Tình hình mục vụ Cộng đồng Công giáo Việt nam tại Na Uy



Theo thống kê chính thức, tính đến đầu năm 2006, tại Na uy có 46.439 người Công giáo (trên tổng số 4.606.003), tức 1% dân số. Trong số đó có 3.687 người Công giáo Việt nam (10%). Người Công giáo Việt nam là sắc dân đông thứ ba trong Giáo hội Công giáo (sau người Na uy và Phi luật tân).

Thành phố Oslo
Na uy có 3 giáo phận. Giáo phận Tromsø ở miền Bắc hầu như không có người Việt nào sinh sống và cũng không có linh mục Việt nam nào làm việc tại giáo phận này. Giáo phận miền Trung, Trondheim, có 250 người Việt Công giáo, và 2 linh mục Việt nam (cha Gioan Vũ mạnh Hùng và Đa minh Nguyễn văn Thành) trong số 5 linh mục của giáo phận. Đại đa số người Việt Công giáo còn lại thuộc giáo phận Oslo. Có 9 linh mục Việt nam (cha F.X. Huỳnh tấn Hải, Giuse Lâm công Lương, Simon Võ Hoàng Phương Linh, Carlô Lê Hồng Phúc, Phêrô Nguyễn tuấn Văn, Anrê Marie. Lê thiên Vinh, Phaolô Phạm hữu Ý, cha Micae Nguyễn duy Dương, Lui Đặng quang Tiến) trong số 55 linh mục thuộc giáo phận (13%), và 2 đại chủng sinh. Hầu hết các linh mục Việt nam đều làm việc tại các giáo xứ.

Ngoài ra tại giáo phận Oslo có 2 cộng đoàn nữ tu Việt nam: Mến thánh giá Quy Nhơn (8 chị) và Mến thánh giá Nha Trang (5 chị).

Trung tâm Mục vụ Việt Nam

Đầu thập niên 80, làn sóng thuyền nhân tị nạn lên cao, Na uy tiếp nhận nhiều thuyền nhân. Trong nỗ lực giúp đỡ đời sống tinh thần cho các thuyền nhận tị nạn tái lập cuộc sống nơi đất tha hương, Toà giám mục Oslo, với sự trợ giúp của các nữ tu dòng thánh Giuse, đã thành lập Trung tâm mục vụ Việt nam (TTMV/VN).

Mùa Thu năm 1980, một cơ sở rộng rãi của các nữ tu dòng thánh Giuse tại Snarøya đã được dành làm Trung tâm Mục vụ Việt nam. Lúc đầu Trung tâm chỉ dành làm nơi ở của các linh mục và ứng sinh linh mục Việt nam, được điều hành bởi một hội đồng không phải là người Việt nam.

3 năm sau, mùa Hè 1983, nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ cho người Việt trên toàn giáo phận, các linh mục Việt nam đã được bổ nhiệm đến các cộng đoàn xa Oslo và Trung tâm được chuyển về một cơ sở khác của các nữ tu thánh Giuse, Akersvn 6, cạnh Tòa Giám mục. Cũng kể từ đó, Trung tâm được điều hành bởi linh mục Việt nam và dần dần trở thành một điểm tựa cho đời sống đức tin, nơi điều hành mọi sinh hoạt của các cộng đoàn Công giáo Việt nam tại vùng Đông.

Đầu năm 1994, các nữ tu dòng thánh Giuse đã lấy lại cơ sở Akersvn 6, Tòa Giám mục đã mướn tạm Fredenborgsvn 24 để làm Trung tâm. Tuy cơ sở hiện nay quá nhỏ nhưng Trung tâm vẫn duy trì được chức năng của mình.

Được thành lập năm 1980, nhưng mãi đến năm 1992, Trung tâm mới có một qui chế thành văn do đức giám mục phê chuẩn. Theo qui chế, Trung tâm có mục đích ”đáp ứng nhu cầu mục vụ cho người Công giáo Việt nam trong giáo phận Oslo”. Trên thực tế Trung tâm phục vụ trực tiếp cho các cộng đoàn Công giáo Việt nam thuộc vùng Đông Na uy. Cuối năm 1994, Đức giám mục đã cho thành lập Hội đồng Mục vụ vùng Đông, gồm đại diện của các Ban mục vụ các cộng đoàn để cùng với TTMV/VN lên chương trình và phối kết các sinh hoạt chung.

I. Sinh hoạt của Trung tâm

Tờ báo Mục Vụ của Trung Tâm Mục Vụ
Sinh hoạt thường ngày của TTMV/VN tương tự như văn phòng của một giáo xứ. TT thay cho tất cả cả giáo xứ trong vùng hướng dẫn, lo thủ tục và giúp người Việt Công giáo lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích rửa tội và hôn phối. Hằng năm, trung bình có khoảng 50 em lãnh nhận bí tích rửa tội, 25 cặp cử hành hôn lễ và 10 người trở lại đạo.

Trung tâm cũng là nơi gặp gỡ, hội họp của các nhóm sinh hoạt. Các lớp giáo lý dự tòng và chuẩn bị hôn nhân cũng được tổ chức tại trung tâm. Để liên lạc, cung cấp những tin tức và giáo huấn cần thiết của Giáo hội, Trung tâm phát hành bản tin ”Mục vụ”, hai tháng một kỳ. Bản tin được gửi đến mọi gia đình Công giáo Việt nam trên toàn giáo phận.

Những sinh hoạt do TTMV chịu trách nhiệm:

A. Các nhóm cố định :

Tại Oslo:

Ban Mục vụ (thành hình năm 1978), cùng với Trung tâm phối kết mọi hoạt động tại Oslo.
Lớp giáo lý (thành lập năm 1980): có khoảng 200 em, được chia làm 9 lớp và do 25 thầy cô phụ trách.
Ca đoàn : Có 4 ca đoàn: Trinh vương với 40 ca viên. Ca đoàn thiếu niên: 35 ca viên. Ca đoàn Thánh tâm (phụ huynh trẻ): 25 ca viên. Ca đoàn phụ huynh trung niên: 20 ca viên.
Ban giúp lễ (thành lập năm 1986): hiện có 45 em.
Nhóm Tìm hiểu ơn thiên triệu (thành lập năm 1985): Nhiều bạn trẻ đã sinh hoạt trong nhóm. Hầu hết các linh mục và nữ tu trẻ đang làm việc tại Na uy đều xuất thân từ nhóm này. Một số đông khác tìm thấy ơn gọi giữa đời và tích cực sinh hoạt trong cộng đoàn.
Ban điều hành thanh thiếu niên: phối hợp các hoạt động thanh niên, tổ chức các cuộc họp hàng tháng, đặc biệt quan tâm đến các bạn trẻ không sinh hoạt trong các nhóm.
Giáo lý viên: họp hàng tháng để trao đổi kinh nghiệm, bổ túc kiến thức giáo lý và sư phạm. Ngoài thánh lễ Việt nam hằng tháng, nơi tất cả các giáo xứ, cộng đoàn người Việt đều được tổ chức qui củ. Cộng đoàn nào cũng có một ban mục vụ để điều hợp các sinh hoạt của cộng đoàn. Mỗi cộng đoàn cũng có các lớp giáo lý và ca đoàn. Trung tâm Mục vụ cũng chịu trách nhiệm đối với tất cả các sinh hoạt của các cộng đoàn.


B. Các sinh hoạt đặc biệt:

  • Lớp Hè tiếng Việt (thành lập năm 1983): Hằng năm có khoảng 150 em tham dự.
  • Tĩnh tâm: Trung tâm tổ chức tĩnh tâm cho các giới vào mùa Vọng, mùa Chay.
  • Trại hè cho giới trẻ: Ngoài các cuộc trại cho các nhóm sinh hoạt, hằng năm Trung tâm cũng tổ chức cuộc trại hè chung cho giới trẻ toàn vùng. Mỗi năm có khoảng 80 em tham dự.
Suốt từ khi mới thành lập vào năm 1980 đến nay, Trung tâm Mục vụ là điểm tựa cần thiết để cổ võ và phối kết các sinh hoạt trên. Bên cạnh Trung tâm Mục vụ, Hội đồng Mục vụ với thành viên gồm đại diện từ các ban mục vụ cộng đoàn, thực hiện các chương trình mục vụ chung cho toàn vùng Oslo và phụ cận, cụ thể là hằng năm tổ chức lễ Các thánh Tử đạo Việt nam và kiệu Đức Mẹ dịp tháng 5.

II. Những công tác ưu tiên của Trung tâm

Trung tâm đặc biệt để ý đến việc dạy giáo lý, mục vụ ơn gọi và sống tình hiệp thông.

1. Việc dạy giáo lý:

Các lớp giáo lý không chỉ được xem như công việc chuẩn bị Xưng tội rước lễ lần đầu hay Thêm sức, nhưng nhằm giúp các em lớn lên trong đời sống của Giáo hội. Các em dĩ nhiên được chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích, nhưng cũng được hướng dẫn theo sở thích, dấn thân vào các sinh hoạt. Một số em cũng chọn và được thụ huấn để trở thành giáo lý viên trong tương lai. Chương trình như thế đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và khắc phục những khó khăn, nhưng nếu không gieo thì cũng chẳng gặt hái được gì.

2. Mục vụ ơn gọi tận hiến:

Giáo hội tương lai sẽ tê liệt nếu không có những người tự nguyện tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và Giáo hội Ngài một cách đặc biệt. Nhiều người Công giáo nhận định sai lầm về giới trẻ ngày nay và ơn gọi tận hiến. Họ nghĩ rằng giới trẻ không muốn. Thực ra giới trẻ không được hướng dẫn để chọn ơn gọi đó. Có hai cực đoan liên quan đến vấn đề ơn gọi: chọn các em còn quá nhỏ như ngày trước là điều không thể chấp nhận, nhưng để các em tự do đến lúc trưởng thành sẽ lựa là điều ảo tưởng. Mục vụ ơn gọi giúp tránh hai cực đoan nầy và phù hợp với đề nghị của tông hiến ‘Pastores dabo vobis’ (số 64).

3. Sống tình hiệp thông:

TT được thành lập nhằm giúp người Công giáo Việt nam sống đức tin giữa lòng giáo hội địa phương. Hoạt động của TT có thể được nhìn qua các sinh hoạt của cộng đoàn Việt nam ở các giáo xứ như: ban Mục vụ, ca đoàn, lớp giáo lý... Những sinh hoạt nầy được thành lập trước khi các linh mục Việt nam đến làm việc. Chúng được xem như kết quả của truyền thống sống đạo của người Việt nam, được thành hình theo thể thức dân chủ nhằm gom góp tiềm lực của cộng đoàn để phục vụ đời sống Giáo hội. Các linh mục Việt nam và TTMV tôn trọng và đón nhận các sinh hoạt nầy như sự dấn thân của người giáo dân. Những sinh hoạt nầy cũng cần được tôn trọng và nhìn nhận như sự dấn thân hiệu năng cho đời sống và sinh hoạt của giáo xứ.

Từ ngữ ”hội nhập” thường được dùng để diễn tả sự dấn thân của các kiều dân vào đời sống Giáo hội. Rất tiếc hội nhập là một quan niệm hàm hồ, bị hiểu lầm và đã bị lạm dụng rất nhiều. Người ta chỉ nghĩ đến các sinh hoạt nhưng không quan tâm đến chính đời sống đức tin.

Tiệm bán đồ ăn Việt Nam ở Oslo
Tại Na uy và có lẽ cũng như tại nhiều quốc gia Tây Âu khác, ý niệm ”hội nhập” rất phổ biến trong hai thập niên qua dường như càng ngày càng mơ hồ, không có hướng đi lẫn đích điểm.

”Hội nhập”, được hiểu như là nỗ lực của các nhóm kiều dân tham dự vào đời sống của Giáo hội địa phương, nhưng thực tế, tiến trình ”hội nhập” không gì khác ngoài việc phải đứng chung trong thánh lễ bằng tiếng địa phương và một vài công tác phục vụ cần sức lao động. Với ý niệm này, thực tế, chính người giáo dân địa phương cần ”hội nhập” nhiều hơn, bởi vì tỉ lệ thực hành sống đức tin và tham gia vào đời sống giáo xứ của người địa phương rất thấp.

Cần phải thay đổi ý niệm ”hội nhập” bằng ý niệm ”hiệp thông”. Đây không chỉ là thay đổi từ ngữ, nhưng là thay đổi tiêu chuẩn sống đời sống Giáo hội. Sống đức tin, thực hành đức ái, lãnh nhận các bí tích là những yếu tố chính thể hiện hiệp thông. Văn hoá, ngôn ngữ, chủng tộc…không còn là tiêu chuẩn chính. Mọi tín hữu đều được mời gọi sống tinh thần hiệp thông này.

Người Công giáo Việt nam, vì đã từng quen trong tư thế sống đức tin của thành phần thiểu số tại quê nhà, luôn gắn bó nhau, bám chặt, nương nhau để sống đạo, nên dễ bị nhìn như sự hình thành ghetto. Về phía những người Công giáo Na uy, đa số trở lại từ Tin lành, không quen với nếp sống hiệp thông trong những khác biệt và công giáo tính.

Nhu cầu hiệp thông và công giáo tính cũng là một nhu cầu cần phải có ngay cả giữa anh chị em tín hữu Công giáo Việt nam với nhau, vì anh chị em qui tụ từ nhiều giáo xứ, nhiều giáo phận khác nhau, mang theo những truyền thống, tập tục thực hành đạo đức khác nhau. Sau hai thập niên định cư, khuynh hướng ”đô thị hoá” rất phổ biến nơi thế hệ trẻ Việt nam tha hương. Tình liên đới và mối hiệp thông trở thành nhu cầp cấp bách hơn.

Ngay cả giữa anh em linh mục chúng con, vì khoảng cách địa dư và trách nhiệm được trao phó khác nhau, hiệp thông cũng là một thách đố……

III. Một vài dấu chỉ hy vọng:

a. Ra khỏi một đường mòn: Việc tìm người tham gia ban Mục vụ cộng đoàn trong những năm qua khá khó khăn, vì quan niệm chức ”chánh trương” ” ông câu ông biện” dành cho các ”đấng mày râu” lớn tuổi ăn sâu vào tâm trí người Công giáo Việt nam. Quan niệm này đã phai mờ dần. Giới trẻ và giới nữ bắt đầu ”bình thường hoá” việc dấn thân vào ban Mục vụ.

b. Nối được một nhịp cầu: Sinh hoạt mục vụ của người Công giáo Việt nam thường chỉ nhắm đến 3 giới: quí ông quí bà, giới trẻ và thiếu nhi. Thế hệ phụ huynh trẻ thường bị lãng quên, khó kết hợp hoặc ít dân thân. Trong thời gian gần đây, giới phụ huynh trẻ, hầu hết lớn lên, học hành và lập gia đinh tại đất nước định cư đã ”vùng lên”. Gần gũi và lo lắng cho con cái một cách thích ứng hơn, cả trong việc học hành, giải trí cũng như đức tin. Đặc biệt các phụ huynh trẻ lại quan tâm đến tiếng Việt cho con cái hơn thế hệ trước. Trong cộng đoàn, giới này cũng bắt đầu dấn thân tích cực trong nhiều lãnh vực khác nhau như: ca đoàn, trợ giúp các thầy cô giáo lý, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm trong trách nhiệm gia đình. Đây là một nhịp cầu quan trọng của cộng đoàn nối liền hai nhịp cầu giới trẻ và giới già.