Bài 6 - Ðạo Phật và phong-hóa

Từ đời Lý Nhân-tông về sau, các vua thường chết yểu, tự-quân thường trẻ tuổi, cho nên các thái-hậu được nhiều quyền. Sự sùng Phật dần-dần chuyển sang thành một mối dị-đoan, nó ăn nhịp với đạo-giáo hiện-hành và những tín-ngưỡng cổ-truyền còn sót lại.

Những kẻ tầm-thường đua nhau lợi-dụng lòng mê-tín của vương hậu, đến nỗi gây ra một phong-trào loạn-tri ở trong cung. Những chuyện huyền-bí như Nguyễn Bông đầu-thai thành Càn-đức,Giác-hoàng muốn đầu-thai nhưng bị Ðạo-hạnh ngăn cản, rồi đến chuyện Ðạo-hạnh hóa kiếp ra Lý Thần-tông, đã làm người nước ta đời bấy giờ rất tin vào thuyết luân hồi và vào bí-thuật của các nhà sư. (7)

Ai cũng tin rằng, nếu tìm được thiền-tăng hay đạo-sĩ dạy cho, thì mình có thể biến-đổi được sức mạnh thiên-nhiên, hóa hình, ẩn thân, rút đất phục hổ, cầu mưa, làm nắng. Vì thế, một vị thái-sư có danh-vọng như Lê Văn-Thịnh mà phải cách chức và toan bị giết, chỉ vì vua Nhân-tông nghi ông đã hóa hổ để vồ mình; một tên dân thường mộng thấy trâu trèo lên ngọn cây muỗm, mà đoán rằng mình sắp được làm vua, bèn nổi loạn.(8)

Ở trong triều thì từ công-hầu, hoạn-đậu, cho đến những tăng-già, cũng đua nhau hiến vật lạ, cho là điềm tốt: nào rùa sáu chân ba mắt, mang từng hàng chữ chúc vua trên mai, nào hươu trắng hươu đen, sẻ vàng ác trắng, nào cau chín buồng, lúa chín bông, cá ruột có ngọc, ngựa chân có cựa. Những điềm lành như mây ngũ sắc, rồng vàng hiện, thì các chính-sử TT và VSL còn chép rất nhiều.

Tuy những sự mê-tín này không có ảnh-hưởng trực-tiếp đến chính-trị, nhưng nó đủ chứng rằng tâm-thần nhân-dân rối-loạn, thời-giờ của nhà chức-trách bỏ phí vào việc hão-huyền, và sự thưởng-phạt của nhà vua thường căn-cứ vào những điều không chính-đáng.

Ðến cuối đời Lý, nho-học bành-trướng. Những tà-thuyết dần-dần bị phát-giác; những ảo-thuật của kẻ bịp đời bị bộc-lộ. Sử còn chép những chuyện buồn cười như vị sư ở Tây-vực khoe mình biết phục-hổ, nhưng đến khi làm thử thì chết khiếp rồi bị hổ vồ. Lại như chuyện tên hầu-cận nói mình có phép làm im sấm, nhưng sau khi đọc thần chú, sấm vẫn ầm-ầm, làm cho Lý Cao-tông sợ kinh. (9)

Trên đây là nói riêng về ảnh-hưởng không tốt của sự mê-tín dựa theo đạo Phật. Còn như những tư-tưởng siêu-việt, những giáo-dụ từ-bi của đức Phật, thì hẳn đã có ảnh-hưởng rất hay đối với phong-tục và văn-hóa nước ta về triều Lý.

So sánh với hai triều Ðinh, Lê, ta nghiệm thấy rằng trong đời Lý, phong-tục triều-đình thuần-hậu hơn nhiều. Các vua vũ-biền các đời trước đã đem những thói giết-chóc thời loạn ra thi-hành ở thời bình. Những cực-hình dùng hàng ngày, chứng tỏ rằng các vua ấy còn giữ tập-tính của người rừng-rú. Những việc Ðỗ Thích giết cha con vua Ðinh, Ngọa-triều giết em là Lê Trung-tông, đủ tiêu-biểu lòng tàn nhẫn, tính phàm-phu và sự chỉ có tư-lợi điều-khiển những hành-vi của kẻ cầm quyền.

Sang đời Lý, thì khác hẳn. Tuy rằng trong các vụ hành-quân ở Chiêm hay đánh Tống, có giết hại nhiều người, tuy rằng khi có loạn trong nước, vẫn có gia tội tử-hình, nhưng ta phải nhận rằng chưa có đời nào, như ở đời Lý, mà vua có độ-lượng khoan-hồng đối với dân hay là đối với kẻ địch. Lý Thái-tông đã tha tội cho Nùng Trí-Cao. Lý Thánh-tông đã tha chết cho vua Chàm là Chế-củ. Tuy rằng đó là có lợi cho đường chính-trị, nhưng nếu không có sẵn từ-tâm, thì ắt không nghĩ đến khoan-hồng để làm lợi cho chính-trị mình.

Nhờ sẵn từ-tâm như vậy, cho nên các vua Lý đã có những cử chỉ đáng kính, tuy vụn-vặt, nhưng còn được ghi lại trong sử-sách. Mùa đông năm Ất-mùi 1055, trời giá rét, Lý Thánh-tông nói với các quan rằng: "Ta ở trong cung kín, sưởi lò than, khoác áo lông, mà còn rét như thế này. Ta nghĩ đến tù-nhân bị nhốt trong lao-tù, chịu trói-buộc khổ-sở, mà chưa biết phải trái ra sao. Ăn không đầy bụng, mặc chẳng che thân. Vì gió rét, nên có kẻ chết không nơi nương-tựa. Ta thật lấy làm thương." Rồi vua sai phát chăn chiếu cho tù, và cấp cho một ngày hai bữa cơm. (TT)

Lại có lúc, Thánh-tông chỉ con gái mình là công-chúa Ðộng-thiên, mà nói với các quan coi việc kiện-tụng rằng: "Ta yêu con ta như ta là cha mẹ dân yêu dân. Vì dân không hiểu luật-lệ, nên mắc tội. Ta lấy làm thương. Vậy từ rày về sau, không kể tội nặng hay nhẹ, các người phải xử một cách khoan-hồng cả." (TT 1065)

Lòng thương người như vậy của Thánh-tông không phải là một sự giả-dối của nhà chính-trị, mà chính là phần biểu-diễn của lòng từ-bi, do Phật-giáo gây nên. Chính Lý Thánh-tông là tổ thứ nhất một dòng Thiền-tông ở nước ta là dòng Thảo-đường, lập ra tại chùa Khai-quốc ở Thăng-long (TUTA 71 b).

Cho đến Thái-hậu Ỷ-lan, tuy có ghen-tuông, cho nên đã bức-sát thái-hậu Thượng-dương và các cung-nữ, nhưng sau đó, bà biết hối và luôn luôn tìm chuộc tội mình. Bà xuất-thân là một gái thôn-quê, biết rõ nỗi gian-lao của nông-dân phải cày sâu cuốc bẫm. Cho nên bà đã có lúc khuyên Lý Nhân-tông phạt tội nặng những kẻ trộm và giết trâu. Tháng hai năm Ðinh-dậu 1117, thái-hậu nói cùng vua: "Gần đây người kinh-thành và làng-ấp đã có kẻ trốn đi chuyên nghề trộm trâu. Nông-dân cùng-quẩn. Mấy nhà phải cày chung một trâu. Trước đây ta đã từng mách việc ấy, và nhà-nước đã ra lệnh cấm. Nhưng nay việc giết trâu lại có nhiều hơn trước." Nhân-tông bèn hạ lệnh phạt rất nặng những người trộm và giết trâu, phạt cả vợ con và hàng-xóm, vì tội không tố-giác. (TT)

Thái-hậu chậm con hiếm cháu, cho nên thương những đàn bà con gái, vì nghèo, phải đem thân thế nợ, không thể lấy chồng. Mùa xuân năm Quý-mùi 1103, thái-hậu lấy của kho chuộc chúng về, và gả cho những kẻ góa vợ. (TT)

Tuy những hành-động từ-bi của thái-hậu không phải tự-nhiên mà có, tuy đó vì một phần muốn chuộc tội và cầu phúc cho con, nhưng chắc nhờ ảnh-hưởng Phật mới có những hành-động bác-ái ấy.

Vả chăng, ở triều Lý, ít có những cuộc tàn-sát vì những chuyện mưu tiếm-vị cướp quyền. Tuy có hai lần, vào đời Thái-tông và Cao-tông, nhưng kết-cục, cũng không khốc-hại như ỏ các triều khác. Các đại-thần cũng ít người bị nghi-kị và tàn-sát như ở các đời sau.

Nói tóm lại, sau các đời vua hung-hãn họ Ðinh, Lê, ta thấy xuất-hiện ra những kẻ cầm quyền có độ-lượng khoan-hồng, những người giúp việc ít tham-lam phản-bạn. Ðời Lý có thể gọi là đời thuần-từ nhất trong sử nước ta. Ðó chính là nhờ ảnh-hưởng đạo Phật.

Mà thực vậy, mỗi lúc ta thấy có nho-gia bài-xích Phật-giáo, thì ta biết rằng trong nước sẽ có cuộc tranh quyền-lợi mà giết lẫn nhau. Sau khi Ðàm Dĩ-Mông sa-thải tăng-già, thì có Trần Thủ-Ðộ liền sau tàn sát họ Lý. Cuối đời Trần, nho-học nên thịnh. Có Trương Hán-Siêu, Lê Quát chỉ-trích đạo Phật, thì sau lại có Hồ Quí-Ly sát-hại họ Trần. Trần Thủ-Ðộ và Hồ Quí-Ly làm những việc kia, ấy cũng vì muốn thi-hành chính-trị vị-danh, xa hẳn lòng bác-ái từ-bi của Phật.

Mà trong khi Dĩ-Mông phỉ-nhục tăng-đồ, thì lại có một vị tăng giám can Lý Cao-tông đừng hát-xướng chơi-bời, xa-hoa quá độ. Lời can ấy lại viện sách nhà Nho! Sư là tăng-phó Nguyễn Thường. Lời sư nói với Cao-tông rằng: "Tôi nghe ở tựa kinh Thi có nói: âm-nhạc làm loạn nước thì nghe như oán, như giận. Nay dân thì loạn, nước thì khốn. Chúa-thượng rong chơi vô-độ. Triều-chính rối loạn, dân-tâm lìa-tan. Ðó là triệu-chứng nước mất đó."

Lời can ấy cũng đủ tỏ giá-trị của người đi tu và ảnh-hưởng của họ đối với chính-trị, với phong-hóa. Mà lời can ấy lại là một lời đoán vận-mệnh nhà Lý rất hay, chỉ cần lý-luận mà tìm ra, chứ chẳng phải mượn kì-thuật gì cả.