Thế giới Công Giáo trong tuần qua đã hướng về Colombia nơi Đức Thánh Cha Phanxicô đang thực hiện một sứ mệnh khó khăn là làm sao thuyết phục được người dân nước này chấp nhận các thỏa thuận ngưng bắn mà chính phủ của họ đã thỏa thuận với các nhóm phiến quân sau 52 năm xung đột khiến 260,000 người thiệt mạng, 60,000 người mất tích, và hơn 7 triệu người phải di dời.

Ngay khi Đức Thánh Cha về lại Vatican, báo chí tại Italia lại hướng sự chú ý của dư luận đến một chuyến tông du khác, chắc chắn là khó khăn hơn nhiều, sẽ được thực hiện trong vòng 10 tuần sắp tới.

Trong bài “Il papa in Myanmar. La faccia violenta del buddismo” (Đức Giáo Hoàng tại Miến Điện. Khuôn mặt bạo lực của Phật Giáo), Sandro Magister viết như sau:

Thứ Hai, ngày 28 tháng 8, phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một thông báo chính thức về chuyến tông du mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện tại Miến Điện và Bangladesh từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12.

Tuy nhiên, oái oăm thay, một ngày trước đó, vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những rắc rối với nước đầu tiên trong hai nước này. Ngài nói, một phần từ diễn văn đã được soạn sẵn; và một phần theo ngẫu hứng, những từ sau đây, là đoạn không có trong văn bản được cung cấp trước cho các nhà báo:

“Đã có những tin tức đau buồn liên quan đến cuộc đàn áp một nhóm tôn giáo thiểu số, những người Rohingya anh em của chúng ta. Tôi muốn bày tỏ tất cả sự gần gũi của tôi với họ. Và tất cả chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu họ; và xin Ngài nâng đỡ những người nam nữ có thiện chí muốn trợ giúp họ, muốn đem lại cho họ đầy đủ nhân quyền. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh em Rohingya của chúng ta.”

Trong những giờ tiếp theo, những phản ứng về những lời này, ở Miến Điện, rất là tiêu cực. Cố nhiên, người ta có thể thấy những phản ứng phẫn nộ trên các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát, là những cơ quan thậm chí đến nay vẫn không chấp nhận thuật ngữ “Rohingya” đang được sử dụng để nói về những người Hồi giáo sống ở khu vực Rakhine gần biên giới với Bangladesh, là những người trong nhiều năm qua là nạn nhân của một cuộc bách hại tàn bạo. Tuy nhiên, cả các đại diện của Giáo hội Công giáo nhỏ bé tại địa phương cũng đưa ra các phản ứng không mấy thuận lợi.

Đức Cha Raymond Sumlut Gam, giám mục giáo phận Banmaw và là cựu giám đốc Caritas Miến Điện, nói với Asia News:

“Chúng tôi sợ rằng Đức Giáo Hoàng không có đủ thông tin chính xác và đã đưa ra những tuyên bố không phản ánh thực tại. Khẳng định người Rohingya đang bị 'bách hại' có thể gây căng thẳng nghiêm trọng ở Miến Điện.”

Trong khi đó, cha Mariano Soe Naing, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Miến Điện nói:

“Nếu chúng tôi phải đưa Đức Thánh Cha đến với những người đau khổ nhất trong chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa ngài đến các trại tị nạn tại Kachin (một vùng có đa số dân theo Công Giáo), nơi có đông đảo các nạn nhân của cuộc nội chiến, họ đã phải bỏ nhà cửa đến đó tị nạn. Liên quan đến việc sử dụng thuật ngữ 'Rohingya', ý kiến của tôi là, để thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân và chính phủ Miến Điện, chúng ta nên dùng cách diễn đạt chính thức, đó là ‘người Hồi Giáo tại Rakhine’. Nếu Đức Giáo Hoàng tiếp tục sử dụng thuật ngữ 'Rohingya' trong chuyến tông du của ngài, chúng tôi thực sự phải quan tâm đến sự an toàn của ngài.”

Ở Miến Điện, số người Công giáo chiếm chưa đến một phần trăm dân số, cụ thể là 600,000 trong tổng số 50 triệu dân và thường được xem như là ‘những người nước ngoài’, ngang hàng với các nhóm thiểu số bị ngược đãi khác. Vì vậy, thật là dễ hiểu khi thấy người Công Giáo ở Miến Điện phản ứng một cách dè dặt.

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã không cung cấp cho Đức Thánh Cha Phanxicô một văn bản ít ngẫu hứng hơn, khi ngài thực sự muốn nói chuyện công khai về cuộc bách hại Rohingya, nhất là khi ngài sắp sửa thực hiện chuyến tông du đến quốc gia này.

Tòa Thánh đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Myanmar vào tháng Ba năm ngoái. Và hồi tháng Năm năm nay, Đức Giáo Hoàng đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel hoà bình bị nhà cầm quyền quản thúc tại gia trong 15 năm và cuối cùng đã được bầu lên một cách dân chủ và được chỉ định là bộ trưởng ngoại giao trong một chính phủ vẫn dưới sự kiểm soát của quân đội, là thế lực tiếp tục nắm giữ đòn bẩy quyền lực thực sự tại Miến Điện.

Một hồ sơ được cập nhật hoàn toàn cần phải được trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô trước chuyến tông du.

Nhưng trên thực tế, những lời Đức Thánh Cha nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27 tháng 8 dường như chưa được cập nhật.

Việc một vị giáo hoàng xác định mình như một người bảo vệ những người Hồi giáo, những người mà lần này không phải là những người đi bách hại người ta mà là những người bị người khác bách hại, không những chỉ là một điều thật chính đáng nhưng còn chắc chắn có một ảnh hưởng lớn trên sân khấu toàn cầu.

Nhưng ở Miến Điện những người bị bách hại cũng bao gồm cả các Kitô hữu của các nhóm sắc tộc Kachin và Chin, ở phía bắc của đất nước này, và những người Karen và Karenni ở phía đông. Cơ man đến mức không đếm xuể số nhà thờ đã bị phá hủy Trong những năm gần đây, nhiều làng mạc bị đốt phá và tàn sát, hàng chục ngàn người buộc phải chạy trốn.

Và trên hết: ai đang bách hại họ, và tại sao?

Tin tức cho thấy có những vụ bắt buộc cải đạo sang Phật Giáo, ngay cả đối với các trẻ nhỏ, trong các trường học nhằm biến các học sinh của các tôn giáo khác thành những tiểu tăng đầu cạo trọc và mặc áo choàng màu xám. Đưa Thánh Kinh và sách tôn giáo vào nước này là bất hợp pháp. Người không phải là Phật tử bị loại khỏi bất kỳ chức vụ nào trong guồng máy chính quyền đất nước.

Đại đa số người dân Miến Điện, trên thực tế, là các tín đồ Phật giáo. Và các nhà sư Phật giáo là những người đứng đầu các tổ chức không đội trời chung đối với các nhóm thiểu số của các tôn giáo khác, với sự hỗ trợ hoàn toàn của quân đội.

Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn triệt để với truyền thuyết phổ quát người ta vẫn nghĩ về Phật giáo như hòa bình, từ bi, trí tuệ, và tình huynh đệ.

Thực tế thì khác. Tự do tôn giáo bị đàn áp nặng nề không chỉ ở Miến Điện, nhưng còn ở những nơi khác với một mức độ thấp hơn ở các nước đa số dân theo Phật giáo như Sri Lanka, nơi Đức Thánh Cha đã viếng thăm năm 2015; Lào, Campuchia, Bhutan, và Mông Cổ.

Trong những tuần gần đây, cuộc bách hại người Rohingya của chế độ Phật giáo Miến Điện đã đạt đến đỉnh cao, buộc nhiều người phải chạy trốn sang Bangladesh. Tuy nhiên họ đang bị chặn lại ở biên giới. Và vào thời điểm ngay bây giờ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang chuẩn bị thăm viếng cả hai quốc gia này.

Bà Aung San Suu Kyi, một người đấu tranh cho nhân quyền, đang để cho mọi sự như thế diễn ra và giữ im lặng không nói một lời nào, vì bà bị khống chế nặng nề bởi một chế độ chuyên quyền quân phiệt hà khắc nhất và của các Phật tử.

Đức Thánh Cha Phanxicô không bị những ràng buộc này. Và không chỉ người Rohingya nhưng tất cả những người thiểu số bị bách hại ở Miến Điện đang mong đợi ngài nói và hành động như một người tự do, bênh vực cho họ, và công khai tố cáo những người đang áp bức họ; cũng như vạch trần những lý do tại sao họ làm như vậy.

Thật không dễ dàng cho Đức Thánh Cha để đáp ứng mong đợi thứ hai này.