Trên Blog của tạp chí America thứ Tư ngày 19 tháng 10 vừa qua, linh mục James Martin S.J. có giới thiệu một bài viết của một người cùng Dòng là linh mục Dean Brackley S.J., một nhà giáo dục và là một nhà văn, vừa qua đời tại El Salvador sau một cuộc chiến đấu dài với bệnh ung thư. Linh mục Dean Brackley tình nguyện qua làm việc tại Đại Học Trung Mỹ (University of Central America) ngay sau khi các bạn đồng Dòng của ngài bị sát hại tại đó năm 1989. Bài viết sau đây do một người bạn của ngài gửi cho cha Martin, tựa là “Meeting the Victim, Falling in Love” dường như đã xuất hiện lần đầu trong tác phẩm của ngài tựa là "The Call to Discernment in Troubled Times". Đây là một chứng từ hùng hồn về tình liên đới với người nghèo. Nó giải thích một cách tuyệt vời lý do tại sao ta được biến đổi nhờ những cuộc gặp gỡ với người nghèo như thế.

Trong những năm gần đây, nhiều đợt ngoại kiều rủ nhau kéo tới El Salvador. Khách hành hương rời khỏi máy bay thường có chút lo lắng, mơ hồ sợ gặp một điều gì đó đang rình rập họ. Họ biết rõ dân ở đây rất nghèo. Họ từng được nghe những vụ tàn sát và ném bom trong quá khứ và cái đói cùng bệnh tật trong hiện tại. Họ sợ, cách mơ hồ, rằng những người nghèo này dám móc túi họ lắm, hay khi vừa viếng thăm cộng đoàn nghèo khó đầu tiên, họ dám bị tấn công dữ dội bởi một mặc cảm tội lỗi nặng nề của người Ái Nhĩ Lan Công Giáo, hay của người Do Thái hoặc Methodist, rồi về nhà dám bán cả chiếc máy VCR cuối cùng lắm.

Nhưng giống như phần lớn nỗi sợ của ta, câu chuyện không diễn ra như thế. Vì một đàng, các du khách thường dành phần lớn thì giờ của họ trên đất El Salvador để thắc mắc: chẳng biết tại sao những người nghèo nàn này lại mỉm cười cho được. Người ta vui vì du khách đã tới thăm và người ta đón tiếp họ niềm nở. Đàng khác, nếu khách hành hương chịu lắng nghe những câu truyện trốn chạy quân đội, tra tấn và biệt đội tử thần của họ, và từ ngày có chiến tranh, những khổ cực và cái chết tức tưởi không bút nào tả xiết của họ, thì các nạn nhân này quả đang xé nát cõi lòng họ. Và đó, dù sao, cũng là lý do chính khiến người hành hương đặt chân tới đây. Đây là một trải nghiệm cực kỳ phong phú, nếu du khách có cái can đảm sẵn sàng tiếp nhận nó.

Cuộc gặp gỡ bắt du khách sững sờ và khiến họ tập chú. Họ sẽ phải kêu lên: “Chúa ôi, nửa số con của họ chết vì những chứng bệnh có thể ngăn ngừa được. Người mạnh mặc tình cướp bóc người yếu. Công lý không hề có. Và chính phủ của tôi đang làm gì ở đây nhân danh tôi?”. Người nghèo đem du khách đối diện trực tiếp với sự ác; và du khách phản ứng bằng kinh hoàng. Không hẳn người nghèo nào cũng là thánh. Gian khổ tạo nên cả xấu lẫn tốt nơi con người, cả những D’Aubuissons lẫn những Romeros (1). Điều hiển nhiên chỉ là họ không đáng phải chịu điều họ đang phải chịu. Bất công quả đang đi ngược hẳn lại nhân tính của họ.

Điều ấy hằn sâu vào tâm trí du khách và làm họ rung động tận gốc rễ. Người nghèo càng vào thực tại của họ sâu hơn, người mới đến càng từ người quan sát bước sang vai trò người tham dự. Càng để người nghèo phá đổ các hàng rào phòng ngự của mình, họ càng cảm thấy bất an hơn.

Họ bắt đầu nhìn thấy phản chiếu của mình trong ánh mắt người tiếp đón, và họ tự nói với mình: “Ê, những người này giống hệt như ta!” Họ cảm nhận một lời mời êm ái cởi bỏ cái gánh nặng tự tôn, điều mà thường là họ không ý thức được, để đồng hóa với những con người khiêm tốn này, bất chấp các dị biệt. Họ bắt đầu cảm thấy mình nhỏ nhoi hơn, “tầm thường” hơn. Một nỗi xấu hổ ngọt ngào xâm chiếm họ, không hẳn là hối hận đắng cay nhưng giống với cái xấu hổ ta cảm nhận khi si tình hơn. Du khách thấy mình mất hết lực kẹp; hay đúng hơn, họ thấy thế giới không còn lực kẹp họ nữa. Thế giới nào? Thế giới lập thành bởi những con người quan trọng như họ và những con người không quan trọng như những người tiếp đón họ. Như thi hào Yeats từng nói: “sự vật bị tháo rời”, thế giới của du khách đang bắt đầu bị tháo khỏi bản lề. Dĩ nhiên, họ cảm thấy một sức đề kháng đối với dòng nước đang đe dọa cuốn hút họ ra ngoài tầm kiểm soát của chính họ.

Họ cảm thấy đôi chút bối rối, cũng lại giống như người mất hướng lúc si tình. Thực thế, đó chính là điều đang xẩy ra, một thứ si tình. Trái đất lay động dưới chân. Chân trời của tôi bừng nở. Tôi đang đứng ở mảnh đất xa lạ, đang bước vào một thế giới phong phú hơn, hiện thực hơn. Chúng ta đều đang sống ở ngoại vi tấn bi hài kịch của đời người, thường là trong các xã hội giầu có. Thực tại của ngoại vi là một thực tại mỏng dính, một chiều, “nhẹ hẫng” (lite), so với sự phong phú tầng tầng lớp lớp của thế giới mới mà du khách đang bước chân vào. Trong sự trao đổi qua lại với một ít đại diện của nó này, khối quần chúng vô danh của người nghèo thế giới bỗng xuất hiện đàng sau thực tại bằng giấy cáctông của họ và mặc lấy trạng thái ba chiều của những con người nhân bản thực thụ.

Thực ra, còn hơn cả ba chiều nữa. Đôi mắt nạn nhân đang mời gọi. Chúng giống những chiếc giếng không đáy trong đó một điều gì vô tận đang lôi cuốn tôi. Trong sự niềm nở chào đón của chúng, tôi cảm thấy một an hòa tràn ngập tâm hồn mình. Tôi gần cảm thấy như ở nhà dù sống trên đất khách. Dù là tên đồng loã với thế giới của những người quan trọng như tôi và của những người không quan trọng như họ, tôi cảm thấy được tiếp nhận, được tha thứ, ngay cả trước khi thanh tẩy được hành vi mình vốn có với họ và cả hàng tỉ người như họ.

Sau khi suy nghĩ nhiều năm về các vấn đề này, tôi mới dần dần hiểu ra mình thuộc một bộ lạc đặc biệt. Các nền văn hóa trung lưu của Phương Bắc chỉ là những người mới bước vào lịch sử thế giới, và chỉ mới hiện hữu chưa đầy 200 năm nay. Chúng ta không phải đều là người xấu, mà chỉ là thiểu số nhỏ nhưng lại có ảo tưởng là mình ở trung tâm vũ trụ. Người nghèo có thể giải phóng ta khỏi cái ý niệm kỳ cục này.

Đừng hiểu lầm tôi. Các nền văn hóa trung lưu đã thực hiện được nhiều tiến bộ kỳ diệu cho nền văn minh. Đúng thế; nhiều tiến bộ xẩy ra tuy với giá mua khá lớn đối với các dân tộc và sắc tộc bị bóc lột, nhưng chúng vẫn là những thành tựu lịch sử. Ở đây, tôi không chỉ nói mơ hồ tới các tiến bộ kỹ thuật mà thôi. Tôi muốn nói tới cả các khai phá tâm linh, văn hóa và chính trị nữa: nhiều cơ hội chưa từng nghe tới, nhiều quyền tự do chính trị, nhiều nền dân chủ, nhiều ý thức có phê phán về Phong Trào Ánh Sáng v.v… Không cần phải hạ giá những thành tựu ấy. Vấn đề đối với chúng ta chỉ là: các nền tự do mới và sự an toàn kinh tế đã phân cách người không nghèo khỏi cuộc chiến đấu sống chết hàng ngày, một cuộc chiến đấu vốn là việc làm hàng ngày của người nghèo mọi thời kể cả thời nay. Có lẽ đến 90 phần trăm những người từng sống trên quả địa cầu này phải hàng ngày lao đao lắm mới có thể duy trì để gia đình mình được sống sót trước sự đe dọa của chết chóc vì đói khát, bệnh tật, tai nạn và bạo lực. Khi phân cách người không nghèo khỏi sự đe dọa hàng ngày của chết chóc, thời hiện đại có công phát khởi trong ta một thứ rối trí tuy ở mức độ thấp nhưng có tính kinh niên về điều thực sự quan trọng ở đời, nghĩa là chính sự sống và tình yêu.

Đàng khác, kỹ thuật cao và truyền thông đại chúng đang khiến ta coi nền văn hóa và viễn ảnh về đời người của ta là bình thường, và đúng hướng xét chung. Cuộc gặp gỡ với người nghèo buộc ta phải nghĩ khác; nó làm ta tỉnh trí lại. Khi từ phía bên kia bước ra, ta mới hiểu: người bị cho ra rìa thực sự là người ở tâm điểm sự việc. Chính chúng ta, những người ở Washington hay Paris, mới là người ở bên lề.

Những con người này lay tỉnh ta vì họ giúp ta quen thuộc với điều này: sự việc trên thế giới ngày nay tệ hơn điều ta vốn nghĩ nhiều lắm. Nhưng đó mới chỉ là nửa phần của câu truyện: vì nếu ta để họ chia sẻ các đau khổ của họ với ta, họ cũng sẽ thông đạt cho ta một số hy vọng của họ nữa. Nụ cười dường như thiếu nền tảng hiện thực kia không giả tạo; tinh thần lễ hội không phải là trốn chạy mà là nhìn nhận rằng ngoài bất công và phá hoại, vẫn còn một điều gì khác thế đang bon bon trên thế giới. Người nghèo tươi cười vì họ nghi rằng cái điều gì khác thế ấy còn mạnh hơn cả bất công. Khi họ cứ nhất định chia sẻ mẩu bánh nhân thịt (tortilla) với anh chàng Mỹ tới thăm, ta nhận ra có điều gì đó đang bon bon trên thế giới còn kỳ diệu hơn điều ta dám mơ tưởng nhiều.

Xem ra nạn nhân đang dành cho ta một địa bàn ưu hạng, dù không phải là địa bàn duy nhất, để ta gặp gỡ sự thật, một sự thật giải thoát chúng ta. Người nghèo dẫn ta vào trái tim thực tại. Họ làm ta đứng lên đối kháng với thế giới và với chính ta cùng một lúc. Đến một mức nào đó, tất cả chúng ta đều giữ một khoảng cách vừa phải đối với thực tại, một tay xua đuổi những phần không thể khoan thứ của thế giới, tay kia xua đuổi những phần không thể khoan thứ của chính ta đối với người khác. Hai điều ấy luôn đi đôi với nhau. Như một định luật, các gặp gỡ của ta với thế giới khiến ta cũng tiếp xúc với chính thực tại bên trong. Cách riêng, khi đau đớn của thế giới đập vào mắt ta qua con người nạn nhân, cuộc gặp gỡ này sẽ làm nổi lên trong ta những phần mà ta đã đẩy vào tận tiềm thức. Những người bị vứt bỏ bên ngoài kêu gọi những phần bị ta vứt bỏ bên trong sống dậy. Chính vì thế, người ta có khuynh hướng xa lánh người nghèo. Nhưng gặp gỡ họ làm ta lành lặn lại. Ta sẽ chỉ hàn gắn được các chia rẽ nội thẳm khi biết cố gắng hàn gắn các chia rẽ xã hội.

Các nạn nhân của lịch sử, người thiếu thốn, phụ nữ bị bạo hành, các thiểu số bị áp bức, tất cả những con người được Thánh Kinh gọi là “nghèo”, không những giúp ta tiếp xúc với thế giới và người khác, mà còn tiếp xúc với lòng từ bi của Thiên Chúa. Có một điều gì đó khôn dò trong cuộc gặp gỡ với người nghèo, như ta đã nói, giống như mở một trò chơi cờ tây (chess) với vô lường khả thể. Nếu ta chịu để mặc, người nghèo sẽ đặt ta trước hố thẳm của Mầu Nhiệm thánh mà ta vốn xưng là Thiên Chúa. Họ như một cánh cửa mở ra trước Mầu Nhiệm ấy và qua đó, Thiên Chúa tới gặp ta. Rõ ràng, ta cần họ hơn là họ cần ta.

Không lạ gì người ta vẫn cứ tiếp tục tới. Một điều gì đó đã xẩy ra, tôi nghĩ đó là một thứ si tình.

Ghi chú

(1) Thiếu tá Roberto D'Aubuisson Arrieta (23/08/1944 - 20/02/1992) là sĩ quan trong lục quân Salvador và là một lãnh tụ chính trị, từng thành lập Liên Minh Cộng Hòa Quốc Gia (Nationalist Republican Alliance), do chính ông điều khiển từ 1980 tới 1985. Ông được coi là người tổ chức và lãnh đạo biệt đội tử thần (death squads) từng tra tấn và sát hại hàng nghìn thường dân trước và trong cuộc nội chiến Salvador.

Trong khi đó, Óscar Arnulfo Romero y Galdámez (15/08/1917 – 24/03/1980) là một giám mục của Giáo Hội Công Giáo tại El Salvador, giữ chức Tổng Giám Mục San Salvador, bị ám sát ngày 24 tháng 3 năm 1980. Năm 1997, án phong chân phúc cho ngài đã được mở và Đức Gioan Phaolô II dành cho ngài tước hiệu Tôi Tớ Thiên Chúa từ đó. Tuy nhiên, đối với người El Salvador, ngài đã là “San Romero” (Thánh Romero) rồi. Lịch phụng vụ của Giáo Hội Anh Giáo cũng đã ghi tên ngài và tượng ngài được tôn kính trên tường phía tây của Westminster Abbey ở London, như một trong các tử đạo của thế kỷ 20. Ngài được tờ A Different View của Âu Châu tuyên dương là một trong 15 Quán Quân Dân Chủ Thế Giới vào năm 2008.