THỜI ÐIỂM NHỮNG CÁI VỖ TAY VÔ THANH

Tin Vui Chúa nhật 29B

Với "Những Cái Vỗ Tay Vô Thanh," Đỗ Tấn Hưng đã mở ra một khoảng trống quá ư cần thiết trong tim tôi lúc này, đang khi phải điên đầu về nhiều xảo thuật và những tràng vỗ tay lớn "big hand" có động viên ồn ào trong cuộc sống.

Dịp mừng 25 năm làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II được nhiều dư luận đoán là thế nào cũng được giải Nobel về Hòa Bình, nhưng rồi giải này lại lọt vào tay một người đàn bà Ba Tư từng tranh đấu cho nhân quyền. Cũng có danh nghĩa hẳn hòi đấy chứ. Nhiều người lấy làm tiếc. Nhưng một số người thì lại nhìn ra ngay những "bàn tay lông lá" trong một "gài game" mới có lợi cho một thế cờ.

Ở đây, "Những Cái Vỗ Tay Vô Thanh" phát ra từ những bàn tay của những người cùi trong nụ cười rạng rỡ được hơi ấm của con tim từ một người tình nguyện cùi là Đức Cha Cassaigne lặng lẽ trong thinh không ở Di Linh bên xứ Việt.

Những cái vỗ tay này tưởng rằng không có âm thanh, vì bàn tay đã bị bệnh cùi làm rơi rụng.

Nhưng chính cái vô thanh này lại tạo ra một siêu thanh như tiếng nổ big bang khởi nguyên vũ trụ từ hố đen mịt mù (black hole).

Chính những cái vỗ tay này đang làm lại nhân loại mới. Chính cái vô thanh này đã có lực tạo dựng một trái tim mới như của linh mục Nguyễn Viết Chung, của linh mục Damien bên đảo Molokai, của biết bao nữ tu vẫn âm thầm lặng lẽ vỗ tay tưởng chừng vô thanh.

Tôi xúc động vì đạo tôi đẹp quá, và vẫn còn đẹp hơn như thế đang khi nhiều phe phái tìm cách dìm xuống hay bôi bẩn mà chẳng được. Nguyễn Viết Chung là một Phật tử đã bị (được) những cái vỗ tay vô thanh này xuyên thủng trái tim, khiến đã trở thành con của Chúa, đã trở thành một linh mục, và cũng đã tập vỗ tay vô thanh phục vụ những người cùi.

Những cái vỗ tay vô thanh này đang làm rung lên trong tim nhiều người. trong tim tôi. Những đợt sóng mang lực thay đổi cả một đời người, như đã thay đổi một nữ tu đang dạy học tại một trường nữ con nhà giàu vào đêm mồng 5 tháng 9 năm 1946, khi thấy tận mắt những khổ đau quằn quại cuả bao người tại Calcutta, mà cũng là những oằn oại giữa hai bờ sinh tử của cả một kiếp người.

BIẾN CỐ XÁC NHẬN MỘT KHÁM PHÁ MỚI NHẤT

Chẳng phải đợi đến ngày giáo hội Công giáo phong chân phước, thế giới đang tìm nơi Mẹ Têrêsa một nhãn quan quá ư cần thiết cho thời điểm này, lúc mà nền văn hóa toàn cầu thống trị bằng sức ép của các phương tiện truyền thông một chiều trong bùa phép "trật tự mới" giết bớt chất người để tiến gần đến vực thẳm cầm thú.

Nhãn quan về khám phá lại lửa tình hơn là những đập đánh giành giật miếng ăn to bé bằng những danh nghĩa và chủ thuyết vĩ đại, hay những chèn cựa chỗ ngồi cao thấp ngay trong gia đình, ngay trong cộng đoàn. Truyện "Phượng Hoàng" của người Da Đỏ đã cho thấy cái rùng mình này, là chủng loại người đã quên mất bản tính để chỉ còn biết giành mồi và tranh gáy như mấy con gà ở vườn sau. Nhiều người nhìn dấu chỉ thời đại mà kinh hoàng với lời thơ của một tác giả nào đó (hình như của Bút Tre), mỉa mai về cái gọi là bước tiến hóa "chui ra - chui vào" tất yếu của lịch sử:

Bốn ngàn năm ta lại là ta.

Từ trong hốc đá chui ra,

Vươn vai mấy cái rồi ta chui vào.


Điều khủng khiếp nhất là cái loại sinh vật mang mặt người đang tự tiêu diệt bản chất người mà cứ tưởng đang trên đà bước tiến. Ðúng như cái nhìn và cái thấy của nhà khoa học và thần học Teihard de Chardin:

"Mấy ngàn năm trước đây, nhân loại lần đầu tiên khám phá ra lửa. Việc khám phá này đã cứu sống nhân loại khỏi bị tiêu diệt vì chết lạnh. Rồi một ngày kia, nhân loại sẽ khám phá ra lửa tình yêu. Lửa này sẽ cứu thoát con người khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn."

Chưa phải đợi đến ngày tận thế mà nhân loại đã tự huỷ diệt. Vậy là chủng loại người đang cần nhìn vào biến cố phong thánh như một thời điểm khám phá mới nhất tìm ra lửa để còn lý do tồn tại, tìm lại những cái vỗ tay vô thanh cho một cuộc tạo dựng mới.

THỜI ĐIỂM MẸ TÊRÊSA

Mẹ Têrêsa đã thể hiện nhãn quan này bằng những việc nhỏ bé xây lại được tình người, khám phá ra lửa tình. Bí quyết thật giản đơn mà cả mấy thế kỷ qua con người quên bẵng đi. Chính Mẹ Têrêsa đã “bật mí” con đường kỳ lạ nhưng lại đã nằm sẵn trong tầm tay mỗi người. Chỉ cần dám bắt đầu thôi.

“Khi có người bảo tôi rằng các chị dòng chẳng biết làm chuyện gì lớn lao cả, mà chỉ biết làm những chuyện âm thầm nhỏ bé thôi, thì tôi đã trả lời: ngay dù các chị chỉ giúp được một người thôi thì cũng được rồi; Chúa Giêsu sẵn sàng chết cho một người, cho một tội nhân cũng đủ.”

“Chúng tôi cảm thấy công việc chúng tôi đang làm chỉ là một giọt nước trong biển cả. Nhưng tôi nghĩ nếu giọt nước không có trong biển cả thì biển cả sẽ hụt đi vì thiếu một giọt nước đó. Tôi không thích cái kiểu làm chuyện lớn. Ðối với chúng tôi, điều quan trọng là từng người một. Ðể thương yêu một người thì cần phải đến gần người ấy được. Nếu chỉ chờ ở con số thì sẽ bị mất hút theo con số, và sẽ chẳng bao giờ diễn tả tình thương và kính trọng đối với người ấy được. Tôi chủ trương một người đến với một người; đối với tôi, mỗi một người đều là hiện thân Ðức Kitô, mà chỉ có một Chúa Giêsu thôi. Người đó phải là người duy nhất trên thế gian trong giây phút đó.”

“Các nữ tu Bác Ái chỉ làm những chuyện nhỏ bé ở New York: giúp đỡ trẻ em, thăm viếng người cô đơn, bệnh tật, những người bị bỏ rơi. Chúng tôi nhận ra rằng bị bỏ rơi là một bệnh kinh khủng nhất. Ðó mới là sự nghèo đói mà chúng tôi đang thấy quanh đây. Ở một trong những nhà mà các chị dòng thăm viếng, có một người đàn bà sống một mình mà chết nhiều ngày rồi người ta mới biết do mùi xác thối bốc ra. Dân chúng chung quanh không biết tên bà là gì."


VINH THĂNG CÁI NHỎ BÉ VÔ THANH

Biến cố Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5 tháng 9 năm 1997 tại Calcutta bên Ấn Ðộ đã làm cho cả thế giới xúc động. Một người đàn bà vừa nhỏ vừa thấp không tới 5' (tức chưa tới 1m50), với làn da nhăn nheo và bàn chân phải có sáu ngón, dáng người xem ra chẳng có gì hấp dẫn. Vậy mà con mắt thì sáng rực toát ra sức chinh phục và vẻ thu hút phát ra từ một tình thương yêu vô hạn.

Sức gì lạ vậy mà với hai bàn tay trắng có thể lập một dòng tu thu hút trên 4500 nữ tu phục vụ “những người nghèo nhất trong những người nghèo” trên khắp thế giới? Ðang khi nhiều dòng tu thiếu ơn gọi mà dòng của Mẹ càng ngày càng đông người bước theo.

Sức gì lạ vậy mà từ Ðức Thánh Cha cho đến những nhà lãnh đạo các quốc gia và các tôn giáo đều mến phục? Mẹ lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 1979, và bao nhiêu danh dự khác nữa, nhưng với lòng khiêm tốn thẳm sâu. Mẹ lãnh thay cho những người nghèo khổ mà thôi. Cả nước Ấn Ðộ đa số theo Ấn Ðộ giáo mà lại tổ chức quốc táng cho một người nữ tu Công Giáo với danh dự cao nhất thì kể cũng lạ thật. Trước Mẹ chỉ có một người duy nhất không có trong phẩm trật chính quyền được vinh dự này là ông Gandhi vào năm 1948. Lễ an táng vào sáng thứ bảy, 13 tháng 9. 1997 đã được tất cả những đài truyền hình lớn trên thế giới trực tiếp phát hình. Cả triệu triệu người theo dõi, ngưỡng mộ và tìm hiểu thêm về con người lạ lùng này. Mẹ có bí quyết gì khiến cho bất cứ ai đã gặp một lần rồi thì không thể nào đi con đường cũ được nữa. Mẹ thổi sinh khí tình yêu có sức thay đổi tất cả.

Chính công nương Diana của nước Anh chết trước Mẹ một tuần lễ cũng đã được Mẹ cảm hóa tìm được hướng sinh hoạt mới sau những quằn quại về gia đình với hoàng tử Charles. Công nương Diana là một tín đồ Anh giáo mà khi liệm xác đã cầm cỗ tràng hạt mân côi do Mẹ Têrêsa tặng trong một lần gặp gỡ.

HER ROYAL HIGHNESS: NỮ HOÀNG MUÔN CON TIM

Bên Âu Mỹ nhiều bà trong phong trào giải phóng phụ nữ đang tranh đấu cho quyền lợi đàn bà, không để đàn ông bắt nạt. Ðòi được quyền đi lính vào những trung tâm huấn luyện vốn chỉ dành cho đàn ông như Aberdeen ở Maryland để rồi lại sinh ra lắm chuyện lẩm cẩm trai gái lẫn lộn phải ra hầu tòa dài dài.

Ðòi được quyền làm linh mục chứ tại sao chỉ dành cho đàn ông thôi! Ðòi được quyền tự do chọn lựa (pro choice) phá thai, vì cho rằng thân xác là của mình thì mình có quyền quyết định chứ! Thôi thì cứ loạn cả lên. Chẳng biết đâu là quyền to đâu là nép vế nữa. Các bà cũng làm bác sĩ, giáo sư đại học, ra ứng cử làm nghị sĩ, dân biểu, thống đốc tiểu bang, nào có kém gì ai. Tiện đà thì tranh luôn ai hơn ai kém trong gia đình. Ai là người phải nấu cơm và rửa chén. Ðã có quyền cao quyền thấp thì cũng có việc sang việc hèn. Việc gì hèn thì bây giờ không thèm làm nữa, kể cả việc sinh con và nuôi con. Ðàn bà thích làm những việc đàn ông vốn làm. Cũng tại mọi người quan niệm đó mới là những việc lớn, và làm như vậy thì mới gọi là làm lớn.

Mẹ Têrêsa lại trở thành một dấu chỉ lật ngược, và mới đúng là thời điểm, là biểu tượng của một nền văn minh theo đúng nghĩa. Công nương Diana đã bước theo lối của Mẹ. Hai người đàn bà qua đời tiếp nhau trong vòng một tuần lễ đã đảo lộn quan niệm vốn chế ngự con người, đảo lộn mọi giá trị và mọi ước lệ về chỗ cao chỗ thấp, làm lớn làm nhỏ.

Thái độ xa cách và lạnh lùng của hoàng gia Anh đã khiến dân chúng phản ứng ngược lại. Và đó là thời điểm. Con người ngày nay chán cái vẻ cao cả làm ra vẻ quyền quí một cách gượng ép mất tình người. Và người ta bắt đầu đi tìm cái chân thật, từ những gì nhỏ bé xây dựng tình người hơn là dùng thế lấn lướt. Một bàn tay của công nương Diana vỗ về những đứa trẻ mồ côi, ấp ủ những đứa bé tàng tật, lăn lội nơi xóm thợ hầm mỏ nghèo túngà thì có giá trị hơn ngàn lần những huân tước cung vua. Nữ hoàng Elizabeth đã hủy bỏ tước hiệu “Her Royal Highness” của Diana, thì dân chúng đồng loạt tôn vinh Diana là nữ hoàng muôn con tim.

TIN VUI GỬI NHỮNG NGƯỜI VỖ TAY VÔ THANH (Chúa nhật 29B)

Sao mà trần tục thế? Mình có thể thốt lên như vậy khi thấy hai anh em Giacôbê và Gioan ỉ ôi xin xỏ hai chức lớn nhất trong hàng đạt đức. Để ý thêm thì thấy các môn đệ khác lấy làm bực tức khi biết chuyện chẳng ra làm sao này. Nhưng khi bực tức như vậy thì cũng có nghĩa là mấy ông này cũng ham cái chức đó mà có kẻ dám thì thọt đi chân trong toan sự chớp mất. Giáo dân họp diễn đàn cũng sẽ ngao ngán: Sao mà trần tục thế! Vì các tông đồ là những giám mục cả đấy chứ. Làm giám mục còn chưa đủ sao mà còn phải cần làm lớn hơn! Theo ngôn ngữ bây giờ thì một linh mục phải muốn thành đức ông; một giám mục phải muốn thành tổng giám mục hay hồng y.

Ấy, tôi phải đấm ngực ngay. Biết đâu khi tôi than lên như vậy một cách thê lương não nề là vì cái máu ham hố trong tôi nó đang cựa quậy. Có nghĩa là tôi cũng đang muốn làm lớn đấy mà chẳng được nên sinh ra cay cú hằn học như mười môn đệ kia đó thôi. Khi tôi đăng báo chúc mừng vị này vị kia được vinh thăng thì tôi cũng phải ý tứ lắm, vì có người có thể sẽ bảo vào mặt tôi: sao mà trần tục thế! Vì tôi rất có thể đang đi ngược Tin Mừng, thay vì vinh thăng những người bé nhỏ, những người âm thầm phục vụ mà không muốn ai biết tới. Georges Bernanos đã viết lên "Nhật Ký của Một Linh Mục Xứ Nhà Quê (The Diary of a Country Priest), "vinh thăng" những cái vỗ tay vô thanh này. Những cái vỗ tay có sức huyền nhiệm khiến mọi người biết ơn khi chạm tới. Đạo của chúng ta đẹp do những cái vỗ tay tưởng rằng vô danh này.

Khi thấy các môn đệ bực tức một cách trần tục với nhau về chỗ cao chỗ thấp, làm lớn làm nhỏ, Chúa Giêsu đã “bật mí” cho các ông một bí quyết xem ra rất ngược đời, nhưng đây mới thực là phương pháp hữu hiệu: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc mọi người.”

MỘT PHÚT TẬP VỖ TAY VÔ THANH

Mẹ Têrêsa đã thực hiện phương pháp của Chúa. Ðó là cách đắc nhân tâm số một khám phá ra lửa tình, xây lại được tình yêu. Và lạ thay, dưới mắt trần gian, Mẹ được danh dự nhất. Mẹ chỉ làm toàn chuyện nhỏ và muốn làm một người nhỏ nhất mà lại được coi là người lớn nhất. Ðây là điềm thời đại với Tin Vui đúng lúc. Và Mẹ muốn nhắn gửi từng người: hãy bắt đầu ngay hôm nay, thực hiện bí quyết này ngay trong gia đình mình, bằng một nụ cười yêu thương.

“Một số người tới Calcutta, rồi trước khi ra về đã xin tôi: “Xin nói cho chúng tôi một điều có thể giúp chúng tôi sống tốt hơn.” Và tôi đã nói: “Hãy mỉm cười với nhau; hãy mỉm cười với vợ mình, với chồng mình, với con cái mình, và mỉm cười với người khác, bất luận là ai. Ðiều đó sẽ giúp bạn thấy tình thương yêu lớn lên.”

Và họ còn hỏi tôi: “ Bà có chồng chưa?” Tôi trả lời: “Có rồi chứ, và tôi cũng cảm thấy đôi khi khó mà mỉm cười được với chồng tôi là Ðức Giêsu.” Mà thật vậy, Ðức Giêsu xem ra cũng rất khó nết, và khi Ngài khó nết thì chỉ cần tặng Ngài một nụ cười tươi thì cũng đẹp lắm rồi.”

Ðường lối của Mẹ rất đơn giản: Bắt đầu ngay đi. Từng việc một. Việc này rồi tới việc kia.

Bắt đầu từ gia đình, nói một lời dễ thương với con cái, với chồng, với vợ. Bắt đầu giúp đỡ một người trong cộng đoàn. Bắt đầu làm bất cứ việc gì, một việc gì đẹp cho Chúa. Làm việc đang làm với tâm hồn vui tươi. Người đang hấp hối dưới gầm cầu là chính Chúa Giêsu ẩn hình. Mỗi lần gặp Chúa Giêsu, hãy mỉm cười với Ngài.

Mẹ đã từng nói với các chị dòng: “Nếu chúng con không muốn mỉm cười với Chúa Giêsu, thì chỉ có cách gói đồ mà đi về thôi.”

Những vinh thăng theo kiểu trần tục đang nhạt nhòa cường lực. Niềm vui đang rạng lên trên mắt. Và trong tim tôi nghe rõ những tiếng vỗ tay vô thanh có sức lay động hồn tôi lúc này. Tôi bắt đầu cuộc đời mới bằng một nụ cười theo bí mật của Mẹ Têrêsa, tập tạo được những cái vỗ tay vô thanh.

e-mail: andytuong@cox.net