Một chiến tranh nguyên tử được ngăn chặn: ĐTC Gioan XXIII và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba

Tòa Thánh là một tổ chức quốc tế tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Vị Quốc vụ khanh Toà thánh đầu tiên được bổ nhiệm năm 1486, và sau đó ít lâu các vị đại diện thường trực đầu tiên của Toà thánh làm việc tại Venice, Tây Ban Nha, Đế chế Roma thần thánh, và Pháp. Ngày nay, Tòa Thánh duy trì quan hệ ngoại giao với 176 quốc gia. Toà thánh cũng là Quốc gia quan sát viên thường trực duy nhất tại Liên Hiệp Quốc, và tham gia vào nhiều công ước và thỏa thuận quốc tế khác nhau. Tuy nhiên, trong khi Toà thánh là chính thức trung lập, Toà thánh không hề im lặng.

Sức mạnh ngoại giao của Tòa Thánh đã được trắc nghiệm nặng nề trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, Toà thánh đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình thế giới, nhất là trong thời chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Tòa Thánh và Liên Xô đã có một mối quan hệ rất căng thẳng. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà lãnh đạo Công giáo ở các khu vực mới do Liên Xô kiểm soát đã bị đàn áp. Các linh mục, Giám mục và Hồng y đã chịu nhiều đau khổ và bị giam tù. Cuối cùng, Liên Xô tham gia vào các hoạt động bí mật để làm suy yếu triều đại giáo hoàng bằng cách cổ vũ sự vu khống ĐTC Piô XII là "Đức Giáo Hoàng của Hitler". Mặc dù vậy, Vatican vẫn tiếp tục có ảnh hưởng trên các nhà lãnh đạo Liên Xô. Thật vậy, chân phước ĐTC Gioan XXIII đã giúp đem các siêu cường trở lại sự giao hảo bình thường từ bờ vực cuộc chiến tranh hồi tháng 10-1962 - cách đây 49 năm vào tháng 10 qua.

Ngày 11-10-1962, ĐTC Gioan XXIII đã khai mạc Công đồng chung Vatican II. Trong bài phát biểu ngày hôm đó, Ngài nói: "Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi phải không đồng ý với những vị ngôn sứ của u tối, những người luôn luôn dự báo thiên tai, mặc dù sự kết thúc thế giới nằm trong tầm tay. Theo trật tự mọi vật hiện nay, Chúa Quan Phòng đang dẫn đưa chúng ta đến một trật tự mới của các mối quan hệ con người, và nhờ các nỗ lực của con người và thậm chí vượt quá mong đợi của họ, các mối quan hệ ấy được hướng vào việc thực hiện kế hoạch cao cấp và khó hiểu của Thiên Chúa. Và tất cả mọi thứ, ngay cả các dị biệt của con người, dẫn đến lợi ích lớn hơn của Giáo Hội".

Ba ngày sau, máy bay do thám Mỹ đã phát hiện ra rằng chính phủ Cuba và chính phủ Liên Xô đã bắt đầu xây dựng các căn cứ ở Cuba cho một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung và tầm xa. Chúng sẽ có khả năng tấn công hầu hết nước Mỹ. Tổng thống Kennedy đã rất tức giận. Ngày 22-10, ông đã lên truyền hình để giải thích tình hình, và ông chuyển điều kiện sẵn sàng phòng thủ sang Defcon 2 (Điều kiện sẵn sàng chiến tranh 2), và đây là lệnh lần thứ hai như thế trong lịch sử Mỹ.

Tổng thống Kennedy nhấn mạnh rằng các tên lửa phải được tháo gỡ và đưa về nơi xuất phát. Khi thủ tướng Khrushchev từ chối, tổng thống Mỹ thiết lập sự phong tỏa xung quanh Cuba. Về phần mình, ông Khrushchev cho phép các tư lệnh chiến trường phóng các vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu Cuba bị Mỹ xâm lược. Trong khi tàu chiến Nga đến gần Cuba, sự phong tỏa của Mỹ càng vững mạnh và sẵn sàng, và thế giới tiến gần đến Armageddon (ngày tận thế) hơn bao giờ hết. Hàng triệu người theo dõi các cuộc thách thức trên truyền hình.

Tổng thống Kennedy, vị tổng thống Công giáo đầu tiên (và vẫn còn là người duy nhất cho đến nay) gửi một tin điện cho ĐTC Gioan XXIII. Sau khi đọc tin điện của tổng thống, ĐTC đã soạn thảo một tin điện, và các bản sao của nó đã được chuyển tới các Đại sứ quán Mỹ và Liên Xô. Ngày hôm sau, ĐTC đã đọc tin điện của mình trên Đài phát thanh Vatican. Tin điện nói:

“Chúng tôi xin tất cả các chính phủ đừng giả điếc với tiếng kêu than của nhân loại. Họ cần phải làm tất cả trong quyền lực của họ để cứu vãn hòa bình. Như thế, họ sẽ tránh cho thế giới khỏi các nỗi kinh hoàng của một chiến tranh, mà hậu quả đáng sợ của nó, không ai có thể dự đoán được. Họ cần tiếp tục các cuộc thương luận, vì lối cư xử thành thật và cởi mở này có giá trị lớn như một chứng tá cho lương tâm của mọi người, và trước lịch sử. Cổ vũ, ủng hộ, chấp nhận các cuộc đối thoại, ở mọi cấp và bất kỳ lúc nào, là một quy luật của sự khôn ngoan và thận trọng, vốn thu hút các phước lành của trời và đất”.

Ngày hôm sau, tin điện của ĐTC Gioan XXIII xuất hiện trên các tờ báo trên khắp thế giới, trong đó có tờ Pravda (Sự thật), tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Liên Xô. Nhan đề trong bài báo là: "Chúng tôi xin tất cả các chính phủ đừng giả điếc với tiếng kêu than của nhân loại”.

Với lời nài xin của mình, ĐTC Gioan XXIII đã cho thủ tướng Khrushchev một lối thoát. Bằng cách rút lui ngay lúc ấy, ông có thể được xem như là một con người của hòa bình, chứ không phải là một kẻ hèn nhát. Hai ngày sau, ông Khrushchev, một người vô thần, người đang ở giữa cuộc chiến tranh tuyên truyền với Vatican, đã đồng ý rút các tên lửa. (và tổng thống Kennedy cũng đã bí mật đồng ý rút các tên lửa của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ).

Vai trò của ĐTC Gioan XXIII trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba thường bị bỏ qua, nhưng nó là rất quan trọng. Nó cũng đã giúp chuyển thế giới theo một hướng tích cực, phù hợp với Công Đồng chung Vatican II đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Mỹ đã ký một lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân ngày 25-7-1963. Tổng thống Kennedy gọi "bước đầu tiên này là con đường hòa bình". Hai quốc gia cũng thiết lập một "đường dây nóng" cho các tin điện khẩn cấp giữa Washington và Mátxcơva.

Có một việc công chúng chưa biết vào thời đó, nhưng đó là vào ngày 23-9-1962, chỉ một tháng trước khi ĐTC giúp thế giới thoát khỏi bờ vực chiến tranh, kết quả việc chụp X-quang cho ĐTC Gioan XXIII cho thấy Ngài bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Ngài biết là mình sắp từ giã cõi đời này. Ngài băng hà ngày 3-6-1963. Ngài được tuyên phong Chân phước ngày 3-9-2002. Hiện nay án phong thánh cho Ngài được được tiến hành. (Crisismagazine.com 11-11-2011)

Nguyễn Trọng Đa