BÍ QUYẾT CỦA NHỮNG MỐI PHÚC THẬT

Chúng ta đang hướng về một Tết Nguyên Đán cổ truyền dân tộc, người ta chúc nhau được an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc, được vạn sự như ý. Những lời chúc ý nghĩa đó hướng con người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo những lời chúc vật chất là những gì đáp ứng được nguyện vọng mà từ trong con người mong mỏi hướng về. Thế nhưng trong Hiến chương Nước Trời của bài giảng trên núi được gọi là Núi Bát Phúc thì Chúa Giêsu đã dạy cho toàn thể dân chúng một bản Hiến chương Nước Trời với những điều mà chúng ta thấy (x.Mt 5, 1-12). Thật sự là ngạc nhiên, nếu chúng ta không muốn nói là đi ngược lại những điều mà con người đang hướng tới:
-Khi người ta chúc cho nhau “giàu sang, phát tài phát lộc” thì Chúa Giêsu lại chúc “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”;
-Khi người ta chúc cho nhau “vạn sự như ý” thì Chúa Giêsu lại nói: “Phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ”;
-Khi người ta chúc cho nhau được “bổng lộc, giàu sang, vinh hoa phú quí”, “ăn trên ở chốc” thì Chúa Giêsu lại chúc “Phúc cho những ai hiền lành vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”...

Những điều mà Chúa Giêsu gọi là Mối Phúc Thật dường như lạc lõng đi ra bên ngoài quĩ đạo của vật chất mà con người đang hướng tới. Bởi vậy, nếu chúng ta đặt ra hai cột phúc song song, phúc của con người chọn và phúc của Chúa chọn thì chúng ta thấy sự tương phản nhau qua một trục, nếu bên này là dương bên kia là âm, nếu bên này là xuôi thì bên kia là ngược. Chúng ta tự hỏi, ai đi xuôi và ai đi ngược. Nếu chúng ta lấy mình làm xuôi thì Chúa đi ngược. Còn nếu chúng ta xét mình thấy mình đi ngược thì Chúa đi xuôi. Vậy, xuôi ngược, bí quyết từ đâu? Bắt đầu từ Adam Eva. Từ khi nguyên tổ phạm tội thì con người sa ngã và rơi xuống vực thẳm. Cái nhìn của con người bị tổn thương do tội nguyên tổ. Mặt đất trở nên bị chúc dữ, con người phải chịu chấp nhận cái chết, và vì thế, họ tìm cách thỏa hiệp với cái chết, thỏa hiệp với sự dữ để có thể tồn tại song song, rồi lâu dần sự dữ sự chết ấy đi vào khao khát của con người, con người không còn coi nó là sự dữ, sự chết nữa. Người ta muốn cho được giàu sang phú quí, người ta phải nuôi dưỡng lòng tham lam, người ta muốn:

“Tiền vào như nước sông Đà,
Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.”


Người ta muốn thế thì người ta phải tham lam, phải ích kỷ. Dần dần cái nọc độc của sự chết ấy ngấm vào người, do đó con người làm quen với cái chết mà không thấy sự nguy hiểm. Chính vì vậy, khi bản Hiến chương Nước Trời ra đời, chúng ta có một trục để so sánh, mới giật mình khám phá ra rằng, hoặc là chúng ta đi ngược, hoặc là đường lối của Chúa đi ngược. Những người Kitô hữu hôm nay, khi chấp nhận Tám Mối Phúc Thật để theo gương các thánh, là những người đã qua nẻo đường phúc thật này được về Nước Trời thì người Ki tô hữu cũng phải đi ngược giòng mới tới đích.

Đi ngược giòng không dễ. Bởi vì có quá nhiều cám dỗ, có quá nhiều cản trở. Cho nên, trong Kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta hằng ngày “Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Ai cũng muốn hưởng thụ. Ai cũng muốn mình phải được hơn người khác. Ai cũng muốn là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Và nhu cầu ấy, người ta gọi là:

“Có một thì muốn có hai.
Có ba có bốn lại nài thêm năm”


Tất cả tạo nên nhu cầu vật chất nối đuôi nhau, đuổi nhau và thậm chí loại trừ nhau để hưởng thụ, cuối cùng rồi lại đi đến hình ảnh “cá lớn nuốt cá bé”.

Chúng ta đặt bản Hiến chương Nước Trời của Chúa làm tâm điểm và soi mình vào đó để thấy được rằng người giàu sang mà không tới được hạnh phúc thì người nghèo có tới được hạnh phúc không? Nhìn vào thánh Phanxicô Khó Khăn, chúng ta nhận ra đáp số. Thánh Phanxico khó khăn là người nghèo nhất trên thế giới. Nhưng người ta nói “Không ai là người giàu hơn Phanxicô Khó Khăn”, vì ngài đã từ bỏ tất cả cho nên ngài được cả vũ trụ này làm gia nghiệp và trong năm 2000, người ta tổng kết lại, lấy 10 người trong 1000 năm qua đi là những người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới thì thánh Phanxicô Khó Khăn là một trong số mười người đó. Những ông vua, những nhà tỉ phú, những người làm lũng đoạn thị trường lại không được đi vào trong danh sách. Nhưng Phanxicô Khó Khăn lại được vào danh sách một trong mười người có tầm ảnh hưởng nhất trong suốt một nghìn năm, từ năm 1000 đến năm 2000. Để chúng ta thấy được rằng, ảnh hưởng của Phanxicô Khó Khăn có tác động đến thế giới như thế nào? Để người ta nhìn qua hình ảnh một vị thánh khó nghèo nhưng lại nắm giữ được bí quyết của hạnh phúc. Nó hơn “Nhà giàu cũng khóc” (tên của một bộ phim Mêhicô). Nó hơn một thế giới kinh tế lên cao rồi bắt đầu khủng hoảng. Nó hơn tất cả những nhà làm kinh tế và thậm chí là chính trị nữa. Bởi vì Phanxicô Khó Khăn đã đưa ra một nguyên tắc của Tin Mừng:

“Xin Chúa dạy con:
tìm an ủi người hơn được người ủi an,
tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”
Rồi:
“Xin Chúa dạy con:
đem yêu thương vào nơi oán thù,
đem thứ tha vào nơi lăng nhục,
đem an hòa vào tranh chấp,
đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”


Những chân lý ấy chỉ có ở nơi những người có tâm hồn nghèo khó. Nếu còn đọng một chút giàu sang trong tâm của người đó, người đó sẽ không bao giờ tìm thiệt thòi hơn người khác, thì làm sao lại có thể tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết? Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu?. Và khi mà mình đã phải căng sức ra để hưởng thụ, để tạo cho mình một kho tàng riêng thì làm sao cảm nghiệm được tâm tình của Phanxico Khó Khăn, đó là:
“Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”
Một lời kinh Hòa Bình cho chúng ta rất nhiều những khám phá, những bí quyết của đức khó nghèo. Nếu không có đức khó nghèo thì không có lời kinh hòa bình. Những nguyên lý ấy được đi vào lòng người.

Tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội I, một thày giáo Công giáo kể lại với tôi: Người ta phát biểu rằng, bài hát Kinh Hoà Bình này lời hát vô cùng đơn sơ nhưng triết lý lại rất cao. Người ta khám phá ra những triết lý của cuộc sống rất ngắn gọn nhưng lại rất tinh chất. Cho nên người ta rất thích lời Kinh Hòa Bình, và kinh nguyện ấy, chúng ta khẳng định lại một lần nữa, là tinh hoa của đức khó nghèo, là tư tưởng của Phanxicô khó khăn đã tác động vào thế giới, đã tác động vào xã hội.

Chúng ta mới phân tích một đức khó nghèo, chúng ta đã thấy làm nên bí quyết sống mạnh mẽ như vậy. Nếu chúng ta tiếp tục phân tích đức hiền lành. Đức Hồng Y Mercier nói “Hiền lành là sự hoàn hảo của sức mạnh”. Đúng là hiền lành là hoàn hảo của sức mạnh. Người ta phải thật sự có ý chí thì người ta mới hiền lành được. Người ta phải thực sự học với Chúa Giê su vì Chúa nói “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11,29).

Hiền lành ví tựa mặt trăng
Tỏa ra ánh sáng muôn năm dịu dàng,
Ánh lên những vẻ Thiên Đàng
Sứ thần của sự bình an Nước Trời.
Mặt trăng lên xuống đồng thời
Thuỷ triều lên xuống cũng dời đi theo.
Những người đạo đức hiền lành
Cũng lôi người khác thực hành theo gương.
Hiền lành chan chứa tình thương
Hiền lành là bước theo đường Chúa đi.
Hiền lành vừa vẻ uy nghi
Lại vừa thân mật nhiều khi dịu dàng.
Uy quyền cảm hoá tiềm tàng,
Càng không cưỡng chế lại càng được theo.
Chúa xưa giảng dạy người nghèo
Nhân từ mà chứa bao nhiêu lệnh truyền.
Những người nghe phải ngạc nhiên
“Lời Ngài như Đấng có quyền phán ra”(Mt 7,29)


Mặt trăng không làm gì lớn, nhưng khi mặt trăng lên xuống thì đồng thời nước ở trái đất cũng dời theo. Nhà nông đã dựa vào đó để tính con nước lên, con nước xuống, dựa vào Âm lịch, dựa vào mặt trăng tròn hay khuyết để tính con nước lên con nước xuống và điều đó rất ích lợi cho nhà nông. Mặt trăng rất hiền lành nhưng lại làm cho cả nước biển dâng lên và làm cho cả nước biển có thể rút xuống. Cả một sức mạnh như vậy. Ai có thể nâng cả nước biển lên? Ai có thể hạ nước biển xuống? Vậy mà mặt trăng rất êm đềm nhẹ nhàng, có thể tác động vào thuỷ triều trái đất lớn như thế. Người hiền lành cũng vậy có thể làm cảm hóa được những người khác. Còn những người dùng vũ khí, dùng sự ác thì sự ác lại gia tăng. Cho nên hiền lành của Chúa Giê su cảm hóa được những con người của mọi thời đại. Đức cha Phanxico Salesio nói rằng: “Một giọt mật thì bắt được bao nhiêu ruồi. Một thùng dấm chẳng được con nào”. Để nói lên sự ngọt ngào, hiền lành nhưng lại có sức cảm hóa lớn như vậy.

Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu nêu ra đã được kiểm chứng qua mọi thời đại. Ở mối phúc nào chúng ta cũng khám phá ra trong đó những bí quyết tạo nên những nguyên lý của sự sống. Bởi vậy, nếu hôm nay không đào sâu, không suy tư, chúng ta sẽ thấy vào những ngày Tết dân tộc của Việt Nam và một số nước Châu Á mà đọc Tám Mối Phúc Thật chúc cho người ngoài Công giáo thì có lẽ người ta tảy chay chúng ta!!! Nhưng, nếu chúng ta biết suy tư, biết thấm thía thì Tám Mối Phúc Thật này chính là những con đường, những bí quyết của hạnh phúc, của tình yêu, của sự sống đích thật mà Thiên Chúa trao ban cho con người.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Thật là thích hợp cho chúng con,
Chúng con đang ở giữa thời điểm đi từ năm cũ sang năm mới.
Xin cho người Ki tô hữu chúng con năm nay
Sống Lời Chúa,
Lắng nghe Lời Chúa
và thấm nhập tinh thần Tám Mối Phúc Thật
để chúng con khám phá ra bí quyết của hạnh phúc,
bí quyết của tình yêu,
bí quyết và nguyên lý đích thật của sự sống.
Xin cho chúng con đạt tới một trời mới, đất mới,
một mùa xuân vĩnh cửu không bao giờ lụi tàn. Amen.