NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT CŨNG LÀ CÔNG DÂN TỐT
(Tiếp theo và hết)

c. Quyền phản đối theo lương tâm.

Các công dân không bị buộc trong lương tâm phải theo những chỉ thị của chính quyền dân sự nếu những mệnh lệnh ấy trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý, trái ngược với những quyền căn bản của con người hay trái ngược với giáo huấn của Tin Mừng. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối. Đây vừa là một nghĩa vụ luân lý lẫn một quyền căn bản của con người, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy.

Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Thật vậy, không bao giờ người ta có thể biện minh cho những sự cộng tác như thế, không phải bằng cách viện cớ phải tôn trọng tự do của người khác, cũng không phải bằng cách cho rằng điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Không ai có thể tránh được trách nhiệm luân lý về những hành vi ấy, và Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12) (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 399).

d. Quyền phản kháng.

Nhìn nhận luật tự nhiên là nền tảng cho luật thiết định và đặt giới hạn cho luật thiết định, điều đó có nghĩa là chấp nhận rằng: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu của luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết rằng “người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy”. Bởi đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng.
Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể và có những mục tiêu khác nhau mà chúng ta có thể theo đuổi. Phản kháng nhà cầm quyền là cho thấy mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó (Số 400).

Học thuyết xã hội của Giáo Hội có đưa ra những tiêu chuẩn để thi hành quyền phản kháng: “Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền chỉ chính đáng khi hội đủ các điều kiện sau đây:
1/ có sự xâm phạm các quyền căn bản của con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài;
2/ đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả;
3/ phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn;
4/ có hy vọng thành công với những lý do vững chắc;
5/ theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn”.
Sử dụng vũ khí được coi như giải pháp sau cùng để chấm dứt ‘một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản của con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung của đất nước’. Vì những nguy hiểm trầm trọng của việc sử dụng bạo lực nên, hiện nay, người ta chọn biện pháp kháng cự thụ động hơn, một phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng có nhiều cơ may thành công (Số 401).

e. Gương ‘Công dân tốt’ của Thầy Chí Thánh Giêsu được diễn tả qua :

« Dù không đồng ý với sự cầm quyền đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người gọi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời. Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người. Nhưng đồng thời quyền bính trần gian cũng được quyền đòi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công.

Đức Giêsu – vị Mêsia được hứa trước – đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình (x. Mt 4,8-11; Lc 4,5-8). Người là Con Người xuất hiện “để phục vụ và để hy sinh tính mạng mình” (Mc 10,45; x. Mt 20,24-28; Lc 22,24-27). Khi nghe các môn đệ tranh cãi xem ai lớn nhất, Đức Giêsu đã dạy họ phải biến mình thành người nhỏ bé nhất và làm tôi tớ mọi người (x. Mc 9,33-35); Người đã chỉ cho hai con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, đang muốn xin giữ hai vị trí tả hữu bên Người, con đường thánh giá phải đi (x. Mc 10,35-40; Mt 20,20-23) Ừ (Tóm lược Học thuyết xã hội Công giáo số 379).

III. NGƯỜI CÔNG GIÁO: CON CÓ MỘT TỔ QUỐC.

Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận, đáp lời mời gọi Hồn thiêng Sông Núi, đã viết :
« Là người Công giáo Việt Nam,
Con phải yêu tổ quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội thánh bảo con,
Cha mong dòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con. »

Điều 4 trong ‘Mười Điều Răn Đức Chúa Trời’ dạy : Thảo Kính Cha Mẹ mà gia tài của Cha Mẹ để lại là Quê Hương Đất Việt. Do đó, không ai hay tập thể nào có thể nhân danh bất cứ lý do gì để cắt dâng đất và biển cho ngoại bang.

Người Công giáo chỉ tốt khi ghi nhớ và thực thi lời Đức Chúa Trời dạy. Đồng thời, là Công dân tốt khi :

«Con có một tổ quốc: Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời,
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang,
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn.
Núi cao cao, xương chất cao hơn.
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn.
Nước tuy nhỏ, nhưng danh vang.
Con phục vụ hết tâm hồn,
Con trung thành hết nhiệt huyết,
Con bảo vệ bằng xương máu,
Con xây dựng bằng tim óc.
Vui niềm vui của đồng bào,
Buồn nỗi buồn của Dân tộc. »


IV. NHỮNG LỢI DỤNG LỜI ĐỨC THÁNH CHA.

A. Đại diện Đảng và Nhà nước.

Mạng lưới thông tin ‘Chinhphu.Việt Nam’ loan tin : ngày 05.01.2011, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn thiện Nhân đã tới dự Lễ bế mạc năm Thánh 2010 tổ chức tại nhà thờ La Vang tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, Ông trích lời Đức Thánh Cha : « Nhà nước Việt Nam đánh giá cao lời giáo huấn của Giáo hoàng Bênêđíctô 16 với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam khi tiếp đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2009: ‘Người Công giáo phải chứng tỏ bằng cuộc sống của chính mình, dựa trên lòng bác ái lương thiện coi trọng lợi ích cộng đồng, rằng một giáo dân tốt đồng thời cũng là một công dân tốt. Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’ ».

Chỉ trích dẫn bao nhiêu đó, chúng ta cũng có thể rút ra nhiều nhận định :

1. Quen sống thời Việt Nam Cộng Hòa và học biết về nguyên tắc phân quyền : hành, lập và tư pháp, chúng tôi bất ngờ khi thấy ông Phó Thủ tướng phải thay mặt Quốc hội và Chính phủ cùng bao nhiêu đoàn thể khác. Đâu phải vì thế chứng tỏ tính cách dân chủ của chế độ.

2. Không biết ông Phó Thủ tướng, cố tình hay vì không biết, đã thay chữ ‘người Công giáo’ của Đức Thánh Cha bằng chữ ‘giáo dân’. Trong nhiều trường hợp, hai chữ có những qui định khác nhau vì ‘người Công giáo’ bao gồm ‘giáo sĩ’ lẫn ‘giáo dân’. Thí dụ, trong lãnh vực chánh trị, giáo dân được Giáo hội khuyến khích nhưng giáo sĩ thì được Giáo luật khuyên đừng nhập đảng hay tham chính.

3. Ông Phó Thủ tướng nói rằng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao lời giáo huấn của Giáo hoàng Bênêđíctô 16 như ‘Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’. Nhưng, trong thực tế, Nhà nước đang dự trù thay thế Nghị định 22/2005 (lần 5) tạo một sự thụt lùi nặng nề so với các văn kiện pháp lý hiện có với ý muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế này vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà nước vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

4. Nhà nước biết và đánh giá cao lời giáo huấn rằng ‘Giáo hội hoàn toàn không tìm cách thay thế vai trò của Chính quyền mà chỉ mong muốn trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng, có một vị trí thích đáng trong cuộc sống của đất nước vì lợi ích của toàn dân’, tại sao Chính phủ không tiến hành thực hiện điều đó với Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện Giáo hội Công giáo, vì lợi ích của toàn dân mà Nhà nước và Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ.

B. Các ông linh mục ‘quốc doanh’.

Đồng bào chúng ta thật chính đáng khi gắn cho tĩnh từ ‘quốc doanh’ vì nhiệm vụ của họ là nhận tiền từ công quỹ để cưỡng bách Bề Trên và đánh phá Giáo hội. Dù là linh mục, một người Công giáo không còn tốt khi không tuân giữ Giáo luật.Khi là thành viên Ủũy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, họ vi phạm điều 287.2 Giáo luật và khi đắc cử các cơ quan nhà nước, họ vi phạm thêm điều 285.3 Giáo luật. Bởi vậy, người Việt khinh khi nên gọi họ là ‘quốc doanh’ để đồng hóa họ với xí nghiệp quốc doanh.

Trong thư đề ngày 25.12.1997 để báo cáo với lãnh đạo Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và Ban Tôn giáo TP. Hồ chí Minh về Phan khắc Từ và Trương bá Cần, Vương đình Bích viết : « Tôi thành khẩn nói rõ với hai anh Từ và Cần, là vấn đề thật của Tổ chức chúng ta, không phải là Nhóm Nghiên cứu (bị Phan khắc Từ giải tán), mà là Nhóm bốn anh em chúng tôi, Minh, Cần, Từ, Bích đã được lãnh đạo gầy dựng và giao cho nhiệm vụ điều động Phong trào Công giáo Yêu nước tại Thành phố này… ». Điều lệ của Ũy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ghi rõ: « UBĐKCGVN ‘là tổ chức đại diện phong trào yêu nước của người Công giáo Việt Nam’, là ‘thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt-Nam’. (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản dựng nên, bao gồm các đoàn thể nhân dân. »

Đến nay, linh mục Cần đã qua đời, ba người còn lại đều thật giàu. Những số tiền họ và UBĐK nhận từ ngân sách, những số tiền người dân đóng thuế, góp phần gia tăng lạm phát, làm khốn khổ thên cho đồng bào nghèo. Sự giàu sang của các linh mục làm ‘mờ mắt’ các linh mục khác như Nguyễn công Danh, Nguyễn tấn Khóa, Trần mạnh Cường, Lê ngọc Hoàn… gia nhập UBĐK, trở thành Đại biểu Quốc hội lãnh tiền để ‘gật’… Khả năng làm luật của Linh mục Cường và Hoàn không thể so sánh với Luật sư Lê quốc Quân, một người ‘Công giáo tốt cũng là Công dân tốt’ bị chế độ cộng sản đánh phá và cấm không cho ứng cử không ? Ngoài ra, họ còn làm giàu do độc quyền in và bán sách báo đạo.

Linh mục Phan khắc Từ, người có tình trạng gia đình không rõ rệt, khi ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, trả lời phỏng vấn báo Người Công giáo Việt Nam, nói : « Là linh mục Công giáo, tôi gắn bó với Giáo hội và vâng phục đấng bản quyền,… » và khoe « Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt. Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã chọn Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam làm cẩm nang cho mọi hoạt động. Tôi nguyện tiếp tục đi tiên phong trong sứ mạng này. ». Rồi, với Đài Á châu Tự do, ứng cử viên tuyên bố : « Trước hết tôi rất quan tâm tới người nghèo, người khuyết tật cơ nhỡ, người bị thiệt thòi trong xã hội. Đây là một lĩnh vực có thể nói từ trước tới giờ tôi vẫn quan tâm ». Nhưng khi bị thất cử, ông chiếm đoạt tài sản của Giáo xứ Vườn Xoài khoảng 10 tỷ đồng bằng sửa sổ sách.

V. NHỮNG NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT CŨNG LÀ CÔNG DÂN TỐT.

Người Công giáo thông thường là những Công dân tốt vì chính Chúa Giêsu dạy ‘Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa’ (Mc 12, 17). Người Công giáo tốt biết ‘kính Chúa yêu người’, tóm gọn Giáo lý cả Cựu ước lẫn Tân ước.

Người công dân tốt phải :
- sống bác ái, biết sống vì lợi ích chung của quốc gia, khu vực và quốc tế ;
- chẳng những tuân theo pháp luật hiện hành mà còn phải đóng góp xây dựng một hệ thống luật pháp công bình ;
- tôn trọng chính quyền, nhưng khi chính quyền sai trái thì phải theo Ý Chúa, theo tiếng lương tâm.

Gương sáng nơi Tổ Tiên Dân Tộc Việt vô cùng phong phú. Trước hết, phải kể đến Ông Bà, Cha Mẹ chúng ta đã âm thầm và nhẫn nại sống cuộc đời ‘kính Chúa yêu người’, vui với niềm vui của đồng bào và buồn chung nỗi buồn của Dân tộc.

Trên đó, chúng ta có quyền hãnh diện 117 Thánh Tử đạo được Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phao lô II giới thiệu cho Giáo hội Hoàn vũ cùng một Chân phước Tử đạo (kính trên Quê hương) như là những chứng nhân ‘Công giáo tốt cũng là Công dân tốt’.