Linh Đạo Hôn Nhân Hiện Đại

3. Linh Đạo Và Lối Sống

Các lựa chọn ảnh hưởng tới lối sống của ta cũng là một phần của linh đạo hôn nhân. Vì qua các lựa chọn này, ta muốn nói lên các giá trị dùng làm khuôn hình cho cuộc sống chung của ta. Mặt khác, đóng góp quan trọng nhất của Kitô giáo đối với hôn nhân chính là các giá trị nó mời gọi ta bước vào. Các chân lý về đời người như có thể yêu người cách không vị kỷ, hy sinh có giá trị vượt quá chính nó, được hưởng lạc thú nhưng không được thần thánh hóa nó, tôi không hiện hữu chỉ vì bản thân mình, đều là những chân lý không luôn luôn hiển nhiên. Đối với xã hội hiện nay, và cả chính kinh nghiệm của riêng ta nữa, các xác tín ấy dường như có tính ảo tưởng hoặc ngây ngô. Khi sống một mình, ta cảm thấy ảnh hưởng của chúng đối với ta thật mỏng manh. Nhưng khi sống thành cộng đoàn với các tín hữu khác, ta thấy mình ít sợ sệt hơn khi phải giáp mặt với nghi nan vì ta không giáp mặt với chúng một mình. Trái lại, có thể nuôi dưỡng được một quan điểm tôn giáo về cuộc đời để đỡ nâng mình trong cuộc hành trình hôn nhân kéo dài suốt đời này.

Kitô giáo không đưa lại cho tình yêu vợ chồng giá trị của nó; đúng hơn, nó cử hành ý nghĩa sâu xa của tình yêu ấy, một ý nghĩa đôi khi bị lối sống ngược xuôi của ta làm biến mất hay ít ra cũng mờ tối đi rất nhiều. Kitô giáo đem lại cho chúng ta nhiều thông sáng, biết nhận ra những điều vốn hết sức vô hình, như quyền năng và sự hiện hữu của tình yêu Thiên Chúa, luôn bao bọc quanh ta và nhất là trong một số cảm nghiệm ưu việt, có tính bí tích. Đối với phần đông Kitô hữu, tình yêu vợ chồng và các cam kết sống vốn phát sinh từ tình yêu này và luôn bao quanh nó, chính là những biểu hiện của cảm nghiệm ưu việt trên về quyền năng và sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong chương này, ta sẽ thăm dò một số giá trị từng góp phần tạo ra lối sống của hôn nhân Kitô giáo.

Lối sống trong hôn nhân của ta chịu ảnh hưởng của nhiều sức mạnh khác nhau. Một số các sức mạnh này rõ ràng nằm bên ngoài quyền kiểm soát trực tiếp của ta, như các yếu tố kinh tế phát sinh ra lạm phát, các yếu tố chính trị tạo nên chính sách quốc gia về chăm lo trẻ em, các yếu tố văn hóa ảnh hưởng tới các vai trò người ta vốn chờ mong nơi người đàn bà và người đàn ông. Đối với một số cuộc hôn nhân, các yếu tố bên ngoài này tác động mạnh đến nỗi xem ra chẳng còn mấy cơ hội chọn lựa nào nữa. Khi con người nghèo đói, ít được học hay thất nghiệp kinh niên, thì họ khó mà cảm nhận được rằng mình đang làm chủ cuộc sống mình. Gánh nặng của hiện tượng thiếu công bình xã hội này hiện đang đè lên nhiều người Mỹ, đem lại nhiều căng thẳng hơn nữa cho cuộc hôn nhân của họ. Hậu quả: ly dị và đào ngũ gia tăng hẳn lên.

Tuy nhiên, đối với phần đông người Mỹ, lối sống trong hôn nhân không phải chỉ là sản phẩm của các lực lượng bên ngoài. Vì ta luôn ý thức rằng chúng ta mới là tác nhân. Tuy bị nhiều giới hạn, ta vẫn có thể chọn lấy lối sống cho riêng mình. Một số chọn lựa này rất có thể ảo tưởng, chịu ảnh hưởng các yếu tố bên ngoài hơn mình tưởng, tuy thế ta vẫn ý thức rõ chính ta đã đưa ra các quyết định có ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân của chính mình.

Các chọn lựa quan trọng nhất đối với lối sống của ta chính là các chọn lựa liên quan tới việc ta sử dụng các tài nguyên của mình. Các tài nguyên quan tâm, thì giờ và tiền bạc là các chất liệu chính cho cuộc sống chung của ta. Bởi thế, các lựa chọn của ta liên quan tới các tài nguyên này không phải là phụ thuộc; chúng nằm ngay cạnh chính cốt lõi của hôn nhân. Mình phải quan tâm tới nhau ra sao? Tiền bạc của mình phải dùng làm gì? Mình phải dùng thì giờ đời mình thế nào? Trả lời được các câu hỏi này, ta sẽ khá phá ra các giá trị trong hôn nhân của mình và phát biểu chúng ra qua lối sống của ta.

Cầu Nguyện Và Công Lý

Cầu nguyện là một phần trong lối sống hôn nhân Kitô giáo. Việc này phải bao gồm các phương cách để ta, trong tư cách vợ chồng và gia đình, dự phần vào việc cầu nguyện của Giáo Hội, nhất là việc cử hành Thánh Thể. Nhưng đồng thời, nó cũng liên hệ đến việc phải triển khai ra các phương cách thích hợp để ta cùng cầu nguyện với nhau, cùng chia sẻ cảm nghiệm thân thiết được đến trước nhan thánh Chúa trong cầu nguyện với nhau, đôi lúc như vợ chồng, đôi lúc với các con nữa. Trong nhiều thập niên qua, nhiều gia đình Công Giáo có thói quen lần chuỗi mân côi cũng như tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong gia đình. Ngày nay, việc cầu nguyện trong gia đình phần lớn chú tâm nhiều hơn vào việc đọc Thánh Kinh, cùng nhau suy niệm ý nghĩa những bài đọc đó đối với cuộc sống ta và hành động của ta trong thế giới. Trong Chương 24, ta sẽ thảo luận trở lại vai trò của việc cầu nguyện trong gia đình và các cử hành tôn giáo.

Trong hôn nhân, việc cầu nguyện đã được khích lệ như phương thế để gia đình tăng cường sự gắn bó nhất trí của mình: “Gia đình cầu nguyện với nhau là gia đình gắn bó với nhau”, phương ngôn từng nói thế. Quả thế, cầu nguyện với nhau như vợ chồng và như gia đình sẽ mạnh mẽ tăng cường cảm nghiệm sống bên nhau một cách hết sức đặc biệt. Nhưng việc cầu nguyện của Kitô hữu không phải chỉ là để gìn giữ gắn bó nhất trí giữa chúng ta mà thôi; mà nó còn nhằm tình cộng đoàn của ta với toàn bộ nhân loại trước nhan thánh Chúa. Cầu nguyện theo phụng vụ là loại cầu nguyện đặc biệt cử hành cái ý thức rộng lớn hơn đó. Nó là lời cầu nguyện của cả dân Chúa, nhân danh Chúa Giêsu và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong ta. Nhưng lời cầu nguyện của gia đình cũng phải mở lòng trí ta vượt quá chính mình. Nhu cầu của thế giới phải là thành phần trong lời cầu nguyện của ta, nói cụ thể hơn, ta phải góp phần giải quyết các đau đớn mất mát và bất công cố hữu của thế giới.

Mùa thu năm 1978, Đức Tổng Giám Mục Jean Jadot đã đọc một bài diễn văn kêu gọi thi hành kế hoạch mục vụ gia đình do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố. Trong diễn văn này, ngài đề cập tới việc cầu nguyện, tới đức tin và công lý vì những điều này có liên quan tới gia đình. Theo ngài “Cầu nguyện tôi nói ở đây không hẳn là đọc kinh…Mà là cùng nhau đọc Thánh Kinh và quan tâm tới những người khốn khó, tới công lý và hòa bình trên thế giới, tới Nước Chúa ngự đến… Lời cầu nguyện như thế tự nhiên sẽ gợi lên ý thức phục vụ trong sứ mệnh của gia đình. Nó cũng gợi lên ý thức xã hội nơi gia đình nữa”

Xác tín rằng ta không phải chỉ vì mình ta là một xác tín căn bản trong thế giới quan Kitô giáo. Giá trị này phải được phát biểu qua cầu nguyện mà còn qua cả lối sống của ta nữa. Như đã nhắc ở Chương 19, phần lớn chúng ta biết rằng cuộc hôn nhân của ta không phải chỉ vì một mình chúng ta mà thôi. Ta cần hơn là chính ta nếu ta muốn cho cuộc hôn nhân của mình triể nở. Ta biết rõ, trong tư cách là vợ chồng và gia đình, ta tùy thuộc xiết bao vào các tiếp xúc với thân nhân và nâng đỡ đặc biệt của bạn bè. Nhưng là Kitô hữu, ta vượt quá chúng ta không phải chỉ trong những điều mình cần mà cả trong nhnữg điều mình đóng góp nữa.

Cuộc sống gia đình và nhất là con cái đã đem chúng ta vào một thế giới rộng lớn hơn. Khi con cái lớn khôn, ta sẽ cảm nhận được việc chúng thuộc về thế giới và tương lai của chúng nhiều hơn là thuộc về ta biết chừng nào. Bởi thế, việc chúng ta quan tâm đến chúng không chấm dứt ở ngưỡng cửa gia đình. Chuyển động đầu hết của chúng ta hướng tới việc góp phần vào thế giới ngoài kia rất có thể là vì chúng: biến thế giới thành nơi tốt hơn cho chúng, một nơi xứng hợp cho các niềm hy vọng của chúng và là nơi dẫn tới việc chúng tăng trưởng. Nhưng sự thúc đẩy khởi đầu của việc quan tâm có tính máu mủ (generative care) này, tức mối quan tâm đối với con cái và tương lai của chúng, rất có thể bị đình đốn. Mối quan tâm lo lắng tới lợi ích của gia đình rất có thể mang hình thức vị kỷ mới. Biên giới có thể đã được nới rộng đôi chút, nhưng tựu chung vẫn là “chúng ta” trong thế đối lập với “họ”.

Rất may, đối với phần lớn chúng ta, việc quan tâm đến con cái của chính mình đã mời gọi ta quan tâm đến con cái của cả thế giới, vì tương lai của cả loài người. Tôi ý thức sâu xa hơn được điều này là bằng xúc cảm và hành động, tôi đã can dự nhiều hơn vào cuộc sống người khác. Trong tư cách cha mẹ, người làm việc và công dân, tôi chịu trách nhiệm phần nào, theo cách của riêng tôi, đối với tương lai.Thế giới, cùng với các niềm vui và vấn nạn của nó, quả có quyền đòi hỏi đối với tôi.

Là Kitô hữu, ta nghe thấy lời mời gọi bước vào thế giới rộng lớn hơn này được chính Chúa Giêsu củng cố. Tôi không phải chỉ là người chăm sóc anh em tôi mà thôi; phạm trù anh chị em này đã được nới rộng để bao gồm cả bất cứ ai đang cần đến tôi. “Ta là khách lạ, các con đã chào đón Ta; Ta trần truồng, các con đã cho Ta quần áo; Ta ốm đau, các con đã thăm viếng Ta; Ta ngồi tù, các con đã đến thăm Ta” (Mt 25:35-36). Kitô giáo quả đã nới rộng biên giới các quan tâm của ta. Ta thấy mình thuộc một cộng đồng rộng lớn hơn. Ta nắm giữ các tài nguyên của ta với tư cách quản lý viên: chúng không phải là sở hữu của ta mà là phương tiện để ta đóng góp cho một thế giới công chính hơn.

Càng ngày ta càng cảm nhận được rằng các vấn đề giá trị và công bằng xã hội mà ta gặp thấy trong cuộc sống của chính ta hết sức phức tạp. Rất ít vấn đề có được câu trả lời đúng và nhanh chóng. Đối với một vấn đề đặc thù nào đó, những người thiện chí và thông minh có thể đưa ra những kết luận hết sức khác nhau về cách nên giải quyết như thế nào. Khi một vấn đề nêu ra trực tiếp đụng chạm đến cuộc sống ta hay chạm đến phúc lợi của gia đình ta, như trong vấn đề việc làm bảo đảm, giá trị bất động sản hay cải tiến thuế khóa, thì xác định được câu trả lời đúng quả lại càng khó khăn hơn nhiều.

Trong những tình huống ấy, ý thức Kitô giáo không đưa ra được những câu giải đáp dễ dàng, nhưng có thể mang đến cho ta một điểm khởi hành nào đó. Ta không chỉ vì một mình mình mà thôi. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công bố, hành động cho công lý và biến cải thế giới phải là hiến chương cho đáp ứng của ta đối với phúc âm.Ta đứng dưới thách thức của phúc âm sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của nhân loại và dự phần vào việc giải phóng nhân loại ấy. Rất có thể ta phải tự tìm ra phuơng thức để tham dự vào sứ mệnh này của Chúa Kitô trong tư cách vợ chồng và trong tư cách gia đình. Nhưng mọi người chờ mong sự tăng trưởng trong tư cách Kitô hữu chín chắn của ta sẽ bao gồm việc triển khai ra một lối sống có thể nói lên cái hiểu của ta về sứ mệnh mà Chúa Kitô đã mời gọi ta và nâng đỡ ta trong đáp trả của mình.

Ý Nghĩa Của Tiền Bạc

Tiền bạc là vấn đề quan trọng trong hôn nhân. Việc ta hiểu tiền bạc ra sao sẽ ảnh hưởng lớn tới mối liên hệ của mình; việc dùng tiền bạc như thế nào cũng khuôn định ra lối sống của ta. Và trong nhiều cuộc hôn nhân, các quyết định về tiền bạc là những quyết định phức tạp nhất của vợ chồng. Các bất đồng về tiền bạc (quản lý nó ra sao; tiêu sài nó thế nào; ai phải quyết định những điều đó) và những buồn bực về tiền bạc (sống quá phương tiện của mình; hoá đơn đến ngày phải thanh toán; không đủ tiền trang trải những chi tiêu bất ngờ) đều là những nguyên cớ đem lại căng thẳng cho cuộc nhân duyên.

Các vấn đề về tiền bạc trong hôn nhân rắc rối một phần vì tiền bạc mang theo nó thật nhiều ý nghĩa khác nhau. Tiền bạc để làm gì? Câu trả lời của tôi ở đây sẽ ảnh hưởng tới cách tôi trả lời các câu hỏi khác. Gia đình mình cần bao nhiêu tiền bạc? Liệu có khi nào mình đủ dùng không? Liệu mình có xác định được bao nhiêu thì đủ không?

Đối với một số chúng ta, tiền bạc chủ yếu là để cung ứng những nhu cầu thực tiễn của đời sống: cơm ăn, quần áo, nhà cửa. Đối với người khác, nó dùng để vui chơi, hưởng nhàn, sống xa xỉ hay tiêu khiển. Đôi khi, tiền bạc là vì tương lai con cái, để giáo dục chúng hay tạo an toàn tài chánh cho chúng. Cũng có khi dùng nó để tăng giá trị bản thân: “Chắc chắn tôi là người có giá trị, chỉ cần nhìn số tiền tôi kiếm được”. Tiền bạc cũng có khi để chứng tỏ quyền lực: “Tôi có thể mua bất cứ điều gì và bất cứ người nào tôi muốn”. Và cũng có khi nó là tài nguyên ta phải sử dụng để phục vụ lợi ích thế giới.

Phần lớn các quyết định thực tiễn về tiền bạc mang theo chúng tầm quan trọng lớn hơn về xúc cảm. Chúng nói lên điều gì đó quan trọng đối với ta về con người thực của mình ở trên đời. Nếu chúng ta, trong tư cách vợ chồng, nhìn tiền bạc cách khác nhau, nếu mỗi người chúng ta hành động vì những cảm nhận khác nhau về mục tiêu của nó, ta có thể đoán chắc vấn đề tiền bạc sẽ đem lại xáo trộn giữa chúng ta, những xáo trộn khó lòng giải quyết được.

Tầm quan trọng về xúc cảm của tiền bạc không phải là nguồn duy nhất tạo ra căng thẳng. Lạm phát và đe dọa suy thoái kinh tế cũng là những yếu tố có thực trong lối sống của nhiều gia đình. Các cặp vợ chồng trẻ thấy mình không đủ sức mua nhà, thế là đành phải trì hoãn việc có con. Các cặp đã có con nhận thấy muốn gửi con tới đại học hay cao đẳng, thì cả hai phải đem chi phiếu trả lương về nhà. Các cặp muốn về hưu sớm giờ đây phải tiếp tục làm việc vì không chắc tiền hưu trí của mình có đủ thoả mãn các nhu cầu chi tiêu hay không. Đương đầu với vật giá leo thang, lãi xuất cao và nhiều khi bị thất nghiệp, nhiều gia đình buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn về tiền bạc, những quyết định có ảnh hưởng lớn lao đến lối sống trong cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng dù nhìn nhận thực tại của những thời điểm tài chánh bấp bên trên, việc căng thẳng về tiền bạc trong nhiều cuộc hôn nhân cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ chủ nghĩa tiêu thụ y như lạm phát vậy. Ngay trong thời lạm phát hiện nay, nhiều gia đình Mỹ vẫn hưởng được một mức thịnh vượng rất cao trên thế giới.Ta muốn và mong chờ “những cái tốt nhất tiền bạc có thể mua được” cho chính ta và gia đình ta. Quảng cáo nới rộng cảm thức của ta về những điều ta cần, khiến ta thực sự tin rằng “ta nợ chính mình nhu cầu ấy” vì “ta thực đáng được nhu cầu ấy”. Là người Mỹ, hình như ta dễ bị cám dỗ căn cứ vào những điều mình sở hữu được, của cải vật chất, mức sống, mãi lực, mà phán đoán giá trị của mình. Cảm thức lo lắng tới “những sự thế gian” này luôn luôn kình chống lại các trực quan tôn giáo sâu sắc hơn của ta: hiện hữu giá trị hơn chiếm hữu; giá trị của ta đâu có đặt cơ sở trên của cải. Là tín hữu, ta biết ta giữ của cải trần gian như các quản lý viên. Trách nhiệm của ta là chăm sóc người túng thiếu, có khi bằng cả của cải sinh tồn của mình. Ngày nay, ta thấy thách thức trên còn được nới rộng phạm vi hơn nữa. Ta có ý thức hơn về mối liên kết giữa sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và cảnh đói khổ đang hiện diện ở những nơi khác. Việc xưa nay ta, trong tư cách một quốc gia, được hưởng dùng những nguồn tài nguyên dư thừa về thực phẩm, năng lượng và kỹ thuật vốn tạo ra “một đời sống dễ chịu” có khi gây hại tới người khác. Dĩ nhiên các khuôn mẫu bất công có tính cơ cấu này hết sức phức tạp. Không dễ gì tìm ra vết tích trách nhiệm bản thân của ta trong đó hay xác định được điều ta, với tư cách gia đình, có ghể làm để chỉnh đốn lại thế quân bình kinh tế của thế giới. Nhưng tính phức tạp của vấn đề không trút bỏ được trách nhiệm của chúng ta. Là Kitô hữu, ta cần phải xem sét tiêu chuẩn sống của gia đình ta không những theo mức mất giá của đồng đôla nhưng còn vì trách nhiệm của ta trong thế giới nữa. Đối với Kitô hữu ngày nay, các câu hỏi như: phải tiêu tiền ra sao và đầu tư tiền để dành của mình vào chỗ nào, không hẳn chỉ là những câu hỏi thực tiễn về tài chánh cần được giải quyết căn cứ vào giá cả và lãi xuất mà thôi. Chúng là các vấn đề có ý nghĩa tôn giáo giúp khuôn định ra lối sống Kitô giáo.

Hôn Nhân Và Thừa Tác Vụ

Đối với Kitô hữu chúng ta, vấn đề lối sống cuối cùng rồi cũng dẫn đến việc thảo luận về thừa tác vụ. Thừa tác vụ là hành động của tín hữu trong việc theo đuổi sứ mệnh mà Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội, nhằm cho Nước Chúa trị đến. Trước nhất, ta có thừa tác vụ chính thức, tức thừa tác vụ được cộng đồng đức tin nhìn nhận và ủy nhiệm. Song song với loại thừa tác vụ chính thức ấy là hình thức thừa tác vụ người ta đang chờ mong nơi mọi tín hữu, tức các cố gắnh hàng ngày nhằm biến cải thế giới theo các giá trị yêu thương và nhân hậu của Kitô giáo. Ngày nay, nhiều người Công Giáo có gia đình đã đảm nhiệm loại thừa tác vụ chính thức của Giáo Hội. Việc ấy có được là nhờ sinh khí do Công Đồng Vatican II đem lại. Ta thấy nhiều giáo dân, nam cũng như nữ, tham gia các thừa tác vụ phụng vụ nơi các giáo xứ, như đọc sách, âm nhạc và thừa tác Thánh Thể. Càng ngày, thừa tác vụ giảng dạy trong các giáo xứ và giáo phận càng được các giáo dân đảm nhiệm nhiều hơn. Một số đảm nhiệm những công việc chuyên môn toàn thời gian trong các chương trình giáo dục tôn giáo thuộc hệ thống các trường Công Giáo. Số đông hơn phục vụ trong tư cách thiện nguyện làm giáo lý viên, phối hợp viên các nhóm thảo luận dành cho người lớn hay là thành viên cho hội đồng nhà trường của giáo xứ. Cũng có sự gia tăng tương tự con số các giáo dân làm việc tại các cơ sở dịch vụ cũng như các chương trình xã hội do thẩm quyền Giáo Hội điều hướng hay yểm trợ.

Việc mở rộng các thừa tác vụ “được chấp thuận” hay “được công nhận” này trong mấy thập niên qua đã làm mờ nhạt khá nhiều sự phân biệt trước đây trong Giáo Hội giữa tu sĩ, giáo sĩ và giáo dân. Các ông có gia đình chịu chức sáu vĩnh viễn, các nữ tu phục vụ trong tư cách phụ tá giáo xứ, các ông và các bà có gia đình đang theo học tại các đại chủng viện Công Giáo để chuẩn bị đảm nhận các công việc thuộc thừa tác vụ toàn thời gian, rõ ràng đều là thành phần của loại thừa tác vụ chính thức. Trong nhiều trường hợp, việc mở cửa chào đón các giáo dân vào các vai trò phục vụ và lãnh đạo chỉ là vì để giải quyết tình trạng thiếu người (không còn đủ các sư huynh, các nữ tu và các linh mục đảm nhiệm những công viêc ấy nữa!), hơn là một am hiểu sâu sắc hơn về phạm vi của ơn gọi thừa tác vụ Kitô giáo. Nhưng dù gì chăng nữa, hiện có khá nhiều giáo dân Công Giáo, có gia đình hay độc thân, đã hiểu ra ơn gọi ở đời của mình là tham gia vào thừa tác vụ chính thức của Giáo Hội.

Con số các giáo dân Công Giáo có gia đình làm các thừa tác viên chính thức trong thừa tác vụ hôn nhân của Giáo Hội, như soạn thảo hay dẫn dắt các chương trình chuẩn bị hôn nhân, phong phú hóa hôn nhân, huấn đạo hôn nhân và cử hành phụng vụ hôn nhân, hiện đang gia tăng và rất tốt. Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói tới mối liên hệ của hôn nhân và ơn gọi thừa tác vụ tổng quát của Kitô hữu.

Với một số Kitô hữu, được thụ phong hay không, chú tấm tức khắc trong hành động tôn giáo của họ là ở bên trong cộng đoàn đức tin, một thừa tác vụ đối với Giáo Hội chính thức và qua Giáo Hội này. Còn phần đông tín hữu, ơn gọi sống và hành động để đáp ứng quan điểm Kitô giáo này thường được phát biểu ngay trong gia đình, nơi sở làm hay trong những can dự khác vào xã hội nòi chung. Kinh nghiệm tôn giáo của hôn nhân quan hệ thế nào với hành động tôn giáo hay thừa tác vụ của đời sống Kitô hữu trưởng thành? Ờ nhiều chỗ trong sách này, chúng tôi từng nói về thừa tác vụ của người Kitô hữu trưởng thành căn cứ vào tính tạo sinh tôn giáo rồi (religious generativity). Sự chín chắn về tâm lý giúp tôi vượt quá chính tôi và người thân cận để quan tâm đúng mức đến thế giới. Cũng thế, tính tạo sinh tôn giáo cũng dẫn tôi vượt quá việc cử hành “Tin Mừng” cho chính tôi mà hành động về tôn giáo, tức làm thừa tác vụ, nhằm phục vụ thế giới ở bên ngoài mình và bên ngoài những người thân cận về phương diện tôn giáo của mình. Ta đã thấy sự thân mật có thể vừa góp phần vào tính tạo sinh (khi kinh nghiệm yêu thương giải toả trong mỗi người chúng ta các tài nguyên tâm lý cần thiết để ta độ lượng và vượt quá chính mình) mà cũng có thể quay mặt khỏi tính tạo sinh ấy (khi tình yêu của ta tỏ ra yếu ớt đến độ ta phải sử dụng năng lực của ta cũng như các tài nguyên khác của ta cho chính chúng ta, chẳng chừa được chút nào cho thế giới bên ngoài). Như thế, hôn nhân có thể có hiệu quả hàm hồ đối với diễn trình trưởng thành và làm thừa tác vụ của Kitô hữu. Có những Kitô hữu chỉ có khả năng loay hoay với chính cuộc hôn nhân và gia đình họ mà thôi, không phải chỉ trong những lúc khẩn trương như bị bệnh nặng hay mất việc, cũng không phải chỉ trong những thời kỳ căng thẳng có thể đoán trước như việc chào đời của một đứa con hoặc việc về hưu, mà tính tình họ là như thế. “Chúng tôi phải lo cho chúng tôi, tự mình ên!” Có thể vì họ quá đặt nặng trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm cha mẹ của họ chăng. Cuộc hôn nhân của họ yên ổn, con cái họ có thật nhiều cơ hội học hành và lợi thế xã hội theo khả năng của họ. Họ tham gia tích cực vào sinh hoạt giáo xứ, đi nhà thờ đều đặn và đóng góp tài chánh cũng như lo liệu để con cái tham dự các chương trình giáo lý. Nhưng họ làm thế, chỉ vì mình. Họ nhìn giáo xứ theo những gì giáo xứ có thể đem lại cho họ, một kinh nghiệm thờ phượng thỏa đáng, một chương trình đào tạo luân lý cho con cái, có thể là sự an toàn và một chút tư thế nào đó trong cộng đoàn nữa. Đối với họ, ý niệm làm người Kitô hữu chín chắn không đem theo nó bất cứ xác tín làm nguyên động lực nào: tôi và gia đình tôi vì một cái gì đó hơn là vì chính bản thân mình.

Đối với một số Kitô hữu khác, hôn nhân, trái lại, là cửa ngõ hướng họ về Chúa và thế giới. Các bài họ học được từ cuộc hôn nhân dạy họ phải quan tâm quá bản thân mình; các quan tâm của ta đối với con cái liên kết ta với các quan tâm đến thế giới. Ta nhận ra cuộc sống chung như gia đình không được “dùng cho hết” các tài nguyên của ta, nhưng phải sản sinh ra các tài nguyên mới mà ta có thể chia sẻ và sử dụng quá cả bản thân ta. Nhà cửa của ta, tình yêu của ta, niềm vui với nhau của ta, thì giờ của ta, cái nhìn thông sáng của ta, các quan tâm của ta, ngay cả tiền bạc của ta nữa, tất cả các tài nguyên của cuộc sống chung này không phải có đó cho một mình ta mà thôi. Có những thời điểm trong cuộc hôn nhân, trong đó ta bị tràn ngập bởi cảm thức cho rằng ta không có đủ để phân phối, các tài nguyên của ta thật thiếu thốn, không phải chỉ vì nhu cầu của thế giới mà ngay đối với nhu cầu của chính gia đình ta nữa. Nhưng trong suốt hành trình lâu dài, nếu không phải là trong mọi giây phút, của nó, cuộc hôn nhân của người Kitô hữu trưởng thành chúng ta phải được đánh dấu bằng sự cởi mở đón nhận nhu cầu người khác bên ngoài gia đình mình và một cảm thức tích cực góp phần vào việc Nước Chúa trị đến, hay sự hiện diện của Chúa trong công lý và yêu thương.

Dĩ nhiên, có nhiều cách khác nhau có thể nói lên hình thức thừa tác vụ trên của người Kitô hữu trưởng thành, và nhìn ra mối liên hệ giữa hôn nhân và thừa tác vụ ấy. Đối với một số cặp, thừa tác vụ của họ chính là qua cuộc sống gia đình. Họ mở cửa chào đón con nuôi hay nhận nuôi một trẻ tật nguyền. Ở gia đình khác, bếp núc của họ luôn mở cửa chào đón các thiếu niên trong khu phố, hay dành thì giờ lắng nghe các lo lắng quan tâm của hàng xóm và bạn bè. Cặp thứ ba quyết định lúc về hưu sẽ dành mỗi tuần hai ngày đi với nhau thăm viếng những người liệt giường liệt chiếu hay chào đón người hàng xóm mới góa bụa đến sống với mình cho đến khi bà ta có thể có kế hoạch khác. Nhiều cặp khác có thể nghĩ việc can dự của họ vào các vấn đề xã hội là chủ yếu để giáo dục tôn giáo cho con cái họ. Đưa ra quan điểm không mấy hợp dư luận về vấn đề công lý sắc tộc, hay tích cực tham gia một chiến dịch chính trị, dùng một phần số tiiền đi nghỉ của gia đình để trợ giúp những ai gặp tai ương, tất cả những hành động này đều là những hành động có ý nghĩa tôn giáo và khích lệ được con cái họ biết chia sẻ cái hiểu đầy thực tiễn về đức tin.

Đối với nhiều giáo dân Kitô giáo khác, lãnh vực thừa tác vụ của họ chính là thế giới nhân dụng. Qua trách nhiệm nghề nghiệp, qua các sinh hoạt nghiệp đoàn, qua các quyết định làm ăn, tôi có thể gây ảnh hưởng trong cách cư xử với người dưới và người trên trong công ty của mình, tôi có thể ráng gây ảnh hưởng để người ta nhìn nhận các xác tín tôn giáo của tôi. Khi làm việc, tôi đưa ra quan điểm tôi biết là đúng, dù có thể bị phản ứng ngược lại. Hay trong tư cách vợ chồng, chúng tôi quyết định đổi việc và đi về miền quê để tham gia dự án tranh đấu cho công bằng kinh tế. Như thế, đối với nhiều người chúng ta, các cố gắng đóng góp cho thế giới và công bình xã hội chính là ở lãnh vực này, trong công việc mình làm giữa trần gian. Chính tại đó, cảm thức ơn gọi bản thân đã lên hình lên dạng. Chính tại đó, ta cộng tác để làm nhanh hơn diễn trình Nước Chúa trị đến.

Một Cuộc Hôn Nhân Biết Vui Chơi

Lối sống trong hôn nhân của ta phần lớn liên quan đến cách ta can dự quá bên kia bản thân mình ra sao. Tuy nhiên lối sống ấy cũng ảnh hưởng và nói lên cách chúng ta chung sống với nhau như thế nào. Nhiều giá trị Kitô giáo góp phần vào cách chung sống của ta bằng cách thúc giục ta phải coi trọng cuộc hôn nhân của mình. Hôn nhân là việc của người trưởng thành; các trách nhiệm của nó hết sức nặng nề; tuần trăng mật không thể kéo dài mãi. Những sự thật làm tỉnh lòng người ấy rất quan trọng buộc chúng ta phải nghe và Giáo Hội cũng giúp ta rất nhiều bằng cách góp tiếng, nói lên sự khôn ngoan ấy. Nhưng sự khôn ngoan Kitô giáo cũng đề cập tới một khía cạnh khác nữa của hôn nhân: đó là mối liên kết mật thiết giữa yêu thương và vui chơi. Cuộc hôn nhân của ta càng chín mùi, nó càng trở nên vui chơi hơn. Ở đây, ta thử xem sét một vài yếu tố trong lối sống hôn nhân đầy vui chơi của mình.

Thì Giờ Đời Ta

Một hôn nhân đầy vui chơi tùy thuộc cách ta dùng thì giờ với nhau ra sao. Các đòi hỏi của nghề nghiệp, con cái và các cam kết khác có thể dễ dàng tràn ngập liên hệ hôn nhân của ta. Mệt mỏi và chán trường lãng trí, do nó phát sinh, có thể sói mòn cách nghiêm trọng sự hiện diện với nhau của ta. Ta đã học thấy rằng tính vui chơi từng đánh dấu mối liên hệ vô tư thời đầu mới lấy nhau của ta không dễ dàng hay tự động kéo dài. Và một cách nghịch lý ta cũng học thấy điều này nữa: nếu muốn cho cuộc hôn nhân của mình có tính vui chơi, ta phải cố mà tạo ra điều ấy. Giống như cảm nghiệm của ta về thân mật, tính vui chơi giữa chúng ta cũng phải được vun sới. Nó đòi một kỷ luật trong lối sống, nhất là kỷ luật dùng thì giờ.

Nếu hôn nhân là một ơn gọi bắt đầu bằng lời thưa “có” đầy vang vọng, thì khi chín mùi nó lại gồm khá nhiều lời thưa “không”. Muốn có thì giờ giá trị cho người bạn đời và gia đình mình, tôi phải nói “không” với thật nhiều đòi hỏi và yêu cầu từ bên ngoài. Kỷ luật này, như sẽ đề cập ở Chương 24 như là “nhiệm nhặt học về thì giờ” (ascetism of time), sẽ giúp ta tổ chức được thì giờ dành cho các cam kết chính của đời mình. Việc dự tính thì giờ có kế sách ấy có thể bị coi là những tính toán lạnh lùng hay như những đáp ứng đầy mưu mẹo đối với các đòi hỏi muôn mặt của đời sống. Không có sự nhiệm nhặt này, ta sẽ trở thành lệ thuộc đối với các đòi hỏi không bao giờ cùng (mà đòi hỏi nào cũng đáng cả) của cuộc sống hôn nhân hiện đại. Dần dà, kiệt lực sẽ lấy mất hết tính vui chơi khỏi cuộc hôn nhân của ta, cả tính co dãn lẫn tính vui đùa của nó. Tính vui chơi ấy có thể được thăng tiến nhờ biết dự tính những thì giờ đặc biệt cho riêng hai đứa bọn mình. Chúng mình để riêng ra những thì giờ và nơi chốn có biên cương che chở. Vào dịp đi nghỉ, vào những ngày nhàn nhã hay tĩnh tâm, chúng mình tự cho phép mình vui chơi trở lại. Bên cạnh tính nghiêm chỉnh của quãng đời còn lại, các dịp này mời gọi ta vui chơi với nhau và làm cho tình yêu bọn mình lên men trở lại.

Đua Tranh Và Vui Chơi

Một cuộc hôn nhân đầy tính vui chơi vẫn nhìn nhận mối liên hệ giữa đua tranh và vui chơi ấy. Tính đua tranh là điều cần được nhìn nhận. Ta phải chấp nhận sự kiện này: hôn nhân là một môn thể thao đụng chạm (contact sport), một môn thể thao trong đó, có lúc ta bị thương tích, giận dữ và cả thua cuộc nữa. Nhưng tính đua tranh cũng có thể lên men chúng ta. Khi ta cùng nhau nhận ra mình đang đua tranh với nhau ra sao và lúc nào, thì hình như sự đua tranh này giảm sức đi nhiều lắm đối với chúng ta, nhờ ta biết chia sẻ một cách cụ thể hơn một số những sợ sệt chung quanh sự tranh chấp ấy và có khi còn thấy được cả sự phấn chấn trong các tranh chấp ấy nữa.

Như đã thấy trong Chương 13, đua tranh thường là hành vi của thân mật. Nó đem ta lại thật gần nhau và buộc ta phải dàn xếp với nhau, dù cho là mơ hồ đến thế nào đi nữa. Khi đua tranh, như đô vật chẳng hạn, ta giáp mặt nhau một cách vừa phấn khích vừa đe dọa. Nhờ giáp mặt đua tranh như thế, ta học được nhiều điều về chính mình và về nhau. Ta có thể khám phá ra những điểm mạnh không ngờ; và dĩ nhiên ta cũng có thể khám phá ra nhiều điểm yếu chưa bao giờ nghĩ tới nữa. Đua tranh không có nghĩa là dùng các điểm mạnh này để khống chế hay khai thác các điểm yếu kia. Việc anh khám phá ra điểm yếu của em có thể giúp anh yêu tính yếu đuối của em hơn, hay khiến anh quyết tâm bảo vệ tính yếu đuối ấy hay ít nhất cũng đừng lợi dụng nó. Khám phá ra điểm mạnh có thể giúp anh biết yêu thương nhiều hơn, giúp anh biết dùng nó mà thăng tiến chứ không kiểm soát cuộc hôn nhân của bọn mình.

Tuy nhiên, ý niệm đua tranh trong hôn nhân vẫn làm ta bối rối. Nó vẫn có thể gợi ra các hình ảnh trong thể thao chuyên nghiệp, chỉ biết chú trọng tới trrình diễn và xếp hạng, làm thế nào để dẫn đầu cho bằng được trong cuộc đua tranh này. Nhưng đó chỉ là một giải nghĩa chật hẹp về đua tranh. Ta vẫn có thể quan niệm cuộc đua tranh của ta trong hôn nhân không nhất thiết là cuộc chạm trán nẩy lửa giữa vợ chồng mình nhưng là một cuộc đưa đẩy để chúng mình lại gần nhau hơn. Dĩ nhiên, việc lại gần nhau hơn này có tính đe dọa. Đôi khi nó có thể gây ra thương tích, đau đớn.Trong tình yêu và trong đua tranh, ta chấp nhận rủi ro do chính cuộc giáp mặt này mang lại, chỉ tin tưởng rằng hai đứa bọn mình đều chơi sòng phẳng. Nhưng khi chấp nhận như thế, nghĩa là thắng vượt được nỗi sợ bị đè bẹp cũng như nhu cầu phải khống chế, ta quả đã cùng nhau phấn chấn; người thắng chính là cuộc hôn nhân của ta và lối sống thân mật của mình.

Tính Dục Có Tính Vui Chơi

Cuộc sống tính dục với nhau phải là thành phần của một hôn nhân có tính vui chơi. Ở đây, truyền thống Kitô giáo luôn luôn hỗ trợ ta. Đặc điểm chính của tính vui chơi là nét không hữu dụng của nó; nó chỉ để vui chơi. Mặt khác, người Kitô hữu cũng học thấy rằng tính dục là chuyện nghiêm chỉnh. Nó có mục tiêu chuyên biệt và loại biệt (exclusive): sinh sản con cái. Chỉ khi nào mục tiêu này được mưu tìm một cách đúng bổn phận, ta mới được thụ hưởng sinh hoạt tính dục. Như thế, đối với các Kitô hữu, tính nghiêm chỉnh và thánh thiêng của tính dục đứng trên tính vui chơi của nó. Há “tính dục vui chơi” không phải là bận tâm của khách làng chơi và người phóng đãng đó sao? Sự hàm hồ ở đây khá song hành với sự hàm hồ của đua tranh. Đua tranh tự nó không phá hoại mà cũng không sáng tạo như thế nào, thì sinh hoạt tính dục nhân bản tự nó cũng chẳng để phục vụ mục tiêu mà cũng chẳng để vui chơi như thế. Là Kitô hữu, ta biết rằng tính dục khá thánh thiêng (sacred): khi chia sẻ tính dục, ta tạo thêm sự sống; nhờ tính dục, ta củng cố và gia tăng tình yêu đối với nhau. Nhưng tính thánh thiêng này không loại bỏ tính vui chơi. Đối với Kitô hữu, tính dục là một trò chơi có trách nhiệm. Giao hợp tính dục, đôi khi có tính tạo sinh, đem lại sự sống mới và thường hơn có tính tạo sinh, theo nghĩa đem lại nhiều yêu thương với nhau hơn, đồng thời cũng là một trò vui thích (fun). Điều chắc là Kitô giáo vốn thận trọng trong việc nhìn nhận giá trị của vui chơi trong tính dục. Chỉ mới gần đây và cả lúc đó nữa, nhiều tiếng nói chính thức trong Giáo Hội vẫn ngần ngại không muốn nhìn nhận tính chính đáng của một tình yêu tính dục mà không phải bất cứ tác động nào cũng nhằm để đem thêm con cái vào trần gian. Nhưng các triển khai này đang xẩy ra ở thời ta, một phần là nhờ chứng tá của các Kitô hữu có gia đình. Và với những triển khai ấy, ngày nay ta dễ dàng hơn trong việc vinh danh cả sự đa dạng lẫn tính vui chơi trong tình yêu tính dục của cuộc sống hôn nhân Kitô giáo. Tính dục không phải là nơi duy nhất để vui chơi trong một cuộc hôn nhân chín chắn. Nhưng nếu có ít và nhất là không có vui chơi chút nào trong chia sẻ tính dục, ta khó mà vui chơi trong các lãnh vực khác của cuộc sống chung.

Học Biết Chơi Sòng Phẳng

Một yếu tố khác trong hôn nhân có tính vui chơi là học biết chơi sòng phẳng. Có nghĩa là học các luật chơi giúp việc đua tranh và cuộc sống thân mật góp phần vào hôn nhân ta, chứ không hủy diệt nó. Luật chơi đầu tiên là ta cần phải đua tranh với nhau. Nếu cơn giận của ta thường xuyên bị ức chế, sự mơ hồ và bất đồng của ta không những không giảm thiểu được xúc cảm kia mà còn cất kỹ nó đi để dùng về sau. Trong hôn nhân, khéo biết chơi thể thao không có nghĩa là quyết định không đua tranh với hay không thi đấu với người bạn đời của mình. Nó có nghĩa là phải tích cực thi đấu trong mối liên hệ này. Không biết chơi thể thao chính là những người chọn đứng bên lề, kêu ca đủ thứ và nhất quyết không thi đấu. Có thể gọi bất cứ cuộc hôn nhân nào trong đó vợ chồng hết đua tranh, không còn ganh đua với nhau một cách đáng kể nữa, là một bế tắc, một thế bí (stalemate). Và cá nhân cặp vợ chồng ấy chắc chắn sẽ cảm nhận nhau như là những người bạn mòn chán, cũ rích (stale mates).

Luật chơi thứ hai là phải chơi sòng phẳng (play fair). Có nghĩa là chơi có kỹ năng, biết phải “nghinh chiến” người bạn đời mình lúc nào và thế nào. Trong hôn nhân, cũng như trong mọi môn chơi khác, đúng lúc là điều quan trọng. Kinh nghiệm sống chung với nhau trong hôn nhân, nhiều năm tháng ngày giờ chơi chung với nhau hiển nhiên sẽ giúp ta xác định được thời điểm nào nên “nghinh chiến”. Anh sẽ nêu ra một vấn đề tế nhị khi anh thấy đúng lúc: nghĩa là lúc hai đứa mình có thể đương đầu với nó, chứ không phải là lúc anh muốn nêu nó ra. Chơi sòng phẳng sẽ trở thành một phần trong lối sống hôn nhân của ta, khi mỗi chúng ta có khả năng hơn trong việc biểu lộ được các tác phong đầy kỹ năng của đối thoại và giải quyết tranh chấp mà ta đã thảo luận ở Chương 18.

Học biết chơi sòng phẳng là một nhân đức phức tạp, một nhân đức phần đông chúng ta chỉ đạt được từ từ trong diễn trình tăng trưởng của mình. Việc lớn mạnh của nó chắc chắn lệ thuộc kỷ luật biết nhận dạng và cắt bỏ các thói quen phá hoại trong hôn nhân của ta, như hạ giá người kia, gián tiếp đánh trả hơn là trực diện giáp mặt với một vấn đề gây rắc rối, dùng con cái làm vũ khí trong cố gắng thắng cuộc hay cho là mình đúng. Sau cùng, môn chơi cũng dạy ta tầm quan trọng của thỏa hiệp và giá trị của một người thua cuộc tốt. Thỏa hiệp có nghĩa là tìm ra đường đi quanh các vấn đề và các lắng lo liều mình bị bế tắc hay xem ra không thể giải quyết được. Các chiến thuật đổi chác và thương thảo đôi khi có thể giúp ta duy trì được tình yêu và cam kết của mình. Học biết làm người thua cuộc tốt cũng là dấu hiệu của chín chắn, trưởng thành. Mỗi người chúng ta đều có thể thất bại, có khi thất bại đi thất bại lại, trong các cố gắng yêu thương và hỗ tương nhau. Tính cách vui chơi nhắc ta nhớ rằng chả có chi phải xấu hổ cả. Tình yêu đâu có nghĩa không bao giờ phải nói lời xin lỗi; nó chỉ có nghĩa mình phải sống tốt với việc xin lỗi ấy.

Nhờ các phương cách ấy mà ta chín mùi trong tình yêu. Ta học thấy rằng trò chơi không phải chỉ dành cho con nít, rằng có khả năng tín thác lẫn nhau còn quan trọng hơn là việc lúc nào cũng đúng. Trong nghiên cứu của mình về sự trưởng thành của người lớn, tức cuốn Adaptation to Life, George Vaillant tóm kết các mối liên kết giữa tình yêu, tín thác và vui chơi như sau:

Khó mà tách biệt được khả năng tín thác với khả năng vui chơi, vì vui chơi rất nguy hiểm cho tới khi ta tín thác cả chính ta lẫn địch thủ của ta… Trong trò chơi, ta phải tín thác đủ và yêu thương đủ thì mới dám liều thua mà không thất vọng, mang chiến thắng mà không cần mặc cảm tội lỗi, và sẵn sàng cười lúc phạm lỗi mà không chế diễu (tr.309)

Trong hôn nhân của chính chúng ta, chắc chắn ta sẽ học được cách biết thắng biết thua, biết rủi biết lầm, biết cười biết yêu. Thẩy đều là chất liệu của một cuộc hôn nhân đầy tính vui chơi, những viên đá tảng xây lối sống suốt đời cho cuộc hôn nhân của mình.

Đọc Thêm:

Các giám mục Mỹ tại phiên họp Mùa Thu năm 1980 đã ban hành một “Tuyên Bố Mục Vụ Về Giáo Dân” để kỷ niệm 15 năm Sắc Lệnh của Công Đồng Vatican II về Tông Đồ Giáo Dân.Trong tuyên bố này, các giám mục nhắc lại cái hiểu của các ngài về các thừa tác vụ khác nhau dành cho các Kitô hữu trưởng thành cả bên trong gia đình họ lẫn bên ngoài gia đình ấy.

Càng ngày càng có nhiều tài nguyên giúp vợ chồng và gia đình nào muốn thăm dò các chiều kích công lý trong lối sống của họ. “Parenting for Peace and Justice” (Làm Cha Mẹ Để Phục Vụ Hòa Bình và Công Lý) của Kathleen McGinnis hiện có dưới dạng băng nhựa do nhà NCR Cassettes, Kansas City, Missouri xuất bản, và không lâu nữa sẽ được xuất bản thành sách do nhà Orbis Press ấn hành. Cùng với phong trào liên phái Kitô giáo Bread for the World (Bánh Cho Đời), Ronald Sider đã chủ biên Cry Justice: The Bible on Hunger and Poverty (Hãy Kêu Gào Công Lý: Thánh Kinh Về Đói Nghèo), do nhà Paulist ấn hành năm 1980, như sách cầu nguyện và hướng dẫn các cá nhân, các gia đình và các nhóm cầu nguyện. Nhóm Đặc Nhiệm Liên Tôn Phân Tích Xã Hội đã chuẩn bị tài liệu Must We Choose Sides? (Ta Có Phải Chọn Bên Không?) như tài liệu học hỏi và hành động khá hữu ích về phương diện thực tiễn đối với cam kết Kitô giáo trong thập niên 1980. Hai cơ quan đặt cơ sở tại Washington D.C. cung cấp phân tích dựa trên quan điểm Kitô giáo đối với các vấn đề xã hội quan trọng hiện nay là Trung Tâm Quan Tâm (chú tâm đến các vấn đề quốc tế) và Hệ Thống (chú tâm đến việc ban hành luật lệ quốc gia). Hai cơ quan này đều có bản tin tam cá nguyệt cũng như các ấn phẩm khác với lệ phí hội viên rất khiêm tốn.

Các tài nguyên trong lãnh vực thăng tiến hôn nhân và gia đình cũng không thiếu. David và Vera Mace đã làm việc lâu năm với các giáo hội Kitô giáo nhằm một thừa tác vụ hữu hiệu hơn. Một thí dụ điển hình cho thấy sự đóng góp liên tục của họ là cuốn How to Have a Happy Marriage: A Step-by-Step Guide to an Enriched Relationship (Làm Thế Nào Có Được Một Cuộc Hôn Nhân Hạnh Phúc: Từng Bước Hướng Dẫn Để Đạt Một Liên Hệ Phong Phú) do nhà Abingdon ấn hành năm 1977, có mục tiêu để các cặp vợ chồng sử dụng hay để thảo luận nhóm. Herbert Otto đã chủ biên Marriage and Family Enrichment: New Perspectives and Programs (Thăng Tiến Hôn Nhân Và Gia Đình: Cái Nhìn Và Chương Trình Mới) cũng do nhà Abingdon ấn hành năm1976, là một sách hướng dẫn tuyệt hảo để tìm thấy các tài nguyên, các chương trình và cơ quan vốn ủng hộ hôn nhân. M.C. Howell đã chú tâm trở lại với các tài nguyên có sẵn trong gia đình với cuốn Helping Ourselves: Families and the Human Network (Giúp Mình: Các Gia Đình Và Mạng Lưới Nhân Bản) do nhà Beacon xuất bản năm 1975.

(còn tiếp)