Một nền “Thần học Mới”?

De Lubac nói tới mười lăm năm đau buồn diễn ra gần như ngay sau thời điểm Đức chiếm đóng. Trong cuốn hồi ký của mình, At the Service of the Church (Phục vụ Giáo Hội), ngài viết một cách không vị nể về tác phong của các đối thủ và sự yếu kém của nhiều bề trên của ngài. Dù trong những dòng này, ngài bày tỏ nỗi đau của mình trước quá nhiều bất công, tầm thường và thiếu bác ái, nhưng lời nói của ngài vẫn không hề chua xót. Khi de Lubac bác bỏ tất cả những nỗ lực sau này nhằm lạm dụng trường hợp của ngài như một dịp để chỉ trích “Rome” và các cơ cấu thẩm quyền Giáo hội, ngài đã dùng các lời lẽ gay gắt hơn so với lời ngài phán xét đối với những người đã gây bất công cho ngài.



Cuốn Surnaturel [Siêu Nhiên]

Ngay từ những ngày còn học triết, de Lubac đã nghiên cứu vấn đề cùng đích của con người và mục đích cuối cùng của bản chất con người. Lấy cảm hứng từ triết lý của Maurice Blondel và được khuyến khích bởi Cha Joseph Huby, ngài đã theo dõi cuộc điều tra này qua các giai đoạn cá thể trong lịch sử thần học và buộc phải kết luận rằng vào thế kỷ XVI và XVII, đã có sự thay đổi trong thần học Công Giáo.

De Lubac đã xuất bản những hiểu biết sâu sắc này của mình ở một mức độ nào đó trong các tiểu luận cá thể. Trong những tháng thời chiến khi phải trốn khỏi Lyons, ngài vẫn tiếp tục công việc của mình về chủ đề này, nhờ thế, đến năm 1942, bản thảo đầu tiên của cuốn sách, với tiêu đề đơn giản là Surnaturel (Siêu nhiên) và phụ đề Études historiques (Nghiên cứu lịch sử), đã sẵn sàng để xuất bản. Những tuần nghỉ ngơi bổ sung cho phép tác phẩm được mở rộng hơn nữa, cho đến sau cùng, vào mùa thu năm 1945, nó có thể được gửi tới nhà in để xuất hiện vào mùa xuân năm 1946. Mặc dù de Lubac đã minh nhiên phản công sự phản đối cho rằng trong cuốn sách của ngài, ngài đã nghi ngờ tính cách nhưng không (gratuitous) của ân sủng như một hồng ân, đây chính là phản đối chính sẽ được nhắm chống lại ngài (1).

Surnaturel không phải là lý do duy nhất để chiến dịch bắt đầu, và de Lubac không phải là nhà thần học duy nhất thấy mình bị tấn công. Tuy nhiên, việc xuất bản nghiên cứu của ngài là một trong những chất xúc tác quan trọng hơn, và Henri de Lubac có lẽ là nhà thần học nổi bật và lưu loát nhất trong một phong trào mà nay nhiều người khác cố gắng gán cho cho nhãn hiệu la nouvelle théologie, nền “Thần học mới”.

Tái lập chủ nghĩa duy hiện đại?

Nouvelle théologie là tiếng hô sáp chiến. De Lubac, ít nhất, không bao giờ sử dụng nó để mô tả suy nghĩ của riêng mình. Trong một lá thư gửi cho Hubert Schnackers, người vào thập niên 1970 đã viết luận án tiến sĩ về lối hiểu Giáo hội của de Lubac (2), ngài viết:
“Tôi không thích lắm khi người ta nói tới nền 'thần học mới', nhắc đến tôi; tôi chưa bao giờ sử dụng kiểu nói này, và tôi ghét điều này. Trái lại, tôi luôn luôn tìm cách làm cho Truyền thống của Giáo hội được biết đến, trong điều nó cung hiến phổ biến nhất và ít chịu sự thay đổi của thời gian nhất. 'Thần học mới' là một thuật ngữ có tính luận chiến,... mà hầu hết thời gian không có ý nghĩa gì, chỉ dùng để gây nghi ngờ cho tác giả trong tâm trí của những người không chịu xem xét nó kỹ lưỡng hơn (trừ một số ngày nay, ngược lại, tự hào về nó) (trích từ Phục vụ Giáo hội, tr. 361)”.

De Lubac không những không coi thần học của chính mình là “một thần học mới”; trái lại, ngài có thể mô tả như một “Thần học mới”, chính lý thuyết natura pura (tự nhiên thuần túy) mà ngài đã tranh biện kịch liệt (xem Surnaturel, trang 140). Do đó, không nên áp dụng cách diễn đạt này để mô tả thần học của de Lubac.

Kiểu nói này đã được đặt ra vào thời kỳ có cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại [Modernisme], nhưng từ năm 1942 trở đi, nó ngày càng trở nên thịnh hành.

Năm 1946, linh mục đáng kính Garrigou-Lagrange, Dòng Đaminh (3) (cố vấn luận án tiến sĩ của Karol Wojtyla), đã công bố trên tạp chí Angelicum một tiểu luận có tựa đề “La théologie nouvelle: où va-t-elle?”, trong đó ngài đặt câu hỏi. “Thần học Mới đang hướng về đâu?”, câu hỏi mà ngay lập tức ngài trả lời chắc nịch rằng: “Nó dẫn đến Chủ nghĩa Duy Hiện đại!” Với điều này, vũ khí chắc chắn đã được rèn đúc.

Tháng 8 năm 1946, Tổng Hội Dòng Tên đã triệu tập tại Rôma để bầu Tân Bề trên cả cho Dòng (vì những xáo trộn thời chiến nên chưa thể bầu được người kế vị ngay sau khi Cha Ledochowski qua đời ngày 13 tháng 12 năm 1942). Henri de Lubac là đại biểu từ Tỉnh Dòng Tên của mình và ở lại Rôma từ tháng 8 cho đến ngày 28 tháng 10 năm 1946. Ngày 15 tháng 9, Cha Jean-Baptiste Janssens (1889-1964), người Bỉ, được bầu làm Bề trên cả.

Hai ngày sau, Đức Giáo Hoàng tiếp các đại biểu tham dự Tổng hội trong một buổi tiếp kiến tại Castel Gandolfo và có một bài phát biểu, trong đó, cùng với những điều khác, ngài phê phán sự kiện: trong một số trường hợp gần đây đã có những bài nói quá mức thiếu thận trọng về “Thần học mới”. Sau bài phát biểu, các Cha Dòng Tên được giới thiệu với Đức Giáo Hoàng từng người một, và mỗi người được trao đổi với ngài một vài lời. Đức Piô XII nói với de Lubac bằng một giọng thân thiện, “À! Tôi biết rất rõ giáo thuyết của cha!” De Lubac do đó không thấy có lý do gì để lo lắng. Nhưng sau đó bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng bất ngờ được in ra hai ngày sau đó trên tờ L’Osservatore Romano. Ngay lập tức, những tin đồn và nghi ngờ được loan tải về việc bài phát biểu đó có ý nói về ai, lời phê phán này có thể ám chỉ các luận bác tín lý nào, và hậu quả kỷ luật có thể là gì. De Lubac cho công bố các mục nhật ký của mình trong khoảng thời gian từ ngày 9 tháng 9 năm 1946 đến ngày 18 tháng 4 năm 1947, như một phần phụ lục cho cuốn Phục vụ Giáo Hội [4: 4, trang 250-57]. Nhiều dự đoán thảm khốc được loan truyền, xa đến mức ám chỉ một sự kết án được cho là sắp xảy ra đối với “Trường phái Fourvière”. Tuy nhiên, mọi điều vẫn rất mơ hồ. Không bề trên nào đề cập đến bất cứ cáo buộc cụ thể nào chống lại de Lubac, để ngài có thể bày tỏ quan điểm của mình về chủ đề đó. Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani (4), người mà ngài đã đến thăm vào ngày 1 tháng 10 tại Văn phòng Thánh (Sacrum Officium), trấn an ngài rằng bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng không nhằm mục đích làm nản lòng ngài trong việc làm của ngài.

Chúng ta có thể phỏng đoán rằng các động cơ chính trị cũng đóng một vai trò nào đó trong sự việc đang diễn ra, vì có thể kết nối các dấu chấm giữa chính phủ Vichy và việc bác bỏ nền Thần học mới. Dù sao đi nữa, một số động lực chính nơi các đối thủ của de Lubac là những người đã buộc tội ngài không trung thành với Thống chế Pétain trong thời kỳ chiếm đóng. Cha Garrigou-Lagrange đã đi xa trong việc bảo vệ Pétain khi cho rằng bất cứ hình thức hỗ trợ nào dành cho de Gaulle đều là tội lỗi nghiêm trọng (5).

Bề ngoài, mọi sự vẫn bình lặng, nhưng hòn đá đã bắt đầu lăn. Đi đầu công khai với tư cách là những người phản đối de Lubac là Cha Garrigou-Lagrange, O.P, một giáo sư tại Giáo hoàng Đại học Thánh Tôma Aquinô (Angelicum) và Cha Charles Boyer, S.J., cùng với một số cha khác thuộc Dòng Tên, những người đã cố gắng hết sức để ảnh hưởng tới Cha Tân Bề trên cả và buộc Cha phải lên án điều họ gọi là “Thần học mới”. De Lubac tự tin, ít nhất lúc đầu, là ngài được sự hỗ trợ của Cha Janssens và an tâm tiếp tục công việc của mình.

Một cuốn sách bình yên trong thời kỳ giông bão

Trong khi khắp xung quanh ngài, những cơn bão cực kỳ hỗn loạn đang bắt đầu diễn ra, thì de Lubac một cách nào đó, vẫn tìm được sự bình an nội tâm để chuẩn bị cho một trong những cuốn sách quan trọng nhất của ngài: Histoire et Esprit (Lịch sử và Tinh thần](1950) (6).

Trong hai mươi năm, de Lubac vốn nghiên cứu về Origen (185-254 sau Công nguyên) và thần học của vị này. Từ từ, ngài nhận thức được tầm quan trọng nổi bật của vị này, người đã chịu quá nhiều bất công từ hậu thế và cho đến ngày nay vẫn là một trong những nhà thần học gây tranh cãi nhất trong lịch sử.

Từ thời cổ đại của Kitô giáo trở đi, một số tác giả đã gán cho Origen học thuyết apokatastasis, tức sự phục hồi vạn vật và cùng với nó, sự hoán cải tối hậu của ma quỷ và thậm chí của Satan và do đó, sự hữu hạn của hỏa ngục. Đây không phải là nỗi bất bình duy nhất, nhưng là nỗi bất bình nặng nề nhất.

Trong một diễn từ của ngài năm 1950 ở Lyons (7) về chủ đề hai bài giảng lễ của Origen dựa trên một câu của tiên tri Giêrêmia (20: 7), nói về “việc nói dối sư phạm” của Thiên Chúa (Thiên Chúa có thể “lừa dối” vì mục đích giáo dục không?), de Lubac cho thấy lập trường của Origen khác biệt rõ ràng hơn nhiều so với điều vị này bị kết án vào thế kỷ thứ sáu.

Một sự nghi ngờ khác về Origen liên quan đến việc ông sử dụng rộng rãi "cách giải thích phúng dụ" (8), một điều cho thấy ông là một người theo thuyết Platon và là môn đệ của triết gia Philo hơn là một nhà thần học Kitô giáo. Ngày nay, Lịch sử và Tinh thần vẫn là tác phẩm tham chiếu tiêu chuẩn về việc giải thích Kinh thánh của Origen, đã bác bỏ phản bác này. Các phác thảo sơ bộ cho nghiên cứu này được viết dưới dạng dẫn nhập các ấn bản Các Bài giảng về Sách Sáng thế (1943) và Sách Xuất hành (1947) của Origen đã được xuất bản trong loạt Sources chrétiennes. Tương tự như thế, vào năm 1947, de Lubac xuất bản tiểu luận được đánh giá cao của ngài “'Typologie' et 'Allégorisme'” [‘Hình loại học’ và ‘Phúng dụ’], bảo vệ khái niệm phúng dụ thường bị hiểu lầm chống lại mọi kiểu diễn giải méo mó và đưa nó vào ánh sáng thích đáng như một đặc điểm riêng biệt của truyền thống giải thích Kinh thánh theo thần học. Đối với tập sách kỷ niệm năm 1948 để vinh danh Cavallera, de Lubac đã viết một tiểu luận về câu đối, hay bài thơ hai câu thời Trung cổ, tóm tắt giáo huấn về bốn ý nghĩa của Kinh thánh trong một câu dễ thuộc lòng. Cùng với các nghiên cứu về Origen, tiểu luận này đã dẫn nhập chủ đề xuyên suốt cho bộ nghiên cứu bốn tập tuyệt vời là Exégèse médiévale [Khoa chú giải Trung cổ] (9).

Vào năm 1950, đúng lúc, trước khi lệnh bề trên của de Lubac khiến ngài không thể xuất bản sách thần học trong một thời gian khá lâu, cuốn Histoire et Esprit xuất hiện, “một cuốn sách hòa bình giữa trận chiến”. Trong đó, de Lubac mô tả nhà thần học Alexandria như một người của Giáo hội có các nguyên tắc giải thích Kinh thánh đúng đắn, mặc dù có nhiều sự phóng đại trong những trường hợp đặc thù. Origen không phải là một nhà canh tân, nhưng đúng hơn, là một người làm chứng cho Truyền thống, tối hậu tìm về chính Tông đồ Phaolô. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với tư tưởng của nhà triết học Do Thái Philo ở Alexandria (mất khoảng năm 45 hoặc 50 Công nguyên), và mặc dù hoàn toàn phụ thuộc vào bối cảnh Alexandria, toàn bộ mầu nhiệm cứu rỗi của Kitô giáo đã phân biệt Origen với Philo ở những điểm quyết định.

Khi viết Histoire et Esprit, tác giả muốn khuyến khích những người đề xướng nền chú giải phê bình lịch sử hiện đại tham gia một cuộc đối thoại về mối tương quan qua lại giữa khoa chú giải bác học và thần học hệ thống. Việc này không thất bại trong việc thu hút được một đáp ứng tích cực. De Lubac đặc biệt vui mừng khi một học giả Kinh thánh như Cha Hugues Vincent, Dòng Đaminh, một học trò của Cha Marie Joseph Lagrange, cũng thuộc Dòng Đaminh (10), đã biết ơn chuyển đến tác giả sự phấn khởi của ngài về nghiên cứu này ngay sau khi cuốn sách được phát hành và sau đó cũng viết một bài điểm sách cho tờ Revue biblique [Tập san Kinh thánh]. De Lubac đã công bố hai bức thư của Cha Vincent trong phần phụ lục của tuyển tập L’Écriture dans la Tradition [Kinh thánh trong Thánh truyền] (11). Điều có lẽ là điển hình đối với quan điểm của de Lubac về phương pháp chú giải phê bình lịch sử là trong suốt cuộc đời của Cha Lagrange, ngài đã nhiều lần gợi ý linh mục dòng Đa Minh nên được phong làm Hồng Y để ghi nhận các thành tựu của ngài trong thần học. Theo ý kiến của de Lubac, sự công nhận như vậy sẽ có ý nghĩa biểu tượng to lớn. Nó sẽ không những xác nhận việc biện minh cho sự hiện hữu của các nhà bác học chú giải, mà còn tạo động lực cho họ trong công việc họ làm (Phục Vụ Giáo Hôi, trang 312), và như thế có thể giúp xoa dịu nhiều cảm giác bị tổn thương và giảm bớt nhiều sự căng thẳng trong mối liên hệ giữa Huấn quyền và các nhà chú giải.

Giữa các phản ứng đầu tiên đối với việc xuất bản cuốn Histoire et Esprit, đã có những tin tức đáng kinh ngạc.

Xét đánh Fourvière

Đầu năm 1950, de Lubac nhận được một lá thư từ Cha Bề trên cả của Dòng, thông báo về việc sắp rút lại phép giảng dạy của ngài. Áp lực ngày càng tăng trong suốt năm 1948 và 1949. Những lời phàn nàn về de Lubac đã đến từ nhiều nơi trên thế giới. Vấn đề càng ra tồi tệ thêm, khi tiểu luận của ngài có tựa đề “Le mystère du surnaturel” [Mầu nhiệm siêu nhiên], được công bố trên tạp chí Recherches de Sciences Religieuses [Nghiên cứu Các Khoa học Tôn giáo] (12) vào năm 1949; tiểu luận này đã bồi thêm hỗn độn, và thay vì mang lại hy vọng làm sáng tỏ, nó chỉ dẫn đến sự thù địch thậm chí còn cay đắng hơn. Lời cam đoan của một trong các phụ tá của Cha Bề trên cả rằng các ngài sẵn sàng bảo vệ ngài trước các cuộc tấn công, đã tỏ ra là sai lạc. Rõ ràng, Cha Janssens sau cùng đã bị các cố vấn của ngài thuyết phục rằng những lời buộc tội chống lại de Lubac là có cơ sở. Vào lúc này, vấn đề vẫn còn là một bí mật. Nhưng đến tháng 6 năm 1950, sét đã đánh vào Fourvière. Tất cả đã có Năm Cha Dòng Tên bị tước quyền giảng dạy. Họ phải rời Lyons; cùng với Henri de Lubac, Émile Delaye, Henri Bouillard, Alexandre Durand và Pierre Ganne bị trục xuất, ở đây chỉ đề cập đến những người ở Fourvière bị ảnh hưởng. Người ta đã tranh luận về việc có nên gửi de Lubac đến Toulouse hay không. Cuối cùng, ngài được chuyển đến Paris, nơi ngài sống một cuộc sống ẩn dật thường xuyên trong một tòa nhà cũ ở sân sau của trường đại học Dòng Tên ở Rue de Sevres. Cùng ngày khi ngài đến Paris, Thông điệp Humani generis, mà Đức Giáo Hoàng đã ban hành vào ngày 12 tháng 8, đã xuất hiện trên tờ La Croix. Người ta có thể phỏng đoán rằng việc biện minh cho những biện pháp kỷ luật này phần nào đã được cung cấp trong thông điệp này của Đức Giáo Hoàng. Trong một căn phòng trống rỗng, trước một cái rương mở, de Lubac đọc văn kiện và giờ đây có thể tự mình tìm hiểu xem liệu ngài có xuất hiện trong đó không và dưới ánh sáng nào, và những lời giảng dạy nào của ngài bị nó lên án. Nhưng kìa, bất chấp sự phiến diện và phương thức hộ giáo căn bản mà de Lubac đã lưu ý trong bản văn, không một câu nào có thể được hiểu là được viết ra để chống lại ngài một cách trực tiếp. Trong đoạn thông điệp nói tới vấn đề siêu nhiên, de Lubac thấy một biên tập viên có ý tốt, người hẳn quen thuộc với các bài viết của ngài rõ ràng đã thay thế một công thức, rất có thể được giải thích như chỉ trích ngài, bằng những chữ rất có thể do chính de Lubac viết. Đoạn văn có thể nhằm vào de Lubac viết: “Những người khác [tức là các nhà thần học khác] phá hủy 'tính nhưng không' chân chính của trật tự siêu nhiên bằng cách chủ trương rằng Thiên Chúa không thể tạo dựng bất cứ tạo vật nào được phú ban lý trí mà không sắp xếp và hơn nữa kêu gọi nó hưởng thị kiến vinh phúc”(DH số 3891). Trên thực tế, de Lubac không bao giờ quan tâm đến bất cứ loại suy luận nào về việc Thiên Chúa có thể tạo dựng ai hoặc tạo dựng những gì. Luận đề này, hoàn toàn và đơn giản, là toàn bộ Truyền thống Kitô giáo, một truyền thống, cho đến tận Thánh Tôma Aquinô và sau ngài, đến thế kỷ XVI hiểu (1) rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người một cách cụ thể đến nỗi, trong sự tự siêu thăng trí thức của họ, họ chỉ có thể đạt được hạnh phúc trong Thiên Chúa mà thôi, và (2) Thánh Tôma Aquinô, hơn ai hết, không biết gì về số phận kép sau cùng của con người, tức là, số phận tự nhiên và số phận siêu nhiên.

Thực vậy, thông điệp không đủ minh nhiên đối với các đối thủ của de Lubac. Nó không có khoản nào bênh vực lý thuyết “bản chất thuần túy”. Tuy nhiên, điều đó không tạo được khác biệt nào và ngay sau khi thông điệp xuất hiện, một biện pháp khác đã được áp dụng đối với de Lubac, trên và ngoài lệnh cấm giảng dạy và xuất bản. Có sắc lệnh nói rằng ba cuốn sách của ngài, Surnaturel, Corpus mysticum De la Connaissance de Dieu [Về Nhận thức của Thiên Chúa], trong số các tác phẩm khác, phải bị lấy khỏi các thư viện của các cơ sở Dòng Tên và thu hồi khỏi các hiệu sách; hơn nữa, số tạp chí Recherches des Sciences Religieuses có tiểu luận “Le Mystère du surnaturel” của ngài cũng bị lấy khỏi kệ trong các thư viện của Dòng Tên (Phục Vụ Giáo Hôi, trang 74).
De Lubac đã nhẫn nhục chấp nhận các biện pháp kỷ luật được áp dụng cho ngài. Đối với các bạn bè, ngài không giấu giếm việc này đã khiến ngài đau đớn như thế nào. Nó không thể làm lung lay mối liên hệ của ngài với Chúa Kitô, tình yêu của ngài với Giáo hội và lòng biết ơn của ngài đối với Dòng Tên. Trong một lá thư gửi cho Cha Charmot, S.J., ngày 9 tháng 9 năm 1950, cha viết:

“Mặc dù các cú sốc tấn công tôi từ bên ngoài cũng đã làm linh hồn tôi buồn sầu đến tận cùng, nhưng chúng vẫn bất lực trước những điều tuyệt vời và chủ yếu vốn tạo nên mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta. Giáo hội luôn ở đó, theo cung cách của một người mẹ, với các Bí tích và lời cầu nguyện của mình, với Tin Mừng mà Giáo hội truyền lại cho chúng ta một cách nguyên vẹn, với các Thánh của Giáo hội luôn bao quanh chúng ta; nói tóm lại, với Chúa Giêsu Kitô, hiện diện giữa chúng ta, Đấng mà Giáo Hội ban cho chúng ta trọn vẹn hơn nữa vào những lúc Giáo Hội để chúng ta đau khổ. Không nghi ngờ gì nữa, những lời hứa như thế không áp dụng cho Dòng Tên, nhưng đúng là Giáo hội thấm nhuần tôi bằng ảnh hưởng của Giáo Hội phần lớn chính qua nhà Dòng, và nếu tôi chịu tỏ ra ngoan ngoãn hơn, thì nguồn thánh thiện. có lẽ đã được mở ra với tôi thông qua nó [Dòng Tên], cũng như bất cứ ai [Tu sĩ Dòng Tên] khác. Tất cả những thứ còn lại có quan hệ gì so với những lợi ích như vậy? (13).

Kỳ tới Tình liên đới