Linh Đạo Hôn Nhân Hiện Đại



2.Chung Thủy: Cam Kết và Thay Đổi

Chung thủy là nhân đức nằm ở cốt lõi cam kết suốt đời của ta trong hôn nhân. Trong thuật ngữ “cam kết suốt đời”, ta đã bắt đầu thoáng nhận ra tính phức tạp của nhân đức này: cam kết gợi lên ý vững ổn nhưng suốt đời lại hàm ý đổi thay. Erik Erikson nhắc ta nhớ đến sợi chỉ xuyên suốt đổi thay bản thân: “Lớn lên có nghĩa là lớn hơn người, và thực ra, là lớn hơn chính mình”. Lòng chung thủy phu phụ phối hợp cam kết và đổi thay khi hai vợ chồng tìm cách lớn lên cùng một hướng; chung thủy là cẩn trọng chăm lo cả cam kết lẫn đổi thay, rất cần cho tình yêu đang chín mùi.

Ta có thể thấy tính phức tạp của chung thủy trong hai nét chính của nó. Nó là một nhân đức vừa đã tiến xa vừa có tính di động. Tiến xa (advanced), vì nó dựa trên các điểm mạnh của việc nhận ra mình và thân mật với mình. Không hiểu rõ và tin tưởng vào con người thực của mình, tôi sẽ thấy khó có thể trung thành với một người khác. Nếu cảm thức về chính tôi thay đổi để vui lòng người khác, thì các cam kết của tôi cũng sẽ thay đổi. Lòng chung thủy vì thế mà ra khó khăn. Giống như các điểm mạnh bản thân và đức thân mật: cái khả năng vốn từ từ được phát triển này cũng sẽ giúp tôi duy trì được sự gần gũi vốn là cốt lõi của hôn nhân. Không có nhân đức này hay không ngừng sợ phải gần gũi với một con người khác, tôi sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì mối liên hệ hôn nhân của mình. Nhưng nếu không có tình thân mật, sự thủy chung giữa vợ chồng chẳng có mấy ý nghĩa.

Chung thủy chắc chắn là điểm mạnh ta học hỏi và khai triển được trong hôn nhân. Chỉ sau một thời gian chung sống với nhau, ta mới thấy nhân đức này được thử nghiệm và trở nên mạnh mẽ cứng cáp. Thế nhưng ta không thể chờ mong nó lớn mạnh, nếu các nhân đức nhận ra mình và thân mật với mình, vốn là những nhân đức có tính bổ sung và phải đi trước, thiếu hay chỉ èo ọt yếu ớt.

Chung thủy có tính tiến xa, nhưng nó cũng là một nhân đức có tính di động nữa. Trong hôn nhân, ta được khích lệ trung thành với ba con người luôn thay đổi. Ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng người phối ngẫu của mình là một trong ba con người ấy. Việc nhận ra ấy có thể khiến ta bối rối. Em thấy anh không phải là người em nghĩ em muốn cưới. Anh mạnh bạo hay nhu nhược hơn em nghĩ; anh ít tham vọng hay ít âu yếm hơn em từng hy vọng. Cuộc sống chung của chúng ta càng khai triển, em càng thấy anh không phải là con người em chờ mong. Lòng trung thành còn có nghĩa gì khi em hiểu ra rằng em đã lấy “lầm” người, một con người khác với điều em chờ mong?

Khi thấy người bạn đời phát triển một cách khiến mình bối rối, tôi thích được trung thành với người tôi cưới trước đây hơn là người hiện nay tôi đang sống như vợ chồng. Em muốn anh là con người trước đây, hay xem ra là như thế. Trường hợp này cũng giống như thái độ của một số người Công Giáo: họ không muốn Giáo Hội thay đổi: tôi chỉ trung thành với Giáo Hội thời 1955, chứ không phải cái Giáo Hội hầm bà làng xí cấu tôi thấy hiện nay. Thế nhưng chung thủy, trong tư cách một nhân đức nhân bản, lại là một lòng trung thành di động (mobile): ta phải trung thành với những con người hay những định chế luôn phát triển và thay đổi. Chung thủy sẽ đặc biệt căng thẳng khi ta di chuyển với tốc độ khác nhau và theo hướng khác nhau với những người ta phải trung thành.

Nhưng nếu người bạn đời phát triển cách bất ngờ hay không theo kế hoạch, thì tôi cũng thế. Bản sắc tôi cũng đâu có hoàn chỉnh và ơn gọi làm người lớn chỉ tiệm tiến trở nên rõ ràng với tôi. Tôi chỉ được phát hiện với tôi một cách từ từ. Người đàn bà, kết hôn ở tuổi 20 vào năm 1958, rất có thể sẵn sàng và tự ý muốn nối kết đời mình không những với người chồng mà còn với cả các giấc mơ và nghề nghiệp của chàng nữa. Lúc ấy, mối liên hệ kia, trong đó chàng là người ra quyết định và các mục tiêu của chàng là mục tiêu của gia đình, quả là có nghĩa trọn vẹn đối với nàng. Nhưng qua năm 1981, người đàn bà ấy thấy mình thay đổi. Con cái đã tốt nghiệp cả, nàng cảm thấy những tham vọng và mộng ước trước đây chưa bao giờ tư tưởng tới bỗng như dâng lên trong nàng. Nàng muốn có vai trò quyết đáp hơn trong các quyết định về tài chánh và tương lai của gia đình. Từ đâu những thay đổi này đã xẩy tới, mà khi mới lấy nhau cả nàng lẫn chồng đều không ai bàn luận một lời? Liệu những khuấy động mới trong nàng đơn giản chỉ là đe doạ đối với lòng chung thủy hôn phối của mình? Hay chúng quả là một phần trong ơn gọi đang lớn lên của nàng, dù mới chỉ phát sinh gần đây thôi? Cái phần mà nay cần nàng phải chú ý và gắn bó? Hay cái thúc đẩy “phải trung thành với chính mình” này đơn giản chỉ là tên gọi khác của lòng vị kỷ? Làm thế nào tôi có thể trung thành với cả các cam kết trong quá khứ lẫn những hy vọng trong hiện tại, khi những điều ấy rõ ràng đi theo hai hướng khác nhau?

Lòng chung thủy, một nhân đức di động, được thực hiện giữa hai người phối ngẫu di động. Tuy nhiên, đối với Kitô hữu, trong lòng chung thủy phu phụ, ta còn thấy có người thứ ba nữa. Cùng với diễn trình tăng trưởng của ta và thay đổi nơi người phối ngẫu, cái hiểu của ta về Thiên Chúa nhất thiết sẽ chín mùi. Ngay cả Chúa cũng “thay đổi”; hay nói cho chính xác hơn, cái hiểu của Ta về Thiên Chúa cũng thay đổi. Ta càng tăng trưởng, thì hình ảnh ta có thời thiếu niên về Thiên Chúa như là Đấng, mà các chăm sóc được phát biểu dưới các lệnh truyền rõ ràng và các đáp trả dứt khoát, nay đã nhường bước cho một hình ảnh tế vi và phức tạp hơn. Thiên Chúa ấy xem ra bớt là cha mẹ đầy quyền uy hơn nhưng là người hùn hạp nhiều hơn. Người hùn hạp (partner) này thúc giục ta vượt qua các hàng rào phòng thủ và sợ sệt kiên cố để chăm sóc người khác bên ngoài gia đình mình. Như thế, chín mùi trong đức tin có thể có nghĩa là bỏ xa Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa của thời non trẻ, và lớn mạnh hướng về một hiện hữu hàm hô ồơn đang tác động trong cuộc nhân sinh. Nhưng xin trở lại vấn đề chung thủy: ta nên chung thủy với Đấng Thiên Chúa nào? Há lòng chung thủy cứng ngắc đối với Đấng Thiên Chúa của tuổi thiếu niên đã không mang một tên khác, ít đạo hạnh hơn nhiều? Há đó không phải là mưu toan của ta tạo nên một ngẫu thần hay sao?

Di động có mặt khắp nơi. Ấy thế nhưng bên trong và bất kể cái di động này, vốn là dấu chỉ sự sống, ta nhận ra cái tôi thường tồn và một ơn gọi đang phát triển. Ta tiến tới chỗ nhận ra và trân qúy con người chúng ta đã kết hôn, dù nay có ra khác đến đâu. Và ta cũng nhìn ra và tuyên xưng Đấng Thiên Chúa luôn luôn tác động trong đời ta. Trong cái thế tương hành giữa thay đổi và liên tục này, ta bắt đầu thoáng nhận ra tính phức tạp của lòng chung thủy vợ chồng.

Chung Thủy Tính Dục và Hôn Nhân

Xét theo lịch sử, các cam kết chung thủy trong hôn nhân từng được hiểu là bắt đầu với tính độc chiếm tính dục. Và đôi khi, “chung thủy” được giải thích duy bằng các ngôn từ tính dục mà thôi, một thứ tốc ký chỉ độc chiếm cơ quan sinh dục. Chú tâm vào cam kết chung thủy đối với tính độc chiếm tính dục đặc biệt là đặc điểm của giai đoạn yêu thương đầu tiên. “Phải lòng nhau” có nghĩa là em hay anh đã trở thành ưu tiên của anh hay em hay ít nhất cũng làm anh hay em bận tâm. Mối liên hệ này quả đã loại mọi người khác ra bên ngoài. Bạn bè và gia đình, trách nhiệm tại sở hay tại trường, tất cả đều phai mờ tầm quan yếu. Mỗi người chúng ta bị cuốn hút vào cuộc tình thơ mộng và những xúc cảm đổi thay đi cùng nó: nhung nhớ, ngất ngây, lo âu, ghen ghét, hân hoan. Tình yêu thơ mộng đòi hỏi ưu tiên xúc cảm: chẳng còn gì quan trọng đối với anh hay em bằng em hay anh; em hay anh không được coi bất cứ điều gì quan trọng hơn anh hay em. Tính độc chiếm tính dục trở thành niêm ấn đối với mối liên hệ đặc biệt của đôi ta, đối với mối ưu tiên xúc cảm này. Đôi ta không còn người yêu nào khác, mà đôi ta cũng chả cần người yêu nào khác. Đối với đôi ta, đây là dấu chỉ ra rằng tình yêu của bọn mình đòi phải có cái cam kết độc chiếm của hôn nhân.

Khi tình yêu phu phụ tăng trưởng lớn hơn tình yêu thơ mộng, ta sẽ đạt tới một cảm thức cao độ hơn về ý nghĩa của tính ưu tiên trong mối liên hệ này. Cái “chúng tôi”, đang trong diễn trình khai triển, sẽ trở nên thực tại và “rờ mó” được hơn đối với chúng ta. Cuộc sống đôi ta mỗi ngày một chồng chéo lên nhau nhiều hơn, các mục tiêu của bọn mình hội tụ nhiều hơn. Cuộc sống liên lập bắt đầu lên khuôn dạng với mối liên hệ đang khai triển ở ngay cốt lõi. Anh hay em đạt tới cảm nhận, có lẽ chỉ từ từ, rằng mối tình này chủ yếu biết dường nào đối với con người thực của mình, đối việc điều mình làm, đối với ý nghĩa đời mình. Trong một số hành vi và chọn lựa của hôn nhân, bọn mình nói lên tính trung tâm trong cam kết hỗ tương của đôi ta. Trong một số chọn lựa và hành vi khác, bọn mình cố gắng tăng cường nó, giúp đảm bảo sức sống liên tục trong tình yêu hỗ tương của ta.

Ở thời điểm hôn nhân đang chín mùi này, ta hiểu ra rằng mối ưu tiên mình dành cho nhau và mối liên hệ giữa hai đứa có nghĩa hơn là tính dục. Tình yêu tính dục có ý nghĩa đối với lòng chung thủy hỗ tương nhưng lòng chung thủy ấy còn gồm nhiều thứ khác nữa. Quyết tâm của ta rằng mối liên hệ này cần được tiếp tục và triển nở đem lại nhiều hệ quả. Cam kết đối với tính vĩnh viễn và mối ưu tiên của hôn nhân sẽ ảnh hưởng đến các cam kết khác của cuộc đời: cam kết đối với việc làm cũng như cam kết đối với thân thuộc và bằng hữu. Nhưng như đã thấy ở chương 19, ưu tiên không đòi phải cô lập về phương diện xã hội; lòng chung thủy tính dục không đòi đôi ta phải xa rời mọi người khác về phương diện xúc cảm.

Dây nối kết giữa độc chiếm tính dục và lòng trung thành sâu sắc hơn đòi phải có trong hôn nhân không phải là huyễn ảo. Tính dục và tình yêu không đồng nhất nhưng có liên hệ sâu sắc trong cảm nghiệm nhân bản. Và tình yêu mang theo mình tương lai; nó mang theo nó cả các bổn phận hỗ tương lẫn những mối hy vọng chung của hai người. Những “cuộc tình vụng trộm mau qua” không dễ gì duy trì được. Tình yêu tính dục ít khi không có “biến chứng” (complications). Thực ra, điều đó một phần đã tạo ra sức quyến rũ của nó. Tính dục dẫn tới một nơi nào đó: nó có thể dẫn tôi ra ngoài chính tôi; nó có thể dẫn chúng tôi đi sâu hơn vào tình yêu đôi lứa; nó cũng có thể kéo tôi ra khỏi những cam kết quá khứ mà bước vào các cam kết mới.

Đối với nhiều người chúng ta, tính dục quả vui thích nhưng không được xử với nó một cách khinh thường. Tính dục là một cảm nghiệm có sức mạnh rất lớn trong cuộc sống ta, với nhiều hệ quả tri thức lẫn xúc cảm đôi khi vượt quá cả quyền kiểm soát tức khắc của mình. Phần lớn chúng ta cảm nhận được trong mình điều được lời chứng của người khác xác nhận: không dễ gì duy trì được lòng trung thành lớn hơn trong hôn nhân nếu giữa lòng cuộc hôn nhân ấy không có lòng trung thành tính dục.

Thế còn bất trung tính dục thì sao? Ta phải, anh hay em phải, hành xử ra sao đối với cái thực tại nhăng nhít bỗng đến án ngữ giữa hai đứa mình? Bất kể anh hay em phạm lỗi, mình phải làm sao bây giờ? Làm thế nào lập lại được cái thực tại chung thủy lớn hơn giữa đôi ta?

Ở đây, các câu hỏi chắc chắn phức tạp hơn. Có quá nhiều xúc cảm can dự vào: giận dữ, ghen tương, đổ lỗi, bối rối, xấu hổ, đau buồn, phản bội, mất mát. Nỗi đau, niềm mặc cảm và nỗi sầu đều thực cả. Tự nhiên ta muốn giấu sự thật: “nếu mình chối không có gì xẩy ra cả, có khi nó sẽ tự tán biến đi chăng”. Cũng có thể có ý muốn trả đũa: “Mình sẽ cho chàng hay nàng hay phải có hai người chơi trò chơi này!”

Diễn trình hàn gắn, một diễn trình phải xẩy ra sau đó nếu ta muốn mối liên hệ sống còn, cần nhiều thời gian. Trong lúc ấy, nó có thể đưa lại những đau lòng thêm cho hai đứa, có khi còn sâu xa hơn nữa là đàng khác. Ở đây cũng như ở những nơi khác của hôn nhân, ta có thể khám phá ra điều này là cả hai đứa đều có can dự, sẽ quá ư giản đơn nếu nhìn những gì xẩy ra theo kiểu đứa này “có lỗi” đứa kia “vô tội”.

Có lẽ bước quan trọng hơn hết trong việc lập lại mối liên hệ đã bị sự bất trung tính dục xé nát là hiểu ra rằng hàn gắn có thể xẩy ra. Hai đứa mình có thể đến lại với nhau, không phải trong một thỏa hiệp thủ thế, nhưng trong một hỗ tương đổi mới và một tình yêu sâu đậm hơn. Hai đứa mình, dù chỉ sau một thời gian, có thể vượt qua việc lên án lẫn nhau và thủ thế phòng hờ. Mỗi đứa sẽ nhận trách nhiệm cùng xây dựng tương lai chung; bọn mình sẽ chìa cánh tay tin cậy cho nhau nắm lấy. Khi điều trên xẩy ra giữa hai đứa mình, ta sẽ cảm nghiệm được trong đời ta sức mạnh của thứ tình yêu, cả nhân bản lẫn hơn nhân bản, thứ tình yêu mà Thánh Phaolô đã tuyên xưng là sức mạnh đặc biệt của Kitô hữu: tức thứ tình yêu sẵn sàng “tín thác, hy vọng, và chịu đựng bất cứ điều gì xẩy tới” và quan trọng hơn hết, là thứ tình yêu “không chấm dứt” (I Cor 13:7-8).

Nhưng trong phần lớn các cuộc hôn nhân, thách thức lớn nhất đối với lòng chung thủy không phải là những vụ lăng nhăng vụng trộm mà là sự thay đổi. Cuộc hôn nhân của bọn mình bắt đầu với xác tín rằng hai đứa mình rất hợp nhau. Bọn mình giống nhau về nhiều phương diện, còn những phương diện khác nhau giữa bọn mình thì đều thích thú và còn có tính bổ túc cho nhau nữa. Bọn mình cảm thấy rất xứng đôi vừa lứa và cảm tưởng ấy khá đúng sự thật…Nhưng cái xứng hợp khởi đầu đó không bảo đảm là cuộc sống của chúng mình sẽ luôn chuyển dịch nhịp nhàng. Mỗi đứa bọn mình sẽ tiếp tục thay đổi, và đối với phần đông chúng ta, chính cảm nghiệm thay đổi trong hôn nhân đã đem lại thách thức lớn nhất cho cam kết hỗ tương của mình. Ở đây, “cuộc khủng hoảng thủy chung” bao gồm các cố gắng của ta để trung thành với nhau và với chuyển dịch của tình yêu giữa các thay đổi và chọn lựa vốn tiếp tục lên khuôn cho đời sống mình.

Khủng Hoảng Của Lòng Chung Thủy

Các cuộc khủng hoảng của lòng chung thủy, tức các biến cố đe dọa các cam kết và cuộc sống chung của chúng ta, có thể phát sinh ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc hôn nhân. Những cuộc khủng hoảng ấy có thể khiến cho cuộc hôn nhân đổ vỡ: mối dây kết hợp của chúng ta, vốn đã ra yếu, nay tan rã và các lời tuyên hứa đã chẳng còn được duy trì. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vợ chồng, vừa là lúc may vừa là lúc nguy, cũng có thể đem lại thông quang xuông xẻ. Giáp mặt với một khó khăn mới trong mối liên hệ hay nhìn nhận sự bế tắc của nó, ta có thể nắm lấy cơ may ấy mà giải quyết được các khác biệt đã có từ lâu; ta có thể bắt đầu nhận diện ra và vứt bỏ đi các hoài mong và đòi hỏi đã lỗi thời. Việc đấu tranh đầy nghị lực của một khủng hoảng như thế có thể làm ta mạnh mẽ hơn và đổi mới được cuộc hôn nhân của mình.

Mặc dù các cuộc khủng hoảng xuất hiện ở các thời điểm khác nhau và do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng ngày nay xem ra có một kiểu mẫu căng thẳng rất đặc trưng đối với nhiều cuộc hôn nhân đã ở nửa đời. Nêu tên các khủng hoảng ấy có thể đem lại cho ta cơ may hơn để sống thoát chúng. Chẳng may, “khủng hoảng vào lúc nửa đời” đã trở thành một phần trong biệt ngữ (jargon) thời ta, được tô son điểm phấn trong tiểu thuyết và phim ảnh và thường xuyên được thảo luận trên các trang báo. Trong biệt ngữ ấy, từ ngữ này vứt bỏ một số cảm nghiệm, và do đó làm nó ra nhàm chán hơn là minh họa nó. Thế nhưng, xem ra có cả một mẫu mực đáng tin đối với một số những cuộc khủng hoảng trong tình thủy chung phu phụ, sau khi đã chung sống với nhau nhiều năm.

Sau nhiều thập niên sống làm người trưởng thành, nghĩa là nhận trách nhiệm đi làm, kết hôn và lập gia đình, nhiều người bước vào một giai đoạn nội quan và kiểm kho (stoctaking). Ta có thể chờ mong điều này là đến đầu tuổi 40, một số vấn đề về nghề nghiệp, về các liên hệ và cả về chính ý nghĩa đời người có thể sẽ tái xuất hiện. “Đầu tuổi bốn mươi” là một kiểu nói khá tổng quát; đối với một số người, các vấn đề trên có thể đã xẩy tới vào tuổi giữa ba mươi, trong khi đối với người khác, các bận tâm kia chỉ rõ ràng lúc ta đã ngoài 50. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người trưởng thành, một khi các vấn đề khiến ta tái thẩm định bản thân bắt đầu xuất hiện, chúng có thể gây nên khủng hỏang cho cuộc hôn nhân của ta.

Nhà tâm lý Bernice Neugarten miêu tả giai đoạn nội quan này như là thời nội tâm tính gia tăng. Đâu là những biến cố đưa đẩy cái cơ hội đôi lúc gây khiếp đảm này để ta suy tư và thay đổi? Đến đầu tuổi 40 (có thể thay đổi tùy theo lịch trình kết hôn và nghề nghiệp của từng người), con cái ta thường đã ra khỏi gia đình, hay ít ra, cũng đã tương đối tự lập hơn. Việc chăm sóc gia đình vì thế đòi hỏi bớt năng lực đi. Đối với nhiều phụ nữ, vấn đề có thể là phải dùng cái năng lượng phụ trội này ra sao: liệu sau thời gian làm mẹ nuôi con có cuộc sống riêng nào nữa không? Tôi phải làm gì đây, có thể làm gì đây trong suốt nhiều thập niên sắp tới lúc con cái càng ngày càng ít đòi tôi phải chú ý và sử dnụg năng lực hơn? Những câu hỏi như thế không được đặt ra cho người vợ hay cho bà mẹ mà thôi, mà cho cả cuộc hôn nhân và gia đình nữa.

Sự thay đổi ở nửa quãng đời để bước vào nội tâm tính mới mẻ này cũng có thể phát khởi do nghề nghiệp nay đã tới “tột đỉnh”, ngưng đọng. Năng lực và nghi hoặc từng bao quanh công việc thuở 20 và 30 của tôi có thể nay đã bình ổn lắng xuống. Cả thành công trong nghề nghiệp lẫn ngưng đọng trong công việc đều có thể bắt tôi phải đặt câu hỏi cho tương lai: phải đây là điều tôi sẽ phải làm trong quãng đời còn lại chăng? Hai thập niên qua phải chăng là phí phạm? Hay chúng rất tốt, dù mang lại những hoa trái với tôi hiện nay bị coi như không thỏa đáng, không thỏa đáng một cách kỳ cục?

Những câu hỏi như thế về điều tôi có thể làm hay nên làm có một số đặc điểm để có thể coi chúng như các quan tâm nửa đời. Thứ nhất, chúng xuất hiện với một vẻ khẩn trương mới xét theo thời gian. Trong tuổi 40, tôi có thể bắt đầu cảm thấy mình có nhiều quá khứ hơn tương lai, nhiều ngày qua hơn ngày mai. Nếu muốn làm điều gì đó khác với cuộc sống mình, thì nay là lúc phải quyết định rồi. Lúc này có thể là cơ may cuối cùng để đổi việc hay tìm mối liên hệ thoải mái hơn. Bây giờ là lúc rồi: tiếng nói nội tâm của tuổi nửa đời nói thế. Vấn đề định thời gian có thể phát sinh như một lo lắng bản thân nhưng nó cũng có những hệ quả quan trọng đối với cuộc hôn nhân.

Đặc điểm khác của các vấn nạn nửa đời, những vấn nạn có thể sản sinh ra các khủng hoảng phu phụ là chúng liên hệ tới cha mẹ ta. Khi ta bước vào tuổi 40, cha mẹ ta đã trọng tuổi. Như đã ghi nhận ở chương 10, việc trọng tuổi của các ngài có thể làm phát khởi nhiều câu hỏi bối rối về chính tuổi già của ta. Vào lúc nửa đời, cái chết của chính tôi không còn là một khả thể trườu tượng như trước nữa mà nó đã trở thành một thực tại có tính bản thân và cận kề nhiều hơn. Nếu tuổi về già của cha mẹ nhắc ta nhớ rằng cả ta nữa sẽ chết, thì nó cũng phát khởi một cái hiểu khác không kém bối rối. Suốt đời sống ta, cha mẹ từng là người bênh đỡ bảo bọc. Hôn những vết thương của ta, chở che ta khỏi hàng xóm bắt nạt, các ngài đứng án ngữ giữa ta và các nguy hiểm trần đời. Rất lâu sau khi ta rời gia đình, cha mẹ ta vẫn đứng đó như những người đảm bảo ý nghĩa cho chúng ta. Lúc các ngài qua đời, cái án ngữ và đảm bảo ấy bị lấy mất đi. Thế là ta mồ côi và để mặc một mình tự làm cho đời có ý nghĩa. Ai cũng phải nhận, đó là một kinh nghiệm tế vi và không luôn luôn được tiếp nhận một cách ý thức. Ấy thế nhưng đối với nhiều người trưởng thành, đó là một phần trong kinh nghiệm tái thẩm định và kiểm kê vào lúc nửa đời.

Xét theo nhiều cách, việc tái thẩm định trên là một cố gắng tách ta ra khỏi cha mẹ. Như chúng tôi từng gợi ý, ta có thể bắt đầu chuẩn bị để đón nhận cái chết của các ngài. Nhưng cũng có thể, và đây là một kinh nghiệm thông thường và có ý thức hơn, ta bắt đầu tách ta ra khỏi những mong chờ của các ngài đối với cuộc hôn nhân cũng như nghề nghiệp của ta. Vào tuổi nửa đời, ta có thể du mình vào cơn khủng hoảng do những giận dữ chống lại cha mẹ lên khuôn. Ta rất có thể khám phá ra rằng mình đã sống các tham vọng do các ngài áp đặt lên ta, mà quên khuấy các ước vọng của chính mình. Hay ta bỗng nhiên nhận ra rằng mình đã cưới người do cha mẹ chọn lựa thay vì người do mình chọn lựa. Ảnh hưởng kiểu này cũng có thể nhận ra nơi một người đàn bà khi nàng hiểu ra rằng sau nhiều tranh đấu cuối tuổi thiếu thời với thân phụ, nàng quả tình đã “cưới cha nàng” trong con người của chồng mình. Cơn giận thường đi đôi với việc nửa đời mới nhận ra ảnh hưởng của cha mẹ này thường càng tăng cường độ khi hiểu ra rằng chính mình cũng đồng loã trong đó. Chính mình để cho các ngài chọn người phối ngẫu hay nghề nghiệp cho ta, và vì thế mặc cảm tội lỗi càng làm mình giận thêm.

Cuối cùng, một đặc điểm nữa về tuổi nửa đời có thể gây ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của ta là sự thay đổi trong cung cách ta muốn góp phần cho đời. Sự thay đổi này chính là cốt lõi trong thách đố của bà mẹ ở tuổi bốn mươi, là lúc bà phải quyết định xem phải dồn các khả năng sinh sản của mình vào các đường hướng mới ra sao. Trong nghề nghiệp, thách đố này thường nẩy sinh dưới hình thức muốn góp phần một cách rộng rãi, ít chuyên môn hơn. Dĩ nhiên, đây là một khai triển tự nhiên nơi thuật lãnh đạo của người trưởng thành: sau hàng thập niên hay hơn làm việc chuyên môn hay chú tâm cao, người ta có thể cảm thấy thích làm những công việc tổng quát hơn hay có trình độ đại cương hơn. Trong cuốn Adaptation To Life (Thích Ứng Cho Đời), George Vaillant mô tả sự chuyển dịch như thế trong cuộc sống những người đàn ông được ông nghiên cứu như sau:

Đến tuổi nửa đời, thay vì từ từ đi sâu hơn vào nghề nghiệp chuyên môn để lấy thêm năng khiếu, kiểu mẫu nghề nghiệp của nam giới đột nhiên rẽ ngang và được mở rộng; họ đảm nhiệm những trách vụ chưa từng được huấn luyện (tr.227).

Trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay, mẫu quan tâm mở rộng chú tâm công việc như trên có hình thức đáng lưu ý. Nhiều giáo dân đến tuổi 40 hay 50 bỗng nhiên quan tâm nhiều đến các thừa tác vụ. Một số phụ nữ, khi con cái đã lớn và đã rời khỏi gia đình, cũng coi thừa tác vụ như cách để sử dụng năng lực và tài năng đáng kể của mình. Càng ngày nam giới trong hạn tuổi này càng thấy mình thích thú với ý niệm làm phó tế hay một hình thức thừa tác vụ giáo dân khác. Sau khi đã sống cả mấy thập niên theo đuổi nghề nghiệp, giờ đây họ cảm thấy ý muốn được mở rộng các quan tâm của mình. Họ có thể đã thấy thoả mãn với những thập niên kia; mà cũng có thể phải tiếp tục làm những công việc ấy chỉ vì cần thiết cho gia đình. Giờ đây, ở cả hai trường hợp, họ đều muốn được làm một cái gì khác, đóng góp cho đời một cách rộng rãi và rõ ràng có tính tôn giáo hơn. Giáo Hội đang được khích lệ đáp ứng sở thích mới có tính tôn giáo ấy và đưa ra các cơ cấu cho thứ thừa tác vụ đang thành hình này.

Những Cuộc Hòa Giải Lúc Nửa Đời

Đó là một số bối cảnh trong các cuộc khủng hoảng về lòng chung thủy vợ chồng. Đến tuổi 40, ta thường cảm nghiệm một số các thay đổi có tầm quan trọng đủ để các cam kết hôn nhân của ta cần được đánh giá lại một cách nghiêm chỉnh. Lòng chung thủy trong cuộc hôn nhân của chúng ta gồm cả thay đổi lẫn cam kết; như thế những đánh giá lại cuộc sống này phải được thực hiện đối với lòng chung thủy với người bạn đời, với chính ta và với các chuyển dịch của Chúa trong đời ta.

Vì căn tính và ơn gọi trưởng thành của ta khởi đầu lên khuôn hình để đáp ứng một giấc mơ hay một tham vọng ở đời, nên những điều ấy, đến tuổi nửa đời, cần được thử nghiệm bằng cách xem sét lại giấc mơ ấy. Đây thực sự là cơn khủng hoảng của lòng chung thủy, chỉ có điều lúc này đây nó là lòng chung thủy với chính căn tính và ơn gọi đang lớn mạnh của tôi. Mấy thập niên làm việc và yêu thương trong tư cách người trưởng thành đã đưa lại nhiều tín liệu cho biết tôi là ai và tôi có thể làm gì. Tín liệu này được tích lũy cùng với diễn trình trưởng thành của tôi và hy vọng sẽ đạt tới mức cực thịnh khi tôi buộc phải dừng lại và đánh giá đời mình. Như Daniel Levinson đã trình bầy trong The Seasons of a Man’s Life (Các Mùa Đời Của Người Đàn Ông), đến thời điểm này của đời sống, ta có ba loại đánh giá lại rất quen thuộc như sau:

Trong loại thứ nhất của việc đánh giá lại và hòa giải với giấc mơ ở đời, tôi được thách thức điều chỉnh để giấc mơ ấy gần gũi hơn với kinh nghiệm sống đang chín mùi của tôi. Levinson dùng hạn từ “giải ảo” (de-illusionment) để chỉ sự di chuyển ra khỏi các ảo tưởng hữu dụng và có khi cần thiết thuở ban đầu cuộc sống trưởng thành để bước vào việc chấp nhận con người đặc thù tôi vừa trở nên. Cái giấc mơ lớn hơn đời thường ở đầu cuộc sống trưởng thành đem lại cho tôi nhiều phấn khích và năng lực lớn lao, đẩy tôi vào thế giới người lớn để làm việc và yêu thương. Đến lúc gìa dặn ở tuổi 40, tôi ít cần tới những khía cạnh lớn lao, khuếch đại của giấc mơ ấy nữa. Trái lại được mời gọi bỏ dần những nét ảo tưởng để trân qúy hình thức khai triển thực sự và đặc thù của nó. Loại hòa giải đầu tiên này chắc chắn can dự cả cuộc hôn nhân của tôi nữa. Vì cuộc hôn nhân ấy cũng đã bắt đầu với cái phấn khích đầy thơ mộng của một giấc mơ. Nhưng khi đã cùng nhau già dặn hơn, chúng tôi mới thấy ra ý nghĩa và khuôn dạng cuộc hôn nhân dành cho mình. Nó nhất thiết phải khác với các hoài mong trước đó, vốn thiếu kinh nghiệm, về nó. Cuộc khủng hoảng lúc nửa đời có thể buộc ta phải giải hòa với cuộc hôn nhân của mình. “Giải hoà” (come to terms) không có nghĩa là phải bằng lòng với mối liên hệ tẻ nhạt chẳng có chi thích thú, nhưng có nghĩa phải chấp nhận và triển khai mối liên hệ độc nhất, đặc thù là chính cuộc hôn nhân hiện nay của ta.

Khía cạnh khủng hỏang của việc đánh giá lại ấy có thể phát sinh khi ta hiểu ra sự kiện này là mỗi người chúng mình đã đảm nhiệm những vai trò chưa bao giờ xứng hợp thực sự. Anh hy vọng em là người vợ theo mẫu mẹ anh; em thì em lại giả thiết anh sẽ là người chồng lo cơm áo (husband-provider) mà người đàn ông nào “cũng giả thiết phải trở thành”. Khi đánh giá lại cuộc hôn nhân của bọn mình vào lúc nửa đời, ta mới có dịp thăm dò các hoài mong ấy và các hoài mong khác và chia sẻ cho nhau những bất mãn mà cho đến nay vì quá bận bịu bọn mình chưa bao giờ ghi nhận, và do đó chưa bao giờ chia sẻ với nhau. Trong giai đoạn đánh giá lại như thế, bọn mình sẽ có cơ hội đặc biệt biến cuộc hôn nhân của ta trở thành của mình một cách thực sự hơn và hàn gắn lại các khó khăn và thương tổn từng được triển khai trong mấy thập niên qua.

Levinson cũng phác họa hai lối khác mà người trưởng thành ở tuổi nửa đời có thể được mời gọi xem sét lại các giấc mơ thời trẻ của mình. Đó là những cuộc hòa giải phải có đối với một giấc mơ được khám phá ra là chuyên chế (tyranny) hay một giấc mơ từng bị làm ngơ quá lâu.

Lúc nửa đời, người đàn ông có gia đình có thể nhìn lên và nhận ra mình đã “làm được”. Anh đã đạt được điều anh dự tính làm. Cho đến lúc này, cuộc sống xem ra đầy thành công. Như thế, anh ta tự hỏi, tại sao mình lại không hài lòng? Mình còn thiếu cái gì? Có phải đó là điều thực sự mình tìm kiếm ở đời? Một xem sét lại như thế rất có thể phát hiện ra điều này là anh đã phải trả một giá quá cao mua lấy các thành công trên. Anh bắt đầu hiểu ra rằng anh đã làm việc quá nhiều, quay chính mình và những người khác như chong chóng. Anh đã đưa ra các đòi hỏi quá đáng cho gia đình anh và chính bản thân anh để có thể tiến xa như thế này. Tham vọng ở đời từng phấn khích anh thời 20, đến nay, quả đã trở thành bạo chúa. Nó đã thống trị được anh. Cuộc khủng hoảng nửa đời có thể chú tâm vào việc phải đáp ứng ra sao đối với cái hiểu ra đầy đớn đau này. Làm thế nào để anh có thể quay gót khỏi cái phần đầy cưỡng bức ức chế trong chính anh đó để đòi lại những khía cạnh khác của đời anh từng bị anh lơ đễnh quá lâu nay, như tình yêu đối với vợ, nhiều thì giờ và chăm sóc hơn cho con cái đang lớn khôn, chính cái tính thích chơi đùa và cuộc sống xúc cảm của anh?

Việc hiểu ra này có thể gây đau buồn chấn thương; nó có thể đòi ta phải thay đổi toàn diện lối sống; một người bạn mới để ân ái với, một người không có liên hệ với cái tôi ức chế cũ, xem ra cần thiết ở lần thay đổi này. Giờ đây, cái chuyên chế của công việc cần phải được chữa trị cho lành lại và cố gắng hòa giải này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ gia đình. Tôi phải làm thế nào để trung thành với cái hiểu mới có tính chữa trị này và đồng thời trung thành một cách sâu sắc hơn là trong dĩ vãng với cuộc hôn nhân và gia đình mình?

Loại tái lượng giá thứ ba liên quan đến những giấc mơ từng bị làm ngơ hay triển hạn. Đây là một kinh nghiệm mỗi ngày một thường thấy hơn nơi phụ nữ ngày nay. Tôi bỗng nhận ra tôi chưa bao giờ có một giấc mơ riêng nào. Tôi lớn lên chỉ biết một điều là mình sẽ kết hôn và gầy dựng một gia đình, đàn bà là thế. Và đó là điều tôi đã làm, chả bao giờ thắc mắc xem mình phải làm gì với đời mình. Đâu phải tại những năm lấy nhau là những năm tồi tệ, bất hạnh hay phí phạm. Chỉ có điều giờ đây tôi thấy mình chả bao giờ có cơ hội tự chọn lấy đời mình và chính cái thiếu lựa chọn này làm tôi hối tiếc. Tôi không muốn sống trọn cuộc đời theo lối tầm gửi (vicariously), hỗ trợ các mộng ước của chồng, nuôi dưỡng các mộng mơ của con. Tôi muốn có những mộng ước để tự mình theo đuổi, không nhất thiết tách biệt hẳn những mộng ước của người thân hay chống lại những mộng ước ấy, nhưng nhất định phải là những mộng ước thực sự của tôi. Nhưng giờ đây, tôi ngỡ ngàng và khiếp đảm hiểu ra rằng sau những năm tháng sống trên đời vừa qua, đến giấc mơ riêng của mình là gì tôi cũng không biết nốt. Đôi khi tôi còn sợ nó đã quá trễ đối với tôi nữa. Sau những năm tháng kia, tôi thấy mình không còn khả năng đặt kế hoạch hay lựa chọn hoặc hành động cho chính mình. Nhưng tôi nhất định thử.

Và ngày nay, ta thấy nhiều dấu hiệu của quyết tâm trên qua hiện tượng gia tăng đáng kể con số phụ nữ trở lại học đường hay sở làm. Việc phụ nữ có chồng (và nhất là phụ nữ ly dị hay góa bụa) chọn trở lại thế giới lao động không luôn luôn là kết quả của cảm thức tìm thấy giấc mơ bản thân vừa được đánh thức. Đôi khi, như ta đã thấy trước đây, một cách giản đơn, chỉ vì nhu cầu kinh tế mà người đàn bà buộc phải đi tìm công việc có thù lao. Tuy nhiên, ngay đối với những người đàn bà “buộc” phải đi làm chăng nữa, một cảm thức tự lập và tự tin cũng đã được triển khai khi họ có khả năng khai mở con đường dẫn vào một thế giới rộng lớn hơn gia đình mình.

Việc “đánh thức mộng ước” nơi nhiều người đàn bà có chồng này nhắc ta nhớ tới ảnh hưởng của phong trào phụ nữ trong đời sống dân Mỹ ngày nay. Gần như không một người đàn bà nào tại Mỹ ngày nay mà cuộc đời lại không chịu ảnh hưởng bởi cuộc tranh luận xuôi ngược do phong trào phụ nữ đem lại. Điều ấy không có nghĩa là phần lớn đàn bà Mỹ tự coi mình là duy nữ; thực vậy, phần lớn không phải là duy nữ. Nhưng trong nền văn hóa Mỹ, người đàn bà càng ngày càng khó có thể đứng ngoài cuộc tranh luận về vai trò và quyền lợi của mình. Người đàn bà (và cả nhiều người đàn ông nữa) thấy mình phải có lập trường về các vấn đề trước đây chưa ai chất vấn. Đàn bà rất khác nhau trong câu họ trả lời các vấn đề này và trong việc nhận dạng mình với việc “giải phóng phụ nữ”. Nhưng người đàn bà càng ngày càng khó thoát khỏi tác động, cách này hay cách khác, từ các tranh chấp và mâu thuẫn mà phong trào phụ nữ đem ra ánh sáng. Dù nàng chống lại phong trào này, tỏ ra lừng khừng với nó hay tích cực ủng hộ các mục tiêu và chiến thuật của nó, người đàn bà ngày nay thẩy đều thấy đời sống mình chịu ảnh hưởng của nó. Và do đó, nhiều cuộc hôn nhân cũng đang chịu ảnh hưởng sâu xa từ các lực lượng văn hóa này.

Phong trào phụ nữ làm tăng nhịp diễn trình tự xem sét và thay đổi. Cuộc vật lộn để hiểu mình là ai trong tư cách đàn bà của tôi và tôi nên làm gì với đời tôi có thể buộc tôi phải chất vấn tất cả các lựa chọn và cam kết trong quá khứ của mình. Việc tái thẩm định này có thể tăng cường sinh lực, hứa hẹn đem lại cho tôi một đời sống sung mãn hơn và thoả mãn cách phong phú hơn đối với tôi và người khác. Nhưng nó cũng có thể gây khiếp đảm nữa. Tôi không thể là tôi như hiện nay, hay là tôi như ngày qua nữa. Tôi phải thay đổi. Nhưng với giá nào? May rủi nào? Liệu tôi có can đảm hay không? Giá ấy có đáng không?

Trong nhiều trường hợp, một trong các rủi ro chính của đổi thay bản thân nơi người đàn bà là thách thức đem lại cho chồng nàng và mối liên hệ nhân duyên của họ. Trong một cuộc hôn nhân, không người phối ngẫu nào thay đổi mà lại không ảnh hưởng tới người bạn đời và các khuôn mẫu rắc rối của cuộc sống chung. Các khuôn mẫu cho thấy chúng tôi là ai với nhau và cuộc sống chúng tôi chồng chéo lên nhau thế nào này cần nhiều năm, có khi nhiều thập niên sống chung với nhau theo “cách của chúng tôi” mới triển khai ra được. Nhưng giờ đây, các khuôn mẫu đã thành nếp ấy bị đem ra chất vấn. Đối với nhiều người đàn bà có chồng đang đạt tới ý thức mới về chính mình, khuôn mẫu đã thành nếp trong cuộc hôn nhân của họ được coi là vấn đề chính và là chỗ quan trọng hơn hết trong đó thay đổi phải xẩy ra. Nhưng ở đây, thay đổi không phải chỉ là thay đổi “đối với tôi”, mà còn là thay đổi đối với chồng tôi nữa.

Một lần nữa, đối với phần đông phụ nữ, ý thức mới này không tức khắc mang vóc dáng của một quyết định ly dị, nhưng đúng hơn là một xác tín cho rằng “chúng mình không còn tiếp tục đi với nhau như trong quá khứ nữa”. Như thế, thách thức đối với bọn mình là đạt tới một hiểu biết mới xem mình là ai với nhau, một hiểu biết sẽ được phát biểu qua các thay đổi trong khuôn mẫu hàng ngày và trong lối sống chung với nhau. Nhưng các thay đổi này không đơn giản có nghĩa là em muốn ra khác, chúng cũng đòi anh phải ra khác nữa.

Xử lý với các thay đổi trong hôn nhân do các chuyển động trong ý thức phụ nữ này gợi lên sẽ là thách thức lớn cho hôn nhân trong một tương lai gần. Các cặp đang kết hôn bây giờ, các cặp đã kết hôn, và các cặp sắp kết hôn thẩy đều có thể nắm chắc rằng hôn nhân của chính họ cũng như của bằng hữu họ sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả chúng ta đều phải buớc vào diễn trình tạo ra những khuôn mẫu mới cho tính hỗ tương và dị biệt hóa trong hôn nhân của mình và góp phần vào cuộc cách mạng văn hóa rộng lớn hơn đối với hôn nhân ở quanh ta.

Như thế, ta có thể nắm chắc rằng trong những năm nửa đời, thế nào chúng ta cũng được mời gọi phải xét lại các giấc mơ của mình. Dù là phải hòa giải giấc mơ thời trẻ với cái hiều ra của thời nửa đời hay phải xử lý với tính chuyên chế của tham vọng ở đời hoặc phải chú ý tới những mơ ước bị đình hoãn lâu ngày, mỗi cuộc xét lại này đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới hôn nhân của ta. Có thể ta sẽ cảm thấy nhu cầu phải đổ lỗi cho người bạn đời vì đã làm ta quên khuấy một mơ ước hay vì tính chuyên chế của mơ ước ấy. Sự không hài lòng với quá khứ của ta có thể bao gồm cả sự không hài lòng với cách ta sống bên nhau trong hôn nhân.

Thế nhưng, những khủng hoảng chắc chắn nửa đời ấy không hẳn chỉ là những thời điểm gây bối rối. Chúng có thể là những cơ may để ta lớn mạnh cách ngoại thường, cả trong cuộc sống bản thân lẫn trong cuộc sống hôn nhân của mình. Bản chất các cuộc khủng hoảng này là chúng thu lại một chỗ nhiều thập niên tín liệu về chính chúng ta. Chúng mời gọi ta tái xét đời mình dưới ánh sáng các tín liệu ấy, tức sự phát hiện đang từ từ khai mở về chính con người thục của chúng ta. Những khủng hoảng như thế sẽ phá hủy hôn nhân khi tín liệu này không cùng nhau chia sẻ được. Khi người nào đó vì quá khiếp sợ hay giận dữ không chịu chia sẻ các vấn nạn này và những phiền toái của chúng, thì một giải pháp cộng đoàn cho cuộc khủng hoảng kia sẽ bị khóa kín. Cặp vợ chồng nào chịu can đảm học hỏi các kỹ năng mới giúp họ thông đạt một cách cụ thể và không đổ lỗi cho nhau, thì sự chia sẻ này, dù là chia sẻ buồn phiền và nghi hoặc, cũng sẽ thâm hậu hóa tình thân mật của họ. Có lẽ trong nhiều năm đây là lần đầu vợ chồng mình mới cùng nhau giáp mặt với các nghi hoặc và sợ sệt của mình. Như thế, một cách nghịch lý, cơn khủng hoảng phát sinh từ công việc hay nghề nghiệp hay cả những vụng trộm lăng nhăng lại đã buộc ta phải xét lại mối liên hệ của bọn mình và đưa ra các thay đổi cần thiết để vợ chồng mình tiếp tục sống bên nhau.

Như ta đã thấy, lòng chung thủy vợ chồng vào buổi nửa đời ít khi chỉ là vấn đề thủy chung tính dục mà thôi. Càng ít phải là vấn đề khư khư ôm lấy lối sống bên nhau trước đây. Thường nhất nó bao hàm một đáp ứng trung thành với các thách thức mời gọi ta bỏ xa quá khứ của mình mà chín mùi trong lối sống mới, nhiều thoả mãn bên nhau hơn. Một thách thức như thế đặt ra nhiều vấn nạn đáng sợ. Ta buộc phải làm gì để vượt qua các hoài mong quá khứ? Mỗi đứa mình có phải can đảm và trung thực nhận trách nhiệm về thế đứng hiện nay trong mối liên hệ của ta không? Mỗi đứa có đủ sức để thử một lần nữa, có đủ óc sáng tạo tìm ra phương cách để hai đứa mình sống bên nhau mà quên quá khứ đi không? Liệu vợ chồng mình có thể tha thứ, cho mình và cho nhau, và mang lấy nhiệm vụ tế nhị phải đan các niềm hy vọng, sợ sệt và mục tiêu khác nhau vào tấm áo đời chung không? Ở điểm này, đối với một số vợ chồng, cái giá phải trả cho việc làm mới lại cuộc nhân duyên xem ra quá lớn. Ly dị hình như là giải pháp“dễ hơn”, có khi còn là giải pháp duy nhất nữa. Nhưng nhiều cặp khác sẵn sàng nắm lấy sự thách thức này. Ở cái thời điểm dễ bị thương này, lúc vợ chồng mình, nhờ ý thức được các hạn chế của ta, nên đã cố gắng xác định ra cách làm thế nào để chung sống với nhau và làm cách nào giúp tình yêu của bọn mình triển nở lại.

Dù những khủng hoảng như thế không luôn dẫn tới các giải pháp có thể cứu vãn và làm chín mùi được cuộc nhân duyên, chúng vẫn có thể đem lại những giây phút ơn thánh đặc biệt trong đời sống trưởng thành. Dù có vẻ đáng sợ và làm ta lệch hướng, chúng vẫn là những giây phút thánh thiêng, những giai đoạn thông sáng và mạc khải đặc biệt. Ý thức được điều ấy, Giáo Hội đang bắt đầu đáp ứng các thời điểm này bằng nghi thức hòa giải, giúp các Kitô hữu vượt qua các khủng hỏang trên một cách đầy ơn phúc.

Khủng Hoảng, Chung Thủy Và Các Nghi Thức Hòa Giải

Vì là một hành trình suốt đời, hôn nhân nhất thiết có nhiều khúc nối và khúc rẽ. Càng ngày ta càng thấy rõ hơn phải đương đầu với hành trình này ở những năm nửa đời ra sao. Một số vấn đề thấy trước có thể phát sinh, mời gọi hôn nhân bước theo những hướng đi mới, những hướng đi cần hàn gắn và thay đổi. Nếu những vấn đề này là phần có thể thấy trước trong một cuộc hôn nhân đang chín mùi, thì ta nên học để đừng vì chúng mà ra bối rối. Bởi vì đối với phần đông chúng ta ở tuổi 40 hay 50, ngay sự kiện để những vấn đề này xẩy tới cũng được coi là không thích đáng và thiếu chín chắn rồi. Đáng lẽ mình đã phải giải quyết những vấn đề này từ lâu rồi mới đúng chứ. Người khác đâu có bận tâm tới chúng, tại sao mình lại bận tâm? Tôi có lầm lẫn hay không đây? Coi những vấn đề này thiếu chín chắn thay vì là các cơ hội may mắn, ta sẽ tìm cách che giấu chúng khỏi người thân và khỏi cả chính ta nữa.

Ấy thế nhưng nếu những cuộc khủng hoảng vào lúc nửa đời này là phần quan trọng trong việc tăng trưởng của ta, nếu chúng là phương cách Thiên Chúa dùng để dẫn dắt người trưởng thành là ta vào cuộc sống thánh thiện hơn và vào cuộc hôn nhân chín chắn hơn, thì ta cần phải chú ý đến chúng. Ta phải nhìn nhận chúng như những đường vượt qua về phương diện tôn giáo của hôn nhân và cuộc sống trưởng thành, như việc làm của Chúa, một việc làm cần được cộng đoàn Kitô hữu đáp ứng.

Đáp ứng kiểu này phần lớn xuất hiện dưới hình thức các nghi thức hòa giải, rất thích hợp với các thách thức vào lúc nửa đời. Tính mơ hồ của các hạn từ “nghi lễ” hay “nghi thức” cần được làm rõ nghĩa. Nói đơn giản, nghi thức (rite) là cách cộng đoàn đặc biệt chú ý tới những thời điểm và những chuyển dịch chủ yếu ở đời. Sinh ra, bước vào tuổi người lớn, kết hôn rồi qua đời là những 1à các thời điểm phổ quát và chủ yếu nhất được các tín ngưỡng và các nền văn hóa chú trọng. Cộng đồng Kitô hữu từng cử hành sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong các thời điểm này. Trong những chuyển dịch vượt qua ấy, các bí tích Kitô giáo đã đem lại hàn gắn và che chở. Che chở không có nghĩa làm ta không nhìn thấy những gì đang xẩy ra, một cách tránh né các nguy hiểm của chính việc vượt qua. Đúng hơn, là che chở cho điều đang xẩy ra kia: cá nhân được cộng đoàn thân thương bao bọc, được gia tài tôn giáo và kinh nghiệm tích lũy gồm cả nguy hiểm lẫn cơ may của nó nâng đỡ. Sự che chở ấy giúp cá nhân nhìn thẳng vào tâm điểm của thách thức khó khăn này. Trong những giờ phút như thế, chính kho khôn ngoan của cộng đoàn lên tiếng với chúng ta: bạn hãy sẵn sàng để mất đi một số phần thân thương của chính bạn (tính vô trách nhiệm bất cần đời của thời niên thiếu hay tính tự lập của kiếp sống độc thân và có khi cả chính cuộc sống bạn nữa); nhưng bạn hãy biết rằng trong cái mất ấy, bạn sẽ thu nhận được một điều mới mẻ nào đó, một điều sẽ nói cho bạn hay về tình yêu của Thiên Chúa.

Việc cử hành nghi lễ hôn phối, đánh dấu giai đoạn đầu của hành trình, chính là để nhìn nhận sự mất mát và thu nhận trên của việc vượt qua hết sức quan trọng này. Nhưng, như đã bàn ở Chương 7, cộng đoàn bao giờ cũng có nhiều nghi thức dành sẵn cho nó hơn là nghi lễ (ritual) cử hành tại nhà thờ. Có thể dùng hạn từ “nghi thức” không những để chỉ việc cử hành phụng vụ hôn phối mà còn để mô tả các cố gắng giáo dục của cộng đoàn nhằm nâng đỡ và hướng dẫn đôi hôn phối trong những bước vượt qua rất quan trọng của cuộc sống. Như thế, nếu nói về hôn nhân, nghi lễ phụng vụ hôn nhân phải được bổ túc bằng các nghi thức giáo dục khác. Các nghi thức này chính là cơ hội có cấu trúc giúp đôi tân hôn chú ý tới những điều đang xẩy ra trong đời họ. Các nghi thức trong việc chuẩn bị hôn nhân trong giáo xứ hay cộng đoàn khác phải đem lại cơ hội cho đôi uyên ương biết thăm dò các hoài mong và nguyên động lực của họ đang khi họ lên đường tiến tới quyết định quan trọng này.Các nghi thức giáo dục ấy có thể bao gồm cả các kỹ năng tự ý thức về chính mình và các nhân đức thông đạt rất cần thiết cho cuộc hành trình lâu dài và phức tạp này.

Nhưng các sinh hoạt chung quanh giai đoạn đầu của hôn nhân này phải được bổ túc bằng các nghi thức bảo vệ và đầy ơn phúc tương tự như trên. Các nghi thức này thực ra đã tiềm ẩn sẵn trong các thừa tác vụ huấn đạo hôn phối cũng như nhiều dịch vụ xã hội khác rồi. Khi đã hiểu rõ hơn các khuôn mẫu tâm lý của thay đổi và thách thức trong cuộc hôn nhân vào lúc nửa đời này rồi, ta phải triển khai và chú tấm nhiều hơn đến các “nghi thức hôn nhân” ấy. Cả trong bối cảnh huấn đạo lẫn những buổi chia sẻ nhóm được tổ chức cẩn thận, các Kitô hữu có gia đình có thể học hỏi cách chú ý tới các thách thức và ơn phúc của chính hôn nhân mình. Các thừa tác viên hôn phối Kitô giáo, không phải chỉ riêng các nhà chuyên môn tôn giáo mà cả những cặp vợ chồng có huấn luyện nữa, nên chú ý đặc biệt tới những cuộc hòa giải có thể đoán trước nơi các cuộc hôn phối vào lúc nửa đời. Lớp Gặp Gỡ Hôn Phối (Marriage Encounter), một kinh nghiệm do nhóm hướng dẫn nặng tính cầu nguyện nhằm cải thiện kỹ năng thông đạt trong hôn nhân, là điển hình cho các cố gắng của Giáo Hội Công Giáo nhằm đáp ứng hữu hiệu hơn đối với hôn nhân ngày nay. Nó là một trong các nghi thức được nghĩ ra để trợ giúp Kitô hữu vuợt qua các khủng hoảng của đời họ mà bước vào những cuộc hôn nhân đầy ơn phúc và thoả mãn.

Đôi khi, cùng với một số nghi thức giáo dục hôn nhân vào lúc nửa đờ, ta cần tổ chức các cử hành phụng vụ để đánh giấu giai đoạn đã hoàn tất. Như khi cặp vợ chồng hay cả gia đình khó khăn lắm mới giảng hoà được một mộng ước hay khốn khó lắm mới xử lý thành công được một vấn nạn gia đình, thì đó là lúc thuận tiện để tổ chức những cử hành nói trên. Họ quả đã kinh qua một thời nguy kịch. Họ đã sống thoát bối rối, nghi nan và giận dữ. Tín hữu luôn luôn cử hành những lần thoát hiểm đó bằng cách ca ngợi và cảm tạ Chúa. Một cử hành theo nghi lễ như thế, với sự tham dự của một số bằng hữu thân cận của gia đình, có thể bao gồm việc ăn năn thống hối đối với tội lỗi quá khứ, buồn đau vì những gì đã đánh mất hay phải để qua một bên, và ca ngợi Chúa đã dẫn đưa ta qua những nèo đường tối tăm này. Việc cử hành này vừa kết thúc cơn khủng hoảng vừa công khai nhìn nhận sự hiện diện của Chúa trong cơn khốn khó, bối rối của ta. Nó cho người khác thấy họ nên chờ đón và chấp nhận các giây phút hàm hồ như trên trong đời họ, bởi vì đó là cách Thiên Chúa hành động với chúng ta.

Dĩ nhiên, các nghi thức giáo dục đối với cuộc hôn nhân nửa đời cần phải quan tâm cách mạnh mẽ và hữu hiệu tới các cá nhân và gia đình không vượt qua được khủng hoảng hôn nhân của họ. Việc quan tâm tới những người trong cộng đoàn đã ly thân hay ly dị chỉ mới có đây nhưng là một thừa tác vụ đang lớn mạnh rất nhanh nơi người Công Giáo. Như đã bàn ở Chương 20, các nghi thức huấn đạo và giáo dục trợ giúp người đang ly dị cần phải được bổ túc bằng một cử hành phụng vụ nhìn nhận điều đang xẩy ra. “Nghi thức ly dị” như thế chắc chắn không phải là cử hành mừng vui một thảm họa cũng không phải để hạ giá hôn nhân. Đúng hơn, nó là một cử hành theo nghĩa tôn giáo chính xác của từ ngữ này: ta cùng nhau nhìn nhận sự hiện diện và hành động của Chúa trong giai đoạn vượt qua đầy đau đớn này. Cũng như lúc cử hành phụng vụ mừng việc giải quyết thành công một khủng hoảng hôn nhân, ở đây, ta cũng nhìn nhận tội lỗi của mình, tò lòng buồn đau vì những gì đã mất mát và ca ngợi Chúa đã đưa ta qua lũng đau thương chết chóc này. Ly dị kết thúc các khủng hoảng hôn nhân và với nó kết thúc luôn lòng chung thủy vợ chồng. Cuộc hôn nhân kể như chết, nhưng người ly dị thì không chết, hay đúng ra không nên chết. Họ phải chịu đựng và lớn mạnh, trong lòng thủy chung với Chúa cũng như với ơn gọi riêng của mình. Một thừa tác vụ khoẻ khoắn và hữu hiệu đối với hôn nhân phải giúp lòng thủy chung ấy sống còn và thăng hoa nữa.

Chung thủy vợ chồng là một nhân đức phức tạp hơn hết. Giữa các cam kết trong quá khứ và các thay đổi lúc hiện tại, ta cố gắng tăng trưởng bằng cách trung thành hơn với hôn nhân và gia đình mình, với Chúa và với ơn gọi của chính chúng ta. Việc tăng trưởng này luôn được thừa tác vụ của Giáo Hội cổ vũ bằng các nghi thức hoà giải lúc ở nửa đời người.



Đọc Thêm

Khá nhiều sách vở liên can đến đề tài này. Các vấn đề quan yếu bàn đến việc phát triển của phụ nữ đã được Maggie Scarf bàn đến trong Unfinished Business (Doubleday, 1980) và được cả Lillian Rubin bàn tới trong Women of a Certain Age (Harper & Row, 1979).George Vaillant đề cập đến các mẫu phát triển của đàn ông trưởng thành trong Adaptation to Life (Little, Brown 1977). Daniel Levinson cũng viết về cùng thể tài ấy trong The Seasons of a Man’s Life (Knopf, 1978).

James Zullo khảo sát “Mid-Life: Crisis of Limits” trong bộ băng ghi âm của ông do NCR Cassettes, Kansas City, Missouri xuất bản. Tuyển tập các khảo luận trong Mid-Life: Developmental and Clinical Issues (Brunner/Mazel, 1980), do William Normaqn và Thomas Scaramella chủ biên, gồm nhiều bài thảo luận về sự tương hành giữa hôn nhân và gia đình, tính dục và ly dị.

Bernice Neugarten, trong nhiều thập niên qua, đã đóng góp nhiều cho việc hiểu biết việc phát triển nơi người lớn. Một số các bài gần đây của bà rất hữu ích giúp ta đánh giá được các chuyển dịch của nội tâm tính và hoà giải trong cuộc sống của người trưởng thành. Thí dụ “Adaptation and the Life Cycle” trong ấn bản Counseling Adults (Brooks/Cole, 1977) của Schlossberg và Entine, “Time, Age, and the Life Cycle” trong số tháng 7 năm 1979 American Journal of Psychiatry, và Personality Change in Adulthood (American Psychological Association, 1978).

Bài thảo luận của Chuck Gallagher trong The Marriage Encounter (Doubleday, 1975) là một dẫn nhập hữu ích.