Cuộc cách mang đang diễn ra trong thế giới Ả Rập khởi sự ngày 17 tháng 12 năm 2010 khi Mohammed Bouazizi, một thanh niên Tunisia 26 tuổi, tự thiêu để phản đối một nữ cảnh sát viên đã tịch thu chiếc cân mà anh ta vốn dùng để bán trái cây với lý do anh ta không có giấy phép. Trước khi tự thiêu, anh ta hô lớn: “các ông các bà mong tôi làm cách nào để sống đây?”. Chia sẻ nỗi bất mãn của anh, đồng bào anh đã xuống đường phản đối và các cuộc biểu tình này đã lật đổ chế độ thối nát của Zine El Abidine Ben Ali, khiến ông ta phải rời Tunisia ngày 14 tháng Giêng. Tiếp theo đó, ai cũng rõ: Phong trào phản kháng mau chóng lan qua Ai Cập lôi cuốn cả hàng triệu người phản đối, kết quả, ông Mubarak cũng đã miễn cưỡng rút lui vào ngày 11 tháng Hai. Những ngày gần đây, phong trào phản kháng nổi lên rầm rộ khắp vùng Ả Rập mà đẫm máu nhất chính là Lybia, nơi hàng trăm thường dân đã bị chế độ Moammar Gadhafi nã đạn sát hại.

Dù có những lo ngại trước làn sóng phản kháng không có lãnh tụ này, rất dễ cho những khuynh đảo ma quái luôn rình rập phía đàng sau, linh mục Samir Khalil, Dòng Tên, gốc Ai Cập, một chuyên gia của Giáo Hội về Trung Đông và Hồi Giáo, vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng một mùa xuân đang bừng nở cho thế giới Ả Rập. Đó cũng là tựa đề một tham luận cha gửi cho Aisanews ngày 24 tháng 2 vừa qua.

Chứng cớ của mùa xuân này là không hề có chủ nghĩa cực đoan hay ý thức hệ trong các cuộc biểu tình ở Libya, Ai Cập và Tunisia… Đây là một phong trào của người trẻ, được thúc đẩy bởi đau khổ kinh tế và các lý tưởng như dân chủ, bình đẳng, tự do và công lý. Các cuộc biểu tình không có bóng dáng bạo động và hận thù. Cả thế giới Ả Rập đang thay đổi, đem lại cho ta một viễn tượng chưa từng có ở đây: tầm quan trọng của người trẻ.

Cuộc cách mạng của giới trẻ

Theo Cha Khalil, những người đã và đang biểu tình, đang liên lạc với nhau và với thế giới bên ngoài, đang truyền bá tin tức đều là người trẻ dưới 30 tuổi. Trong các nước Ả Rập, nửa dân số thuộc lớp tuổi này. Lớp người này mơ ước có một việc làm và một gia đình riêng. Nhu cầu của họ là những nhu cầu căn bản nhất. Thêm vào đó, họ mong ước có dân chủ, tự do, bình đẳng và công lý. Đó là mơ ước của mọi người trẻ trên thế giới, nhưng ở đây, vì những lý do kinh tế, xã hội, và chính trị, nó đang là động cơ thúc đẩy thay đổi.

Những người trẻ này ít quan tâm tới các tranh chấp quốc tế. Trong các phong trào phản kháng này, các vấn đề có quan hệ tới Hoa Kỳ, Do Thái, cuộc chiến đấu của người Palestine, việc giải phóng Giêrusalem… đều không được nêu ra. Hàng mấy thập niên qua, thế giới Ả Rập đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc biểu tình có tính ý thức hệ. Nhưng những thanh niên này chỉ biết tập chú vào các vấn đề quốc gia và xã hội, họ không biểu tình cho bất cứ ý thức hệ nào, dù là tả hay hữu. Trong những tháng này, không một lá cờ Hoa Kỳ hay Do Thái nào bị đốt; không ai hô hào, tranh đấu cho Hồi Giáo được thống trị thế giới. Họ không muốn ý thức hệ, họ muốn chủ nghĩa hiện thực.

Cuộc cách mạng của liên đới, không cuồng tín

Điều đáng lưu ý là những người trẻ trên tuy vẫn muốn tôn giáo, nhưng không muốn cuồng tín. Cha Khalil cho hay: trong mấy ngày qua, ngài có dịp tham gia một cuộc tụ tập để tưởng niệm cái chết của Rafik Hariri (1) ở Li Băng. Buổi lễ diễn ra trong một căn phòng mấy trăm người, vừa chức sắc vừa thường dân, tại Biel, Beirut. Trên lễ đài, bài Ave Maria đã được một ca sĩ Kitô Giáo Li Băng đơn ca quện lẫn với lời kêu gọi cầu nguyện do một ca sĩ Hồi Giáo trình diễn. Hai giọng ca ấy hòa lẫn vào nhau một cách sâu sắc và tuyệt diệu đến nỗi nhiều người phải chẩy nước mắt. Bởi thế, trong các phong trào này, người ta nhận rõ một khát mong đối với đoàn kết, hòa bình, hơi có vẻ lý tưởng một chút, nhưng rất hiện thực. Trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập, người ta được chứng kiến nhiều cử chỉ mới và hiếm thấy như các phụ nữ ôm hôn những người lính như ôm hôn con cái mình, vì những người lính này nhất định không nã súng vào thường dân. Binh sĩ tại Libya cũng án binh bất động đến nỗi chính phủ phải mời lính đánh thuê từ vùng Hạ Sahara. Hiện nay, 5 đại sứ của Libya đã từ chức, nhiều bộ trưởng cũng đã từ nhiệm, nhiều binh sĩ khác nhất định không ném bom các thị xã.

Đây nguyên tuyền là một phong trào phản kháng độc tài, một mùa xuân thực sự mà người ta có quyền hy vọng sẽ không làm họ thất vọng. Trong bầu không khí này, lòng đạo chính thức hay quá khích không bao giờ xuất hiện. Các ông giáo sĩ có râu có thể xuất hiện ở các quảng trường để đòi hỏi tự do. Nhưng họ không tạo thành một khối riêng rẽ, mà hòa lẫn vào đám đông như một toàn bộ. Sự đoàn kết này lần đầu mới có.

Một cuộc cách mạng ôn hòa

Một yếu tố khác hết sức nổi bật là mọi người đều cố gắng biểu tình đòi hỏi thay đổi một cách ôn hòa: nhất là tại Ai Cập, nhưng ở Bahrain, Tunisia và đôi khi ở Lybia cũng thế. Xem ra cả thế giới Ả Rập cuối cùng đã khao khát một thời đại hòa bình.

Yếu tố ôn hòa được thấy rõ qua sự kiện người ta không hận thù Mubarak cũng như Ben Ali. Đôi khi cũng có đấy, nhưng không bao giờ kèm theo bạo lực. Điều này cho thấy người phản kháng sẵn sàng cùng nhau thể hiện điều tốt và mới mẻ.

Có điều hơi lo ngại là các phong trào phản kháng này không có lãnh tụ. Có lẽ vì các phong trào này gồm toàn người trẻ, là những người không có máu ý thức hệ hay cực đoan. Khía cạnh này hơi nguy hiểm, vì rất có thể bị khuất phục hay lèo lái bởi các lãnh tụ bất xứng.

Nhưng mặt khác, các phong trào này khiến ta nhớ tới các phong trào tương tự tại Đông Âu vào năm 1989. Ngay lúc ấy, người ta đã thấy rõ hiệu quả domino khi hết chế độ này đến chế độ nọ thay nhau cáo chung, không tốn một viên đạn. Hiện tượng đó khiến người ta tin rằng lớp trẻ hiện nay sẽ không bị lèo lái bởi các phong trào tôn giáo hay ý thức hệ quá khích.

Còn Âu Châu thì sao?

Cha Khalil cho hay hầu hết các nước Phương Tây rất ngỡ ngàng trước các cuộc cách mạng này. Tại sao các nước này, tuy có nhiều liên hệ kinh tế với khu vực, lại không nhận ra bất cứ dấu hiệu nào? Rất có thể vì lâu nay, Tây Phương chỉ chú tâm tới việc đầu tư mà thôi. Họ thiếu hẳn nhậy cảm hay đui mù trước cao trào dân chủ trước khi nó nổ bùng rầm rộ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Hoa Kỳ đứng đàng sau, giật dây các cuộc biểu tình này hòng củng cố quyền lực của họ từ Morocco tới Kuwait, thiết trí lại cơ cấu lãnh đạo các nước này và kiểm soát nguồn dầu hỏa của cả vùng. Cha Khalil không tin như thế.

Thay vào đó, cha hy vọng Âu Châu sẽ nhân dịp này ra tay giúp đỡ Thế Giới Ả Rập, nhưng không được can thiệp vào nội bộ của họ. Vùng này không muốn người ngoài can thiệp vào nền chính trị của họ. Nhưng họ cần được nâng đỡ. Những cuộc biểu tình vừa kể đã dẫn tới một thảm họa về kinh tế: đình công lâu dài, phá hủy và cùng quẫn. Cần phải giúp họ vượt qua các khó khăn này.

Cũng nhân dịp này, Tây Phương nên tự vấn lương tâm. Trước đây họ đã làm gì cho các chế độ trong thế giới Ả Rập? Họ đã ủng hộ chúng. Pháp thì ủng hộ Tunisia, Ý thì ủng hộ Libya, Hoa Kỳ ủng hộ Ai Cập. Xét mặt này mặt nọ, các chế độ đó vốn có những người bảo trợ Tây Phương. Nay là lúc Tây Phươg phải có thái độ tích cực hơn.

Quá chán chường

Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Zenit, Cha Khalil gọi các cuộc phản kháng trong thế giới Ả Rập gần đây là một tự phát của người trẻ, không do đảng phái hay tổ chức chính trị nào điều khiển. Việc tự phát này có điểm chung là nhằm chống lại các chế độ đã kéo dài quá lâu: Tunisia: 21 năm; Ai Cập: 30 năm; Libya: 42 năm, Yemen: 21 năm v.v… Họ quá chán chường với các chế độ này, muốn chúng “cút đi”. Các khẩu hiệu bằng tiếng Ả Rập thường là "irhal" đúng là cút đi, bọn tao chán mày quá chừng rồi. Phong trào chống Mubarak cũng được mô tả bằng tiếng Ả Rập là "kefaya!" nghĩa là đủ rồi!

Việc tự phát ấy cũng có đặc điểm chung là nhu cầu làm việc, tạo dựng một gia đình, sống tối thiểu xứng đáng. Người thanh niên tự thiêu Tunisia vốn từng đi học, không có việc làm, phải đi bán trái cây kiếm sống, mà đường cùng vẫn bị cản trở. Tại Ai Cập, gần 30 triệu con người chỉ kiếm được mỗi ngày không quá 2 đôla. Trong khi các nhà lãnh đạo của họ không những chỉ là triệu phú, mà còn là tỉ phú sống phè phỡn.

Việc tự phát này còn có đặc điểm nữa là không gây hấn, không tấn công ai. Không người Mỹ nào bị tấn công, không lá cờ Mỹ hay Do Thái nào bị đốt cháy hay giầy xéo. Người biểu tình chỉ quan tâm tới số phận của họ. Họ cũng không có mưu toan giết hay cầm tù các nhà lãnh đạo chính phủ: họ lên án nhưng vẫn để những người đó ra đi. Nó là một phong trào không nhằm chống ai, chỉ nhằm dành quyền sống, một cuộc sống xứng đáng hơn. Đúng là một mùa xuân thực sự.

Mùa xuân này không bị lèo lái bởi các phong trào cực đoan. Tại Ai Cập, người Hồi Giáo và người Kitô Giáo nắm tay nhau, bất chấp các cố gắng của phe cực đoan muốn họ đối nghịch nhau. Các chính khách cũng thất bại không thực hiện được âm mưu chia rẽ ấy.

Không khí hiện nay là một không khí mừng vui đại hội, mừng chiến thắng của dân chủ. Đây là chiều hướng ít được thế giới Tây Phương để ý. Thực ra, thế giới Ả Rập đã đề cập, đã viết nhiều về nhu cầu dân chủ này từ lâu rồi. Họ cho thấy thế giới của họ không tốt đẹp, nó là một trong những nơi tồi tệ nhất thế giới. Họ mong muốn được sống như các quốc gia khác. Nhân dân trong thế giới Ả Rập biết rõ Âu Châu vì họ rất gần gũi với châu lục này. Mọi người đều có thân nhân ở Pháp, ở Đức, ở Ý, ở Bỉ, ở Anh v.v… Họ biết ở đó cuộc sống rất khác. Ở đấy, dù có khó khăn kinh tế, nhưng có công lý, ai cần đi bệnh viện để mổ, có thể đi dù nghèo xác xơ: hệ thống dân chủ Âu Châu cho phép điều đó xẩy ra dù bệnh nhân không có tiền trả. Họ cũng biết rằng ở Âu Châu, người ta được luật sự bào chữa vì họ không có tiền trả cho ông ta. Công lý phục vụ cả người nghèo lẫn người giầu hay gần như thế. Họ biết tất cả những điều này qua bạn bè, qua internet, mà người ta càng ngày càng sử dụng rộng rãi hơn. Điều ấy đang tạo ra cao trào kêu gọi dân chủ.

Phong trào canh tân Hồi Giáo

Nhân dịp này cũng nên nhắc tới một bài khác cũng của Cha Khalil đăng trên AsiaNews ngày 26 tháng Giêng tựa là: “Các Giáo Sĩ và Các Nhà Trí Thức Ai Cập: Canh Tân Hồi Giáo Hướng Về Tính Hiện Đại”. Bài báo này tường thuật việc một số giáo sĩ và trí thức nổi tiếng của Ai Cập lên tiếng đòi canh tân Hồi Giáo, trước khi có những biến động khiến Mubarak phải từ chức, mà các điểm chính là: suy nghĩ lại vai trò của phụ nữ, huynh đệ hóa các phái tính, liên hệ bình đẳng với người Kitô Giáo. Họ cũng muốn làm rõ việc giải thích các lời nói của Mohammad và các huyền thoại của chủ nghĩa cực đoan Salafism (2), bác bỏ các ảnh hưởng của Saudi Arabia.

Trong số này, có tiến sĩ Nasr Farid Wasel, nguyên Trưởng Giáo Chủ của Ai Cập, giáo sĩ Safwat Hegazi, Tiến Sĩ Gamal al-Banna, em trai người sáng lập ra phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo (3), các giáo sư Malakah Zirâr và Âminah Noseir, văn sĩ Hồi Giáo nổi tiếng Fahmi Huweidi và một số lớn các vị giảng thuyết (du’ât) có trách nhiệm về chương trình Tuyên Truyền Hồi Giáo, như Kalid al-Gindi, Muhammad Hedâyah, Mustafa Husni… Ngày 24 tháng Giêng vừa qua, họ cho công bố một tài liệu tựa là “Tài Liệu Về Việc Canh Tân Ngôn Từ Hồi Giáo” trên trang mạng của tuần san Yawm al-Sâbi’'("Ngày Thứ Bẩy").

Trong chính ngày công bố, đã có 153 lời bình luận, trong đó hết 88.25% lên tiếng chỉ trích bản văn, cho rằng nó làm méo mó Hồi Giáo và mưu toan đưa ra một tôn giáo khác hẳn. Chỉ có 18 người ca ngợi các tác giả.

Sau đây là bản dịch tài liệu này lấy từ bản “tạm dịch” sang tiếng Anh của chính Cha Khalil:

Phải duyệt lại các sách Hadith (các lời được gán cho Muhammad) (4) và các sách chú giải Kinh Kôrăng để thanh lọc chúng.

Phải thích ứng một cách tinh tế các từ vựng tôn giáo chính trị duy Hồi Giáo như gizyah (thuế đặc biệt đánh trên các dhimmi, tức các công dân bậc nhì) (5).

Phải tìm ra một cách phát biểu mới cho ý niệm huynh đệ giữa các phái tính.

Phải khai triển quan điểm Hồi Giáo về phụ nữ và tìm ra nhưng phương thức thích hợp cho luật hôn nhân.

Hồi Giáo phải là tôn giáo của sáng tạo.

Phải giải thích ý niệm Hồi Giáo về gihâd (6), và minh giải các qui luật và các đòi hỏi điều hướng nó.

Phải tấn công lòng đạo đức bề ngoài và các thực hành phát xuất từ các quốc gia láng giếng (một lối nói thường để chỉ các ảnh hưởng của Saudi Arabia).

Phải phân biệt nhà nước và tôn giáo.

Phải thanh tẩy gia tài “Các thế kỷ đầu của Hồi Giáo” (phái Salafism), vứt bỏ các huyền thoại và tấn công chống tôn giáo.

Hãy chuẩn bị thích đáng cho các giảng thuyết viên truyền giáo (du’ât) và trong lãnh vực này, phải mở cửa cho những ai không theo học tại Đại Học Al Azhar (7), theo các tiêu chuẩn rõ ràng.

Phải xác nhận các nhân đức chung của ba tôn giáo mạc khải.

Phải loại bỏ các thực hành không đúng đắn và đưa ra các hướng dẫn liên quan tới các đường lối của Tây Phương.

Phải xác định rõ mối tương quan cần phải có giữa thành viên các tôn giáo qua nhà trường, đền thờ và nhà thờ.

Phải dùng nhiều cách khác nhau để thích ứng việc trình bày tiểu sử của Tiên Tri cho Tây Phương.

Đừng làm dân xa cách các hệ thống kinh tế bằng việc buộc họ không được liên hệ với các ngân hàng.

Phải nhìn nhận quyền của phụ nữ được đảm nhận chức vị tổng thống cộng hòa.

Phải chống lại các chủ trương bè phái cho rằng cờ Hồi Giáo phải là một. Phải mời gọi dân chúng đến với Thiên Chúa vì lòng biết ơn và đức khôn ngoan, chứ không vì sự đe dọa.

Phải thay đổi cách giảng dạy tại Al Azhar.

Phải thừa nhận quyền lợi người Kitô Giáo, để họ có thể nắm giữa các chức vụ quan trọng kể cả chức vụ tổng thống.

Phải tách biệt ngôn từ tôn giáo ra khỏi quyền lực và phục hồi sợi dây liên kết vì nhu cầu của xã hội.

Phải thiết lập mối liên kết giữa Da’wah (lời kêu gọi trở lại Hồi Giáo) (8) và kỹ thuật tân tiến…


Trong cuộc phỏng vấn của Zenit, Cha Khalil xác nhận rằng: chỉ trong vòng vài giờ sau khi bài trên được đăng tải, hơn 12,400 trang mạng Ả Rập đã cho đăng lại, chứng tỏ cao trào dân chủ đang lên rất cao tại thế giới Ả Rập. Điều ấy càng làm cha tin tưởng rằng các biến động hiện nay không bị lèo lái bởi bất cứ âm mưu cực đoan hay ý thức hệ nào.

Cha cũng cho hay: việc tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước là một chủ đề quen thuộc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các xã hội Ả Rập. Trên một diễn đàn Tunisia gần đây về tính thế tục, có độc giả viết rằng: “Tôi hoàn toàn ủng hộ ý niệm thế tục chân thực tại Tunisia”. Người khác cho rằng: Tuy Tunisia khá thế tục, nhưng có nhiều điểm, nó vẫn chưa thế tục đủ, như chưa công khai nhìn nhận quyền tự do thực hành đạo của người ta, hay chưa coi đàn ông và đàn bà ngang nhau về quyền thừa kế.

Người dân Ả Rập cũng dần dần nhận ra rằng tôn giáo là điều tốt, phải phát huy, nhưng nên duy trì nó ở phạm vi bản thân, đừng lấn vào lãnh vực công luật. Mặt khác, họ cho rằng cũng cần phân biệt giữa tôn giáo, là định chế có những nguyên tắc đạo đức, và quyền lợi vốn là nền tảng của cuộc sống. Nhân quyền là điều không thể từ bỏ được, nếu luật tôn giáo đi ngược lại nhân quyền, “thì chúng tôi thích nhân quyền hơn luật Sharia”. Tóm lại, theo Cha Khalil, hiện đang có sự ý thức tổng quát hơn về nhân quyền, dân chủ đích thực và các quyền tự do.

Kitô Giáo và Hồi Giáo tay trong tay

Dấu hiệu khác của mùa xuân Ả Rập là sự tham gia của cả tín hữu Hồi Giáo và tín hữu Kitô Giáo vào các cuộc phản kháng gần đây. Nhất là tại Ai Cập. Ở đây, Kitô Giáo chỉ chiếm 10% dân số và vào dịp Giáng Sinh vừa qua, 23 Kitô hữu từng bị bọn quá khích Hồi Giáo hạ sát lúc đang tham dự Thánh Lễ. Ấy thế mà chỉ 3 tuần lễ sau, họ đã cùng người Hồi Giáo nắm tay nhau biểu tình chống độc tài, giương cao cả Thánh Giá lẫn Kinh Kôrăng, mang nhiều biểu tượng ý nghĩa, như một lá cờ với hình thánh giá và hình trăng lưỡi liềm lớn. Một thanh niên Hồi Giáo nằm cầu nguyện trên cát, mình phủ lá cờ Ai Cập, và đàng trước anh ta là cặp kính che nắng có hình thánh giá và trăng lưỡi liềm. Cha cũng kể: vào hôm Thứ Sáu, người Hồi Giáo qùy cầu nguyện đàng trước các xe tăng, được người Copts Kitô Giáo bao bọc chung quanh tạo thành một vòng đai người để bảo vệ họ. Các biểu ngữ như “Người Hồi Giáo Và Người Kitô Giáo, Một Bàn Tay Duy Nhất” hay “Người Hồi Giáo Và Người Kitô Giáo Đoàn Kết Chống Chính Phủ” là những biểu ngữ rất phổ biến trong các cuộc xuống đường gần đây.

Một phần có lẽ phần đông những người biểu tình đều còn trẻ. Người trẻ không muốn sống trong hận thù, kỳ thị, họ đã chán chường đối với các tranh chấp của cha mẹ họ, của các thế hệ đàn anh, họ muốn gào lên: “hãy để chúng tôi yên”, họ không muốn kéo những cuộc tranh chấp vô bổ ấy vào đời họ nữa; họ muốn sống trong hòa bình, xây dựng gia đình riêng, có được một đất nước cởi mở hơn, phát triển hơn.

Dĩ nhiên, tiến trình dân chủ thế giới Ả Rập không hẳn là chuyện một sớm một chiều, nó cần thời gian. Tuy nhiên, nó đang tiến triển, nó đang đi tới. Mới đây, một bài báo của một phụ nữ Saudi Arabia làm người ta chú ý. Bà trưng dẫn Aisha, người vợ trẻ của Muhammad, trong một cuộc chiến, từng cỡi riêng một con lạc đà để thúc đẩy các người đàn ông thuộc bộ lạc của bà chiến đấu. Bài báo này viết rằng: “Lúc còn trẻ, Aisha cỡi lạc đà riêng, không cần tới đàn ông, còn chúng ta, các phụ nữ thời nay, sau 14 thế kỷ, vẫn không thể lái một chiếc xe. Chúng ta đang ở đâu vậy?” Nhiều giáo sĩ phê phán nữ ký giả này: “Cô ta muốn tái giải thích trọn bộ tôn giáo”. Nhưng không thiếu người đáp lễ: “Cô ta sai ở chỗ nào? Nếu qúy vị bất đồng, thì phải giải thích tại sao chứ”. Cha Khalil nghĩ rằng nhờ những tranh luận trên liên mạng này, thế giới Ả Rập sẽ thay đổi. Người ta hỏi nhau: “Tại sao ta phải chấp nhận điều ấy? Nền tảng mọi sự phải là bình đẳng. Thiên Chúa dựng nên mọi người đều bình đẳng. Tại sao ta lại không thể tiến bước với ý tưởng đó”… Liên mạng đang thay đổi não trạng người ta, làm họ gần lại nhau hơn. Hoàn cầu hóa thực sự không tới nhờ kinh tế mà là nhờ liên mạng. Chính trên liên mạng, người trẻ của Hoa Kỳ và Yemen tiếp cận với nhau và có những ý kiến tuy không y hết nhưng rất gần gũi nhau.

Về vấn đề giải phóng phụ nữ, Cha Khalil cho hay hiện đang có hai trào lưu. Trào lưu phụ nữ thì cho rằng phụ nữ không thấp mà cũng không cao hơn nam giới, nhưng bằng nhau. Họ không chấp nhận việc phụ nữ không được làm điều này điều nọ, vì họ thấy phụ nữ tại các nước khác có mặt ở mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội. Tại sao họ lại không được như thế?

Trào lưu thứ hai là trào lưu tôn giáo. Trào lưu này dựa vào Kinh Kôrăng mà cho rằng Thiên Chúa đã thiết lập giữa đàn ông và đàn bà một dị biệt về phẩm tính, đàn ông hơn đàn bà một bậc. Thiên Chúa vốn ưa đàn ông hơn đàn bà. Phụ nữ đáp lại: cho là đúng thế đi, nhưng lý do Thiên Chúa ưa đàn ông hơn đàn bà là vì đàn ông hồi ấy có nhiệm vụ chính nuôi sống gia đình. Nay thì tình thế đã ra khác rồi, người đàn bà cũng có nhiệm vụ nuôi sống gia đình như thế. Vậy vấn đề không hẳn là do bản tính mà là một yếu tố có tính kinh tế xã hội.

Tình thế quả có đang thay đổi, dù rất từ từ. Ta đã chẳng thấy một Benazir Bhutto cầm đầu chính phủ tại Pakistan đó sao? Tại nhiều nước khác, phụ nữ đang làm bộ trưởng, lãnh cả giải Nobel nữa, như tại Iran. Người ta càng ngày càng ý thức rằng nếu có cơ hội, phụ nữa dám vượt cả nam giới.

Về phần Kitô hữu, đứng trước mùa xuân Ả Rập này, thái độ của họ phải là nhập cuộc. Nhưng nhập cuộc với người Hồi Giáo, đừng tạo nên một phong trào riêng rẽ, nếu muốn tranh đấu để có nhiều công lý hơn, nhiều dân chủ, nhiều tự do và bình đẳng hơn cho mọi người. Sự bình đẳng này phải là giữa phái tính, chủng tộc, tôn giáo, giữa người tin và người không tin, giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo. Ta chỉ nên ủng hộ sự bình đẳng như thế.

Không nên can thiệp

Trong chương trình “Octava Dies”, linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí của Toà Thánh, gần đây cũng lên tiếng tỏ vẻ lạc quan trước tình hình chính trị hiện nay tại thế giới Ả Rập. Nhân dịp này, ngài kêu gọi Tây Phương không nên can thiệp vào diễn tiến thay đổi chính trị tại vùng này, chỉ nên giúp đỡ. Ngài cũng dùng thuật ngữ “Mùa xuân trong thế giới Ả Rập” để mô tả viễn tượng tương lai cho vùng này, một viễn tượng hết sức bất ngờ đối với con mắt Tây Phương. Ngài nhấn mạnh rằng mùa xuân này phải đến từ chính thế giới Ả Rập, không có sự can thiệp “phá thối” (counterproductive) từ bên ngoài.

Trong cuộc họp báo ngày 28/2 tại Hoa Thịnh Đốn, tuy bà Rice, đại sứ Mỹ tại LHQ, xác nhận Mỹ không đóng vai trò chỉ đường đi nước bước (roadmap) cho nhân dân Libya, nhưng liền sau đó lại đề cập đến một tham khảo về giải pháp quân sự cho tình hình bất ổn tại nước này. Bà ngoại trưởng Clinton cũng cho rằng mọi giải pháp hiện đang được đem ra thảo luận. Chờ xem “đáp ứng” của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương.

Ghi Chú

(1) Rafik Baha El Deen Al-Hariri (01/11/1944 – 14/02/2005‎), tỷ phú và thủ tướng Li Băng từ 1992 tới 1998, rồi từ 2000 tới lúc từ chức ngày 20/10/2004. Có tiếng đã tái thiết Beirut sau 15 nội chiến. Bị ám sát ngày 14/02/2005, có lẽ do lệnh của chính phủ Syria, nhưng theo điều tra của LHQ, rất có thể là trách nhiệm của Hezbollah. Việc ông bị ám sát đã dẫn tới nhiều thay đổi chính trị tại Ly Băng, trong đó có cuộc Cách Mạng Cedar và việc rút quân của Syria.

(2) Salafism là nhóm tranh đấu quá khích của phong trào Hồi Giáo Sunni. Họ tin rằng họ mới là người giải thích đúng Sách Kôrăng và họ coi phái Hồi Giáo ôn hòa là dân vô đạo; họ tìm cách cải đạo mọi tín hữu Hồi Giáo và tìm cách làm cho các quan điểm cực đoan của họ thống trị khắp thế giới.

(3) Hội Huynh Đệ Hồi Giáo (The Society of the Muslim Brothers) là một phong trào đa quốc Hồi Giáo và là tổ chức đối lập chính trị lớn nhất tại nhiều quốc gia Ả Rập. Nó là nhóm chính trị Hồi Giáo lâu đời nhất và lớn nhất trên thế giới. Khẩu hiệu của họ là “Hồi Giáo là giải pháp”. Được thành lập năm 1928 tại Ai Cập bởi học giả Hassan al-Banna. Mục tiêu của họ là thiết lập kinh Kôrăng và Kinh Sunnah làm “điểm qui chiếu duy nhất… để điều hướng cuộc sống gia đình, cá nhân, cộng đồng và quốc gia Hồi Giáo…”. Tuy tuyên bố bất bạo động, nhưng liên hệ giữa họ và phong trào khủng bố quốc tế là điều đang được tranh cãi. Biến cố sát hại 23 Khitô hữu tại Alexandria gần đây cho người ta thấy một bức tranh khác hẳn về phong trào này.

(4) Hadith là các trình thuật liên quan tới các lời nói và việc làm của Muhammad, được các trường phái luật học Hồi Giáo cổ truyền coi như dụng cụ quan trọng để hiểu Kôrăng và các vấn đề pháp chế. Được thu thập thành bộ trong hai thế kỷ thứ 8 và thứ 9. Có điều hai phái Shia và Sunni mỗi bên đều có một Hadith riêng.

(5) Gizyah là thuế đánh trên những người không phải là Hồi Giáo để được miễn quân dịch. Nhưng sau này, bị lạm dụng nên được đánh lên nhiều đối tượng khác.

Còn dhimmi là thần dân không phải là Hồi Giáo theo luật Sharia. Cũng được gọi là công dân theo khế ước, vì dựa vào học thuyết Hồi Giáo vốn ban cấp tư cách đặc biệt cho các tín hữu thuộc Do Thái Giáo và Kitô Giáo cũng như một số tôn giáo khác, gọi chung là Dân Của Sách. Họ được quyền cư trú nhưng phải đóng thuế. Họ được hưởng ít quyền lợi về luật pháp và xã hội hơn là người Hồi Giáo, nhưng hơn những người không phải là Hồi Giáo khác. Ngày nay, từ này áp dụng cho mọi người không phải là Hồi Giáo hiện sống tại các lãnh thổ Hồi Giáo bên ngoài các thánh địa bao quanh Mecca, Saudi Arabia. Do đó, bao bồm hàng triệu người từ Tây Ban Nha và Morocco tới Indonesia. Một thí dụ: tiền nợ máu phải trả cho một vụ giết người được Saudi Arabia qui định như sau: nếu nạn nhân là Kitô hữu hay Do Thái Giáo, số tiển chỉ bằng nửa số tiền trả cho một nạn nhân Hồi Giáo, các nạn nhân khác thì chỉ là 1/16!

(6) Gihâd thường hiểu là thánh chiến. Tuy nhiên, thánh chiến này, thoạt đầu, có nghĩa thiêng liêng giống như thư 1Timôtê 6:12 và 2 Timôtê 4:7: “con hãy đánh trận đánh tốt của đức tin”, sự cố gắng ôn hòa để chiến thắng chính mình cũng như người khác dành một đức tin tốt. Đây là nghĩa duy nhất phù hợp với nguyên ngữ g-h-d vốn là bà quen cận kề của g-w-d có nghĩa là “hãy nên tốt” (chữ good của tiếng Anh và gut của tiếng Đức dám cũng do nguyên ngữ này).

Từ điển mở Wikipedia thì viết là Jihad, và cho đây là nghĩa vụ tôn giáo của người Hồi Giáo. Từ này xuất hiện 41 lần trong kinh Kôrăng và thường được nhắc tới trong các thành ngữ “cố gắng chiến đấu trong đường lối Thiên Chúa” (al-jihad fi sabil Allah). Một số học giả Sunni coi nghĩa vụ này là một trong số 6 cột trụ của Hồi Giáo. Còn với phái Shia, nó là một trong 10 thực hành của tôn giáo này. Ngày nay, người Hồi Giáo sử dụng hạn từ này để đề cập đến 3 cuộc chiến đấu hay thánh chiến: cuộc chiến đấu nội tâm để duy trì đức tin, cuộc chiến đấu để cải thiện xã hội Hồi Giáo và cuộc chiến đấu trong thánh chiến. Hồi Giáo quá khích chỉ biết tới nghĩa thứ ba này.

(7) Đại học Al-Azhar là cơ sở giáo dục tại Cairo, Ai Cập, thành lập từ những năm 970-972, trở thành trung tâm chính của nền văn chương và học thuật Hồi Giáo theo phái Sunni, và là đại học cấp bằng cao đẳng lâu đời nhất sau đại học Cairo. Năm 1961, nhiều môn không tôn giáo đã được đưa vào học trình. Sứ mệnh của đại học là truyền bá tôn giáo và văn hóa Hồi Giáo. Trong tư cách này, các học giả ở đây ra những fatwas (án quyết) liên quan tới các tranh luận đệ trình cho họ từ khắp nơi thuộc hế giới Hồi Giáo Sunni về tác phong của mọi cá nhân cũng như hiệp hội Hồi Giáo. Đại học này cũng huấn luyện các giảng thuyết viên do chính phủ Ai Cập cử nhiệm để cải đạo (da’wah).

(8) Da‘wah hay Dawah thường chỉ việc giảng thuyết về Hồi Giáo, kêu mời người ta gia nhập Hồi Giáo, tương đương như nhà truyền giáo của Kitô Giáo. Nhưng trong Kôrăng, từ này đôi khi chỉ có nghĩa kêu gọi người chết sống lại để được phán xét, hay lời kêu gọi của Allah mời gọi người ta sống theo ý của Người. Và do đó, đôi khi nó đồng nghĩa với sharia. Da’wah cũng được hiểu là việc khuyến khích người đồng đạo sống đạo tích cực hơn.