IV. Mất quyền sở hữu và Sứ mệnh Thế giới

Kitô hữu nên và không nên Phục vụ Thế giới ra sao?

Sự hiểu biết sâu sắc mà chúng ta có được khi suy gẫm về cốt lõi của việc Kitô hữu là ai hiện đang cho phép chúng ta giải quyết một cách tích cực những gì trước đó bị chỉ trích là xu hướng 4 chiều. Chúng ta thấy điều này đáng nghi ngờ, bao lâu nó không chịu xem xét trung tâm của việc Kitô hữu là ai, với giả định cho rằng nó đã được biết đến nhiều rồi, và thay vào đó, dành rất nhiều sự chú ý cho những điều ở ngoại vi, đôi khi theo cung cách muốn nói rằng người ta thích quên trung tâm hơn và thay thế nó bằng một điều khác thế ở ngoại vi, coi nó như một trung tâm mới.

Nhưng Lời Thiên Chúa chắc chắn lôi cuốn chúng ta và quá rõ ràng trong những gì nó tuyên bố đến nỗi bất cứ lúc nào nó cũng có thể chống lại những hỗn tạp đáng tiếc mà người ta muốn trộn lẫn nó vào. Không thể làm cho Kinh thánh nói rằng Kitô hữu trước hết là tôi tớ của cuộc cách mạng thế gian, sau đó mới là tôi tớ của Chúa Kitô (nghĩa là của sự tái lâm cánh chung của Chúa Kitô vào ngày sau hết). Người ta có thể vắt nước các bản văn bất cứ cách nào họ muốn, nhưng không một giọt biến hóa nào sẽ chảy ra; do đó, giả sử người ta không muốn quy toàn bộ mặc khải cho sự non nớt về văn hóa (1), thì điều còn lại là con người phải kết hợp Kinh thánh như một thời điểm quan trọng trong nền triết lý toàn diện về vũ trụ. Bằng cách đặt tên cho nền triết lý này là thần học (xem ở trên), và chỉ độc giả ngây thơ mới hiểu thần học có nghĩa là thần học Kitô giáo, cái trò ảo thuật đã thành công: thần học kinh thánh bị nhấn chìm như một “khoảnh khắc” vào và dưới nền thần học phổ quát (= thần học tự nhiên), chỉ để sống lại như là tụ điểm (pointe) cánh chung của nền triết lý này và như một điều phải chứng minh [quod erat demonstrandum] của Kitô giáo, điều này nhất thiết phải dưới hình thức Chúa Kitô vũ trụ, vinh quang về mặt thánh thể, nhưng với “thập giá không còn chướng ngại nữa” (Gl 5:11). Giờ đây, tất nhiên, mọi sự trở nên dễ dàng và thân thiện; Kitô hữu trước đây ngoan cố một cách ngu ngốc cuối cùng cũng vui vẻ cộng tác; con người hoan hô và khuyến khích sự tiến bộ của họ, chấp nhận họ một cách trân trọng vào giới những người quan tâm nghiêm túc đến tương lai vũ trụ.



Chính sự phù phiếm trên phải bị nghi ngờ đối với bất cứ ai đã từng suy gẫm về những gì Chúa Kitô nói với các môn đồ phải mong chờ. Và cũng không kém nghi ngờ như thế là thứ tổng hợp nhằm kết hợp Lời tối cao của Thiên Chúa như một khoảnh khắc mau qua trong chính nó. Sự tổng hợp này nhất thiết phải đạt được theo cung cách nó sử dụng tín lý Kitô giáo bao lâu tín lý này có thể được biến đổi thành một “đạo đức học thực chứng” [positive ethics] nhưng lại phớt lờ nó đến mức nó chống lại cách giải thích như vậy (2). Như thế là chính con người đã xét đoán Lời Thiên Chúa và bổ sung, bằng chính nguồn lực của mình, những phần không thể thiếu mà Lời Thiên Chúa không nói đến. Như một thành phẩm tạm thời, thủ tục này thuộc lịch sử đầy biến động của nền ngộ đạo [gnosis] Kitô giáo, một nền ngộ đạo, hết lần này đến lần khác, luôn muốn biến đức tin thành kiến thức, mặc khải thành triết học, việc tìm kiếm chân lý thành một điều đã được tìm thấy, và điều này làm mất uy tín của Kitô giáo hơn bất cứ điều gì khác. Vì chủ nghĩa vô thần ngày nay, đến một mức độ đáng kể, là phản ứng hợp lý chống lại thứ Kitô hữu điều gì cũng biết và biết quá nhiều; cả hai đều cùng nhau quên khuấy mất Thiên Chúa, theo cách hiểu Kitô giáo (3). Nền ngộ đạo Kitô giáo làm hỏng cả triết học lẫn thần học: nó triết lý sạch hết mặc khải kinh thánh bằng cách kết hợp Lời Thiên Chúa đầy phán xét nhưng cũng đầy cứu rỗi vào một hệ thống đơn giản hóa, trong khi nó thần lý sạch hết triết học bằng cách làm tê liệt thách thức cởi mở của lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại bằng ngôn ngữ lạc quan quá sớm của nó. Cả hai, phạm vi trần gian và Vương quốc Thiên Chúa, thiên nhiên và ân sủng, chỉ sở hữu phẩm giá riêng khi chúng tuân theo luật lệ của chính chúng và tuân giữ các quyền tự do phù hợp với chính chúng. Sự hội tụ của cả hai phạm vi (về một điểm Omega) sẽ không thể đạt được đối với con người bao lâu Thiên Chúa vẫn giữ quyền tự do của Người đến như một tên trộm trong đêm và nắm giữ quyền lực của Thập giá trong tầm kiểm soát của riêng Người.

Do đó, Kitô hữu cũng bị loại ra khỏi hình thức tổng hợp mà chúng ta gọi là “thuyết toàn diện” [integralism] vốn chỉ là ứng dụng thực tế của nền ngộ đạo được mô tả ở trên, tức, thuyết chủ trương sử dụng (trong khi quên mất Thiên Chúa) các phương tiện quyền lực có tính thế gian chuyên biệt để phát huy Vương quốc Thiên Chúa trên mặt đất. Ý hướng có thể chân thực, nhưng điều không chân thực là giả định ngây thơ về sự đồng nhất giữa Vương quốc Thiên Chúa và ảnh hưởng chính trị-văn hóa của Giáo hội, một điều sau đó trên thực tế được đánh đồng với ảnh hưởng mạnh mẽ của một nhóm “yên hùng Thổ” (Mamelukes) (*) mang danh Kitô giáo, luôn muốn khao khát chinh phục thế giới (4). Nhưng chúng ta đâu còn ở thời Trung cổ nữa, nên những đánh đồng giữa trời và đất ngây thơ như vậy nay đã đi vào lịch sử; mọi hình thức “tam điểm” của Kitô giáo hiện đại về lâu về dài sẽ khiến bản thân chúng bị nghi ngờ và ghét bỏ, bởi cả các Kitô hữu lẫn những người không phải là Kitô hữu. Bất cứ ai làm những việc như vậy đều không suy tư cách đúng đắn cả sự bất lực của Thập giá (mà lẽ ra họ phải công bố) lẫn quyền lực toàn năng của Thiên Chúa (Đấng mà họ tìm cách trợ giúp bằng quyền lực thế gian) hoặc các qui luật của quyền lực trần thế (điều họ áp dụng một cách ngây thơ và không phê phán). Các Kitô hữu chúng ta đang ở trong một vị trí không được bảo vệ nhiều hơn chúng ta muốn. Chúng ta bị hoàn toàn phơi bày, trong tư cách Kitô hữu, trước thế gian và qua Chúa Kitô trong thế gian. Chúng ta hân hoan rèn Giáo Hội thành lá chắn chống lại thế gian và sứ mệnh tạm thời của chúng ta thành lá chắn chống lại những lời nói và yêu cầu của Chúa Kitô. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Kitô từ chối thanh gươm thế gian của một Phêrô duy toàn diện, đứng về phía kẻ tấn công và chữa lành tai cho Malchus. Và ngay trong buổi tối hôm đó, thế gian bác bỏ các cách tiếp cận duy hợp tác của chính Phêrô và đặt ngài vào vị trí đúng đắn của ngài: “Chắc chắn anh cũng là một trong số họ, vì giọng nói của anh phản bội anh” (Mt 26:73). Từ cả hai phía, những nỗ lực đầy hoảng sợ nhằm tìm kiếm sự che chở đều bị bác bỏ, và Kitô hữu bị đưa trở lại tình trạng bị phơi bày, nơi họ phải “đứng vững” trong mọi điều hoàn hảo, không có gì ngoài “khiên mộc đức tin” và “mũ chiến là ơn cứu độ” và “cầm gươm của Thần Khí, là lời Thiên Chúa”, và “với mọi tiếng van nài và cầu nguyện” như vũ khí phòng thủ và tấn công của mình. Và, sau khi đã “thắt đai chân lý quanh eo [của mình]” và mình mặc “áo giáp là sự công chính”, chân đi giày là lòng “hăng say loan báo tin mừng bình an”, nói tóm lại, là bộ áo giáp đầy đủ (panoplia) của người Kitô hữu, nhờ đó họ “vững mạnh trong Chúa và trong sức mạnh của Người”, họ được trang bị đầy đủ “chống lại các vương quyền, chống lại các quyền lực, chống lại những kẻ thống trị thế gian trong bóng tối hiện nay” (Ep 6: 10– 18). Hoặc, như Chúa nói với Thánh Phaolô, sau khi ngài bị thiên thần của Satan đánh bại, “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh [thần linh] của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối [nhân bản của anh]” (2 Cr 12: 9).

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là Kitô hữu, khi bị phơi bày và chỉ khi bị phơi bày như thế, họ mới được Thiên Chúa bảo đảm từ trời bảo vệ, cả phòng thủ lẫn tấn công. Tuy nhiên, nếu họ trốn chạy và lấy sự bất khả che chở biểu kiến của Người làm chỗ trốn, thì sự bảo vệ này sẽ bỏ rơi họ. Việc bị phơi bày như vậy chắc chắn có nghĩa là, “yếu đuối, bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô” (2Cr 12:10); đây là một phần của việc tính toán, và quả thật, nó không gì khác hơn là một dấu hiệu để người Kitô hữu nhận ra tình huống trong đó họ không có gì phải sợ hãi. Hãy để quả lắc ổn định của Mátthêu 10, về việc sai các môn đệ ra đi, từ từ tác động lên chúng ta:

“Này, ta sai các con ra đi như cừu ở giữa bầy sói; vì vậy hãy khôn ngoan... và vô tội... Hãy coi chừng người đời; vì họ sẽ trao nộp các con... và đánh đòn các con... Đừng lo lắng về việc các con sẽ nói như thế nào hoặc các con sẽ nói gì; vì những gì các con muốn nói sẽ được ban cho các con... Không phải các con nói, nhưng Thần Trí Chúa Cha các con nói qua các con... các con sẽ bị ghét bỏ bởi mọi người vì Thầy... Người đệ tử giống như thầy của mình đã khá lắm rồi... Vì vậy, đừng sợ họ... Những gì các con nghe rỉ tai, hãy công bố trên nóc nhà. Và đừng sợ những kẻ giết được thể xác nhưng không giết được linh hồn... Đừng nghĩ rằng Thầy đến để mang lại hòa bình trên trái đất... Thầy đến để đặt con trai chống lại cha mình, và con gái chống lại mẹ mình.... Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, ai vì cớ Thầy mà mất mạng sống mình thì sẽ tìm thấy nó”.

Chỉ trong trận chiến giữa Thiên Chúa và thế gian, hòa bình mới được tìm thấy; chỉ khi Kitô hữu trở thành bất lực thì họ mới được cứu bởi sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa. Hoặc, như chúng ta đã nhận ra trên đây, sự giàu có của Thiên Chúa chỉ dành cho những người nghèo chân chính, thực sự nghèo khó.

Liệu một ngôi nhà giữa đàng như vậy có thể chịu đựng được không? Nó có thực sự đáng sống về lâu về dài hay không? Há nó không dẫn đến một chứng tâm thần phân liệt trong ý thức của chúng ta, vốn tìm cách hợp nhất hai nhân cách khác nhau trong chính nó đó sao? Cuối cùng há nó không góp phần gây bất lợi cho cả vương quốc này và vương quốc kia hay sao? Và há đó không phải là nỗ lực muốn đào thoát vào một trong hai lãnh vực này, một điều duy nhất người ta thường có thể mong đợi ở bất cứ ai bị đặt trong thế bế tắc như vậy hay sao?

Bất chấp mọi điều, một cam kết đơn nhất

Trước khi đưa ra một câu trả lời quyết định, tất nhiên chúng ta không nên quên rằng ngay cả con người tự nhiên, bao lâu họ còn là một tinh thần, cũng vẫn vượt quá thế giới khép kín và có quan điểm “bình thường” giữa thể tương đối và thể tuyệt đối, giữa thế giới và Thiên Chúa, như mọi tôn giáo và triết học của các dân tộc đều đã luôn luôn biết. Nếu nhân loại hiện đại đã quên đi sự thật khá sơ đẳng này, hoặc cố gắng quên đi nó, vì “thực tại trần gian”, thì đây là một bước thụt lùi trong tri thức nhân bản và là bằng chứng cho sự nghèo nàn của thế giới ngày nay. Người ta có thể sử dụng các cụm từ cầu khẩn, bất luận theo nghĩa nhân bản hay theo nghĩa Kitô giáo, chẳng hạn như “Hãy chân thực với trái đất!” Tuy nhiên, một lời kêu gọi như vậy chỉ có thể là của một người luôn có quyền tự do nâng mình lên trên trái đất, để cai trị nó từ trên cao với tư cách là "vua của sáng thế". Hơn nữa, việc khai thác trái đất và thế giới một cách tàn nhẫn trong thời đại kỹ thuật này là một cách rất có vấn đề để chân thực với trái đất. Điều này chỉ được coi như một quan sát sơ bộ.

Nhưng bây giờ đối với Kitô hữu. Nơi họ, sự căng thẳng nói chung giữa tự nhiên và tinh thần được nêu lên rõ ràng hơn nữa. Họ hoàn toàn bị “nhổ rễ” khỏi “thiên nhiên”, đúng hơn, khỏi “thế gian” nói chung; do đó họ được đưa trở lại thế giới nói chung một cách triệt để hơn. Một đàng, chúng ta có câu: “trong thế giới nhưng không thuộc về thế giới”; đàng khác: "Hãy đi vào khắp nơi trên thế gian" “đi vào” có nghĩa là thực sự bước vào bên trong, chứ không phải chỉ là đến gần với thế giới. Quả lắc bây giờ lắc xa hơn và với một sức mạnh lớn hơn.

Trên đây, chúng ta đã tìm và đã thấy một điểm thống nhất dường như bất khả giữa hành động độc nhất vô nhị của Thiên Chúa làm người và hành động của chính chúng ta muốn bắt chước Người. Điểm này là sự thuận ý đối với Thiên Chúa hiểu như là sự sẵn sàng tuyệt đối có đó, như là sự vâng lời đầy yêu thương. Tương tự như vậy, há chúng ta lại không thể tìm được một điểm tương ứng để từ đó nhiệm vụ của chúng ta, cả như một người trong thế giới lẫn như là một Kitô hữu (trong và với Giáo hội), có thể bắt đầu một cách thống nhất hay sao? Điều này chắc chắn sẽ khả hữu nếu, trong mạc khải của Người, Thiên Chúa coi trọng tạo vật của Người và do đó, trong mọi sự thăng hoa, mọi sự mở rộng, mọi sự bề ngoài có vẻ quá đòi hỏi không đè bẹp nhưng hoàn thiện nó. Cả hai điều chắc chắn phải tìm được sự biện minh của chúng từ cùng một quan điểm về nhận thức đạo đức (nếu không, chúng không thể được biện minh chút nào), và điểm đơn nhất này không thể khác với điểm mà chúng ta đã tìm thấy, đó là sự thuận ý về tính sẵn sàng có đó [availability].

Trước hết, sự thống nhất này thực ra không khó hiểu. Kitô hữu nói lời XinVâng với Thiên Chúa và do đó nhận sứ mệnh của mình đối với loài người. Và người sống trong thế gian nói Xin Vâng với nhiệm vụ thực tế của họ trong thế gian, trong gia đình, nhà nước, xã hội, và theo mức độ họ phục vụ, họ cũng là một thành viên hữu ích. Trong cả hai lĩnh vực này, có một điều kiện tiên quyết đối với sự sẵn sàng có đó này, nghĩa là ở đây, người Kitô hữu, ở kia đồng loại nhân bản, đều đã thực hiện một hành vi đồng nhất hóa tự do, có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình. Một hành vi sẵn lòng phục vụ, vốn bao gồm cả việc bác bỏ tính ích kỷ. Đối với Kitô hữu, hành vi này phải triệt để và nhất quán; nếu không, họ sẽ không thực sự là một tín hữu. Đối với người đang phục vụ trong thế giới trần tục, hành vi ấy cũng phải triệt để, trong trường hợp này, họ sẽ hiểu cuộc sống của họ là một trong những sự phục vụ toàn vẹn, và chút ít mà họ thực sự có thể đóng góp cho toàn bộ sẽ là biểu hiện của việc sẵn lòng trọn vẹn này. Tuy nhiên, đối với nhiều người, cam kết này vẫn chỉ phiến diện. Thí dụ, họ chỉ làm việc để kiếm tiền và trong những khoảng thời gian giữa giờ làm việc, họ có một cuộc sống hưởng thụ ích kỷ. Hoặc, trong mối liên hệ với phụ nữ, trong hay ngoài hôn nhân, trước hết họ chỉ tìm kiếm khoái cảm cho riêng mình, dù họ có thừa nhận hay không, dù họ có coi đó là bình thường hay không. Không cần phải có ơn gọi đặc biệt mới hiểu rằng lòng vị tha của tín hữu, như một hữu thể nhân bản đạo đức, không phải là việc đánh mất bản ngã hay xa lánh bản ngã hay thậm chí là trốn tránh bản ngã (một điều dĩ nhiên có đó, và Max Scheler từng vạch mặt và chỉ trích trong “Sympathiegefühlen” [Thiện cảm]) của mình, nhưng đúng hơn cả hai cùng giả định việc chiêm niệm trong im lặng và bí mật, và, ít nhất, trong trường hợp tín hữu, là cầu nguyện. Nhưng nhịp điệu giữa thu thập và phân tán có hướng căn bản của nó trong việc hiến thân - người yêu phải là một chiếc giếng sâu để có thể múc nước từ chính mình.

Và vì nguồn mạch sâu nhất, bất tận nhất, và cũng được múc đến sâu xa nhất, là Chúa Kitô, và vì tín hữu Kitô lấy nguyên mẫu này làm hình mẫu của mình, nên giờ đây không có lý do gì để tương phản sự tận hiến của chúng ta như một Kitô hữu với sự tận hiến của người một thành viên khác của nhân loại. Trong cả hai lĩnh vực, lòng vị tha, sự sẵn sàng cho đi, giả thiết rằng người này có điều gì đó để cho đi, rằng họ đang làm việc chăm chỉ và hiểu biết lĩnh vực trần thế, do đó họ thể hiện mối quan tâm quyết định trong lĩnh vực phục vụ đặc thù của mình để duy trì lòng siêng năng như thế, rằng họ thích thú trong công việc mình làm, bất kể đó là một nghề được kính trọng như nghề nghiên cứu trí thức, hay không hấp dẫn, chẳng hạn như công việc của nhà máy cơ khí, một công việc thậm chí có thể được máy móc đảm nhiệm và thực hiện nhanh chóng hơn. Miễn là và bao lâu còn là một công việc phục vụ, thì điều này đòi hỏi độ chính xác khi thực hiện, một điều chỉ có thể mong đợi nơi một người làm việc tận tâm. Người đầy tớ trong dụ ngôn “trung thành với điều nhỏ mọn” nhưng phần thưởng “được đền đáp hơn nhiều”. Phần lớn người ta chỉ có thể thực hiện việc phục vụ trong đời họ như một bánh răng nhỏ trong cỗ máy khổng lồ chế tạo sẵn, mà việc thay thế những bánh răng hỏng bằng những bánh răng khác cũng chạy ngon lành là một vấn đề dễ dàng. Tuy nhiên, mọi người phục vụ đều là một hữu thể nhân bản độc đáo, và tình yêu trong trái tim họ là điều không thể thay thế. Họ đổ tình yêu bản vị của họ vào cái toàn thể vô danh vĩ đại, và việc tự hiến như vậy, khi được thực hiện với sự hiểu biết có ý thức, gần giống như một cái chết. Một cái chết hy sinh. Người ta không thể chê trách con người đáng thương đã cùng một lúc hy sinh điều gì đó để vui chơi và giải trí hoặc để nuôi dưỡng hy vọng và thậm chí cả sự chắc chắn rằng toàn thế giới đang tiến tới một tương lai có ý nghĩa và gợn sóng nhỏ mà từ lâu họ vốn bị nhận chìm trong làn nước lũ vô danh, cuối cùng đã đến yên nghỉ trong một đại dương vô biên nào đó. Dù sao, con người trần thế đơn giản không thể biết bất cứ điều gì khác, giả sử họ không tham gia vào một kế sách ngây thơ nào đó cho tương lai, và điều nhỏ nhoi này khiến họ giải thích và hiến mạng sống mình như một của lễ hiến sinh.

Liệu họ có thực hiện hành vi tự hiến này trong thực tế hay không phải là điều chúng ta cần phải hỏi ở đây; điều quan trọng là nó có thể được thực hiện bởi người Kitô hữu trong lĩnh vực thế tục và nó đã nằm trong dòng ý nghĩa khách quan của cuộc sống, tuy hữu hạn, nhưng như tinh thần, vượt quá điều hữu hạn. Nói cách khác, người rút tỉa được nhiều nhất từ cuộc sống của mình là người cam kết nó một cách trọn vẹn nhất có thể cho một mục đích hữu hạn xem ra đáng giá đối với họ. Không tận tâm với công việc, là không có cam kết hoàn toàn, và ngược lại. Vì vậy, cuối cùng, sự tận tâm không thể bị từ bỏ để đổi lấy hiệu suất. Trong cam kết này, vai trò tham vọng, ý chí quyền lực, giành chiến thắng, nay không còn có tầm quan trọng quyết định nữa. Có một tham vọng tốt để thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo nhất có thể: một tham vọng, có thể nói, được khách quan hóa trong sự việc, và trước hết, việc phân biệt điều gì thúc đẩy nó từ một ý chí bị điều kiện hóa một cách chủ quan thành một ý chí phục vụ khách quan và thực tiễn để phục vụ không phải là việc của luân lý Kitô giáo, mà là việc của luân lý tự nhiên thậm chí còn trước đó nữa.

Giờ đây, nhiều người sẽ phản đối cho rằng Kitô hữu không có khả năng dấn thân trọn vẹn như thế vào những điều trần thế bởi vì đầu và trái tim của họ để cả ở nơi khác (“kho tàng của bạn ở đâu thì trái tim bạn cũng ở đó”), nghĩa là ở cuộc sống vĩnh cửu sắp tới. Người ta nói rằng cuộc sống trần thế đối với họ không hơn gì một nơi cư trú tạm thời, nơi không đáng để họ nán lại, nhìn xung quanh hay định cư, chứ đừng nói đến việc xây dựng. Đó có lẽ là lý do tại sao các Kitô hữu luôn luôn phân tâm, không bao giờ thực sự chú ý đến nó, khi nói đến việc xây dựng tương lai trần thế. Để đáp lại, trước hết, người ta có thể hỏi, hoàn toàn theo kinh nghiệm, ai là những người đã xây dựng nền văn hóa phương Tây, nếu không phải gần như chỉ là các Kitô hữu? Nếu họ không có ý thức về các giá trị trần thế, thì làm sao họ có thể tạo ra những chiếc bình đầy tính tượng trưng như vậy để mô tả thể siêu việt, vĩnh cửu? Mà ngay cả về nguyên tắc, há người đầy tớ và quản gia trong Tin Mừng đã không được kêu gọi, đừng chôn vùi nén bạc của mình, nhưng phải sinh lời cho nó đó sao? Nói cách khác, phải thu được lợi nhuận tối đa từ nguồn tiền mặt mong manh trong những năm ngắn ngủi trên trần thế của họ hay sao? Há người Kitô hữu không biết, có khi tốt hơn những người khác, cuộc sống duy nhất trên trái đất này có giá trị gì; biết đào bới cánh đồng này, nơi chứa đựng một kho báu vĩnh cửu trong những tầng sâu của nó, những kho báu đáng bán mọi thứ để đầu tư đó sao? Chắc chắn, chúng ta được khuyên rằng: “Đừng tích trữ của cải trên đất, nơi sâu mọt và rỉ sét làm hư hao và kẻ trộm đột nhập và đánh cắp” (Mt 6:19). Nhưng người muốn phục vụ và cho đi không tìm cách thu vén cho riêng mình; kho báu của họ nằm trong nhiệm vụ của họ, và do đó trái tim họ cũng vậy. Giáo huấn Kitô giáo làm sâu sắc thêm khả thể hiến mạng sống mình trong một nhiệm vụ như vậy, và gần như là vô hạn, vì không phải chỉ là hoạt động bên ngoài mà còn là ý hướng bên trong, ý muốn hiến dâng chính mình, trên hết, là sự đau khổ khi người ta không còn thực hiện được bất cứ nhiệm vụ tích cực nào nữa, mới được thu hút vào công việc, vào tính sinh hoa kết trái của nó.

Và điều mà chúng ta gọi là niềm hy vọng Kitô giáo không phải là sự gián đoạn mà là sự đào sâu và tăng cường vô hạn của niềm hy vọng mù mờ đó của cá nhân rằng sự hiện hữu trên trần thế của họ không hoàn toàn là vô nghĩa và vô ích. Cá nhân muốn đóng góp vào việc xây dựng vương quốc nhân bản; người Kitô hữu muốn đóng góp một phần nhỏ vào Nước Thiên Chúa trên trần gian và lãnh vực nhân bản. Họ duy trì niềm hy vọng “không làm thất vọng”, niềm hy vọng rằng ngay cả những gì theo ngôn ngữ trần thế vốn bị coi như vô dụng vẫn có thể không phải là không đáng được ghi vào sách sự sống và sinh hoa trái. Do đó, trong một thời đại mà lúc này đây chỉ tri nhận và theo đuổi sự tiến bộ hầu như chuyên nhất có tính kỹ thuật và cơ khí, họ trở thành người gìn giữ ý niệm sâu sắc hơn về tiến bộ bằng cách không trở thành nạn nhân của ảo tưởng cho rằng sự việc chỉ chuyển động khi thành công có thể được ghi lại bằng con số. Tuy nhiên, họ cũng sẽ cảm thấy được kêu gọi phải đau khổ tính sổ các thất bại và bỏ sót của mình, vì đã không tạo ra sự khác biệt chính ở nơi, họ phải khẩn trương làm như vậy, trong tư cách một Kitô hữu, và vì sự kiện này là những người khác đã tiếp thu các nhiệm vụ của họ thay thế họ, thường trong thế đối lập với họ, và xử lý chúng theo cung cách kỹ thuật, máy móc, duy vật chất.

Kitô hữu mọi thời nên làm gương về việc tự truất hữu (self-expropriation), vì Tin Mừng đã bắt đầu bằng chính hành vi này. Giờ đây, những người khác đã chịu trách nhiệm về hành vi này và đang điều khiển các biến cố theo cung cách chúng xẩy ra cách tất yếu. Kitô hữu nên tham gia vào diễn trình này theo cung cách khi nó đang diễn ra, họ có thể cứu được sự tự do của nó trong chừng mực có thể làm được. Sau đó, có lẽ cũng có thể trở thành hiển nhiên đối với mọi người là chỉ có một hình thức dấn thân thực sự, dấn thân cho anh em của chúng ta, cho thế giới. Đó là sự dấn thân của Thiên Chúa, Đấng đã ban Con của Người vì lợi ích của thế gian; đó là sự dấn thân của Chúa Kitô, Đấng có thể hy sinh mạng sống của mình và (cùng với những người được cứu chuộc) lấy lại nó; đó là sự dấn thân của các Kitô hữu khi nói Xin Vâng với Chúa; sự dấn thân của người mà người anh em của họ đáng giá hơn chính họ.

________________________________________

(*) Một thành viên của chế độ xuất thân từ các nô lệ Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ và Circassian từng cai trị Syria (1260-1516) và Ai Cập (1250-1517) và tiếp tục như một đẳng cấp cai trị quân sự tại Ai Cập Ottoman cho đến khi bị tàn sát bởi phó vương Muhammad Ali vào năm 1811.

Kỳ sau: Chương Bốn Một Giáo hội Hèn mọn