ĐỌC SỨ ĐIỆP GIỚI TRẺ THẾ GIỚI XVII

1. KÍNH NHỚ THẦY GIẢNG ANRÊ PHÚ YÊN

Tìm đọc lại những tài liệu, những bài viết về Đại Hội Giới trẻ Thế Giới lần thứ 17, tôi nhận ra một vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam, đặc biệt là cho giới trẻ Việt Nam. Trong số mười vị thánh trẻ mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolơ II nêu gương trong sứ điệp gởi các bạn trẻ nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 17 như là ánh sáng mà các bạn hãy dùng nó soi chiếu cho đời mình, có một tấm gương rất trẻ trung, một người con ưu tú của giáo Hội Việt Nam, một người bạn đồng trang lứa với mọi anh chị em thanh thiếu niên Việt Nam: THẦY ANRÊ PHÚ YÊN, vị tử đạo tiên khởi còn rất trẻ của Giáo Hội Việt Nam.

Lý lịch của Thầy Anrê Phú Yên được người ta biết quá đơn giản: sinh khoảng 1624 hay 1625. Khoảng 15 tuổi lãnh bí tích rửa tội, 17 tuổi tuyên khấn trong bậc thầy giảng. 19 tuổi được phúc tử đạo. Ngay một cái tên thật của Thầy cũng không còn ai nhớ. Cha Đắc Lộ, người rửa tội cho Thầy, chỉ gọi Thầy bằng tên thánh. Bởi đó, lòng quí mến của mọi người đã tặng cho Thầy một tên mới: Anrê Phú Yên. Đó là tên thánh và tên của quê hương Thầy ghép lại. Nhưng suy cho cùng, lại thấy hay quá. Bởi Thầy có còn giữ cho riêng mình điều gì nữa đâu. Mạng sống, thân xác – mỗi một người sinh ra trong cuộc đời chỉ có một duy nhất, nghĩa là rất quí giá, chết là mất, chết là không còn hiện diện, dù vậy Thầy cũng đã dâng hiến. Ở lứa tuổi còn quá trẻ trung, sức sống đang dồi dào mãnh liệt, một lứa tuổi sẽ đi qua và không bao giờ trở lại, Thầy cũng đã dâng hiến, bởi đó một cái tên có là gì. Anrê Phú Yên, từ ngày nằm xuống, giống như muôn ngàn vị thánh, đã trở thành bất hũ trong lòng người, là gia sản chung của cả Giáo Hội, nghĩ cho cùng, được mang tên quê hương, Thầy chính là người hạnh phúc.

Cứ tưởng rằng ở tuổi 19, người ta sẽ rất nông nổi, bồng bột. Cứ tưởng 19 tuổi, người ta chẳng tha thiết gì đến chuyện đạo đức, lạnh nhạt với việc cầu nguyện và sống đức tin. Nào ngờ, một chàng trai 19 tuổi như Anrê Phú Yên đã trở thành thánh nhân. Ở lứa tuổi mới bắt đầu bước vào tuổi thanh niên, lứa tuổi đẹp nhất đời người, Anrê có quyền sống để hưởng niềm vui, hưởng cái hạnh phúc mà tuổi trẻ vốn có, nhưng Anrê đã khước từ tất cả để chọn cho mình một vinh quang khác thiêng liêng, sâu lắng và đẹp vô cùng: vinh quang thập giá. Vinh quang mà Chúa Giêsu đã chọn, Anrê đã bước theo và rao giảng trong suốt những chuỗi ngày làm Giáo Lý Viên của mình.

2. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THẦY ANRÊ

Nếu thân xác mà Chúa Giêsu mặc lấy, đã từng sống một cuộc đời khó nghèo, vất vả và cuối cùng đã đổ máu để minh chứng cho Tin Mừng Nước Trời mà Ngài rao giảng, thì Anrê Phú Yên đã không đi ngoài con đường Giêsu đã đi. Là một Thầy giảng, tuổi đời còn rất trẻ, Anrê đã hiến thân như Chúa Giêsu: đổ máu minh chứng cho lời rao giảng của mình.

Cái chết của Thầy giảng Anrê được cha Đắc Lộ kể lại trong cuốn Hành trình truyền giáo: “Một tên lính lấy giáo đâm Thầy từ phía lưng thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Lúc đó Thầy Anrê nhìn tôi âu yếm như thể vĩnh biệt tôi. Tôi bảo Thầy hãy nhìn lên trời nơi Thầy sắp tới và có Chúa Giêsu đón Thầy. Thầy ngước mắt lên trên cao và không nhìn xuống nữa. Cũng tên lính rút giáo ra, đâm lần thứ hai, rồi đâm lại lần nữa như thể muốn tìm trái tim Thầy.

Nhưng người vô tội vẫn không nao núng, thật là kỳ diệu. Sau cùng tên đao phủ thấy lưỡi giáo không làm cho Thầy lăng xuống đất, liền lấy mã tấu chém cổ, nhưng vẫn chưa xong, phải thêm nhát nữa làm đứt hẳn cổ, đầu rơi về bên tay phải chỉ còn vướng mảnh da”.

Có một điều đáng nói, cần phải nhấn mạnh đó là ngay chính lúc lý hình vung gươm chặt phăng chiếc đầu của mình, Thầy Anrê còn kịp thốt lên hai tiếng “Giêsu” đầy kính trọng và yêu quí. Cha Đắc Lộ viết tiếp ngay sau nói về cái chết của Thầy: “Nhưng tôi nghe rất rõ cùng lúc đầu rơi khỏi cổ, thì tên thánh Chúa Giêsu không phải từ nơi miệng Thầy thốt ra mà qua vết thương ở cổ, và cũng lúc hồn bay về trời thì xác lăn xuống đất”.

“Giêsu” thánh danh mà Anrê đã tin tưởng trong ngày chịu rửa tội ở tuổi mười lăm. “Giêsu” cũng là thánh danh mà Anrê đã từng giảng dạy trong hai năm làm Giáo Lý viên. Và trong giờ chịu tử nạn, thánh danh Giêsu trở thành sức mạnh để Anrê chấp nhận cái chết, một sức mạnh can trường giống như lời thánh Phaolô nói: “Chúng ta Chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4, 8- 9). Như thánh Phaolô, Thầy Anrê đã tin rằng: “Chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Chúa Kitô, để sự sống của Chúa Kitô được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta” (2 Cr 4, 10). Chính Chúa Giêsu, vì là Thiên Chúa, nên Ngài là chủ thân xác chúng ta. Nếu Chúa muốn cuộc đời mỗi Kitô hữu là làm chứng cho Ngài, thì khi cần, dẫu là cái chết, chúng ta cũng chết vì Chúa Kitô. Anrê đã để lại cho đời, cho Giáo Hội Việt Nam tấm gương sáng ngời của một người trung thành trong đời sống Kitô hữu của mình.

Thánh Anrê Phú Yên đã từng là tấm gương chói ngời cho tín hữu Việt Nam. Đến nay thì vinh dự ấy được nâng cao quá đổi. Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến một người con ưu tú để cùng với nhiều vị thánh, người con đáng kính, đáng trọng ấy được Đức Thánh Cha nhắc đến như là gương mẫu cho cả Giáo Hội hoàng vũ noi theo. Cũng là một hãnh diện lớn lao cho tất cả mọi người Công Giáo trẻ Việt Nam, bởi trong số họ, đã có một người bạn xứng đáng làm mẫu mực sống đức tin cho cả thế giới. Từ nay, cùng với nhiều vị thánh khác, cuộc đời và cái chết của thánh Anrê Phú Yên trở thành ánh sáng chiếu soi cả thế giới nói chung, và giới trẻ thế giới nói riêng.

3. LẮNG NGHE LỜI CHA CHUNG

Chúng ta cám ơn người Cha chung của mình: Đức Thanh Cha Gioan Phaolô II, đã không ngần ngại đưa lên bàn thờ của Hội Thánh, trong triều đại của Ngài, nhiều người tôi tớ trẻ trung thành của Thiên Chúa, nam cũng như nữ, và cũng không ngần ngại nhắc tới nhiều lần những tấm gương ấy để toàn dân Chúa nhìn vào đó mà sống đức tin.

Mỗi một dịp lễ phong hiển thánh, á thánh, là mỗi lần Giáo Hội lặp lại cùng một sứ điệp: Giữa một thế giới tục hóa và giải thiên, người trẻ vẫn có thể nên thánh. Bằng chứng là có rất nhiều người trẻ trong thời đại mới, được Giáo Hội tuyên dương.

Nên thánh là điều có thật. Nên thánh là một ơn gọi của đức tin mà mỗi người có thể tự do lựa chọn cho mình. Chúng ta cùng nghe lời Đức Thánh Cha mời gọi: “Các con phải chứng tỏ rằng đức tin là một lựa chọn cá vị, bao gồm toàn bộ cuộc đời các con. Hãy để Tin Mừng là thước đo và kim chỉ nam cho những quyết định và những kế hoạch trong đời các con! Khi đó các con sẽ là những nhà truyền giáo trong mọi lời nói và việc làm của các con., và bất cứ các con làm việc và sống nơi đâu, ở đó các con sẽ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, những chứng nhân khả tín cho sự hiện diện từ ái của Chúa Giêsu Kitô. Đừng bao giờ quên rằng “Không ai thắp đèn lên rồi lại đặt bên dưới thùng” (Mt 5, 15)”. Như vậy trong đoạn văn vừa trích, lời mời gọi các bạn trẻ hãy nên thánh được xoay quanh hai điểm: Để Tin Mừng hướng dẫn cuộc đời, sau đó trở thành những nhà truyền giáo, làm “chứng nhân khả tín” của Chúa Kitô.

Và lời mời gọi nên thánh ấy được Đức Thánh Cha minh chứng bằng những mẫu gương thánh thiện, trong đó có thánh Anrê Phú Yên. Chúng ta cùng lắng nghe Đức Thánh Cha nói tiếp: “sự thánh thiện đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống và biến cuộc sống thành sự phản ánh vinh quang Thiên Chúa. Có biết bao thánh nhân, đặc biệt là các thánh còn trẻ tuổi, trong lịch sử của Giáo Hội! Trong tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, những nhân đức anh hùng của họ chiếu tỏa rạng ngời trước mặt thế giới, và như thế họ trở thành những mẫu gương cho cuộc sống mà Giáo Hội đưa lên cao cho mọi người noi theo. Trong các vị thánh ấy, chỉ cần nhắc đến một vài vị: Thánh Agnes thành Rôma, Thánh Anrê Phú Yên, Thánh Pedro Calungsod, Thánh Josephine Bakhita, Thánh Têrêxa thành Lisieux, Thánh Pier Giorgio Frassati, Thánh Marcel Callo, Thánh Francisco Castellô Aleu hay Thánh Kateri Tekakwitha, Thánh Iroquois còn được gọi là "Hoa huệ của người Mohawks". Qua sự chuyển cầu của những chứng nhân vĩ đại này, xin Thiên Chúa cũng biến các con, những người trẻ thân mến, thành những thánh nhân của thiên niên kỷ thứ ba này!”.

Thế giới đã chia tay với ĐHGTTG 17. Nhưng những gì đã qua không có nghĩa là đóng lại. Đúng hơn, có khi cái đã qua lại chính là cái mở ra. Khép lại những ngày Đại Hội, nhưng lại mở ra cho những người trẻ sứ mạng của Đức tin, đó là: trở thành muối đất và ánh sáng để ướp mặn và tỏa sáng bằng đời sống chứng tá trong cuộc đời.

Bạn và tôi hãy nghe lời mời gọi nên thánh của Đức Thánh Cha giống như thánh Anrê Phú Yên và nhiều vị thánh mà Đức Thánh Cha đã gọi tên, cũng như rất nhiều vị thánh trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội. Chúng ta hãy luôn ghi khắc rằng: Nên thánh là điều có thật. Nên thánh là ơn gọi khẩn thiết của mọi Kitô hữu.