II. Truyền Thống Hiếu Thảo và Nhớ Ơn của Người Bắc Mỹ
Tác giả: Khải Chính Phạm Kim Thư
Phần trên chúng tôi đã so sánh một vài khía cạnh giữa sự hiếu thảo và biết ơn của người Việt và người Bắc Mỹ. Để hiểu rõ hơn sự hiếu thảo và biết ơn của ngưới Bắc Mỹ, chúng ta cần phải đi sâu vào một số vấn đền cụ thể dưới đây.
Cũng giống như người Việt Nam ta, người Bắc Mỹ có truyền thống hiếu thảo và nhớ ơn nhưng không được sâu xa, tế nhị, và thành nếp như truyền thống hiếu thảo của Việt Nam ta. Trong kho tàng sách vở và ngôn ngữ của người Bắc Mỹ, không có những sách dạy về việc hiếu thảo.
Người Bắc Mỹ có óc thực tế, tôn trọng tự do và đời tư cá nhân nên cách nhớ ơn của họ rất là sòng phẳng: có ăn có trả. Vì tôn trọng tự do và đời tư cá nhân nên mối liên hệ đại gia đình và tình hàng xóm thật là hời hợt. Chính vì thế cho nên việc nhớ ơn và sự hiếu thảo của họ không được coi trọng như ở Việt Nam ta. Có lẽ vì xã hội Bắc Mỹ có chương trình trợ cấp xã hội và bao dịch vụ giúp đỡ người già nên con cái ỷ vào đó để lơ là bổn phận làm con.
Ở Việt Nam ta có bao giờ bố mẹ đi kiện con cái để đòi tiền cấp dưỡng đâu. Con cái có biếu bố mẹ cái gì, kể cả tiền bạc nếu không biếu đúng cách thì các cụ cũng không thèm nhận. Không cứ là ở trong gia đình mà cả ở ngoài xã hội cũng vậy, người Việt ta đều có quan niệm là của cho không bằng cách cho, và lời chào cao hơn mâm cỗ. Có nhiều người con vì sơ ý trong cách biếu quà cha mẹ nên các cụ không chịu nhận. Có nhiều trường hợp, các con đã phải năn nỉ và xin lỗi mãi các cụ mới chịu nhận cho. Ở Việt Nam ta rất hiếm có trường hợp con cái tính chuyện giết cha mẹ để cướp của. Ở Bắc Mỹ này, đó là việc thường xảy ra. Người Việt ta coi việc đem nhau ra tòa là chuyện vô phúc. Vì thế, các cụ ta mới có câu “vô phúc đáo tụng đình” là vậy.
Ở Bắc Mỹ, chuyện cha mẹ và con cái thưa nhau ra tòa không phải là việc hiếm. Theo tờ The London Free Press, số ngày 31-8-1995, vào ngày 30-8-1995, một tòa án ở St. Catharines, Ontario, Canada, đã ra lệnh cho bốn người con phải trợ cấp mỗi tháng một ngàn đồng cho người mẹ già 60 tuổi tên là bà Veronica Godwin. Theo The London Free Press số ngày 24-10-1996, một trường hợp khác đã xảy ra ở trường Đại Học Ottawa, Canada, là vào ngày 23-10-96, Giáo Sư Henry Edwards, 57 tuổi, khoa trưởng phân khoa xã hội (the dean of the faculty of social sciences) đã bị bắt về tội âm mưu giết mẹ bằng thuốc ngủ.
Nghe thấy những chuyện trên đây, chắc hẳn mọi người Việt chúng ta đều thấy ngao ngán cho tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái ở đất Bắc Mỹ này. Xã hội Bắc Mỹ đang khủng hoảng về mặt giáo dục con em. Luân lý và đạo đức đang trên đà băng hoại một cách đáng lo ngại. Trên báo The London Free Press, ngày 28-11-1996, trong bài “Parents Not Only Ones to Blame for Troubled Teens,” ông Bob Harvey đã lập lại ý kiến của một số chuyên gia cho là họ đang sống trong một xã hội mà giá trị đạo đức không còn được truyền dạy cho con em nữa. Ông Bob Harvey còn trình bày ý kiến của Giáo Sư Robert Glossop thuộc Học Viện Vanier ở Ottawa liên quan về vấn đề gia đình như sau: Việc chửa hoang của các thiếu nữ vị thành niên, việc bạo động của tuổi trẻ, và các trường hợp tự tử của thanh thiếu niên đang xảy ra là do ở vấn đề thiếu đạo đức và thiếu sự chú tâm vào bình diện luân lý trong xã hội chúng ta.
Ông Bob Harvery cũng thuật lại lời của ông Bill Damon, giám đốc trung tâm Center for Human Development của trường Đại Học Brown University ở Rhode Island, với đại ý là không phải tất cả mọi con em chúng ta đều tệ cả. Có rất nhiều em đang cố gắng vươn lên. Nhưng những gì các thanh thiếu niên đang làm trong xã hội hiện nay chứng tỏ là xã hội chúng ta đang đi thụt lùi ít nhất là cả một thế hệ. Tuy nhiên, những nhà giáo dục ở đây đang cố gắng lo cải tổ việc giáo dục và tìm phương pháp mới để dạy học sinh về giá trị đạo đức, chẳng hạn như lòng thương người, tính ngay thẳng, và sự công bằng. Vào đầu năm 2000, bà Janet Ecker, Bộ Trưởng Giáo Dục tỉnh bang Ontario, Canada, đã đưa ra một chương trình cải tổ giảo dục một cách qui mô nhằm đạt tới một nền giáo dục công lập có phẩm chất cao về mọi mặt, nhất là về việc khuyến khích và phát triển sự kính trọng (kính trên trọng dưới), tinh thần trách nhiệm, và phép lịch sự giữa học sinh và nhà trường, giữa học sinh và gia đình, và giữa học sinh và cộng đồng xã hội. Chúng tôi cũng đã được bà Bộ Trưởng Janet Ecker gửi thư tham khảo ý kiến.Nhân dịp này chúng tôi đã đề nghị với bà cho thiết lập một trung tâm tu nghiệp giáo chức để giúp thầy cô cải thiện về kiến thức và phương pháp giáo dục.
Để giúp học sinh trở thành những học trò giỏi và có kỷ luật, những đứa con ngoan và hiếu thảo, và những công dân tốt và gương mẫu, chúng tôi đã đề nghị với bà Bộ Trưởng Janet Ecker đưa vào chương trình giáo dục học đường hai môn học: công dân giáo dục và luân lý giáo dục. Chúng tôi có nhấn mạnh vào mục đích của việc tiên học lễ hậu học văn và giải thích với bà ta là kỷ luật hay luật pháp chỉ dùng để trừng trị những người đã vi phạm kỷ luật hay phạm pháp, còn lễ, tức lễ phép và lịch sự, có công dụng giúp học sinh trở nên học trò tốt, con ngoan, và công dân gương mẫu, nhiên hậu chúng tránh được việc vi phạm kỷ luật hay phạm pháp.
Muốn học sinh có lễ phép và lịch sự, ta phải dạy chúng ngay khi chúng còn nhỏ, tức là trong lúc chúng còn ở trên ghế nhà trường và còn ở trong gia đình. Lễ là rường cột của mọi lẽ ăn ở trên đời vì một người có kiến thức cao và chuyên môn giỏi mà vô lễ thì sẽ trở thành loại sâu dân mọt nước. Cũng trên tờ The London Free Press, số ngày 28-11-1996, có tin là ở thành phố Wellesley, Massachusetts, các thương gia, cảnh sát, các cơ quan tryền thông, các nhà giáo dục, và các hội nhà thờ đã và đang bắt đầu tìm giải pháp cho các vấn đề thiếu nữ chửa hoang ở tuổi vị thành niên, việc phá phách và bạo động của thanh thiếu niên, sự nghiện rượu và xì ke ma túy, cùng việc bỏ học hay thiếu siêng năng của các học sinh.
Ở thành phố St. Louis, Minnesota, người ta có chương trình sử dụng quí vị cao niên trông chừng hành động của thanh thiếu niên. Quí cụ ra đón các em tại trạm school bus rồi tổ chức các sinh hoạt sau giờ học cho các thanh thiếu niên để giúp các em sử dụng thì giờ một cách hữu ích và thích thú. Để tạo cho các em có tình thương cha mẹ và thương tha nhân, các người con hiếu thảo, các công dân gương mẫu, và các nhà giáo dục Bắc Mỹ đã đặt ra Ngày Báo Hiếu Mẹ (Mother’s Day) và Ngày Báo Hiếu Cha (Father’s Day) để các đấng con cái có được dịp nghĩ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Để giáo dục con em về lòng biết ơn, các nhà giáo dục và những người quan tâm đến tương lai trẻ đã tạo cơ hội cho chúng biết coi trọng ngày sinh nhật (birthday), ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day), Lễ Giáng Sinh, và Tết Tây. Trong những dịp này người ta đã tạo cho trẻ có thói quen về việc bày tỏ tấm lòng biết ơn và săn sóc nhau một cách chân thành, đồng thời họ cũng vui hưởng cho mình một cách thỏa thích.
Một điều rất nổi bật là dân chúng Bắc Mỹ có lòng vị tha thật cao cả, chân thành, và đầy tình nghĩa. Nhờ có tinh thần thiện nguyện và lòng vị tha thật cao cả này nên chính phủ, các hội từ thiện, các hội nhà thờ, và dân chúng Bắc Mỹ đã đứng ra bảo lãnh và cưu mang hàng triệu người tỵ nạn Cộng Sản chúng ta. Lòng vị tha và tinh thần thiện nguyện của người Việt Nam ta chưa bằng họ. Quan niệm của dân Việt ta là giọt máu đào hơn ao nước lã.
Người Bắc Mỹ cũng biết nhớ ơn các vị anh hùng tử sĩ, những người đã hy sinh vì lý tưởng bảo vệ tự do và hòa bình cho nhân loại. Chính vì thế mà họ đã từng tổ chức long trọng Ngày Chiên Sĩ Trận Vong trên toàn quốc của họ. Vì đa số theo đạo Thiên Chúa, dân Bắc Mỹ còn biết ơn trời và các vị thánh thần đã ban cho họ đất đai màu mỡ, có dư đồ ăn thức uống, và nhất là đất nước của họ rất mực thanh bình thịnh trị. Để tạ ơn trời và thánh thần đã ban phước cho họ, hàng năm họ tổ chức cầu nguyện và ăn mừng vào Ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day). Hơn nữa, trong mỗi bữa cơm tại gia đình và các bữa tiệc ngoài xã hội, họ đều có dâng lời tạ ơn chúa về những ân sủng mà họ đã và đang được hưởng. Cử chỉ tỏ lòng biết ơn này đã thành nếp vì được các trường theo đạo Thiên Chúa dạy cho những học sinh ngay từ các lớp mẫu giáo trở lên.
Đã đến định cư ở các nước Bắc Mỹ, có một số ngưới chủ trương nên tìm hiểu về truyền thống hiếu thảo và các ngày nhớ ơn ở đây để cùng nhau hòa nhịp vào nếp sống chung một cách có ý nghĩa và đồng thời làm tăng thêm tình nhân loại thân thương mà tiền nhân đã bỏ bao công trình vun đắp. Ngoài việc giữ cái hay cái đẹp của mình, chúng ta cũng cần học thêm cái hay cái đẹp của người để làm giầu cho truyền thống tốt đẹp về lòng hiếu thảo và biết ơn của ta.(còn tiếp)