WASHINGTON (CNS) - Phương pháp điều trị bằng Reiki (Linh khí), xuất phát từ Nhật bản, không có căn bản khoa học và không thích hợp khi đem sử dụng tại các bệnh viện, bệnh xá, trung tâm hưu dưỡng Công giáo và do những người đại diện giáo hội. Đó là lời tuyên bố tuần qua của Ủy ban Tín lý thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Bản hướng dẫn của Ủy ban cho biết: “Đối với một người Công giáo, tin vào lối chữa trị theo Reiki sẽ tạo ra những vấn đề không thể giải quyết được. Khi chăm sóc sức khỏe của mình và của người khác mà dùng một kỹ thuật không có hậu thuẫn khoa học (hoặc ngay cả đáng tin cậy nữa) thì thường là thiếu khôn ngoan.”

Các giám mục nói rằng kỹ thuật này – người thực hành Reiki đặt tay trên thân chủ -- được coi như kích thích một cách thức “thần linh” để chữa lành, nhưng đối với người Kitô giáo, “đạt được sự chữa lành thần thánh” chỉ đến được qua lời cầu nguyện với Chúa.

Các ngài nói: Một người Công giáo đặt niềm tin vào Reiki “là hoạt động trong lãnh vực mê tín dị đoan.”

Các giám mục Hoa kỳ đã nêu rõ lập trường trong “Bản Hướng dẫn để Xét định Reiki như một Cách thức Trị liệu.” Bản hướng dẫn, có thể đọc được trên trang mạng www.usccb.org/dpp/doctrine.htm, được ủy ban giáo lý soạn thảo, ủy ban này do giám mục William E. Lori thuộc giáo phận Bridgeport (Connecticut) làm chủ tịch.

Bản hướng dẫn đã được Ủy ban Quản trị thuộc Hội đồng giám mục Hoa kỳ chuẩn y trong phiên họp mùa xuân tại Washington hôm 24 tháng 3 vừa qua. Ủy ban Quản trị là cơ quan thẩm quyền của Hội đồng giám mục Hoa kỳ để chuẩn y những lời tuyên bố của ủy ban giáo lý.

Bản hướng dẫn mô tả Reiki là một kỹ thuật chữa bệnh được “khám phá tại Nhật bản vào cuối những năm 1800 do ông Mikao Usui là người nghiên cứu các văn bản Phật giáo.”

“Theo giảng huấn của Reiki, bệnh tật là do một sự phá hủy hay mất quân bình trong “năng lượng cuộc sống” của một người. Một người hành nghề Reiki tạo ra sự chữa lành bằng cách đặt tay vào một vị trí nào đó trên thân thể người bệnh để truyền luồng Reiki (Linh khí), tức là “năng lượng của đời sống vũ trụ” từ người chữa trị vào cho người bệnh.”

Trang mạng của Trung tâm Thế giới phụ trách Huấn luyện Reiki gọi đó là “kỹ thuật để giảm thiểu tâm trạng căng thẳng (stress) và để thư giãn (xả hơi), do đó cũng tạo nên lành bệnh.”

Tuy nhiên, bản hướng dẫn của các giám mục lại nói: “Reiki thiếu các yếu tố đáng tin cậy của khoa học” và “đã không được các cộng đồng khoa học và y học chấp nhận như một lối chữa trị có hiệu quả.”

“Những cuộc nghiên cứu khoa học có uy tín chứng tỏ rằng Reiki thiếu hữu hiệu, xét theo tính cách đáng tin cậy trong giải thích khoa học cũng như khả năng tạo được hiệu quả.”

Năm 2008, sau khi duyệt xét kết quả việc dùng thử Reiki tại một số bệnh viện không chọn lựa, Báo Quốc tế về Chẩn trị kết luận: “Không đủ bằng chứng để cho rằng Reiki là một cách chữa trị có hiệu quả trong bất cứ trạng huống nào. Do đó giá trị của Reiki vẫn còn chưa được chứng minh.”

Bản hướng dẫn của các giám mục cho biết rằng “Reiki thường được mô tả là loại hình “thần thiêng” để chữa bệnh, trái với các thủ tục y khoa thông thường chữa trị bằng các phương tiện vật lý.”

Tuy nhiên, theo bản hướng dẫn, thì có một sự khác biệt cốt yếu giữa cách chẩn trị Reiki và cách chữa lành bằng quyền năng của Chúa như người Kitô giáo tin tưởng.

“Đối với người theo Kitô giáo, đạt được sự chữa lành thần thiêng là do lời cầu xin với Đấng Kitô là Chúa và là đấng cứu chuộc, trái lại Reiki không phải là một lời cầu nguyện nhưng là một kỹ thuật thông truyền từ “sư phụ Reiki” xuống người đệ tử, một kỹ thuật mà khi thông suốt sẽ phát sinh ra các kết quả tiên liệu.”

Bản hướng dẫn nói: Tóm lại, cách chữa trị Reiki “không tìm được sự hỗ trợ cả trong các khám phá của khoa học tự nhiên lẫn trong niềm tin Kitô giáo.”

Các giám mục cảnh báo rằng “có những mối hiểm nguy quan trọng” khi dùng Reiki đối với sức khỏe tinh thần của một người.

“Muốn dùng Reiki, người ta phải ít ra chấp nhận một cách ngấm ngầm những yếu tố trung tâm của thế giới quan làm nền tảng vững chắc cho lý thuyết Reiki, những yếu tố không thuộc về đức tin Kitô giáo và cũng không thuộc về khoa học tự nhiên.”

“Tuy nhiên, vì không có sự biện minh cả từ đức tin Kitô giáo lẫn khoa học tự nhiên, người Công giáo nào đặt niềm tin cậy vào Reiki là hoạt động trong môi trường mê tín dị đoan, một vùng đất hàm hồ, chẳng đức tin mà cũng không khoa học.”

Sự thờ kính Thiên Chúa của con người bị hư hoại bởi mê tín dị đoan, bởi vì nó đưa “cảm thức và thực hành tôn giáo của một người về một hướng sai lạc.”

“Trong lúc có một số người rơi vào mê tín dị đoan vì không biết, nhiệm vụ của tất cả những người giảng dậy nhân danh giáo hội là diệt trừ những sự vô minh như thế càng nhiều càng tốt.”

“Bởi vì liệu pháp Reiki không phù hợp với giảng huấn Công giáo lẫn chứng cứ khoa học, nên không thích hợp cho các tổ chức Công giáo, như các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và các trung tâm hưu dưỡng, hoặc cho những người đại diện giáo hội, như các vị tuyên úy, được đề cao hoặc ủng hộ phép điều trị bằng Reiki.”