Lòng thống hối, sự cầu nguyện và việc từ bỏ của cải là một trong những chủ đề nổi bật của Tin mừng Luca. Đây là chủ đề có liên hệ máu thịt đối với đời sống tâm linh của người Kitô hữu. Nó cũng là hành vi đức tin căn bản nhất về thái độ đáp trả của con người trước tình yêu, lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa.

Lòng thống hối là cánh cửa thiêng mở cõi hồn ta để có thể gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Đức Giêsu đã làm gương cho ta về lòng thống hối khi Ngài bước xuống dòng sông Gio-đan chịu phép rửa (3, 2), đã vào sa mạc tĩnh niệm suốt 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ (4, 11 – 13). Tin mừng Luca cũng dành một chỗ đứng đặc biệt cho những tội nhân thành tâm sám hối trở về. Đó là hình ảnh người phụ nữ tội lỗi “đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người” (7, 38); đó là đứa con hoang đàng trở về cùng người cha nhân hậu (15, 17 – 20)… Trong đời sống tâm linh, lòng thống hối là tiêu chí cần thiết giúp ta ý thức thân phận tội lỗi của mình trước Thiên Chúa, để có thể đón nhận sự tha thứ và sức mạnh siêu nhiên Ngài ban cho ta. Đồng thời, việc thành tâm sám hối còn giúp ta vượt qua cửa ải của “cái chết linh hồn”; vì Đức Kitô đã cảnh báo: “…nếu các ông không sám hối, thì cũng sẽ chết hết như vậy” (13, 3b).

Lòng thống hối có liên hệ khăng khít với đời sống cầu nguyện, là điểm nhấn của Tin Mừng Luca. Thánh Luca cho chúng ta thấy đời sống cầu nguyện liên lỉ của Đức Giêsu trong suốt hành trình sứ vụ. Trước mỗi biến cố quan trọng trong đời Ngài: tuyển chọn 12 tông đồ, chịu phép rửa, trước cuộc khổ nạn…, Đức Giêsu đều đã cầu nguyện; nhờ đó, Ngài có thể lắng nghe tiếng Chúa Cha và chu toàn trọn hảo chương trình cứu độ. Ngài cũng dạy ta cách cầu nguyện xứng hợp (11, 1 – 4; 18, 9 – 14), việc kiên trì trong cầu nguyện (18, 6 – 8), và đặc biệt là mời gọi ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (21, 36). Với Tin mừng Luca, việc cầu nguyện giúp tăng trưởng và là men muối sự sống thần linh cho chúng ta.

Lòng thống hối, việc cầu nguyện sẽ đơm hoa kết trái khi nó được gắn kết với sự từ bỏ mọi dính bén làm thương tổn đến linh hồn ta. Tin mừng Luca không chỉ vạch ra cho chúng ta một con đường, mà còn hơn thế nữa, chỉ cho chúng ta một thái độ sống để có thể trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô. Điều kiện tiên quyết để có thể bước theo Đức Kitô và đồng hưởng vinh quang với Ngài, “là từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Xuyên suốt Tin mừng Luca, chúng ta thấy vấn đề “từ bỏ” được nhắc đến nhiều lần (9, 3; 9, 57 – 61; 14, 33…), nói lên tầm quan trọng của thái độ tận hiến trọn vẹn cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện vì con người. Chính Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã vì yêu thương, dám “từ bỏ” cả mạng sống mình vì hạnh phúc nhân loại. Chúng ta cũng được kêu gọi từ bỏ mọi sự bất lợi cho sự sống linh hồn, để tín thác và sống trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Chủ đề “thống hối, cầu nguyện, từ bỏ” có ý nghĩa đặc biệt đối với người môn đệ của Chúa trong thời đại mới. Để có thể trở nên nhân chứng cho Đức Kitô trước một thế giới có nguy cơ lãng quên Thiên Chúa, chúng ta cần phải lưu tâm nghiệm xét (sám hối) lại thái độ sống của bản thân trong mối tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Đời sống cầu nguyện là nền tảng và là sự sống cho ta khi tiếp nhận xung lực thần linh mới. Điều quan trọng là, bạn và tôi hãy biết khước từ (từ bỏ) những hấp dẫn chóng qua để vác chung Thập giá với Đức Kitô và với anh chị em ta; để có thể đạt được mục tiêu tối hậu, vì chính Đức Giêsu đã hứa ban:

“Thầy bảo thật anh em, chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 19, 29 – 30).

.

.