Giữa tháng 8 năm 2000, đại hội giới trẻ tại giáo đô Roma thu hút khoảng hai triệu rưỡi người trẻ từ khắp thế giới, kể cả trên hai mươi bạn trẻ từ Việt Nam lần đầu tiên được nhà nước cho phép đi. Ngày Giới Trẻ thứ 15 này nhằm vào Năm Thánh chắc chắn là lần qui tụ đông nhất trong lịch sử. Ðúng là một hiện tượng, một dấu chỉ thời đại. Lý do gì khiến một số đông người trẻ như thế tìm đến một thành phố cổ với đường xá chật hẹp, vào một tháng nóng nhất trong năm, để quây quanh một ông già đã 80 tuổi bị bệnh Parkinson chân tay run rẩy không còn diễn tả được tâm tình ra nét mặt và cử chỉ được nữa?

Lần này đã vậy, mà các lần tổ chức trong những năm vừa qua đều quy tụ con số lớn lao chưa từng có. Ngày Giới Trẻ là biểu hiệu đặc biệt về đặc sủng biệt tài thu hút người trẻ của Ðức Giáo Chủ Gioan Phaolô II trong việc cảm thông với giới trẻ. Các cuộc tổ chức này cũng cho thấy đó là một trong những “sự lựa chọn có tính cách tiên tri” trong đời giáo hoàng của Ngài.

Một hiện tượng rất lạ là đang khi người ta nói nhiều về sự băng hoại của người trẻ, thì người trẻ lại tìm đến những đại hội mang chất tâm linh như đại hội này. Năm 1997, đại hội giới trẻ tại Paris đã như một mốc ghi thời điểm. Trời mùa hè tháng 8 tại Pháp cũng rất nóng. Lúc đó người ta cũng tiên đoán chắc là chả được mấy người trẻ tham dự, vì bầu khí mệt mỏi của tôn giáo tại Pháp. Ấy thế mà đã trên một triệu người tìm đến với Ðức Gioan Phaolô II.

Ðây là thời điểm ghi rõ nét cơn khát sâu xa của người trẻ ngày nay. Những hăm hở chất đầy vật chất không làm thỏa được tâm hồn người trẻ. Hiện tượng bung phá cũng là một dấu chỉ muốn xóa bỏ cái mà nhân loại vốn tự hào là đỉnh cao văn minh. Thực ra tất cả lại chỉ làm cho người trẻ thêm rã rời, muốn đi tìm chiều kích mới cho cuộc sống lúc con người cựa mình bước vào thiên niên kỷ mới.

DẤU CHỈ GIẤC MƠ MỌC CÁNH

Con người đã đi được một chặng thật xa, từ cái ngày còn ở trong hang chỉ biết dùng mấy cục đá làm dụng cụ gọi là thời kỳ đồ đá; tới thời kỳ đồ đồng làm ra được cái rìu, nồi chảo, trống đồng khoảng 5 ngàn năm trước; rồi tới thời kỳ đồ sắt chế tạo được những vũ khí tân tiến vào khoảng 3 ngàn năm nay. Con người bắt đầu chỉ biết dùng lực của bắp thịt mà đi hái nhặt trái cây và săn bắn thú vật ngoài rừng. Rồi tiến dần sang canh nông và sống quần cư thành làng mạc. Nguồn năng lượng bây giờ đã vượt hơn bắp thịt thân xác mình tới năng lượng sinh vật như dùng mỡ thú vật để đốt, khai thác năng lượng của nước, gió, dầu, ánh sáng mặt trời, như những máy xay nước, máy xay gió, thuyền buồm...

Nền kỹ nghệ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 18 kéo dài tới ngày nay với những phát minh tân tiến hơn về điện tử, nguyên tử, hóa năng, điện năng, vi tính, khoa học không gian và liên hành tinh, mạng lưới toàn cầu. Biên giới quốc gia càng ngày càng mờ nhạt. Bây giờ là thời kỳ của xe hơi, máy bay, phi thuyền, chạy bằng xăng, bằng điện, bằng nguyên tử. Bay được lên trời, bay tới mặt trăng thăm chị Hằng như Amstrong, bay đi hỏa tinh nhặt mấy cục đá về khảo cứu chơi.

Từ một ước mơ, từ một hình ảnh, con người đã có thể mọc cánh thành chiếc máy bay đầu tiên bằng cánh quạt bay được qua Ðại Tây Dương. Quả là một mốc ghi lạ lùng. Máy bay dần dần rụng chong chóng đi để dùng sức đẩy thành phản lực. Cả một khối Boeing 747 khổng lồ chở tới 500 hành khách mà có thể rồ máy vươn vai mọc cánh phóng lên không trung một cách nhẹ nhàng như thế. Tuyệt quá.

Nhưng với bằng ấy nỗ lực, bằng ấy tiến bộ, con người vẫn cảm thấy mình như bị nhốt giam tù túng thế nào ấy. Lên được tới mặt trăng hay hỏa tinh, tưởng là giây phút vinh quang nhất thì con người lại thấy mình nhỏ bé nhất trước vũ trụ bao la kia với cả tỷ tỷ ngôi sao đang chuyển động theo nhịp theo điệu rất trật tự diệu kỳ. Trái đất này chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong thái dương hệ, và so với vũ trụ thì chỉ là một chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, chưa kể tới biết bao giải ngân hà khác mà không thể nào biết được biên giới vũ trụ là đâu! Từ một hành tinh nào đó nhìn xuống trái đất, bao nhiêu chiếc xe hơi tưởng rằng le lói nhất cũng đang cố bò lệt bệt, bao nhiêu dinh thự chọc trời trở thành đồ chơi trẻ con, bao nhiêu phát minh kênh kiệu về trí lự con người, bao nhiêu cuộc tranh giành hơn kém cao thấp, bỗng trở thành trò lố bịch thật đáng tội nghiệp.

Và đến lúc người ta nói tới năng lượng của của tâm linh. Giấc mơ mọc cánh lần này không chỉ là hai cánh máy bay hay phi thuyền. Ðây là thời điểm cần phát minh ra loại phi thuyền có thể đi vào cõi tâm được: con người có thể mọc cánh bay lên vô hạn được, chứ không phải cứ mãi "ru rú xó bếp" như hiện nay. Phi thuyền đây chính là viễn kiến, là hình ảnh ước mơ bật lên trong tâm, là niềm tin, tức là "cái thấy" thực sự về chính năng lực của mình.

CON NGƯỜI LÀ AI?

Nếu tin và chủ trương "người là con vật kinh tế" dưới lăng kính duy vật biện chứng hay chiều hướng tư bản duy lợi ngày nay, thì con người đang đánh mất chính mình. Con người không còn biết mình là ai, nên suốt đời chỉ biết tranh giành nhau từng miếng mồi và từng tiếng gáy như một đàn gà. Một ngày nào đó già đi rồi lăn ra chết mà vẫn chưa hết chuyện.

Truyện kể ngày xưa có một người đi săn nhặt được một cái trứng phượng hoàng trên núi liền đưa về ấp chung với ổ trứng gà ở vườn sau nhà. Ðược một thời gian thì các trứng đều nở thành một đàn gà con và một chú phượng hoàng bé xíu.

Chú phượng hoàng cứ thế lớn lên trong đám gà, và làm mọi sự như những con gà khác, vì nghĩ mình là gà. Chú ta cũng bới đất tìm sâu mà ăn. Lâu lâu cũng tranh lộn với nhau về những đống rác có nhiều đồ ăn. Chú ta cũng tập kêu "cục tác, cục tác." Thỉnh thoảng chú cũng thử vỗ cánh bay lên sà sà được một chút như những con gà khác. Rồi chú tự nghĩ: "Gà mà! Bay thế nào được."

Thời gian cứ thế trôi qua, phượng hoàng đã lớn và đã già. Một ngày kia nó nhìn lên bầu trời trong xanh thấy một con chim vĩ đại đang bay lượn trong gió lộng, xoè cánh rợp trời, thật oai hùng. Nó đầy vẻ thán phục liền hỏi các con gà khác: "Con gì vậy?" Thì được trả lời: "Ðó là chim phượng hoàng, là vua các loài chim... Mà thôi, đừng có ham. Mày và chúng tao đều là gà mà."

Và rồi nó không nghĩ gì thêm nữa, tiếp tục sống như gà. Nó đã chết mà vẫn nghĩ mình là gà ở vườn sau nhà, không bao giờ biết bay lên.

TIN VUI GỬI DÒNG CHIM TIÊN

Người Da Ðỏ mỗi lần nhảy múa đều mặc áo lông chim, có ý muốn hóa thân mọc cánh như chim. Thực vậy, con người luôn đi tìm giải đáp cho câu hỏi từ thẳm sâu: "Tôi là ai?" Tôi đâu chỉ giới hạn trong cái túi thịt gọi là xác thân này, mà phải vươn lên được tới vô hạn. Qua mọi truyền thống, chim bay luôn là biểu tượng của con người thật, của hồn thiêng bất tử.

Còn trong chất máu người Việt thì hình ảnh chim bay luôn rạng rỡ: Trứng Rồng lại nở ra rồng, chim Tiên lại đẻ ra dòng chim Tiên.

Thiên Chúa là Ðấng Vô Hình, nhưng Kinh Thánh đã vẽ ra bằng hình ảnh chim bồ câu thanh thoát bay bổng, hay như nguồn lửa thiêng. Kinh Thánh cũng nói: Con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, là con của Chúa Trời Ðất. Nhiều người sẽ giật mình nhận ra rằng hình ảnh chim Tiên đang vút cao và hình ảnh con rồng đang phun lửa đầy dũng lực của Việt tộc sao mà giống hình ảnh Kinh Thánh thế.

Người Công giáo có một niềm tin rất đặc biệt, là tin Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ mừng vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Niềm tin này đúng là một vinh danh con người, nhân bản đúng nghĩa nhất: con người có sức vươn lên vô hạn. Ngược lại, con người cũng có thể tự hủy, đầy đọa nhau, làm cho nhau thành những con vượn cổ sơ, và đôi khi thua cả con gà ở vườn sau nhà.

Ðức Maria đã tin vào Thiên Chúa và nhận ra mình là ai nên đã có thể mọc cánh bay cao như chim phượng hay chim Tiên.

Cả hai triệu rưỡi người trẻ tìm về Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã như một tuyên ngôn về một cuộc đại phục hưng của con người trong lúc chuyển mình bước vào thiên niên kỷ mới, như trong viễn kiến của ngôn sứ Isaia:

“Người lớn thì nghiêng ngả đổ nhào. Giới trẻ thì mỏi mệt rời rã. Nhưng những ai tin tưởng vào Chúa, thì họ sẽ được canh tân mang sinh lực mới, họ sẽ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao. Họ chạy mà không mỏi, họ đi mà không mệt” (Isaia 40:31)