NHÀ SÁCH MAI KHÔI: ĐIỂM HẸN MỚI CHO ĐỘC GIẢ GIÁO PHẬN SÀI GÒN
Tuần qua, có thêm một nhà sách Công giáo được khai trương tại số 44 Tú Xương, thuộc quận 3, Sài Gòn. Nhà sách Mai Khôi mở cửa buổi sáng từ 8h00’-11h30’, chiều từ 15h00’-19h00’ các ngày trong tuần (nghỉ ngày thứ ba), góp thêm một “góc” lý tưởng cho Giáo phận.
Dù trong những ngày đầu hoạt động, nhưng vẫn có thể tìm thấy ở đây đầy đủ mọi mặt hàng, từ các sách tôn giáo mới (nhất là Thánh ca) cho đến ảnh tượng, bộ lễ, áo lễ v.v… Trao đổi với chị Maria Trần Thị Kim Nhung, chủ nhiệm nhà sách, chúng tôi được biết nhà sách Mai Khôi được thành lập là do sự khuyến khích và hỗ trợ đặc biệt của linh mục An-rê Đỗ Xuân Quế, với các thành viên là anh chị em Ban Thánh nhạc của Giáo phận trước đây. Rất cởi mở và điềm đạm, khi chúng tôi nêu thắc mắc về logo của nhà sách có 4 mẫu tự viết theo lối thư pháp, cha Quế giải thích: “Ngoài việc bày bán các ấn phẩm và vật phẩm tôn giáo thông thường, mong ước lớn hơn của nhà sách là muốn phổ biến tủ sách Đức Tin & Văn Hóa nhằm khôi phục và cân bằng kiến thức giữa sinh hoạt văn hóa bên ngoài và đời sống đạo trong Giáo hội.” Đúng thật Chúa quan phòng làm cho hài hòa về ý nghĩa, căn phòng hôm nay đây được tôn tạo và sửa chữa thành nhà sách “ĐT&VH” chính là một phần của dãy nhà nổi tiếng “cư xá sinh viên Phục Hưng” thuộc dòng Đa Minh Lion ngày trước (bây giờ là tu viện Đa Minh Mai Khôi).
Hội sinh viên Phục Hưng là một hội trí thức Công giáo có từ đầu thế kỷ trước, do vị Thừa sai lỗi lạc Đỗ Minh Vọng sáng lập tại Hà Nội. Năm 1954, tất cả theo chân cuộc Di cư “Thần Thánh” vào Sài Gòn. Nhưng phải đến ngày 7 tháng 10 năm 1955, dòng Đa Minh Lion từ nơi ở tạm là đất Thánh Cầu Kho mới dọn về và chính thức đặt trụ sở tại mảnh đất ngày nay. Theo đó, số 44 Tú Xương là tu viện và nhà thờ, phía mặt đường Hiền Vương tại số 229 là Trung tâm các sinh hoạt của Sinh viên và còn lại phần đường 43 Nguyễn Thông là cư xá sinh viên Phục Hưng. Sau năm 1975, các khu đất đường Nguyễn Thông và Hiền Vương được nhà nước “mượn” dùng làm Hội trí thức yêu nước. Sau đó lại đổi làm trụ sở của Hội khoa học kỹ thuật. Cuối cùng, ngày 22 tháng 12 năm 2003, sau đằng đẵng gần 28 năm, tất cả các phần đất trên được trao trả lại cho tu viện. Và sắp tới, lịch sử có thể lại được viết tiếp với dấu ấn của một nhà sách hứa hẹn nhiều bất ngờ thú vị.
Đây rõ ràng là địa chỉ nên ghi ngay vào sổ tay của những ai yêu thích nghiên cứu tôn giáo và văn hóa, anh chị em tu sĩ, các bạn trẻ ham đọc… Nhà sách nằm trong khuôn viên rộng thoáng (tới đây sẽ mở dài thêm), bên trái nhà thờ, phía trước là con đường vắng xe và rợp bóng mát, phảng phất nét gì đó đặc trưng của Sài Gòn… rất xưa. Chúng tôi muốn nói nhà sách có vị trí thật đẹp, đẹp như ước mong của những người “mở cửa, bán sách”. Tôi cứ thèm giá như còn thời gian ở lại, tôi sẽ mua một cuốn sách mà mình yêu thích, rồi băng sang bên kia đường, nơi có cả một dãy quán café, chọn chỗ ngồi lý tưởng nhìn ra phố, trông thấy nóc giáo đường, tôi sẽ say sưa với công việc yêu thích của tôi…
Tuần qua, có thêm một nhà sách Công giáo được khai trương tại số 44 Tú Xương, thuộc quận 3, Sài Gòn. Nhà sách Mai Khôi mở cửa buổi sáng từ 8h00’-11h30’, chiều từ 15h00’-19h00’ các ngày trong tuần (nghỉ ngày thứ ba), góp thêm một “góc” lý tưởng cho Giáo phận.


