LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA
“MẸ VÀ ANH EM TÔI”
Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

Công Đồng Vaticanô II dạy chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria như là “họa ảnh” và “điểm mẫu” của Giáo Hội. Bởi lẽ, Mẹ vừa là mẫu gương tuyệt hảo, vừa là hoa quả đầu mùa của Giáo Hội. Nhưng thử hỏi, Đức Maria có thể là khuôn mẫu của Giáo Hội với tư cách là “Mẹ Thiên Chúa,” tước hiệu mà Mẹ được sùng kính đặc biệt trong ngày lễ hôm nay không? Chúng ta có thể trở thành những người mẹ của Chúa Kitô không?

Điều này rất có thể. Tuy nhiên, các Giáo Phụ Giáo Hội nhắc nhở rằng: nếu không có sự noi gương Đức Maria, thì tước hiệu này trở nên vô ích đối với chúng ta, bởi lẽ, “nếu Chúa Kitô tiếp tục giáng sinh nhiều lần từ cung lòng Đức Maria ở Bêlem, nhưng không một lần giáng sinh nhờ Đức tin trong tâm hồn tôi, thì điều đó có ích gì đối với tôi?”

Chính Chúa Giêsu là người đầu tiên áp dụng tước hiệu “Mẹ Chúa Kitô” cho Giáo Hội, khi Người tuyên bố: “Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta Đức Maria như là người tiên khởi của những người mẹ Chúa Kitô qua việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Tin Mừng thánh Luca mô tả về Mẹ với những lời rất ý nghĩa: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Làm sao một người có thể trở thành mẹ Chúa Kitô? Điều này được chính Chúa Giêsu trả lời: đó là lắng nghe Lời và đem ra thực hành.

Trên phương diện làm mẹ tự nhiên, ngoài dạng làm mẹ bình thường, có hai dạng làm mẹ “hụt” hoặc gián đoạn. Dạng thứ nhất là dạng mà mọi người chúng ta đều biết. Đó là trường hợp sẩy thai. Nghĩa là nó xảy ra khi một người phụ nữ đã thụ thai một mầm sống, nhưng không sinh con ra được, bởi vì, trong lúc mang thai do nguyên nhân bệnh tật, hoặc do vô ý, lỗi của mình hay của người khác, đã làm cho bào thai chết. Đây là dạng làm mẹ hụt.

Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết có một dạng làm mẹ khác, một cách trái ngược, là sinh con mà không cần thụ thai. Đó là trường hợp xảy ra khi một mầm sống được thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó được cấy vào trong dạ một người phụ nữ, rồi đứa con được sinh ra. Có những trường hợp còn tồi tệ hơn, đó là việc mang thai mướn, mang thai thuê, là nhờ người khác mang thai thay mình. Trong trường hợp này, đứa con mà người phụ nữ sinh ra không phải là con của họ và giữa họ không có tương quan mẹ con.

Trên phương diện tu đức, một cách tương tự, thật đáng buồn vì cũng có hai dạng làm mẹ Chúa Kitô như thế. Có những người cưu mang Chúa Giêsu nhưng lại không sinh Người ra. Đó là những người đã đón nhận Lời mà không có đem ra thực hành, không sống theo Lời Chúa dạy, giống như những người phá thai, họ không để cho Lời Chúa lớn lên và sinh hoa kết quả. Họ chỉ làm mẹ Chúa Kitô nửa chừng hay nửa vời; họ đối xử với Lời như là người soi gương, nhưng ngay sau đó, họ liền quên điều mình soi (x. Gc 1,23-24). Tóm lại, đây là những người có đức tin nhưng không có hành động.

Trái lại, có những người sinh hạ Chúa Kitô mà không “thụ thai” Người. Đó là những người làm nhiều việc lành, nhưng không phát xuất từ trái tim, từ lòng yêu mến Thiên Chúa hay với ý ngay lành, đúng hơn họ làm việc lành vì thói quen và hư danh, để vinh danh bản thân hoặc vì những lo lắng cá nhân... Tóm lại, đó là những người có hành động nhưng không có đức tin và lòng mến. Những người này thuộc dạng làm mẹ Chúa Kitô hụt hay gián đoạn!

Thánh Phanxicô Assisi giới thiệu cho chúng ta một dạng làm mẹ Chúa Kitô rất tích cực và đầy đủ, dạng này làm cho chúng ta nên giống với Đức Maria. Ngài nói: “Chúng ta là mẹ của Chúa Kitô, khi chúng ta mang Người trong trái tim và trong thân xác bằng lòng mến Chúa tha thiết với lương tâm trong sạch và chân thành; chúng ta sinh hạ Người qua những việc thánh thiện, chúng sẽ tỏa sáng như một mẫu gương trước mặt mọi người.”

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương ban sự bình an, xin cầu bầu cho thế giới và cho chúng con luôn được bình an trong năm mới này. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/