NHỮNG TRÀO LƯU TÔN GIÁO MỚI

VÀ NHỮNG VAY MƯỢN TRONG TƯ TƯỞNG Á CHÂU



Trong phần đóng góp của tôi, chúng tôi cố gắng tìm hiểu những yếu tố tôn giáo và tư tưởng Á châu bị trào lưu Thời đại mới ( Nouvel Age/ New Age) đôi khi làm lệch lạc hay giảm thiểu. Chủ để : Những trào lưu tôn giáo mới mà chúng ta nói đến chính là những trào lưu khác nhau về tôn giáo hay tâm linh đi kèm với « linh đạo » New Age. Theo tư tưởng Á châu, đây là một chủ để quá lớn, không thể trình bày hết trong bài viết này. Chúng tôi giới hạn bài viết này trong tư tưởng tôn giáo và tâm linh trong văn hoá Trung Quốc.

Theo văn kiện « Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang Nước hằng sống : suy tư công giáo về trào lưu Thời đại mới » nhận xét : « Trào lưu Thời đại mới xuất hiện, đôi khi đáp ứng nhu cầu tôn giáo và tâm linh cho con người. Trào lưu này nhạy cảm với những người đang tìm kiếm hay tìm lại chiều kích tâm linh của đời sống họ. (…) Nhiều người trong số họ từ bỏ tôn giáo cơ cấu, vì cho rằng : tôn giáo cơ cấu không đáp ứng những nhu cầu tâm linh của họ. Vì thế họ phải đi tìm ở chổ khác một « linh đạo » mới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là thái độ bài thiêng trong xã hội tây phương và những tấn công liên tục và âm ỉ của những phương tiện truyền thông xã hội và chính quyền chống lại Kitô giáo. Do đó, đối với nhiều người, linh đạo Kitô giáo đã trở nên xa lạ và không thể tiếp cận. Trào lưu Thời đại mới cố gắng đem lại một « linh đạo mới ». Linh đạo này chứa đựng những yếu tố rút ra từ « những thực hành huyền bí của Ai cập và Do thái cổ, ngộ đạo thuyết ở những thế kỷ đầu Kitô giáo, khổ hạnh thuyết, (…) Phật giáo phái thiền tông và Yo-ga… ».

Chuyển hướng tâm linh này nằm trong cấu trúc chung và tạo nên tính đặc thù của trào lưu Thời đại mới. Trào lưu này không chỉ tìm kiếm những đường hướng mới nhằm viết lại (reformuler) những chân lý truyền thống Kitô giáo hay của những tôn giáo Á châu, mà còn tìm cách giải thích lại một cách cơ bản cách nhìn về thế giới quá khứ. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ thấy, mặc dù linh đạo và thực hành của nhóm Thời đại mới vay mượn rất nhiều những yếu tố nơi các tôn giáo Trung quốc, trào lưu Thời đại mới còn làm biến dạng rất nhiều. Chúng ta biết rõ ràng, các tôn giáo và hệ thống tư tưởng đặc thù của văn hoá Trung Quốc không phải « mới » như : Lão giáo, Khổng giáo hay Phật giáo, đã xuất hiện ít nhất 500 năm trước Kitô giáo. Với một thời gian dài như thế, các hệ thống tư tưởng nơi Lão giáo, Khổng giáo hay Phật giáo đã đưa đến những hiều biết và thích ứng với những sự thật ẩn dấu nơi luật luân lý tự nhiên. Khổ nỗi, các giá trị lớn về luân lý và kinh nghiệm đạo đức này, nhóm Thời đại mới dường như đã không nhận ra. Rất nhiều các yếu tố của phái Thời đại mới nằm trong linh đạo và tư tưởng Trung quốc như : khuynh hướng chấp nhận và hội nhập các yếu tố tốt đẹp nơi các truyền thống tôn giáo khác; tầm quan trọng của việc sống hài hoà với thiên nhiên như là nền tảng nhân đức (trái ngược, sự vâng phục tự do dựa trên tình yêu đối với thánh ý của Thiên chúa là nền tảng của đời sống ki tô hữu); sự tìm kiếm tích cực cho đời sống phong nhiêu và lâu dài nhờ việc hiểu biết y học cổ truyền và những vận hành tự nhiên của thân thể và tinh thần con người; nhấn mạnh đến mối quan hệ Sư - đồ và đến kinh nghiệm cùng kỹ thuật riêng của môn phái (ngược lại, ki tô giáo nhấn mạnh đến đức tin, tín điều và các bí tích).

Nhìn bề ngoài, trào lưu Thời đại mới có vẻ hòa hợp với các truyền thống tôn giáo khác nhau bằng cách vay mượn những điều tốt đẹp nơi truyền thống và tâm linh của mỗi tôn giáo. Việc này cũng không lạ gì trong truyền thống văn hoá Trung hoa. Có một bức tranh nổi tiếng Trung quốc vẽ Đức Khổng Tử, Lão Tử và Đức Phật gặp nhau tại ngã ba đường. Trên tác phẩm này, chúng ta nhận rõ được niềm vui của ba vị sư tổ của ba hệ thống tư tưởng tôn giáo và đạo đức khi họ gặp nhau suốt chặng đường dài. Hình ành này mô tả tài tình nét văn hoá Trung hoa : sự hoà hợp tôn giáo cho phép họ hội nhập những yếu tố tốt đẹp phù hợp nhất với dân Trung hoa nơi Khồng giáo, Lão giáo và Phật giáo (người ta đang tranh luận lại quanh câu hỏi : Liệu có thể xem Khồng giáo là một tôn giáo ?). Khổng giáo dạy người Trung quốc lòng hiếu thảo trong gia đình và tình liên đới xã hội; Lão giáo với các đức tính : khiêm tốn và chân thật; Phật giáo chỉ cho họ biết về « kiếp sau » (điều này không rõ ràng trong Khổng và Lão giáo) và sự cần thiết phải tu thân nhờ chay tịnh, lòng vị tha, tính khiêm tốn và lòng nhân từ nhằm mục đích chiến thắng sự xấu và đạt đến sự hoàn hảo cá nhân.

Trong lịch sử trung quốc, đã từng xảy ra những tranh chấp, va chạm và tranh giành giữa các môn phái, đôi khi liên can trực tiếp đến ba hệ thống lớn : Khổng, Lão và Phật. Cách chung, cả ba đã tìm cho mình một chỗ đứng chắc chắn trong văn hoá ngàn năm của Trung hoa. Sỡ dĩ được như vậy, người ta rất coi trọng nhân đức xã hội, và cho rằng tất cả các tôn giáo đều « tốt » vì đều dạy con người làm lành, lánh dữ và có những giáo huấn tinh thần phục vụ cho đời sống tâm linh con người. Hơn nữa, ở thượng tầng trí thức, cả ba hệ thống đều bổ túc cho nhau. Ví dụ, Khổng giáo dựa trên việc thực hành khôn ngoan rất cần thiết để đạt đến một đời sống đức hạnh, đã góp phần thúc đẩy rất xa những suy tư dựa trên hệ thống siêu hình nơi Phật giáo. Tân Khổng giáo phát triển thêm và đã ngự trị lâu đời trong tư tưởng Trung hoa cho tới khi tư tưởng tây phương được truyền bá tại Trung quốc vào thế kỷ XIX và XX. Đối với các tôn giáo bình dân : đền đài là nơi qui tụ các tượng thần thánh, những biểu tượng và những thực hành của Lão giáo và Phật giáo.

Phái Thời đại mới cũng vay mượn trong tư tưởng Á châu tầm quan trọng của sự hoà hợp thiên nhiên và vũ trụ. « Các chuyên gia và các « bác sĩ » của nhóm Thời đại mới cho rằng Thời đại mới đã cung cấp những chìa khoá của sự tương ứng giữa các yếu tố của vũ trụ. Chìa khoá này cho phép từng cá nhân điều chỉnh âm điệu của cuộc sống và trở nên hoà hợp cách hoàn hảo với tất cả mọi người và với tất cả những vật xung quanh » (id. 2.2.2). Cũng vậy, nhờ có Thời đại mới mà người ta đạt đến một sức khoẻ tuyệt vời và đạt đến sự phát triển những tiềm lực phù hợp với bản tính và với « ý Trời ». Việc nhấn mạnh đến sự hài hoà với thiên nhiên, hay đúng hơn là cách hành xử tự do phù hợp với ý muốn của một Thiên Chúa ngã vị, thượng trí (transcendant) tạo nên một đặc thù khác trong tôn giáo và tư tưởng Trung hoa. Khổng giáo quan niệm : con người khác với loài vật do « bản tính luân lý ». Vì thế, nhiệm vụ cao trọng của con người nằm trong việc xây dựng sự hài hoà với « bản tính luân lý » hiện sinh. Nói cách khác, đời sống hài hoà Khổng giáo nhằm thúc đẩy thực thi các nhân đức gia đình, trong khi đó, các đệ tử phái Thời đại mới lại cho đó là việc thứ yếu. Đối với Lão giáo, « Đạo » chính là khởi nguồn và là điểm tới của đời sống. « Đạo » mang giá trị đạo đức nhưng «Đạo » luôn vượt lên trên. Sứ mạng của con người là sống hài hoà với nguồn bất tận của sự sống, với chân - thiện - mỹ tuôn ra từ Đạo và theo Đạo. Cuối cùng, Phật giáo dạy người ta trở về « tâm » chứ không phải ở thiên nhiên bên ngoài. « Tâm Phật » có trong mỗi con người và dẫn con người đến sự hiện hữu thượng đẳng. Phái Thời đại cũng quan niệm như thế. Tuy nhiên, cần phải nói ngay rằng : phái Thời đại mới dường như thiếu đi tính nghiêm túc về luân lý và đạo đức. Chẳng hạn, phái Thời đại mới không đặt nặng những điều cấm nghiêm ngặt như phá thai và những mối liên hệ ngoài hôn nhân, đặc thù nơi Phật giáo.

Một trong những chiêu bài của phái Thới đại mới là mang lại một sức khoẻ toàn diện nhờ những kỹ thuật rút ra từ « những truyền thống văn hoá, tôn giáo hay thần bí cổ xưa. (…) Phái Thời đại mới đã cho quảng bá rộng rãi những thực hành như là châm cứu, điện châm, xoa bóp, thiền, điều trị tâm lý hay là những cách thức xử dụng cây cỏ để chữa bệnh (…) Họ cho rằng, trong mỗi người có thể khám phá ra sức mạnh chữa lành, chúng ta có thể tiếp xúc với những nguồn năng lượng nội tại hay vũ trụ » (ibid, 2.2.3). Cách tiếp cận này rất giống với những phương pháp y khoa cổ truyền trong truyền thống đạo Lão. Lão giáo nguyên thuỷ nhấn mạnh đến sự tốt đẹp của sự sống; đặt tầm quan trọng của thái độ khiêm tốn, nhờ đó mà con người được thúc đẩy tìm kiếm một « chỗ nhỏ bé »; đạo Lão cũng dạy người ta tôn trọng môi trường, cây cối. Sự sống chính là đời sống cụ thể trong thế giới này rất quí giá, quí hơn địa vị xã hội và sức khoẻ. Sau này, trong một vài khía cạnh khác của đạo Lão, người ta không còn chủ trương tìm kiếm sự hài hoà với Đạo, mà tìm kiếm những cách thế để duy trì, bảo vệ và tăng triển sự sống. Còn đối với phái Thời đại mới, có một vài phương pháp mang tính tự nhiên, một số khác có vẻ mê tín, số khác nữa đôi khi hàm chứa khuynh hướng về ma quỉ. Càng về sau, trong đạo Lão, xuất hiện một số hình thức khác xa so với ý hướng ban đầu và với sự khiêm tốn của Lão Tử.

Phái Thời đại mới cũng chia sẻ quan niệm Luân hồi có nguồn gốc từ Ấn độ giáo được truyền tới Trung hoa qua ngả Phật giáo. Theo thuyết Luân hồi, linh hồn hiện diện thường xuyên trong sự xoay vòng của thân thể. Trong Phật giáo, điều này có liên quan đến một chu kỳ của sự đau khổ. Trong chu kỳ này, một cá nhân được sung sướng hay bị trừng phạt do cách sống của kiếp trước. Theo luật Karma, với lối sống tồi bại, sự bị trừng phạt đôi khi cả hàng triệu năm trong âm phủ trước khi có thể đạt tới cõi Niết bàn. Tương tự, phái Thời đại mới giải thích cách tích cực quan niệm Trung Hoa về Luân hồi cho rằng : Luân hồi như một tiến trình thực tập và hoàn thiện cá nhân. Cách này cho phép loại bỏ đi nố « âm phủ » trong Phật giáo (id, 2.2.3).

Cả ba hệ thống tư tưởng Trung Hoa nhấn mạnh đến chỗ đứng của kinh nghiệm tôn giáo và luân lý dưới sự hướng dẫn của Sư phụ như là chìa khoá của sự phát triển tâm linh. Ngược lại, trong Kitô giáo, tôn giáo là câu hỏi về kinh nghiệm tâm linh chứ không phải là giáo thuyết. Phái Thời đại mới cũng nhấn mạnh đến kinh nghiệm thiêng liêng hơn là giáo thuyết. Đặc biệt trong Phật giáo và Lão giáo, có một số kỹ thuật và kỷ luật giúp đạt tới những kinh nghiệm thiêng liêng. Chúng ta cũng nhận thấy trong các tôn giáo Đông phương một điểm căn bản không có trong phái Thời đại mới. Hiện nay tại Đài Loan, để trở nên một Sư phụ, cần phải trải qua một thời gian dài sống cách ly với thế giới bên ngoài để tu thân, tích đức. Trong số những vị Sư phụ hiện nay ở Đài loan, một số đã sống từ 15-20 năm trong chay tịnh và suy gẫm, một hình thức giống các Thầy tu Kitô giáo trong sa mạc (Pères du Désert), trước khi xuất hiện để trở thành người hướng dẫn các môn sinh.

Để kết luận, từ đầu đến giờ, chúng tôi đã cố gắng tóm lượt một vài yếu tố mà phái Thời đại mới đã vay mượn trong tôn giáo và tư tưởng Trung Hoa. Như chúng ta đã thấy, dù cho có một vài yếu tố của phái Thời đại mới có nguồn gốc trong các tôn giáo Á châu, các yếu tố này được áp dụng trong một kiểu mẫu mới không những khác biệt với Kitô giáo mà còn khác biệt với Khổng, Lão và Phật giáo nữa. Sự khác biệt đó có thể tóm lượt như sau : « Thực ra, sự thu hút của phái Thời đại mới gắn liền với sự đề cao cái tôi, đến giá trị, các khả năng và những vấn đề liên quan đến cái tôi. Sự hấp dẫn này được thổi phồng bởi nền văn hoá chung quanh. Bởi vì, nếu tôn giáo truyền thống tạo thuận lợi cho cộng đồng, linh đạo truyền thống thúc đẩy từ bỏ cái tôi, thì ngược lại phái Thời đại mới cổ động cho chính cái tôi. Cái tôi của con người phải được phát triền và khẳng định. Phái Thời đại mới nhằm phục vụ cái tôi của tín đồ, bằng cách tạo khoảng cách với nền văn hoá chung quanh, để khẳng định căn tính cá nhân gắn với cách sống » (Ibid, 2.2.4). Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nơi nghệ thuật truyền thống trung hoa mô tả rất thường xuyên cảnh thiên nhiên và đám đông nhưng không chú ý đến cá nhân để nhận thấy sự khác biệt giữa các hình thức linh đạo truyền thống làm nên nền tảng văn hoá Trung Hoa và các hình thức của phái Thời đại mới. Sau hểt, phái Thời đại mới là một cách hội nhập mới giữa các tôn giáo Đông phương và Tây phương. Thật vậy, nếu tất cả các tôn giáo được xây dựng trên kinh nghiệm tôn giáo đặc thù và trên sự thức tỉnh tâm linh (illumination spirituelle) của những bậc sáng lập, thì phái Thời đại mới khó có thể thực hiện trên bình diện toàn cầu những gì Trung hoa đã biết cách hội nhập vào trong văn hoá của mình Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo và đạt tới một sự tổng hợp những yếu tố tốt đẹp nơi mỗi tôn giáo trong lòng một nền văn hoá mới trên bình diện toàn cầu. Đức Giêsu không chỉ là một con người, Ngài còn là Thiên Chúa Vĩnh cữu, những chân lý cao siêu của con người trong các tôn giáo chỉ có thể đạt tới sự hoàn hảo khi những chân lý này được tháp nhập vào những chân lý thần linh được mạc khải bởi Con Thiên Chúa.

Thiện Hưng dịch - theo www.clerus.org - Les Nouveaux Mouvements Religieux et leur contexte dans la pensée asiatique, Prof. L. Aldrich – Taipei.