Thượng phụ Jerusalem: Kết quả của ‘Mùa xuân Ả rập’ là không chắc chắn

Hy vọng nỗ lực của người biểu tình sẽ mang lại một tương lai tốt hơn

Jerusalem - Trong khi các cuộc biểu tình chính trị mở rộng tại Trung Đông và Bắc Phi để chấm dứt các chế độ đàn áp là một phát triển tích cực, có một mối quan tâm liên quan đến kết quả cuối cùng, theo Thượng phụ Latinh Fouad Twal ở Jerusalem.

Trả lời cuộc phỏng vấn được đưa lên trang web của Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem đầu tháng này, Thượng phụ bày tỏ hy vọng rằng kết quả sẽ là “vì tương lai tốt hơn và vì công ích".

Ngài nói: “Chúng tôi rất hài lòng với nhận thức của giới trẻ chúng tôi, những người đang nắm vận mệnh và tương lai của họ. Đây là một phong trào không có màu sắc chính trị hay thiên vị tôn giáo đặc biệt. Nó phát xuất từ nhận thức của thanh niên Ả Rập về sức mạnh và sức sống của họ".

Ngài lưu ý rằng "yếu tố của sự ‘sợ hãi’ đã bị phá vỡ về phía người dân, và nó đã thay đổi các bên liên quan: Các chính phủ sợ rằng quần chúng thanh niên, vô số ý kiến và niềm tin, đang đứng dậy".

Ngài nói: “Mặt khác, chúng tôi phải công nhận rằng luôn luôn có cái không biết và điều không chắc chắn, do các phong trào nổi dậy mang lại. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng tôi hy vọng nó sẽ vì tương lai tốt hơn và công ích".

Vai trò của Kitô hữu

Về vai trò của các Kitô hữu trong "Mùa xuân Ả Rập”, Thượng phụ khẳng định rằng họ “không nên ở bên rìa của các phong trào ấy".

Ngài phát biểu: “ Như chúng tôi đã nói tại Thượng Hội Đồng hồi tháng 10-2010, Kitô hữu cần cảm thấy mình là công dân 100%, như đồng bào Hồi giáo của mình. Họ phải tham gia vào đời sống của đất nước mình, nếu các phong trào trên là vì lợi ích tập thể. Tôi không thích nhìn thấy Kitô hữu đứng bên ngoài các phong trào ấy, bởi vì đây cũng là đất nước của mình. Họ không nên cảm thấy mình sống trong một “khu biệt cư” (ghetto) ngay trên đất nước mình".

Thượng phụ Twal nói tiếp: “Đối với Kitô hữu ở Đất Thánh, chúng ta phải nhớ rằng tình hình chính trị ở đây là cực kỳ tế nhị và rất khác với các nước khác. Không hề có công thức kỳ diệu hay một phép lạ nào. Tình hình mỗi quốc gia là rõ ràng độc đáo và duy nhất”.

Ngài nói: "Giáo Hội Jerusalem có một nhiệm vụ đặc biệt, và phải hợp tác trong một nền hòa bình công bằng và lâu dài, qua các can thiệp của mình, các định chế và trường học của mình. Rõ ràng là Israel ngày nay phải nghe thấy cuộc biểu tình đông đảo, thông qua các hành động phản đối tại các nước Ả Rập láng giềng”.

Theo ngài, "nếu các cuộc biểu tình hàng loạt của giới tuổi đã gây ra các phong trào theo kiểu riêng của họ, tất cả các nước, kể cả Israel nên thận trọng. Thách thức đối với chúng tôi - Giáo Hội Công Giáo và các lãnh đạo tôn giáo - là làm thế nào hướng dẫn họ cách đứng đắn".

Trợ giúp từ phương Tây

Thượng phụ Twal đã nói rõ về mối quan hệ giữa các giáo hội ở phương Đông và phương Tây, khi ngài khẳng định rằng "đó cùng là một Giáo hội, đối mặt với các thách thức tương tự cho thanh niên, gia đình, nghề nghiệp..."

Thượng phụ gợi ý rằng một sự truyền đặc tính của Kitô hữu từ phương Tây tới sẽ không chỉ "trao thêm vitamin cho Giáo Hội ở Đất Thánh, nhưng mà có thể là đôi bên cùng có lợi".

Ngài khẳng định: “Kitô hữu đến từ phương Tây không chỉ đơn giản giúp Giáo Hội chúng tôi. Họ nên tự xem mình là một phần của Giáo Hội này, vốn là Giáo Hội Mẹ. Họ nên cảm thấy có trách nhiệm cho tương lai của Kitô hữu đang sống tại Đất Thánh". (Zenit 24-4-2011)

Phạm Kim An