Transubstantiation
Sự biến đổi bản thể, sự biến thể. Sự thay đổi hoàn tòan bản thể của bánh và rượu thành bản thể của mình và máu Chúa Kitô bởi một linh mục được truyền chức hợp pháp khi Truyền phép trong thánh lễ, và chỉ còn lại tùy thể của bánh và rượu mà thôi. Trong khi đức tin đàng sau từ ngữ này đã được tin trong thời các thánh Tông đồ, từ ngữ đã có sự phát triển sau đó. Với các Giáo phụ Đông phương trước thế kỷ 6, từ ngữ thích được dùng là meta-ousiosis, "thay đổi hữu thể"; truyền thống Latinh đặt ra từ ngữ transubstantiatio, "biến đổi bản thể," vốn được đưa vào Kinh tin kính của Công đồng Lateran thứ 4 năm 1215. Công đồng Trent, khi định nghĩa “sự biến đổi độc đáo và tuyệt vời của bản thể rượu thành máu Chúa Kitô”, đưa thêm các chữ “và sự biến đổi này được Giáo hội công giáo gọi là sự biến đổi bản thể" (Denzinger 1652). Sau sự biến đổi bản thể này, các tùy thể của bánh và rượu không kết vào bất cứ vật nào hoặc chất nào nữa. Tuy chúng không là vật làm-tin, chúng vẫn còn hiện hữu bởi quyền năng Chúa. (Từ nguyên Latinh trans-, vượt đổi + substantia, bản thể: transubstantio, biến đổi bản thể.)

Trappistines
Nữ tu Dòng Xitô nhặt phép. Chi nhánh dòng nữ của Dòng Xitô. Tên đầy đủ là Nữ tu Dòng Xitô nhặt phép (O.C.S.O.). Dòng được thành lập tại Cîteaux (Xitô), Pháp, năm 1125. Các nữ tu thuộc quyền của Viện phụ cả ở Roma.

Trappists
Tu sĩ Dòng Xitô nhặt phép. Các tu sĩ Xitô giữ luật của Đan viện ở La Trappe, Pháp, sau khi được cải tổ năm 1664. Sau đó các tu sĩ dòng này được trở thành Tu sĩ Dòng Xitô nhặt phép năm 1892, nhưng tên gọi vẫn giữ như cũ. Việc cải tổ Dòng Trappist, dưới quyền của Viện phụ de Rancé trong thế kỷ 17, được tiếp tục bởi Viện phụ Lestrange trong đầu thế kỷ 19, nhấn mạnh đến nhu cầu đời sống đền tội nhiều hơn. Nhiều tu viện riêng biệt được hợp nhất thành một Dòng quốc tế vào năm 1892 dưới quyền một Viện phụ cả. Tên chính thức của Dòng là Tu sĩ Dòng Xitô nhặt phép, hoặc Dòng Xitô cải tổ. Tu viện của Dòng này hiện diện ở nhiều quốc gia.

Treasury Of Merits
Kho tàng công đức, Kho tàng công phúc. Cũng còn được gọi là Kho tàng của Giáo hội. Kho tàng bao gồm các công đức quá dồi dào của Đức Giêsu Kitô và các tín hữu. Một kho tàng như thế bao gồm các việc lành có lợi cho người khác, và việc Các thánh Thông công cũng là sự liên thông của công đức, chứ không chỉ khi một việc lành được thực hiện, dưới sự quan phòng của Chúa, cho mọi tương lai sau này.

Tree Of Knowledge
Cây Biết lành Biết dữ. Là một cây trong Vườn Eden. Thiên Chúa cấm ông Adam và bà Eva ăn trái của cây này, nhằm thử thách sự vâng lời của họ (St 2:16-17). Họ đã bất tuân lệnh này, thất bại trong thử thách, và bị đuổi ra khỏi Vườn Eden. (St 3:23).

Tree Of Life
Cây Trường sinh. Là một cây đứng cạnh cây Biết lành Biết dữ giữa Vườn Eden (St 2:9). Nó trao sự sống mãi mãi cho bất cứ ai ăn trái của nó. (St 3:22).

Tre Ore
Tre Ore, Ba Giờ Cuối. Đây là tiếng Ý của “Ba giờ”, nhắc đến ba giờ cuối cùng của Chúa Kitô trên cây Thánh giá ngày Thứ sáu tuần thánh. Trong khi không có nghi thức rõ ràng nào được quy định, thường nghi thức của Ba giờ Cuối trong ngày thứ Sáu tuần thánh từ 12 giờ trưa đến ba giờ chiều là một loạt bài giảng về bảy câu nói cuối cùng của Chúa Kitô, cùng với các thánh thi phù hợp, các quãng suy niệm thinh lặng, và đi gẫm Chặng đường Thánh giá. Việc cử hành Hy tế tạ ơn của cuộc Thương khó Chúa có thể diễn ra sau nghi thức Ba giờ cuối.

Tres Abhinc Annos
Tres Abhinc Annos. Huấn thị thứ hai của Hiến chế về Phụng vụ của thánh Công đồng chung Vatican II. Văn kiện này được đưa thêm vào Inter Oecumenici (ngày 24-9-1964). Văn kiện thực thi các chỉ thị của huấn thị trước, và trong số các điều khỏan quan trọng, văn kiện tuyên bố rằng “thẩm quyền lãnh thổ theo pháp lý có thể quyết định” sử dụng tiếng bản quốc trong phụng vụ, cả trong: 1. Lễ Quy; 2. tòan bộ nghi thức truyền chức; và 3. việc đọc Thần vụ, kể cả đọc trong ca đòan (Ngày 4-5-1967).

Triangle, Equilateral
Tam giác đều. Tam giác đều là biểu tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi, được dùng dưới nhiều dạng: một tam giác với ba cạnh bằng nhau; ba lá; ba hình vẽ; Chúa Cha được đặt ở đỉnh cao, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ở hai góc dưới; bàn tay tượng trưng Chúa Cha, Thánh giá tượng trưng Chúa Con và Chim bồ câu tượng trưng Chúa Thánh Thần, tất cả nằm trong một hình tam giác. Các biểu tượng này xuất hiện trong các nhà thờ Roma, chậm nhất là vào thế kỷ 13, khi Đức Giáo hòang Urban VIII cấm vẽ các ảnh nhân hình làm biểu tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong thời Trung Cổ, tam giác chỉ xuất hiện với các chữ Unitas, Trinitas, Pater, Filius, Spiritus và thêm chữ "Deus Est" ở trung tâm tượng trưng cho Thiên Chúa. Giáo hội công giáo tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi bằng một thánh lễ đặc biệt kể từ năm 1334.

Tribes Of Israel
Các chi tộc Israel. Các đơn vị xã hội của dân tộc Do Thái, là hậu duệ của Jacob qua 12 người con của Jacob (St 49). Nói cho chính xác là có 13 chi tộc, đó là: Rueben, Simeon, Levi, Judah, Zebulum, Issachar, Dan, Gad, Asher, Naphtali, và Benjamin, cùng với hai con trai của Giuse là Ephraim và Manasseh, mà Jacob nhận như là con của ngài (St 48), và do đó trở thành các vị sáng lập các chi tộc. Nhưng trong việc phân chia Đất Hứa, chi tộc Levi không nhận phần sở hữu đất đai (Joshua 13), và có lẽ vì lý do này mà Levi không được xem là một chi tộc. Mỗi chi tộc lại chia thành nhiều thị tộc, được gọi theo tên của các cháu trai của ông Jacob, và phân chia tiếp thành các gia tộc (Dân số 1, 26; Joshua 7) và các gia tộc chia thành các gia đình. Trong gia đình, người cha có tòan quyền trên vợ (các vợ) và con cái. Đến phiên mình, các người cha được chọn hoặc do thỏa thuận chung, người chủ gia đình, hoặc chủ các gia tộc, với chỉ thị của ông đều được cấp dưới vâng nghe. Thị tộc thuộc quyền của tộc trưởng, còn gọi là tộc trưởng của Israel (Dân số 1, 7). Sau này, dưới chế độ quân chủ, các chi tộc trở thành các đơn vị xã hội thuần túy.

Tribunal
Tòa án, pháp đình. Tòa án giáo hội, được thiết lập tại Roma và tại mỗi giáo phận. Có ba tòa án Roma: Tòa xá giải, Tối cao pháp viện Tòa thánh, và Tòa thượng thẩm. Các tòa án giáo phận chủ yếu xử các nố hôn nhân, và các chức sắc, thẩm phán và thành viên đều đựơc ghi tên trong các cuốn niên giám công giáo quốc gia.

Trichotomy
Thuyết tam phân. Theo nghĩa đen, tam phân là có ba phần. Trong Kinh thánh, đây là giáo lý của thánh Phaolô về việc chia con người thành ba phần, gồm xác (soma), hồn (psyche) và tinh thần (pneuma). Xác là cơ thể sống, hồn là trí tuệ và ý chí có lý tính, và tinh thần là phần sâu xa nhất của hữu thể, nơi Thánh thần Chúa ngự trị.

Triclinium
Phòng ăn ba giường, nhà ăn tu viện. Đây là phòng ăn của một ngôi nhà Roma cổ, đủ chỗ cho chín người, cứ ba người nằm nghiêng trên một giường để ăn. Thường được dùng để chỉ nhà ăn của một tu viện.

Tridentine Mass
Thánh lễ Tridentine, Sách lễ Tridentine. Phụng vụ Hy tế Tạ ơn được cử hành trong nghi lễ Latinh theo Sách lễ Roma, được công bố bởi tông hiến Quo Primum của Đức Giáo hòang Piô V ngày 14-7-1570. Cũng là sách lễ được duyệt lại và do Công đồng Trent quyết định để hợp nhất nhiều ”nghi lễ Roma” phổ biến từ thời Trung Cổ. "Trong bốn thế kỷ, sách lễ Tridentine cung cấp cho các linh mục thuộc nghi lễ Latinh các quy phạm cho việc cử hành Hy tế tạ ơn, và các sứ giả của Tin mừng đem Hy tế đi khắp nơi trên thế giới” (Đức Giáo hòang Phaolô Paul VI, Tông huấn công bố sách lễ Roma duyệt lại với một sắc lệnh của Công đồng chung Vatican II, ngày 3-4-1969). (Từ nguyên Latinh Tridentinus, từ chữ Tridentum, dạng cũ của Trent.)

Triduum
Tuần tam nhật, tam nhật thánh. Thời gian ba ngày cầu nguyện trước một lễ đặc biệt nào đó hoặc để chuẩn bị cho một công việc lớn nào đó. Là tam nhật thánh để tưởng nhớ ba ngày Chúa Kitô nằm trong mồ.

Trinitarians
Tu sĩ Dòng Chúa Ba Ngôi. Dòng Chúa Ba Ngôi chí thánh, được thành lập năm 1198 tại Cerfroid, Pháp, bởi thánh John of Matha và thánh Félix of Valois, với sự phê chuẩn của Đức Giáo hòang Innocent III. Luật Dòng dựa vào sự giải thích chặt chẽ Luật của thánh Augustine, và mục đích đặc biệt là giải cứu nhiều tín hữu bị người Hồi giáo bắt cầm tù. Năm 1596 một cải tổ ở Tây ban Nha lập ra Dòng Chúa Ba Ngôi Đi Chân Đất, và vẫn tồn tại đến nay. Việc tông đồ của Dòng là trợ giúp các tín hữu gặp nguy cơ có thể mất đức tin. Họ dấn thân trong các công việc truyền giáo và cổ vũ sự tôn sùng Thiên Chúa Ba ngôi.

Trinity, The Holy
Thiên Chúa Ba Ngôi, Tam Vị Chí Thánh. Từ ngữ được dùng từ năm 200 để mô tả tín lý trung tâm của Kitô giáo. Thiên Chúa, Đấng duy nhất và độc nhất trong bản thể hoặc bản tính vô cùng của Người, có Ba Ngôi phân biệt rõ ràng, đó là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa duy nhất và độc nhất là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Cha không phải là Chúa Con, nhưng sinh Chúa Con từ thuở đời đời, vì Chúa Con có từ thuở đời đời. Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha và không phải là Chúa Con, nhưng là một ngôi vị riêng biệt có bản tính Thiên Chúa từ Chúa Cha và Chúa Con, bởi sự nhiệm xuất từ đời đời. Ba Ngôi là bình đẳng, có từ thuở đời đời, và đáng hưởng cùng một vinh quang và tôn thờ như nhau.

Trinity Sunday
Chủ nhật lễ Chúa Ba Ngôi. Là chủ nhật thứ nhất sau lễ Hiện Xuống. Nguồn gốc lễ này có lẽ là vào thời lạc giáo Arian, khi một bộ kinh với các bài ca, câu xướng đáp, kinh tiền tụng và thánh thi được các giáo phụ soạn thảo và đọc trong các ngày chủ nhật. Giám mục giáo phận Liège, Stephen (903-20), viết một bộ kinh về Chúa Ba Ngôi và được đọc trong ngày chủ nhật sau lễ Hiện Xuống, và vào chủ nhật cuối cùng trước Mùa Vọng. Thánh Thomas Becket (1118-70), được tấn phong Tổng giám mục Canterbury vào chủ nhật sau lễ Hiện Xuống, xin cho nước Anh có một lễ đặc biệt tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi vào ngày này. Đức Giáo hoàng Gioan XXII (trị vì 1316-34) mở rộng lễ này cho toàn thể Giáo hội.

Triple Autonomy
Tự trị ba cấp. Sự cam kết ba phần mà ngươi công giáo bị đòi hỏi ở nơi nào Cộng sản nắm chính quyền, chẳng hạn ở Tiệp Khắc và Hungary; nói cụ thể đó là độc lập với Roma, tự cung tự cấp và tự truyền bá.

Triple Candle
Cây đèn nến ba nhánh. Cây đèn nến ba nhánh trước đây được sử dụng trong nghi thức thứ Bảy Tuần thánh. Nó được một phó tế thắp sáng, và hát ba lần khi nâng cung giọng, "Lumen Christi" (Ánh sáng Chúa Kitô), trong khi ca đoàn đáp "Deo Gratias" (Tạ ơn Chúa). Từ cây nến này, cây nến Phục sinh được thắp sáng sau đó. Trong phụng vụ duyệt lại cho nghi thức Vọng Phục sinh, cây nến ba nhánh đã được thay thế bằng cây nến Phục sinh.

Triptuch
Tấm bảng gồm ba tấm nhỏ. Một tấm bảng chia làm ba tấm nhỏ, trái với tấm bảng hai miếng và tấm bảng nhiều miếng. Tên các vị thánh được tưởng nhớ trong phụng vụ được ghi trên ba tấm nhỏ này. (Từ nguyên Hy Lạp triptukhos, xếp ba: tri-, ba + ptukh_, xếp.)

Trisagion
Kinh tam thánh tụng, tam thánh ca, tán tụng ngắn. Đây là lời cầu xin "Thánh Chúa Trời! Thánh toàn năng! Thánh bất tử! Xin thương xót chúng con”, xuất hiện trong mọi phụng vụ của Đông phương giữa các bài đọc. Trong nghi lễ Latinh, kinh này được hát trong Thứ Sáu Tuần thánh, như một trong các câu hát khi hôn kính Thánh giá. Nó cũng xuất hiện trong Thần vụ mùa sám hối.

Tritheism
Thuyết tam thần, tam thần giáo, tam thần luận. Đây là lạc giáo chia bản thể của Thiên Chúa Ba Ngôi, cho mỗi ngôi vị một bản tính phân biệt rõ ràng với bản tính của ngôi vị khác. Đây là chủ trương của nhóm lạc thuyết nhất tính trong thế kỷ thứ sáu, do hai giám mục cầm đầu là Cono of Tarus và Eugenius of Roscellin (qua đời năm 1125), và các vị Oembs và Günther trong thế kỷ 19. Oembs bị Đức Giáo hòang Piô VII lên án vào năm 1804, và Günther bị Đức Giáo hòang Piô IX lên án vào năm 1857.

Triumphalism
Thái độ đắc thắng, tự cao, huênh hoang. Một từ ngữ của việc trách cứ Giáo hội công giáo do cho mình là sở hữu trọn vẹn mặc khải của Chúa, và có quyền phán xét trên các bổn phận cá nhân và xã hội của nhân lọai. (Từ nguyên Latinh triumphus, vui vì chiến thắng.)

Trivium
Tam khoa. Ba ngành đầu tiên của nền giáo dục trung cổ: văn phạm, thuật hùng biện và luận lý. (Từ nguyên Latinh tres, ba + viae, đường: trivium, ngã tư đường.)

Trope
Đoạn kinh ngắn. Trong nghi lễ Tây phương, đây là đọan kinh ngắn dùng như điệp ca được đưa thêm một cách bộc phát vào phụng vụ Thánh lễ, hoặc trong Thần vụ của ca đòan. Các đọan kinh ngắn này là khá phổ biến thời đầu Trung Cổ, nhưng dần biến mất và mất hẳn bởi việc duyệt lại sách Lễ Roma năm 1570. Tuy nhiên, Công đồng chung Vatican II cho sử dụng lại nó trong kinh Kyrie eleison (Xin Chúa thương xót) của Thánh lễ.

Tropology
Chữ ngụ ý. Cách dùng từ ngữ cách tượng hình và ngụ ý, đặc biệt quy chiếu đến cách giải thích Kinh thánh vốn nghiên cứu nghĩa ngụ ý của Thánh truyền.

Truce Of God
Hưu chiến vì Chúa. Việc ngưng chiến tạm thời trong thời chiến, áp dụng từ thế kỷ 11. Việc hưu chiến được Giáo hội đặt ra với lời đe dọa tuyệt thông cho các lực lượng vũ trang tham gia cuộc chiến phong kiến. Các bên cấm nổ súng từ đêm thứ bảy đến sáng thứ hai, và cũng vào một số ngày trong tuần, nhất là ngày thứ năm, để tôn vinh Chúa Lên Trời, và ngày thứ sáu, ngày Chúa chịu chết, và trong mùa Vọng và mùa Chay.

True Conscience
Lương tâm chân thật. Là lương tâm có phán đóan luân lý chính xác trên một hành động hoặc đã làm hoặc sẽ làm. Khi lương tâm là chân thật, phán đóan chủ quan của một người thích hợp với sự kiện khách quan rằng hành vi của con người là tốt về luân lý hoặc xấu về luân lý.

True Cross
Thánh gía thật của Chúa. Đây là cây thánh giá mà Chúa đã chết trên đó. Thánh giá này có lẽ được tìm thấy vào năm 326 bởi thánh Helena, thân mẫu của Hòang đế Constantine. Một phần thánh giá này được cho là gìn giữ ở Nhà thờ Santa Croce (Thánh Giá) tại Roma. Lễ suy tôn Thánh giá được cử hành vào ngày 14-9 trong nghi lễ Latinh.

True Good
Tốt thật sự. Tốt thật sự là thích hợp thật sự với vật hoặc bản tính mà sự thiện có hiệu quả ở đó.

Trullo, Council Of
Công đồng Trullo. Một công đồng được các Giám mục Đông phương tổ chức năm 692 tại Constantinople, để hòan tất công việc của hai công đồng chung thứ năm và thứ sáu (năm 552 và 680), vốn đã được tổ chức tại cùng thành phố. Được gọi là công đồng Trullo, bởi vì các cuộc họp diễn ra dưới “mái vòm” (tiếng Hy Lạp là troullos) của cung điện Hòang đế. Các sắc lệnh kỷ luật bị Đức Giáo hòang bác bỏ, nhất là bởi vì Công đồng Trullo không bác bỏ ý kiến cho rằng việc tháo gỡ phép Hôn phối đôi khi là hợp pháp. Việc tái hôn sau khi ly dị, được Chính thống giáo Đông phương chấp thuận, đã bắt nguồn từ quyết định của các Giám mục tại Trullo.

Trust
Tín nhiệm, tin cậy. Sự tín nhiệm một người nào đó. Người tin cậy vào các người khác, tin là các người ấy sẽ trung thành với cam kết của họ, và hy vọng có được từ những người ấy điều đã hứa. Áp dụng cho Chúa, sự tin cậy là một hình thức hy vọng, nhưng với một sắc thái đặc biệt, đó là Chúa không từ chối ơn Người cho người làm điều họ có thể làm. Điều này có nghĩa là, miễn là người ấy hợp tác với ơn Chúa theo khả năng của mình, người ấy sẽ hưởng ơn Chúa hơn.

Trustee System
Thể chế uỷ viên. Đây là phương pháp được dùng để quản lý nhà cửa, tài sản giáo phận, và các giáo xứ. Một Giám mục thường chọn một nhóm người có trách nhiệm, đứng đầu là một bề trên giáo sĩ, và họ trở thành một hội đồng quản trị để quản lý và giám sát mọi vật sở hữu, tài sản và tài chính. Theo định kỳ họ phải báo cáo công việc quản gia nhưng họ không được vi phạm việc quản trị thiêng liêng của giáo xứ hoặc giáo phận. Tòa Thánh đã chấp thuận việc thiết lập thể chế ủy viên, nói rằng việc trao quyền quản lý tài sản cho một nhóm người được tin tửơng là một thủ tục được phép. Điều Giáo hội cấm là chỉ dùng giáo dân làm người quản lý, mà không tùy thuộc vào Giám mục giáo phận hoặc cha chính xứ của giáo xứ.

Truth
Chân lý, sự thật. Sự thật là trùng hợp với ý nghĩ và thực tại. Có ba lọai trùng hợp nên có ba lọai chân lý. Trong sự thật luận lý, tâm trí là trùng hợp hoặc thỏa thuận với sự vật bên ngòai tâm trí, hoặc đồng ý với sự nó là hoặc từ chối sự nó không là. Trái nghĩa là sai lầm, lầm lỗi. Trong chân lý siêu hình hoặc chân lý hữu thể, sự vật trùng hợp với tâm trí. Đây là sự trùng hợp ban đầu, khi sự vật trùng hợp với ý tưởng của người chế tạo, và còn có sự trùng hợp thứ hai khi sự vật là khả tri và do đó là đúng thật cho người nào biết nó. Trong chân lý luân lý, điều đã nói trùng hợp với điều trong tâm trí người ta. Đây là xác thực tính và trái nghĩa của nó là giả mạo hoặc ngụy tạo.

Tuesday
Ngày thứ ba. Là ngày thứ ba của một tuần lễ, là ngày của Tiw, vị thần Teutonic thời cổ xưa. Trong phụng vụ, ngày này được dành kính các thiên thần và các thánh, vốn sự sùng kính các ngài được cử hành đặc biệt trong ngày này, chẳng hạn thánh nữ Anna và thánh Antôn thành Padua.

Tunic
Áo phụ phó tế. Chiếc áo dài trước đây được các phụ phó tế mang khi giúp lễ cho linh mục trong các lễ trọng, và áo này hiện được các hồng y, giám mục và đan phụ viện mang dưới áo lễ trong Thánh lễ đại triều. (Từ nguyên Latinh tunica, áo váy, tunic từ nguồn gốc Phoenician.)

Twelfth Night
Đêm thứ Mười Hai. Đêm trước lễ Hiển Linh, ngày Thứ Mười Hai sau lễ Chúa Giáng sinh. Trước đây được xem là thời gian tổ chức cuộc vui mừng, và liên kết với việc tháo gỡ các trang trí lễ Giáng Sinh ở tư gia và nhà thờ.

Twilight Sleep
Gây mê, giấc ngủ khi gây mê. Gây mê là một tình trạng trong đó sự nhận biết đau đớn bị giảm đi, và việc nhớ cái đau cũng giảm đi nhiều; nó được tạo ra bởi việc tiêm một số thuốc gây mê. Nó được dùng chủ yếu trong khi sinh con. Về quan điểm luân lý, việc gây mê không thể được dùng trong việc sinh con bình thường, bởi vì nó có thể tạo nguy hiểm nào đó cho đứa con. Tuy nhiên, nguy hiểm này là nhẹ, nên việc gây mê có thể được dùng để giảm cơn đau quá mức hoặc vì một lý do chính đáng nào đó, chẳng hạn để tạo dễ dàng cho việc xử lý một ca sinh khó.

Two Swords
Thuyết song quyền, thuyết hai gươm. Một thuyết thời Trung Cổ về tương quan giữa Giáo hội và Nhà nước, như Đức Gíao hòang Boniface VIII (trị vì 1294- 1303) giải thích: "Chúng tôi được dạy qua lời Tin Mừng rằng trong Giáo hội này và dưới sự kiểm sóat của Giáo hội có hai gươm, gươm thiêng liêng và gươm thế tục…. Cả hai, tức gươm thiêng liêng và gươm thế tục, đều nằm dưới sự kiểm sóat của Giáo hội. Gươm đầu được Giáo hội sử dụng; gươm thứ hai được sử dụng nhân danh Giáo hội. Gươm đầu được sử dụng bởi tay linh mục, gươm thứ hai bởi tay các vua chúa và binh lính, nhưng theo ước muốn và sự cho phép của linh mục. Gươm phải lệ thuộc vào gươm, do đó thật là phù hợp khi quyền thế tục phải lệ thuộc quyền thiêng liêng" (Unam Sanctam, Denzinger 873). Thuyết này không được Đức Giáo hoàng định nghĩa, nhưng phản ảnh não trạng của thời đại lúc đó, khi cả “linh mục và vua chúa” đều là thành phần của cùng một Giáo hội công giáo, và Đức Giáo hòang đang nói nhân danh Giáo hội.

Tyburn
Sông Tyburn. Tên một sông ngầm nhỏ ở London, Anh. Tên được lấy đặt cho các giá treo cổ nổi tiếng, nơi rất nhiều người công giáo đã chết vì đức tin của họ, nhất là trong thời bách hại đạo của Nữ hòang Elizabeth I (1533-1603).

Tychism
Thuyết ngẫu nhiên. Một thuyết nói rằng sự ngẫu nhiên là một sự kiện khách quan trong vũ trụ, và nó không hòan tòan do sự thiếu hiểu biết của con người. Nó thường được liên kết với ý tưởng rằng sự tiến hóa xảy ra cách ngẫu nhiên, và không có sự chỉ huy có kế họach định hướng của một thần trí nào cả. (Từ nguyên Hy lạp tyche, cơ may, cơ hội, ngẫu nhiên.)

Types, Scriptural
Tiên trưng, dự biểu, dự hình. Là một người, vật, hành động hoặc biến cố trong Kinh thánh báo trước chân lý mới, hành động mới hoặc biến cố mới. Trong Cựu Ước, Melchizedech và Jonah là tiên trưng của Chúa Giêsu Kitô. Một sự giống nhau cần phải có giữa tiên trưng và nguyên mẫu, nhưng nguyên mẫu luôn lớn hơn tiên trưng. Cả hai là độc lập với nhau. Việc Chúa kêu gọi người Do Thái trở về từ ách nô lệ của Pharaoh là tiên trưng của việc Đức Giêsu Kitô trở về từ cuộc trốn sang Ai Cập. Trong Tân Ước, sự phá hủy Đền thờ Jerusalem, được Chúa Kitô báo trước, là tiên trưng của ngày tận thế.

Ubiquitarianism
Phổ tại thuyết, học thuyết phổ cập. Thuyết của Martin Luther (1483-1546) và nhiều môn đệ của ông cho rằng Chúa Kitô ở khắp mọi nơi, không chỉ với tư cách là Chúa, mà còn là với tư cách con người. Thuyết này được Nhà cải cách đưa ra nhằm giải thích cho sự hiện diện thân xác thật sự của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, mà không phải công nhận quyền truyền phép của linh mục trong thánh lễ. (Từ nguyên Latinh ubiquitas, vật ở khắp nơi.)

Ubiquity
Hiện diện mọi nơi, phổ tại tính, phổ cập tính. Sự hiện diện của một vật ở khắp nơi trong cùng một lúc. Sự hiện diện mọi nơi của Chúa.