DẪN NHẬP TỔNG QUÁT
1.Thượng hội đồng giám mục năm 2008 đã được giao cho chủ đề Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI lấy lại và đào sâu các chủ đề được khai triển trong Thượng hội đồng lúc đó trong Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của ngài, tựa là Verbum Domini. Ngài đặc biệt nhấn mạnh: "Sự suy tư thần học chắc chắn luôn coi linh hứng và sự thật như hai khái niệm chủ chốt cho khoa giải thích trong giáo hội về các sách thánh. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận nhu cầu hiện tại mốn đào sâu một cách thỏa đáng các thực tại này để chúng ta có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu liên quan đến việc giải thích các bản văn thánh thiêng theo bản chất của chúng. Trong viễn cảnh này, tôi tha thiết cầu mong rằng việc nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể tiến triển và nó sẽ mang lại kết quả cho khoa học Thánh Kinh và cho đời sống thiêng liêng của các tín hữu "(số 19). Đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha, Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh mong muốn đề xuất được một đóng góp vào việc thấu hiểu chính xác hơn các khái niệm linh hứng và sự thật, với ý thức đầy đủ rằng các khái niệm này hoàn toàn lưu ý tới chính bản chất của Thánh Kinh và ý nghĩa của nó đối với đời sống của Giáo hội.
Cộng đồng phụng vụ, trong đó mọi tín hữu gặp gỡ Thánh Kinh, là nơi trong đó, việc công bố Lời Chúa có ý nghĩa nhất và long trọng nhất. Trong thờ phượng Thánh Thể - gồm có hai phần chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể (xem Sacrosanctum Concilium số 56) - Giáo hội cử hành "mầu nhiệm vượt qua; bằng cách đọc ‘trong tất cả các sách thánh điều có liên quan đến nó'(Lc 24:27), bằng cách cử hành Bí tích Thánh Thể, trong đó 'việc chiến thắng và toàn thắng của cái chết của Người trở thành hiện thực' và đồng thời bày tỏ lời cảm tạ ‘với Thiên Chúa vì hồng ân khôn tả của Người' (2 Cr 9:15) trong Chúa Giêsu Kitô 'để ca ngợi vinh quang của Người' (Ep 1: 12) bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần"(Sacrosanctum concilium 6).
Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Thiên Chúa Cha, trong lời nói và công trình cứu độ của Người, và sự kết hợp của cộng đồng tín hữu với Người, là trung tâm của cộng đồng này. Mục đích của toàn bộ cuộc cử hành là làm cho Chúa Giêsu hiện diện ở giữa cộng đồng tín hữu, và cho phép ta gặp gỡ và kết hiệp với Người và với Thiên Chúa Cha. Chúa Kitô, trong mầu nhiệm Vượt qua của Người, được công bố trong bài đọc Lời Chúa, và được cử hành trong phụng vụ Thánh Thể.
Phụng vụ Lời Chúa và Bối cảnh Thánh Thể của nó
2. Mỗi tuần, vào Chúa Nhật, tức là ngày của Chúa, ngày mà Giáo hội coi là "ngày lễ nguyên ủy" (Sacrosanctum Concilium số 106), sự phục sinh của Chúa Kitô được cử hành một cách vui tươi và long trọng đặc biệt. Vào ngày này, trong đó bàn tiệc Lời Chúa phải được trình bày cho các tín hữu "một cách phong phú hơn" (Sacrosanctum Concilium số 51), người ta hát các câu thánh vịnh và ba bản văn Thánh Kinh được công bố, mà bản đầu thường lấy từ Cựu Ước, sau đó là các trước tác không phải là Tin Mừng của Tân Ước, và cuối cùng là một bản lấy từ một trong bốn Tin Mừng. Sau khi đọc từng bản trong hai bản văn đầu tiên, người đọc nói: "Lời của Chúa" và các tín hữu đáp: "Tạ ơn Chúa." Khi kết thúc việc loan báo Tin Mừng, phó tế hoặc linh mục hát hoặc nói "Đó là Lời Chúa" và dân chúng đáp lại: "Lạy Chúa Giêsu Kitô Ngợi khen Chúa" Trong các cuộc đối thoại ngắn ngủi này, hai đặc điểm của đọc và nghe được nhấn mạnh: người đọc làm nổi bật tầm quan trọng trong hành động của mình và kêu gọi các độc giả ý thức đầy đủ sự kiện này những gì được truyền đạt cho họ thực sự là Lời của Thiên Chúa hay chuyên biệt hơn là Lời của Chúa (Chúa Giêsu), Đấng, trong con người của Người vốn là Lời của Thiên Chúa (xem Ga 1:1-2). Về phần mình, các tín hữu bày tỏ thái độ tôn trọng khiêm hạ họ dùng để tiếp nhận Lời Chúa ngỏ cùng họ: đầy lòng biết ơn, họ lắng nghe với niềm vui và lời ca ngợi Tin mừng của Chúa Giêsu.
Mặc dù những khoảnh khắc khác nhau này của phụng vụ không phải lúc nào cũng được chu toàn một cách hoàn hảo, phụng vụ Lời Chúa tạo thành một nơi ưu tuyển để truyền đạt: Thiên Chúa, trong lòng nhân từ của Người, ngỏ lời với dân của Người bằng lời nói của con người, và dân Người chào đón Lời Chúa với lòng biết ơn và ca ngợi. Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, đỉnh cao và thành tựu của việc Thiên Chúa truyền đạt với nhân loại, được cử hành trong phụng vụ Lời Chúa, và một cách đầy đủ hơn nữa trong phụng vụ Thánh Thể. Trong phụng vụ này, ơn cứu chuộc loài người được thể hiện, và, đồng thời, sự tôn vinh Thiên Chúa cao nhất và hoàn hảo nhất cũng được thể hiện. Việc cử hành không phải là một hình thức nghi lễ bề ngoài, vì mục tiêu của nó là nhằm việc các tín hữu "học cách tự dâng chính mình và, từ ngày này qua ngày nọ, được hoàn toàn tiêu giao (consommés), nhờ trung gian của Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau để cuối cùng, Thiên Chúa là tất cả nơi mọi người” (Sacrosanctum Concilium số 48). Sự kiện Thiên Chúa ngỏ lời của Người cho loài người trong lịch sử cứu độ và sai Con của Người xuống thế gian, Đấng vốn là lời nhập thể của Người (Ga 1,14), có mục đích duy nhất là hiến tặng con người sự kết hiệp với Người.
Bối cảnh nghiên cứu linh hứng và sự thật của Thánh Kinh
3. Trên cơ sở những gì chúng ta đã phát biểu cho đến nay về Lời Chúa trong phụng vụ Lời Chúa và liên quan đến việc cử hành Thánh Thể, chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta lắng nghe lời ấy trong bối cảnh thần học, Kitô học, cứu thế học và giáo hội học. Thiên Chúa đề xuất ơn cứu độ, một cách dứt khoát và hoàn hảo trong Chúa Kitô của Người, thể hiện sự hiệp thông giữa chính Người và các tạo vật của Người, những người được Giáo hội của Người đại diện. Nơi đây, nơi thích hợp nhất để công bố Thánh Kinh, cũng tạo thành bối cảnh thỏa đáng nhất để nghiên cứu linh hứng và sự thật. Như chúng ta đã nói, sau khi công bố các bản văn thánh kinh, phụng vụ luôn khẳng định rằng đó là "Lời Thiên Chúa" (hay "Lời Chúa"). Lời khẳng định này có một ý nghĩa kép: trước hết, nó nhằm mục đích xác định một Lời phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng cũng là một lời nói về Thiên Chúa. Hai ý nghĩa này liên kết mật thiết với nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới biết Thiên Chúa; và do đó, chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói về Thiên Chúa một cách thỏa đáng và đáng tin cậy. Đó là lý do tại sao chỉ có lời phát xuất từ Thiên Chúa mới có thể nói về Thiên Chúa một cách chính đáng mà thôi.
Việc khẳng định "Lời Thiên Chúa" ("Lời Chúa") mời gọi các tín hữu ý thức những gì họ đang lắng nghe và dành cho nó sự chú ý thích đáng. Họ phải có lòng tôn trọng và lòng biết ơn phải lẽ đối với Lời phát xuất từ Thiên Chúa, phải chú ý để nhận thức và hiểu những gì Lời này thông đạt về Thiên Chúa, và do đó bước vào sự kết hợp luôn sống động hơn với Người.
Tài liệu của chúng ta, với chủ đề "Linh hứng và Chân lý của Thánh Kinh" sẽ khai triển hai đề tài này. Khi người ta nói đến linh hứng của Thánh Kinh, họ khẳng định rằng tất cả các cuốn sách của nó "có Thiên Chúa là tác giả và chúng được truyền tải như vậy cho chính Giáo hội" (Dei Verbum 11). Do đó, để nghiên cứu khái niệm linh hứng của Thánh Kinh, điều thích đáng là tìm kiếm và xác minh những gì các bản văn Thánh Kinh nói về nguồn gốc thiêng liêng thích đáng của chúng. Sau đó, liên quan đến sự thật của Thánh Kinh, trước hết chúng ta phải nhớ rằng mặc dù có nhiều chủ đề đa dạng trong Thánh Kinh, tuy nhiên, chỉ có một luận đề chính và có tính trung tâm: Thiên Chúa là chính ơn cứu rỗi. Có nhiều nguồn tài liệu khác và các ngành khoa học khác để có được thông tri đáng tin cậy về các vấn đề đủ loại; nhưng Thánh Kinh - như Lời của Thiên Chúa - là nguồn có thẩm quyền để nhận biết Thiên Chúa. Theo Hiến chế tín lý Dei Verbum của Công đồng Vatican II, chính Thiên Chúa và dự án cứu rỗi của Người dành cho con người đã tạo thành nội dung mặc khải của Người nhờ phép hoán xưng (antonomase). Luận đề này được phát biểu ở phần đầu của chương thứ nhất trong hiến chế của công đồng: "Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1:9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x. Ep 2:18; 2Pr 1:4) "(Dei Verbum số 2). Do đó, Thánh Kinh phục vụ việc truyền tải mặc khải (xem Dei Verbum 7-10). Đó là lý do tại sao, khi nghiên cứu vấn đề sự thật của Thánh Kinh, chúng ta sẽ tập trung việc nghiên cứu của chúng ta vào câu hỏi sau đây: "Các bản văn Thánh Kinh khác nhau truyền tải những gì về chính Thiên Chúa và về dự án cứu rỗi của Người?"
Ba phần của tài liệu
4. Phần đầu tiên trong tài liệu của chúng ta liên quan đến linh hứng của Thánh Kinh, tìm cách làm nổi bật nguồn gốc thần thiêng của nó, trong khi phần thứ hai nghiên cứu câu hỏi về sự thật của Lời Chúa, bằng cách làm nổi bật những gì đã được nói về chính Thiên Chúa và dự án cứu rỗi của Người. Một đàng, chúng ta muốn gia tăng ý thức để biết rằng Lời này phát xuất từ Thiên Chúa, và đàng khác, sự chú ý của những người nghe Lời Chúa và những người đọc Thánh Kinh phải tập trung vào những gì Thiên Chúa, bằng chính ý chí của Người, đã thông đạt về chính Người và về kế sách cứu độ của Người có lợi cho con người. Chúng ta được mời gọi chào đón Lời mà Thiên Chúa - đầy tình yêu và lòng nhân từ - đã mạc khải cho chúng ta, với cùng một thái độ chúng ta vốn dành cho việc cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô, vốn là mầu nhiệm Thiên Chúa và sự cứu rỗi của chúng ta. Mục đích là để chào đón, trong hiệp thông với các tín hữu khác, ơn phúc được lắng nghe và được hiểu những gì chính Người truyền đạt về chính Người, và do đó để làm mới và làm sâu sắc thêm mối liên hệ bản thân của chúng ta với Người.
Phần thứ ba của tài liệu đề cập đến một số thách thức phát sinh từ chính Thánh Kinh, và đặc biệt là một số nét dường như mâu thuẫn với tư thế Lời Thiên Chúa của nó . Cách riêng, chúng ta chỉ ra hai thách thức lớn đối với người đọc. Thách thức đầu tiên phát xuất từ các tiến bộ đáng kể đã diễn ra trong hai thế kỷ qua trong việc nhận thức lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc ở Cận Đông cổ đại vốn tạo nên môi trường văn hóa của Israel và Thánh Kinh.
Thông thường, có những khác biệt quan trọng giữa các dữ kiện của các khoa học này và những gì chúng ta có thể diễn dịch từ câu chuyện trong Thánh Kinh, nếu nó được đọc như một niên sử có mục đích tường thuật chính xác các biến cố, theo thứ tự thời gian một cách tỉ mỉ. Những khác biệt này tạo nên khó khăn đầu tiên và dẫn đến việc tự hỏi liệu người đọc có thể tin vào sự thật lịch sử của những câu chuyện Thánh Kinh hay không. Một thách thức khác có liên hệ với sự kiện: nhiều bản văn Thánh Kinh chứa đầy bạo lực. Chúng ta có thể lấy làm thí dụ các Thánh vịnh nguyền rủa, hoặc mệnh lệnh Thiên Chúa ban cho Israel để tận diệt toàn bộ một dân số. Các độc giả Kitô giáo bị sốc và mất phương hướng bởi các bản văn như vậy. Hơn nữa, có những độc giả ngoài Kitô giáo trách cứ các Kitô hữu vì đã có những phần khủng khiếp trong các bản văn thánh thiêng của họ, và buộc tội họ tuyên xưng và truyền bá một tôn giáo tạo hứng cho bạo lực. Phần thứ ba của tài liệu, ngoài các điều khác, tự đề cho mình nhiệm vụ đương đầu với các thách thức giải thích này, bằng cách, một mặt, chỉ cách vượt qua chủ nghĩa cực đoan [fondamentalisme] (xem Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh, Giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, 1993, I. F), và mặt khác, cách để tránh chủ nghĩa hoài nghi. Một khi đã vượt qua các trở ngại này, chúng ta có thể hy vọng rằng khả thể tiếp nhận Lời Chúa một cách có suy nghĩ và thích đáng sẽ được mở ra.
Do đó, mục đích của tài liệu này là cung cấp một đóng góp giúp cho, nhờ việc thâm hậu hóa cái hiểu của chúng ta đối với các khái niệm linh hứng và sự thật, Lời của Thiên Chúa, trong cộng đồng phụng vụ và ở bất cứ nơi nào khác, được chào đón một cách luôn phù hợp hơn với ơn phúc này của Thiên Chúa, nhờ đó, Người tự thông đạt Người và mời gọi con người hiệp thông với Người.
Kỳ tới: Phần Thứ Nhất: CHỨNG TỪ CỦA CÁC BẢN VĂN THÁNH KINH VỀ NGUỒN GỐC THẦN THIÊNG CỦA NÓ