Ngày Hội Gia Đình Trẻ TGP Sài Gòn: Ngày của suy ngẫm, chia sẻ về đời sống gia đình trong ân sủng Chúa

Ngày 27/12/2009, toàn thể Hội Thánh long trọng cử hành Lễ kính Thánh Gia Thất, đây là dịp để gần 100 cặp gia đình trẻ cùng con cái họ được sống một ngày trọn vẹn với những chia sẻ, suy tư, cầu nguyện và chiêm ngắm mẫu gương Gia Đình Nagiareth tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn. Đây là sáng kiến của Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Mục Vụ Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn để tổ chức Ngày Hội Gia Đình Trẻ với chủ đề “Gia đình, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”. Gần 400 tham dự viên của Ngày Hội, chưa kể các bạn trẻ nhóm Emmanuel nằm trong Ban Tổ Chức, với các cặp gia đình trẻ cùng con cái họ đại diện cho các giáo xứ trong Giáo phận.

Ca ngợi Chúa

Lúc hơn 8 giờ sáng, khi còn đang đăng ký tại các bàn tiếp tân, chưa bước vào hội trường sinh hoạt, chúng tôi đã nghe âm vang rộn ràng của những ca khúc Giáng Sinh, những ca khúc ngợi khen Chúa cứ ngỡ như được phát ra từ CD, nhưng thật bất ngờ, những giọng trong trẻo đó lại phát xuất từ nhóm bạn trẻ Emmanuel. Thế rồi, sau từng ca khúc là những lời cầu nguyện của các gia đình trẻ với những lời cảm tạ và ngợi khen hồng ân Chúa. Đặc biệt có cặp gia đình chia sẻ Lễ Thánh Gia Thất cũng là kỹ niệm ngày cưới của họ, thật là một hồng ân đối với họ khi được tham dự ngày hội.

Diễn từ Khai Mạc

Trong diễn từ khai mạc Ngày Hội, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã gửi gắm đến các gia đình bằng câu chủ đề Trong Năm Thánh “Giáo Hội, Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ”. Ngài giải thích ý nghĩa của chủ đề này:

- Hơn ai hết các gia đình Công Giáo sống ý nghĩa ấy vì gia đình là Giáo Hội thu nhỏ, Giáo Hội tại gia. Ý nghĩa mầu nhiệm này đặc biệt rất rõ ràng trong Mùa Giáng Sinh vì nơi Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người và trong gia đình mọi người được mời gọi sống ý nghĩa mầu nhiệm để vợ chồng nhìn nhau, cha mẹ nhìn con cái bằng cặp mắt của Chúa.

- Hơn ai hết gia đình cũng là nơi của hiệp thông vì gia đình được hình thành bằng tình yêu, cho nên là nơi hiệp thông trọn vẹn. Con cái chúng ta có sống hiệp thông được trong gia đình thì sau này mới cố thể sống hiệp thông ngoài xã hội.

- Gia đình cũng la nơi lãnh nhận sứ vụ làm chứng cho tình yêu của Chúa ngay trong cuộc đời này

Sau phát biểu khai mạc, Đức Cha đã cùng vui, cùng hát trong bầu khí ngợi khen Chúa làm cho cộng đoàn thêm sống động. Các bé thiếu nhi lại càng rộn ràng khi ông già Noel xuất hiện và dẫn dắt các bé trong những hoạt động, một chương trình bổ ích về đức tin dành cho thiếu nhi. Nhóm bạn trẻ Emmanuel đã hết sức nỗ lực để tách các bé ra khỏi cha mẹ, nhất là các trẻ dưới 3 tuổi. Đây đó vang vọng tiếng khóc đòi mẹ, đòi cha nhưng qua bàn tay vỗ về của các bạn, dần dần tiếng khóc đã dứt hẳn. Thật tài tình và cảm phục các bạn đã tạo sự yên tâm cho các bậc cha mẹ trẻ dành trọn thời gian cho việc chia sẻ học hỏi sống với nhau trong bầu khí chân tình.

Thách đố và hy vọng trong hôn nhân

Tại Hội trường chính, các cặp vợ chồng được chia sẻ học hỏi về đề tài “Giáo lý về đời sống gia đình trong bối cảnh Năm Thánh 2010” do Cha Luy trình bày. Tham dự buổi thuyết trình còn có hai cặp vợ chồng chia sẻ chứng từ là anh Quang – chị Oanh và anh Phúc – chị Phương, đặc biệt là sự hiện diện của Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, một linh mục dày dạn kinh nghiệm về mục vụ gia đình của Giáo Hội Việt Nam.

Trong phần trình bày, Cha Luy đã giới thiệu chủ đề của Ngày Hội: “Gia đình là ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”. Chủ đề này được cụ thể bằng những vấn đề trong đời sống gia đình, đặc biệt là những gia đình trẻ qua 6 chủ đề. Sáu chủ đề này được xuyên suốt bằng hai cụm từ “thách đố và hy vọng”. Thách đố là vì nó khó và phải chạm trán mỗi ngày trong suốt đời sống gia đình nhưng vẫn còn trong ta niềm hy vọng. Sáu chủ đề được ngài tuần tự giới thiệu để chia nhóm thảo luận:

1. Sự tha thứ: Chúa Giêsu dạy tha thứ không chỉ bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Để sống đức tin và đức tin mà chúng ta truyền lại cho con cháu, cho các thế hệ mai sau thì cần phải sống ơn tha thứ để nói lên niềm tin của ta. Đó quả là một thách đố nhưng cần phải có hy vọng để thực hiện được.

2. Sự hài hòa trong đời sống tính dục vợ chồng: Cha Luy trần tình rằng ngài không có thẩm quyền nói chuyện trong chuyện này nhưng khơi lên buổi thảo luận sắp diễn ra hôm nay sẽ do các cặp vợ chồng chia sẻ, làm cho sinh động. Nhưng cần luôn nhìn nó trong ánh sáng đức tin, ánh sáng được Thánh Thần Chúa soi dọi. Thực tại đời sống vợ chồng trong đó tính dục là nền tảng không phải là thực tại cuối cùng nhưng nó là một thực tại thời gian. Mặc dù nó tạm thời nhưng quan trọng, không có nó không có đời sống hôn nhân, không có hình ảnh của Thiên Chúa chiếu tỏa ở trần gian. Trong thực tế, đời sống này không dễ gì hài hòa với nhau.

3. Vai trò đồng tiền và các giá trị vật chất trong đời sống gia đình trẻ:Ai là chủ đời ta? Trong Năm Thánh ta xác tín lại, tuyên xưng lần nữa Chúa là chủ đời ta. Thế nhưng tiền bạc, của cải vật chất, nhiều khi vì nó ta đánh mất giá trị cao nhất là tình thương yêu, là sự tha thứ, sự hài hòa với nhau. Có phải chúng ta bỏ Chúa mà chạy theo một ngẫu tượng khác, một vị thần khác là thần tài. Trong cái nhìn đức tin cần mổ xẻ vấn đề tiền bạc và quản lý tiền bạc.

4. Vai trò cha mẹ trong sứ vụ giáo dục đức tin cho con cái: là một đề tài nóng của tất cả các gia đình, nhất là khi con đến tuổi 11, 12 gọi là tuổi teen. Nếu không chuẩn bị từ khi con mới lọt lòng thì coi chừng đến tuổi teen đánh mất con một khi không sống gần con. Thời thơ ấu ta không gần chúng thì đến tuổi này rất khó khăn để gần chúng và dặc biệt cho chúng một cuộc sống hạnh phúc đích thực, cuộc sống dựa trên đức tin. Làm sao truyền kinh nghiệm đức tin cho con qua việc giáo dục đức tin hằng ngày?

5. Sự đối thoại giữa vợ chồng với nhau: là vấn đề cụ thể mà nhiều gia đình không quan tâm hay coi thường. Dường như mọi chú ý chỉ dồn vào con cái mà không quan tâm đến tình yêu của chính hai vợ chồng với nhau cần được xây dựng, vun đắp. Nhưng xây dựng, vun đắp thế nào cho phù hợp với Phúc Âm, những giá trị mà Chúa Giêsu đã loan truyền.

6. Tự do cho đi chính mình.

Thách đố cho hôn nhân bắt nguồn từ khác biệt đức tin

Sau khi giới thiệu vắn tắt giáo lý căn bản về đời sống gia đình như kế hoạch Thiên Chúa muốn qua 6 đề tài. Cha Luy đã giới thiệu anh chị Quang – Oanh chia sẻ về vấn đề khác biệt niềm tin, anh chị Phúc – Phương chia sẻ về giáo dục đức tin cho con cái trong nhà.

Khó khăn trong hôn nhân khi lập gia đình thì rất nhiều, khác tính tình, trình độ, giáo dục, người Nam, kẻ Bắc, người mang văn hóa nay, kẻ mang văn hóa khác, nhưng khác biệt khó nhất vẫn là khác biệt niềm tin. Anh chị Quang – Oanh đã có 3 năm hôn nhân với “hai mũn con, mũn thứ hai vừa tròn hơn một tháng”, họ chia sẻ về những khác biệt về đạo, rào cản và thách đố cho hôn nhân.

Anh Quang là gia đình đạo gốc còn chị Oanh thì gia đình cách mạng gộc. Anh Quang chia sẻ rằng hai người không nghĩ rằng sẽ lấy nhau, nhưng khi yêu nhau anh luôn trăn trở rằng với đời sống khác biệt của hai gia đình như thế không biết đời sống tương lai như thế nào. Anh chỉ biết cầu nguyện. Tuy nhiên, anh cũng có quan điểm thật thẳng thắn là anh giới thiệu Chúa với Oanh còn Oanh có đến với Chúa với đạo hay không là do cô tự nguyện. Thời gian trôi qua, có lẽ do Chúa chấp nhận lời cầu nguyện mà qua những lần anh đưa chị đến các cộng đoàn, đi nhà thờ, học giáo lý… chị Oanh đã cảm nhận được Thiên Chúa một cách trọn vẹn và xin chịu phép Thánh Tẩy theo đạo Công Giáo.

Chị Oanh tâm sự mình sống trong môi trường không có điều kiện tiếp xúc về đạo khi xung quanh mình toàn là gia đình các cựu chiến binh, chị luôn thắc mắc khi những bạn bè cùng thời đi học cứ mỗi Chúa Nhật lại đến nhà thờ. Chị cảm thấy Chúa thật xa vời. Nhưng chị thừa nhận rằng cách anh đưa chị vào đạo thật tư nhiên như hơi thở cho cuộc sống. Điều may mắn là mới ban đầu cha mẹ không đồng ý cho anh chị đến với nhau, nhưng sau những lần tiếp xúc với anh, chính cha mẹ chị lại đề nghị chị theo đạo vì họ cho rằng ở đâu đem lại điều tốt đẹp cho con cái thì cha mẹ ủng hộ.

Anh chị là bạn học chung thời đại học sau đó lại đi làm chung, trong một lần gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi, anh đã đề nghị chị cầu nguyện với Chúa, với Đức Mẹ Maria. Chị tâm sự rằng ngay trong tâm thức từ lúc nhỏ đã suy nghĩ rằng “bàn tay ta làm nên tất cả”, cho rằng không gì thay đổi được và nó vẫn tồn tại cho đến khi tin vào Chúa. Nhưng qua biến cố khó khăn trong công việc, tự dưng trong tâm thức lại có ý nghĩ cầu nguyện, mới đầu thì không cụ thể nhưng sau đó thì cầu nguyện với Chúa, từ biến cố đó chị tin vào Chúa và theo đạo. Chị cảm nhận rằng từ khi được làm con cái Chúa, qua những bài giảng của cha thì tâm tư được đáp ứng, tâm trạng được thanh thoát và ngày càng cảm thấy được nhiều ơn phúc. Thành quả mà anh chị có được là hai đứa con kháu khỉnh cùng với sự đồng thuận của cha mẹ chị và cả bà ngoại chị. Thậm chí anh chị lại được cha mẹ chi đưa ra làm mẫu gương cho những người khác khi có những trường hợp hôn nhân khác đạo bên gia đình chị.

Câu chuyện kỳ diệu tại Đại Hội Giới Trẻ Sydney và kinh nghiệm giáo dục con cái

Tại Đại Hội Giới Trẻ Sydney năm 2008 đã có một câu chuyện kỳ diệu xảy ra: hai bạn trẻ quen nhau trước đó 17 năm, cô gái mang thai nhưng hai người lại không thể đến với nhau nên mỗi người ra đi một nẻo. Trong Đại Hội Giới Trẻ cô gái ấy đến với Sydney cùng với đứa con mình, tình cờ gặp lại người bạn 17 năm xưa trong ngỡ ngàng. Điều kỳ diệu đã xảy đến khi họ quyết định lại đến với nhau. Đôi bạn ấy chính là anh Phúc – chị Phương.

Người mẹ đơn thân dạy con

Mười bảy năm một mình vò võ nuôi con, quả là một thách đố to lớn với bà mẹ trẻ trong việc giáo dục con cái. Chị Phương chia sẻ bằng cách đặt ra hàng loạt câu hỏi: Trong việc giáo dục con cái thì Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa có can thiệp gì không và can thiệp như thế nào? Về việc giáo dục, việc học hành của con, về tương quan giữa mình với con và con ra xã hội thế nào? Qua đó thì người mẹ học được gì và đứa con học được gì? Thiên Chúa muốn điều gì ở nơi mỗi cá nhân?

Chị cho hay tuổi thơ của chị có một nền tảng giáo dục tốt, từ nhỏ hằng ngày 4 giờ 30 sáng đã theo bố mẹ đi lễ, từ 8 đến 18 tuổi thường xuyên tham gia ca đoàn, khi được rước lễ lần đầu lúc 7 tuổi, hàng tuần bố điều ghi câu Kinh Thánh lên bảng để người trong nhà đi ra đi vào thấy mà học, vì thế những câu Kinh Thánh đã khắc ghi vào tâm khảm chị, trong đó chị tâm đắc nhất là Lời Chúa khuyên nhủ “Đừng lo lắng gì vì chim chóc ngoài đồng, hoa đồng nội sáng nở tối tàn mà Chúa còn mặc cho đẹp hơn là áo của Vua Salômon” và cho đến ngày hôm nay chị cảm tạ Chúa vì chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, để nuôi cuộc sống, trước đây chị vẫn phải đi làm từ 8 giờ sáng đến 1 giờ đêm.

Về giáo dục con cái chị cho hay trong việc học, ngay từ khi con còn nhỏ cho đến lớn chị đòi hỏi con không phải là học giỏi, xuất chúng mà là sự thánh thiện và đạo đức. Tuy nhiên, chị khuyên con nếu có khả năng giỏi thì cứ giỏi, nhưng đạo đức phải trên cái giỏi, cứ nhìn vào các Đức Giáo Hoàng, các ngài rất giỏi nhưng cũng rất thánh thiện, nhiều Đức Giáo Hoàng được tuyên Thánh. Từ lớp 1 đến lớp 8 chị dứt khoát không cho con đi học thêm. Thay vào đó, chị khuyên con nỗ lực hết sức tại lớp và tại nhà. Giờ rỗi chị cho con học giáo lý và tham gia hội đoàn.

Khi con chị 13 tuổi, bắt đầu bước vào tuổi teen, thì bé hướng ra bên ngoài, tự có ngã rẽ, muốn có riêng tư chứ không còn mẹ đi đâu con đi đó nữa, thậm chí đòi nhuộm tóc, mặc quần dù, những thứ trường học cấm. Khi chị khuyên nhủ con thì con cho là mẹ cổ hủ, nhà trường cổ hủ, chị cũng không biết nói gì với con, chỉ khuyên là cái gì không vâng lời thì Chúa không chúc phúc. Vì con chị có học về giáo lý và Kinh Thánh nên chị bảo con hãy lần giở lại Kinh Thánh mà đọc để Chúa soi dẫn, con chị nghe lời mẹ và khi đọc được câu “Ngõ hẹp thì vào Nước Trời, đường rộng thênh thang thì đi đến diệt vong”, thì đứa con quyết định không làm những điều quấy mà muốn đi ngõ hẹp.

Con chị bỏ được nhưng chúng bạn thì không, con chị vẫn đi theo chúng bạn với những cám dỗ. Chị cảm thấy mình như mất con vì con đi theo trào lưu của tuổi teen, model, đi chơi, viết thư tình… học hành sa sút. Chị choáng váng và nhớ lại lời dạy rằng nếu vì con cái thì cha mẹ cũng cần thay đổi hoàn toàn vì con cái, sau khi cầu nguyện chị quyết định nghỉ việc. Khi nghỉ việc chị còn được may mắn là công ty cũ cho làm bán thời gian. Tuy trong 2 năm, hai mẹ con thiếu thốn đủ bề, nhưng con chị hồi tâm trở lại trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Chị tâm sự trong lúc thất vọng vì lúc đầu con không thay đổi, chị tưởng chừng xa rời “nghỉ chơi với Chúa” nhưng lúc lắng đọng lại suy nghĩ chị đã chấp nhận hoàn cảnh, cảm tạ Chúa với thực tại và được bình an, lại càng bình an hơn khi con dần thay đổi. Chị kết luận câu chuyện của mình bằng cách xác tín hai mẹ con sống được lớn hơn được là nhờ Lời của Chúa, nhờ Thánh Lễ và chầu Thánh Thể rất nhiều.

Người cha trở về trong ấm áp của gia đình

Mười bảy năm chị nuôi con nhưng vắng hình bóng người cha, đến lượt anh, anh Phúc tâm sự rằng 17 năm về trước, với tính tình tuổi trẻ của mình anh sợ mất tự do, khi hay tin chị có thai, thậm chí anh đề nghị phá đi cái bào thai bé bỏng. Và trong biển người rộng lớn tại Đại Hội Giới Trẻ, anh đã tình cờ gặp lại chị sau một Thánh Lễ, và cũng chỉ dừng lại ở đó. Khi trở về Việt Nam anh cảm nhận được ơn Chúa từ Đại Hội khi biết rằng con mình đã trở thành cô bé trưởng thành và anh cảm nhận được một cuộc sống mới có mục đích, nhờ người phụ nữ năm xưa giữ lại giọt máu của anh. Anh đã quyết định từ bỏ cuộc sống tự do mà mình yêu thích từ bé để đến với chị và với con một cách chính thức dưới sự chứng nhận của Giáo Hội. Anh muốn rằng mình sống chu toàn tình yêu thương cũng như chu toàn Lề Luật Chúa khi sum họp cùng chị. Thành quả của gia đình này, là sau hai năm thiếu thốn khi từ bỏ công việc về với con, chị đã tìm được công việc tốt hơn, và anh, anh cũng đã là tay máy camera chuyên phục vụ cho Giáo phận.

Qua hai câu chuyện chứng từ này, xuyên suốt trong câu chuyện vẫn là vấn đề cầu nguyện, anh Quang, chị Oanh nhờ cầu nguyện đã vượt thắng được rào cản đức tin, chị Phương, nhờ có đức tin, được giáo dục về Kinh Thánh từ nhỏ, chị đã truyền thụ kiến thức về đạo đức, về Kinh Thánh và cầu nguyện mỗi khi ngã gục, cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh để vượt qua thách đố của cuộc sống.

Vai trò cha mẹ trong sứ vụ giáo dục đức tin cho con cái

Sau giờ chầu Thánh Thể và cơm trưa, sinh hoạt buổi chiều được bắt đầu bằng cách chia nhóm tâm tình chia sẻ và sinh hoạt với 6 đề tài đã được nêu. Chúng tôi quyết định tham dự buổi sinh hoạt đề tài giáo dục con cái với sự hướng dẫn của chú Dũng – cô Sương.

Trong phần giới thiệu định hướng chú Dũng đã nói đến sự cộng tác với Chúa trong việc giáo dục con cái. Chú cũng cho hay không có chuẩn mực chung trong việc giáo dục con mà cần phải cầu nguyện để biết mình phải làm gì để giáo dục con trong từng hoàn cảnh. Con cái là sự phản chiếu cha mẹ nhất là điều xuất nơi cha mẹ. Vì thế cha mẹ sẽ nhận ra mình yếu đuối, nên cần hoàn chỉnh chính mình trong từng hoàn cảnh.

Giáo dục – Educere – là dắt ra khỏi trạng thái ấu thơ để dẫn tới trạng thái trưởng thành. Mục đích của cuộc sống cuối cùng là tình yêu, tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cha mẹ. Bởi vậy phải để con thấy rằng cha mẹ trưởng thành. Về đức tin cần phải gắn bó với Thiên Chúa, chấp nhận tín lý mà Chúa mặc khải và đức tin cần đi đôi với việc làm. Trong vấn đề giáo dục con cái không ai có thể cho đi cái mà mình không có bởi vậy cha mẹ mà không có đức tin thì không thể truyền tải đức tin cho con cái được. Mục đích chính của gia đình là tình yêu, cho nên cần phải tạo bầu khí yêu thương trong gia đình, trong cuộc sống ai cũng có sai sót, bởi vậy ngay trong việc giáo dục con cũng cần phải biết nhận lỗi với con khi mình có sự phân xử sai lầm, thiếu công bằng. Và trong gia đình ta cần phải tin rằng Ơn Chúa có được từ cầu nguyện.

Gia đình một bạn trẻ chia sẻ rằng anh chị vui sướng khi người vợ mang thai và luôn cầu nguyện trò chuyện cùng con trong bào thai. Đến khi sinh ra, đến 4 tháng tuổi thì anh cho con cùng tham dự Thánh Lễ. Nay con anh hai tuổi thì bắt đầu biết làm dấu thánh giá. Anh cảm nghiệm rằng nhờ anh chị tham gia những cộng đoàn nên suy nghĩ về giáo dục con cái có phần nào ảnh hưởng.

Một cô chú đứng tuổi chia sẻ rằng đứa con là hồng ân, nên họ dâng con cho Chúa trong từng công việc. Cô dạy con đọc kinh mọi lúc có thể, làm hết sức có thể và dạy con hãy cầu nguyện trong từng biến cố của cuộc sống.

Con biết dấu “té”, mẹ ngộ ra mà dấn thân vào đời sống cầu nguyện

Một chị có ba đứa con nhỏ kể rằng khi sinh ra đứa con đầu lòng thì thản nhiên như mọi cặp gia đình bình thường, không chú ý lắm đến lời cầu nguyện vì nghĩ rằng mình sinh con và nuôi con là theo lẽ tự nhiên. Đứa con thứ hai được sinh ra, khi được bốn năm tuổi chị cảm thấy như con mình có dấu hiệu tự kỷ, tính tình trái khoáy. Chị tâm sự, đến khi dạy con học vần a,b,c thì bé học quên trước quên sau, không tập trung được, một lần chị dạy dấu “ngã”, đến khi hỏi lại con, bé lại nói là dấu “té”. Tự dưng có điều gì đó đánh động khi chị thấy mình yếu đuối tự sức mình không thể nuôi dạy con nổi nên đã chạy đến với Chúa qua lời cầu nguyện. Kỳ lạ thay, trong vòng một tháng, tâm tính con chị thay đổi và dường như con chị bắt đầu thông minh hơn và học thuộc cả bảng chữ cái. Đến đứa con thứ ba ra đời, anh chị cảm thấy như một cực hình khi đứa con rất quấy, khóc ngày, khóc đêm làm cho anh chị rất mệt mỏi. Nhưng trong chị có một niềm tin mãnh liệt là phải rửa tội cho con thì nó sẽ không quấy nữa. Khi con hơn một tháng, dù rằng giáo xứ nơi chị sinh hoạt thường rửa tội khi có ba bốn trẻ một lượt nhưng chị cũng tha thiết năn nỉ cha rửa tội cho một mình bé ngay. Đến ngày rửa tội, đến ba bốn giờ sáng bé còn khóc ré, sáng ra cha mẹ mang con đến nhà thờ chịu phép Bí tích Thanh Tẩy. Kỳ lạ thay, ngay trong đêm đó, con chị không còn khóc đêm nữa và từ dứt hẳn chuyện khóc quấy. Chị cảm nhận đó thật sự là Ơn Chúa qua lời cầu nguyện nên chị luôn cảm tạ và ca ngợi hồng ân Chúa dành cho gia đình anh chị.

Một anh thắc mắc mình phải giáo dục con cái ra sao khi có những điều trái khoái trong cuộc sống chẳng hạn như người lớn hút thuốc lá trong khi bao thuốc có ghi rành rành hút thuốc có hại cho sức khoẻ, cùng những vấn nạn mà người lớn làm gương mù cho con như chạy xe vượt đèn đỏ, leo lề… Chú Dũng đã giải thích trả lời khi nói rằng quá trình dạy dỗ đức tin cho con cái trong gia đình sẽ tạo nên sức đề khác cho con trước những điều xấu trong xã hội cho nên chúng sẽ tự biết hành xử thế nào khi gặp phải.

Để kết thúc buổi sinh hoạt chia sẻ chủ đề chú đã đưa ra lời kêu gọi hãy sống đời sống cầu nguyện, siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa và thường xuyên tham dự vào các bí tích.

Đồng hành

Hai giờ chiều, Ngày Hội gia đình tiếp diễn với những hoạt động đồng thời tùy nghi các gia đình lựa chọn: Chầu Thánh Thể; Bí tích Hòa giải; từng hai cặp gia đình gặp gỡ nhau để gặp gỡ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe nhau về những ưu tư, trăn trở trong đời sống gia đình; Cặp vợ chồng chọn góc riêng để đối thoại với nhau về những khác biệt trong đời sống vợ chồng như cách ăn mặc, giờ giấc, tiền bạc, giải trí, thể thao…

Thánh Lễ Tạ Ơn

Bốn giờ chiều Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã đến dâng Thánh Lễ Thánh Gia Thất tại Hội trường chính, cùng đồng tế với ngài có cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, một cha từ nhà thờ chính tòa và một cha đang du học nước ngoài. Trong diễn từ đầu lễ, Đức Hồng y kêu gọi các gia đình tạ ơn Thiên Chúa đã gởi mẫu gương Thánh Gia Thất để bảo vệ che chở các gia đình và hãy cầu xin Thánh Gia Thất đồng hành với các gia đình để soi dẫn, trợ lực cho các gia đình sống ơn gọi như Chúa muốn.

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng y đã nhấn mạnh đến nguồn sự sống dồi dào, nguồn tình thương vững bền mà Thánh Gia Thất được Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngài cho hay Thánh Gia Thất là món quà thứ hai mà Đấng Tạo Hóa ban cho loài người, để loài người được sống dồi dào, để tình yêu trong gia đình được bền vững. Món quà thứ nhất là gia đình nguyên tổ của chúng ta. Khi tặng món quà thứ nhất, ý định của Thiên Chúa muốn gia đình là cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, đó là điều làm cho loài người sống dồi dào và sống hạnh phúc. Nhưng cặp gia đình đầu tiên đã cắt đứt quan hệ với cái gốc, cái nguồn của mình là cái gốc của sự sống, cái nguồn của tình thương. Khi cắt đứt như vậy gia đình trở nên xào xáo và sanh ra cảnh huynh đệ tương tàn, anh em giết nhau. Từ đó tới nay, gia đình là tế bào của xã hội nhưng gia đình không còn là cái nôi của sự sống dồi dào, không còn là mái ấm tình thương vững bền. Lịch sử loài người đã chứng kiến biết bao cảnh căng thẳng, bạo lực, bạo hành, chia ly, chết chóc, tù tội, tan thương. Tất cả những cái đó là hậu quả của việc gia đình cắt đứt quan hệ với nguồn sự sống dồi dào, cắt đứt với nguồn tình thương vững bền. Do đó Chúa gởi tặng gia đình thứ hai để nhắc nhở chúng ta tấm gương gia đình thứ hai, nhắc nhở chúng ta câu chuyện của Tin Mừng hôm nay, gia đình mà vắng bóng Chúa thì hai ông bà không yên phải đi tìm, tìm hai ba ngày gặp rồi mới yên. Bởi vậy gia đình phải tìm cách gặp gỡ Chúa, phải tạo điều kiện cho Chúa ở trong đời sống gia đình của mình, đồng hành với mình. Hôm nay đây, lần đầu tiên không biết bao nhiêu chục năm rồi mới có những cặp gia đình sum họp với nhau để cầu nguyện với Chúa. Chúa thì luôn tạo điều kiện để gia đình gặp nhau, Chúa khẳng định nơi đâu có tình thương thì có Chúa ở đó. Trong gia đình, trong bầu không khí yêu thương, bình an, có Chúa ở giữa, niềm tin của chúng ta cho chúng ta biết điều đó, Chúa khẳng định điều đó và chúng ta tin đó là sự thật: nơi đâu có hai ba người họp lại thì có Chúa ở giữa, cho nên có nhiều cách để có Chúa ở giữa trong gia đình của mình. Đức Hồng y khuyên nhủ các gia đình họp lại vì Danh Chúa bằng cách thỉnh thoảng trong giờ kinh nguyện gia đình hãy đọc một đoạn Tin Mừng và mỗi thành viên chia sẻ và cầu nguyện bằng cái tâm của mình.

Món quà nhỏ dành cho các gia đình

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Hồng y đã ngỏ lời tặng cho các gia đình mỗi người một tập sách Cầu Nguyện và móc khóa nhỏ có hình của ngài với lời nhắn nhủ dành cho các gia đình một lời khuyên: Các gia đình hãy giữ gìn giờ kinh trong gia đình vì nó giống như nguồn nước tưới hạt giống tình thương để gặp gỡ Chúa và để Chúa đồng hành với các gia đình. Ngài cũng nói rằng hãy giữ hình của ngài để nhớ đến lời nhắc nhở của ngài là phải luôn cầu nguyện trong gia đình.

Mời gọi gia đình noi gương Thánh Gia Thất

Trải qua một ngày trọn vẹn trong ân sủng của Chúa, các gia đình lại trở về với cuộc sống đời thường với bao bộn bề lo toan của đời sống thường nhật. Nhưng qua ngày hội, các gia đình ý thức lại rằng “Gia đình, ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin”, để mỗi người làm cha, làm mẹ, nhất là trong những gia đình trẻ có trách nhiệm hơn trong việc vun đắp cho gia đình và giáo dục con cái. Sống đức tin trong xã hội, giáo dục đức tin cho con cái trong gia đình vẫn là lời mời gọi thiết thực nhất để có sự sống dồi dào, để mỗi gia đình ngày càng giống Thánh Gia Thất là nguồn tình thương vững bền, để làm chứng cho Chúa trong lòng xã hội.