Thái Lan: Hội nghị Liên tôn tại Bangkok

Hội nghị thảo luận các thách thức xã hội, vốn cần sự hợp tác của các tôn giáo

ROMA – Trong tháng này, các nhà lãnh đạo tôn giáo ở châu Á và phương Tây đã gặp nhau tại Bangkok, Thái Lan, để thảo luận nhiều thách thức xã hội khác nhau, vốn có thể được giải quyết thông qua đối thoại tôn giáo và hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau.

Khoảng 50 chuyên gia và học giả của các nền văn hóa và các tôn giáo châu Á, bao gồm Phật giáo, Kitô giáo, Khổng giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Kỳ-na giáo (Jainism) và Lão giáo – đến từ Ấn Độ Campuchia, Đài Loan, Hong Kong, Lebanon, Ma Cao, Philippines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ - dự hội nghị từ ngày 11 đến ngày 13-1, theo nhật báo L'Osservatore Romano ngày 20-1.

Hội nghị này được điều phối bởi Đức Tổng Giám mục Thomas Menamparampil, tổng giám mục nghỉ hưu của tổng giáo phận Guwahati, Ấn Độ, người phụ trách Văn phòng Phúc Âm hoá của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC).

Các tham dự viên đã thảo luận về bạo lực, khủng hoảng kinh tế, tham nhũng, xung đột giữa các nền văn hóa, thiệt hại môi trường, hủy diệt các nền văn hóa và các giá trị, cũng như chính phủ tốt.

Một trong các mục đích của hội nghị là để chứng minh sự đa dạng tôn giáo và văn hóa phong phú của các quốc gia khác nhau. Đồng thời, nó cũng nhằm tạo ra các thái độ tích cực đối với các truyền thống tôn giáo khác, và đề cao chân, thiện và mỹ hiện diện trong các tôn giáo đó.

Đức Tổng Giám mục Menamparampil đã hài lòng với số lượng người tham dự hội nghị, và nêu ra rằng loại hội nghị này có mục tiêu của nó là "tìm kiếm các tầm nhìn và nguồn cảm hứng từ nền văn hóa và truyền thống, được mỗi học giả đại diện."

Ngài nói thêm: "Với toàn cầu hóa đang phát triển, có vô số khả năng đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh và đức tin; đây là một dịp để lắng nghe các ý tưởng của nhau, và tìm hiểu quan điểm của nhau.”

Các chủ đề khác bao gồm các suy tư về giá trị nội tại của châu Á, sinh thái trong Lão giáo, thách thức của hành động đạo đức trong bối cảnh Trung Quốc, và đạo đức Nho giáo trong xã hội hiện đại.

Khi được hỏi liệu sự trao đổi văn hóa này có thể giúp làm giảm bớt căng thẳng ở một số vùng của châu Á, nơi mà các Kitô hữu, cũng như các nhóm thiểu số dân tộc và thiểu số tôn giáo, là nạn nhân của các cuộc tấn công hay không, Tổng Giám mục nói rằng "sự trao đổi như thế có thể là một đóng góp có giá trị, nhưng nguyên nhân sâu xa của căng thẳng phải được nghiên cứu, và động cơ của sự không hài lòng cũng cần được xem xét."

Đức Tổng Giám mục Menamparampil nói thêm rằng "lúc đầu thật khó khăn để trình bày với nhiều người khác dự án đưa các người của nhiều nền văn hóa và truyền thống khác nhau đến nói chuyện với nhau, nhưng một khi ý tưởng đã được làm sáng tỏ, nhiều người đã ủng hộ dự án một cách thật nhiệt tình". (Zenit.org 24-1-2012)

Nguyễn Trọng Đa