hội Việt nam hơn là đi tìm tư lợi. Với khả năng ngôn ngữ của những dịch giả, nếu họ có ý tìm lợi nhuận tài chính đơn thuần, thì dịch tiểu thuyết hoặc sách giáo khoa dễ kiếm tiền hơn, mà cũng chẳng cần phải vất vả, thận trọng, chấp nhận nguyên tắc làm việc của cả một tập thể, chờ đợi để cho ra đời những tác phẩm mà trước khi in ấn phải xin phép lâu ngày, cả đời lẫn đạo; cũng như có lúc phải nghiên cứu cả kho sách này, tập tài liệu kia mãi mới đưa ra được một định nghĩa, một câu nói hay chữ viết trong một đoạn văn. Nói thế để chúng ta có thể nói rằng những thành viên đang làm công việc phiên dịch như Nhóm CGKPV đều có lòng khao khát muốn rao truyền Lời Chúa cho Giáo Hội bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đây là khao khát của người gieo giống Tin Mừng. Phải là người yêu mến Lời Chúa, yêu mến Giáo Hội, yêu mến ngôn ngữ, và mong ước phổ biến cho cộng đồng Dân Chúa lắm mới có thể ròng rã năm tháng làm công việc phiên dịch để cho ra đời những dịch phẩm mang tên tập thể, không được hứa hẹn cả quyền lợi lẫn danh vọng cá nhân.
Theo luật Giáo hội, việc cho phép sử dụng bản dịch Thánh Kinh, và bản dịch trong phụng vụ là quyền hạn của Hội Đồng Giám Mục (HĐGM). Như thế, bản văn trong phụng vụ là do HĐGM chịu trách nhiệm và chấp thuận. Hai bản dịch đề cập trên đây không phải là sách phụng vụ, nhưng vẫn có thể ứng dụng cách nào đó để sử dụng trong phụng vụ. Khách quan mà nhận định, việc Nhóm CGKPV đã tập họp được đa số những dịch giả có khả năng thật sự, ít nhất là trong nước, thì tại sao lại không sử dụng khả năng của những chuyên viên này để cùng làm việc, hợp tác trong việc phục vụ Giáo hội? Có người cho rằng vấn đề chính ở đây là chuyện tác quyền, vì nếu là sách phụng vụ, số lượng in ấn sẽ không nhỏ, in đi lại có khi hàng chục năm trời, nếu phải chia tác quyền thì đem lại nhiều vấn đề rắc rối. Thực ra, như đã nói ở trên, có lẽ nếu được cùng bàn thảo và trao đổi, vì lợi ích chung của cộng đồng dân Chúa và Giáo Hội, thì Nhóm CGKPV hoặc đa số thành viên sẽ không quá đặt nặng vấn đề lợi nhuận và tài chính, nếu mục đích ban đầu của họ chỉ nhằm phục vụ Giáo hội Việt nam. Ước mong các thành viên mãi giữ được tâm tình như thế. Là những người có chuyên môn, được học hỏi và có khả năng chuyên biệt, đã biết và làm việc tập thể hàng chục năm trời mà không được tạo điều kiện để cùng làm việc, cộng tác thì hỏi làm sao có thể tìm ra một số lượng dịch giả chuyên môn tương đương cả về phẩm lẫn lượng, cùng làm việc trong một thời gian lâu dài như thế để ra những dịch phẩm có chất lượng tương tự, chứ chưa nghĩ đến việc làm tốt hơn.
Dư luận khác cho rằng vì Nhóm không chịu sửa đổi những đề nghị. Theo suy luận như trình bày ở trên, chúng ta cần lưu ý đến sự khác biệt giữa thẩm mỹ, yêu thích cá nhân và những điều cần thay đổi thực sự. Chúng ta không ngây thơ đến nỗi tin bản dịch của CGKPV là hoàn hảo, không có thiếu sót nào, không cần đóng góp sửa chữa. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi đề nghị những sửa đổi; hơn nữa, phải cố gắng tuân theo nguyên tắc tập thể. Một cá nhân dịch giả có thể rất giỏi, rất uy tín, có chức vị nhưng cũng có thể không được sự đồng tình của đa số khi cần có quyết định về một vài vấn đề dịch thuật do ngôn từ, do cách hành văn. Nếu lấy cách làm việc chung: vox populi, vox Dei là nguyên tắc tối thượng, thì cần triệt để theo nguyên tắc này. Dịch giả không đồng ý có quyền bảo lưu ý kiến của mình, nhưng vẫn phải theo quyết định chung. Nói thế để thấy rằng có những vấn đề tưởng đơn sơ, những câu tưởng dễ quyết định nhưng thật ra đã là đề tài tranh cãi mất nhiều thời giờ. Thông thường, những gì đòi hỏi thay đổi, mới lạ sẽ dẫn đến tranh cãi, và trong việc thảo luận để đi đến thống nhất, phái truyền thống thường có ưu thế trên phái đòi cải tổ. Lý do? Tại vì tâm lý đa số ít muốn thay đổi; tại vì văn bản cổ thường mang lại những tình cảm ‘thánh thiêng’, ‘cổ kính’ đã có tự lâu đời, mà bản dịch mới không có được; tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trên để đi đến quyết định không làm gì cả thì có lẽ giờ đây chúng ta cũng vẫn còn dùng những tiếng như Câu rút, Chúa Dêu, vào lòng Đạo Hoà Lan...và nói rộng ra nữa thì cũng chẳng có công đồng Vatican II và nhiều thay đổi lớn lao khác trong Giáo hội.
Chỉ riêng việc dịch tên riêng và quy ước viết tên riêng cũng đem lại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu ai có theo dõi, đọc bản tin của nhóm CGKPV gửi cho bạn đọc ngày 30-9-2000 đăng trên mạng lưới internet đều thấy các dịch giả đã làm việc như thế nào, vận dụng nguyên tắc nào, với mục đích gì và tại sao làm như thế thì phải công nhận việc làm của Nhóm có lý lẽ hẳn hoi. Và để đạt được quyết định chung cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở làm việc có nguyên tắc hướng dẫn. Như thế, tuy bản dịch vẫn cần được góp ý để hoàn chỉnh, nhưng việc đóng góp và xét duyệt cũng phải cần đến những cá nhân có khả năng, và cũng làm việc, bàn thảo theo nguyên tắc dân chủ để đi đến kết luận cụ thể. Không thể chỉ vì vài nhận xét chung chung và cảm tính của một vài cá nhân, cho dù người đó có chuyên môn hay uy tín để ra quyết định, đặc biệt trong những công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao độ. Có người còn cho rằng vì Việt nam chưa có Hàn Lâm Viện quy định ngôn ngữ, nên mới đưa đến tình trạng lộn xộn trên. Thực ra, trong những nước phát triển như Pháp, Mỹ, việc dịch thuật và thống nhất ngôn ngữ, tên riêng cũng không đồng nhất và không phải là không có vấn đề. Nếu không thì đã chẳng có nhiều bản dịch, nhiều cách phiên âm, ghi tắt khác nhau.
MỘT VÀI QUAN SÁT VỀ TÌNH HÌNH DỊCH KINH THÁNH TẠI HOA KỲ
Qua các vấn đề vừa nêu trên tại Việt Nam, chúng ta thử tìm hiểu về tình hình dịch Kinh Thánh tại Hoa Kỳ, để có một cái nhìn so sánh. Về số lượng các bản dịch, Hoa Kỳ có lẽ là nước có nhiều bản dịch nhất trong một thời gian tương đối ngắn xét về mặt lịch sử dịch thuật Thánh Kinh. Tuy nhiên, ít ai dám cho rằng các bản dịch này thừa hay sai sót, mặc dù các bản dịch khá khác nhau. Đó chính là vì các bản dịch nhắm vào những đối tượng độc giả khác nhau. Cũng chẳng ai dám cho rằng nhóm phiên dịch này giỏi hơn nhóm kia, tuy rằng có sự khác biệt về trình độ. Thật ra, vì số chuyên gia Thánh Kinh tại Hoa kỳ khá phong phú và có nguồn tài chánh đáng kể nên mới có thể làm được công việc này. Việt Nam chúng ta chưa có đủ chuyên gia trong ngành, nên cần phải nghiên cứu cách làm việc hiệu quả nhất để tránh mọi sự lãng phí và đem lại ích lợi nhất cho cộng đồng dân Chúa. Hơn nữa, làm việc cá nhân thì khó có thể so với tập thể xét về mặt chất lượng thành phẩm. Trong các bản dịch tại Hoa Kỳ, phải kể đến những bộ Kinh Thánh uy tín như King James (KJV), Revised Standard Bible (RSV), New Revised Standard Bible (NRSV), New American Bible (NAB) của Công Giáo, New International Version (NIV), New American Standard Version (NASV) đến những bản rất phổ thông như Living Bible, New Living Bible, Good News Bible hay còn gọi Today’s English Version (TEV) và Contemporary English Version (CEV). Khác nhau về phẩm cũng như về đối tượng phục vụ và quan niệm phiên dịch, các bản dịch này đều do những nhóm chuyên viên thông thạo ngôn ngữ Thánh Kinh, có sự hợp tác của các chuyên gia ngôn ngữ, âm nhạc, phụng vụ, khảo cổ, văn hóa nên sản phẩm của họ đóng góp cho việc học hỏi lời Chúa rất nhiều. Khi làm công việc dịch thuật, họ thường cho ra đời những công trình song song trình bày công việc họ làm, đặc biệt đối với Thánh Kinh Hội Hoa Kỳ (American Bible Society - ABS) hay Thánh Kinh Hội Quốc tế (United Bible Societies - UBS). Những tác phẩm song song này rất có giá trị cho những người muốn học hỏi thêm về Kinh Thánh hay phương pháp dịch thuật. Đọc những tác phẩm đó cũng tương tự như cùng ngồi thảo luận và tranh cãi với các dịch giả để thấu đáo vấn đề. Bản Chú thích Bản dịch Nghi thức Thánh Lễ của Ủy Ban Phụng Tự cũng có dạng như thế. Những người phê bình có trách nhiệm theo thiển ý nên tham khảo, tìm hiểu cách thức các dịch giả đã làm trước khi đưa ra phê bình. Nói thế không có nghĩa là không được phê bình khi không có các tác phẩm này trong tay, nhưng chỉ nêu lên tính chất nghiêm túc của công việc và tránh những nhận xét chủ quan trong chuyên môn. Chưa hẳn một người đã học hỏi Thánh kinh nhiều tại ngoại quốc, rành rẽ ngôn ngữ Thánh kinh đã có thể dịch thuật ra tiếng mẹ đẻ của mình có tác dụng nhất cho độc giả. Một ưu điểm nữa của Hoa kỳ trong việc học hỏi dịch thuật Thánh Kinh là họ có nhiều phương tiện và sáng kiến áp dụng sử dụng điện toán trong việc học hỏi lời Chúa. Điều này có thể thấy được qua những tác phẩm rất giá trị trên máy điện toán như các chương trình Bibleworks, Logos... Càng nhiều bản Thánh kinh được in ấn, phổ biến càng nhiều trên internet và các software, càng có cơ hội giúp nhiều người học hỏi Lời Chúa và nhờ vậy Lời Chúa thấm nhập vào họ và làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động. Ưu điểm nhiều như thế nhưng cũng không phải vì vậy mà không có vấn đề. Hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể trình bày với quý độc giả một số chuyện xung quanh việc dịch thuật Thánh Kinh cũng như các bản văn phụng vụ qua Anh ngữ.
Đặc biệt với bản New American Bible (NAB) của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, bản dịch này đã bắt đầu từ năm 1944, khởi xướng theo tinh thần Thông Điệp Divino afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII, trong đó khuyến khích việc học hỏi dịch thuật từ văn bản gốc của Thánh Kinh, vì văn bản này được viết bởi các tác giả được linh ứng bằng nguyên ngữ của người viết, do đó có giá trị hơn mọi bản dịch, dù là mới hay cũ. Bản dịch này là thành quả của khoảng 50 học giả chuyên môn Thánh Kinh, đa số là người Công giáo (tức là có người không Công giáo trong ban dịch thuật). Các vị tổng biên tập đã tận tụy cả 25 năm trời cho công việc. Khi làm việc chung với nhau, họ cũng gặp nhiều vấn đề kỹ thuật phiên dịch, cách dịch thi ca, sử dụng tên riêng, các chữ viết tắt. Chẳng hạn nếu tuyệt đối trung thành với kỹ thuật lập đi lập lại trong Phúc âm thứ tư (Gioan) thì sẽ làm người nghe tiếng Anh bị chướng tai, nhưng nếu sửa đổi, để cho âm thanh êm dịu bằng cách thay thế từ ngữ thì lại đánh mất hiệu quả thơ ca mà người viết đã dùng. Cho nên cũng phải thoả hiệp, chọn cái này thì phải bỏ cái kia, rồi nếu chọn một phương pháp hay cách dùng nào đó thì lại phải liên tục trung thành với nó, tránh trường hợp tạo quá nhiều ngoại lệ, mất tính thống nhất, và còn nhiều vấn đề nữa. Bản dịch này cũng được sửa đi sửa lại, xem xét tới lui rất nhiều lần vì những khám phá mới trong ngành Thánh Kinh học, lịch sử, khảo cổ, ngôn ngữ, cách dùng từ sao cho không thiên vị phái nam. Từ năm 1978 đến đầu năm 1979, và tháng 11 năm 1980 thì họ quyết định chung cuộc cho thủ bản gốc; rồi từ tháng 12 năm 1980 đến tháng 9 năm 1986 là ban biên tập gặp nhau cả đến 50 lần để duyệt xét, ban biên tập cũng làm việc với ủy ban đặc trách do Hội đồng Giám mục đề cử trong năm 1982 để giám sát toàn chương trình duyệt xét. Họ làm việc dịch thuật và xét duyệt nhằm đưa ra bản dịch có thể đáp ứng ba mục tiêu: (1) có được một văn bản sử dụng được trong phụng vụ (2) để cá nhân đọc riêng, và (3) để nghiên cứu học hỏi. Phải trình bày hơi dài dòng công việc của người để thấy đây là một công việc đòi hỏi sự chuyên môn và nghiêm túc cao độ, không phải là một việc ai cũng làm được hay cứ muốn là làm. Đó cũng là thể hiện lòng yêu mến, tôn kính Lời Thiên Chúa.
TÌNH HÌNH DỊCH KINH THÁNH TẠI VIỆT NAM
Tình hình dịch thuật Thánh Kinh tại Việt nam thì sao? Trước năm 1975, chúng ta có một số bản dịch của linh mục Nguyễn Đức Huân, linh mục Nguyễn Thế Thuấn, bản dịch của anh chị em Tin Lành, và một vài sách Tân Ước của các cố Tây, và bản dịch theo các bài đọc Thánh lễ. Sau năm 1975 xuất hiện những bản dịch Tân Ước của linh mục An-Sơn Vị, hồng y Trịnh Văn Căn, và của nhóm CGKPV. Mỗi bản dịch đáp ứng từng thời kỳ cho những đối tượng khác nhau, không thể so sánh đánh giá cách đơn giản bản nào hơn bản nào. Hầu như bản nào cũng ít nhiều sai sót. Tuy nhiên, một nhận xét không thể bỏ qua là ngoài bản dịch trọn bộ Thánh kinh của CGKPV và của Tin lành, không bản nào trước đó là sản phẩm tập thể. Một nhận xét nữa là chỉ có bản dịch của cha Thuấn, cha Vị và nhóm CGKPV là dịch từ nguyên bản Híp-ri, A-ram và Hi lạp. Các bản khác đều dịch từ tiếng La-tinh, tiếng Pháp hay tiếng Anh. Chỉ riêng hai yếu tố phân biệt trên đã nâng cao giá trị của các bản dịch này, đặc biệt là yếu tố làm việc tập thể của CGKPV. Tình hình nhân sự của nước nhà không được dư thừa như ở ngoại quốc, phương tiện lại thiếu thốn đã làm việc dịch thuật khó khăn. Một yếu tố rất quan trọng nữa là tinh thần làm việc chung, hợp tác rất khó cho những người giỏi chuyên môn: ai cũng nghĩ mình là giỏi thì rất khó chấp nhận ý kiến khác mình. Nếu không có tinh thần chung, làm việc quên cái tôi thì rất khó cộng tác với nhau trong thời gian lâu dài như vậy. Điều này cũng cho thấy để đi đến quyết định chọn một từ ngữ, câu cú, và cách diễn tả, nhóm làm việc phải căng thẳng hơn khi làm việc một mình, khi chỉ cần theo suy nghĩ riêng. Dù cá nhân người viết chưa từng làm việc với Nhóm CGKPV, nhưng ai đã từng làm công việc dịch thuật ít nhiều đều biết những khó khăn các dịch giả gặp phải khi làm việc chung.
ƯỚC NGUYỆN SÂU XA
Việc thiếu chuyên gia về Thánh Kinh đã được các giáo phận và dòng tu trông thấy; nên trong thời gian qua, nhiều nơi đã cử người đi học thêm về Thánh Kinh tại các trường danh tiếng hải ngoại. Tuy nhiên, điều này cũng rất tốn kém, mất nhiều thời gian, và người đi học cần có khả năng thực sự. Người đi học chuyên môn Thánh kinh dù thế cũng không có nghĩa sẽ trở thành một dịch giả giỏi. Cần phải có sự hợp tác của những người chuyên môn trong các lãnh vực khác như Thần học, Ngôn ngữ, Âm nhạc, Khảo cổ, Văn chương, nghệ thuật, thậm chí phải lưu tâm đến những vấn đề mục vụ để đem lời Chúa đến cho người đọc. Nếu không, thì các bản dịch chỉ giúp được cho những người có học, còn giới bình dân không tiếp thu được bao nhiêu. Những người có học ngoại ngữ thì đôi khi có thể đọc Thánh Kinh bằng tiếng nước ngoài thấy dễ cảm nhận hơn là đọc những bản văn dịch trúc trắc, ngây ngô. Vấn đề phức tạp như thế, theo thiển ý, ước mong HĐGM Việt Nam sẽ chủ động cộng tác, trao đổi về những điều cần chấn chỉnh, sửa sai trong các bản văn Thánh Kinh hoặc phụng vụ hiện nay. Trên cơ sở những thành quả đã có của nhóm CGKPV, tận dụng những khả năng chuyên môn đặc thù quý báu này, chúng ta sẽ có những bản dịch tốt hơn cho Việt Nam. Về bản văn phụng vụ, Ủy ban Phụng tự có thể dùng bản dịch của nhóm để làm gốc, rồi cũng đi theo tiến trình làm việc chuyên môn, dân chủ để đi cho ra những bản dịch đáp ứng nhu cầu phụng vụ. Nếu vì lý do nào đó mà bỏ đi, không không sử dụng thành quả lao động của nhóm CGKPV, một công trình dịch thuật tim óc của một tập thể nhiều chuyên viên đã hình thành trong hơn 30 năm và hiện nay đang được cộng đồng dân Chúa trân trọng đón nhận sử dụng thì thật là môt điều rất đáng tiếc. Trong khi đó, để bắt đầu hoặc thiết lập, tiến hành một Uỷ ban dịch thuật mới với một số linh mục tu sĩ, trong đó có thể có một số vị có bằng cấp hoặc chuyên môn, nhưng nếu không đủ nhân sự và kinh nghiệm “trận mạc” không nhiều, chưa kể đến việc cùng cộng tác làm việc trong tinh thần tập thể, thì niềm hy vọng có những bản dịch tương đương hay đạt yêu cầu là chuyện rất mong manh.
Hơn nữa, với tâm tình thao thức cho Giáo Hội Việt Nam, để đào tạo một thế hệ và chuẩn bị cho tương lai của Giáo Hội tại quê nhà, có cần nghĩ đến một phương thức nữa là tận dụng kinh nghiệm và khả năng trình độ của các chuyên viên trong Nhóm CGKPV? Nếu được, HĐGM Việt Nam sẽ chủ động bàn bạc, nghiên cứu thành lập một loại trường, cỡ như Học Viện Thánh Kinh cho đất nước. Qua Học viện này, các nhà dòng, chủng viện hoặc giáo dân sẽ có người đến để được học tập cho trình độ chuyên môn và phục vụ tại chỗ; hoặc Học viện này sẽ đào tạo, chuẩn bị trước cho những ai có khả năng để tiếp tục đi học thêm ở nước ngoài. Học viện cũng sẽ là môi trường thực hành cho những chương trình phiên dịch (còn rất nhiều văn bản, tác phẩm của các Giáo phụ, văn kiện Giáo hội); những học viên mới tốt nghiệp nước ngoài có lòng yêu mến ước ao phổ biến Lời Chúa bằng tiếng mẹ đẻ có chỗ thực hành. Việt Nam đã đi chậm nhiều lắm so với nước ngoài về rất nhiều lãnh vực, đặc biệt việc học hỏi, nghiên cứu và phổ biến Thánh Kinh. Hiện nay Nhóm CGKPV đã kiên trì cộng tác làm việc với nhau trong hơn 30 năm qua, sao chúng ta không tận dụng, cùng ngồi lại để thực hiện một chương trình theo thiển ý rất cần thiết và có tính khả thi rất cao? Trường, hay Học viện này sẽ do một Giám mục chịu trách nhiệm, cùng với các ban chuyên môn để ra chương trình đào tạo, phiên dịch, phổ biến, xuất bản, học hỏi Thánh Kinh cho cả nước, nhờ đó, sự phát triển học hỏi Lời Chúa ngày càng lớn mạnh trên quê hương Việt Nam. Việc đóng góp này không những chỉ mang lại ích lợi cho Giáo hội Việt Nam, mà còn là viên đá đóng góp, xây dựng một nền văn hoá, ngôn ngữ tôn giáo bằng tiếng Việt rất cần cho nhu cầu “đạo vào đời” hay “hội nhập văn hoá.” Đây là một đáp ứng cho những đòi hỏi thách đố lớn lao của công việc truyền giáo, mà những ai có trách nhiệm với tiền đồ Giáo hội Việt Nam, cho đất nước Việt Nam không thể không quan tâm.
Tuy không phải là chuyên viên trong ngành phiên dịch Thánh Kinh, nhưng với tấm lòng thao thức, xin mạo muội đóng góp một số ý kiến, nhận xét với niềm mong ước cho việc phổ biến Lời Chúa, học hỏi Thánh kinh và công việc dịch thuật của Giáo Hội Việt Nam được vươn lên mạnh mẽ, sớm theo kịp đà tiến, tiêu chuẩn của thế giới, hoặc ít ra cũng không bị bỏ quá xa vì những hạn chế có thể khắc phục. Cũng có thể Giáo Hội Việt Nam đã có những chương trình hợp tác làm việc mà chúng tôi không được biết. Nếu được như thế thì quý hóa thay! Nguyện ước chân thành gửi đến quý độc giả và những vị có trách nhiệm sớm tìm được giải pháp tốt nhất cho Lời Chúa thấm nhập vào tín hữu Việt Nam và biến thành kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của những người tin vào sức mạnh soi sáng và biến đổi của Lời
Giuse Nguyễn An
(Trích từ Maranatha số 50)