Theo linh mục John Flynn, LC (Zenit 14/10/2011), một số cuốn sách gần đây cung cấp cho ta cái nhìn thấu suốt về hiện tình tôn giáo tại Hoa Kỳ và ta nên kỳ vọng gì nơi những người sắp tới tuổi trưởng thành.

Cuốn thứ nhất là cuốn "FutureCast: What Today's Trends Mean for Tomorrow's World" (Dự Đoán Tương Lai: Các Khuynh Hướng Hiện Nay Có Nghĩa Gì Cho Thế Giới Ngày Mai) do nhà Barna Books xuất bản. Tác giả cuốn sách là George Barna, một nhà văn nổi tiếng từng sáng lập ra Nhóm Nghiên Cứu Barna. Dựa vào một số thăm dò công luận, cuốn sách nghiên cứu việc xã hội ngày nay đang nghĩ gì về một loạt các vấn đề xã hội.

Cuốn sách dành ba chương để khảo sát các niềm tin và thực hành tôn giáo. Việc xác nhận bản sắc tôn giáo nói chung khá ổn định, với 84% nhận mình là Kitô hữu vào năm 1991, tỷ lệ này là 85% vào năm 2010. Tuy nhiên, Barna cho hay nhiều người chỉ duy trì danh xưng chứ không thực hành niềm tin của mình.

Thực vậy, chỉ có khoảng 45% tin rằng Thánh Kinh hoàn toàn chính xác trong tất cả các nguyên tắc truyền dạy. Nhưng cả tỷ lệ này cũng giảm chỉ còn 30% đối với những người sinh từ 1984 trở lại đây. Chỉ có khoảng 34% người trưởng thành tin vào các sự thật luân lý tuyệt đối, trong số này chỉ có chừng 3% thuộc lớp người sinh năm 1984 và trở về sau.

Barna cũng nhận định rằng trong số những người lớn có liên hệ tới một giáo hội Kitô Giáo, chỉ có một nửa chịu quả quyết là mình hoàn toàn dấn thân cho đức tin Kitô Giáo.

Tâm linh

Một trong các thay đổi gần đây về bản sắc tôn giáo là việc gia tăng con số những người tự nhận mình là tâm linh (spiritual) chứ không phải tôn giáo. Khoảng một phần tư người lớn tuyên bố như thế, còn đối với lớp người dưới 30, thì đó là điều thông thường. Thuật ngữ này có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa, nhưng Barna nhận định rằng thường thường nó muốn nói tới sự dửng dưng tổng quát đối với các chương trình, biến cố và truyền thống của các giáo hội.

Điều trên được phản ảnh trong sự kiện này: chỉ có khoảng 17% tin rằng đức tin của họ vào Thiên Chúa được hiểu theo nghĩa phải chủ yếu phát triển qua việc can dự vào một giáo hội địa phương. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, mức tham dự thánh lễ hàng tuần ở nhà thờ vẫn quanh quẩn khoảng từ 40% tới 45%.

Tỷ lệ xem ra liên tục kia vén mở cho thấy nhiều thay đổi quan trọng về việc làm thành viên trong các giáo hội. Các giáo hội Thệ Phản lâu đời hơn, mà người ta quen gọi là các giáo hội chính dòng, hiện nay phần lớn bị liệt vào loại các giáo hội bên lề vì con số thành viên càng ngày càng giảm. Các giáo hội Thệ Phản đang lớn mạnh là các giáo hội Phúc Âm hay Ngũ Tuần.

Hiện cũng đang có sự gia tăng nơi các hình thức giáo hội mới. Các giáo hội tại gia, nơi có những nhóm tín hữu nhỏ tụ tập tại các tư gia, là hình thức giáo hội đang lên tại Hoa Kỳ. Các hình thức khác bao gồm các giáo hội được Barna gọi là các giáo hội viễn thông (cyberchurches) tụ tập nhờ Liên Mạng.

Người Mỹ hiện nay cũng có thói quen thay đổi giáo hội. Về phương diện này, Giáo Hội Công Giáo đang là người thua cuộc lớn hơn cả, ít ra cũng có tới 10% người lớn chạy qua các giáo hội khác. Rất may, con số này đã được bù lắp nhờ số người Công Giáo từ Châu Mỹ La Tinh nhập cư Hoa Kỳ.

Barna cũng thấy rằng không hẳn nhân tố tín lý đã khiến người ta thay đổi giáo hội. Đúng hơn các lý do này phần lớn có tính chủ quan, tập chú vào nhân cách, sự thuận tiện, và tiềm năng liên hệ cũng như cảm nghiệm.

Những người sắp trưởng thành

Cuốn sách thứ hai chú tâm tới nhóm người hạn hẹp hơn. Christian Smith, một giáo sư xã hội học tại Đại Học Notre Dame, cùng với một số đồng nghiệp, đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn có chiều sâu với các lớp người thuộc hạn tuổi từ 18 tới 23.

Họ gọi các lớp người này là “những người sắp trưởng thành” và trong cuốn sách của họ tựa là "Lost in Transition: The Dark Side of Emerging Adulthood" (Mất Lúc Chuyển Dịch: Phía Tối Của Tuổi Sắp Trưởng Thành” do nhà Oxford University Press xuất bản, các nhà xã hội học này đã thuật lại các khám phá của mình.

Thứ nhất, họ liệt kê một loạt các nhân tố đóng vai trò chủ chốt trong việc lên khuôn lớp người trẻ tuổi này:

-- Sự gia tăng đáng kể trong nền giáo dục cao cấp, điều này có nghĩa đối với phần đông, giáo dục kéo dài tới tuổi 20.
-- Triển hạn tuổi kết hôn, điều này có nghĩa sau khi tốt nghiệp trung học, người trẻ được thong dong tự tại một thời gian khá lâu.
-- Các thay đổi kinh tế khiến giới trẻ càng ngày càng khó kiếm được việc làm ổn định, có lương cao.
-- Cha mẹ sẵn sàng yểm trợ tài chánh cho con cái quá cả tuổi 20.
-- Phương tiện kiểm soát sinh đẻ ê hề khiến giới trẻ tách hẳn việc giao hợp tính dục ra khỏi việc sinh sản.
-- Các lý thuyết hậu cơ cấu và hậu hiện đại (poststructuralism & post modernism) đang ra sức cổ vũ chủ nghĩa chủ quan cá nhân và chủ nghĩa tương đối luân lý.

Cuốn sách này khởi đầu với một chương khá dài tựa là “Nền Luân Lý Vật Vờ” ("Morality Adrift"). Các tác giả cho rằng tư duy luân lý của lớp người sắp trưởng thành không nhất quán, gắn bó hay mạch lạc. Một trong các nhân tố tạo ra điều ấy là: rất ít người thuộc lớp này chịu suy nghĩ về các vấn đề luân lý khi gặp phải.

Theo cuốn sách, nhiều thiếu sót trong các giải đáp của họ phát sinh do hai nhân tố chính. Thứ nhất, dù có cố gắng đạt tới một số phán đoán luân lý tốt, nhưng họ lại có thiên hướng chống lại điều cuốn sách này gọi là “chủ nghĩa tuyệt đối luân lý có tính áp chế” ("coercive moral absolutism"). Thứ hai, phần lớn những người sắp trưởng thành rất ít được giáo dục về cách phải suy nghĩ ra sao đối với các vấn đề luân lý.

Giới trẻ ngày nay có những cách tiếp cận rất cá nhân chủ nghĩa đối với luân lý. Điều này khiến họ cho rằng bạn không nên phán đoán bất cứ ai khác trong các vấn đề luân lý, vì ai cũng có quyền có ý kiến riêng. Bởi thế, một sinh viên đại học cho rằng cô không gian lận trong các kỳ thi, nhưng cũng không phê phán đồng bạn khi họ làm việc đó.

Một người trẻ khác khi được hỏi liệu có được phép vi phạm luật luân lý khi không bị ai phát hiện và có lợi cho mình không, đã trả lời rằng nếu người đó không nghĩ đó là việc sai, thì theo định nghĩa, đâu có gì sai. Tuy nhiên, cô nhận rằng ăn cắp là ngu đần (dumb) nhưng làm thế đâu có khiến người ra thành người xấu.

Ngu đần

Các tác giả kết luận rằng theo quan điểm trên, “Một số điều o.k., một số điều ngu đần, còn chúng đúng hay sai một cách khách quan về luân lý là điều không rõ ràng”.

Chủ nghĩa tương đối về luân lý cũng được nhận thấy nơi nhiều người trả lời cuộc phỏng vấn. Ngoài ra, nhiều người còn nói ra các ý tưởng không nhất quán hợp lý (not rationally consistent). Trong một cuộc tranh luận, ý tưởng cho rằng luân lý là sản phẩm của xã hội và văn hóa tiến xa đến nỗi có người trẻ không đưa ra một phán đoán tiêu cực nào đối với nạn nô lệ. Một người khác bênh vực tính đúng đắn về luân lý của các hành vi khủng bố sát hại nhân mạng. “Họ làm điều họ nghĩ là tốt nhất họ có thể làm được và như thế họ làm điều tốt”

Cái dịch bản duy tương đối một cách mạnh mẽ như thế được đến 1/3 những người trả lời cuộc phỏng vấn phát biểu, dù 2/3 số người còn lại không đến nỗi đi quá xa như vậy. Tuy nhiên, trong số những người sau, nhiều người vẫn không có được một chủ trương vững vàng về luân lý. Nhiều người cũng không có khả năng giải thích hay bênh vực các chủ trương luân lý của mình.

Tất cả lớp người sắp bước vào tuổi trưởng thành có tin vào một điều gì đó tự gọi là luân lý, dưới hình thức này hay hình thức khác. Các nhà xã hội học này cho rằng khi được hỏi về nguồn gốc của luân lý, phần lớn các câu trả lời không phù hợp với các tiêu chuẩn có tính phê phán. Không dưới 34% tuyên bố rằng họ không biết điều gì khiến một điều thành đúng hay sai về luân lý. Một số còn cho rằng mình không hiểu cả chính câu hỏi nữa.

Đối với nhiều người khác, các câu trả lời có thay đổi. Một số nghĩ rằng luân lý tính được xác định bởi điều người khác nghĩ về một ai đó. Tiêu chuẩn này ít nhiều được phát biểu bởi 40% những người được phỏng vấn. Nhiều người khác mô tả căn bản của luân lý tính tùy thuộc việc một điều gì đó có hiệu năng cải tiến trạng huống người ta hay không.

Trong kết luận của chương nói về luân lý tính, các tác giả nhận định rằng những người sắp bước vào tuổi trưởng thành được trang bị rất kém trong việc đương đầu với các thách đố hiện tại cũng như tương lai và tạo nên một thế hệ hiện thất bại về phương diện đào tạo luân lý. Dù cần thận trọng trong việc tổng quát hóa các duữ kiện thống kê hay điều tra, chứng cớ của hai cuốn sách trên vẫn nhắc ta nhớ đến các thách đố mà các giáo hội và những ai quan tâm tới luân lý đang phải đương đầu.