VATICAN CITY (Zenit.org).- Đức giáo hoàng Benedict XVI thúc giục người Công giáo nên trang bị cho mình đức tin cũng như kỹ thuật, hầu thêm linh hồn cho những thông tin và mạng lưới Internet.

Đó là nội dung lời phát biểu của Đức giáo hoàng hôm thứ Bẩy vừa qua tại Sảnh đường Phaolô VI trước các thính giả đã tham dự một hội nghị toàn quốc có chủ đề “Các Chứng nhân Kỹ thuật Số: Những khuôn mặt và những Ngôn ngữ trong Thời đại Truyền thông Giao lưu”, một sáng kiến được Hội đồng giám mục Ý đẩy mạnh.

Ngài nói: “Không chút sợ sệt, chúng ta muốn khởi hành ra đại dương kỹ thuật số, đi khắp bến bờ không giới hạn, với cùng niềm hăng say mà 2000 năm trước đã lèo lái con thuyền Giáo hội.”

“Không chỉ với những nguồn tài nguyên kỹ thuật, tuy là cần thiết, nhưng chúng ta còn muốn làm cho mình có khả năng cư ngụ trong vũ trụ này với một tấm lòng tin tưởng mà sẽ góp phần vào việc làm cho dòng chảy truyền thông không ngưng nghỉ của Internet có được một linh hồn.

“Đó là sứ vụ của chúng ta, sứ vụ của Giáo hội, một sứ vụ Giáo hội không thể chối từ.

“Thời đại chúng ta sống đây đang trải qua sự bành trướng vô cùng lớn lao các lãnh vực truyền thông, nhận thức được sự hội tụ chưa bao giờ được nói đến giữa các ngành truyền thông khác nhau, và làm cho hành động tương tác có thể thực hiện được.

“Do đó Internet biểu hiện một ơn gọi mở ngỏ, với khuynh hướng bình đẳng và đa nguyên.

“Đồng thời nó cũng đã đào ra một hố sâu về chính nó” và vì thế người ta thường nói đến “sự chia rẽ kỹ thuật số tạo ra.”

Những hiểm họa

Đức thánh cha giải thích: “Nó phân cách người nó bao gồm bên trong với những người nó loại bỏ ra bên ngoài, và tạo thêm ra cho những người khác những điều trái ngược làm phân cách các quốc gia với nhau, và chia rẽ ngay trong nội bộ những quốc gia này.

“Những mối hiểm họa của sự đồng nhất và kiểm soát, của chủ nghĩa tương đối về tri thức và luân lý, đã là bằng chứng rõ rệt trong cách bẻ cong tinh thần phê phán, trong sự thật bị giảm thiểu xuống thành trò chơi của dư luận, trong nhiều hình thức làm thoái hóa và hèn yếu nhân vị con người nơi chiều kích riêng tư của nó.”

Benedict XVI thúc giục các thính giả hãy thắng thế “những động lực tập thể này, chúng làm cho chúng ta mất đi ý thức về chiều sâu của con người và chỉ còn ở trên bề mặt”, coi con người như những “xác thân không có linh hồn, những vật thể để đổi trao và tiêu thụ.”

Trưng dẫn thông điệp "Caritas in Veritate", ngài khẳng định rằng “truyền thông có thể trở thành một yếu tố trong việc nhân tính hóa (humanization), không những chỉ khi nó gia tăng khả năng thông truyền tin tức, nhờ ở sự phát triển kỹ thuật, nhưng trên hết cả, khi nó hướng tới một viễn tượng về con người và ích lợi chung phản ảnh được những giá trị đích thực và phổ quát.”

Ngài nói: “Các bạn thân mến, các bạn được kêu gọi đóng vai trò những người làm sinh động cộng đồng trên Internet, quá chăm chú chuẩn bị những con đường dẫn tới Lời Chúa, và biểu hiện một cảm thức đặc biệt đối với những người đã mất nhuệ khí và những người có niềm ao ước sâu xa không nói thành lời, muốn có chân lý trường cửu và sự tuyệt đối.”

Đức thánh cha cổ vũ “tất cả những nhà truyền thông chuyên nghiệp đừng thôi quan tâm đến việc nuôi dưỡng trong tâm tưởng của họ niềm say mê đối với con người, muốn xích lại hơn các ngôn ngữ họ nói và khuôn mặt đích thực của họ.”

“Trong việc này, các bạn sẽ được trợ giúp nhờ một sự huấn luyện vững chắc về thần học, và trên hết cả, là một niềm say mê sâu xa và hoan hỷ đối với Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bắng sự đối thoại liên lỉ với Người.”

ĐGH Benedict XVI cám ơn các người hoạt động trong giới truyền thông ”vì những công tác phục vụ các bạn làm cho Giáo hội, và do đó, cho chính nghĩa con người.”

“Tôi cổ vũ các bạn đi trên những con đường của đại lục kỹ thuật số, được khích lệ bằng ơn can đảm của Chúa Thánh Linh.”

“Niềm tin tưởng của chúng ta không đặt trên bất cứ một dụng cụ kỹ thuật nào.

“Sức mạnh của chúng ta nằm ở chỗ là một Giáo hội, một cộng đồng đức tin, có thể làm chứng nhân cho mọi điều mới mẻ hằng cửu của Đấng Phục Sinh, với một cuộc sống nở ra tràn đầy trong kích thước mở rộng, đi vào giao lưu, ban phát chính mình một cách vô vị lợi.”