GIẤC MƠ CHO TRÒN

(Trong mấy năm vừa qua nhà thờ Việt đã mọc lên khắp nơi trên đất Mỹ như một hiện tượng. Tại sao người Việt Công giáo phải lo xây nhà thờ riêng? Làm như vậy có phải là tự đóng cửa thu mình vào vỏ ốc hay vỏ bong bóng không? Hay chính là một thời điểm (the Sign of the Times)? Đây là bài góp ý của Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường nhân một cuộc phỏng vấn do tập san Sứ Ðiệp ở Cali thực hiện. Lm. Trần Cao Tường đã từng có mặt với vietcatholic ngay từ đầu trong mục Tin Vui Thời Điểm 2000 (vietcatholic.net/caotuong).

Thế là sau nhiều mơ ước, tôi đã làm một chuyến đi về bới đất tìm thẻ căn cước gốc gác của mình tại một làng quê ở Bắc Việt, thuộc tỉnh Ninh Bình, nơi có cố đô Hoa Lư của Ðinh Bộ Lĩnh phất cờ lau tập trận bên sông Hoàng Long “Rồng Vàng.” Những địa danh lịch sử đã từng đọc được trong sách vở đang hiện ra trước mắt. Ðây là đèo Ba Giội Tam Ðiệp trên Con Ðường Cái Quan, nơi đã gợi hứng nhiều bài thơ để đời, cũng là nơi đại quân của Quang Trung gặp Ngô Thời Nhiệm rồi tốc chiến lên Thăng Long. Kìa là Hảo Nho ghi dấu cửa bể Thần Phù đất tổ của Tản Viên Sơn Thánh khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.

Vùng Hoa Lư đẹp lạ lùng. Ðúng là Hạ-Long-Trên-Cạn. Chèo thuyền vào Tam Cốc thơ mộng hút hồn như đi theo Từ Thức “rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ say.” Mon men leo lên được Bích Ðộng thì chắc phải nhận là thắng cảnh linh thiêng hơn xa động Hương Tích đã mỗi ngày một ồn ào náo động nhiễm mùi thế tục ra. Vùng nước phía trước Bích Ðộng kia là nơi quân sư Trương Hán Siêu tụ quân tập thủy chiến đời nhà Trần đánh quân Mông Cổ.Và tất nhiên phải bước vào Nhà Thờ Ðá Phát Diệm nổi tiếng với kiến trúc Ðông phương cho đạo Chúa mang được xương thịt Việt.

Ninh Bình có ba thứ ngon nổi tiếng: trà, rượu đế và thịt dê. Vì dê Ninh Bình rất “nghệ sĩ,” được thả tự do tung tăng trên các ngọn núi diễm lệ; chúng ăn lộc trời và hít thở khí trong lành mà làm thơ ngâm phú, nên thịt thơm ngon đậm đà là phải.

Chén trà Tam Ðiệp cao tình bạn

Ly rượu Kim Sơn nặng nghĩa đời.


Dường như ai cũng cho miền đất mình là địa linh nhân kiệt thì phải. Ðôi khi được tô vẽ thêm danh lam thắng cảnh để “động viên” tinh thần. Nhưng thực lòng mà nói, tôi yêu quê tôi chẳng phải vì những hiển hách hay chau chuốt bóng bẩy nào cả, mà vì quê tôi vẫn tơi tả nghèo nàn, những người dân quê vẫn cứ lầm lũi bám lấy đất mà sống còn qua bao bầm dập.

GIẤC MƠ CHƯA TRÒN VỚI NHẤT CHI VŨ

Nhưng rồi tôi trở về Mỹ với lòng trống vắng bâng khuâng lãng đãng. Bởi lẽ tôi chẳng tìm thấy cái rễ nào mang bản sắc DNA của mình cả. Tôi sinh trưởng ở xứ Bắc nhưng di cư vào Nam năm 1954. Bây giờ trở lại Bắc thì ai cũng coi tôi là người miền Nam hay Việt kiều, chứ chẳng ai gọi tôi là người Bắc. Ði dọc suốt Con Ðường Cái Quan theo vết chân công chúa Huyền Trân vào miền Trung rồi vào Nam, thì chẳng mấy ai cho tôi là người Nam, mặc dù tôi đã quen kêu là cái ly chứ không phải cái cốc, con heo chứ không phải con lợn. Bây giờ trở lại Mỹ, dù đã mang quốc tịch Mỹ đến trên một phần tư thế kỷ mà chẳng ai coi tôi là người Mỹ. Thế là tôi đâm hoảng: tôi là loại người nào nhỉ, thẻ ID căn cước cuộc đời phải ghi là gì đây?!

Vẫn nghe nói tổ tiên người Việt mình từ vùng sông Dương Tử bên Tàu, vốn bám vào đất lấy canh nông làm bản, tính tình hiền hòa chơn chất. Nhưng lại bị tộc Hoa gốc du mục giỏi võ biền từ phương Bắc lấn chiếm. Người nào chịu đồng hóa thì bây giờ thành dân Quảng Ðông Quảng Tây. Người nào “bương bướng” một chút cứ nhất định “nghiện” chất Việt thì chạy xuống phía Nam. Thế là biên giới nước mình chuyển dần xuống. Từ vùng đồng bằng sông Hồng rồi men theo miền Trung mà đi. Ðất Sài Gòn cũng mới có từ mấy trăm năm thôi. Vậy mà khi phải xa Sài Gòn thì “mưa đổ lá rơi” ướt át não nề.

Tội nghiệp dân Việt mình cứ phải chạy hoài. Người Tàu xấu bụng viết chữ Việt có bộ “tẩu” là chạy thì đúng điệu trù yểm rồi, chứ chẳng chịu ca tụng bái phục như cụ Kim Ðịnh. Chỉ biết là người mình long đong lận đận quá! Năm 1975 lớp người Việt đầu tiên qua Mỹ, biết bao lạc lõng, bơ vơ, hụt chân, lỡ bước. Gia đình tan nát. Quê hương mịt mù. Không còn nước mắt mà khóc nữa. Thê thảm tột cùng. Bị phân tán đi khắp nơi nào có khác dân Do Thái.

Những năm đầu thật chao đảo. Vào thời điểm năm 1984, bài hát Giấc Mơ Chưa Tròn của Nhất Chi Vũ khá phổ biến, đã diễn tả đúng tâm trạng người Việt sau mười năm ly hương mà vẫn bời bời tủi nghẹn:

Dâng lên Cha từ nhân, giấc mơ chưa tròn ôm ấp bao tháng ngày,

Nên như rượu thánh, bánh tinh tuyền dâng trước thiên tòa.

Xin Cha thương nhận đây, giấc mơ chưa tròn nơi xứ lạ quê người,

Cho bao người Việt Nam đón nhau về khắp trời nở hoa.

Bài hát mang màu sắc ngũ cung Việt đã vang vọng khắp các nhà thờ trong những dịp tụ họp đông đảo. Nó có sức xoáy sâu vào tim, ngấm dần vào mạch máu, làm rưng rưng nước mắt bồi hồi xúc động. Ðây là những giấc mơ chưa tròn: giấc mơ “đem êm ấm thanh bình cho dân;” giấc mơ hy sinh tần tảo “cuộc đời buôn thúng bán bưng, để đem cơm áo nuôi đàn con thơ;” giấc mơ dấn thân “để nên nhân chứng cho tình yêu thương;” giấc mơ góp phần xây dựng một quê hương ngóc đầu lên được. Nhưng bỗng tất cả mọi giấc mơ đều tan vỡ thảm thương!

Giờ gặp nhau trên vùng đất lạ

Ôi bao là nhớ quê nhà xa xăm.

Quả thực người Việt lúc ấy với tâm trạng như cây tàn lụi, chẳng ai nghĩ tới chuyện an cư lạc nghiệp ở quê người này, mà chỉ mong hẹn đón nhau về thì đời mới nở hoa được thôi.

Vậy mà với sức nhẫn nại chịu đựng và với nếp sống niềm tin vững mạnh do gia sản tiền nhân để lại, sau vài chục năm, các cộng đoàn Việt đã tạo được sự chú ý của người Âu Mỹ. Người Việt liều mạng rủ nhau xuyên bang tụ lại thành những cộng đoàn. Về Cali miền Tây mát mẻ; xúm xít quanh vùng Nữu Ước ngó đuốc nữ thần tự do; dùi mài chữ nghĩa quanh nôi Harvard; bồng bế nhau đi Téc-Xịt chăn bò và hút dầu; về miền Trung nghe trái tim Mỹ đập; qua miền Ðông Nam, Georgia, Florida nắng ấm; hay đi xuống miền Nam “kinh tế mới văn minh miệt vườn” Louisiana, đất cũ của vua Louis nước Pháp ăn lấn dân Da Ðỏ rồi lại phải bán lại cho Mỹ mới được 200 năm. Cũng cùng một giấc mơ là xây dựng được cộng đồng Việt, như một mở mang bờ cõi, tìm cho ra nghĩa cuộc ra đi. Và nhất là tạo dựng được những cơ sở bề lâu bề dài. Chắc chắn cũng phải “chân lấm tay bùn, trầy da tróc vẩy” nhiều!

Nay thì đầu cành khô bỗng hoa nở tràn. Ở khắp các giáo phận, nhiều cộng đoàn ái hữu đã trở thành giáo xứ pháp nhân chính thức như bất cứ giáo xứ địa phương nào khác. Các linh mục tu sĩ Việt Nam nghiễm nhiên đóng vai trò khẩn thiết trong nhiều giáo phận. Nhà thờ mọc lên khắp các tiểu bang, do sức đóng góp của giáo dân chứ không phải đi ăn xin dân Mỹ nữa. Từ những người được họ mở tay đón nhận, bây giờ trở thành chỗ họ trông chờ “viện trợ” cho họ gương sống đạo, ơn gọi đi tu, và tiềm lực gia sản có thể đóng góp hồi sinh tinh thần đang mất hướng của xã hội này. Một hãnh diện, một tự tin để bước tới, mà cũng là một thách đố. Giấc mơ phải tròn chứ.

CHO TRÒN GIẤC MƠ

Vào thế kỷ 20, người Do Thái đã làm được ba phép lạ.

Phép lạ thứ nhất: từ một lớp người mất tổ quốc, bị phát lưu lang thang đi khắp thế giới gần hai ngàn năm, vậy mà họ đã tụ về lập nước lại được. Nhờ cuốn sách “Quốc Gia Do Thái” của Herzl khơi động phong trào Sion từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 ở Âu châu, vào ngày 14 tháng 5 năm 1948, Ben Gurion đã tuyên bố thành lập quốc gia Do Thái: “Kể từ hôm nay, quốc gia đó lấy tên là Israel. Hỡi các đồng bào Do Thái ở khắp thế giới, xin hãy nghe tôi đây. Xin đứng lên ủng hộ Israel đi, giúp cho quốc gia phát triển, giúp cho dân tộc chiến đấu để thực hiện cái mộng ngàn năm của chúng ta, cái mộng cứu quốc và phục hưng dân tộc.”

Phép lạ thứ hai: Tụ về giữa một thế giới Ả Rập thù hận chồng chất với lực lượng gấp mấy chục lần sẵn sàng ăn sống nuốt tươi, người Do Thái đã can đảm và khôn ngoan tột độ để chiến đấu một mất một còn, vì thực ra họ không còn một chọn lựa nào khác: thua là bị tiêu diệt. Khi tuyên bố lập quốc vào năm 1948, lập tức các nước Ả Rập đồng loạt tấn công từ mọi phía. Vậy mà họ đã tử thủ được. Rồi trận chiến 1956 họ cũng thắng một cách thần tốc với siêu tài của tướng độc nhãn Mosh Dayan. Và trong trận chiến sáu ngày khốc liệt vào năm 1967, chẳng những họ không bị xóa sổ mà còn tiến chiếm được cổ thành Giêrusalem, và nhất là chiếm lại được “Bức Tường Khóc” di tích đền thờ biểu trưng niềm tin của dân tộc họ.

Phép lạ thứ ba: biến một sa mạc hoang vu trở thành những cánh đồng trù phú, biến tiếng Do Thái đang là một tử ngữ trở thành tiếng nói chính thức của quốc gia Do Thái, biến một vùng đất nhỏ bé nghèo nàn thành một quốc gia cường thịnh được cả thế giới nể vì.

KIBBUTZ, BÍ MẬT PHÉP LẠ DO THÁI

Biết bao người đã ca tụng óc thông minh, niềm tin mãnh liệt, lòng can đảm và kiên nhẫn của người Do Thái. Ðiều này rất đúng. Nhưng thực ra chính cái chủ thuyết “Làng Cộng Ðồng” Kibbutz mới là một chiến lược then chốt và là một phương thức đào luyện thực hiện tinh thần Do Thái.

Thủ tướng đầu tiên của Do Thái là Ben Gurion đã được gọi là một "tiên tri mang khí giới." Ông là một người rất thực tế: cần phải có chỗ cắm dùi đã. Vì cả gần hai ngàn năm, vùng đất này do người Ả Rập Palestine chiếm ngụ, làm sao có thể len lỏi vào được?! Giữa bao lý thuyết về lập quốc, ông Ben Gurion tuyên bố: “Hằng ngàn bài diễn văn, hằng trăm đại hội cũng không bằng lập được một làng cộng đồng Kibbutz.” Những đợt hồi hương đã manh nha từ cuối thế kỷ thứ 19, nhưng phải kể từ sau cuốn sách của Herzl ra đời thì mới được một lớp người trẻ có học và đầy chí hướng đẩy mạnh kế hoạch lập làng Kibbutz kiếm đất cắm dùi.

Kibbutz là một làng cộng đồng qui tụ khoảng vài trăm người, mua đất đai chung dựng nhà như một làng nhỏ. Nhưng họ không phải là những người đa tạp, mà là những lớp thanh niên với tinh thần mới muốn làm một điều gì cho đất nước, nên chọn làng cộng đồng Kibbutz như một mô thức chung thực hiện ước mơ này. Họ chọn công việc chân tay để cùng làm việc với tinh thần bình đẳng, góp quĩ chung, ăn chung, tiêu dùng theo tiêu chuẩn, nghĩa là họ sống như một đại gia đình với tinh thần huynh đệ không đẳng cấp.

Không phải ai cũng tự ý vào sống trong Kibbutz được. Muốn gia nhập, họ phải qua một thời gian học hỏi tinh thần và tập sự, hết hạn rồi hội đồng điều hành Kibbutz mới xét xem có được nhận vào hay không. Không ai bắt phải vào Kibbutz cả, nhưng khi đã gia nhập thì đúng là họ mang một tinh thần mới và một lối sống mới. Họ phải theo kỷ luật chung, bỏ bớt ý riêng đi để theo quyết định chung, ăn những món như nhau, mặc những loại quần áo giống nhau trong một thời gian, và một số việc như rửa chén đĩa hay lau nhà thì ai cũng phải thay nhau làm không miễn trừ bất cứ ai. Họ coi đó như một vinh dự được biến những việc thấp hèn thành những cơ hội rèn luyện giá trị con người đích thực.

Chính cái tinh thần này mà phong trào Kibbutz đã đào tạo được những nhân vật lẫy lừng như thủ tướng Ben Gurion, tổng thống Ben Zvi, tướng Mosh Dayan, thủ tướng Golda Meyer...

GIẤC MƠ NÀO CHO CỘNG ÐỒNG VIỆT?

Năm 1986, tôi có dịp qua Do Thái và ghé thăm Kibbutz Degania ở ngay cửa Biển Hồ đổ vào sông Jordan huyết mạch của Israel. Ðây là Kibbutz đầu tiên được thành lập năm 1911 với bao gian khổ. Mẹ của tướng Mosh Dayan là Deborah đã bỏ đời nữ sinh ở Ukraine bên Ðông Âu về gia nhập Kibbutz này vào năm 1913, với công tác chuyên môn nướng bánh. Ðệ tử của Tolstoi là Aaron David Gordon cũng là thành viên và đã trở thành một lý thuyết gia nổi bật cho tinh thần lao động bình đẳng và yêu thiên nhiên.

Ðiều tác động tôi mạnh là khi có dịp nói chuyện với một số sinh viên đang tập sự làm thành viên Kibbutz này. Họ tình nguyện về từ nhiều nước Âu Mỹ. Có người ở lại tiếp tục sinh hoạt trong Kibbutz, có người chỉ học hỏi và thực tập một thời gian rồi mang tinh thần đó trở lại Âu Mỹ để tạo hạt nhân nơi các bạn trẻ Do Thái khác.

Trở về với cộng đồng Việt tại Mỹ tuy đôi khi cũng đa tạp, nhưng tôi thật lạc quan thấy được hiện nay đang có những nhóm trẻ hoạt động, những trại huấn luyện rất thành công. Họ đang tạo ra được một phương thức gọi là cộng đồng căn bản thu gọn (basic community), với một nhóm người cùng chí hướng, cùng ấp ủ ước mơ làm một cái gì cho dòng tộc mình, dù đã mang quốc tịch Mỹ.

Làng Việt bây giờ cũng vì thế mà mang một chiều kích mới. Cách đây mấy ngàn năm, biên cương nước mình còn nằm ở vùng Lĩnh Nam phía sông Dương Tử. Bị người Tàu đẩy thì mình chạy xuống vùng sông Hồng. Rồi mở rộng mãi xuống đất Thuận Hóa của người Chàm, theo đà vượt xuống Sài Gòn của người Chân Lạp, và mở rộng bờ cõi tới được Hà Tiên và Cà Mau chỉ mấy trăm năm nay thôi. Biến cố 1975 không ngờ mà lại là dịp mở thêm biên cương mới. Ông Ben Gurion nói đúng đấy. Chẳng gì bằng lập được một làng Việt, hơn là cứ bàn tới bàn lui hay giẫy giụa đấm đá hoài. Bờ cõi mới có thể là ở thung lũng Hoa Vàng San Jose, có thể là Sài gòn Nhỏ ở Cali hay Texas, có thể là ở bên bờ sông Mississippi...

BỜ CÕI MỚI AVONDALE



Tới Ngọc Lân (New Orleans) thì phải uống “Café du Monde” kiểu Tây và nghe điệu nhạc Jazz rề rà khoáng đạt thì mới đúng điệu. Thành phố nơi tôi ở mang nhiều nét đặc sắc vì có tới bốn năm làng Việt với những cơ sở tôn giáo và giáo dục, với hội trường riêng như những đình làng. Xin mời ghé thăm làng Avondale nhỏ bé nằm phía Tây ngạn sông Mississippi, cạnh hãng đóng tầu Avondale có hạng trên thế giới, và gần nghĩa trang nơi có “đồi cỏ hai mộ” của hai nhạc sư tên tuổi là Ngô Duy Linh và Hải Linh. Hồn nhạc ngũ cung như đã thấm vào mảnh đất mới, vẫn mãi mãi vang vọng "vinh danh Thiên Chúa và tán tụng quê hương." Nơi đây vẫn tiếp tục âm thầm dựng xây bồi đắp thành một ngôi làng như một mảnh đất quê hương mở rộng sang Mỹ, với những sinh hoạt mang đầy chất Việt, chứ không cam chịu than hoài “biết đâu nguồn cội!”

Mới đây có dịp nghe ký giả Nguyễn Trọng nói về làng Việt tại Ngọc Lân (New Orleans), tôi thật vui khi thấy nơi mình đã cùng góp bàn tay lập làng Việt từ trên một phần tư thế kỷ vẫn giữ được bản sắc Việt:

“Chúng tôi đã được nhìn những mảnh vườn trồng cấy theo kiểu Việt Nam, được nhìn thấy những chiếc ao nhỏ phủ kín bồng bồng, được nhìn thấy những cụ già khom lưng nhổ cỏ trước vườn hoa chung quanh tượng Ðức Mẹ.

Cảnh tượng này lại đưa chúng tôi về với làng quê Việt Nam, nơi chúng tôi sinh trưởng, nơi một số quí vị ở đây đã sinh trưởng, và cảnh tượng đó đã được làm sống lại ở Ngọc Lân, và có lẽ chỉ ở Ngọc Lân này mà thôi.

Tôi đã tới thăm nhiều nơi trên đất Mỹ và tôi phải công tâm mà nói rằng không đâu bằng Ngọc Lân, cảnh làng quê Việt Nam đã được duy trì, phát triển và trở thành linh hồn của người Việt tha hương nơi hải ngoại.”

Lời ký giả Nguyễn Trọng chuyển nhiều chất tình cảm xúc động. Có điều ai cũng thấy được là nét ràng buộc gắn bó quấn quít, liên đới trách nhiệm của người mình với nhau thì thật nổi.

VINH DANH MỘT NGƯỜI MỸ TIÊN PHONG

Chương trình lập làng Việt ở New Orleans thực ra phát khởi từ một người Mỹ biết nhìn rõ thời điểm. New Orleans là trung tâm mục vụ đầu tiên trên đất Mỹ, do Ðức Tổng Giám Mục Philip Hannan thành lập, đã thành khuôn mẫu cho nhiều nơi. Vào thời điểm 1975, quan điểm mục vụ “melting pot” rất mạnh với một khẩu hiệu xem ra khá hợp lý: “Không có một Giáo Hội trong một Giáo hội.” Không ngờ khẩu hiệu này cũng có thể đưa đến một nguy hiểm làm mất bản sắc căn cước mà tan loãng trong đám đông. Ðây cũng là căn nguyên của khủng hoảng. Chẳng hạn như ở New Orleans trước đây đã từng có tới 30 ngàn người Công giáo Cuba tới ở, nhưng chính sách hòa tan đã khiến tập thể này hầu như mất hút. Chính vì thế, dù với nhiều trở ngại từ nội bộ, Ðức TGM Philip Hannan đã quyết tâm với lời tuyên bố: “Tôi không muốn mất người Công giáo Việt như đã mất người Cuba.”

Và tôi hân hạnh là một trong ba linh mục đầu tiên được Ngài mời về bổ nhiệm làm việc cho chương trình mục vụ này ngay từ lúc thành lập vào tháng 9 năm 1975.

Nhìn vào những người Mỹ da trắng, mình cứ tưởng rằng họ chỉ là một khối từ Âu Châu sang. Thực ra thì họ cũng bởi nhiều gốc gác rất khác nhau, và nhiều khi cũng kỵ nhau lắm. Cũng như nhìn da vàng nhiều người tưởng cũng như nhau, chứ họ có biết đâu, Tầu khác Phi Luật Tân, Lào khác Nhật, và Triều Tiên khác Việt Nam như thế nào.

Những người da trắng gốc Ðông Âu cũng mang nhiều nỗi tủi lắm. Họ là người da trắng nhưng cũng bị coi là dân thiểu số, kiếm việc không dễ đâu. Thống kê cho biết hiện nay ở Cali số người da trắng đến từ Nam Mỹ đã vượt qua tổng số người da trắng khác từ Âu châu. Họ là đa số mà vẫn bị coi là công dân hạng nhì “đứng chầu rìa ăn ké” bên lề “thiểu số” da trắng khác. Vậy thì nghĩa là gì? Chắc chắn sản phẩm đúc ra từ lò luyện kim Công giáo không phải chỉ mang nhãn hiệu Ái Nhĩ Lan, chỉ thích đội mũ cao và cầm gậy kiểu Ăng-lê?!

Linh mục Frank Beeda là một trường hợp cụ thể. Ngài là người gốc Tiệp Khắc, ở vùng Scranton, Pennsylvania. Dân Tiệp tụ tập khá nhiều ở vùng này, nhưng rồi tản dần mất, chỉ vì ngay bước đầu đã không tạo dựng được cơ sở làm điểm tụ, làm nôi đào tạo căn cước. Ngài là một trong những người lãnh đạo cộng đồng Tiệp bên Mỹ.

Qua kinh nghiệm bị mất cơ hội duy trì được cộng đồng Tiệp, ngài đã có lần ghé thăm New Orleans, và muốn nhắn gửi người Việt một điều:

“Nhớ giữ lấy tiếng Việt và phong hóa Việt, và nếu có thể dựng được cái gì cho cộng đồng thì nên làm ngay đi. Mình đã có một tài sản văn hóa thì cố mà bảo toàn. Mình phải có một cái gì. Nếu mình tự tước bỏ, rồi đi nhặt hết của người ta, thì mình cũng chẳng thành người ta được. Rốt cuộc rồi mình trở thành kẻ vô loài (nobody), và đương nhiên các chủng tộc khác sẽ khinh rể.”

Người Mỹ đã chỉ trọng dân Nhật, dân Tầu, vì những dân này chứng tỏ họ có cái gì thật. Người Việt thì còn quá mới, liệu trong tương lai có được nể trọng không?

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Thế là mình không thể sống riêng rẽ kiểu cá nhân chủ nghĩa được rồi. Lúc đầu nhiều người sợ mình lập cộng đoàn, xây nhà thờ riêng, là tự đóng kín làm trì trệ tiến bộ. Bây giờ thì ngược lại, cộng đoàn là cái nôi tạo căn cước làm nên sức bật. Ðà phát triển thành công trên mọi lãnh vực trong xã hội mở rộng là một bằng chứng. Các nghiên cứu xã hội của đại học đều làm chứng điều ấy, đặc biệt là cuộc nghiên cứu mới đây của đại học LSU và Loyola ở Louisiana.

Cuộc ra đi phải mang một ý nghĩa. Giấc mơ phải tròn chứ. Mình cần góp phần làm đẹp cộng đồng, bồi bắp bờ cõi mới. Trở về quê hương chả lẽ cứ phải trở lại vùng đất cổ xưa vùng hồ Ðộng Ðình bên Tàu? Biết đâu nguồn cội trống đồng hay trống da trâu? Nào đâu căn cước hay dấu vết DNA? Bỏ quên thực tại mà chỉ biết nuối tiếc quá khứ hiển hách cho đỡ tủi cũng là một nguy cơ. Ðây là phút giây mình nhận ra biên cương mới của quê hương nơi ngôi làng mới, và quyết định tích cực dựng xây với tất cả tâm huyết và bền chí. Viễn kiến của Ben Gurion cũng đang hiện ra nơi đây: “Hằng ngàn bài diễn văn, hằng trăm đại hội cũng không bằng lập được một làng cộng đồng.”

Ơ kìa, mắt mình bỗng rưng rưng thấy được viễn kiến dòng sinh mệnh dân tộc đang chảy tới khắp các cộng đoàn Việt hải ngoại, tới Avondale, New Orleans, San Jose, Orange, Houston... tới cả Palawan như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cảm nhận:

Trở về Làng, một mai Mùa Xuân Hùng Vương.

Trở về Làng, một đêm Mùa Xuân Tình Thương.

Rừng núi liên hoan, biển cũng ca vang cùng với người.

Ðể nhớ thời xưa vì sao lầm than!

Hỡi những trái tim Việt Nam, từng thiếu nhịp yên bình

Dù lạc loài khắp thế giới, vẫn ca lên niềm tin.

Ðến cuối bước chân nổi trôi là mái nhà êm đềm.

Cỏ cây như tuổi thơ, ngời lên màu xanh vạn niên...

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

(Ghi lại trong dịp Khánh Thành Nhà Thờ Ðức Mẹ Lên Trời tại Avondale, Louisiana, USA. Mọi góp ý xin liên lạc: andytuong@cox.net)