Linh Đạo Hôn Nhân Hiện Đại



Giới Thiệu

Evelyn Eaton Whitehead là một tâm lý gia ngành phát triển, đậu tiến sĩ tại Đại Học Chicago. Bà viết và dạy về các vấn đề: phát triển nơi người lớn, về già, và phân tích cộng đoàn. James D. Whitehead là thần học gia mục vụ và sử gia tôn giáo. Ông đậu tiến sĩ tại Đại Học Harvard với chủ đề tôn giáo Trung Hoa. Các chú tâm chuyên nghiệp của ông bao gồm các vấn đề linh đạo hiện đại và phương pháp thần học trong thừa tác vụ.

Hai ông bà Whitehead là tác giả cuốn Christian Life Patterns (các Mẫu Sống Kitô Giáo), do nhà Doubleday xuất bản năm 1979 và được chọn làm tuyển tập của Catholic Book Club… Năm 1978, hai ông bà thành lập công ty Whitehead Associates trong đó họ giữ vai trò chuyên viên về các vấn đề giáo dục và thừa tác vụ. Hai ông bà đồng thời còn là thành viên của Viện Nghiên Cứu Mục Vụ (Institute of Pastoral Studies) tại Đại Học Loyola ở Chicago.

Sau đây là một số bài hai ông bà viết về Linh Đạo Hôn Nhân Kitô Giáo, trích từ cuốn Marrying Well (Kết Hôn Tốt) do nhà Doubleday xuất bản năm 1983. Theo ông bà Whitehead, linh đạo giúp ta tiếp xúc với quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa và mời gọi ta đáp ứng một cách có nhân đức. Linh đạo hôn nhân, cả Kitô giáo lẫn hiện đại, bao gồm các nhân đức đặt cơ sở trên cả truyền thống tôn giáo của ta lẫn các tài nguyên tâm lý mà cuộc sống hiện đại vốn đòi hỏi. Tự thân mật với mình chẳng hạn là tự chấp nhận mình cách hợp nhân đức, điều giúp tôi trung thành trong cuộc hôn nhân của mình: có yêu cái con người đặc thù là tôi này, tôi mới có khả năng lớn hơn để yêu thương, một cách nhẫn nại, con người đặc thù mà tôi đã kết hôn. Nhân đức thủy chung chẳng hạn, rất cần thiết đối với cuộc hôn nhân kéo dài suốt đời, đã phối hợp cả cam kết với đổi thay. Vì khi hôn nhân ta lớn mạnh, mỗi chúng ta phải tiếp tục trung thành với cả các cam kết liên tục của mình lẫn các lời mời gọi mới vừa khám phá ra qua cuộc sống chung của mình. Các giá trị Kitô giáo của ta phải bén rễ trong lối sống hôn nhân của ta. Lối sống này, vốn do các quyết định thực tiễn của ta liên quan đến công ăn việc làm, tiền bạc cũng như cầu nguyện và vui chơi khuôn định, là một phần trong thừa tác vụ gia đình của ta, của việc ta đóng góp cho một thế giới công lý và yêu thương hơn. Nền linh đạo của hôn nhân Kitô giáo cũng được lên khuôn nhờ đáp ứng của ta đối với những thời điểm hết sức quan trọng trong đời ta, các khủng hoảng trong đó động cơ học Kitô giáo của mất của thu, của chết của sống được cảm nghiệm. Kỷ luật hay nhiệm nhặt học trong việc gia đình ta sử dụng thì giờ cũng ảnh hưởng tới các cố gắng của ta nhằm sống một cách đầy ơn phúc hơn lịch sử đặc biệt trong cuộc hành trình chung trong Chúa.

1. Căn Bản Của Chung Thủy:

Thân Mật Với Chính Mình

Thân mật và chung thủy là các nhân đức chính của hôn nhân. Có thủy chung, thân mật trong hôn nhân mới bền vững. Ấy thế nhưng, thủy chung không hẳn chỉ là bền vững. Nó bao hàm một diễn trình chung thủy, vì cả người bạn đời trong hôn nhân của ta lẫn Thiên Chúa của chúng ta đều liên tục và một cách bất ngờ luôn luôn tự tỏ mình ra với chúng ta.

Lòng chung thủy trong hôn nhân, tức sự sống còn và tăng trưởng trong tình thân mật giữa chúng ta, thực ra, được đặt cơ sở trên một thứ thân mật khác. Đó là ý thức của tôi về chính tôi và lòng yêu tôi dành cho chính con người mình. Trong hôn nhân, chúng ta liều hiến mình cho một cam kết suốt đời. Nhưng cái mình kia là ai mà tôi dám trao phó cho một người khác? Tôi quen thuộc ra sao với những tham vọng và sợ sệt nội tâm của chính tôi, với cái thân xác và tính dục của chính mình, với những mộng mơ và nghi hoặc của chính cái bản ngã này? Tất cả những điều đó cùng đi với tôi mà bước vào cuộc hôn nhân và sẽ ảnh hưởng trên khả năng thủy chung của tôi.

Thân mật với chính mình, tức cái nhân đức giúp tôi biết yêu, biết chăm sóc và chấp nhận bản thân mình, là sức mạnh người trưởng thành nào cũng cần phải có. Và đối với nhiều người trong chúng ta, hôn nhân và gia đình là hai lãnh vực trong đó chúng ta chạm trán với thách đố ấy cách cụ thể hơn cả. Thân mật với chính mình cùng một lúc là nhân đức hôn nhân đòi phải có nhưng cũng là một nhân đức được thử thách và phát triển cách đặc biệt trong hôn nhân.

Thân Mật Với Cái Tôi Số Nhiều

Suy tư về nhân đức tự thân mật với chính mình bắt đầu với việc hiểu ra rằng mỗi người chúng ta đều là số nhiều. Mỗi người trong chúng ta đều là một hỗn hợp của nhiều hy vọng và sợ sệt khác nhau, có khi còn kình chống nhau là đàng khác. Chúng ta tổng hợp trong chính mình một loạt các tham vọng và lý tưởng; có rất nhiều điều ta muốn trở thành và thực hiện. Cùng đi với các tham vọng và mộng mơ ấy có các dự cảm và nghi hoặc: mà một số chỉ thoáng qua hay chỉ xẩy ra trong những hoàn cảnh nhất định nào đó; nhưng một số khác thì dai dẳng kéo dài. Chúng cùng đi với chúng ta trọn các năm tháng còn lại của cuộc đời.

Tính đa nguyên ấy đôi lúc xem ra như một gương xấu gương mù, do đó được giấu cho thật kín. Chúng ta được truyền dạy rằng chỉ “những con người khùng khùng” mới có các yếu tố trái ngược nhau, lưỡng diện, chưa giải quyết ở bên trong mà thôi. “Người bình thường”, nghĩa là hầu hết những người ta thấy chung quanh, xem ra ổn định và quân bình chứ có đâu như vậy. Cuộc sống nội tâm của tôi, với những bất ngờ đột ngột, những lo âu xao xuyến và chưa hoàn tất kia, quả là đáng bối rối. Có lẽ đành phải chịu đựng thôi, khó có thể khám phá hay chia sẻ ngay cả với chính mình tôi nữa. Tự thân mật với chính mình chính là nhân đức nhờ đó tôi lớn lên trong việc hiểu biết và chấp nhận cái hữu thể nhân bản đặc thù mà tôi đang trở nên kia. Nó đem lại thêm sức mạnh cho bản sắc, cái cảm thức trong sáng và tự tin về con người thực của mình, lòng khoan dung và âu yếm đối với con người đặc thù ấy. Nó là sức mạnh của lòng yêu mình đã chín mùi, vốn là cơ sở để tôi yêu thương và chăm sóc người khác.

Càng ít giấu kín cái tôi số nhiều ấy, tôi càng tỉnh táo đối với trách vụ chủ yếu là phải phát triển về phương diện tâm lý và chín mùi về phương diện Kitô giáo. Nói cách khác là trách vụ chăm sóc tới việc tự tỏ bầy cái tôi đang trở nên kia. Những cái tôi phức hợp một cách phong phú của chúng ta, vốn do Chúa dựng nên và cư ngụ, chỉ tự tỏ bầy ra cùng với thời gian và đối với một quan sát viên chăm chú. Việc Thiên Chúa tự mặc klhải qua thiên nhiên và người khác, cả kẻ ta thương lẫn kẻ ta ghét, cũng xẩy ra ở bên trong. Sự hiện diện và tự mặc khải của Thiên Chúa trong cuộc sống đặc thù của chúng ta sẽ dẫn chúng ta vượt ra ngoài tính tự quá yêu mình (narcissism) và mời gọi ta hướng tới nội quan tôn giáo.

Có hai thách đố bổ túc cho nhau đối với việc phát triển tâm lý và tôn giáo trong cuộc sống trưởng thành. Sự chín mùi sẽ xuất hiện trong thế quân bình giữa hai phát triển trên. Phát triển thứ nhất được chú ý nhiều hơn trong truyền thống Kitô giáo. Đó là thách đố để thay đổi, cải biến và hồi tâm quay đầu trở lại. Ta biết ta là kẻ có tội, ích kỷ, ngờ vực và ngay cả phá phách nữa. Trong cuộc sống Kitô hữu của mình, ta được thách thức phải thay đổi, phải đáp trả cố gắng của Thiên Chúa muốn biến đổi và chữa lành cái tôi đã bị thương tổn kia. Đó là lời mời gọi metanoia, quay trở về và thay đổi cõi lòng theo Kitô giáo. Lời mời gọi ấy đòi cố gắng và một thứ “bất khoan dung thần thánh” đối với con người hiện nay của ta. Điều quan trọng là phải ghi nhận tính thích hợp của thứ bất khoan dung này, nhất là ở buổi đầu cuộc sống trưởng thành của ta. Người trưởng thành trẻ tuổi thường bất khoan dung với người khác và với chính cả mình nữa. Tương tự như thế, trong các giai đoạn đầu của xác tín mới, người mới quay đầu trở lại thuộc đủ các loại thường khét tiếng là bất khoan dung với những ai không chia sẻ cái nhìn trong sáng của mình.

Thế nhưng sẽ đến lúc chín mùi trong đó thứ bất khoan dung kia sẽ trở nên ít “thần thánh” hơn. Và lúc ấy, ta sẽ thoáng nhận ra khía cạnh khác của metanoia: tức thách đố phải quay đầu trở lại với tấm tình yêu thương và chấp nhận mình sâu đậm hơn. Càng tiếp tục thay đổi, nghĩa là càng trở nên nhân đức và ít ích kỷ hơn, ít phá phách và ngờ vực hơn, ta càng được thách thức tiến tới thứ tình yêu biết khoan dung hơn đối với cái hỗn hợp gồm đủ điểm mạnh và điểm yếu đặc thù ta vốn thấy nơi mình. Thách đố này trong yếu tính chính là thiệp mời bước vào tình thân mật sâu sắc hơn với chính bản ngã ta.

Việc chuyển dịch vào tình thân mật với chính mình và lòng yêu mình lớn lao ấy không phải là việc định cư vào cái lòng tự hào tự mãn. Trái lại nó là lời mời gọi đem lại một hòa điệu và tích hợp (integration) sâu sắc hơn một loạt những điều vốn là con người của chính tôi. Nói cách khác, nó là thiệp mời để tôi chuyển dịch quá bên kia việc từ bỏ cái tôi đầy hữu dụng ở thuở ban đầu của cuộc đời lúc tôi cần phải quay mặt khỏi những phần hàm hồ, gây xấu hổ hay làm mình bối rối của chính mình. Càng chín mùi, xem ra ta càng được mời gọi, và đối với Kitô hữu, đây quả là một yêu cầu tôn giáo, phải làm bạn với chính bản thân mình. Ta được mời gọi bước vào một bình diện mới phải dễ chịu với chính cái tôi đặc thù và đặc biệt của chính chúng ta và phải xuồng xã một cách đầy đánh giá với những gì Thiên Chúa đang thực hiện với chúng ta và bất kể chúng ta.

Làm Bạn Với Chính Cái Tôi Số Nhiều Ngay Lúc Này

Mỗi người chúng ta không những là số nhiều với thời gian qua lịch sử những điều chúng ta đã thực hiện và trở nên; mà chúng ta còn là số nhiều ngay lúc này. Ngay hôm nay đây, tôi thấy tôi như một bội số, hứng khởi vì nhiều thành tố của cuộc đời và cùng một lúc dự cảm vì nhiều thành tố khác. Đôi khi cùng một lúc, tôi thấy mình vừa can đảm vừa nhát cáy, vừa đầy hy vọng vừa nản lòng hết cỡ. Tôi thấy các cố gắng tốt nhất muốn chăm sóc của mình vì nhiều nguyên động lực khác nhau lại kèm theo hàng loạt các cảm nhận thật dị biệt. Và càng chín mùi tôi càng nhận ra rằng cái đa dạng trong nguyên động lực và cảm nhận trên không nhất thiết biến tôi thành người xấu, nhưng nó chỉ làm tôi trở thành con người thực của mình. Cái tổng hợp đặc thù gồm nhiều khả năng và hạn chế, óc sáng tạo và tính ương ngạnh đó chính là con người thực của tôi. Thách đố phải tự thân mật với chính tôi chính là phải hiểu tốt hơn cái tôi số nhiều này và phải yêu thương nó nhiều hơn.

Ta có sẵn nhiều dữ liệu cho thấy ta là ai và ta đang thế nào. Đôi lúc, dữ liệu này mang dáng dấp đột biến, như bị viêm loét hay nhồi máu cơ tim. Kiệt sức và trầm cảm cũng có thể là dấu chỉ một mất thăng bằng, thiếu hòa điệu hay tích hợp nào đó trong đời. Sự chín mùi tâm lý và tôn giáo bao hàm khả năng biết chú ý tới các dữ liệu đột biến và thường ngày có sẵn cho chúng ta. Một thứ kỷ luật khác biệt, do chuẩn mức văn hóa nào đó ảnh hưởng, bắt phải đạt thành tích và tự túc, nhiều khi thúc đẩy ta tiến bước thêm, cứ thế mà bước tới, đến nỗi khiến ta bỏ qua các dữ liệu ấy. Thứ kỷ luật như thế quả là một hình thức tự từ bỏ chính mình, không phù hợp chút nào với Kitô giáo. Hoa trái của nó thường là một “người thành đạt” kiệt lực và đầy giận dữ hơn là một người trưởng thành độ lượng và biết quan tâm.

Tự thân mật với chính mình bắt đầu bằng việc chú ý tới các dữ liệu có từ bên trong. Càng biết lắng nghe, ta càng học hỏi nhiều hơn về cả các giới hạn lẫn các mối hy vọng đẹp nhất của ta. Tôi có thể bắt đầu để qua một bên các hoài mong người khác có về tôi cũng như các mục tiêu đầy lý tưởng nhưng quá trừu tượng của chính mình, và thay thế các điều đó bằng một ý thức rõ ràng và cụ thể hơn vê ềhững gì cuộc sống riêng tôi có thể đưa lại. Tôi bước vào nhịp điệu của chính tuổi trưởng thành nơi mình đồng thời bước vào vùng dễ chịu và nhẫn nại với chính hành trình đời mình.

Tình thân mật với chính tôi đó có thể đem lại một cảm thức rõ ràng hơn về các nguyên động lực của mình. Ý thức rõ hơn về lý do tại sao tôi lại làm việc quá sức, hay tại sao mình giận dữ và trầm cảm. Tôi có cơ hội tốt hơn để chữa lành các phần đó trong con người mình, bất kể việc chữa lành này bao hàm việc vượt qua hay trở nên dễ chịu với chúng.

Mục tiêu của trách vụ làm bạn với cái tôi số nhiều này là “tự chiếm hữu chính mình” (self-possession). Mỗi người chúng ta có thể đã biết một số ít người biết dễ chịu sâu sắc đối với con người thực của họ. Không cam chịu mà cũng không quá đạt thành tích, họ đã làm tốt những gì họ có thể làm được, âm thầm ý thức được cả các giới hạn lẫn các nhu cầu của riêng mình. Những người như thế hài lòng với chính mình. Họ tự tìm được nhịp điệu của riêng mình; theo một nghĩa sâu sắc nhất, họ quả đã bước vào ơn gọi của chính họ. Và có lẽ tốt cơn cả, họ thấy thích chính bản thân mình.

Tôi có thể đã cảm nhận được một ít cái chuyển động này trong tôi. Thí dụ, tôi thấy mình chỉ có thể làm công việc đến thế mà thôi; ước gì tôi mạnh hơn để có thể làm lâu giờ hơn như một số người chung quanh tôi. Nhưng tôi không thể mạnh hơn được, và tôi chấp nhận điều ấy. Tôi nhận rằng vóc dáng tôi chỉ thế này thôi, chẳng cao hơn, chẳng lôi cuốn hay trẻ trung hơn, cũng không có vẻ oai vệ hơn một chút. Tôi chỉ thế này thôi, và điều đó tôi chấp nhận được. Thực ra còn hơn cả chấp nhận nữa; vì đó là con người thực của tôi và tôi thích con người thực ấy. Đồng thời cũng có những nỗi sợ và nghi hoặc trở tới trở lui xem ra cũng là chính tôi nữa. Có lúc tôi đã giả thiết rằng các cố gắng và năm tháng sẽ giải thóat tôi khỏi chúng. Nhưng lúc này đây, xem ra chúng còn ở với tôi “lâu năm nữa”. Bởi thế, tôi sẽ lợi dụng chúng hết mình. Thậm chí còn ôm hôn những ma vương nội tâm này, những cái yếu đuối một thời tôi coi là không thể khoan thứ được. Thánh Phaolô có thể đã nghĩ đến điều này khi nhắc đến những cái gai đâm vào xương thịt mình. Một số các yếu đuối và kỳ dị này ta chẳng làm sao rũ bỏ được; chúng là chính chúng ta. Ngay đến Thiên Chúa xem ra cũng bằng lòng không muốn gỡ bỏ chúng đi. Tự thân mật với mình mời gọi ta khoan dung hơn với cả những khía cạnh ấy trong con người thực của mình.

Sau cùng, tự thân mật với mình giúp ta sống trong hiện tại. Tự chấp nhận mình là thích chính mình ngay lúc này, ở cái tuổi này của cuộc đời. Khi đã lớn mạnh trong nhân đức này, tôi sẽ thoát khỏi cái ám ảnh văn hóa với tuổi trẻ, một ám ảnh khiến tôi đã có lúc ân hận vì cái tuổi đời hiện nay lúc mình già đi hơn.Tôi có khả năng hơn trong việc coi mỗi năm trong cuộc sống mình như hiện tại. Tôi không cần phải chối hay giấu tuổi mình, bởi tôi thích con người thực lúc này của tôi.

Cái nhìn tôn giáo đầy thông sáng từng hỗ trợ cho lời mời gọi tự chấp nhận và yêu thương mình là: ta không thể chờ đến lúc mình hoàn thiện mới yêu thương bản thân ta. Huyền thoại toàn thiện đã làm thui chột bao nhiêu cố gắng của người Kitô hữu trong việc lớn lên về phương diện tôn giáo. Khi mưu cầu toàn thiện, ta từng tự cho phép ta ghét mình như những kẻ tội lỗi, bất toàn, đầy lầm lỗi. Khi ngạc nhiên thấy mình được người khác yêu thương, rất có thể ta cho rằng họ thương ta chỉ vì họ không biết con người thực của ta. Vì thế mà ta ráng làm sao che giấu các khuyết điểm của mình, giả bộ mình là một con người khác mong duy trì cho bằng được cái tấm tình yêu mà mình không xứng đáng kia. Nhưng nếu may mắn, ta sẽ thấy rằng bạn bè ta thực sự yêu chính chúng ta, tất cả những gì trong con người thực của ta, cả khuyết điểm lẫn mọi điều khác. Có thể lấy bài học này để nhắc ta nhớ rằng ta có thế nào Thiên Chúa yêu thương ta thế ấy. Dưới con mắt Chúa, chúng ta đáng yêu ngay lúc này; không phải việc lành ta làm, cũng chẳng phải các thành tích của ta cũng như lòng thống hối nơi ta làm ta trở thành đáng yêu một cách ma thuật. Nói theo Chesterton, chính trong lúc được yêu, chúng ta đã trở nên đáng yêu. Điều ấy đúng đối với việc tự thân mật với mình: tôi được kêu mời yêu thương chính tôi, không phải dưới ánh sáng các cải tiến trong tương lai, nhưng là chính lúc này trong con người thực của mình. Càng cảm thấy dễ chịu với cả tính đặc thù lẫn tính đáng yêu của mình, tôi càng có khả năng yêu thương người khác nhiều hơn.

Qua Thời Gian, Hòa Giải Với Chính Cái Tôi Số Nhiều

Cùng với cuộc hành trình trên đường đời, chúng ta thu lượm được một lịch sử: ta ở nhiều nơi, sống nhiều vai trò. Tính đa nguyên của cái tôi lịch sử này ít khi là một đổi thay căn để hay toàn diện. Tôi vẫn nhận ra một liên tục tính nào đó trong tôi từ thuở ấu thơ qua tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành. Các hoài niệm và hy vọng dai dẳng nối kết cuộc hành trình này và nhận diện nó như là của tôi, trong mọi giai đoạn. Ta rất có thể gặp một số người đại diện cho hai thái cực đổi thay và ổn định bản thân. Quả thế, có những người hoàn toàn cắt đứt khỏi gốc rễ, cố gắng đoạn kết với quá khứ, một quá khứ bị họ ghét bỏ hay bị họ coi là không chịu đựng được nữa; có khi họ còn thay đổi cả tên mong tìm ra một căn tính khác hẳn. Ở thái cực bên kia, ta lại thấy có những người từ khước thay đổi, họ khư khư cứng ngắc bám lấy điều xưa nay họ vẫn là. Đa số chúng ta sống giữa hai thái cực ấy. Khi tiếp tục thay đổi để đáp ứng các đòi hỏi và lời mời của cuộc sống, ta thấy ta tự bộc lộ mình, khám phá ra các sở thích không ngờ và các khả năng chưa bao giờ được dự ứng. Và chúng ta nhận ra nhiều ngôn từ đã không nói chính xác nghĩa thật. Những từ đơn giản như “cha mẹ” hay “vợ” hay “công nhân”, từng được dùng để miêu tả chính tôi suốt 15 năm hay 30 năm qua. Ấy thế nhưng tôi thấy mình thủ diễn rất nhiều vai trò dưới những phạm trù đơn giản ấy; tôi đã hiểu tôi một cách khác nhau tại những thời điểm khác nhau trong những năm tháng ấy.

Như thế, cái tôi hiện nay của tôi thực ra là một chồng chất những điều tôi từng là và từng làm, mọi thành công và thất bại, mọi lời hứa được tuân giữ và nhiều cam kết bị bỏ rơi.Cái lịch sử bản thân này hiện diện trong ta dưới nhiều trạng thái ý thức và hoà điệu khác nhau. Tuy nhiên, đến nửa đời người, chắc chắn cái lịch sử này sẽ đòi ta phải chú ý. Vì vào khoảng thời điểm này, nhiều người trưởng thành thấy mình được mời gọi xem sét lại lịch sử ấy và tích nhập tốt hơn một số khía cạnh của nó vào chính cuộc sống mình.

Lời mời gọi xem sét lại đời mình trên đây có thể xuất hiện trong một bất thần giáp mặt với cái phần êm ái trong quá khứ của tôi. Bỗng nhiên tôi được gợi nhớ lại cung cách cha mẹ, thầy cô, người trên, hay cả vợ hoặc chồng tôi nữa, cư xử với tôi. Tôi lấy làm lạ vì sự giận dữ do hoài niệm đó đem lại. Hết giận đến trách móc: các nhân vật trên làm tôi thương tổn, và phải chịu trách nhiệm đối với các khó khăn của tôi hiện nay. Trong cơn giận dữ này, một phần quan trọng trong quá khứ, trong con người của tôi, xưa nay chưa được tha thứ, đã được phát hiện cho tôi. Tôi thấy một mảnh đời mình, cái mảnh xấu xí và gây đau, cái mảnh chưa được tha thứ mà tôi vẫn giấu kỹ xưa nay, nhưng giờ đây nó đòi được chú ý. Hoặc cái phần gây đau, chưa được tha thứ trong quá khứ của tôi kia là điều chính tôi gây ra. Một lầm lỗi hay chọn lựa lầm nay xuất hiện trở lại; mặc cảm tội lỗi và ân hận lại tuôn trào trong tôi. Sự phát hiện này vẫn là một: đây là một phần của chính tôi mà tôi từng ghét bỏ hay chối từ hoặc cảm thấy xấu hổ. Giờ đây, tôi được mời gọi phải hòa giải với nó.

Xem ra có ba giải pháp khi các dữ liệu gây bối rối kia xuất hiện. Tôi có thể bù đầu vào làm việc để tìm cách chôn giấu cái phiền toái từ quá khứ ấy đi. Ở đây, hy vọng là tôi có thể làm ngơ được nó. Tôi coi nó như một điều gây chia trí; tôi ức chế nó một lần nữa và hy vọng nó sẽ biến mất. Giải pháp thứ hai là nắm lấy các cảm xúc trách móc hay mặc cảm tội lỗi, và với một hăng say mới, lao mình vào diễn trình trừng phạt: trừng phạt cha mẹ, người phối ngẫu, hay chính bản thân mình. Giải pháp này là để trả đũa cái phiền não mà quên không nhận ra cái cơ may của nó. Giải pháp thứ ba là giáp mặt với việc trách móc hay mặc cảm tội lỗi coi nó như giai đoạn quan trọng đầu hết của lời mời nội tâm. Khi cảm nghiệm được các cảm xúc mạnh của quá khứ, rất có thể đến lúc sau chót, tôi cũng sẽ cảm nhận được lời mời gọi tha thứ. Cái biến cố mạnh mẽ mà tiêu cực này đã xẩy ra và thực sự đã ảnh hưởng tới đời sống của tôi. Nhưng như tôi có thể sẽ thấy, tôi không còn cần phải trách móc, đổ lỗi cho cha mẹ tôi hay một thẩm quyền nào nữa; tôi không cần phải mang mặc cảm tội lỗi nào nữa về các hành vi của chính mình. Tôi có thể tha thứ cho cái phần gây đau và bị thương của quá khứ tôi, vốn là một phần của chính tôi. Có lẽ tha thứ là một hạn từ có vẻ hạ mình quá chăng; vì thực ra tôi có thể ôm lấy cái phần quá khứ của tôi ấy mà chào đón nó vào cuộc sống hiện tại của mình. Cái ôm này không tự nó biến cải quá khứ như trò ảo thuật; vì nó đâu có làm cho cả cơn đau lẫn vết thẹo biến đi. Nhưng cái ôm và hòa giải với quá khứ này giống như một thứ hành động trừ qủy: cái phần bản ngã tôi này, với những giận dữ và mặc cảm tội lỗi chứa chấp trong nó, đã mất đi quyền lực trên tôi. Khi, với thời gian, tôi đã có thể tha thứ cho cái biến cố ấy của quá khứ tôi, tôi có thể hủy tiêu quyền lực phá hoại của nó đối với đời tôi. Tôi không cần phải chối bỏ hay tránh né cái phần của chính tôi đó nữa. Nó không còn khả năng làm tôi thương tổn như nó từng làm trước đây nữa, vì tôi đã ôm lấy nó, đã chào đón nó vào nhà, và khi làm như vậy, đã lột hết quyền lực của nó đi.

Làm sao những điều kỳ diệu như thế lại có thể xẩy ra? Kitô hữu từng học được điều trên từ chính cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Khả thể tha thứ là một khả thể lạ lùng nhất trong các mạc khải của Kitô giáo. Khi trái tim ta cứng lại (chống lại chính ta) và tha thứ xem ra không thể có được hay không thể chịu được, thì Phúc Âm dạy ta khác thế. Mạc khải Kitô giáo dạy ta rằng ta có thể chờ mong điều phi thường ấy từ ngay chính nơi ta. Nó cũng công bố hiệu quả của hành vi tha thứ mạnh mẽ này, rằng quá khứ có thể thay đổi được. Ý niệm số mệnh cho rằng điều đã làm thì đã làm rồi. Nhưng tha thứ nói ngược hẳn lại: nó cho ta năng lực để thay đổi quá khứ và sức mạnh gây thất bại của nó. Ta có thể tha thứ điều cha mẹ, Giáo Hội, người phối ngẫu và cả chính ta đã làm cho ta. Quá khứ, cái quá khứ bản thân của ta, không có chi là hoàn tất như ta đã được hướng dẫn để tin như thế. Nó sinh động và khỏe khắn, năng động và bệnh hoạn, trong các hoài niệm và ký ức của ta. Ở những khúc quanh khác nhau trong đời, ta được mời gọi thăm dò cái phần sống động của bản ngã ấy và tăng tiến diễn trình không ngừng hòa giải và tích nhập, nói lên sự lớn mạnh của chúng ta trong nhân đức tự thân mật với mình.

Sự hòa giải với cái phần bị thương chưa được tha thứ của quá khứ tôi đã trừ khử hết quyền lực của nó trên tôi. Ta có thể dùng các hạn từ tự bảo vệ và tự bảo tồn năng lựợng để thảo luận về hậu quả quan trọng của việc hòa giải này. Tự vệ đâu có chi xấu. Tất cả chúng ta đều cần tự vệ để sống thoát các đòi hỏi và tấn kích của cuộc đời. Ấy thế mà đôi lúc ta lại cảm nhận như mình có khuynh hướng tự vệ thái quá. Khi bắt gặp mình liên tiếp lo điểm trang, chỉnh lại càvạt, hay vuốt lại mái tóc, ta có thể nhận ra cái năng lượng mình đang tiêu phí hàng ngày để bảo tồn cái tôi mỏng dòn kia. Dùng bông đùa hay cọc cằn hoặc những chứng minh thư giới thiệu, ta đã lên binh giáp cho mình chống lại những cuộc tấn công được dự ứng trước, dù có thật hay chỉ tưởng tượng.

Tới lúc trưởng thành và đã cảm thấy dễ chịu với con người thực của mình, ta cần tiêu phí bớt năng lượng đi trong việc tự vệ. Càng dễ chịu với con người đặc thù là bản thân tôi, với quá nhiều điểm yếu cũng như điểm mạnh, tôi càng ít cần đến tự vệ hoặc chứng tỏ mình trước mặt người khác. Sau khi đã được người thân cũng như Chúa dạy cho biết tính đáng yêu, các nhược điểm cũng như nhiều điều khác của mình, tôi cần phải ít chú ý và ít tiêu phí hơn các năng lượng của mình để che giấu các điểm yếu của bản thân, bằng cách phô bầy khuôn dung đẹp nhất và đánh bóng các thiếu sót, cả thể lý lẫn thiêng liêng, của mình.

Đó chính là năng lượng được tiết kiệm, được bảo tồn và được chuộc lại. Khi đã giữ được cái năng lượng này khỏi rơi vào chỗ tự vệ, tôi có thể đầu tư nó vào các cố gắng chăm sóc người khác và quan tâm tới thế giới. Người bạn đời của tôi, con cái tôi, nghề nghiệp tôi, hết thẩy đều cần năng lượng của tôi cả. Thân mật với chính mình mời gọi ta biết dùng cái năng lượng bản thân kia một cách có hiệu năng và hợp nhân đức hơn. Và điều đó, nghịch lý thay, lại là dấu chỉ sự chân thực của nó: nhờ thận trọng và đầy yêu thương chú ý đến chính cuộc đời mình, tôi đã giải thoát được nguồn năng lượng của bản thân mà trước đây đã được tiêu phí để tự vệ và tự chế, giải phóng nó để chăm sóc mạnh mẽ hơn cho thế giới bên ngoài tôi.

Yêu Mình Thái Quá Và Cái Nhìn Thông Sáng Của Tôn Giáo

Kitô hữu từng học cách biết nghiêm khắc đối với việc “nhìn vào bên trong”. Cái nội quan ấy thường được cảm nhận có tính vị kỷ, làm ta sao lãng người khác và chính Chúa, là những người ta phải phục vụ. Việc người Kitô hữu ghét mình có gốc rễ nơi thần học về Cuộc Sa Ngã, từng giải thích nguyên tội như là việc quay mặt vào chính mình. Nền thần học ấy hiểu bản tính con người như hướng chiều về việc chú tâm đến mình một cách hẹp hòi (narrow self-absorption); nó thúc giục ta phải học cách quay hướng cái nhìn ấy. Trong cái hiều ấy, tu đức học Kitô giáo hướng cái nhìn của ta ra khỏi mình, khỏi thân xác ta, điều ấy chắc chắn rồi, nhưng cũng ra khỏi các tham vọng cũng như hy vọng của ta nữa. Tất cả xem ra đều là vị kỷ. Nếu ta đã hư đốn ngay từ bên trong, thì nội quan chẳng có mục đích tôn giáo nào cả. Đúng hơn, nó hướng ta về trạng huống quá tự yêu mình (narcissism). Như thế, tự thân mật với mình chắc chắn không phải là một nhân đức mà là một thói hư, một hình thức tự bạo hành mình về phương diện thiêng liêng (spiritual self-abuse).

Về một nội quan như thế, hai vấn nạn sau đây quả có liên hệ: ta sẽ nhìn chính ta thế nào, và mong thấy được điều chi. Anh chàng Narcissus nhìn xuống ao và thấy mình trong đó, hay nghĩ là mình nhìn thấy. Cái phản chiếu từ nước, mờ mờ ảo ảo ấy, làm anh ta ngây ngất, thu hút hết chú ý của anh ta. Anh ta ngắm đi ngắm lại, quên hết mọi sinh hoạt khác.

Cũng một hình ảnh ngắm nhìn mình trong ao ấy thường xuất hiện trong truyền thống Phật Giáo, nhưng với một ý nghĩa khác hẳn. Theo một trong những truyền thống Phật Giáo, mỗi con người đều giống như một ao nước bùn và quấy động. Ta được mời làm yên cái quấy động ấy, đặt kỷ luật cho đời ta cho đến lúc bùn lầy kia lắng xuống và nước trong tĩnh xuất hiện. Rồi cái nhìn có kỷ cương vào nước sẽ không phát hiện hình ảnh cá nhân, nhưng là hình ảnh bản nhiên của Phật. Ẩn sâu trong lòng ao không phải là hình phản chiếu tư riêng của tôi, nhưng là một bản sắc nối kết tôi với mọi sinh linh khác và nhờ làm thế, mà cho tôi biết thực sự tôi là ai. Một nội quan như thế không dẫn đến việc chú tâm đến mình một cách đầy ám ảnh, nhưng đến việc nhận ra tôi thực sự là ai và tôi thực sự thuộc về đâu. Nội quan Kitô giáo cũng thế, vì chính nó cũng được dùng để làm yên những bão táp do các mối sợ, các tham vọng cũng như các sao lãng gây ra cho cuộc đời, sẽ mạc khải cho ta cả căn tính lẫn sự hiện diện của Chúa. Căn tính sâu xa nhất của tôi không phải là cái tôi cá nhân chủ nghĩa, cô lập. Căn tính ấy là một căn tính chung, và ở đây ta thấy nền huyền nhiệm Phật và Kitô giáo nhất trí với nhau; vì đối với Kitô hữu, đó chính là sự nên một với người khác trong Thiên Chúa. Đây vừa là một dụ ngôn vừa là một nghịch lý: nhờ một nội quan có kỷ cương mà ta khám phá ra tính cộng đoàn của ta với người khác. Nhìn vào bên trong mà xa rời niềm tin như thế là diện đối diện với chỉ một mình tôi mà thôi; nhìn vào bên trong với đức tin là diện đối diện với Thiên Chúa. Trong việc nhận ra ấy, tức cái “ngộ đạo”, dù là bất thần hay tiệm tiến này, ta được cứu thoát khỏi tình trạng quá tự yêu mình vì ta thấy cả mình là ai lẫn mình thuộc về ai nữa.

Bởi thế có những cách khác nhau để nhìn vào bên trong. Tính tự yêu mình thái quá, một thứ thúc ép (compulsion) và làm ta sao lãng, khiến tôi quanh quẩn liên tiếp và vô vọng đi tìm cái ngã của mình. Cuộc lùng tìm ấy không phải là dấu chỉ của tình thân mật với chính mình nhưng là dấu hiệu thiếu vắng nó. Tính tự yêu mình thái quá không phải là khả năng tự yêu mình mà là thiếu khả năng yêu và dễ chịu với chính mình. Tính thúc ép nơi con người tự yêu mình thái quá, tức là người cứ phải loay hoay đi tìm xem “mình là ai” mỗi khi có cuộc trình diễn hay liên hệ mới, cho ta thấy sự khó chịu của họ với chính cái tôi của mình. Việc bận rộn đi tìm như thế cho thấy sự bất an của họ với cái ngã của mình. Nội quan theo nghĩa tự yêu mình thái quá phát sinh không phải từ lòng tự qúy (self-esteem), mà là từ hướng ngược lại.

Nội quan Kitô giáo được hướng dẫn bởi xác tín về tính đáng yêu bên trong của ta và một hiện diện trường cửu trong đó. Có thể không phải lúc nào tôi cũng cảm nghiệm được sự hiện diện kia hay tính đáng yêu của mình, nhưng tôi tin chắc vào chúng. Tôi nhìn vào bên trong để đáp trả lời mời gọi làm bạn với cái con người được Chúa yêu thương là thế. Tự thân mật với mình, trong tư cách một nhân đức Kitô giáo, được khai triển qua nhiều năm nhẫn nại và khoan dung lắng nghe cái tôi số nhiều và không ngừng tỏ mình ra ấy. Dần dần, tôi đạt tới việc phân biệt được các hạn chế bản thân cần được thay đổi và các hạn chế bản thân cần được khoan thứ và ôm lấy. Càng ý thức sắc cạnh hơn về mình, tôi càng thấy ra không những các giới hạn và bất toàn của mình, mà cả tính đáng yêu của mình nữa. Tôi còn có thể cảm nhận một cách rờ mó được một hiện diện bên trong, một hiện diện không những không làm tôi sao lãng chính căn tính của mình mà còn khích lệ tôi đi sâu vào nó hơn.

Nửa Đời Người Và Hôn Nhân: Căn Tính Lớn Mạnh Chỗ Nào

Kiến thức cần có thời gian; việc tự biết mình, mà kết quả là kính trọng và khoan dung sâu xa hơn đối với con người đặc thù là chính bản thân tôi này, cần cả hàng chục năm.

Trong những năm đầu đời trưởng thành, ta chỉ có rất ít tư liệu về chính bản thân mình. Khả thể thì nhiều; cơ hội, lý tưởng và ước mơ thành công không thiếu. Các hoài mong của người khác thắt rất chặt các mối hy vọng của chính chúng ta. Năng lực của ta vừa phấn khích vừa làm ta sao lãng. Ở đầu đời trưởng thành, ta thường phí phạm một cách không cần thiết khá nhiều thì giờ vào việc kiểm nghiệm các tiêu chuẩn bên ngoài xem mình làm ăn ra sao; ta tìm cách để “chứng tỏ” mình, nghĩa là để ai đó hay việc gì đó chứng thực cho căn tính và giá trị của ta.

Người ta thường diễn tả việc trưởng thành như là diễn trình “đi tìm bản thân”, tiến đến việc ý thức được ta có khả năng ra sao đối với việc mình đang làm, cũng như mình có những giới hạn nào. Ý thức này mỗi ngày một ít dựa vào các tiêu chuẩn bên ngoài hoặc sự phê chuẩn của người khác. Càng tìm thấy mình, ta càng nhận thấy ít nhu cầu phải chứng tỏ mình.

Điều mà ở tuổi 25 ta thấy không thể có sẵn thì đến tuổi 40 hay gần như thế sẽ trở nên rõ ràng hơn: ý thức được những điểm mạnh trước đó ta không ngờ; những giấc mơ mà trước đó vốn chôn kín dưới những cái “phải thế này thế nọ” trong các hoài mong của người khác, nay đã hiện diện; các mối sợ sệt khi còn thiếu thời chỉ được gợi ý nay có hình thù cụ thể. Tất cả những điều ấy cho thấy tự thân mật với mình là một nhân đức có mùa đặc biệt vào tuổi nửa đời.

Tự thân mật với mình không phải là việc làm riêng. Ít người trong chúng ta nhìn nhận là hữu hiệu khi rút vào cô lập hòng học biết về mình và yêu mình. Đối với phần đông chúng ta, hôn nhân và gia đình là hai lãnh vực của thách đố này. Chính bạn đời trong hôn nhân, con cái, bằng hữu và đồng nghiệp ta phản ánh lại các tư liệu cho ta thấy ta là ai và ta trở nên con người như thế nào. Tôi thấy ra rằng người phối ngẫu của tôi thường hay thấy nhiều điều của tôi trước khi tôi thấy chúng; điều ấy là khía cạnh vừa phấn khích vừa bẽ mặt trong hôn nhân. Như thế, người bạn đời của tôi là phương thế cho việc tự phát hiện chính mình. Con cái tôi nữa cũng góp phần đáng kể vào việc phát hiện này vì chúng lôi ra khỏi tôi đủ cả sợ sệt lẫn nổi sùng mà trước đây tôi đã thành công trong việc giấu kín chúng cho cả chính tôi nữa. Penelope Washbourne trong Trở Thành Đàn Bà (Becoming Women) nói về lời mời gọi tự thân mật với mình mà con cái có thể cung cấp như sau:

Tôi khiếp đảm khi thấy cái năng lực cháu nó xổ tung các xúc cảm trong tôi, cả những xúc cảm thương yêu cũng như các xúc cảm giận dữ. Tôi không nghĩ về tôi như một con người bạo lực, nhưng qua cháu tôi biết tôi quả là con người ấy…Hỡi các con thân yêu của chúng ta. Các con có năng lực tiêu hủy mọi thứ giả tạo và dồn chúng ta để chúng ta thấy rõ chúng ta là ai, làm chúng ta khiêm hạ nhận ra mình với mọi thứ mặt nạ bị xé nát tan tành! (tr.125).

Việc lột mặt nạ cái tôi kia, do người phối ngẫu và con cái tôi, phát hiện cho tôi nhiều điều chắc chắn về tôi và mời gọi tôi vừa thay đổi vừa chấp nhận mình cách mới hẳn.

Vì là một nhân đức, việc tự thân mật với mình tùy thuộc nhiều vào các kỹ năng cần thiết để phát triển nó cách thực tiễn. Có cảm nhận những bất ổn hay mộng ước bên trong, ta mới bị thách thức phải dành thì giờ mà lắng nghe; càng lắng nghe, ta càng cần tới khả năng nêu tên các cảm xúc của mình. Cần có can đảm và kỹ năng, ta mới chia sẻ những tư liệu gây bối rối và phấn khích này với những người thân cận nhất với ta. Việc lắng nghe, nêu tên và chia sẻ có tính cách kỹ năng ấy sẽ hướng dẫn các diễn trình hoà giải và tha thứ vốn là thành phần quan yếu trong việc tự thân mật với mình ở tuổi nửa đời người.

Cô Đơn và Cô Tịch

Tất cả chúng ta đều sống một mình nhiều giờ. Dù bận rộn bao nhiêu, ta vẫn sống “trong ta”, phải đối diện với cuộc sống nội tâm của mình. Cô đơn và cô tịch nói lên hai cách thế rất khác nhau ta phải hiện diện với chính mình; mỗi tình huống đều có liên hệ với diễn trình trưởng thành của ta trong việc tự thân mật với mình.

Cô đơn (loneliness) có nhiều hàm nghĩa. Đối với chúng ta ở đây, từ này diễn tả cảm nghiệm không thoải mái với chính mình. Tôi có thể cô đơn trong đám đông cũng như lúc ở một mình. Cô đơn xẩy tới khi tôi ra xa lạ (alienated) với chính các tài nguyên của mình. Nghi ngờ hay khiếp đảm, hay tởm gớm mình là ai, nên tôi không thể thoải mái với chính bản thân mình. Tôi không dễ chịu với điều đang có trong tôi nên tôi cần phải khuây khỏa; tôi bèn vặn nhạc lên, nói lớn tiếng, hay làm mình bận bịu. Khi cô đơn, ta thấy khó mà tĩnh tâm hay cầu nguyện; sự cô đơn khiến ta sao lãng cả chính mình.

Madonna Kolbenschlag, trong tác phẩm Hôn Từ Giã Người Đẹp Đang Ngủ (Kiss Sleeping Beauty Good-bye) , cho hay ghen tức (envy) là đặc tính của người không thoải mái với chính mình. Vì thiếu tự tin nơi chính tôi, nên tôi cần xem chừng xem có ai hơn mình, có dáng đáng yêu hơn mình, tiến bộ trước mình hay không. Vì không tin tưởng vào các tiêu chuẩn bên trong đo lường giá trị của tôi, nên tôi buộc phải tìm ở bên ngoài các định mức cho căn tính và giá trị của mình… Vì sống trong phong thói hướng ra người khác như thế, tôi trở thành con mồi không những cho lòng ganh ghét mà cả cho tình trạng trầm cảm nữa. Vì trầm cảm thực ra là khó chịu, là cảm thấy không thỏa mãn với mình một cách nghiêm trọng. Tôi bất mãn với các giới hạn, các thiếu sót, với chính nét đặc thù của mình. Người trầm cảm và ganh ghét mong ước mình là một người khác, hiện diện nơi khác. Họ không thoải mái với chính họ. Kolbenschlag cho rằng ganh ghét có thể là cám dỗ đặc biệt của phụ nữ. Trong nền thần học cổ điển của Kitô giáo, tội nặng nhất là tội kiêu ngạo và vỗ ngực về mình (self-assertion). Ngược lại, ganh ghét là tội của người không chịu vỗ ngực về mình, thất bại không tìm thấy mình và trở nên chính mình. Nhân đức Kitô giáo, giúp tăng sức mạnh để ta vượt qua tội ganh ghét cũng như bệnh trầm cảm và lẻ loi, chính là tự thân mật với mình.

Cô tịch (solitude) là một cảm nghiệm khác của việc sống một mình. Các hàm ý của nó khác với cô đơn: cô tịch không phải là ra xa lạ nhưng là một thinh lặng êm dịu (mellow quiet): một thoải mái, có lẽ pha một chút buồn, với việc ở một mình. Ta bắt đầu cuộc suy tư này với hình ảnh cái tôi như số nhiều, bao gồm một loạt các khả năng, các thiếu sót lẫn hàm hồ lưỡng nghĩa. Căn nhà của bản ngã, do đó, có đủ thứ cư dân cư ngụ. Tự thân mật với mình và cô tịch cho thấy một tình trạng yên tĩnh nào đó trong gia đạo. Cái êm dịu của cô tịch nhắc ta nhớ rằng việc hiện diện với chính tôi không luôn luôn là một cảm nghiệm vui thích. Tự thân mật với mình bao hàm không phải việc trục xuất hay chối từ tất cả các phần thất bại hay chưa hoàn tất trong tôi, nhưng là ôm lấy các khía cạnh ấy. Cô tịch gợi lên ý niệm thanh thản sâu sắc với con người đặc thù là chính bản thân tôi. Trở lại với ẩn dụ coi bản ngã như căn nhà: phần nào đó, căn nhà nào cũng bị (ma) ám. Ta thường hay nói về các gia đình có bộ xương khô trong phòng để đồ (skeletons in the closet). Căn nhà nội tâm của tôi cũng thế. Người cô đơn, không thoải mái với nhiều cư dân của bản ngã, thường có khuynh hướng tránh xa khỏi nhà. Trái lại, lúc cô tịch, tôi trở nên có ý thức hơn, và thoải mái hơn, với các bộ xương khô và các con ma chưa được giải trừ trong cuộc sống nội tâm của tôi. Sự thoải mái này, đến lượt nó, sẽ góp phần giúp tôi kết thân và thuần hóa, nói cách khác là tích hợp cái tôi số nhiều của mình.

Hoa trái của tự thân mật với mình, được cảm nhận trong cô tịch, là khả năng có thể sống một mình. Tôi không cần phải chất đầy cuộc đời mình một cách bừa bãi bằng đủ mọi thứ sinh hoạt và công việc bề bộn. Đôi lúc, tôi có thể ngưng nói chuyện và để ồn ào lắng xuống. Việc này có thể làm được vì tôi biết điều còn để lại cho tôi sau đó, nghĩa là chính bản thân tôi, là điều tốt. Sẽ không còn vọng động, mặc cảm tội lỗi cũng như chán chường để mà loay hoay nữa; chỉ còn lại cái bông đùa dịu dàng (mình cũng lạ!) và niềm biết ơn (đời mình quả có phúc!). Trong những khoảnh khắc cô tịch, bất kể là cưỡng đặt như lúc bị bệnh, hay tự ý chọn như lúc cầu nguyện và ngày tĩnh tâm, tôi có thể lắng nghe một cách phó thác hơn các giọng nói trong tâm khảm. Trong số các giọng nói này, tôi mong nghe được tiếng nói của Thiên Chúa chúc phúc cho tôi, ban cho tôi tầm nhìn và niềm hy vọng mới.

Đọc Thêm

Việc khai triển ra sự thân mật với chính mình được bàn thảo dưới nhiều danh xưng khác nhau và được theo đuổi dưới nhiều chiến lược khác nhau. John English, một linh mục dòng Tên người Gia Nã Đại, trong cuốn Choosing Life (Paulist Press, 1978) phác họa ra một phương pháp suy tư và quyết định bản thân dựa trên các nhân đức Kitô giáo. Trách vụ có tính tôn giáo phải tha thứ một phần cái quá khứ của ta được Dennis Linn và Matthew Linn thăm dò trong Healing Life’s Hurts (Paulist Press, 1978). Muốn biết các suy tư và thực tập thực tiễn nhắm tới tự thân mật với mình, xin xem cuốn Our Many Selves (Harper & Row, 1971) của Elisabeth O’Connor. Một suy tư trọn vẹn hơn về nhân đức này được Louis Dupré cung câấ trong Transcendent Selfhood: The Loss and Rediscory of the Inner Life (Seabury, 1976)…

Henry Nouwen khảo sát tầm quan trọng và điểm mạnh của cô tịch trong Clowning in Rome (Doubleday Image, 1979). Về cảm nghiệm cô đơn, xin xem cuốn The Wounded Healer (Doubleday Image, 1979) của ngài. Trong phần đầu cuốn The Culture of Narcissism (Norton, 1978), Christopher Lasch dựa vào tư duy phân tâm học gần đây để đưa ra một miêu tả tuyệt vời về lòng tự yêu mình thái quá. Chẳng may, lời chỉ trích chua cay ở những phần còn lại của sách đã làm hỏng giá trị toàn diện của nó.


(... còn tiếp)